Kết quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm 11 tháng năm 2016 trên địa bàn Thành phố Hà Nội (16:42 20/12/2016)


HNP - UBND Thành phố vừa có báo cáo số 239/BC-UBND về kết quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm 11 tháng năm 2016. Trên cơ sở đánh giá toàn diện về công tác đảm bảo ATTP trong 11 tháng ở cả 5 lĩnh vực, gồm: công tác chỉ đạo, điều hành; công tác xây dựng và triển khai các chương trình, đề án đảm bảo ATTP; công tác thông tin tuyên truyền về ATTP; công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm ATTP và công tác kiểm nghiệm, giám sát nguy cơ ô nhiễm và phòng chống ngộ độc thực phẩm.


Báo cáo nêu rõ kết quả thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng chính phủ theo tinh thần tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATTP và Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng.  
 
Cụ thể, về công tác chỉ đạo: Công tác ATTP năm 2016 Hà Nội đã được các cấp ủy Đảng chính quyền quan tâm, Thành ủy ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU về "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới", UBND Thành phố ban hành Kế hoạch 151/KH-UBND, Kế hoạch 225/KH-UBND, Quyết định 16/QĐ-UBND quy định trách nhiệm quản lý ATTP trên địa bàn thành phố tránh chồng chéo và bỏ sót....Công tác phối hợp liên ngành: có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành liên quan. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý về ATTP. Duy trì phối hợp cam kết với các tỉnh lân cận về kiểm soát nguồn nguyên liệu thực phẩm về Hà Nội, về truy xuất nguồn gốc thực phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Điểm mới và nổi bật trong công tác phối hợp là tổ chức ký kết Quy chế phối hợp giữa 3 sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương để giải quyết kịp thời các nội dung phối hợp...Công tác truyền thông về ATTP được đẩy mạnh, các cơ quan quản lý đã chủ động phối hợp và huy động cơ quan thông tin truyền thông xây dựng chuyên trang chuyên mục về ATTP, nêu danh sách cơ sở bảo đảm ATTP lên Website ngành cho nhân dân biết và lựa chọn và nêu cơ sở không bảo đảm ATTP lên phương tiện thông tin đại chúng.....
 
Bên cạnh  những kết quả đạt được thì vẫn còn những khó khăn, tồn tại như: Việc xử lý các vi phạm ở tuyến xã, phường, thị trấn đã được đẩy mạnh, tuy nhiên vẫn chưa quyết liệt, chủ yếu là nhắc nhở; Số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, phường, thị trấn chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, nhiều chợ tạm, chợ cóc..; Tình hình vận chuyển, buôn bán, thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo ATTP từ tỉnh khác vào Hà Nội tuy giảm nhưng còn diễn ra trên địa bàn. Việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm rau, củ quả, kinh doanh tại các chợ các điểm bán lẻ gặp nhiều khó khăn; Nhân lực triển khai tại quận, huyện được phân công theo dõi về chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản đều kiêm nhiệm, thiếu cán bộ chuyên trách và chuyên môn phù hợp mặt khác luôn thay đổi vị trí công tác. Không có cán bộ chuyên trách nằm trong chức danh công chức xã, phường, thị trấn, chủ yếu phụ thuộc vào cán bộ thú y, bảo vệ thực vật..
 
Từ những khó khăn trên, Thành phố đề xuất 5 kiến nghị như sau: Nhân rộng thanh tra chuyên ngành tại 30 quận, huyện. Kinh phí xử phạt tại xã, phường để lại 100% chi cho hoạt động quản lý ATTP tại xã phường. Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp Bộ Nội vụ sớm ban hành văn bản và hướng dẫn về tổ chức bộ máy, biên chế về ATTP thuộc ngành Nông nghiệp, Công thương để đảm bảo công tác ATTP tại các cấp. Đồng thời, chỉ đạo các tỉnh biên giới tăng cường kiểm tra kiểm soát ngăn chặn hàng thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm ATTP vào Hà Nội. Bộ Tài chính sớm bổ sung hướng dẫn mức thu phí, lệ phí xác nhận kiến thực ATTP cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo Thông tư số 149/2013/TT-BTC. Cần có văn bản phân công cho ngành Công thương quản lý cơ sở chuyên kinh doanh  nông thủy sản và kinh doanh dịch vụ ăn uống trong các chợ dân sinh, quy định rõ cơ quan quản lý cơ sở vừa sản xuất, vừa kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống.
 
Trên cơ sở ý kiến đề xuất trên, Thành phố cũng đề ra 10 nhiệm vụ trong tậm trong thời gian tới như: Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt các văn bản chỉ đạo của Chính phủ cũng như Thành phố; Tăng cường quản lý các chợ đầu mối, chợ dân sinh. Kiểm soát chặt chẽ đối với các chợ cóc, chợ tạm, siêu thị, trung tâm thương mại...quy hoạch các điểm giết mổ tập trung, xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo ATTP...Tiếp tục làm rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở; Nhân rộng Thanh tra chuyên ngành ATTP tại 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn...Chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện công tác tuyên truyền ATTP nhằm tạo chuyển biến rõ rệt về ý thức của người sản xuất, kinh doanh....

Bùi Quỳnh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật