Tình hình kinh tế - xã hội tháng Một năm 2016 của TP Hà Nội (17:38 16/02/2016)


HNP- Báo cáo số 36/BC-CTK ngày 21/01/2016 của Cục Thống kê TP Hà Nội về tình hình kinh tế - xã hội tháng Một năm 2016.


1. Sản xuất công nghiệp

Tết Nguyên đán Bính Thân năm nay diễn ra vào đầu tháng Hai nên hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp tập trung sản xuất vào những tháng cuối năm 2015 để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết. Tuy sản xuất công nghiệp trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp đã tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh sản xuất nhằm tích lũy hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân. Dự kiến sản xuất công nghiệp tháng Một giảm so với tháng trước nhưng tăng mạnh so cùng kỳ năm trước. Cụ thể như sau:

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tháng Một giảm 3,1% so tháng trước và tăng 15% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Công nghiệp khai khoáng giảm 9,8% so tháng trước và giảm 17,6% so cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,2% và tăng 15,1%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, hơi nước tăng 2,3% và tăng 9,1%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác, nước thải giảm 4,9% và tăng 19,7%.

Trong đó, một số ngành chiếm tỷ trọng lớn có tốc độ tăng khá cao so bình quân chung như: Sản xuất chế biến thực phẩm, tăng 20,2% so cùng kỳ 2015; sản xuất trang phục, tăng 63%; sản xuất thuốc, hóa dược tăng 30,6%; sản xuất kim loại, tăng 39,9%; khai thác, xử lý và cung cấp nước, tăng 16,4%;... Bên cạnh đó, một số ngành sản xuất có chỉ số sản xuất giảm sút như: Khai khoáng khác, giảm 17,6%; sản xuất thuốc lá, giảm 3,7%; sản xuất thiết bị điện, giảm 18,6%;...

Sản phẩm công nghiệp chủ yếu của thành phố Hà Nội ước tính tháng Một so cùng kỳ như sau: Bánh các loại tăng 27,7% so cùng kỳ; Bia đóng chai tăng 2,5%; thuốc lá có đầu lọc giảm 3,7%; khăn các loại giảm 14,5%; vải tuyn tăng 20%; bộ quần áo thể thao tăng 175,4%; phân lân nung chảy giảm 18,7%; mạch điện tử tích hợp tăng 53,7%; tủ lạnh, loại sử dụng trong gia đình tăng 152,2%; bê tông tươi tăng 19%; tấm lợp bằng kim loại tăng 20%; cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại tăng 138,5%; nước uống được tăng 16,4%; tủ bằng gỗ khác tăng 11,6%; bàn bằng gỗ các loại tăng 202,1%;...

2. Vốn đầu tư

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng Một được thực hiện chủ yếu từ các dự án chuyển tiếp của năm trước và ước đạt 2.059 tỷ đồng, tăng 9,5% so tháng trước và 27,7% so cùng kỳ.

*) Kế hoạch vốn ngân sách Thành phố năm 2016

Kế hoạch vốn đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Thành phố năm 2016 dự kiến đạt 30.497 tỷ đồng, tăng 51,3% so năm 2015.

Việc phân bổ vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách năm 2016 cho các dự án của Thành phố phải đảm bảo thứ tự ưu tiên sau: Ưu tiên bố trí vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và hoàn ứng trước; dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2016 (theo tiến độ trong quyết định đầu tư, khả năng cân đối vốn và khả năng thực hiện trong năm); vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức PPP; số vốn còn lại bố trí cho các dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt.

Sau khi bố trí đủ vốn cho các dự án nêu trên, nếu còn vốn mới xem xét bố trí cho các dự án khởi công mới. Ngoài ra, với các dự án ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ khởi công mới năm 2016 phải kiểm soát chặt chẽ, chỉ thực hiện những dự án thực sự hiệu quả, phù hợp với khả năng giải ngân vốn của các nhà tài trợ theo các hiệp định đã ký kết và các dự án đã được Thủ tướng phê duyệt phù hợp với tiến độ triển khai thực hiện năm 2016.

*) Tiến độ một số dự án trên địa bàn Thành phố

- Trong tháng Một, công trình nút giao Trung Hòa và hầm chui qua nút giao Thanh Xuân lớn nhất trên địa bàn Hà Nội đã được Bộ Giao thông Vận tải, UBND thành phố Hà Nội, Cơ quan hợp tác quốc tế Jica - Nhật Bản phối hợp tổ chức thông xe và đưa vào sử dụng.

