Tình hình kinh tế xã hội tháng mười một và 11 tháng năm 2007 (00:00 12/12/2007)


1. Sản xuất công nghiệp: Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội tháng Mười một năm 2007 tăng 10,6% so tháng trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 9,7% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 8%, kinh tế Nhà nước địa phương tăng 14,8%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 6,9% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 14,1%.



Dự kiến 11 tháng năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội tăng 19,9% so cùng kỳ năm trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 4,5% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 3,8%, kinh tế Nhà nước địa phương tăng 6,8%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 28,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 29,9%.

a) Sản xuất công nghiệp Nhà nước Trung ương:

Giá trị sản xuất công nghiệp Trung ương tháng Mười một năm 2007 tăng 8% so tháng trước và tăng 0,6% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 11 tháng năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp Trung ương tăng 3,8% so cùng kỳ năm trước với 13/21 ngành sản xuất tăng trong đó có một số ngành sản xuất tăng khá: sản xuất thuốc lá (tăng 19,1%), sản xuất cao su plastic (tăng 17,8%), sản xuất thiết bị điện (tăng 16,7%), sản xuất khoáng phi kim loại (tăng 12,8%), sản xuất trang phục (tăng 12,3%), dệt (tăng 11,3%)... Có 8/21 ngành sản xuất giảm là: sản xuất đồ da (giảm 69,8%), chế biến gỗ lâm sản (giảm 56,5%), sản xuất hoá chất (giảm 16,9%), sản xuất sản phẩm bằng kim loại (giảm 0,3%), chế tạo thiết bị máy móc (giảm 36,3%), sản xuất dụng cụ chính xác (giảm 29,9%), sản xuất phương tiện vận tải khác (giảm 70,6%) và sản xuất giường tủ, đồ khác (giảm 7,3%).

11 tháng năm 2007 có 54 doanh nghiệp Nhà nước Trung ương đầu tư chiều sâu đổi mới quy trình công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài với tổng số vốn đầu tư là 764 tỷ đồng (đầu tư cho nhà xưởng 405 tỷ, mua sắm máy móc thiết bị 346 tỷ; vốn ngân sách 134 tỷ, vốn tự có 120 tỷ, vốn tín dụng 219 tỷ, vốn khác 291 tỷ).

b) Sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương:

Giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương tháng Mười một năm 2007 tăng 14,8% so tháng trước và tăng 6% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 11 tháng năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương tăng 6,8% so cùng kỳ năm trước với 10/17 ngành sản xuất tăng, trong đó 1 số ngành sản xuất tăng khá: sản xuất các sản phẩm từ bằng cao su (tăng 28,7%), sản xuất các sản phẩm từ kim loại (tăng 16,9%), chế tạo máy móc thiết bị (tăng 28,9%), sản xuất dụng cụ chính xác (tăng 31,6%)... Có 7/17 ngành sản xuất giảm là: khai thác than (giảm 0,8%), công nghiệp dệt (giảm 1,9%), sản xuất trang phục (giảm 8,4%), sản xuất đồ da (giảm 2,5%), sản xuất khoáng phi kim loại (giảm 84%), sản xuất kim loại (giảm 9%), sản xuất ti vi thiết bị thông tin (giảm 13,6%).

11 tháng năm 2007, có 38 doanh nghiệp công nghiệp Nhà nước địa phương đầu tư đổi mới mở rộng sản xuất với tổng vốn đầu tư 400 tỷ đồng (đầu tư cho nhà xưởng 255 tỷ, mua sắm máy móc thiết bị 145 tỷ; vốn ngân sách 121 tỷ, vốn tự có 60 tỷ, vốn tín dụng 170 tỷ, vốn khác 49 tỷ). Các doanh nghiệp đầu tư khá trong năm 2007 là: Công ty Kinh doanh nước sạch (137 tỷ), Công ty Kim khí Thăng Long (50 tỷ), Công ty Nhựa Hà Nội (18 tỷ), Công ty Dệt 10/10 (35 tỷ), Công ty Khoá Việt Tiệp (14 tỷ), Công ty TNHH 1 thành viên 18/4 (26 tỷ)…

c) Sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước:

Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tháng Mười một năm 2007 tăng 6,9% so tháng trước và tăng 28,2% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 11 tháng năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tăng 28,2% so cùng kỳ năm trước, trong đó công ty TNHH tư nhân tăng 19,5%, công ty cổ phần khác tăng 47,2%, doanh nghiệp tư nhân tăng 14,5%, HTX tăng 7,4% và hộ cá thể tăng 6,4%. Có 20/22 ngành sản xuất tăng trong đó có 1 số ngành sản xuất tăng khá: khai thác than (tăng 42,4%), công nghiệp dệt (tăng 43,8%), sản xuất đồ da (tăng 40,8%), sản xuất kim loại (tăng 40%), sản xuất dụng cụ chính xác (tăng 41,5%), sản xuất phương tiện vận tải khác (tăng 52,9%), tái chế (tăng 80,7%). Hai ngành sản xuất giảm là khai thác đá, mỏ khác (giảm 10%) và sản xuất xe có động cơ (giảm 1,3%).

Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước trong 1 số năm gần đây tăng khá do nhiều doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá có vốn Nhà nước chi phối nhỏ hơn 50% chuyển sang khu vực này, nhiều doanh nghiệp mới thành lập đi vào hoạt động sản xuất và nhiều doanh nghiệp chú trọng đầu tư thiết bị mở rộng quy mô sản xuất và khai thác thị trường tiêu thụ tốt.

d) Sản xuất khu vực có vốn đầu tư nước ngoài:

Giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tháng Mười một năm 2007 tăng 14,1% so tháng trước và tăng 18,9% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 11 tháng năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 29,9% so cùng kỳ năm trước với 15/19 ngành sản xuất tăng trong đó có một số ngành sản xuất tăng khá: sản xuất sản phẩm bằng da (tăng 901,5%), sản xuất giường tủ đồ khác (tăng 133,5%), sản xuất xe có động cơ (tăng 103,7%), chế tạo thiết bị máy móc (tăng 77,2%), sản xuất sản phẩm bằng kim loại (tăng 69,9%), sản xuất cao su plastic (tăng 66%)… Có 4/19 ngành sản xuất giảm là: chế biến gỗ lâm sản (giảm 65,6%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (giảm 42,2%), công nghiệp dệt (giảm 20,5%), sản xuất dụng cụ chính xác (giảm 8,7%). Giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 11 tháng năm 2007 tăng khá cao chủ yếu do có thêm 19 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động trong đó 1 số doanh nghiệp có quy mô lớn sản xuất ổn định đã đầu tư mở rộng sản xuất: Công ty liên doanh Daiw Plastic Thăng Long, Công ty Santo Việt Nam, Công ty Asahy Denso, Công ty Credit, Công ty công nghệ Hồng Minh, Công ty Nissei Electric…

2. Xây dựng cơ bản:

Vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách Nhà nước địa phương tháng 11 ước đạt 592,0 tỷ đồng, tăng 1,91% so tháng trước. Dự kiến 11 tháng năm 2007 đạt 5548,5 tỷ đồng chiếm 70,5% kế hoạch năm và bằng 95,3% so với cùng kỳ do tình hình thực hiện dự án của một số ban có vốn giao lớn còn gặp nhiều khó khăn.

Tiến độ một số công trình lớn:

* Nút giao thông Kim Liên: Ban QL các dự án trọng điểm đang triển khai các thủ tục để thu hồi bổ sung một số diện tích đất dọc từ nút Kim Liên - Phạm Ngọc Thạch (thuộc dự án Kim Liên - Trung Tự trước đây). Tuy nhiên, hiện Ban đang gặp khó khăn trong công tác đo đạc do các hộ dân còn thắc mắc về dự án xây dựng nhà chung cư năm 1998.

Về công tác thi công, hiện nay nhà thầu đang triển khai thi công các công việc đào đất, xử lý nền đất và làm hệ thống dầm đỡ, cọc cừ (phía đường Đào Duy Anh).Phấn đấu đến hết năm 2007 hoàn thành 70% khối lượng xây lắp, hoàn thành mặt bằng khu vực trung tâm nút đưa vào sử dụng trong quý I/2008 và kết thúc dự án vào quý IV/2008.

* Nút giao thông Ngã Tư Sở: hiện vẫn còn 11 chủ đất thu hồi đợt 2 (nằm ngoài chỉ giới xây dựng nút). Ban quản lý các dự án Trọng điểm đang phối hợp với UBND 2 quận Đống Đa, Thanh Xuân hoàn tất các thủ tục để thu hồi đất trong quý IV/2007.

-Về công tác thi công:Đã hoàn thành đưa vào sử dụng, hiện đang hoàn tất một số công việc phụ trợ còn lại như lắp đặt camera, trạm điện,.. trong tháng 11/2007.

* Đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa:

-Về công tác giải phóng mặt bằng: hiện vẫn đang triển khai các thủ tục cần thiết để tiến hành thu hồi diện tích đất kẹt giữa ngõ Xã Đàn 2 với đường Kim Liên — Ô Chợ Dừa và kết hợp bảo tồn di tích đàn Xã Tắc.

-Về công tác thi công: Đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc. Ban quản lý các dự án Trọng điểm đang phối hợp với bên tư vấn để hoàn chỉnh phương án thiết kế điều chỉnh nút giao thông kết hợp bảo tồn di tích đàn Xã Tắc theo sự chỉ đạo của UBND Thành phố tại Thông báo s365/TB-UBND ngày 2/11/2007 để triển khai trong tháng 12, dự kiến kết thúc quý 2/2008.

* Dự án Bắc Thăng Long - Vân Trì:

-Về công tác giải phóng mặt bằng: Hiện còn khoảng 2,9/205 ha đất chưa thu hồi, trong đó:

Đất ở: còn 20 hộ dân (3000 m2) thuộc 2 xã Kim Chung (9 hộ), Hải Bối (11 hộ).

Đất Nông nghiệp, đất khoán, đất nghĩa trang:khoảng 26.000m2 của 11 hộ nhận khoán thầu thuộc xã Kim Nỗ (còn 6 hộ chưa nhận tiền đền bù, tuy nhiên Ban quản lý dự ánTrọng điểm đã phối hợp với địa phương đã hỗ trợ nhà thầu vào thi công trên phần diện tích này), xã Vĩnh Ngọc (còn 5 hộ), UBND các xã đang khẩn trương vận động và xây dựng kế hoạch giải toả để thu hồi đất trong tháng 11/2007 .

- Hệ thống đường và thoát nước:

+ Nhà thầu đang tập trung thi công để đưa hạng mục Cầu C (trên đường Bắc Thăng Long - Nội Bài), đường chính A (1,8km) vào sử dụng.

+ Đã thi công hoàn thành 80% khối lượng công việc và kế hoạch kết thúc dự án trongquý II/2008.

* Dự án Cầu Vĩnh Tuy:

- Hạng mục thi công cầu vượt và nút giao thông phía nam của dự án : Nhà thầu Cienco4 đã hoàn thành công tác thi công 2 nhánh CV1B, CV1C, còn nhánh CV1A có 7 nhịp 30m nhà thầu mới chỉ thi công được 2 nhịp. Riêng đối với cầu chính được thiết kế 2 cầu song song với nhau có kết cấu 12 nhịp 35m, 4 nhịp 50m nhà thầu thi công được 8 nhịp 35m và 1 nhịp 50m vượt đê Nguyễn Khoái .

- Hạng mục thi công phần cầu chính vượt sông:

Nhà thầu Cienco1 được giao nhiệm vụ thi công 4 nhịp đúc hẫng vượt sông (4x135m) từ trụ T17 đến T21 trong đó : trụ T21TL nhà thầu thi công được đến khối K21, trụ T20TL nhà thầu thi công đến khối K17, trụ T19 nhà thầu thi công đến khối K19 và trụ T18 nhà thầu thi công đến khối K15. Riêng nhịp 30m bằng dầm hộp đúc trên đà giá và 2 nhịp dầm I giản đơn nhà thầu đang triển khai thi công. Dự kiến nhà thầu sẽ thực hiện hợp long nhịp đầu tiên nối giữa trụ T20 - T21 vào ngày 20/11 và kết thúc hợp long vào 4/1/2008.

Nhà thầu Thăng Long được giao nhiệm vụ thi công 3 nhịp đúc hẫng vượt sông (3x135m) từ trụ T23 đến trụ T25 trong đó trụ T22TL nhà thầu thi công được đến khối K13, trụ T23TL nhà thầu thi công đến khối K14, trụ T24 nhà thầu thi công đến khối K14. Dự kiến nhà thầu sẽ bắt đầu hợp long nhịp đầu tiên vào ngày 20/12 và kết thúc hợp long vào 4/2/2008.

- Hạng mục thi công phần cầu dẫn phía bắc (gồm 44 nhịp 40m dầm SuperT, 3 nhịp đúc hẫng 55m+90m+55m và 6 nhịp 35m dầm hộp đúc trên đà giáo):

Phần dầm SuperT do nhà thầu Thăng Long, Cienco8 thi công đã hoàn thành công tác lao lắp 40 nhịp vào giữa tháng 10/2007. Đối với công tác thi công bản mặt cầu nhà thầu thi công được 30/40 nhịp. Hiện nhà thầu đang tiến hành thi công bờ bo, lan can và đổ bê tông phần bản mặt cầu. Dự kiến cuối tháng 12 sẽ hoàn thành và thực hiện công tác hoàn thiện.

Đối với nhịp đúc hẫng (55m+90m+55m) vượt đê nhà thầu Cienco8 đã thực hiện công tác hợp long nối 2 nhịp vào ngày 22/10 và đang tiến hành thử tải đà giáo để triển khai thi công khối trụ T72.

Riêng phần dầm hộp tiếp đúc trên đà giáo do nhà thầu Cienco1 thi công đã hoàn thành được 2 nhịp, 5 nhịp còn lại nhà thầu dự kiến hoàn thành tháng 1/2008.

Đối với các phần dầm đã hoàn thành nhà thầu đang tiến hành công tác hoàn thiện.

- Hạng mục đường gom, đường đầu cầu và tuyến Long Biên - Thạch Bàn do nhà thầu Cienco 1 và UDIC thi công. Công tác triển khai thi công hệ thống tuynen, cống thoát nước đã cơ bản hoàn thành và đang triển khai công tác thi công lớp đất đắp K98.

- Đoạn tuyến chính từ ngã ba Long Biên - Thạch Bàn nối ra quốc lộ 5 và nút giao vượt quốc lộ 5 :

Đối với đoạn tuyến chính nối ra quốc lộ 5 nhà thầu UDIC mới triển khai thi công bốc đất hữu cơ và thi công các cấu kiện đúc sẵn và BQL dự án Tả Ngạn vẫn chưa thể thực hiện di chuyển tuyến cấp thô D600 ra khỏi phạm vi dự án để bàn giao cho đơn vị thi công do vẫn chưa nhận được mặt bằng đoạn qua Công ty X20, X26.

Đối với nút giao với QL5 nhà thầu đã hoàn thành công tác thi công cọc khoan nhồi và đang triển khai thi công bệ thân trụ.

* Dự án đường 5 kéo dài: gồm có 7 gói thầu xây lắp chính trong đó:

- Gói thầu số 6 (Km 13 + 400 đến Km14+200) đã thi công xong nền đường, lớp đất đồi K98, lớp cấp phối đá dăm loại 2 và các hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hiện nhà thầu đang tiến hành thi công các lớp kết cấu mặt đường. Về cơ bản nhà thầu đã hoàn thành các khối lượng xây lắp chủ yếu trừ phần vỉa hè đang chờ thi công đường ống cấp nước truyền dẫn D700 và phần bê tông nhựa mặt đường đồng thời chờ các gói thầu khác để thi công đồng loạt hạng mục này.

- Gói thầu 7, 8 và 9: đang tiến hành thi công đào, đắp nền đường tại các vị trí đã được bàn giao mặt bằng, đúc các cấu kiện bê tông đúc sẵn.

- Gói thầu 11(km11+800 đến km13+400): đã cơ bản hoàn thành nền đường và hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, nhà thầu đang vướng mặt bằng đoạn từ km13+100 đến km13+260 nên không thi công được cầu Ngũ huyện Khê, đoạn đường đắp cao 2 bên đầu cầu, 2 cống chui dân sinh. Hiện trong phạm vi đoạn này có 5 nhà dân thuộc diện tái định cư. Bên cạnh đó, mặt bằng thu hồi bổ sung để thi công các hạng mục mương thoát nước mưa mặt đường, mương tưới vẫn chưa được bàn giao.

- Gói thầu 10 (km9+750 đến km11+800): đã phát hành hồ sơ mời thầu

- Gói thầu số 15 (km15+600 đến km17+046) đang tiến hành điều chỉnh thiết kế cơ sở của nút giao Cầu chui.

+ Phần cầu (cầu Đông Trù) được chia thành 3 gói thầu xây lắp chính:

- Gói thầu 12 (km14+200 đến km14+796) đã thi công xong 168/288 cọc khoan nhồi đường kính 1,5m; 5/10 trụ cầu hiện đang tiến hành thi công các hạng mục kết cấu trụ cầu, bệ móng và cọc khoan nhồi.

- Gói thầu 13 (km14+796 đế km15+076): đang trong giai đoạn hoàn thiện thiết kế kỹ thuật, là gói thầu chính cầu vòm ống thép nhồi bê tông nhịp 80m+120m+80m, 4 trụ và 216 cọc khoan nhồi đường kính 2m. Hiện đơn vị tư vấn chuyển giao công nghệ thiết kế và hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế kỹ thuật.

- Gói thầu 14 (km15+076 đến km15+600): hiện đang chuẩn bị tổ chức đấu thầu.

3. Thương mại dịch vụ:

a) Nội thương: Tháng Mười một năm 2007, tổng mức và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội Hà Nội tăng 2,1% so tháng trước và tăng 20,2% so cùng kỳ năm trước, trong đó tổng mức bán lẻ tăng 2,0% và 21,9%.

Dự kiến 11 tháng năm 2007, tổng mức và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội Hà Nội tăng 21,6% so cùng kỳ năm trước, trong đó tổng mức bán lẻ tăng 22,8%. 11 tháng qua, nội thương Hà Nội có nhiều thay đổi mang dấu ấn của thời kỳ phát triển kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế: nhiều hình thức bán lẻ mới xuất hiện và phát triển có tính hấp dẫn tiện dụng cao, tăng nhanh các siêu thị lớn, chuỗi cửa hàng bán lẻ, tuyến phố chuyên doanh 1 loại hàng, tuyến phố ẩm thực, chợ đêm… bên cạnh chợ truyền thống làm cho thị trường bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng Hà Nội ngày càng phong phú, sầm uất.

b)Ngoại thương: Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Thành phố Hà Nội tháng Mười một năm 2007 tăng 2,5% so tháng trước, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 2,9%. Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tăng 2,7% so tháng trước, trong đó nhập khẩu địa phương tăng 3,1%.

Dự kiến 11 tháng năm 2007, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Thành phố Hà Nội tăng 21,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 25,4%, kinh tế Nhà nước tăng 18,9% (kinh tế Nhà nước trung ương tăng 17,4%, kinh tế Nhà nước địa phương tăng 28,6%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 19% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 26,4%. Các ngành hàng xuất khẩu (trừ hàng điện tử) đều tăng trong đó máy in phun là ngành hàng xuất khẩu tăng khá nhất (tăng 38,2% so cùng kỳ) đang tiếp tục là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của thành phố Hà Nội trong những năm tới. Ngành hàng điện tử trong 11 tháng qua xuất khẩu giảm 15,6% so cùng kỳ năm trước là do hiện nay giá cả thị trường nhóm hàng này có xu hướng giảm nhẹ, thị trường xuất khẩu không được mở rộng. Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn Hà Nội 11 tháng năm 2007 tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu địa phương tăng 19,7%, kinh tế Nhà nước tăng 20,8% (kinh tế Nhà nước trung ương tăng 20,2%, kinh tế Nhà nước địa phương tăng 31,7%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 16,2% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 20,7%. Các ngành hàng nhập khẩu đều tăng so với cùng kỳ trong đó khu vực máy móc phụ tùng tăng 20,4%, vật tư nguyên liệu tăng 22,4%, xăng dầu tăng 20% và hàng tiêu dùng tăng 16%.

c) Vận tải:Tháng Mười một năm 2007 so cùng kỳ, khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 0,7%, khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 1,9%, doanh thu vận chuyển hàng hoá tăng 2%. Khối lượng hành khách vận chuyển tăng 0,8%, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 0,9%, doanh thu vận chuyển hành khách tăng 1,1%.

Dự kiến 11 tháng 2007, khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 8,5%, khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 9,8%, doanh thu vận chuyển hàng hoá tăng 16,1%. Khối lượng hành khách vận chuyển tăng 16,5%, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 16,9%, doanh thu vận chuyển hành khách tăng 19,9%.

d) Giá cả - thị trường: Chỉ số giá tiêu dùng tháng Mười một năm 2007 tăng 0,9% so tháng trước với đa số các nhóm hàng đều tăng. Hàng tăng nhiều nhất là lương thực (tăng 3,85%), thực phẩm (tăng 1,26%), nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (tăng 1,93%). Giá cả nhiều mặt hàng biến động tăng nhanh trên diện rộng: so tháng trước giá gạo tăng 7 - 10 ngàn đồng/yến, thịt lợn mông sấn tăng 4-5 ngàn đồng/kg, thịt bò mông tăng 4-5 ngàn đồng/kg, thịt gà công nghiệp làm sẵn tăng 3-5 ngàn đồng/kg, cá chép tăng 3-5 ngàn đồng/kg (con loại 0,5kg/con), sữa hộp nhập ngoại tăng 20-50 ngàn đồng/kg, sữa Vinamilk bột tăng 6-20 ngàn đồng/kg, sắt thép tăng giá từng ngày, giá gas tăng mạnh (tăng 20-50 ngàn đồng/bình, bình loại 12kg), giá thuốc chữa bệnh tăng đột biến nhất là kháng sinh và Vitamin nhập ngoại… Riêng hai ngành hàng giảm nhẹ trong tháng là giao thông bưu chính viễn thông (giảm 0,31%) và văn hoá giải trí du lịch (giảm 0,05%). Chỉ số giá vàng tăng 8,92% so với tháng trước, giá vàng trong tháng biến động tăng mạnh (có ngày đơn giá vàng 99,99 lên tới trên 1.600 ngàn đồng/chỉ). Chỉ số giá đô la giảm nhẹ (giảm 0,33%) so tháng trước; mức giá đôla là 16119 đồng/1 USD.

Dự kiến 11 tháng năm 2007, chỉ số giá bình quân 11 tháng so cùng kỳ tăng 0,8%. Tốc độ trượt giá 11 tháng (tháng 11 năm 2007 so tháng 12 năm 2006) là 8,2%, bình quân 1 tháng trong 11 tháng tăng 0,8%.

4. Sản xuất nông nghiệp

Đến nay toàn thành phố đã thu hoạch được 21504 ha lúa mùa đạt 94,7% diện tích đã cấy. Dự kiến đến 20 tháng 11 năm 2007 toàn thành phố sẽ thu hoạch xong.

Sau khi thu hoạch xong lúa mùa, nông dân đã khẩn trương làm đất và gieo trồng các loại cây vụ đông. Tuy nhiên do ảnh hưởng của quá trình đô thị hoá, người nông dân đang bỏ dần tập quán canh tác vụ đông nên diện tích gieo trồng vụ đông năm nay giảm so cùng kỳ năm trước. Tính đến 15 tháng 11 năm 2007, diện tích gieo trồng cây vụ đông đạt 8729 ha (bằng 92,8% so cùng kỳ năm trước) trong đó ngô 5581 ha (bằng 102,4%), khoai lang 666 ha (bằng 62,2%), đậu tương 248 ha (bằng 60,8%), lạc 117 ha (bằng 77,5%), rau các loại 2036 ha (bằng 91,5%)… Nhìn chung cây trồng vụ đông phát triển tốt, tuy nhiên sâu bệnh đã xuất hiện rải rác trên rau và ngô (sâu đục thân, sâu cắn lá) nhưng ở mức độ nhẹ. Một số loại rau vụ đông đã bắt đầu cho thu hoạch.

Tình hình chăn nuôi: đàn gia cầm phát triển ổn định và chưa phát hiện ổ dịch nào. Đàn gia súc về số lượng có tăng thêm do chuẩn bị cung cấp sản lượng thịt cho dịp Tết nguyên đán mặc dù đã xuất hiện dịch tai xanh ở đàn lợn (ngày 31 tháng 10 tại thôn Chử Xá, Văn Đức, Gia Lâm có 56 con lợn mắc bệnh tai xanh; chính quyền địa phương đã cho tiêu huỷ đồng thời tổ chức khoanh vùng phun khử trùng tiêu độc, lập trạm gác cấm vận chuyển gia súc ra vào thôn). Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn và UBND thành phố, các Quận, huyện đã triển khai tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm: đến nay đã tiêm phòng dịch lở mồm, long móng cho 259,4 ngàn con gia súc, tiêm phòng dịch bệnh khác cho 184,4 ngàn con gia súc, tiêm phòng dịch cúm gia cầm cho 1261,6 ngàn con gia cầm, tiêm phòng dại cho 16,8 ngàn con chó, mèo, phun 3296 lít hoá chất khử trùng tiêu độc.

5. Trật tự xã hội - an toàn giao thông:Mười tháng năm 2007, trên địa bàn Thành phố phát hiện và xẩy ra 4429 vụ phạm pháp hình sự (giảm 21% so cùng kỳ năm trước) với 3795 đối tượng bị bắt giữ theo luật (giảm 16%). Tổng số vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma tuý là 1588 vụ (giảm 6%) với 1908 đối tượng bị bắt giữ (giảm 13%).

Tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội từ đầu năm diễn biến theo chiều hướng tốt. Số vụ tai nạn giao thông xẩy ra trong 10 tháng là 673 vụ (giảm 9,9% so cùng kỳ năm trước) làm bị thương 456 người (giảm 20,6%), làm chết 376 người (tăng 4,4%).

Trong 10 tháng đầu năm 2007, có 143 vụ cháy nổ xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội (tăng 10% so cùng kỳ năm trước) làm 5 người chết và 11 người bị thương, làm thiệt hại tài sản trị giá khoảng 12,54 tỷ đồng.

6. Tín dụng Ngân hàng:

Dự kiến đến cuối tháng Mười một năm 2007, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội tăng 2,20% so cuối tháng trước và tăng 32,93% so với cuối năm 2006, trong đó tiền gửi dân cư tăng 1,90% và 26,62%, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 2,43% và 38,09%. Dư nợ cho vay tăng 1,92% so tháng trước và tăng 35,86% so với cuối năm 2006, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 1,96% và 32,23%, dư nợ trung và dài hạn tăng 1,87% và 42%.



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật