Tình hình kinh tế xã hội tháng chín và 9 tháng năm 2007 (00:00 12/12/2007)


Chín tháng đầu năm 2007, Hà Nội phải đối mặt với diễn biến không thuận lợi: giá cả thị trường tăng lớn, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn rình rập ở Hà Nội và các địa phương lân cận, song kinh tế - xã hội Hà Nội vẫn đạt được những kết quả đáng kể với tốc độ phát triển kinh tế duy trì ở mức khá so cùng kỳ: Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 11,6%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 20,8%, tổng mức bán lẻ tăng 21,6%, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng 20,6%, tổng vốn đầu tư xã hội tăng 17,3%. Các mặt văn hoá, xã hội, trật tự an toàn xã hội được duy trì ổn định, đời sống nhân dân tiếp tục được chăm lo cải thiện.



1. Tổng sản phẩm nội địa (GDP):

Dự kiến 9 tháng 2007, tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 11,6% so cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp mở rộng tăng 14,6% (đóng góp 6,3% vào mức tăng chung), các ngành dịch vụ tăng 9,7% (đóng góp 5,28% vào mức tăng chung) và ngành nông, lâm, thuỷ sản tăng 1,1% (đóng góp 0,02% vào mức tăng chung).

2. Sản xuất công nghiệp:

Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội tháng Chín năm 2007 tăng 2,2% so với tháng trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 3,8% (kinh tế Nhà nước trung ương tăng 4%, kinh tế Nhà nước địa phương tăng 3,3%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 2,8% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,5%.

Dự kiến 9 tháng năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước trong đó kinh tế Nhà nước tăng 5,6% (kinh tế Nhà nước trung ương tăng 4,6%, kinh tế Nhà nước địa phương tăng 8,7%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 28,5% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 31,3%.

a/ Sản xuất công nghiệp Nhà nước Trung ương:

Giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước trung ương tăng 4% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 9 tháng năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước trung ương tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước với 13/21 ngành sản xuất tăng, trong đó có những ngành có tỷ trọng lớn đạt tốc độ phát triển cao: ngành chế biến thực phẩm tỷ trọng 13% tăng 12,4%, dệt tỷ trọng 14,5% tăng 11,2%, khoáng phi kim loại tỷ trọng 6% tăng 11,5%, sản xuất thiết bị điện tỷ trọng 7,3% tăng 10%, sản xuất xe có động cơ tỷ trọng 3% tăng 12,1%... có 8/21 ngành sản xuất giảm so cùng kỳ: sản xuất đồ da (giảm 62%), chế biến gỗ lâm sản (giảm 57,9%), sản xuất hoá chất (giảm 12,2%), sản xuất sản phẩm bằng kim loại (giảm 6,9%), chế tạo thiết bị máy móc (giảm 37,4%), sản xuất dụng cụ chính xác (giảm 26,5%), sản xuất phương tiện vận tải khác (giảm 61,3%) và sản xuất giường tủ đồ khác (giảm 4,8%). Sản xuất công nghiệp Nhà nước Trung ương 9 tháng năm 2007 tăng không cao, và có một số ngành giảm mạnh nguyên nhân chính là do giá cả nguyên liệu, vật tư đầu vào tăng đột biến vì sản xuất lệ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu và do khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm bị hạn chế. Ngoài ra, còn do nguyên nhân một số doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá có vốn Nhà nước chi phối <50% chuyển sang khu vực kinh tế ngoài Nhà nước.

b/ Sản xuất công nghiệp Nhà nước Địa phương:

Giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương tháng Chín năm 2007 tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 9 tháng năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước với 12/17 ngành sản xuất tăng, trong đó một số ngành chiếm tỷ trọng khá đạt mức tăng trưởng cao: sản xuất các sản phẩm bằng cao su tỷ trọng 4,6% tăng 28,1%, chế tạo thiết bị máy móc tỷ trọng 9% tăng 40,7%, sản xuất các sản phẩm bằng kim loại tỷ trọng 15% tăng 12,5%, sản xuất thiết bị điện tỷ trọng 26,2% tăng 12,2%.... Có 5/17 ngành sản xuất giảm là: sản xuất trang phục (giảm 5,3%), sản xuất khoáng phi kim loại (giảm 70,8%), sản xuất kim loại (giảm 21%), sản xuất tivi thiết bị thông tin (giảm 4,9%), sản xuất than (giảm 1,5%). Trong 9 tháng đầu năm 2007, có một số doanh nghiệp nhà nước địa phương đầu tư mở rộng sản xuất: Công ty Dược phẩm Hà Nội, Công ty Kim khí Thăng Long, Công ty Khoá Việt Tiệp, Công ty Dệt 19/5, Công ty Đóng tàu Hà Nội, Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội... Một số sản phẩm của công nghiệp nhà nước địa phương do có thị trường tiêu thụ tốt, sản xuất tăng khá so cùng kỳ: bia (tăng 0,6%), quần áo may sẵn (tăng 10,4%), quạt điện (tăng 51,3%)...

c/ Sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước:

Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tháng Chín năm 2007 tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 28,1% so với cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 9 tháng năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công ty TNHH tư nhân tăng 22,2%, công ty cổ phần khác tăng 45,3%, doanh nghiệp tư nhân tăng 13,7%, hợp tác xã tăng 9,1% và hộ cá thể tăng 5,3%. Có 21/22 ngành sản xuất tăng, một số ngành có tốc độ tăng khá: công nghiệp dệt tăng 42,3%, sản xuất đồ da tăng 34,1%, sản xuất hoá chất tăng 37,2%, sản xuất kim loại tăng 39,5%....

Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước một số năm gần đây tăng khá là do số doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá có vốn Nhà nước chi phối <50% chuyển sang khu vực công ty cổ phần, và hàng năm còn có rất nhiều công ty mới thành lập đi vào hoạt động. Ngoài ra, còn có nguyên nhân một số doanh nghiệp có qui mô lớn chú trọng đầu tư mở rộng sản xuất, sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao hợp nhu cầu người tiêu dùng, nên tiêu thụ tốt (Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi Tân Minh Hà, Công ty dây cáp điện Yên Viên, Xí nghiệp tư doanh Xuân Kiên, Công ty Nhật Linh, HTX Song Long, Công ty Sơn Kova, Công ty Hiệp Hưng...).

d/ Sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài:

Giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tháng Chín năm 2007 tăng 0,5% so với tháng trước, và tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 9 tháng năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 31,3% so cùng kỳ với 15/20 ngành sản xuất tăng, trong đó một số ngành đạt tốc độ tăng khá: sản xuất sản phẩm bằng kim loại tăng 82,5%, chế tạo thiết bị máy móc tăng 66,3%, sản xuất thiết bị điện tăng 44,4%, sản xuất xe có động cơ tăng 84,7%... Có 5/20 ngành sản xuất giảm là: công nghiệp dệt (giảm 14,9%), chế biến gỗ lâm sản (giảm 67,6%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (giảm 29,1%), sản xuất kim loại (giảm 1,9%) và sản xuất dụng cụ chính xác (giảm 8,8%).

Sản xuất của các doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng khá cao do: một số các doanh nghiệp thành lập mới đi vào sản xuất, nhiều doanh nghiệp có qui mô sản xuất lớn và xuất khẩu ra nước ngoài tăng cao: Công ty Canon Việt Nam, Công ty đèn hình Orion Hanel, Công ty hệ thống dây Sumi Hanel, Công ty Cáp Vinadaesung... 9 tháng năm 2007, có 19 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động sản xuất và 10 doanh nghiệp ngừng hoạt động (2 doanh nghiệp chuyển đi tỉnh khác).

2. Xây dựng cơ bản

* Vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách Nhà nước Địa phương:Vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách Nhà nước địa phương tháng 9 ước đạt 573,1 tỷ đồng, tăng 5,0% so tháng trước. Dự kiến 9 tháng năm 2007 đạt 4375,6 tỷ đồng bằng 55,6% kế hoạch năm và bằng 84,9% so với cùng kỳ.

* Tiến độ một số công trình lớn:

+ Nút giao thông Kim Liên: Nhà thầu đang thi công trong phạm vi rào (300/500m), đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường. Nhà thầu tiếp tục rào chắn mở rộng mặt bằng thi công về phía đường Đào Duy Anh (150m). Phấn đấu đến hết năm 2007, hoàn thành 70% khối lượng xây lắp, hoàn thành mặt bằng khu vực trung tâm nút đưa vào sử dụng trong quý I/2008 và kết thúc dự án vào quý III/2008.

+ Nút giao thông Ngã Tư Sở:

Về công tác GPMB: còn 11 hộ thu hồi đợt 2 ngoài dự án:

- 03 chủ đất thuộc quận Đống Đa: các phương án đền bù, hỗ trợ và tái định cư đã được phê duyệt; hiện Ban quản lý dự án Trọng điểm và nhà chùa Phúc Khánh đang làm việc với các hộ dân để thống nhất phương án hỗ trợ bổ sung và báo cáo Hội đồng giải phóng mặt bằng quận Đống Đa phê duyệt trong tháng 9/2007.

- 08 hộ dân thuộc quận Thanh Xuân: đã hoàn thành phương án đền bù, đất tái định cư cho 05 hộ tại Kim Giang; Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất đang trình UBND Thành phố quyết định giao đất tái định cư cho các hộ để hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 9/2007.

Về công tác thi công:đã hoàn thành và đưa vào sử dụng cầu. Hiện nay, nhà thầu đang khẩn trương hoàn thiện công việc lắp đặt camera và trạm điện để kết thúc dự án trong tháng 9.

+ Đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa:

Ban quản lý dự án Trọng điểm đang triển khai các thủ tục để thu hồi bổ sung một số diện tích đất kẹt giữa ngõ Xã Đàn 2 với đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa để hòan chỉnh đường vành đai 1 và kết hợp bảo tồn di tích đàn Xã Tắc.

Đã hoàn thành đến 90% khối lượng của dự án (trừ khu vực thám sát di tích Đàn Xã Tắc). Các đơn vị của Sở GTCC đang phối hợp với Ban và nhà thầu để tiếp nhận các hạng mục hoàn thành đưa vào duy tu (đường, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh,…)

Bảo tồn khu di tích Đàn Xã Tắc: phương án mặt bằng bảo tồn di tích Đàn Xã Tắc do Ban quản lý dự án Trọng điểm, Sở Văn hóa Thông tin đề xuất đã được Bộ Văn hóa chấp thuận (diện tích 1572 m2); hiện Sở Văn hóa Thông tin đang chờ văn bản của Bộ Văn hóa để đề xuất triển khai tiếp.

+ Dự án Bắc Thăng Long - Vân Trì:

Về công tác giải phóng mặt bằng:Hiện còn khoảng 5/205 ha đất chưa thu hồi, trong đó:

Đất ở: còn 48 hộ dân (10500 m2) thuộc 2 xã Kim Chung và Hải Bối.

- Xã Kim Chung: còn 11 hộ (1700 m2) đã có phương án đền bù nhưng không chấp hành Quyết định của UBND huyện, xã đang đề nghị cưỡng chế thu hồi đất 02 hộ và đang giải quyết đơn thư của 9 hộ.

- Xã Hải Bối: còn 38 hộ (9200 m2) thì có 27 hộ không chấp hành quyết định của UBND huyện và 11 hộ chưa có xác định nguồn gốc đất để xây dựng phương án.

Đất Nông nghiệp, đất khoán, đất nghĩa trang cong khoảng 40000 m2 thuộc 2 xã Kim Nỗ và Vĩnh Ngọc. UBND huyện Đông Anh đã yêu cầu giải quyết dứt điểm trong tháng 9.

Hệ thống đường và thoát nước:

*) Hệ thống đường: đã hoàn thành các hạng mục cầu A, cầu B

- Cầu vượt nút giao thông Kim Chung đã hoàn thành lao dầm xong 9/10 nhịp, mặt cầu đã xong 4/10 nhịp ; Đường chính A đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng và dự kiến đưa vào sử dụng tháng 10/2007.

- Đường chính B đã cơ bản hoàn thành công tác đắp nền.

- Đang thi công đường gom, đường kênh giữa, đường nối quốc lộ 32.

*) Hệ thống thoát nước :

- Cầu C qua kênh Việt Thắng đang thi công bản mặt cầu

- Đã hoàn thành các hạng mục cầu E, VE3, VE2, cống qua kênh. Hiện đang thi công các hạng mục cầu D, VE1, VE4, kênh Việt Thắng, kênh dẫn,…

+ Dự án Cầu Vĩnh Tuy:

Hiện nay, các gói thầu vẫn đang được các đơn vị triển khai. Tuy nhiên, theo kế hoạch vốn được bố trí năm 2007 là kế hoạch được lập theo tiến độ thông xe kỹ thuật vào ngày 2/9/2007, nhưng do một số vướng mắc đã được báo cáo, nên việc thông xe kỹ thuật sẽ được lùi thời hạn vào dịp tết Mậu Tý 2008.

Về năng lực Tài chính của các nhà thầu hiện đang gặp khó khăn nên khả năng huy động không cao, dẫn đến khó mua vật tư và huy động thiết bị. Các đơn giá định mức trượt giá thay đổi liên tục nên càng khó khăn cho nhà thầu hơn.

Về công tác giải phóng mặt bằng, các khó khăn đã cơ bản được tháo gỡ nhưng vẫn còn vướng phần đất thuộc Công ty X20, X26 chưa xong thủ tục phá dỡ, thu hồi. Nguồn chi kế hoạch vốn cho dự án bị thiếu nên đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn cho dự án chậm tiến độ.

+ Dự án đường 5 kéo dài: Đến nay, các nhà thầu đang triển khai thi công 6/13 gói thầu xây lắp chính (gói thầu số 6,7,8,9,11 và 12). Các nhà thầu trúng thầu đã tập trung tối đa nhân lực, thiết bị và máy móc để đẩy mạnh triển khai thi công các hạng mục. Gói thầu số 6 và 11 đang khẩn trương hoàn thành các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, nền mặt đường và các công trình phụ trợ liên quan. Các gói thầu số 7,8, 9 đang tập trung thi công nền đường và các cấu kiện bê tông đúc sẵn. Gói thầu số 12 đang tập trung chủ yếu trong công tác thi công cọc khoan nhồi và kết cấu phần dưới.

Đối với công tác GPMB:đã hoàn thành công tác GPMB hơn 2800 hộ dân có đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh. Hiện đang điều tra khảo sát, lên phương án bồi thường đối với phần đất nông nghiệp còn lại và phần đất thổ cư ở cả hai địa phương. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện được công tác giải phóng mặt bằng đối với phần đất thổ cư của hơn 200 hộ dân trên địa bàn huyện Đông Anh và gần 800 hộ dân trên địa bàn quận Long Biên do chưa có quỹ nhà tái định cư.

+ Dự án Cầu Đông Trù: Cầu Đông Trù có kết cấu phần trên 03 nhịp vòm ống thép nhồi bê tông (80 + 120 + 80m) bề rộng cầu 55m, đây là kết cấu phức tạp công nghệ mới, với quy mô lớn chưa từng được áp dụng tại Việt Nam. UBND Thành phố đã cho phép chuyển giao công nghệ thiết kế, thẩm tra thiết kế kỹ thuật, tư vấn giám sát, quản lý và khai thác. Tuy nhiên, do công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn được thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế nên trình tự thực hiện, tuyển chọn theo luật định. Mặt khác, do gói thầu nhỏ nên không hấp dẫn nhà thầu vì thế Ban quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn đã phải mất thêm thời gian để đăng thông tin và tiến hành thêm thủ tục đấu thầu lại.

* Tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn Hà Nội9 tháng năm 2007 dự kiến đạt 29380 tỷ đồng tăng 17,3% so cùng kỳ năm trước, trong đó vốn trong nước đạt 24480 tỷ đồng tăng 15,7%, vốn ngoài nước đạt 4900 tỷ đồng tăng 25,6%. Trong 9 tháng đầu năm 2007, có 8100 doanh nghiệp được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, tăng 13% so cùng kỳ với tổng số vốn đăng ký là 85000 tỷ đồng, tăng 325% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 9 tháng đầu năm 2007, Hà Nội thu hút được 236 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 1128 triệu USD. Có 210 dự án cấp mới với vốn đầu tư đăng ký là 940 triệu USD, trong đó có một số dự án lớn: Công ty TNHH Berjaya - Handico 12 xây dựng phát triển khu đô thị mới Thạch Bàn (50 triệu USD), Công ty TNHH Aoneprovic đầu tư mua lại khách sạn Asean (15 triệu USD), Khách sạn 5 sao Charmvit (80 triệu USD), tổ hợp khách sạn - thương mại - văn phòng - căn hộ Công viên thiên niên kỷ Keangnam - Hà Nội (500 triệu USD), Công ty TNHH Suncall Technology (12 triệu USD). Bổ sung tăng vốn đầu tư 26 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 188 triệu USD. So cùng kỳ năm trước số dự án đầu tư tăng 80% (236/131 dự án), số vốn đầu tư tăng 40% (1128/801 triệu USD). So với kế hoạch định hướng cả năm 2007 của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội (Quyết định 233/QĐ-UB ngày 12/12/2006), 9 tháng đầu năm số dự án đã vượt kế hoạch định hướng 12% (236/210 dự án), tổng vốn đầu tư đạt 87% kế hoạch định hướng (1128/1300 triệu USD). Dự kiến Hà Nội đứng thứ 2 toàn quốc (sau Bà Rịa - Vũng Tàu) về tổng vốn đầu tư đăng ký trong 9 tháng đầu năm 2007.

4. Thương mại - dịch vụ

* Nội thương:tháng Chín năm 2007, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 1,9% so với tháng trước, trong đó tổng mức bán lẻ tăng 2%.

Dự kiến 9 tháng năm 2007, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó bán lẻ tăng 22,8%. 9 tháng đầu năm 2007, nội thương Hà Nội phát triển khá và đồng đều ở nhiều lĩnh vực. Một phần do số lượng các đơn vị kinh doanh thương mại dịch vụ tăng lên nhanh và nhiều (hiện Hà Nội có khoảng 16 ngàn doanh nghiệp và 100 ngàn cơ sở kinh doanh cá thể, kinh doanh thương mại dịch vụ, 1200 văn phòng đại diện, 60 siêu thị và trung tâm thương mại), mặt khác, hoạt động thương mại có nhiều thay đổi với việc phát triển không ngừng của nhiều hình thức bán lẻ mới, hấp dẫn và tiện dụng cao làm cho thị trường Hà Nội ngày càng phong phú, sầm uất và phát triển sâu rộng trong điều kiện Việt Nam đã gia nhập WTO.

* Ngoại thương:Tháng 9 năm 2007 kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng 2,4% so với tháng trước, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 2,6%; kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tăng 1,9% trong đó nhập khẩu địa phương tăng 1,7%.

Dự kiến 9 tháng năm 2007, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng 20,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 23,6%. Trong các mặt hàng xuất khẩu, máy in phun vẫn là một trong những nhóm đứng đầu về trị giá và đạt tốc độ tăng khá nhất (tăng 35,4%), sau đó là hàng nông sản (tăng 19,4%), xăng đầu tạm nhập tái xuất cho Lào (tăng 16,2%)... Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn Hà Nội 9 tháng năm 2007 dự kiến tăng 17,8% so cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu địa phương tăng 17,8%, xăng dầu vẫn là mặt hàng được nhập nhiều nhất và có tốc độ tăng cao (tăng 19,3%), đó là máy móc thiết bị phụ tùng (tăng 15,8%), vật tư nguyên liệu chủ yếu (tăng 19,9%) và hàng tiêu dùng (tăng 14,9%).

* Du lịch:Tháng 9 năm 2007 khách quốc tế vào Hà Nội khoảng 107 ngàn khách, tăng 0,9% so tháng trước và tăng 22,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó nhiều nhất là khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Thái Lan. Khách nội địa đến Hà Nội trong tháng 9 năm 2007 tăng 6,2% so cùng kỳ.

Dự kiến 9 tháng năm 2007, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng 11,4% so cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế tăng 33,3% (khoảng 933 ngàn lượt khách) và khách nội địa tăng 7,2% (khoảng 3887 ngàn lượt khách). Công suất buồng phòng ở các khách sạn xếp hạng cao đạt 80-90%, tuy nhiên, ở các khách sạn xếp hạng thấp và bình dân vẫn ít khách. Doanh thu của các đơn vị kinh doanh lữ hành khách sạn 9 tháng năm 2007 tăng 22% so cùng kỳ, chủ yếu do giá tour tăng cao hơn so năm trước. Du lịch Hà Nội trong một số năm gần đây phát triển khá là do hàng năm Hà Nội có khoảng 1 triệu lượt khách quốc tế đến (chiếm 30% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam) và Hà Nội có gần 500 khách sạn với 12700 phòng, trong đó 187 khách sạn được xếp hạng với công suất buồng phòng luôn đạt trên 80%. Tồn tại hiện nay của du lịch Hà Nội là nhiều khách quốc tế đến Hà Nội, nhưng 70-80% số này không quay lại Hà Nội nữa do Hà Nội thiếu điểm tham quan du lịch đặc sắc, điểm vui chơi giải trí ít, khách sạn cao cấp thiếu và luôn bị quá tải trong các dịp tổ chức các sự kiện khiến Hà Nội chỉ là điểm trung chuyển không hấp dẫn khách ở lại lâu ngày và quay lại lần nữa.

* Vận tải: Tháng Chín năm 2007 so với tháng trước, khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 1,4%, khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 1,6%, doanh thu vận chuyển hàng hoá tăng 1,9%, khối lượng hành khách vận chuyển tăng 1,8%, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 2%, doanh thu vận chuyển hành khách tăng 2,1%.

Dự kiến 9 tháng năm 2007 so cùng kỳ năm trước, khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 11%, khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 12,9%, doanh thu vận chuyển hàng hoá tăng 17,1%, khối lượng hành khách vận chuyển tăng 10,6%, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 18,5% và doanh thu vận chuyển hành khách tăng 19,7%.

9 tháng năm 2007, Hà Nội vận chuyển bằng xe buýt khoảng 265 triệu lượt khách, tăng 10% so cùng kỳ, chiếm 80% hoạt động vận tải hành khách. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường mở rộng cả về số lượng, qui mô, chât lượng vận chuyển bằng xe buýt, tiếp tục mở thêm một số tuyến kế cận đi Hoà Bình, Thái Nguyên.

* Bưu chính viễn thông:

- Bưu chính: Tháng Chín năm 2007, giá trị tem thư, tem máy đạt 2,5 tỷ đồng, tăng 1,2% so tháng trước, bưu phẩm và chuyển phát nhanh là 1,1 tỷ đồng, giảm 3,4%. Doanh thu đạt 54,9 tỷ đồng, tăng 0,8% so tháng trước.

Dự kiến 9 tháng năm 2007, giá trị tem thư tem máy đạt 20 tỷ đồng, giảm 2,7% so cùng kỳ năm trước, bưu phẩm và chuyển phát nhanh đạt 18 tỷ đồng, giảm 13,3%. Doanh thu bưu chính 9 tháng năm 2007 đạt 329 tỷ đồng, tăng 0,7% so cùng kỳ năm trước.

- Viễn thông: tháng 9 năm 2007 số lượng thuê bao mới tăng là 14,7 ngàn thuê bao điện thoại, 34 ngàn thuê bao internet, doanh thu viễn thông đạt 209,5 tỷ đồng, tăng 0,4% so tháng trước. Dự kiến 9 tháng năm 2007, số lượng thuê bao mới tăng gồm 105,3 ngàn thuê bao điện thoại (trong đó 40% thuê bao điện thoại di động) và 21,7 ngàn thuê bao internet. Doanh thu viễn thông 9 tháng năm 2007 đạt 1583 tỷ đồng, giảm 11,6% so cùng kỳ năm trước.

* Giá cả thị trường:Chỉ số giá tiêu dùng tháng Chín năm 2007 tăng 0,42% so với tháng trước, trong đó hàng thực phẩm tăng 0,99%, nhà ở điện nước chất đốt tăng 0,90%, lương thực tăng 0,28%, thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,29%, giáo dục tăng 0,39%, các nhóm hàng hoá khác tăng chút ít, hai nhóm hàng giảm là đồ uống, thuốc lá (giảm 0,57%) và giao thông bưu chính (giảm 1,06%). Chỉ số giá vàng tăng 1,59% và giá đôla Mỹ tăng 0,8% so tháng trước.

So tháng 12 năm 2006, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 năm 2007 tăng 7,2%. Chỉ số giá vàng tăng 7,46% và chỉ số giá USD tăng 1,29%. Trong 9 tháng đầu năm 2007, giá cả tăng liên tục và đồng loạt ở nhiều mặt hàng, nhất là giá nguyên liệu vật tư nhập khẩu tăng cao, làm ảnh hưởng lớn tới sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Tốc độ tăng giá bình quân 1 tháng trong 9 tháng đầu năm 2007 là 0,8% tháng. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng so cùng kỳ năm trước tăng 7,85%.

5. Sản xuất Nông nghiệp

- Sản xuất vụ mùa năm 2007: Vụ mùa năm nay, thời tiết thuận lợi, không có mưa lớn kéo dài nên tình trạng úng ngập chỉ xẩy ra ở những vùng trũng và vùng đất kẹt do hệ thống thoát nước chưa đồng bộ, song chưa gây ra thiệt hại lớn nào cho lúa mùa. Tuy vậy, do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho sâu bọ phát triển, nên hiện nay chuột đang phát triển mạnh và phá hoại trên những diện tích lúa sớm đang làm đòng, sâu đục thân và sâu cuốn lá cũng đang sinh sôi nảy nở và phá hoại lúa (chủ yếu là ở Sóc Sơn nhưng với mức độ nhẹ). Dự kiến năng suất, sản lượng một số cây trồng chủ yếu vụ mùa năm 2007 như sau: Lúa sản lượng 87895 tấn (tăng 0,45% so cùng kỳ năm trước) với năng suất 38,63 tạ/ha (tăng 3,06%); Ngô sản lượng 2048 tấn (tăng 24,42%) với năng suất 31,51 tạ/ha (tăng 3,11%); Rau các loại sản lượng 57017 tấn (tăng 5,11%) với năng suất 220 tạ/ha (tăng 1,74%); Đỗ tương đạt sản lượng 906 tấn (giảm 8,3%) với năng suất 14,12 tạ/ ha (tăng 1,36%); Diện tích các loại cây trồng chủ yếu so năm trước vẫn tiếp tục giảm trong đó nhiều nhất là cây lúa (giảm 593 ha, giảm 2,54%)

- Chăn nuôi: nhìn chung 9 tháng 2007 chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội ổn định và có chiều hướng tăng so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân: Một là, không xảy ra dịch bệnh lớn trên đàn gia súc, gia cầm, tuy một vài nơi lẻ tẻ có xẩy ra dịch cúm gia cầm song đã kịp thời dập tắt không để lây lan, không ảnh hưởng đến đàn gia cầm đang phát triển; Hai là, giá cả thị trường gia súc, gia cầm năm 2007 liên tục tăng, người chăn nuôi đã có lãi, nên họ duy trì và phát triển số đầu con. Chăn nuôi thủy sản 9 tháng năm2007 vẫn tiến triển bình thường, sản phẩm thủy sản giữ ở mức ổn định và tăng chậm.

6. Một số vấn đề xã hội

* Giáo dục đầu năm học: Năm học 2007-2008 là năm thứ 2 ngành giáo dục triển khai cuộc vận động “2 không” với nội dung: Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục; nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và hiện tượng học sinh ngồi nhầm lớp. Đồng thời, cũng là năm học cả nước thực hiện cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Bộ Chính trị phát động, lồng ghép đẩy mạnh cuộc vận động có tính đặc thù của giáo dục thủ đô: “Xây dựng nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch”; từng bước xây dựng nhà trường theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa và hiện đại hóa, tích cực chuẩn bị cho việc hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Năm 2007 - 2008, giáo dục mầm non có quy mô phát triển cao hơn so với các năm học trước với 367 trường, 136900 cháu (công lập 135 trường và 48360 cháu; bán công 159 trường và 70120 cháu; dân lập 5 trường và 1100 cháu; tư thục 68 trường và 17320 cháu). Trẻ 5 tuổi đến lớp mẫu giáo là 40993 cháu, đạt tỷ lệ 98,8% tổng số cháu trong độ tuổi.

Giáo dục phổ thông: Khai giảng năm học 2007 - 2008, Hà Nội có 279 trường tiểu học (253 trường công lập, 26 trường bán công và dân lập) với 203744 học sinh (tăng 0,8% so năm học trước). Công tác phổ cập giáo dục đúng độ tuổi được duy trì với hiệu quả cao, huy động được 42500 trẻ trong độ tuổi vào lớp 1 (đạt 99,9% và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước). Năm học này, Hà Nội có 219 trường THCS (214 trường công lập và 5 trường ngoài công lập) với 179800 học sinh (tăng 1,7% so với năm học trước) trong đó tuyển sinh vào lớp 6 là 44850 học sinh (tăng 4%). Ở bậc THPT, toàn thành phố có 101 trường (44 trường công lập và 57 trường ngoài công lập) với 127255 học sinh (tăng 8,6% so với năm học trước) trong đó tuyển mới vào lớp 10 là 40680 học sinh. Năm học này, ở bậc THPT tiếp tục triển khai đại trà chương trình phân ban theo mô hình: Ban khoa học tự nhiên, ban khoa học xã hội và ban cơ bản.

* Y tế: 9 tháng năm 2007, ngành y tế Hà Nội chỉ đạo triển khai chủ động, đồng bộ công tác phòng chống dịch bệnh, kết hợp chặt chẽ giữa y tế dự phòng và y tế điều trị, chuẩn bị sẵng sàng cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện và kế hoạch phòng chống dịch, đảm bảo không để xẩy ra dịch bệnh lớn. Hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc phục vụ người bệnh được tăng cường. Các bệnh viện chủ động khắc phục tình trạng quá tải bằng cách kê thêm giường bệnh, trong 8 tháng đầu năm 2007, khám cho 1,8 triệu bệnh nhân với tổng số lần khám là 2,1 triệu lần.

Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch hoạt động theo từng chương trình y tế cụ thể, chú trọng những hoạt động trọng điểm trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS.

Tính đến 31/8/2007, lũy tích người nhiễm HIV là 12939 người, số chuyển sang AIDS là 3437 người, số tử vong là 2050 người.

* Văn hóa Thông tin - Thể dục thể thao:

9 tháng đầu năm 2007, Sở Văn hóa thông tin Hà Nội chỉ dạo các đơn vị trực thuộc triển khai tốt các hoạt động thông tin, tuyên truyền, văn hóa nghệ thuật mừng Đảng - mừng Xuân, kỷ niệm 30/4, 1/5; bầu cử Quốc hội khóa XII, 60 năm kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ 27/7,… Tham gia và hoàn thành xuất sắc các chương trình nghệ thuật: Liên hoan nghệ thuật “Hát về những người con ưu tú của Đảng”, Lễ hội du lịch Hạ Long - Quảng Ninh 2007, Lễ hội 100 năm du lịch Sầm Sơn, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Tổng bí thư Lê Duẩn, chương trình nghệ thuật và các hoạt động văn hóa phục vụ chiến sỹ đảo Trường Sa, Liên hoan thông tin lưu động “Về với cội nguồn”,…

Hoạt động TDTT 9 tháng đầu năm 2007 mang tính quần chúng sâu rộng với những nội dung phong phú, thu hút hàng ngàn người ở mọi lứa tuổi tham gia trong các ngày lễ lớn của đất nước. Ngành TDTT thường xuyên quan tâm, chỉ đạo củng cố duy trì phát triển các mô hình thể thao trên địa bàn Thành phố như các câu lạc bộ sức khỏe ngoài trời, cụm văn hóa TDTT, câu lạc bộ TDTT cơ sở, CLB dưỡng sinh, xây dựng các điển hình tiên tiến về thể thao với hơn 40 môn và nội dung phục vụ đông đảo nhân dân ở mọi lứa tuổi tham gia rèn luyện thân thể thường xuyên.Tỷ lệ người luyện tập TDTT thường xuyên 9 tháng đầu năm 2007 đạt 28,9%, tỷ lệ gia đình thể thao đạt 20,9%. Trong 9T/2007 Hà Nội tổ chức giải thể thao phong trào: Hội khỏe phụ nữ Thủ Đô, Hội khỏe Thanh niên Thủ đô lần thứ VII, Giải bóng chuyền Công nhân Viên chức lao động thủ đô chào mừng bầu cử đại biểu Quốc hội, giải cầu lông gia đình thể thao, hội khỏe công đoàn viên chức Thành phố Hà Nội, hội khỏe các cụm văn hóa Thủ đô, giải bóng của người cao tuổi, tổ chức các môn thi đấu thể thao trong chương trình Hội khỏe Phù đổng học sinh Thành phố năm học 2006-2007 chuẩn bị lực lượng tham gia Hội khỏe Phù đổng toàn quốc năm 2008, hội thi văn hóa thể thao người khuyết tật toàn quốc, triển khai kế hoạch đẩy mạnh công tác giáo dục thể chất trong trường học Thủ đô giai đoạn 2007-2010 và kế hoạch phổ cập kiến thức bơi và phòng chống tai nạn sông nước cho trẻ em Thành phố Hà Nội ,… Triển khai các hoạt động hè, hội thi hè trong lĩnh vực thể thao của các quận huyện. Tham gia các giải thi đấu thể thao phong trào toàn quốc: giải bóng đá thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt, giải cầu lông thiếu niên nhi đồng,…

* Tình hình đời sống dân cư 9 tháng 2007: nhìn chung vẫn ổn định và có chiều hướng đi lên tuy không đồng đều ở các tầng lớp dân cư. Đạt kết quả đó là do, trong 9tháng năm 2007 UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ cho hộ nghèo phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập để xóa đói giảm nghèo. Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và xã hội, 6 tháng đầu năm 2007 Hà Nội giảm 2500 hộ nghèo theo chuẩn mới, đưa tỉ lệ hộ nghèo từ 3,07% xuống còn 2,7% tổng số hộ toàn Thành phố đạt 41,67% kế hoạch năm, đồng thời đảm bảo các đối tượng cứu trợ xã hội như người già cô đơn không nơi lương tựa, trẻ mồ côi không người nuôi dưỡng, người tàn tật trong các gia đình nghèo đều được hưởng chính sách trợ cấp thường xuyên, được hỗ trợ trong học tập, tạo việc làm và hòa nhập cộng đồng (theo kế hoạch, năm 2007 Thành phố giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 2,3% - giảm khoảng 6000 hộ)

- Đời sống công nhân viên chức và lao động thành thị: thu nhập bình quân 1 lao động/ 1 tháng trong khu vực Kinh tế Nhà nước do Thành phố quản lý trong 6 tháng đầu năm 2007 là 1738 ngàn đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước do Nhà nước đang thực hiện chính sách cải cách tiền lương. Tuy vậy, do giá cả thị trường từ đầu năm đến nay biến động lớn, nên thu nhập thực tế chỉ nhỉnh hơn năm trước không nhiều.

- Đời sống nông dân: từ đầu năm thời tiết thuận, không có dịch bệnh nào trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản ở Hà Nội, do đó sản xuất nông nghiệp phát triển tốt, đời sống nông dân ổn định và có chiều hướng khá lên do đã tích cực áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất, các phương pháp canh tác khoa học, chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng và phát triển nhiều ngành nghề mới có khả năng sinh lời cao so với nghề nông (phát triển nghề thủ công mỹ nghệ, mở rộng làng nghề truyền thống, tham gia vào hoạt động thương nghiệp,….)

* Công tác thực hiện chính sách với người có công:

Dịp tết Nguyên đán, Sở Lao động, thương bình và xã hội Thành phố tổ chức cho các đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước và Thành phố đi thăm, tặng quà, chúc tết gia đình chính sách tiêu biểu ở 14 quận huyện và đơn vị nuôi dưỡng người có công với cách mạng, Sở Lao động, thương bình và xã hội Thành phố cùng UBND các quận huyện đi thăm và chuyển quà tặng của Thành phố tới các đơn vị và cá nhân người có công tiêu biểu. Tổng số quà tặng, trợ cấp nhân dịp tết Đinh Hợi là 394466 xuất với tổng kinh phí là 32 tỷ đồng. Dịp 30/4 và 1/5, Sở Lao động, thương bình và xã hội trình UBND Thành phố chi trợ cấp khó khăn đột xuất cho 491 hộ cựu chiến binh nghèo, khó khăn với tổng kinh phí là 335,5 triệu đồng trích từ quỹ đền ơn đáp nghĩa của Thành phố. Kỉ niệm 60 năm ngày thương binh liệt sỹ 27/7 Thành phố đã tổ chức thăm hỏi tặng quà các gia đình chính sách với 49234 xuất quà trị giá 8519,3 triệu đồng; các quận huyện cũng tặng 13742 xuất quà trị giá 1605,5 triệu đồng; các xã phường tặng 10405 xuất quà trị giá 1070 triệu đồng. Thành phố tổ chức xét duyệt hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng tiêu biểu Thành phố Hà Nội, sửa chữa nhà với số tiền 5881 triệu đồng, tặng sổ tiết kiệm với tổng số tiền 5064 triệu đồng, đóng góp 17719 triệu đồng. Cũng nhân dịp này Chủ tịch nước đã chuyển tặng 1230 xuất quà trị giá 218 triệu đồng cho các gia đình chính sách có công với cách mạng.

* Trật tự an toàn xã hội

8 tháng đầu năm 2007, trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã phát hiện và xảy ra 3612 vụ phạm pháp hình sự (giảm 22% so cùng kỳ năm trước) với 2993 đối tượng bị bắt giữ theo luật (giảm 17% so cùng kỳ). Tổng số vụ buôn bán tàng trữ vận chuyển ma tuý trong 8 tháng đầu năm 2007 là 1269 vụ (giảm 4% so cùng kỳ), bắt giữ 1515 đối tượng (giảm 12%)

Tình hình trật tự an toàn giao thông trong những tháng gần đây trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến theo chiều hướng tốt. Số vụ tai nạn giao thông trong 8 tháng đầu năm 2007 là 542 vụ (giảm 8,6% so cùng kỳ năm trước) làm bị thương 359 người (giảm 21%) và làm bị chết 307 người (tăng 9,6%).

Trong 8 tháng đầu năm 2007, xảy ra 123 vụ cháy nổ (tăng 16% so cùng kỳ năm trước) làm 5 người chết và 9 người bị thương, làm thiệt hại tài sản trị giá khoảng 12,4 tỷ đồng.

7. Tài chính- tín dụng

* Tài chính: Tổng thu ngân sách trên địa bàn 9 tháng năm 2007 dự kiến đạt 32295 tỷ đồng, bằng 72,2% dự toán năm và tăng 27,3% so cùng kỳ năm trước, trong đó thu hải quan đạt 3646 tỷ đồng, bằng 97,5% dự toán năm và tăng 47,4% so cùng kỳ, thu nội địa đạt 28649 tỷ đồng, bằng 70,3% dự toán năm và tăng 26,3% so cùng kỳ. Các khoản thu nội địa tăng khá là thu từ Xí nghiệp quốc doanh trung ương (đạt 83,9% dự toán năm và tăng 49,5% so cùng kỳ), thu thuế công thương nghiệp (đạt 79,4% dự toán năm và tăng 42,7% so cùng kỳ), thu phí và lệ phí (đạt 95,8% dự toán năm và tăng 39,8% so cùng kỳ), thu lệ phí trước bạ (đạt 112,9% dự toán năm và tăng 74,5% so cùng kỳ). Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thấp so với dự toán năm (đạt 56,7%) song so cùng kỳ cũng tăng (tăng 7,7%).

Tổng chi ngân sách địa phương 9 tháng năm 2007 là 5160 tỷ đồng, bằng 38,0% dự toán năm và tăng 3,2% so cùng kỳ năm trước, trong đó chi thường xuyên là 2580 tỷ đồng, đạt 65,0% dự toán năm và tăng 15,0% so cùng kỳ, chi xây dựng cơ bản chỉ đạt 2000 tỷ đồng, bằng 26,3% dự toán năm và giảm 7,5% so cùng kỳ do công tác đầu tư xây dựng cơ bản của Thành phố từ đầu năm đến nay có nhiều khó khăn trong thủ tục đấu thầu, trong thực hiện giải ngân vốn xây dựng cơ bản thuộc ngân sách các quận huyện…

* Tín dụng: Tổng nguồn vốn huy động đến tháng Chín năm 2007 đạt 311990 tỷ đồng, tăng 2,06% so tháng Tám và tăng 28,51% so tháng 12/2006, trong đó tiền gửi dân cư tăng 1,66% và 14,76%, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 2,32% và 39,37% . Tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng Chín năm 2007 đạt 153437 tỷ đồng tăng 2,3% so tháng trước và tăng 28,7% so tháng 12/2006, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 2,4% và tăng 27,79%, dư nợ trung và dài hạn tăng 2,13% và tăng 30,28%.

8. Đánh giá sơ bộ về tình hình KTXH cả năm 2007

9 tháng đầu năm 2007, Hà Nội đã đạt được những kết quả trong phát triển kinh tế xã hội, trong Quí IV, Hà Nội tiếp tục phải vượt qua những thách thức khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội theo kế hoạch đã đề ra. Những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của Hà Nội quí IV đã được lãnh đạo và nhân dân Thủ đô xây dựng và phấn đấu thực hiện. Dự kiến theo đà này, các chỉ tiêu kinh tế xã hội Thành phố Hà Nội cả năm 2007 sẽ đạt được ở mức khá so với năm 2006: Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 12,07%, ngành công nghiệp mở rộngtăng 15,6%, ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 1,46%, các ngành dịch vụ tăng 10,06%; Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 21,1% (sản xuất công nghiệp nhà nước tăng 5,2%, sản xuất ngoài nhà nước tăng 27,7% và sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 31,8%), vốn đầu tư xã hội đạt 47,2 ngàn tỷ đồng tăng 20,7%, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 23%;Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nộităng 20% (xuất khẩu địa phương tăng 23%); Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn Hà Nội tăng 21% (nhập khẩu địa phương tăng 19,6%), giá trị sản xuất nông - lâm - thuỷ sản tăng 2,58%.

Dự kiến năm 2007, dân số trung bình Hà Nội là 3385 ngàn người (tăng 3,1% so năm 2006); khách du lịch đến Hà Nội khoảng 6450 ngàn lượt khách (khách quốc tế 1250 ngàn lượt, khách nội địa 5200 ngàn lượt)tăng 7,9% so năm 2006. Thị trường trong nước tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn từ những biến động của thị trường quốc tế. Dự kiến mức tăng giá bình quân năm 2007 là 8,2% (năm 2006 là 8,7%) tốc độ trượt giá bình quân 1 tháng trong năm là 0,72%. Các mặt văn hoá, xã hội, chính trị và trật tự an toàn xã hội được duy trì ổn định, đời sống nhân dân tiếp tục được nâng cao.



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật