Nghiên cứu phát triển công nghệ sử dụng thảm khô dưới rừng trồng thông (17:09 05/10/2017)

Mã số 01C-05/01-2015-2

Cấp quản lý Thành phố
Đơn vị chủ trì Viện Sinh thái rừng và Môi trường
Thời gian thực hiện Năm 2015 - 2017

Nội dung:

Mục tiêu:
Nghiên cứu được quy trình công nghệ sử dụng thảm khô dưới tán rừng trồng thông để tạo phân hữu cơ vi sinh và hỗn hợp ruột bầu:
- Đánh giá thực trạng rừng trồng thông trên địa bàn Hà Nội.
- Xác định được năng suất thảm khô dưới tán rừng trồng thông.
- Sản xuất thử nghiệm 1000kg phân bón hữu cơ vi sinh và 2000kg hỗn hợp ruột bầu.
- Đánh giá được hiệu quả kinh tế xã hội từ việc sử dụng thảm khô dưới tán rừng trồng thông trên địa bàn Hà Nội.


Nội dung nghiên cứu:
- Đánh giá thực trạng rừng trồng thông trên địa bàn Hà Nội.
- Nghiên cứu xác định năng suất thảm khô dưới tán rừng trồng thông:
+ Nghiên cứu xác định thành phần và sinh khối thảm khô dưới rừng trồng thông
+ Nghiên cứu xác định năng suất thảm khô dưới rừng trồng thông
+ Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất thảm khô dưới rừng trồng thông
+ Nghiên cứu dự báo sản lượng và biện pháp thu hoạch thảm khô dưới rừng trồng thông.


- Nghiên cứu công nghệ sử dụng thảm khô dưới tán rừng trồng thông ở Hà Nội:
+ Nghiên cứu đặc tính của thảm khô dưới rừng trồng thông
+ Nghiên cứu xác định thành phần vi sinh vật phân giải thảm mục dưới rừng trồng thông
+ Nghiên cứu lựa chọn chế phẩm sinh học phù hợp để phân giải thảm khô dưới rừng trồng thông
+ Nghiên cứu phân giải thảm khô dưới rừng trồng thông thành mùn hữu cơ bằng chế phẩm sinh học đã lựa chọn
+ Nghiên cứu sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ mùn hữu cơ vi sinh sau khi phân giải thảm khô
+ Nghiên cứu sản xuất hỗn hợp ruột bầu để ươm một số cây trồng lâm nghiệp từ mùn hữu cơ vi sinh sau khi phân giải thảm khô
+ Xây dựng quy trình công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ thảm khô dưới tán rừng trồng thông
+ Xây dựng quy trình công nghệ sản xuất hỗn hợp ruột bầu để ươm một số cây lâm nghiệp từ thảm khô dưới tán rừng trồng thông.


- Xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm phân bón hữu cơ vi sinh và hỗn hợp ruột bầu tại Sóc Sơn để đánh giá hiệu lực:
+ Xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm phân bón hữu cơ vi sinh từ thảm khô dưới tán rừng trồng thông và đánh giá hiệu quả kinh tế, kỹ thuật.
+ Xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm hỗn hợp ruột bầu từ thảm khô dưới tán rừng trồng thông và đánh giá hiệu quả kinh tế, kỹ thuật.


- Đánh giá hiệu lực của phân bón hữu cơ vi sinh và hỗn hợp ruột bầu:
+ Đánh giá hiệu lực của phân bón hữu cơ vi sinh đến sinh trưởng của cây thông, keo giai đoạn vườn ươm
+ Đánh giá hiệu lực của hỗn hợp ruột bầu đến sinh trưởng của cây thông, keo
+ Xây dựng hướng dẫn sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh cho một số cây lâm nghiệp


- Đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội từ việc sử dụng thảm khô dưới tán rừng trồng thông trên địa bàn Hà Nội.


Sản phẩm của đề tài:
- Hà Nội hiện có 2308ha rừng thông, phân bố ở các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Mỹ Đức, trong đó riêng Sóc Sơn chiếm 87% tổng diện tích rừng thông của Hà Nội, tuổi rừng dao động từ 25 đến 45 tuổi.


- Thành phần thảm khô rơi rụng dưới tán rừng trồng thông bao gồm lá thông, cành thông, vỏ thông, quả thông, cây thông gãy đổ. Trong đó lá thông chiếm trên 93% với khối lượng tồn đọng ở mức trên 15 tấn/ha. Năng suất thích hợp để khai thác lá thông khô ước tính khoảng 4,3 tấn/ha/năm. Tổng khối lượng thảm khô rơi rụng dưới tán rừng trồng thông ở Sóc Sơn ước tính đạt 17,3 tấn/năm.


- Lá thông có tầng cutin, tầng biểu bì và tầng hạ bì dầy, tầng nhu mô đồng hóa mỏng nên lá cây rất cứng, khó bị phân hủy. Độ ẩm của lá thông khô là 26,3%. Hàm lượng tinh dầu thông có trong bột lá thông khô chiếm 4,7%. Thành phần hóa học trong lá thông gồm tro 3, protit 6, cenloloa 39, hemicenluloa và gluxit khác 17, lignin 26, còn lại là lipit và các hợp chất tanin.


- Số lượng vi sinh vật trong mùn thông dao động trong phạm vi từ 33 đến 80 triệu tế bào trên 1 gam. Số lượng vi sinh vật trong mẫu mùn thông lớn hơn trong mẫu đất thông thường 3-4 lần. Những loài vi sinh vật có khả năng phân giải cenluloacao gồm các loài K4 – Trichococcus sp, N3 – Altermaria sp, N7 – Tricherderma sp và XK3 – Streptomyces geysiriensis, trong đó cao nhất là các loài N3 – Altermaria sp, N7 – Tricherderma sp.


- Chế phẩm Bima được lựa chọn làm chế phẩm phối trộn trong quá trình ủ phân hữu cơ vi sinh bằng lá thông khô.


- Quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ lá thông khô: sử dụng nguyên liệu lá thông khô (kích thước sau xử lý <5cm) + mùn thông tự nhiên 70% (6/4), phân gà hoai 30%, chế phẩm Bima 0,4%, supe lân 2%, với điều kiện độ ẩm 55-60%, phương pháp ủ nóng, thời gian phân hủy 70-90 ngày. Nâng cao chất lượng phân sau ủ bằng chế phẩm Bima và NPK.


- Đã sản xuất được 1000kg phân hữu cơ vi sinh từ lá thông khô.


- Quy trình sản xuất hỗn hợp ruột bầu từ lá thông khô: sử dụng nguyên liệu lá thông khô (kích thước sau xử lý <10cm) + mùn thông tự nhiên 70% (7/3), phân gà hoai 30%, chế phẩm Bima 0,4%, supe lân 2%, với điều kiện độ ẩm 55-60%, phương pháp ủ nóng, thời gian phân hủy 70 ngày.


- Đã sản xuất được 2000kg hỗn hợp ruột bầu từ lá thông khô.


- Hiệu quả kinh tế xã hội đem lại:
+ Việc sử dụng vật liệu cháy dưới tán rừng để tạo ra các sản phẩm hữu ích là chách thức tốt nhất để giải quyết được hài hòa vấn đề cảnh quan, môi trường và lợi ích kinh tế thu được. Đồng thời nhận được sự đồng tình ủng hộ mạnh của người dân sống gần rừng.
+ Chi phí sản xuất phân hữu cơ vi sinh của đề tài là 1.300đồng/kg.
+ Sử dụng phân bón thay cho phân NPK, kết quả cho thấy tỷ lệ 60% NPK và 40% phân hữu cơ vi sinh cho sinh trưởng của cây thông ươm là tốt nhất; tỷ lệ 70% NPK và 30% phân hữu cơ vi sinh cho sinh trưởng của cây keo ươm là tốt nhất
+ Hỗn hợp ruột bầu được tạo ra có hiệu lực hơn hẳn so với hỗn hợp ruột bầu được dùng để sản xuất đại trà (đối chứng). Sinh trưởng cây ươm vượt 11% so với đối chứng. Đối với nghiệm thức có tỷ lệ mùn thông được thay thế tương ứng với tỷ lệ phân chuồng hoai ở công thức đối chứng cũng cho kết quả sinh trưởng về đường kính và chiều cao ở cả thông và keo đều cao hơn so với đối chứng.