Dự án đầu tư xây dựng nút giao Trung Hòa có quy mô xây dựng 2 hầm chui thông theo 2 chiều giao thông, hướng Đại lộ Thăng Long - đường Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám. Phần hầm kín và phần hầm hở phía đường Trần Duy Hưng gồm hai hầm riêng biệt, mỗi hầm có bề rộng 12m, gồm 3 làn xe cơ giới rộng 3,5m/làn. Phần hầm hở phía Đại lộ Thăng Long gồm 2 hầm riêng biệt, mỗi hầm có bề rộng 16,25m.

Dự án hầm nút giao Thanh Xuân thuộc tiểu dự án xây dựng hầm Quốc lộ 6 nút giao Thanh Xuân thuộc Dự án xây dựng đường Vành đai 3, giai đoạn 2. Hầm nút giao Thanh Xuân được thi công trong khu vực nút giao Thanh Xuân hiện tại, giao giữa đường vành đai 3 và đường Nguyễn Trãi. Hầm có chiều dài 980 m, có 2 làn xe mỗi chiều, mặt cắt ngang 8m, vận tốc thiết kế 60km/h.

- Cũng trong tháng Một, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức thông xe kỹ thuật và gắn biển công trình chào mừng Đại hội lần thứ XII của Đảng cho công trình cầu vượt nút giao thông trung tâm quận Long Biên - một trong những công trình giao thông trọng điểm của TP Hà Nội, giai đoạn 2011-2015. Sau bảy tháng thi công, các nhà thầu đã hoàn thành cầu vượt dài 809,7m, rộng 26m gồm sáu làn xe chạy với vận tốc thiết kế 80km/giờ, vượt tiến độ tám tháng. Cầu vượt nối từ đường Nguyễn Văn Linh với đường 5 kéo dài, có 16 nhịp, gồm cầu chính dài 310m và hệ thống cầu dẫn dài 494,9 m, kết cấu dầm hộp bê- tống cốt thép ứng lực trước.

- Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai I (đoạn Ô Đống Mác - đê Nguyễn Khoái): Hiện nay, tất cả các gói thầu đã được triển khai đồng loạt trên công trường, mặt bằng có đến đâu sẽ triển khai thi công ngay đến đó để đẩy nhanh tiến độ. Tổng khối lượng dự án ước hoàn thành 50% khối lượng.

3. Thương mại dịch vụ

3.1. Nội thương

Ước tính tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng Một đạt 168.920 tỷ đồng, tăng 4,7% so tháng trước và tăng 10,4% so cùng kỳ (trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 38.157 tỷ đồng, tăng 5,2% và 10,1%). Trong đó: Kinh tế Nhà nước ước đạt 48.500 tỷ đồng, tăng 3,6% và 8,5%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 112.320 tỷ đồng, tăng 5,3% và 11,2%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 8.100 tỷ đồng, tăng 3,1% và 9,7%.

Tình hình chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán

Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố về việc tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán Bính Thân trên địa bàn Hà Nội. Để đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn Thành phố đã xây dựng kế hoạch dự trữ và sản lượng hàng hóa phục vụ tết. Ước tính tổng lượng hàng hóa dự trữ tăng thêm của hệ thống phân phối, bán lẻ trên địa bàn trị giá khoảng 15.000 tỷ đồng.

Tình hình chuẩn bị hàng Tết của một số Công ty trên địa bàn Hà Nội như sau:

- Doanh nghiệp tham gia bình ổn giá: Tập trung khai thác, dự trữ và tổ chức bán ra thị trường một số nhóm hàng thiết yếu như: gạo trắng thường 34.500 tấn; thịt lợn 5.740 tấn; thịt gà 2.453 tấn; trứng gia cầm 38 triệu quả; thủy hải sản đông lạnh 1.020 tấn; dầu ăn 8 triệu lít; rau củ 32.800 tấn; bánh mứt kẹo 847 tấn; sữa nước 5,3 triệu lít với tổng tiền hàng khoảng 2.566 tỷ đồng.

- Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh rượu bia, nước giải khát: sản xuất, dự trữ và đưa ra thị trường khoảng 190 triệu lít bia, 6 triệu lít rượu các loại, trị giá khoảng 6.000 tỷ đồng.

- Doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh bánh mứt kẹo có kế hoạch đưa ra thị trường khoảng 30.000 tấn bánh mứt kẹo các loại, tương đương 2.500 tỷ đồng.

- Công ty xăng dầu: dự trữ khoảng 6 vạn m3 xăng dầu, tương đương 1.200 tỷ đồng, đồng thời có kế hoạch đảm bảo nguồn hàng ổn định, số lượng, chất lượng, chủng loại xăng dầu để đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng phát sinh trong dịp Tết.

- Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa dự kiến sản lượng phục vụ Tết khoảng 17 triệu lít sản phẩm, tương đương 450 tỷ đồng.

- Doanh nghiệp giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm dự trữ bán ra tổng lượng hàng hóa phục vụ Tết khoảng 700 tỷ đồng.

- Doanh nghiệp kinh doanh hàng may mặc, điện máy cũng chuẩn bị lực lượng hàng hóa để chuẩn bị bán ra phục vụ nhân dân trong dịp Tết.

- Các trung tâm thương mại, siêu thị như: Metro, Big C, Coop Mart, Fivimart, Intimex, Hapro, Citimart,... dự trữ bán ra các loại hàng thiết yếu phục vụ Tết tăng khoảng từ 10-15% so với các tháng trong năm với tổng số tiền khoảng 2.700 tỷ đồng, trong đó hàng Việt Nam giữ vai trò chủ đạo và chiếm từ 75-80%.

Hà Nội cũng dự kiến tổ chức các chuyến bán hàng lưu động về khu vực nông thôn, ngoại thành; các khu công nghiệp, khu chế xuất; tổ chức các Hội chợ Xuân, chợ hoa xuân, chợ nông sản thực phẩm trên địa bàn để phục vụ nhân dân thăm quan và mua sắm Tết.

3.2. Ngoại thương

 - Xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội tháng Một ước đạt 943 triệu USD, giảm 3,5% so tháng trước và giảm 0,9% so cùng kỳ. Trong đó: xuất khẩu địa phương đạt 717 triệu USD, giảm 3,5% và 1%. Trong tháng, các nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu đều giảm so với tháng trước và giảm mạnh nhất là nhóm hàng dệt may, giảm 5,9%; dày dép các loại và sản phẩm từ da, giảm 5,1%; hàng xăng dầu, giảm 5,2%.

- Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tháng Một ước đạt 2.282 triệu USD, giảm 6% so tháng trước và tăng 11,6% so cùng kỳ. Trong đó, nhập khẩu địa phương đạt 985 triệu USD, giảm 6,2% và tăng 10,8%.

3.3. Vận tải

- Vận tải hàng hóa: Tháng Một khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 3,3% so tháng trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng 4,2% và doanh thu tăng 4,4% so tháng trước.

- Vận tải hành khách: Số lượt hành khách vận chuyển tăng 3,5% so tháng trước; số lượt hành khách luân chuyển tăng 3,7%, doanh thu tăng 3,1%.

- Hoạt động bốc xếp: Ước tính doanh thu tăng 2,7% so với tháng trước.

Tình hình chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán

Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân, hiện nay các bến xe, nhà ga đã có kế hoạch tăng cường tàu xe, phương tiện vận tải.

Công ty CP bến xe Hà Nội đã lên kế hoạch tăng cường xe trong những ngày cao điểm. Cụ thể: tại bến Giáp Bát dự kiến 1.150 lượt xe/ ngày (tăng 1,3 lần so ngày thường); tại bến Mỹ Đình dự kiến 1.580 lượt xe/ ngày (tăng 1,2 lần so ngày thường); tại bến Gia Lâm, dự kiến 700 lượt xe/ ngày (tăng 1,3 lần so ngày thường). Ngoài ra, công ty CP bến xe Hà Nội còn phối hợp với các đơn vị kinh doanh vận tải Hà Nội và Tổng Công ty vận tải Hà Nội để thuê bổ sung một số phương tiện vận tải dự phòng phục vụ tăng cường giải tỏa khách tại chỗ bến quá đông, tránh ùn ứ cục bộ.

Tổng Công ty vận tải Hà Nội cũng đã lên kế hoạch vận tải hành khách bằng xe buýt phục vụ Tết Nguyên đán. Từ ngày 31/1-6/2 (tức 22-28 tháng Chạp) và ngày 13-14/2 (tức 6-7 tháng Giêng) Tổng Công ty bố trí dự phòng 44 xe/ ngày trên 24 tuyến buýt đễ sẵn sàng tăng cường giải tỏa khi lượng khách tăng đột biến.

Tổng Công ty đường sắt Việt Nam trong thời gian chạy tàu phục vụ Tết dự kiến sử dụng 52 đoàn xe để chạy 15 đôi tàu khách trên tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh và ngược lại. Các ngày Tết (ngày 30, mùng 1, 2 và 3 Tết) vẫn duy trì 5 đôi tàu Thống Nhất để phục vụ khách về ăn tết muộn, đi du lịch hoặc đi chúc tết.

3.4. Thị trường giá cả

Chỉ số của 8/11 nhóm hàng trong tháng Một tăng, đã làm cho chỉ số chung về giá tiêu dùng (CPI) tháng này tăng 0,12% so tháng trước và tăng 1,19% so cùng kỳ. Tăng cao nhất thuộc về nhóm giáo dục (tăng 3,74%) do thực hiện Quyết định số 41/2015/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội, các trường tăng học phí cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông (cả 2 đối tượng trong rổ hàng hóa). Nhóm có chỉ số giảm duy nhất là nhóm giao thông (giảm 2,1%) do trong kỳ tính giá, giá xăng dầu được điều chỉnh 2 lần khiến giá xăng dầu giảm mạnh. Đợt giảm giá ngày 19/1 chưa ảnh hưởng đến chỉ số giá tháng Một, nhưng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số giá tháng tiếp theo.

Trong tháng, cả hai chỉ số giá vàng và chỉ số giá Đô la Mỹ đều tăng, với mức tăng lần lượt là 0,26% và 0,13% so tháng trước.

Cụ thể giá một số mặt hàng như sau:

- Lương thực: Giá các mặt hàng gạo tẻ thường trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng nhẹ ở loại gạo ngon. Giá một số loại gạo như sau: Gạo tẻ thường Khang Dân có giá từ 10.000-10.500 đồng/kg; gạo xi dẻo 12.000-13.000 đồng/kg; gạo tám Hải Hậu 17.000-18.000 đồng/kg; gạo nếp cái hoa vàng có giá từ 29.000-30.000 đồng/kg.

- Thực phẩm: Tháng này nhóm thực phẩm tăng 0,27% so tháng trước do theo quy luật, đang vào thời điểm giáp Tết nên nhiều hộ dân găm giữ hàng để bán vào những ngày tết cho được giá, làm cho nguồn cung khan hiếm. Thêm vào đó, việc các nhà hàng thu gom thực phẩm để phục vụ cho các đám cưới hỏi, liên hoan, hội nghị cuối năm cũng khiến cho giá một số mặt hàng như thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản,... tăng giá. Rau củ lại giảm mạnh do thời tiết thuận lợi, nguồn cung dồi dào khiến giá các mặt hàng rau củ giảm từ 10-30%. Giá một số loại rau như sau: Bắp cải có giá từ 6.000-7.000 đồng/kg; su hào 2.000-3.000 đồng/kg,...

- Giá hàng tiêu dùng: Do miền Bắc giao mùa nên một số mặt hàng quần áo, giầy dép phục vụ mùa Thu, mùa Đông tăng giá khiến cho nhóm may mặc tăng 0,33% so tháng trước.

- Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,08% so tháng trước do nhu cầu sửa chữa nhà cửa phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới nên một số loại dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng. Thêm vào đó là nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong mùa lạnh nên sản lượng điện tăng. Từ đầu tháng 1/2016, do giá gas thế giới giảm khoảng 100 USD/ tấn nên giá gas bán lẻ trong nước được điều chỉnh giảm 2.583 đồng/kg tương đương 31.000 đồng/ bình 12kg tùy từng hãng. Giá thép tiếp tục giảm do giá nguyên liệu sản xuất giảm và thép phôi giữ ở mức thấp nên các nhà máy đã điều chỉnh giảm giá bán thép nhằm giữ sản lượng và tăng thị phần.

- Nhóm giao thông: Giá xăng dầu được điều chỉnh giảm 2 lần trong tháng (ngày 18/12/2015 và 4/1/2016), việc giảm giá xăng dầu liên tiếp đã làm cho chỉ số nhóm giao thông giảm (giảm 2,01% so tháng trước). Hiện giá xăng (tại ngày 19/1) A92 có giá 15.440 đồng/ lít; xăng A95 có giá 16.140 đồng/lít; xăng E5 RON 92 có giá 14.750 đồng/lít; dầu diezen 0.05S có giá 10.200 đồng/lít; dầu hỏa có giá 9.380 đồng/lít.

4. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

4.1. Trồng trọt

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông năm 2015-2016 trên địa bàn thành phố Hà Nội ước đạt 41.787 ha, giảm 16,5% so cùng kỳ. (Trong đó: Ngô 9.981 ha, giảm 5,7%; khoai lang 2.542 ha, giảm 15,9%; đậu tương 10.577 ha, giảm 41,7%; lạc 449 ha, giảm 2,8%; rau các loại 14.620 ha, giảm 0,4%;...). Diện tích gieo trồng vụ Đông giảm do: Thứ nhất, đầu tháng Mười sau khi thu hoạch lúa Mùa thời tiết có mưa lớn vào đúng thời điểm gieo trồng cây vụ Đông nên một số diện tích trũng đã không thể gieo trồng. Thứ hai, Một số huyện như Chương Mỹ, Thanh Oai, Phú Xuyên, năm 2014 huyện hỗ trợ 100% giống đậu tương đông nhưng đến năm 2015 cây đậu tương được hỗ trợ giống ít nên không tạo động lực để người dân tích cực với việc tăng diện tích trồng cây đậu tương. Bên cạnh đó, sự phát triển của các ngành kinh doanh, sản xuất, dịch vụ, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn đã thu hút lượng lao động nông nghiệp chuyển sang các ngành này. Thứ ba, Một bộ phận nông dân chưa thực sự coi trọng vụ Đông, trồng cây vụ đông chưa có sự đầu tư thoả đáng, còn trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước, thiếu chủ động nên hiệu quả sản xuất không cao đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất vụ Đông; giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, trong khi đó giá bán sản phẩm nông nghiệp lại thấp nên đã không khuyến khích nhân dân trồng cây vụ đông.

Hiện nay, các quận, huyện, thị xã đang tập trung hướng dẫn các địa phương làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, thu hoạch cây vụ Đông và chỉ đạo làm đất chuẩn bị cho việc gieo mạ Xuân năm 2016 để đảm bảo hoàn thành kế hoạch cấy trong khung thời vụ tốt nhất. Tính đến nay, diện tích gieo mạ mới được 50 ha đạt 7% kế hoạch .

Diện tích cây màu vụ Đông đã thu hoạch: Ngô 7.029 ha, đạt 70,4% diện tích; lạc 363 ha, đạt 80%; khoai lang 2.153 ha, đạt 84,7%; đậu tương 9.825ha, đạt 92,9%; rau các loại 12.400 ha, đạt 84,8%;... hiện các loại cây trồng vụ Đông đang tiếp tục thu hoạch để tạo chân ruộng cho sản xuất vụ Xuân.

 Các Xí nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi đang tập trung nạo vét kênh mương, nâng cấp, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống bơm tưới đảm bảo hoạt động có hiệu quả. Chuẩn bị nhân lực, máy móc, thiết bị lấy nước đổ ải khi các hồ thuỷ điện xả nước để có nước làm đất gieo trồng vụ Xuân.

4.2. Chăn nuôi

Tình hình chăn nuôi trên địa bàn Thành phố tương đối ổn định. Ước tính, số trâu hiện có hơn 25 nghìn con, tăng 2,7% so cùng kỳ; số bò 141,9 nghìn con, tăng 0,9% (trong đó, bò sữa 14,4 nghìn con, tăng 7,8%); đàn lợn 1,3 triệu con, tăng 4,4%;  đàn gia cầm có khoảng 25 triệu con, trong đó đàn gà có khoảng 16,8 triệu con. Tại thời điểm này các địa phương đang tích cực đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe cho đàn gia súc, gia cầm, chủ động dự trữ thức ăn, tích cực chuẩn bị nguồn thực phẩm phục vụ nhu cầu của nhân dân trước và sau Tết cổ truyền Bính Thân.

Hiện tại, trên địa bàn Thành phố, tình hình dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như  dịch cúm gia cầm, bệnh tai xanh, lở mồm long móng và các bệnh truyền nhiễm thông thường không xảy ra, cơ bản ổn định. Các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm.

4.3. Lâm nghiệp

Trong tháng đầu năm 2016 đang là mùa hanh khô nên trên địa bàn không có phát sinh diện tích trồng rừng. Tình hình khai thác gỗ và lâm sản ước đạt 1.000 m3. Sản lượng gỗ khai thác chủ yếu từ rừng trồng và sản lượng củi khai thác ước đạt 3.900 ste.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Thành phố không xảy ra cháy rừng và chặt phá rừng trái phép, phát hiện xử lý 03 vụ vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng, tịch thu 2 kg  động vật hoang dã và 1,3 m3 gỗ quy tròn (trong đó: 0,8 m3 gỗ quý hiếm), phạt hành chính và bán lâm sản tịch thu được 15 triệu đồng nộp ngân sách.

4.4. Thủy sản

Từ đầu năm 2016 đến nay các địa phương trên địa bàn Thành phố tiếp tục phát triển và nhân rộng các mô hình nuôi cá lăng trong lồng; Mô hình nuôi thâm canh cá rô phi;... ước tính diện tích nuôi trồng 1.940 ha; Sản lượng thu hoạch trong tháng đầu năm đạt 7.120 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 6.940 tấn; Lượng cá giống ươm nuôi đạt 120 triệu con.  

Hiện nay các hộ, các trang trại, đơn vị nuôi trồng thuỷ sản đang tiếp tục thu hoạch sản phẩm, nhất là các loại cá kém chịu rét như cá chim trắng, cá rô phi...Tiếp tục cải tạo ao, hồ chuẩn bị cho mùa mưa đến. Đồng thời tăng cường các biện pháp phòng chống rét đối với ao, hồ nuôi cá bố, mẹ và các ao, hồ nuôi cá thịt chưa cho thu hoạch. Trong năm 2015 nhiều mô hình nuôi cá lăng trong lồng, nuôi thâm canh cá rô phi, theo phương pháp an toàn sinh học đang được nuôi thí điểm với những tín hiệu tích cực. Một số địa phương đã triển khai nuôi các loại thuỷ sản khác như: ếch, cá lăng, cá sấu, ốc nhồi… dù diện tích còn nhỏ, chưa được nhân rộng, nhưng cũng góp phần đa dạng hoá các loài vật nuôi, trong năm 2016 các phương pháp ứng dụng công nghệ cao, nuôi trồng thuỷ sản theo hướng an toàn sinh học theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội sẽ được quan tâm, chú trọng hơn, đó cũng là một hướng đi mới cho sản xuất Nông nghiệp của Thủ đô.

5. Các vấn đề xã hội

5.1. Trật tự xã hội, an toàn giao thông

Theo số liệu tổng hợp của Công an thành phố Hà Nội, trong tháng 12/2015:

- Về phạm pháp hình sự, đã phát hiện 408 vụ, giảm 21,8% so cùng kỳ năm trước, trong đó có 323 vụ công an khám phá được, giảm 19,2%; số đối tượng vi phạm bị bắt, giữ theo Luật 557 người, giảm 5,1%. Tính chung cả năm 2015, đã phát hiện 5.589 vụ phạm pháp hình sự, giảm 3,7% so cùng kỳ, trong đó có 4.479 vụ công an khám phá được, giảm 1,3%; số đối tượng bị bắt, giữ theo Luật là 7.994 người, tăng 4,7%.

- Vi phạm về kinh tế, đã phát hiện 136 vụ phạm pháp kinh tế, tăng 65,9% so cùng kỳ; số đối tượng phạm pháp là 140 người, tăng 62,8%. Thu nộp ngân sách 5,6 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm, tổng số vụ phạm pháp kinh tế  là 2.057 vụ, giảm 3,2% so cùng kỳ năm trước; số đối tượng phạm pháp là 2.158 người, giảm 6,3%; thu nộp ngân sách 269 tỷ đồng.

- Tệ nạn xã hội:

Tháng 12/2015 đã phát hiện 52 vụ cờ bạc, tăng  271,4% so cùng kỳ năm trước, số đối tượng bị bắt giữ 263 người, tăng 246,1%. Lũy kế từ đầu năm, có 535 vụ cờ bạc bị phát hiện, giảm 45,1% so cùng kỳ; số đối tượng bị bắt giữ 3.024 người giảm 12,9%.

Tổng số vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy bị phát hiện trong tháng: 149 vụ, 179 đối tượng. Lũy kế từ đầu năm, đã có 2.288 vụ buôn bán ma túy, giảm 13,7 % so với cùng kỳ, số đối tượng bị bắt 2.856 người giảm 15,2%.

- Trật tự an toàn giao thông: Trong tháng toàn Thành phố đã xảy ra 141 vụ tai nạn giao thông, làm 62 người chết và 140 người bị thương. Lũy kế từ đầu năm, toàn Thành phố đã xảy ra 1.680 vụ tai nạn giao thông, giảm 15,7% so cùng kỳ; làm 608 người chết, giảm 4,9% và bị thương 1.427 người, giảm 23,1%.

5.2. Công tác thực hiện chính sách thăm hỏi nhân dịp tết Nguyên đán

Để chuẩn bị cho tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, UBND Thành phố đã ra Quyết định số 7260/QĐ-UBND ngày 29/12/2015 về kinh phí tặng quà tới các đối tượng hưởng chính sách, cán bộ công nhân viên đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức, người cao tuổi và hỗ trợ gia đình thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn Thành phố. Thăm hỏi, tặng quà các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, chi bồi dưỡng cho các cán bộ và bổ sung tiền ăn đối tượng nuôi dưỡng, chữa trị tập trung với tổng kinh phí hơn 284,1 tỷ đồng. Trong đó: Đối tượng người có công, 140.155 suất, tương đương 59,9 tỷ đồng; cán bộ hưu trí, mất sức là 529.996 suất, tương đương 159 tỷ đồng; 344.409 hộ nghèo, tương đương 10,3 tỷ đồng.

6. Tín dụng ngân hàng, thị trường chứng khoán

6.1. Tín dụng ngân hàng

Tổng nguồn vốn huy động tháng Một ước đạt 1.486 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so tháng trước. Trong đó: Tiền gửi đạt 1.393 nghìn tỷ đồng, tăng 0,6% (tiền gửi tiết kiệm tăng 0,1%, tiền gửi thanh toán tăng 1%); phát hành giấy tờ có giá đạt 93 nghìn tỷ, tăng 2,4%.

Tổng dư nợ cho vay ước đạt 1.249 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so tháng trước. Trong đó: Dư nợ ngắn hạn đạt 714 nghìn tỷ đồng, tăng 0,2%; dư nợ trung và dài hạn đạt 535 nghìn tỷ đồng, tăng 2%. Trong tổng dư nợ cho vay, dư nợ bằng VNĐ chiếm 90,5%.

6.2. Thị trường chứng khoán

Trong thời gian vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục đón những thông tin bất lợi cả trong và ngoài nước như: Kinh tế Trung Quốc kém tích cực; giá dầu thế giới liên tục sụt giảm kéo theo đà mất giá của đồng Nhân dân tệ (CNY) đã làm cho nhiều nước trong khu vực (như Indonesia, Malaysia,...) phải giảm giá đồng tiền hay hạ lãi suất nhằm giải tỏa áp lực và hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, trong nước lại có diễn biến khác khi tỷ giá ít biến động và lãi suất có xu hướng tăng trở lại,.. đã làm cho tâm lý của các nhà đầu tư trở lên bi quan và thị trường liên tục giảm điểm trong thời gian vừa qua.

Kết thúc phiên 18/1, trên cả hai sàn chứng khoán do Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội quản lý có 641 doanh nghiệp niêm yết (trong đó, tại HNX có 380 doanh nghiệp niêm yết và tại Upcom có 261 doanh nghiệp đăng ký giao dịch), với giá trị niêm yết đạt 163.981 tỷ đồng, tăng 4,8% so đầu năm (trong đó, giá trị niêm yết tại HNX đạt 106.216 tỷ đồng, tăng 0,2%; giá trị niêm yết tại Upcom đạt 57.765 tỷ đồng, tăng 14,4%). Giá trị vốn hóa toàn thị trường đạt 206.851 tỷ đồng, giảm 2,7% so đầu năm (trong đó, tại HNX đạt 140.501 tỷ đồng, giảm 7,3%; tại Upcom đạt 66.350 tỷ đồng, tăng 8,7%).

Thị trường cổ phiếu niêm yết (HNX)

Trong 11 phiên giao dịch đầu tháng Một, chỉ số HNX Index đã có 8 phiên giảm điểm (trong đó có 3 phiên giảm mạnh nhất: ngày 5/1, giảm 1,29%; 7/1 giảm 1,95%; ngày 18/1 giảm 2,82%) và 3 phiên tăng nhẹ. Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/1, chỉ số HNX index đạt 73,26 điểm, giảm 6,7 điểm, tương đương mức giảm 8,4% so với chốt phiên giao dịch ngày cuối cùng của năm 2015 (chỉ số HNX30 đạt 126,05 điểm, giảm 15,12 điểm, tương đương mức giảm 10,7%).

Trong 11 phiên giao dịch đầu tháng Một, khối lượng giao dịch đạt 491 triệu CP được chuyển nhượng, với giá trị chuyển nhượng đạt 4.702 tỷ đồng (trong đó: Giao dịch khớp lệnh đạt 418 triệu CP được chuyển nhượng, với giá trị chuyển nhượng đạt 4.088 tỷ đồng; giao dịch thỏa thuận đạt 73 triệu CP, với giá trị đạt 614 tỷ đồng). Bình quân một phiên giao dịch có 44,6 triệu CP được chuyển nhượng, với giá trị chuyển nhượng bình quân một phiên đạt 427,4 tỷ đồng, bằng 104,2% về khối lượng và 93,5% về giá trị so với bình quân chung của tháng trước.

Thị trường giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết (Upcom)

Cùng với sự sụt giảm của thị trường niêm yết, thị trường giao dịch của các công ty đại chúng chưa niêm yết cũng sụt giảm mạnh. Trong 11 phiên giao dịch, có 9 phiên giảm điểm, 2 phiên tăng điểm nhẹ. Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/1, chỉ số Upcom Index đạt 47,68 điểm, giảm 3,6 điểm, tương đương mức giảm 7% so với chốt phiên giao dịch ngày cuối cùng của năm 2015.

Trong 11 phiên giao dịch đầu tháng Một, khối lượng giao dịch đạt 60,6 triệu CP được chuyển nhượng, với giá trị chuyển nhượng đạt 1.005 tỷ đồng. Bình quân một phiên giao dịch có 5,5 triệu CP được chuyển nhượng, với giá trị bình quân một phiên đạt 91,3 tỷ đồng, bằng 57,2% về khối lượng và 64,8% về giá trị so bình quân chung của tháng 12 năm trước. Nguyên nhân của sự sụt giảm mạnh về khối lượng và giá trị do trong tháng 12, Bộ Công thương đã hoàn thành việc thoái vốn (bán 122 triệu CP GEX) tại Tổng Công ty CP thiết bị điện Việt Nam (GEX) .

Hoạt động cấp mã giao dịch

Trong tháng 12/2015, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã cấp được 99 mã giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài (trong đó, cá nhân là 84 và tổ chức là 15 mã). Lũy kế từ đầu năm, VSD đã cấp được 1.037 mã số giao dịch, tăng 33,3% so với cùng kỳ (trong đó: cá nhân đạt 745 mã, tăng 51,1%; tổ chức đạt 292 mã, tăng 2,5%); đưa tổng số mã đã cấp lên 18.522 mã số giao dịch.

Số tài khoản giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài được cấp mới trong tháng 12 đạt 11.559 tài khoản (trong đó: cá nhân trong nước 11.367; tổ chức trong nước 95; cá nhân nước ngoài 78; tổ chức nước ngoài 19). Lũy kế từ đầu năm, số tài khoản giao dịch của các nhà đầu tư được cấp mới đạt hơn 130,9 nghìn tài khoản, đưa tổng số tài khoản giao dịch hiện có của các nhà đầu tư lên 1.569.792 tài khoản (trong đó, số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư trong nước đạt 1.552.003 tài khoản; nhà đầu tư nước ngoài đạt 17.789 tài khoản).


BC36_Thang 1_CTK.doc


HNP


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật