Tình hình nội, ngoại thương của Thủ đô tháng Chín và 9 tháng năm 2017 (17:09 05/10/2017)


HNP - Theo Cục Thống kê Hà Nội, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Chín đạt 208.617 tỷ, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 969 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 2.690 triệu USD.


Trong tháng Chín, tổng mức bán lẻ đạt 49.775 tỷ đồng tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 15,1% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 1.719 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ đạt 405 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8%.  Xét theo ngành kinh tế, tổng mức bán lẻ 9 tháng qua ở khu vực Nhà nước chiếm 13,6% và tăng 7,1% so cùng kỳ; khu vực ngoài nhà nước chiếm 76% và tăng 10,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 10,4% và tăng 6,4%. Xét theo ngành hoạt động: ngành thương nghiệp chiếm 51,3% và tăng 11,6% so với cùng kỳ; ngành khách sạn, nhà hàng chiếm 9,4% và tăng 10,2%; ngành du lịch lữ hành chiếm 1,7% và tăng 6,5% và ngành dịch vụ chiếm 37,6% và tăng 7,4%. 
 
Về kim ngạch xuất khẩu tháng Chín đạt 969 triệu USD giảm 1,3% so với tháng trước nhưng tăng 10,5% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu địa phương đạt 805 triệu USD, giảm 1,3% và tăng 9,9%. Tuy kim ngạch xuất khẩu tháng 9 giảm so với tháng trước nhưng lại tăng khá so với cùng kỳ năm ngoái do nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng cao như: giày dép các loại và sản phẩn từ da tăng 100,9%; hàng điện tử tăng 98,9%; hàng nông sản tăng 64,7%. 
 
Đóng góp nhiều nhất vào mức tăng kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng qua là hàng điện tử tăng 41,1%; xăng dầu 39,8%; máy móc thiết bị phụ tùng tăng 24,1%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 32,1%;... Bên cạnh sự tăng trưởng ổn định và phục hồi của các đa số mặt hàng xuất khẩu chủ lực thì vẫn còn những ngành hàng gặp nhiều khó khăn như nhóm hàng may và dệt, giảm 0,1% so cùng kỳ. Nguyên nhân được cho là do các doanh nghiệp ngành dệt may hiện nay gặp nhiều khó khăn trong việc ký kết các hợp đồng dài hạn; giảm giá thành gia công từ các thị trường Mỹ và EU; đối tác yêu cầu cao hơn về kỹ thuật và khả năng đáp ứng với yêu cầu mới của doanh nghiệp còn hạn chế; giá nhân công tăng, doanh nghiệp gặp khó khăn do giảm nhân sự nên khả năng đáp ứng các đơn hàng bị hạn chế.
 
Kim ngạch nhập khẩu trong tháng Chín đạt 2.690 triệu USD, tăng 1,2% so tháng trước và tăng 28,6% so cùng kỳ. Trong đó, nhập khẩu địa phương đạt 1.200 triệu USD, tăng 1,2% và 30,1%. Tính chung 9 tháng, kim ngạch nhập khẩu đạt 21.953 triệu USD, tăng 22,6% so cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu địa phương đạt 9.757 triệu USD, tăng 22,6%. Chia theo ngành hàng nhập khẩu, 9 tháng qua, nhập khẩu máy móc thiết bị, phụ tùng tăng 21,3% so với cùng kỳ; vật tư, nguyên liệu tăng 11,4% và hàng hóa khác tăng 32,9%.

Bùi Quỳnh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật