Tình hình Kinh tế - Xã hội tháng Sáu và 6 tháng năm 2006 (00:00 12/10/2006)


Kinh tế - xã hội Thủ đô 6 tháng đầu năm 2006 vẫn duy trì nhịp độ phát triển cao so với cùng kỳ với nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch, văn hoá xã hội tiếp tục được cải thiện trên nhiều mặt. Dự kiến 6 tháng năm 2006, tổng sản phẩm nội địa (GDP) Hà Nội tăng 10,6%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 17,5%, tổng mức bán ra tăng 22,1%, kim ngạch xuất khẩu tăng 24%, thu ngân sách tăng 13,9%, huy động vốn đầu tư xã hội trên địa bàn đạt 16300 tỷ đồng tăng 14,8%... An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.



1. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) 6 tháng năm 2006 ước tăng 10,6% so cùng kỳ năm trước trong đó ngành công nghiệp mở rộng tăng 13,2% (đóng góp 5,33% vào mức tăng chung), các ngành dịch vụ tăng 9,2% (đóng góp 5,27% vào mức tăng chung) và ngành nông lâm thuỷ sản tăng 0,1%.

2. Sản xuất công nghiệp:

Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội tháng Sáu năm 2006 tăng 12,8% so tháng trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 10,9% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 10,7%, kinh tế Nhà nước địa phương tăng 11,6%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 5,4% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,9%.

Dự kiến 6 tháng năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội tăng 17,5% so cùng kỳ năm trước trong đó kinh tế Nhà nước tăng 4,1% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 0,3%, kinh tế Nhà nước địa phương tăng 16,5%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 21,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 31,8%. Tình hình sản xuất công nghiệp 6 tháng tuy có gặp một số khó khăn như giá cả nguyên nhiên vật liệu thị trường thế giới biến động phức tạp với xu hướng vẫn đứng ở mức cao và tiếp tục tăng, thị trường xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp chưa ổn định (sản phẩm dệt, may, giày dép, thực phẩm chế biến...) nhưng bù lại một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp vẫn đạt được mức tăng trưởng cao (nhất là ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài), đưa sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thủ đô 6 tháng đầu năm 2006 vẫn giữ được tốc độ tăng khá.

a) Sản xuất công nghiệp Nhà nước Trung ương:

Giá trị sản xuất công nghiệp Trung ương tháng Sáu năm 2006 tăng 10,7% so tháng trước với 18/22 ngành sản xuất tăng trong đó có những ngành sản xuất tăng khá: sản xuất thiết bị điện (tăng 93,8%), sản xuất cao su plastic (tăng 40,4%), sản xuất phương tiện vận tải khác (tăng 25,6%)...

Dự kiến 6 tháng năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp Trung ương tăng 0,3% so cùng kỳ năm trước với 11/22 ngành sản xuất tăng trong đó có những ngành sản xuất tăng khá: chế biến gỗ (tăng 55,5%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (tăng 36,1%), sản xuất giường tủ đồ khác (tăng 35,5%), dệt (tăng 26,4%), sản xuất phương tiện vận tải khác (tăng 19,6%), chế biến thực phẩm (tăng 18,4%)... Có 11/22 ngành sản xuất giảm: khai thác đá và mỏ khác (không còn do Công ty khoáng chất công nghiệp và cơ khí mỏ đã cổ phần hoá có vốn Nhà nước <50% chuyển sang thành phần kinh tế ngoài Nhà nước), sản xuất thuốc lá (giảm 11,5%), sản xuất trang phục (giảm 5%), sản xuất đồ da (giảm 0,6%), sản xuất cao su plastic (giảm 3,3%), sản xuất khoáng phi kim loại (giảm 27%), chế tạo thiết bị máy móc (giảm 11,5%), sản xuất thiết bị điện (giảm 30,4%), sản xuất tivi thiết bị thông tin (giảm 4,4%), sản xuất dụng cụ chính xác (giảm 4,2%)... Giá trị sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp Nhà nước Trung ương có xu hướng giảm mạnh nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp được cổ phần hoá có số vốn Nhà nước <50% chuyển sang thành phần kinh tế ngoài Nhà nước.

b) Sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương:

Giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương tháng Sáu năm 2006 tăng 11,6% so tháng trước với 19/19 ngành sản xuất đều tăng trong đó có một số ngành sản xuất tăng khá: sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (tăng 56,6%), chế tạo thiết bị máy móc (tăng 30,5%), sản xuất các sản phẩm từ cao su (tăng 20,1%), sản xuất phương tiện vận tải khác (tăng 16,2%)...

Dự kiến 6 tháng năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương tăng 16,5% so cùng kỳ năm trước với 15/19 ngành sản xuất tăng, trong đó có những ngành tăng khá: sản xuất các sản phẩm từ cao su (tăng 39,4%), sản xuất các sản phẩm từ kim loại (tăng 33,3%), sản xuất thiết bị điện (tăng 24,1%), sản xuất tivi thiết bị thông tin (tăng 22,3%), sản xuất phương tiện vận tải khác (tăng 26,3%), sản xuất giường tủ đồ khác (tăng 30,7%)... 4/19 ngành sản xuất giảm là: sản xuất trang phục (giảm 25,4%), sản xuất và sơ chế da (giảm 8,1%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (giảm 27,9%), sản xuất kim loại (giảm 0,1%). Một số sản phẩm ngành công nghiệp địa phương do nhu cầu tiêu thụ ổn định trong 6 tháng đầu năm đạt mức tăng khá: bia hơi (tăng 10,1%), quạt điện (tăng 32,6%), tivi lắp ráp (tăng 12,2%)... Một số doanh nghiệp Nhà nước địa phương do chú trọng đầu tư chiều sâu đổi mới thiết bị, bổ sung thêm dây chuyền sản xuất nên sản xuất 6 tháng năm 2006 đạt mức tăng khá là: Công ty cơ điện Trần Phú, Công ty bia Việt Hà, Công ty cổ phần dược Hà Nội, Công ty kinh doanh hàng XNK tổng hợp, Công ty bê tông Vĩnh Tuy, Công ty nhựa Hà Nội, Công ty kinh doanh nước sạch Hà Nội, Công ty giầy Thuỵ Khuê, Công ty kim khí Thăng Long, Công ty cơ khí Mai Động, Công ty Xuân Hoà, Công ty dệt 10/10, Công ty điện tử Hà Nội... Bên cạnh những doanh nghiệp phát triển khá cũng còn một số doanh nghiệp sản xuất giảm do gặp khó khăn trong sản xuất do giá vật tư đầu vào cao, sản phẩm khó tiêu thụ: Công ty dệt kim Thăng Long, Công ty cổ phần cơ kim khí, Công ty Phương Nam, Công ty nhuộm Tô Châu, Công ty cao su Hà Nội...

c) Sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước:

Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tháng Sáu năm 2006 tăng 5,4% so tháng trước trong đó công ty TNHH tư nhân tăng 6,6%, công ty cổ phần khác tăng 4,9%, doanh nghiệp tư nhân tăng 9,4%, hợp tác xã tăng 2,3% và hộ cá thể tăng 2,9%.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tăng 21,8% so cùng kỳ năm trước, trong đó công ty TNHH tư nhân tăng 16,2%, công ty cổ phần khác tăng 41,1%, HTX tăng 13,9%, hộ cá thể tăng 10,5% và DNTN giảm 13,7%. Sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước trong một số năm gần đây có tốc độ tăng lớn so cùng kỳ do hàng năm có nhiều doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá với số vốn Nhà nước <50% trong đó có những doanh nghiệp có qui mô lớn, sản xuất ổn định, sản phẩm tiêu thụ tốt cả trong nước và xuất khẩu chuyển sang khu vực công ty cổ phần, mặt khác hàng năm có khá nhiều doanh nghiệp ngoài Nhà nước mới thành lập và đi vào hoạt động làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp khu vực các công ty cổ phần, công ty TNHH; Riêng khu vực doanh nghiệp tư nhân do qui mô nhỏ, sản xuất không ổn định nên có xu hướng sản xuất giảm. 6 tháng đầu năm 2006, sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước của cả 14 quận, huyện đều tăng so cùng kỳ năm trước trong đó các quận, huyện đạt mức tăng khá là: quận Cầu Giấy (tăng 29,5%), quận Hoàng Mai (tăng 18,8%), huyện Từ Liêm (tăng 17,9%), huyện Thanh Trì (tăng 24,2%)... Các doanh nghiệp ngoài Nhà nước có qui mô lớn, chú trọng đầu tư mở rộng sản xuất, sản phẩm sản xuất có chất lượng cao và tiêu thụ ổn định góp phần lớn đến tăng trưởng sản xuất khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước là: Công ty TNHH Nhật Linh (sản xuất dây cáp điện và ổn áp Lioa), Công ty TNHH Hoàng Sơn (sản xuất dây và cáp điện), Công ty Kova (sản xuất sơn tường và bột bả matit), Công ty Tuấn Ngọc (sản xuất sản phẩm nhựa), Công ty TNHH Thái Hoà (sản xuất chế biến cà phê), Công ty Kiên và Kiên (chế biến chè đen), Công ty TNHH Hoàng Tử (lắp ráp bình nước nóng)...

d) Sản xuất khu vực có vốn đầu tư nước ngoài:

Giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tháng Sáu năm 2006 tăng 18,9% so tháng trước.

Dự kiến 6 tháng năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 31,8% so cùng kỳ năm trước với 16/19 ngành sản xuất tăng trong đó có nhiều ngành sản xuất tăng khá: công nghiệp dệt (tăng 130,1%), sản xuất cao su plastic (tăng 127,0%), sản xuất thiết bị văn phòng (tăng 96,0%), sản xuất trang phục (tăng 60,6%), sản xuất thiết bị điện (tăng 43,3%), sản xuất phương tiện vận tải khác (tăng 41,9%), sản xuất kim loại (tăng 37,6%)... Có 3/19 ngành sản xuất giảm so cùng kỳ năm trước nguyên nhân do một số doanh nghiệp kết thúc hợp đồng sản xuất, một số doanh nghiệp khác gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm (xuất bản in giảm 97,1%, sản xuất tivi thiết bị thông tin giảm 9,7%, sản xuất xe có động cơ giảm 9,8%).

