Bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc cảnh quan làng nghề truyền thống Hà Nội phục vụ phát triển du lịch (16:46 19/06/2018)

Mã số 01C-04/01-2013-2

Cấp quản lý Thành phố
Đơn vị chủ trì Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây dựng
Thời gian thực hiện Năm 2013

Nội dung:

Mục tiêu:
- Đánh giá thực trạng không gian kiến trúc cảnh quan các làng nghề truyền thống Hà Nội.
- Xác định các cơ sở khoa học, thực tiễn về bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc cảnh quan làng nghề truyền thống Hà Nội phục vụ phát triển du lịch.
- Đề xuất giải pháp quy hoạch kiến trúc và quản lý bảo tồn, phát huy giá trị không gian kiến trúc cảnh quan làng nghề truyền thống Hà Nội phục vụ phát triển du lịch.


Nội dung nghiên cứu:
- Thực trạng về không gian kiến trúc cảnh quan các làng nghề truyền thống Hà Nội
+ Tổng quan chung về các làng nghề truyền thống Hà Nội. Ảnh hưởng quá trình đô thị hóa đến biến đổi không gian kiến trúc cảnh quan làng nghề truyền thống Hà Nội.
+ Thực trạng công tác quản lý kiến trúc cảnh quan, kiểm soát quy hoạch – kiến trúc, bảo tồn di tích cảnh quan, quản lý môi trường làng nghề truyền thống Hà Nội.
+ Thực trạng công tác khai thác kiến trúc cảnh quan phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống Hà Nội gồm: tiềm năng và kế hoạch khai thác; công tác quản lý phát triển du lịch; quyền chủ động người dân phát triển du lịch; cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch; quảng bá, đào tạo du lịch; tổ chức các tuyến tham quan; sản phầm nghề.


- Cơ sở khoa học và thực tiễn bảo tồn phát huy giá trị không gian kiến trúc cảnh quan làng nghề truyền thống Hà Nội.
+ Giá trị không gian kiến trúc cảnh quan làng nghề truyền thống và các yếu tố tạo nên giá trị không gian kiến trúc cảnh quan.
+ Yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị  không gian kiến trúc cảnh quan làng nghề truyền thống.
+ Kinh nghiệm quốc tế trong công tác bảo tồn và khai thác kiến trúc cảnh quan làng nghề truyền thống.
+ Thành công và bài học của các địa phương trong công tác bảo tồn khai thác kiến trúc cảnh quan làng nghề truyền thống.
+ Cơ sở pháp lý công tác bảo tồn kiến trúc cảnh quan, phát triển du lịch làng nghề truyền thống.
+ Xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá giá trị không gian kiến trúc cảnh quan làng nghề truyền thống Hà Nội.
+ Đánh giá giá trị không gian kiến trúc cảnh quan lảng nghề truyền thống Hà Nội.
- Đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc cảnh quan làng nghề truyền thống Hà Nội phục vụ phát triển du lịch.
+ Mục tiêu, quan điểm, định hướng giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc cảnh quan làng nghề truyền thống Hà Nội phục vụ phát triển du lịch.
+ Giải pháp quy hoạch bảo tồn không gian kiến trúc cảnh quan làng nghề truyền thống.
+ Giải pháp bảo tồn đối với từng yếu tố kiến trúc cảnh quan gồm: công trình văn hóa lịch sử, nhà ở kết hợp với sản sản xuất nghề truyền thống, các yếu tố kiến trúc cảnh quan khác và bảo tồn văn hóa phi vật thể.
+ Giải pháp xây dựng các công trình phục vụ du lịch, tổ chức thăm quan.
+ Giải pháp xây dựng hạ tầng và xử lý môi trường.
+ Giải pháp về vai trò của cộng đồng, đảm bảo hài hòa lợi ích của xã hội và cuộc sống của người dân.
+ Giải pháp phát triển du lịch tham quan làng nghề truyền thống ở Thành phố Hà Nội.
- Giải pháp thí điểm áp dụng cho làng nón Chuông, Thanh Oai, Hà Nội.
+ Đánh giá hiện trạng không gian kiến trúc cảnh quan, nguyên tắc bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc cảnh quan phục vụ phát triển du lịch làng Chuông.
+ Giải pháp quy hoạch kiến trúc bảo tồn phát huy giá trị làng nghề truyền thống làng nón Chuông gắn với phát triển du lịch làng.
+ Giải pháp quản lý xây dựng, phát huy vai trò cộng đồng dân cư tham gia công tác bảo tồn kiến trúc cảnh quan và phát triển du lịch làng Chuông.


Sản phẩm của đề tài:
1. Về cơ sở khoa học và thực tiễn bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc cảnh quan làng nghề truyền thống Hà Nội.
- Giá trị không gian kiến trúc cảnh quan làng nghề truyền thống bao gồm: giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật, giá trị văn hóa xã hội, giá trị khoa học, giá trị biểu trưng và giá trị khai thác sử dụng.
- Yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc cảnh quan làng nghề truyền thống trên cơ sở bảo tồn các yếu tố tạo nên giá trị kiến trúc cảnh quan, đảm bảo các đặc trưng di sản văn hóa làng theo nguyên tắc “di sản phải sống, tồn tại tự nhiên”. Thiết lập các tuyến tham quan, xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch, tạo sự hấp dẫn, tâm lý thoải mái, làm cho du khách cảm nhận đầy đủ giá trị kiến trúc cảnh quan làng nghề truyền thống.
- Kinh nghiệm quốc tế trong công tác bảo tồn và khai thác kiến trúc ảnh quan làng nghề truyền thống cho thấy: quản lý và bảo tồn di sản bằng hệ thống pháp lý đầy đủ, chặt chẽ; quản lý và bảo tồn di sản phải đi đối với nhau; trao quyền chủ động tổ chức khai thác du lịch cho cộng đồng và xây dựng đồng bộ hợp lý các nội dung phát triển du lịch.
- Thành công và bài học kinh nghiệm từ các làng nghề truyền thống nổi tiếng như: làng cổ Phước Tích (Thừa Thiên Huế), làng gồm Bát Tràng (Hà Nội).
- Hệ thống tiêu chí đề xuất đánh giá giá trị không gian kiến trúc cảnh quan làng nghề truyền thống bao gồm; cấu trúc tổng thể; không gian ở - sản xuất nghề; không gian tôn giáo – tín ngưỡng; cảnh quan đặc trưng; văn hóa phi vật thể; môi trường và hạ tầng.


2. Về thực trạng kiến trúc cảnh quan làng nghề truyền thống Hà Nội
Ảnh hưởng quá trình đô thị hóa tạo nên xu hướng và hình thức biến đổi cấu trúc không gian làng nghề, thay đổi cách tổ chức không gian trong nhà ở và hình thức kiến trúc.


Các làng nghề hiện nay vẫn giữ được bố cục mặt bằng tổng thể truyền thống làng Bắc Bộ nhưng có mật độ xây dựng cao, nhà cửa xây dựng san sát dọc tuyến phố làng, khai thác hết các phần đất công cộng của làng, xây dựng nhà ở bám theo các tuyến đường làng, ngõ xóm. Còn rất ít những ngôi nhà cổ truyền thống. Số hộ còn làm nghề truyền thống không nhiều. Sản xuất nghề truyền thống vẫn giữ được  mô hình sản xuất gia đình, dây chuyền và công nghệ sản xuất truyền thống. Đình, chùa, miếu, nhà thờ họ … phân bố rải rác trong làng hoặc tập trung thành trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng. Các làng vẫn giữ được ít nhiều cảnh quan đặc trưng (cây đa cổng làng, ao làng, giếng làng, đường làng, ngõ xóm, không gian sản xuất nghề…). Các lễ hội văn hóa lịch sử và nghề truyền thống vấn được duy trì.


Tuy nhiên công tác quản lý kiến trúc cảnh quan làng nghề truyền thống còn nhiều bất cập, chưa đi vào thực tiễn. Hoạt động khai thác kiến trúc cảnh quan phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống chưa tương xứng với tiềm năng. Đầu tư hạ tầng còn rất hạn chế.


3. Về giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc cảnh quan phục vụ phát triển du lịch làng nghề truyền thống, đề tài đã đề xuất các giải pháp về quy hoạch kiến trúc và quản lý xây dựng gồm:
- Giải pháp quy hoạch bảo tồn. Chia làm 2 trường hợp, xác định trên cơ sở mức độ bảo tồn:
+ Đối với các làng phạm vi bảo tồn là các khu vực trong làng như: khu trung tâm văn hóa lịch sử, khu nhà ở - sản xuất nghề truyền thống… thì phân chia bố trí các khu vực: khu vực bảo tồn trung tâm văn hóa lịch sử, khu vực bảo tồn nhà ở - sản xuất nghề truyền thống, các khu ở còn lại trong làng, hệ thống hồ ao, sân bãi, không gian thoáng trong làng, khu vực làng mở rộng…
+ Đối với các làng phạm vi bảo tồn là toàn bộ làng cũ hiện hữu thì tiến hành thiết lập 3 khu vực gồm: khu vực bảo tồn – phạm vi làng cũ; vùng đệm và khu vực quy hoạch phát triển mới.
- Giải pháp bảo tồn đối với từng yếu tố kiến trúc cảnh quan; các công trình văn hóa lịch sử, các yếu tố văn hóa phi vật thể và các yếu tố kiến trúc cảnh quan khác.
- Giải pháp xây dựng các công trình phục vụ du lịch, tổ chức tham quan:
+ Thiết lập cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch: bãi xe, nơi đón tiếp, chợ làng, bảo tàng hoặc nhà trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm làng nghề, trung thâm thủ công mỹ nghệ, công viên cây xanh, quảng trường phục vụ thư giãn, vui chơi, giải trí, Ngoài ra có thể khai thác không gian các công trình văn hóa lịch sử, nhà ở truyền thống cho các hoạt động du lịch.
+ Thiết lập các tuyến thăm quan: khai thác cảnh quan cho du lịch tham quan gồm 2 phần: cảnh quan tổng thể (không gian xung quanh, đường giao thông chung, quanh cơ sở sản xuất, khu trung tâm văn hóa lịch sử) và cảnh quan cụ thể (từng di tích lịch sử, từng công trình văn hóa, từng ngôi nhà, từng cơ sở sản xuất).
- Giải pháp xây dựng hạ tầng và xử lý môi trường: phân biệt giao thông đối ngoại và giao thông nội bộ. Hệ thống kỹ thuật tính toán phục vụ cho nhu cầu cuộc sống mới hiện đại. Xử lý môi trường lưu ý về tổ chức không gian cây xanh, môi trường và xử lý chất thải môi trường.
- Giải pháp về hoàn thiện cơ chế chính sách, các quy định nhà nước đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc cảnh quan làng nghề truyền thống: nâng cao nhận thức người dân về bảo tồn và phát triển du lịch. Nâng cao trình độ cán bộ quản lý xây dựng. Hoàn thiện các cơ chế chính sách và quy định về giãn dân làng nghề như chính sách di dời, mua đất, xây nhà… Hoàn thiện hệ thống các quy định và thủ tục trong cấp phép xây dựng. Hoàn thiện bổ sung chi tiết hóa hệ thống các quy định và hướng dẫn về quản lý xây dựng.


4. Đề tài đã tiến hành xây dựng thực nghiệm đề án bảo tồn đối với làng nón Chuông, Thanh Oai, Hà Nội. Trên cơ sở đánh giá hiện trạng không gian kiến trúc cảnh quan, nguyên tắc bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc cảnh quan phục vụ phát triển du lịch, đề tài đã đề xuất các giải pháp sau:
- Giải pháp quy hoạch kiến trúc:
+ Quy hoạch bảo tồn 3 khu vực gồm: khu vực bảo tồn, vùng đệm và khu vực phát triển và đề xuất các nguyên tắc đồi với từng khu vực.
+ Quy hoạch phát huy giá trị kiến trúc cảnh quan phục vụ phát triển du lịch: khu vực trung tâm văn hóa truyền thống, khu vực trung tâm sản xuất tiểu thủ công nghiệp và bảo tàng làng nghề, thiết lập cơ sở dịch vụ du lịch và quy hoạch các tuyến tham quan.
+ Giải pháp quản lý xây dựng, cải tạo các công trình kiến trúc. Quy mô, tổ chức không gian, hình thức kiến trúc đối với nhà ở các khu vực, cổng làng, trung tâm thông tin và tiếp đón khách du lịch, bảo tàng làng nghề, chợ trung tâm.
- Giải pháp quản lý xây dựng và phát huy vai trò cộng đồng. Đề xuất quy chế quản lý xây dựng làng Chuông liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc cảnh quan.


Phạm vi ứng dụng:
- Địa chỉ ứng dụng kết quả: làng nón Chuông, Thanh Oai, Hà Nội và các làng nghề truyền thống của Hà Nội.
- Các lĩnh vực có thể ứng dụng: quy hoạch, kiến trúc, du lịch, phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới.