Chế độ làm viêc/tuần của nhân viên ngành giáo dục

Xin cho hỏi: Chế độ làm việc của nhân viên hành chính trong trường học là 40h/tuần hay 48h/tuần. Thông tư 36/1999-BGDĐT có được áp dụng không? Trong 1 trường học tại Hà Nội áp dụng chế độ giáo viên được nghỉ 1 ngày trong tuần, Ban giám hiệu làm việc 40h/tuần, Nhân viên hành chính làm việc 48h/tuần là đúng hay sai?

Người hỏi: Hoàng Mai Anh ( 09:26 30/03/2018)

CÂU TRẢ LỜI

Chào bà, cám ơn bà đã gửi câu hỏi cho Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội,
Về câu hỏi này, Cổng GTĐT Hà Nội xin trả lời bà như sau:

 

Đối với nhân viên:
Tại Điều 104,  Bộ luật lao động 2012 quy định về thời giờ làm việc bình thường:
"1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần .
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.
3. Thời giờ làm việc không quá 06 giờ trong 01 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành".

 

Đối với giáo viên:
Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và đào tạo Quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông

 

Điều 6. Định mức tiết dạy
Định mức tiết dạy là số tiết lý thuyết hoặc thực hành của mỗi giáo viên phải giảng dạy trong một tuần, cụ thể như sau:
1. Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết;
2. Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú là 17 tiết ở cấp trung học cơ sở, 15 tiết ở cấp trung học phổ thông;
Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú là 21 tiết ở cấp tiểu học, 17 tiết ở cấp trung học cơ sở;
Định mức tiết dạy của giáo viên trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật là 21 tiết đối với giáo viên ở cấp tiểu học, 17 tiết đối với giáo viên ở cấp trung học cơ sở.
3. Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trường hạng I dạy 2 tiết một tuần, trường hạng II dạy 1/3 định mức tiết dạy, trường hạng III dạy 1/2 định mức tiết dạy của giáo viên cùng cấp học. Việc phân hạng các trường phổ thông theo quy định hiện hành.

 

Điều 7. Định mức tiết dạy đối với Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng
1. Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng trường phổ thông có nhiệm vụ giảng dạy một số tiết để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý.

 

Theo 15/2017/TT-BGDĐT ngày 9/6/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo  Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định sửa đổi, bổ sung tại điều 6 và 7 như sau:

 

*) Bổ sung khoản 2a, Điều 6 như sau:
“2a. Định mức tiết dạy của giáo viên trường dự bị đại học là 12 tiết”.

 

*) Khoản 2, Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Định mức tiết dạy đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.
Định mức tiết dạy/năm đối với hiệu trưởng được tính bằng: 2 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học;
Định mức tiết dạy/năm đối với phó hiệu trưởng được tính bằng: 4 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học”.

 

*)  Bổ sung khoản 2a, Điều 7 như sau:
“2a. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông, trường dự bị đại học không được quy đổi chế độ giảm định mức tiết dạy đối với các chức vụ kiêm nhiệm thay thế cho định mức tiết dạy được quy định tại Thông tư này”.

 

Như vậy, bà có thể căn cứ các quy định trên để đối chiếu với trường hợp của mình.
Trân trọng
 

Trả lời: Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội ( 10:52 10/04/2018)

Những câu hỏi khác