Trong 6 tháng đầu năm 2006 có thêm 17 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, tạo ra giá trị sản xuất 137 tỷ đồng (bằng 1,7% giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài), trong đó có những công ty sản xuất khá là: Công ty liên doanh công nghiệp Deton Việt Nam, Công ty Bemac Panels Manufacturing, Công ty Yamazaki, Công ty Công nghiệp Broat Bright Sakura, Công ty TNHH Hoya Glass Disk Việt Nam...)

3. Xây dựng cơ bản

* Vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách nhà nước địa phương:Ước thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách nhà nước địa phương tháng Sáu năm 2006 đạt 691 tỷ đồng, bằng 100,8% so tháng trước. Dự kiến 6 tháng đầu năm 2006, vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách Nhà nước địa phương đạt 3664 tỷ đồng, bằng 47,6% kế hoạch năm. So với mục tiêu và kế hoạch đề ra từ đầu năm, tiến độ các dự án lớn đều đạt và vượt mức. Tuy nhiên năm nay khối lượng giải phóng mặt bằng tương đối lớn, công tác di dân còn gặp nhiều khó khăn chủ yếu do thiếu quỹ nhà tái định cư. Vì vậy nếu không có nhiều biện pháp tích cực, việc hoàn thành kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản 6 tháng cuối năm có khả năng không đạt yêu cầu.

* Tiến độ thi công một số dự án, công trình:

+ Đường Kim Liên- Ô Chợ Dừa: Đã thông qua 853/929 phương án đền bù, đã trả tiền đền bù cho 675 phương án và bàn giao 638 căn hộ tái định cư, thu hồi 41480 m2 đất. Tiến độ giải phóng mặt bằng đã đạt kế hoạch đề ra (hoàn thành 90% công tác GPMB trong 6 tháng đầu năm). Hiện nay, phần vướng mắc chủ yếu ở Phường Nam đồng (48 trường hợp chưa xác định nguồn gốc đất, 137 trường hợp chưa nhận tiền- trong đó có 60 hộ đầu phố Nguyễn Lương Bằng kiến nghị tăng giá đền bù đất ở). Ở phường phường Phương Liên còn 6 phương án chưa xác định nguồn gốc, 12 trường hợp đã có phương án nhưng chưa nhận tiền. 1080m2 đất do Quân khu Thủ đô quản lý chưa được bàn giao cho Ban quản lý. Công tác thi công: nhà thầu đã cam kết đến 30/6 hoàn thành cơ bản các khối lượng công việc trên 2/3 mặt cắt đối với 580/1080m đầu tuyến và dự kiến đến 22/12/2006 hoàn thành cơ bản để liên thông từ đầu Kim Liên đến Ô Chợ Dừa.

+ Cầu Vĩnh Tuy: đã triển khai thi công được 6/9 gói thầu xây lắp; đã thi công 43 bệ trụ, 27 thân trụ, 177 dầm superT; khối lượng thực hiện ước tính đạt 40%. Trong tháng dự kiến khởi công tiếp các gói thầu 14 và 15. Riêng gói thầu 16 còn vướng mặt bằng tại phường Phúc đồng- Quận Long Biên. Hiện nay đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Trên địa bàn quận Long Biên, đã hoàn thành công tác kê khai tài sản, vật kiến trúc của 163 hộ dân tại phường Long Biên; 276 hộ dân tại phường Phúc Đồng; hoàn thành phương án bồi thường cho 644 hộ dân có đất nông nghiệp.

+ Đường 5 kéo dài: Gói thầu số 6 đã được hoàn thành 30% khối lượng công việc, hiện đang thi công tuy nen ngang, hào kỹ thuật, cống thoát nước bẩn. Gói thầu 11 đang triển khai thi công các hạng mục đào đất, đắp cát, thi công hố móng cống dọc, lắp đặt cống thoát nước. Các gói thầu còn lại: gói số 7 đã ký hợp đồng với nhà thầu và chuẩn bị triển khai thi công, gói số 8 và số 12 đang chờ kết quả phê duyệt đấu thầu.

* Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Dự kiến 6 tháng đầu năm 2006 có thêm 82 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp giấy phép thành lập mới và bổ sung vốn đầu tư với tổng số vốn đầu tư là 675 triệu USD. Riêng cấp mới có 58 dự án với vốn đầu tư đăng ký là 494,5 triệu USD trong đó có 3 dự án có vốn đầu tư lớn là dự án khu đô thị Tây Hồ (314 triệu USD), Công ty TNHH Panasonic Communications Việt Nam (76 triệu USD) và Công ty TNHH Panasonic Electronic Devices (50 triệu USD).

So với cùng kỳ năm trước số dự án tăng 15% (82/71) còn số vốn đầu tư bằng 66% (675 triệu USD/1102,9 triệu USD) do năm 2005 có dự án hợp đồng hợp tác kinh doanh mạng điện thoại di động COMA 656 triệu USD được cấp phép tháng 2/2005. So với kế hoạch định hướng năm 2006 của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội (Quyết định số 224/2005/UB-QĐ ngày 16/12/2005), 6 tháng đầu năm 2006 Hà Nội đạt 50% về dự án (82/165) và 75% về tổng số vốn đầu tư đăng ký cả năm (675/900 triệu USD).

* Tổng vốn đầu tư xã hội: Dự kiến 6 tháng năm 2006 tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn Hà Nội đạt 16300 tỷ đồng tăng 14,8% so cùng kỳ năm trước trong đó vốn trong nước tăng 15,1%, vốn ngoài nước tăng 13%. Trong 6 tháng có 5500 doanh nghiệp mới đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp (tăng 20% so cùng kỳ) với tổng số vốn đăng ký trên 15000 tỷ đồng (tăng 24% so cùng kỳ).

4. Thương mại dịch vụ:

* Nội thương: Tổng mức và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng Sáu năm 2006 tăng 1,2% so tháng trước trong đó bán lẻ tăng 1,1%.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2006, tổng mức và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tăng 22,1% so cùng kỳ năm trước trong đó bán lẻ tăng 23,1%. Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn Hà Nội vẫn luôn sôi động với số lượng các đơn vị tham gia hoạt động tăng lên liên tục. Hà Nội hiện có 14 ngàn doanh nghiệp, 75 ngàn cơ sở cá thể kinh doanh thương mại, dịch vụ, 50 siêu thị và trung tâm thương mại đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của nhân dân Thủ đô và khách tới Hà Nội. Đặc biệt vào mùa hè năm nay, do thời tiết nóng và do có World Cup các mặt hàng điện tử điện lạnh (tivi, quạt, điều hoà nhiệt độ...) được người tiêu dùng tiêu thụ mạnh, song do có sự chuẩn bị tốt nên không xảy ra tình trạng sốt hàng hoặc đầu cơ, nâng giá hàng hoá.

* Ngoại thương: Tháng Sáu năm 2006 kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội tăng 4,2% so tháng trước, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 6,7%. Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tăng 1,2%, trong đó nhập khẩu địa phương tăng 2,6%.

Dự kiến 6 tháng năm 2006, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội đạt 1686 triệu USD tăng 24% so cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu địa phương đạt 875 triệu USD tăng 37,4%. Trong các ngành hàng xuất khẩu, máy in phun đạt tốc độ tăng khá nhất (tăng 81,2%) do có kế hoạch sản xuất và xuất khẩu ổn định và trong tháng 4/2006 Công ty Canon đã chính thức đưa nhà máy sản xuất thứ hai vào hoạt động; xăng dầu tạm nhập tái xuất sang Lào vẫn được duy trì đều đặn và 6 tháng năm 2006 tăng 60,1% so cùng kỳ; Riêng hàng nông sản 6 tháng năm 2006 giảm 11,7% so cùng kỳ do xuất khẩu gạo giảm nhiều vì giá gạo xuất khẩu liên tục giảm trong 4 tháng đầu năm nên nhiều doanh nghiệp chỉ xuất khẩu cầm chừng và thực hiện nốt một số hợp đồng đã ký từ trước (Từ giữa tháng Năm giá gạo xuất khẩu đã tăng mạnh trở lại các doanh nghiệp đang đẩy mạnh ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu mới)...; các hàng nông sản khác (cà phê, hạt tiêu, hạt điều...) 6 tháng đầu năm xuất khẩu giảm do là cuối vụ.

Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn Hà Nội 6 tháng năm 2006 đạt 6007,5 triệu USD tăng 16,7% so cùng kỳ năm trước trong đó nhập khẩu địa phương đạt 2070,6 triệu USD tăng 15,5%. Trong các loại hàng nhập khẩu, xăng dầu là nhóm có tốc độ tăng cao (tăng 28%) và là hàng nhập về nhiều nhất, máy móc thiết bị phụ tùng tăng 14,9%, vật tư nguyên liệu tăng 11% và hàng tiêu dùng tăng 9,1%. Hàng nhập khẩu năm nay tăng cao do mặt hàng nhập khẩu chủ yếu vẫn là các vật tư máy móc thiết bị thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất nên lượng nhập vẫn phải nhiều hơn năm trước, mặt khác do ảnh hưởng của giá cả thị trường thế giới tăng đã làm giá nhập khẩu tăng lên.

* Du lịch: Theo qui luật những tháng mùa hè, khách du lịch thường đi biển hoặc núi cao, tháng 6 năm 2006 do có World Cup nên ngoài qui luật trên, du lịch Hà Nội có nhiều biến động so mọi năm: khách quốc tế vào Hà Nội giảm 5-10% so tháng trước, khách nội địa giảm 5% so tháng trước và tăng 10% so cùng kỳ (tốc độ tăng so cùng kỳ thấp vì chờ xong World Cup mọi người mới tổ chức đi du lịch).

Dự kiến 6 tháng năm 2006, khách Quốc tế đến Hà Nội là 550 ngàn lượt khách, tăng 6-8% so cùng kỳ; khách nội địa là 2150 ngàn lượt khách, tăng 13-14%. Tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng 11-12%. Công suất buồng phòng ở những khách sạn xếp hạng cao đạt 80-90%, tuy nhiên ở những khách sạn xếp hạng thấp và bình dân công suất buồng phòng thấp hơn nhiều. Doanh thu du lịch xã hội 6 tháng năm 2006 tăng 18-20% so cùng kỳ năm trước chủ yếu do giá tour tăng cao hơn so năm trước.

Hà Nội trong một số năm gần đây có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển du lịch: Hàng năm có tới 1 triệu lượt khách quốc tế đến Hà Nội (chiếm 30% lượng khách quốc tế đến Việt Nam); Hà Nội có 430 khách sạn với 12500 phòng trong đó 179 khách sạn được xếp hạng (8772 phòng), có 8 khách sạn 5 sao (cả nước 15 khách sạn), nhiều hãng lữ hành tốt; Hà Nội đang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển nhiều sản phẩm du lịch: xây dựng lại hoặc nâng cấp khách sạn (Dân Chủ, Hoàn Kiếm, Đồng Lợi…), xây dựng khu vui chơi giải trí (Cổ Loa, Sóc Sơn, Bát Tràng...), hoàn thiện các tour du lịch trong mối liên kết vùng, liên kết quốc gia với Hà Nội, phục vụ khách các sản phẩm từ bình dân đến cao cấp với giá cả phải chăng; Mới đây trang du lịch của MSN đã chọn Hà Nội vào tốp 10 Thành phố có đồ ăn ngon nhất thế giới… Tuy vậy, Hà Nội cũng có một số hạn chế trong thu hút du lịch: 70-80% khách Quốc tế du lịch đến Hà Nội không quay trở lại Hà Nội do sản phẩm du lịch chưa đa dạng và ít so nhu cầu khách muốn tham quan, số khách sạn cao cấp 4-5 sao tại Hà Nội quá thiếu so nhu cầu của khách nên nhiều tour không đáp ứng được phải huỷ bỏ.

* Vận tải: Dự kiến 6 tháng đầu năm 2006 ngành vận tải Hà Nội đã vận chuyển được 16,6 triệu tấn hàng hoá, 202 triệu hành khách đạt doanh thu 2456,5 tỷ đồng. So cùng kỳ năm trước khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 8,7%, khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 14,7%, doanh thu vận chuyển hàng hoá tăng 15,7%, khối lượng hành khách vận chuyển tăng 10,3%, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 16,4%, doanh thu vận chuyển hành khách tăng 16,4%.

6 tháng đầu năm 2006, vận chuyển bằng xe buýt tại Hà Nội vẫn được đầu tư phát triển, đáp ứng được 155-160 triệu lượt hành khách, tăng 5-10% so cùng kỳ, chiếm 80% hoạt động vận tải hành khách. Hiện nay, Hà Nội có 48 tuyến xe buýt nội tỉnh với chiều dài tuyến khoảng 1000 km với khoảng 500 xe có sức chứa từ 20-80 người. Ngoài ra còn có 6 tuyến xe buýt kế cận liên kết với các tỉnh xung quanh tạo ra một mạng lưới giao thông khá thuận tiện đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Trong thời gian tới, vận chuyển bằng xe buýt của Thủ đô vẫn được tiếp tục tăng cường mở rộng cả về số lượng, quy mô và chất lượng.

* Bưu chính - viễn thông:

- Bưu chính: tháng Sáu năm 2006 trị giá tem thư, tem máy đạt 3 tỷ đồng, giảm 1,2 % so tháng trước, bưu phẩm chuyển phát nhanh đạt 3,5 tỷ đồng tăng 1%, doanh thu bưu chính đạt 56,7 tỷ đồng tăng 0,5%. Dự kiến 6 tháng 2006, trị giá tem thư, tem máy đạt 20 tỷ đồng tăng 23,9% so cùng kỳ, bưu phẩm chuyển phát nhanh đạt 21,4 tỷ đồng tăng 19,5%, doanh thu bưu chính đạt 315 tỷ đồng tăng 9,2%.

- Viễn thông: tháng Sáu năm 2006, số lượng thuê bao tháng tăng mới là hơn 17,5 nghìn thuê bao điện thoại, 2550 thuê bao internet. Doanh thu viễn thông đạt 347 tỷ đồng tăng 0,2% so tháng trước. Đầu tháng sáu năm 2006, các hãng Vinaphone, Mobiphone, Cityphone, Viettel… lại tung ra một đợt giảm giá mới cho cước hoà mạng và cước thuê bao tháng khiến thị trường điện thoại di động lại sôi động.

Dự kiến 6 tháng có số thuê bao tăng mới là 101,6 nghìn thuê bao điện thoại (trong đó 69% thuê bao di động), 12160 thuê bao internet, doanh thu đạt 2104,5 tỷ đồng tăng 5,6% so cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, các mạng viễn thông do 6 nhà cung cấp được đầu tư và nâng cấp nhiều nên đã hạn chế bớt tình trạng nghẽn mạch. Việc thu hút khách giữa các mạng diễn ra khá quyết liệt làm người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều do tiện ích tăng lên mà giá cước giảm đi. Trong mạng viễn thông, nhiều đường truyền Internet đã được mở với tính năng vượt trội khiến cho tốc độ truy cập nhanh hơn.

Giá cả - thị trường: Chỉ số giá tiêu dùng tháng Sáu năm 2006 tăng 0,48% so tháng trước trong đó lương thực, thực phẩm tăng 0,42%, đồ uống và thuốc lá tăng 1,33%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,72%, thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,5%, văn hoá giải trí du lịch tăng 1,23%... riêng ngành bưu chính viễn thông giảm 0,6%. Chỉ số giá vàng tháng Sáu năm 2006 giảm 3,3% so tháng trước. Chỉ số giá Đôla Mỹ giảm 0,4%.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng Sáu năm 2006 so tháng Mười Hai năm 2005 tăng 4,46%, chỉ số giá vàng tăng 32,51%, chỉ số giá Đôla Mỹ tăng 0,76%. Nguyên nhân giá cả 6 tháng đầu năm tăng cao là do nhiều dịch bệnh trong chăn nuôi ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày; Mặt khác, giá cả thế giới về xăng dầu, vật tư nguyên liệu… tăng cao làm ảnh hưởng tăng giá thành sản phẩm trong nước và hàng tiêu dùng nhập ngoại; Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tiền lương từ tháng Mười năm 2005 cũng là một trong những nguyên nhân gây áp lực tăng giá. Trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng giá bình quân một tháng là 0,72%. Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng 2006 so cùng kỳ năm trước tăng 9,19%.

5. Sản xuất nông nghiệp

6 tháng đầu năm 2006, sản xuất nông nghiệp Hà Nội gặp một số khó khăn đáng kể: thời tiết đầu vụ rét đậm rét hại kéo dài dưới 15oC ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy mạ xuân, giữa vụ hầu như không có mưa, mực nước sông Hồng xuống thấp dưới 2m nên các huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Từ Liêm đều có một số diện tích bị hạn ảnh hưởng đến tiến độ cấy lúa xuân và quá trình sinh trưởng, phát triển của các loại cây trồng. Trong chăn nuôi tuy dịch cúm gia cầm được khống chế tốt song lại xuất hiện dịch lở mồm long móng ở trâu, bò, lợn tại một số huyện ngoại thành… Giá trị sản xuất nông lâm thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2006 dự kiến tăng 1,3% trong đó trồng trọt giảm 1,5%, chăn nuôi tăng 6,1% và thuỷ sản tăng 1,3%.

* Sản xuất vụ Đông xuân: Dự kiến tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm giảm 1,8% so cùng kỳ năm trước, sản lượng lương thực có hạt giảm 1,2%. Diện tích lúa giảm 0,9%, sản lượng lúa đạt 94,6 ngàn tấn giảm 2,1%; diện tích ngô giảm 3,3%, sản lượng ngô đạt 26 ngàn tấn tăng 2,3%; diện tích rau các loại giảm 6%, sản lượng đạt 98,6 ngàn tấn giảm 3,1%; diện tích lạc giảm 19,2%, sản lượng lạc đạt 3,5 ngàn tấn giảm 21,3%.

Việc thực hiện kế hoạch về chuyển dịch cơ cấu cây trồng vẫn chưa đạt. Diện tích cấy lúa Đông xuân giảm 0,9% vẫn vượt so kế hoạch của Thành phố 890 ha.

* Chăn nuôi:

- Chăn nuôi gia cầm: 6 tháng đầu năm 2006, Hà Nội không xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm nào, các hộ chăn nuôi gia cầm đang tiếp tục tăng mạnh đàn gia cầm do gia cầm đang dược giá. Tổng đàn gia cầm hiện có là 3166 ngàn con tăng 17,5% so cùng kỳ năm trước. Số con giết mổ, bán giết thịt là 2566 ngàn con, đạt sản lượng thịt 4599 tấn (tăng 6% so cùng kỳ), sản lượng trứng gia cầm đạt 19,5 ngàn quả (tăng 14%).

- Chăn nuôi gia súc: Dịp Tết Nguyên đán do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm, số lợn giết mổ tăng nhiều so năm trước. Số con giết mổ 48,9 ngàn con (tăng 9%), sản lượng thịt hơi giết mổ đạt 3131 tấn (tăng 4%). Tổng đàn lợn hiện có là 366 ngàn con (tăng 0,48% so cùng kỳ), sản lượng thịt lợn hơi toàn Thành phố là 23 ngàn tấn (tăng 6,8%). Tổng đàn trâu hiện có 11,3 ngàn con (giảm 4% so cùng kỳ), đàn bò hiện có 48,7 ngàn con (tăng 6,3%). Từ quý II năm 2006 xuất hiện dịch lở mồm long móng ở 8 xã của 3 huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm làm mắc bệnh 194 con trâu, bò, 356 con lợn. Hiện nay, đã khống chế được các ổ dịch tại 7 xã chỉ còn ổ dịch tại xã Kim Sơn (Gia Lâm) vẫn diễn biến phức tạp đang tiếp tục bao vây khống chế.

- Thuỷ sản: Từ đầu năm đến hết tháng Tư năm 2006 hầu như thời tiết khô hạn, không có mưa nên các hộ gia đình nuôi trồng thuỷ sản gặp nhiều khó khăn. Từ tháng Năm đã có mưa rào và các công ty thuỷ nông cung cấp nước đầy đủ nên công tác nuôi thả thuỷ sản mới được triển khai tập trung. Đến nay, toàn Thành phố nuôi thả cá, tôm được 3157 ha, tăng 4,3 ha so cùng kỳ năm trước. Năng suất thu hoạch tiếp tục tăng dần do nhiều diện tích nuôi bán thâm canh được chuyển sang nuôi thâm canh.

* Tiến độ sản xuất nông nghiệp đến tháng Sáu năm 2006: Toàn Thành phố đã gặt 14550 ha đạt 70,4% diện tích lúa cấy và dự tính cuối tháng Sáu sẽ gặt xong toàn bộ. Một số cây trồng vụ xuân như ngô, đỗ tương, đỗ đen và các loại rau cũng đang được thu hoạch: Ngô 2104 ha (đạt 90,3% diện tích gieo trồng), đỗ tương 424 ha (74,4%), lạc 308 ha (11,5%)… Song song với thu hoạch cây trồng vụ Đông xuân, bà con nông dân đang tích cực chuẩn bị cho vụ mùa và hè thu: Toàn Thành phố đã cầy xong 4900 ha đất, gieo được 913 ha mạ mùa.

6. Một số chỉ tiêu xã hội

* Lao động việc làm: Dự kiến 6 tháng năm 2006, Thành phố Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 41500 người tăng 0,25% so cùng kỳ năm trước và đạt 50,6% kế hoạch cả năm. Thực hiện xét duyệt 153 dự án vay vốn quỹ quốc gia giải quyết việc làm với số vốn vay là 15 tỷ đồng giải quyết việc làm cho 3850 lao động.

5 tháng đầu năm toàn Thành phố huy động được 957,4 ngàn ngày công nghĩa vụ lao động công ích đạt 39% kế hoạch năm.

Tính đến hết tháng Năm năm 2006 toàn Thành phố có 212 cơ sở đào tạo nghề (tăng 19 cơ sở so cùng kỳ năm trước). Dự kiến 6 tháng năm 2006 Thành phố đào tạo 35 ngàn người đạt 56% kế hoạch năm, tăng 2,9% so cùng kỳ (hệ dài hạn 10 ngàn người, ngắn hạn 25 ngàn người).

* Giáo dục: Quy mô giáo dục tiếp tục được giữ vững và mở rộng một số bậc học, ngành học. Giáo dục mầm non phát triển hơn so các năm trước, tỷ lệ trẻ ra lớp ở nhà trẻ mẫu giáo của Hà Nội đều cao hơn so tỷ lệ chung của Bộ Giáo dục đào tạo đề ra: số trẻ đi học nhà trẻ đạt 17% trẻ trong độ tuổi, trẻ đi học mẫu giáo đạt 82,3% trẻ trong độ tuổi. Công tác phổ cập giáo dục đúng độ tuổi được duy trì với hiệu quả cao: 99,9% trẻ trong độ tuổi vào lớp 1 trong đó trẻ đúng độ tuổi đạt 99,6%; 100% học sinh tốt nghiệp tiểu học vào học lớp 6 và 92,4% học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 THPT. Số học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày đạt 91% (tăng 0,6% so năm học trước), số học sinh THCS học 2 buổi/ngày đạt 35,9% (tăng 8,4% so năm học trước).

Tình hình thi tốt nghiệp năm học 2005-2006: Năm học 2005-2006, Hà Nội tổ chức xét công nhận cho 44,8 ngàn học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học được tuyển vào lớp 6 đạt tỷ lệ 100% tăng 5% so với năm học trước. Đối với cấp THCS năm nay là năm đầu tiên Hà Nội bỏ hình thức thi tốt nghiệp để xét tuyển và tổ chức thi vào lớp 10 với hai môn văn, toán. Theo kết quả tổng hợp ban đầu có 46,6 ngàn học sinh hoàn thành chương trình THCS đạt tỷ lệ 97,5%. Cấp THPT và bổ túc văn hóa THPT: kỳ thi THPT diễn ra trên toàn quốc vào 3 ngày 31/5 đến 2/6 với 6 môn (văn, toán, hóa, sử, địa, ngoại ngữ) Hà Nội có 33,2 ngàn học sinh THPT dự thi (tăng 0,7% so năm trước). Kết quả 32,7 ngàn học sinh THPT tốt nghiệp THPT đạt 98,45% và cao hơn năm học trước 0,7%. Thi bổ túc văn hóa THPT có 6,3 ngàn thí sinh dự thi.

Tuyển sinh vào các trường Đại học, Cao đẳng, THCN: Năm học 2006-2007 chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường Đại học trên địa bàn Thành phố là 49970 học sinh tăng 8,9% so năm học trước; tuyển vào các trường Cao đẳng 10240 học sinh tăng 1,7%. (Kỳ thi Đại học - Cao đẳng dự kiến sẽ tiến hành vào các ngày 4, 5, 9, 10 tháng 7). Chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường THCN là 31935 học sinh tăng 0,1%.

* Y tế: Công tác y tế dự phòng được đề cao và thực hiện triệt để thường xuyên với những kế hoạch phòng chống dịch bệnh đông xuân, dịch bệnh mùa hè, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... Trong điều kiện hiện nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và có chiều hướng ngày càng gia tăng, ngành y tế Hà Nội luôn tăng cường đề cao cảnh giác sẵn sàng đối phó dập tắt dịch ngay khi có dịch bệnh xảy ra.

Hoạt động khám chữa bệnh và chăm sóc phục vụ người bệnh được tăng cường. 6 tháng đầu năm 2006, ngành y tế Hà Nội triển khai nâng cấp các khoa sơ sinh, tập huấn kỹ năng chăm sóc sơ sinh cho mạng lưới y tế sản nhi, tổ chức triển khai khám phát hiện và điều trị xơ hóa cơ Delta cho trẻ em Hà Nội, các bệnh viện đã khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất trang thiết bị thu hút được người bệnh. Các chỉ tiêu khám chữa bệnh đạt cao hơn so cùng kỳ năm trước nhất là các bệnh viện ở Thành phố.

Tính đến 19/5/2006, lũy tích số người bị lây nhiễm HIV ở Hà Nội là 10418 người, số bệnh nhân AIDS là 2619 người, số bệnh nhân tử vong do HIV là 1351 người.

* Công tác văn hóa thông tin: 6 tháng đầu năm 2006, ngành Văn hóa thông tin Hà Nội thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị trong các dịp chào đón Xuân Bính Tuất, kỷ niệm 76 năm thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam, chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, 31 năm ngày giải phóng Miền nam, Quốc tế lao động 1/5… ,công tác thông tin tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh đô thị, phòng chống tệ nạn xã hội và tuyên truyền thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế chính trị xã hội của địa phương cũng thường xuyên được duy trì. Hoạt động văn hóa văn nghệ diễn ra sôi nổi thu hút hàng vạn người dân tham gia nhất là dịp mừng Đảng mừng xuân và trong đợt chào mừng Đại hội Đảng và kỷ niệm 30/4, 1/5.

* Tình hình trật tự xã hội - an toàn giao thông: 5 tháng đầu năm 2006 trên địa bàn Hà Nội phát hiện và xảy ra 3083 vụ phạm pháp hình sự (tăng 17% so cùng kỳ), bắt giữ theo luật 2506 đối tượng (tăng 18%). Số vụ buôn bán tàng trữ vận chuyển ma túy là 925 vụ (tăng 19%) với 1194 đối tượng bị bắt giữ (tăng 16%). 5 tháng đã xảy ra 393 vụ tai nạn giao thông (giảm 5%) làm chết 175 người (tăng 6%) và làm bị thương 315 người (giảm 5%). Có 76 vụ cháy nổ xảy ra trong 5 tháng (giảm 16%) làm thiệt hại tài sản có tổng giá trị 3,6 tỷ đồng, làm chết 7 người (tăng 16%) và làm bị thương 15 người (tăng 36%).

* Công tác trợ cấp xã hội: 6 tháng 2006 tổng kinh phí chi thực hiện chính sách đối với người có công là 125 tỷ đồng, trong đó chi trả trợ cấp hàng tháng cho 41,5 ngàn người có công với kinh phí 102 tỷ đồng, chi trả truy lĩnh cho 40 ngàn người có công theo Nghị định 147/ CP với kinh phí 9 tỷ đồng.

6 tháng 2006 Thành phố hoàn thành việc cấp thẻ bảo hiểm y tế năm 2006 cho 96,9 ngàn người nghèo, đối tượng cứu trợ xã hội, người mù có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân phong và người cao tuổi từ 90 tuổi trở lên.

7. Tài chính - Ngân hàng:

* Thu chi ngân sách: Dự kiến 6 tháng đầu năm 2006, tổng thu ngân sách trên địa bàn Thành phố Hà Nội đạt 16174 tỷ đồng, tăng 13,9% so cùng kỳ năm trước và đạt 46,5% dự toán năm trong đó thu hải quan tăng 38,5% và bằng 40,8% dự toán, thu nội địa tăng 11,7% và bằng 47,2% dự toán năm. Dự kiến tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm 2006 đạt 4210 tỷ đồng, tăng 45,4% so cùng kỳ và đạt 39% dự toán năm, trong đó chi xây dựng cơ bản là 2470 tỷ đồng tăng 69,4% so cùng kỳ và đạt 31,4% dự toán, chi thường xuyên là 1465 tỷ đồng, tăng 18,2% và đạt 47,7% dự toán. Thu chi ngân sách trên địa bàn Thành phố Hà Nội 6 tháng đầu năm tuy có tăng so cùng kỳ song so 3 năm gần đây mức đạt này thấp nhất, nguyên nhân do một số khoản thu Thành phố không chủ động được: thu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, thu phí lệ phí trung ương…; công tác đấu giá quyền sử dụng đất tuy Thành phố chỉ đạo quyết liệt và các cấp các ngành tích cực triển khai tháo gỡ vướng mắc nhưng tiến độ vẫn chậm, công tác đôn đốc thu nộp tiền đấu giá quyền sử dụng đất của các dự án đã đấu giá những năm trước vào ngân sách còn chưa thường xuyên và kịp thời…

* Ngân hàng

Dự kiến đến cuối tháng Sáu năm 2006, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội tăng 1,68% so cuối tháng trước và tăng 12,12% so với cuối năm 2005, trong đó tiền gửi dân cư tăng 1,83% và tăng 19,31%, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 1,54% và tăng 6,27%. Dư nợ cho vay tăng 1,62% so tháng trước và tăng 6,45% so với cuối năm 2005, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 1,71% và tăng 6,14%, dư nợ trung và dài hạn tăng 1,5% và tăng 6,89%.



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật