Hà Nội: Bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả năm 2015 (09:24 19/08/2015)


HNP - UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt “Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn giá thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2015”. Kế hoạch này nằm trong Chương trình bình ổn giá của thành phố đã được thực hiện từ năm 2010 nhằm bình ổn giá đối với 10 nhóm hàng hóa.


10 nhóm hàng hóa gồm: Gạo tẻ, thịt lợn, thịt gà, trứng gà, thủy hải sản tươi, đông lạnh, dầu ăn, rau củ tươi, giấy vở học sinh, thực phẩm chế biến, đường ăn. Thực tế 4 năm thực hiện và căn cứ tình hình cung cầu hiện nay, có 3 nhóm hàng không đưa vào bình ổn thị trường đối với hình thức thực hiện tạm ứng tiền từ Quỹ dự trữ tài chính thành phố với lãi suất 0% là: Thực phẩm chế biến, đường ăn và giấy vở học sinh do lượng hàng hóa dồi dào, không xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tăng giá đột biến. 
 
Trong năm 2015, với mục đích đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, Sở Công thương tham mưu UBND Thành phố triển khai thực hiện chương trình với các nhóm hàng hóa theo các hình thức: Hình thức thứ nhất, kết nối ngân hàng vay vốn sản xuất kinh doanh; Hình thức thứ hai, thực hiện chương trình không tạm ứng vốn với các nhóm hàng để dần chủ động trong việc thực hiện chương trình, mở rộng thêm đối tượng và số lượng các mặt hàng thiết yếu tham gia chương trình. Thông qua các chuyến đưa hàng về nông thôn xác định thêm các nhóm hàng được người dân khu vực ngoại thành và người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ưa dùng.
 
UBND Thành phố cũng duy trì thực hiện theo hình thức tạm ứng tiền từ quỹ dự trữ tài chính thành phố với lãi suất 0% để thực hiện dự trữ hàng hóa đối với các nhóm hàng thiết yếu có nhiều khả năng biến động mạnh về giá và lượng hàng hóa trong các thời điểm ngày lễ, tết âm lịch nhưng lượng tiền tạm ứng giảm 15% so với năm 2014. Cụ thể, về cân đối cung - cầu hàng hóa trên địa bàn (tính cho khoảng 9 triệu dân): Gạo tẻ, nhu cầu tiêu dùng khoảng 74.400 tấn/tháng. Năm 2014, sản lượng gạo sản xuất trên địa bàn đạt khoảng 763.000 tấn, tương đương khoảng 63.583 tấn/tháng (trong đó có 60% là gạo dùng để sản xuất chế biến các sản phẩm bún, bánh, rượu).
 
Nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thành phố chủ yếu tập trung vào 40% sản lượng còn lại (khoảng 25.433 tấn/tháng). Như vậy, nguồn cung ứng chỉ đáp ứng được khoảng 34% nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Lượng gạo còn lại được khai thác từ các tỉnh lân cận thuộc khu vực phía Bắc, một phần khác được khai thác từ khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
 
Được biết, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn Hà Nội tương đối cao: Khoảng 11.600 tấn lợn hơi/tháng; 4.650 tấn thịt gà/tháng; thủy, hải sản tươi, đông lạnh có nhu cầu khoảng 4.500 tấn/tháng; dầu ăn tiêu thụ khoảng 4,5 triệu lít/tháng; nhu cầu tiêu thụ rau củ vào khoảng 75.000 tấn rau, củ các loại/tháng; bánh mứt, kẹo tết rơi vào khoảng 1.500 tấn trong tháng diễn ra Tết Nguyên đán; tiêu thụ 15,8 triệu lít sữa/tháng.

P.Trang (Theo Tài chính điện tử)


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật