Tình hình Kinh tế - Xã hội tháng Năm năm 2006 (00:00 12/10/2006)


1. Sản xuất công nghiệp: Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội tháng Năm năm 2006 tăng 5,0% so tháng trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 4,5% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 4,4%, kinh tế Nhà nước địa phương tăng 4,6%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 4,6% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 5,8%.



1. Sản xuất công nghiệp:

Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội tháng Năm năm 2006 tăng 5,0% so tháng trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 4,5% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 4,4%, kinh tế Nhà nước địa phương tăng 4,6%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 4,6% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 5,8%.

Dự kiến 5 tháng năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội tăng 16,8% so cùng kỳ năm trước trong đó kinh tế Nhà nước tăng 5,6% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 2,6%, kinh tế Nhà nước địa phương tăng 15,6%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 18,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 30,4%.

a) Sản xuất công nghiệp Nhà nước Trung ương:

Giá trị sản xuất công nghiệp Trung ương tháng Năm năm 2006 tăng 4,4% so tháng trước và tăng 2,5% so cùng kỳ năm trước

Dự kiến 5 tháng năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp Trung ương tăng 2,6% so cùng kỳ năm trước. Có 12/22 ngành sản xuất tăng trong đó có những ngành đạt mức tăng khá: khai thác than (tăng 14,3%), chế biến thực phẩm (tăng 14,9%), dệt (tăng 12,5%), chế biến gỗ lâm sản (tăng 88,3%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (tăng 52,9%), sản xuất phương tiện vận tải khác (tăng 22,5%), sản xuất giường tủ đồ khác (tăng 28,4%)... Có 10/22 ngành sản xuất giảm: khai thác đá và mỏ khác (không còn) do Công ty khoáng chất công nghiệp và cơ khí mỏ đã cổ phần hoá có vốn Nhà nước <50% chuyển sang thành phần kinh tế ngoài Nhà nước, sản xuất thuốc lá (giảm 9,7%), sản xuất trang phục (giảm 6%), sản xuất đồ da (giảm 14%), sản xuất khoáng phi kim loại (giảm 27,7%), chế tạo thiết bị máy móc (giảm 12,9%), sản xuất xe có động cơ (giảm 13,7%)...

Giá trị sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp Nhà nước Trung ương đang có xu hướng tăng chậm dần do: nhiều doanh nghiệp Nhà nước Trung ương hiện đã và đang được cổ phần hoá với vốn Nhà nước chi phối <50% được chuyển sang thành phần kinh tế ngoài Nhà nước. Mặt khác, một số doanh nghiệp ngành may, da giầy, cơ khí, chế tạo máy móc thiết bị hiện nay đang gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm vì chịu sự tác động của giá vật tư đầu vào tăng cao cũng ảnh hưởng đến sản xuất.

b) Sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương:

Giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương tháng Năm năm 2006 tăng 4,6% so tháng trước và tăng 17,8% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 5 tháng năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương tăng 15,6% so cùng kỳ năm trước. Có 15/19 ngành sản xuất tăng, trong đó có những ngành sản xuất đạt tốc độ tăng khá: xuất bản in (tăng 17,4%), sản xuất các sản phẩm từ cao su (tăng 31,4%), sản xuất kim loại (tăng 19,4%), sản xuất các sản phẩm từ kim loại (tăng 37,1%), sản xuất thiết bị điện (tăng 20,7%), sản xuất tivi thiết bị thông tin (tăng 59,4%), sản xuất phương tiện vận tải khác (tăng 26,6%), sản xuất giường tủ đồ khác (tăng 23,7%)... Có 4/19 ngành sản xuất giảm: sản xuất trang phục (giảm 25,2%), sản xuất và sơ chế da (giảm 13,4%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (giảm 34,8%), sản xuất hoá chất (giảm 2,6%). Một số doanh nghiệp Nhà nước địa phương do chú trọng đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị và bổ sung dây chuyền sản xuất nên 5 tháng đạt mức tăng cao là Công ty bia Việt Hà, Công ty cổ phần Dược Hà Nội, Công ty kinh doanh hàng xuất nhập khẩu tổng hợp, Công ty cơ điện Trần Phú, Công ty bê tông Vĩnh Tuy, Công ty giầy Thuỵ Khuê, Công ty nhựa Hà Nội, Công ty kim khí Thăng Long, Công ty cơ khí Mai Động, Công ty Xuân Hoà, Công ty cổ phần dệt 10/10, Công ty kinh doanh nước sạch...

c) Sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước:

Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tháng Năm năm 2006 tăng 4,6% so tháng trước và tăng 14,6% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 5 tháng năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tăng 18,1% so cùng kỳ năm trước, trong đó công ty TNHH tư nhân tăng 14,4%, công ty cổ phần khác tăng 30,7%, HTX tăng 10,8%, hộ cá thể tăng 12,8% và DNTN giảm 13,5%. (Loại hình công ty cổ phần tăng cao là do nhiều doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá có vốn Nhà nước <50% chuyển sang thành phần kinh tế ngoài Nhà nước). Có 19/22 ngành sản xuất tăng so cùng kỳ trong đó có nhiều ngành sản xuất đạt tốc độ tăng khá: khai thác than (tăng 71,3%), khai thác mỏ khác (tăng 28,7%), sản xuất đồ da (tăng 40,7%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (tăng 23%), sản xuất hoá chất (tăng 34,6%), sản xuất cao su plastic (tăng 20,5%), sản xuất khoáng phi kim loại (tăng 65,9%), sản xuất phương tiện vận tải khác (tăng 90,5%), tái chế (tăng 34,9%)... Có 3/22 ngành sản xuất giảm: sản xuất kim loại (giảm 22,5%), chế tạo thiết bị máy móc (giảm 4,1%), sản xuất tivi thiết bị thông tin (giảm 33,9%). Sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước ở cả 14 quận, huyện đều tăng so cùng kỳ trong đó có một số quận, huyện đạt tốc độ tăng khá: Cầu Giấy (tăng 30,8%), Thanh Trì (tăng 22,4%), Từ Liêm (tăng 18%), Hoàng Mai (tăng 18,2%)...

d) Sản xuất khu vực có vốn đầu tư nước ngoài:

Giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tháng Năm năm 2006 tăng 5,8% so tháng trước và tăng 33,5% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 5 tháng năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 30,4% so cùng kỳ năm trước. Có 16/20 ngành sản xuất tăng trong đó có những ngành sản xuất tăng khá: công nghiệp dệt (tăng 99,1%), sản xuất trang phục (tăng 77,7%), sản xuất sản phẩm từ da (tăng 77,2%), sản xuất cao su plastic (tăng 219,8%), sản xuất kim loại (tăng 60,5%), sản xuất thiết bị văn phòng (tăng 90%), sản xuất giường tủ đồ khác (tăng 142,1%)... Có 4/20 ngành sản xuất giảm (chế biến gỗ lâm sản, xuất bản in, sản xuất tivi thiết bị thông tin và sản xuất xe có động cơ) do một số doanh nghiệp kết thúc hợp đồng sản xuất, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

5 tháng năm 2006 có thêm 17 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, đạt giá trị sản xuất công nghiệp khá (Công ty liên doanh công nghiệp Deton Việt Nam, Công ty Bemac Panels Manufacturing, Công ty Yamazaki, Công ty Công nghiệp Broat Bright Sakura, Công ty TNHH Hoya Glass Disk Việt Nam...)

2. Xây dựng cơ bản

Ước thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách nhà nước tháng 5 năm 2006 đạt 685 tỷ đồng (trong đó xây lắp đạt 409 tỷ đồng, thiết bị đạt 3,4 tỷ đồng), bằng 98,4% so tháng trước.

Dự kiến 5 tháng đầu năm 2006, vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách nhà nước địa phương thực hiện đạt 2973 tỷ đồng, bằng 38,6% kế hoạch năm.

Tiến độ thi công một số dự án, công trình:

+ Nút giao thông Ngã Tư Sở: Trong tháng nhà thầu sẽ tổ chức thông xe kỹ thuật và tiến hành hoàn chỉnh các công việc thi công hầm bộ hành, tuyến đường chiếu sáng, vỉa hè, thoát nước phía đường Tây Sơn và cải tạo Cầu Mới. Ban quản lý dự án đang phối hợp với Hội đồng GPMB quận Đống Đa và Thanh Xuân hoàn thành tiếp 11 phương án đền bù đợt 2 và giải quyết các tồn tại, vướng mắc của đợt I. Dự kiến toàn bộ công trình sẽ đưa vào sử dụng trong quý IV năm 2006.

+ Đường Kim Liên- Ô Chợ Dừa: Đã thông qua 817/923 phương án đền bù, đã trả tiền đền bù cho 658 phương án và bàn giao 638 căn hộ tái định cư. Hiện nay công tác giải phóng mặt bằng còn vướng mắc ở các thửa chưa rõ nguồn gốc đất và một số hộ dân chưa nhận tiền và kiến nghị tăng giá đền bù. Ban quản lý dự án đang triển khai di chuyển hệ thống chiếu sáng và hoàn tất các thủ tục để di chuyển tiếp các công trình kỹ thuật phù hợp với tiến độ giải phóng mặt bằng đoạn từ phố Phạm Ngọc Thạch đến mương Chẹm.

+ Cầu Vĩnh Tuy: đã triển khai thi công được 5/9 gói thầu xây lắp; đã hoàn thành 10/55 xà mũ; thi công 27/55 bệ thân trụ đỡ nhịp giản đơn và 7/8 thân trụ đỡ nhịp đúc hẫng; đúc 150/387 phiến dầm. Hiện các đơn vị đang tập trung khối lượng lớn vật tư, thiết bị để thi công vượt lũ tiểu mãn. Trong tháng đã tiến hành ghép những phiến dầm đầu tiên của dự án. Khó khăn chính hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng hai đầu cầu: Ở đầu cầu phía quận Hai Bà Trưng, mặt bằng bàn giao chậm 5 tháng so với kế hoạch và hiện nay các đơn vị không còn mặt bằng để thi công tiếp; Đầu cầu phía bờ Long Biên, dự kiến đến tháng 6 mới bàn giao mặt bằng.

+ Đường 5 kéo dài: đã tiến hành đấu thầu 4/13 gói thầu xây lắp, trong đó triển khai thi công 2 gói thầu 06 và 11 ở địa phận huyện Đông Anh. Hiện nay các nhà thầu đang thi công phần nền đường và đúc cống hộp, xây tường chắn.

3. Thương mại dịch vụ:

* Nội thương: Tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng Năm năm 2006 tăng 1,4% so tháng trước và tăng 24,4% so cùng kỳ năm trước, trong đó tổng mức bán lẻ tăng 1,2% so tháng trước và tăng 25,2% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 5 tháng đầu năm 2006, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tăng 21,5% so cùng kỳ năm trước trong đó tổng mức bán lẻ tăng 22,6%.

* Ngoại thương: So tháng trước, tháng Năm năm 2006 kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội tăng 2,4%, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 2,2%. Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tăng 2%, trong đó nhập khẩu địa phương tăng 2%.

Dự kiến 5 tháng năm 2006 so cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội tăng 23,1%, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 36,7%, kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tăng 15,2% trong đó nhập khẩu địa phương tăng 15,9%.

* Giá cả - thị trường: Chỉ số giá tiêu dùng tháng Năm năm 2006 tăng 0,71% so tháng trước với hầu hết các nhóm hàng đều tăng, trong đó tăng nhiều là nhóm hàng giao thông, bưu chính viễn thông (tăng 3,61%) (do giá xăng dầu tăng từ 1300 - 1500 đồng/lít từ ngày 27/4). Giá vàng trong tháng tăng 17,72% so tháng trước với mức giá có ngày lên tới 1,5 triệu đồng/chỉ vàng 99,99. Giá Đôla Mỹ trong tháng cũng tăng 1,25% với mức giá giao động lớn (có ngày lên tới 17.300 đồng/USD).

Giá cả thị trường Hà Nội 5 tháng đầu năm 2006 biến động liên tục và tăng khá mạnh so tháng 12 năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng tháng Năm năm 2006 tăng 3,97%, chỉ số giá vàng tăng 37,03% và chỉ số giá Đôla Mỹ tăng 1,17%.

* Du lịch: Tháng Năm năm 2006 có khoảng 60 nghìn lượt khách quốc tế đến Hà Nội (so tháng trước có giảm chút ít nhưng so cùng kỳ tăng 20%). Khách nội địa đến Hà Nội tháng Năm cũng giảm so tháng trước nhưng tăng 12% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 5 tháng đầu năm 2006, khách quốc tế đến Hà Nội khoảng 410 nghìn lượt, tăng 8% so cùng kỳ; khách nội địa đến Hà Nội khoảng 1800 nghìn lượt, tăng 14%. Tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng khoảng 12%. Công suất buồng phòng ở những khách sạn xếp hạng cao đạt 80-85%, những khách sạn còn lại đạt 40-70%.

Doanh thu du lịch xã hội 5 tháng 2006 ước tính tăng 18-20% so cùng kỳ năm trước.

* Vận tải: So tháng trước, tháng Năm năm 2006 khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 1,4%, khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 1,4%, doanh thu vận chuyển hàng hoá tăng 6%. Khối lượng hành khách vận chuyển tăng 1,8%, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 1,8%, doanh thu vận chuyển hành khách tăng 2,8%. Trong tháng Năm, do ảnh hưởng giá xăng dầu tăng hồi cuối tháng Tư nên khối lượng hàng hoá và hành khách vận chuyển tăng không nhiều, doanh thu vận chuyển tăng lớn do giá cước vận tải ở đa số đơn vị đã điều chỉnh tăng. (Riêng vận chuyển xe buýt, taxi chưa tăng giá cước vận tải nhưng khả năng thời gian tới sẽ tăng).

Dự kiến 5 tháng 2006 so cùng kỳ năm trước, khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 9%, khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 14,3%, doanh thu vận chuyển hàng hoá tăng 14,3%; khối lượng hành khách vận chuyển tăng 11,1%, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 15,6%, doanh thu vận chuyển hành khách tăng 15,7%.

* Bưu chính - viễn thông:

- Bưu chính: Tháng Năm năm 2006, doanh thu đạt 57 tỷ đồng tăng 1,1% so tháng trước. Dự kiến 5 tháng 2006, doanh thu bưu chính đạt 259 tỷ đồng, tăng 9,3% so cùng kỳ năm trước.

- Viễn thông: Tháng Năm năm 2006 có 17,4 nghìn thuê bao điện thoại mới tăng (tăng 0,8% so tháng trước), 1,7 nghìn thuê bao internet mới tăng (tăng 0,3% so tháng trước). Doanh thu viễn thông đạt 348 tỷ đồng, tăng 5,6% so tháng trước. Dự kiến 5 tháng 2006 có 84 nghìn thuê bao điện thoại mới tăng (trong đó 67% thuê bao điện thoại di động), tăng 7,2% so cùng kỳ năm trước và có 8,7 nghìn thuê bao internet mới tăng, so cùng kỳ năm trước tăng 4,3 lần, doanh thu viễn thông 5 tháng 2006 dự kiến đạt 1758 tỷ đồng, tăng 5,6% so cùng kỳ năm trước.

4. Sản xuất nông nghiệp

* Trồng trọt: Tổng diện tích gieo trồng vụ Đông xuân năm 2006 đạt 43338 ha, giảm 3,3% so cùng kỳ năm trước do một số diện tích đất trồng cây hàng năm được chuyển đổi thành đất chuyên dùng để xây dựng một số dự án, một số đất chuyển sang trồng cây lâu năm và một số bị kẹt giữa các công trình đang xây dựng không gieo trồng được bị bỏ hoang. Dự kiến so cùng kỳ năm trước, diện tích cấy lúa vụ Đông xuân giảm 2,35%, năng suất lúa 44,7 tạ/ha (giảm 3,58%); diện tích ngô giảm 3,87%, năng suất 30,4 tạ/ha (tăng 2,82%); diện tích rau các loại giảm 7,37%, năng suất đạt 183,4 tạ/ha (tăng 3%); diện tích đỗ tương giảm 9,68%, năng suất đạt 10,5 tạ/ha (tăng 9%).

* Chăn nuôi, thuỷ sản:

- Chăn nuôi: Theo kết quả điều tra đàn lợn 1/4/2006, toàn Thành phố đạt 366 ngàn con, tăng 0,5% so cùng kỳ năm trước. Đàn gia cầm tăng chậm do ảnh hưởng dịch cúm gia cầm.

Vừa qua, dịch lở mồm long móng xảy ra ở các xã Tầm Xá, Tiên Dương (huyện Đông Anh) và Kim Lan, Văn Đức (huyện Gia Lâm) làm 177 con lợn thịt, 106 con lợn sữa và 91 con bò bị mắc bệnh. Thành phố chỉ đạo đã khoanh vùng điều trị không để lây lan, tiêu huỷ 174 con lợn thịt và 106 con lợn sữa, chữa khỏi bệnh cho 15 con bò và 3 con lợn; 76 con bò đang điều trị đến nay đã gần khỏi bệnh.

Công tác tiêm phòng dịch cho đàn gia cầm vẫn được tiến hành thường xuyên, định kỳ. Từ đầu tháng Năm năm 2006, toàn Thành phố đã tiêm phòng bệnh lở mồm long móng cho 10872 con trâu bò, 59068 con lợn.

- Thuỷ sản: Cuối tháng Tư đến đầu tháng Năm năm 2006 đã có mưa rào, các hộ nuôi trồng thuỷ sản đã bắt đầu mùa nuôi thả mới. Tuy nhiên, do lượng nước chưa nhiều, việc đưa nước vào ao nuôi thả chủ yếu do các công ty Thuỷ nông cung cấp vẫn chưa đảm bảo đầy đủ nên việc chủ động nước cho nuôi thả vẫn còn gặp khó khăn.

5. Một số chỉ tiêu xã hội

- Trong 4 tháng đầu năm 2006 đã phát hiện và xảy ra 2513 vụ phạm pháp hình sự (tăng 22,6% so cùng kỳ năm trước), số đối tượng bị bắt giữ theo luật là 2081 (tăng 28% so cùng kỳ năm trước); số vụ buôn bán tàng trữ vận chuyển ma tuý là 792 vụ (tăng 27% so cùng kỳ năm trước), với 997 đối tượng bị bắt giữ (tăng 17% so cùng kỳ).

4 tháng 2006 đã xảy ra 305 vụ tai nạn giao thông (giảm 6% so cùng kỳ) làm 134 người chết (tăng 8%) và làm bị thương 241 người (giảm 9%).

Có 67 vụ cháy nổ xảy ra trong 4 tháng đầu năm 2006 (giảm 10% so cùng kỳ) làm thiệt hại tài sản trị giá 2,6 tỷ đồng, làm chết 5 người và bị thương 14 người

6. Tín dụng Ngân hàng:

Dự kiến đến cuối tháng Năm năm 2006, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội tăng 1,62% so cuối tháng trước và tăng 7,14% so với cuối năm 2005, trong đó tiền gửi dân cư tăng 1,80% và tăng 7,58%, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 1,50% và tăng 6,85%. Dư nợ cho vay tăng 1,38% so tháng trước và tăng 5,83% so với cuối năm 2005, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 1,60% và tăng 6,96%, dư nợ trung và dài hạn tăng 1,10% và tăng 4,45%.



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật