Câu hỏi: Đề nghị Thành phố bố trí địa điểm, tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, điều chỉnh múi giờ cấm xe; đánh giá về hiệu quả không gian tuyến phố đi bộ xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm (15:16 14/11/2017)


Đề nghị Thành phố nghiên cứu bố trí địa điểm, tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, điều chỉnh múi giờ cấm xe vào tuyến phố đi bộ đảm bảo hiệu quả; đánh giá khách quan về hiệu quả không gian tuyến phố đi bộ xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm.  


Trả lời:
1. Đối với việc nghiên cứu bố trí địa điểm, tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật.
- Sau hơn một năm thực hiện thí điểm tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, hoạt động văn hóa nghệ thuật trong không gian đi bộ đã được triển khai hiệu quả, thu hút được lượng lớn du khách trong nước và quốc tế, được người dân và du khách quan tâm, hưởng ứng; công tác quản lý từng bước được nâng cao, hoạt động kiểm tra được tiến hành thường xuyên; các đơn vị, cá nhân đã tổ chức thực hiện theo đúng chương trình. Các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ được duy trì tại nhiều khu vực như: khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, khu vực đền Bà Kiệu, khu vực rạp Công Nhân, khu vực nhà Bát Giác, khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, khu vực đồng hồ Hoa Thụy Sỹ, khu vực trước của Trung tâm giao lưu văn hóa hồ Gươm, khu vực tượng đài Vua Lê,… Các hoạt động nghệ thuật đều được đảm bảo chất lượng, nội dung, hình thức phong phú, đa dạng phù hợp nhiều lứa tuổi khác nhau; đồng thời các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn, các ngày kỷ niệm cũng được tổ chức thường xuyên đã tạo nên không gian văn hóa hấp dẫn, tạo không khí vui tươi, sôi nổi đưa không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận trở thành một điểm đến quen thuộc, thu hút đông đảo du khách và nhân dân đến tham quan, vui chơi, giao lưu, thưởng thức văn hóa nghệ thuật, đặc biệt vào các buổi tối cuối tuần.

 

- Để tăng cường hiệu quả của các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu của du khách đến tham quan du lịch, UBND quận Hoàn Kiếm đang nghiên cứu đề xuất UBND Thành phố cho phép bổ sung một số hoạt động cụ thể như sau:

+ Bố trí 1 đến 2 địa điểm cố định cho các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố không thường xuyên (dự kiến tại ngã 3 đường đôi Đinh Tiên Hoàng đối diện trước cửa nhà hát múa rối Thăng Long, ngã tư phố Tràng Tiền - Hàng Khay - Hàng Bài - Đinh Tiên Hoàng).

+  Đối với một số hoạt động như: vẽ tattoo, trò chơi xếp hình cho trẻ em… Đề nghị được bố trí vào vị trí vỉa hè phố Lê Thạch giáp với Bưu điện Hà Nội.

 

2. Đối với việc điều chỉnh múi giờ cấm xe vào tuyến phố đi bộ đảm bảo hiệu quả.
- Ngày 09/8/2017, UBND quận Hoàn Kiếm cũng có Công văn số 997/UBND-QLĐT đề xuất, đã được UBND Thành phố cho phép phân luồng giao thông một số tuyến phố trên địa bàn quận Hoàn Kiếm phục vụ không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận cụ thể như sau: Cấm toàn bộ xe đạp, xe máy, ô tô lưu thông trên phố Hàng Gai - Cầu Gỗ  (đoạn từ phố Lương Văn Can đến phố Đinh Liệt). Thời gian từ 18h00’ đến 24h00’ các tối thứ 6, thứ 7 và chủ nhật hàng tuần; tổ chức giao thông 2 chiều trên tuyến phố Phan Chu Trinh (hiện đang là đường 1 chiều).  

- Ngày 23/8/2017, UBND quận Hoàn Kiếm đã có công văn số 1067/UBND-QLĐT gửi Sở Giao thông Vận tải về việc xin điều chỉnh thời gian cấm ô tô trên đoạn đường Hàng Bài (đoạn từ Lý Thường Kiệt đến Hai Bà Trưng); thời gian cấm đường hiện đang từ 18h00’ thứ 6 đến 24h00’ chủ nhật hàng tuần sẽ chuyển thành cấm từ 18h00’ đến 24h00’ các tối thứ 6, thứ 7, chủ nhật hàng tuần để đảm bảo sinh hoạt cũng như các hoạt động kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trên tuyến phố.

- Ngày 22/9/2017, UBND quận Hoàn Kiếm đã có buổi làm việc với Công an Thành phố Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cùng các đơn vị có liên quan, đã thống nhất đề xuất tới Thành phố để triển khai thực hiện các nội dung trên. Việc điều chỉnh phương án giao thông trên địa bàn quận sẽ tiếp tục được thay đổi cho phù hợp với sinh hoạt của người dân và điều kiện tại từng thời điểm.

 

3. Đối với việc đánh giá khách quan về hiệu quả không gian tuyến phố đi bộ xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm.

 

- Sau hơn 1 năm thực hiện thí điểm tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã gắn với không gian đi bộ trong Khu phố cổ tạo điểm nhấn du lịch cho khu vực trung tâm Thủ đô Hà Nội; dần hình thành thói quen đi bộ, từng bước hạn chế phương tiện giao thông cơ giới và hình thành nếp sống mới cho người dân Thủ đô; tạo ra không gian vui chơi, thư giãn cho cộng đồng dân cư, du khách trong và ngoài nước; là nơi giao lưu, điểm hẹn, điểm đến thú vị của mọi người dân; phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, cảnh quan mặt nước, cây xanh hồ Hoàn Kiếm (di tích Quốc gia đặc biệt) góp phần quảng bá hình ảnh của Thủ đô Hà Nội - Thành phố Hòa bình; kích cầu phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế quận Hoàn Kiếm và Thành phố.

- Qua kết quả thống kê, lượng du khách trong và ngoài nước đến thăm quan và tham gia không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận rất đông (trung bình ban ngày có khoảng 3.000 người đến 5.000 người, buổi tối khoảng 1,5 đến 2 vạn người); Lượng khách du lịch lưu trú đến quận Hoàn Kiếm và Thành phố Hà Nội tăng; Số lượng cửa hàng kinh doanh mới và chuyển mục đích kinh doanh phục vụ cho dịch vụ và du lịch trong khu phố cổ và khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm tăng 268 cửa hàng (khu phố cổ 232 cửa hàng; xung quanh hồ Hoàn Kiếm 36 của hàng).

 

4. Một số tồn tại, hạn chế và phương án giải quyết, khắc phục.

 

- Tình trạng bán hàng rong; dắt chó không có rọ mõm; trượt patanh, đi xe điện cân bằng, ô tô - xe máy điện (trẻ em) chưa được giải quyết triệt để.
- Một số điểm giao thông tĩnh gần sát khu vực các chốt ra vào không gian đi bộ luôn trong tình trạng quá tải (do thói quen của người dân và du khách chỉ đến gửi xe tại các điểm sát khu vực đi bộ), trong khi những điểm khác ở xa hơn thì lại vắng người gửi (như trên tuyến phố Quang Trung - Hai Bà Trưng). Do vậy đã phát sinh một số hộ dân gần không gian đi bộ đã tận dụng vỉa hè trước ngõ hoặc trước cửa nhà tự ý trông giữ xe trái phép thu giá cao gây bức xúc dư luận.

- Tại một số nút giao thông vào giờ cao điểm vẫn còn ùn ứ; hiện tượng xe ô tô, xe máy, taxi dừng, đỗ trước và sau hàng rào an ninh các chốt ra vào. Đặc biệt tại phố Cầu Gỗ- đầu phố Đinh Liệt - Hàng Đào - Hàng Gai (đoạn tiếp giáp với Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục) thường xuyên xẩy ra ùn ứ giao thông cục bộ, do đây là nơi kết nối giữa không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và không gian đi bộ Khu phố cổ Hà Nội (lưu lượng người đi bộ qua lại giữa 2 khu vực là rất lớn).

- Một số nội dung hoạt động chưa có chế tài xử lý như: các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật tự phát; tập thể dục, tập nhẩy vào buổi tối mở nhạc to và trang phục không phù hợp đã ảnh hưởng đến văn minh chung của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm.

- Việc bố trí các quầy hàng kết hợp quầy xe chuyên dụng bán các mặt hàng như đồ lưu niệm, bánh ngọt, đồ ăn nhanh, bánh mì, nước trái cây, cafe, hoa còn ít (hiện mới bố trí 02 xe chuyên dụng, 01 quầy bán hoa) do vậy chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách.  

- Tình trạng vứt rác tùy tiện tại các cửa hàng kinh doanh trên vỉa hè các tuyến phố xung quanh hồ và các cửa hàng kem chưa được giải quyết triệt để. Các nhà WC công cộng bố trí trong khu vực đi bộ chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân và du khách trong những ngày lễ, tết và các ngày có sự kiện văn hóa đặc biệt.

 

Phương hướng để khắc phục.  
1. Tăng cường công tác kiểm tra xử lý nghiêm các điểm trông giữ phương tiện trái phép, thu quá giá quy định và yêu cầu các điểm trông giữ phương tiện được cấp phép phải bố trí phương tiện PCCC, đèn chiếu sáng, biển nhận diện điểm trông giữ phương tiện vào các buổi tối. Bố trí linh hoạt các điểm trông giữ xe máy, xe đạp đặc biệt là các khu vực xung quanh các chốt ra vào không gian đi bộ (vào các dịp lễ tết, tổ chức lễ hội đặc biệt thì bổ sung thêm các điểm trông giữ, các ngày bình thường giữ nguyên theo phương án) đảm bảo nhu cầu trông giữ phương tiện của nhân dân và du khách đến thăm quan du lịch.

2. Chỉ đạo UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, các đơn vị nghệ thuật của Thành phố và các Tỉnh, Thành phố khác lựa chọn các chương trình, hoạt động văn hóa, biểu diễn, giao lưu, ẩm thực, lễ hội có chất lượng cao hơn nữa… thông tin trên các trang mạng, quảng cáo, sách báo, tạp chí du lịch để nhân dân và du khách biết đến tham dự.

3. Nghiên cứu bố trí thêm các quầy hàng kết hợp cùng quầy xe lưu động, gian hàng trưng bầy sản phẩm đồ lưu niệm, quán hoa. Tăng cường bổ sung đa dạng các mặt hàng lưu niệm, sản phẩm nghề truyền thống. Quản lý, kiểm soát các hoạt động đối với các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh dịch vụ, bán hàng. Yêu cầu các cửa hàng kinh doanh các mặt hàng không phù hợp chuyển đổi mặt hàng cho phù hợp với tính chất của không gian đi bộ (như các hộ kinh doanh vali, cặp, túi xách tại khu vực phố Đinh Tiên Hoàng, phố Lò Sũ ).

4. Tuyền truyền vận động nhắc nhở các hộ dân, các cơ sở kinh doanh và du khách phải bỏ rác đúng nơi quy định, gìn giữ VSMT, kết hợp với tăng cường xử lý phạt nghiên cứu hành vi vi phạm. Lắp thêm các thùng rác có hình thức đẹp bằng inox thay thế cho các thùng rác hiện nay trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận (theo mẫu của hãng JCDecaux).

 


HNP


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật