Tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố Hà Nội tháng 2 năm 2015 (15:27 20/03/2015)


HNP – Cục Thống kê Thành phố Hà Nội vừa tổng kết tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 của Thành phố Hà Nội, tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu: sản xuất công nghiệp; vốn đầu tư; thương mại dịch vụ; sản xuất nông nghiệp; tín dụng ngân hàng, thị trường chứng khoán và các vấn đề xã hội.


Một là sản xuất công nghiệp, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội trong những tháng đầu năm 2015 tương đối khả quan so với cùng kỳ năm 2014. Trong những tháng cuối năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 các doanh nghiệp đã tập trung nguồn lực vào sản xuất và tích lũy hàng hóa phục vụ nhu cầu thị trường trong dịp Tết nguyên đán Ất Mùi.


Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tháng 2 năm 2015 giảm 22,7% so với tháng trước do Tết nguyên đán rơi vào tháng 2 và thời gian nghỉ tương đối dài (09 ngày) và những doanh nghiệp sản xuất cũng đã kết thúc chu kỳ kế hoạch sản xuất, tích lũy hàng hóa phục vụ thị trường tiêu thụ sản phẩm trong dịp Tết Nguyên đán. So với cùng kỳ năm 2014, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 5,9%, trong đó: Công nghiệp khai khoáng giảm 23,9% so với tháng 1, tăng 8,9% với cùng kỳ năm 2014; Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 23,4% và tăng 5,8%; Sản xuất, phân phối điện, khí đốt giảm 9,6% và tăng 17,1% ; Cung cấp nước và hoạt động thu gom xử lý rác, nước thải giảm 4,7%  và giảm 0,2%.


Chỉ số sản xuất công nghiệp cộng dồn 2 tháng đầu năm tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó: Công nghiệp khai khoáng giảm 8,3%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5%; Sản xuất, phân phối điện tăng 19,2%; riêng hoạt động cung cấp nước và hoạt động thu gom xử lý rác, nước thải giảm 1,1%. Ngoài ra, một số ngành chiếm tỷ trọng lớn có tốc độ tăng khá cao (so với mức tăng bình quân chung) so với cùng kỳ năm 2014 như: Sản xuất trang phục (tăng 41,1%); Chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, mây tre đan (tăng 54,5%); Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim (tăng 27,4%); Sản xuất thiết bị điện (tăng 30,1%); Sản xuất xe có động cơ (tăng 53,3%).


Tháng 2 năm 2015 và 2 tháng đầu năm 2015 nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất tăng so với cùng kỳ năm 2014, cụ thể: bia lon, thuốc lá đầu lọc, sợi tơ nhân tạo, quần áo dệt kim…


Chỉ số tiêu thụ sản phẩm ngành công nghiệp chế biến chế tạo tháng 1 năm 2015 tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 28,9% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho sản phẩm ngành công nghiệp chế biến chế tạo tháng 1 năm 2015 tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước. Việc này phản ảnh sản xuất phục hồi và đã được đẩy mạnh. Bên cạnh tồn kho cho tích lũy của chu kỳ sản suất thì sức tiêu thụ sản phẩm cũng đã có những chuyển biến tích cực và khả quan hơn so với cùng kỳ năm 2014. Dự báo trong những tháng 3, sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội sẽ phát triển ổn định, khả quan hơn so với năm 2014.


Hai là vốn đầu tư, ước tính tháng 2/ 2015, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 851 tỷ đồng, như vậy bằng 87,6% so với cùng kỳ năm trước và bằng 52,7% so với tháng trước. Ước tính 2 tháng đầu năm 2015 thực hiện được 2.463 tỷ đồng, bằng 99,5% so với cùng kỳ. Hai tháng đầu năm 2015, khối lượng thực hiện chủ yếu của các dự án, công trình chuyển tiếp từ năm 2014.


Đối với kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2015, Thành phố Hà Nội yêu cầu phải bảo đảm cân đối giữa nhu cầu đầu tư với khả năng bố trí vốn ngân sách nhà nước, khả năng huy động các nguồn vốn nhà nước khác và các nguồn vốn bổ sung của các thành phần kinh tế để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội.


Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia chỉ bố trí vốn cho các dự án dở dang, không bố trí vốn khởi công các dự án mới (trừ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững). Đối với các dự án khởi công mới, phải cân nhắc kỹ lưỡng, chỉ bố trí vốn khởi công mới các dự án thật sự cấp bách đáp ứng các tiêu chí như nằm trong quy hoạch đã được duyệt, đã xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách, dự án được quyết định phê duyệt trước ngày 31/10/2014…


Trong năm 2015, TP Hà Nội sẽ tập trung hoàn thiện các dự án quan trọng như dự án vành đai 1 đoạn ô Đông Mác - Nguyễn Khoái, dự án phát triển giao thông đô thị, dự án vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng, dự án đường Văn Cao - Hồ Tây, dự án đường Kim Mã - Trần Phú. Bên cạnh đó, ngành giao thông sẽ hoàn thành tuyến đường nối từ hầm Kim Liên đến tuyến đường Kim Liên mới, đường 23B, đường 35, dự án Thoát nước giai đoạn 2…


Ba là về thương mại dịch vụ, đây là tháng giáp và sau Tết Nguyên đán vì vậy các mảng chủ yếu của tháng này là nội thương, ngoại thương, vận tải và du lịch – lễ hội.
Về nội thương, thị trường Tết Ất Mùi 2015, lượng hàng khá dồi dào, giá bán một số nhóm hàng phục vụ tết có tăng so ngày thường, tuy nhiên giá cả tăng không nhiều do các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã có kế hoạch chuẩn bị sẵn nguồn hàng nên không xảy ra hiện tượng thiếu hàng.


Ước tính tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tháng 2 đạt 149.332 tỷ đồng tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 15,2% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ đạt 35.709 tỷ đồng, tăng 8,1% so tháng trước và tăng 16,8% so cùng kỳ; trong đó thương nghiệp tăng 10,5% so tháng trước, dịch vụ tăng 6,9%.


Ngoài ra, để đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn Thành phố đã xây dựng kế hoạch dự trữ và cung cấp hàng hoá phục vụ tết. Ước tính tổng lượng hàng hoá dự trữ tăng thêm của hệ thống phân phối, bán lẻ trên địa bàn Thành phố phục vụ thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán trị giá khoảng trên 16 nghìn tỷ đồng. Lượng hàng dự trữ tập trung chủ yếu ở nhóm hàng lương thực, thực phẩm, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, mặt hàng tiêu dùng may mặc, các mặt hàng lâm sản, trong đó chú trọng đến một số nhóm hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cũng như nguồn cung biến động mạnh trong dịp Tết.


Dự kiến tổng mức lưu chuyển hàng hoá 2 tháng đầu năm là 295.176 tỷ đồng, tăng 11,8% so cùng kỳ, trong đó bán lẻ đạt 68.733 tỷ đồng tăng 10,6%.


Về ngoại thương, cụ thể là tình hình xuất khẩu và nhập khẩu các mặt hàng trên địa bàn Thành phố.


Đối với tình hình xuất khẩu, ước tính tháng 2/2015, trị giá xuất khẩu đạt 859 triệu USD giảm 3,7% so tháng 1 và tăng 17,5% so cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu địa phương ước đạt 597 triệu USD giảm 4% so tháng trước, tăng 16,8% so cùng kỳ. Trong tháng này, một số nhóm hàng tăng so cùng kỳ là nhóm hàng may, dệt (tăng 31,3%), giày dép các loại và sản phẩm từ da (tăng 86,1%), thuỷ tinh và các sản phẩm từ thuỷ tinh (tăng 33,3%), tuy nhiên nhóm hàng xăng dầu giảm 29,2% so cùng kỳ. Dự kiến 2 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu đạt 1.751 triệu USD tăng 9,6% so cùng kỳ, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 9,4%.


Đối với việc nhập khẩu, trị giá nhập khẩu tháng 2 ước đạt 1.903 triệu USD giảm 3,4% so tháng trước, tăng 12,7% so cùng kỳ. Trong đó, nhập khẩu địa phương đạt 818 triệu USD giảm 1,7% so tháng trước và tăng 12,7% so cùng kỳ. Một số mặt hàng nhập khẩu tăng cao so cùng kỳ là hoá chất tăng 55,4%, chất dẻo tăng 45,4%. Hai mặt hàng giảm so cùng kỳ là máy móc, thiết bị phụ tùng giảm 14,3%, phân bón giảm 15,8%. Dự kiến kim ngạch nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2015 đạt 3.874 triệu USD tăng 10,9% so cùng kỳ, trong đó, nhập khẩu địa phương tăng 9,9%


Về vận tải, với mục đích phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết, các bến xe, nhà ga đã tăng cường tàu xe, phương tiện vận tải. Các bến xe tại Hà Nội đã lên kế hoạch tăng cường số lượng xe trong những ngày cao điểm. Cụ thể, tại bến xe Giáp Bát dự kiến 1.150 lượt xe/ngày tăng 1,3 lần so ngày thường. Tại bến xe Mỹ Đình lượt xe dự kiến là 1.550 lượt xe/ngày tăng 1,2 lần so ngày thường. Tại bến xe Gia Lâm, lượt xe dự kiến là 700 lượt xe/ngày tăng 1,3 lần so ngày thường.


Tổng công ty Vận tải Hà Nội, đã bố trí dự phòng 42 xe/ngày trên 26 tuyến buýt có điểm đầu, điểm cuối là các bến xe liên tỉnh như Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Yên Nghĩa, Nam Thăng Long… và các tuyến có lộ trình đi qua các tuyến phố trục chính, nhà ga, trường học, hướng xuyên tâm và ra ngoại thành để sẵn sàng tăng cường giải toả khi lượng hành khách tăng đột biến tại các nhà ga, bến xe và điểm trung chuyển lớn.


Đối với ngành Đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong dịp cao điểm, mỗi ngày tổ chức chạy 14 đôi tàu khách Thống Nhất với tổng số 12000 chỗ các loại/ngày. Các ngày Tết (30 và mùng 1, 2, 3 tết) vẫn duy trì 5 đôi tàu Thống nhất để phục vụ khách về ăn tết muộn, đi du lịch hoặc đi chúc tết …


Như vậy, so tháng trước, khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 1,4%, khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng 2,3%, doanh thu tăng 1,9%. So cùng kỳ, khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 9,7%, hàng hoá luân chuyển tăng 12,9%, doanh thu tăng 12,2%.


Lượng hành khách vận chuyển so với tháng trước tăng 1,1%, số lượng hành khách luân chuyển tăng 1,6%, doanh thu vận chuyển hành khách tăng 2,7%. So cùng kỳ, khối lượng hành khách vận chuyển tăng 9,8%, hành khách luân chuyển tăng 12%, doanh thu tăng 12,9%.


Về du lịch – lễ hội, tháng 2 khách quốc tế vào Hà Nội ước tính đạt 198 nghìn lượt khách, giảm 4,7% so tháng trước và giảm 18,8% so cùng kỳ. Khách quốc tế lưu trú tại Hà Nội chia theo phương tiện đến như sau: bằng đường hàng không là 169 nghìn lượt người, giảm 4,2% so với tháng trước; đến bằng đường biển, đường bộ 30 nghìn lượt người, giảm 7,6%.  Tuy nhiên, khách nội địa tăng 0,9% so tháng trước và tăng 7,8% so cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống lữ hành giảm 0,5% so tháng trước và tăng 2,1% so cùng kỳ.
Dịp Tết âm lịch có thời gian nghỉ Tết kéo dài 9 ngày nên đây là cơ hội tốt cho người dân đi du lịch trong và ngoài nước. Các công ty du lịch của Hà Nội đã triển khai chùm tour đặc biệt đón Tết Nguyên đán với hàng trăm tour trong và ngoài nước với tổng số lượt khách dự kiến lên đến hàng triệu lượt người. Hà Nội đã quảng bá việc tổ chức Tết với nhiều hoạt động như: tổ chức các triển lãm, hội chợ thương mại, tổ chức bắn pháo hoa tại 30 điểm trong Thành phố...; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, phương tiện, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, dịch vụ để sẵn sàng đáp ứng tốt nhất các nhu cầu khách trong dịp Tết, đảm bảo dịch vụ ăn nghỉ, vui chơi, đưa đón khách thăm quan...


Ước 2 tháng đầu năm 2015, khách quốc tế đến Hà Nội giảm 0,4%, khách nội địa tăng 5,3%, doanh thu khách sạn, ăn uống, lữ hành tăng 4,0%. Hai tháng đầu năm, khách quốc tế đến từ một số nước tăng cao so cùng kỳ như: Hàn Quốc tăng 42,0%, Thái Lan tăng 36,4%, Nhật Bản tăng 18,7%... Bên cạnh đó, khách đến từ một số nước giảm mạnh so cùng kỳ như: Trung Quốc giảm 45,3%, Pháp giảm 10,5%, Malaysia giảm 32,2% và khách Đài Loan giảm 31,8%...


Đầu năm, trên địa bàn Thành phố có nhiều lễ hội được khai hội, một số Lễ hội lớn như Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tổ chức vào ngày mùng 5 Tết; Lễ Hội đền Gióng khai hội vào ngày mùng 6 Tết; Lễ hội chùa Hương chính thức khai hội từ ngày mùng 6 Tết. Năm 2015, lễ hội chùa Hương được Ban tổ chức chuẩn bị sớm và chu đáo để phục vụ khách hành hương,  Để tạo điều kiện tốt nhất cho du khách về trẩy hội và thưởng ngoạn khu danh thắng “đẹp nhất trời Nam”, ngay từ đầu năm 2015 huyện Mỹ Đức đã xây dựng kế hoạch quản lý, tổ chức lễ hội - du lịch Chùa Hương 2015 nhằm phát huy những kết quả đạt được trong công tác quản lý lễ hội chùa Hương năm 2014 đồng thời thực hiện tốt việc quản lý, điều hành lễ hội năm 2015, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, giao thông thuận tiện, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, dịch vụ hàng quán gọn gàng phù hợp với cảnh quan.


Bốn là về sản xuất nông nghiệp: Về trồng trọt, toàn Thành phố đã cơ bản thu hoạch xong các loại cây trồng vụ đông và đang tập trung triển khai kế hoạch sản xuất vụ xuân 2015, các địa phương đang làm đất để gieo trồng vụ xuân. Tính đến ngày 10/02/2015, diện tích đổ ải 74.356 ha, đạt 74% kế hoạch; diện tích làm đất 100.480 ha đạt 100% kế hoạch. Công tác cung ứng giống, vật tư phân bón... phục vụ sản xuất vụ xuân 2015 được đảm bảo yêu cầu, kịp thời để sản xuất và chăm sóc lúa, cây trồng. Các công ty thuỷ lợi tiếp tục điều tiết nước và vận hành các trạm bơm đổ ải phục vụ sản xuất. Với thời tiết như hiện nay, thì tiến độ cấy lúa xuân cũng như gieo trồng hoa màu vẫn đảm bảo và tương đối thận lợi. Diện tích lúa đã cấy 2.812 ha đạt 2,8% kế hoạch. Diện tích các loại hoa màu vụ xuân ước trồng được 2.880 ha, bằng 59,4% cùng kỳ, trong đó ngô xuân 1.363 ha, bằng 66,3%; Khoai lang 218 ha, bằng 49,2%; Đậu tương 132 ha, bằng 51,6%; Rau các loại 1.099 ha, bằng 55,9%; Các cây màu khác 68 ha bằng 52,3% so với cùng kỳ.


Tiến độ gieo trồng vụ Đông xuân 2015: Tổng diện tích gieo trồng 55.760 ha, bằng 76,6% cùng kỳ. Chia ra theo loại cây trồng: Lúa  2.812 ha, bằng 12,3%; Ngô 12.050 ha, tăng 5,9% so với cùng kỳ; Khoai lang 2.897 ha, tăng 11,8%; Đậu tương 18.270 ha, tăng 9,2%; Rau đậu các loại 15.903 ha, tăng 0,8%...


Để đảm bảo cho gieo cấy lúa xuân các đơn vị tranh thủ thời gian các hồ thủy điện xả nước đợt một, tổ chức lấy nước, bơm nước đổ ải phục vụ sản xuất năm 2015.
Về chăn nuôi, thực hiện Chỉ thị của thành phố Hà Nội về việc tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 trên địa bàn thành phố Hà Nội, các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, bảo quản, sơ chế, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật có trên địa bàn; thực hiện nghiêm các qui định của nhà nước trong công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y.


Các địa phương đang tích cực đẩy mạnh công tác chống rét, chăm sóc sức khỏe cho đàn gia súc, gia cầm, chủ động dự trữ thức ăn trong những ngày giá rét, tích cực chuẩn bị nguồn thực phẩm phục vụ nhu cầu của nhân dân trước và sau Tết cổ truyền Ất Mùi. Nhìn chung  đàn gia súc, gia cầm ổn định. Số lượng gia súc gia cầm hiện nay đang được chăm sóc chu đáo để phục vụ nguồn thực phẩm cho dịp tết Nguyên đán. Tính đến nay, trên địa bàn Thành phố không có dịch bệnh xảy ra. Ước tính, số lượng  một số loại gia súc gia cầm hiện có trong tháng Hai như sau: Đàn trâu cơ bản ổn định 24.300 con, tăng 1,6% so với cùng kỳ; đàn bò 135.600 con, tăng 3,5%; đàn lợn ước tính có 1.300.956 con, tăng 1%; Đàn gia cầm ước có  20,92 triệu con, giảm 2,7%; trong đó đàn gà 13,2 triệu con, giảm 5,9%. Đàn gia cầm giảm so với cùng kỳ do các cơ sở chăn nuôi gia cầm, đã xuất chuồng với số lượng tương đối lớn để chuẩn bị thực phẩm cho dịp tết Nguyên đán.


Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Thành phố không xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm như: lở mồm long móng gia súc, lợn tai xanh, cúm gia cầm, dại chó mèo; Các đơn vị tiếp tục tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Kết quả tiêm phòng từng loại vắc xin tính đến ngày 10/02/2015 như sau: vắc xin 4 bệnh đỏ 16.253 lượt con (trong đó Dịch tả lợn: 8.408 lượt con); vắc xin tai xanh: 38.252 lượt con; vắc xin lở mồm long móng lợn 28.355 lượt con; vắc xin lở mồm long móng trâu, bò 18.191 lượt con; vắc xin tụ huyết trùng trâu bò 5.450 lượt con; vắc xin Cúm gia cầm: 182.100 lượt con...   


Về lâm nghiệp khai thác gỗ và lâm sản của thành phố Hà Nội chủ yếu là diện tích rừng trồng đến kỳ cho thu hoạch và cây lâm nghiệp trồng phân tán, trong tháng, sản lượng gỗ cũng như củi khai thác ước đạt 1.254 m3 tăng 33,7% so với cùng kỳ. Ước tính 2 tháng đầu năm 2015, khai thác được 2.408 m3 gỗ tăng 2,2%. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Thành phố làm tốt công tác tuyên truyền bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, không xảy ra cháy rừng và chặt phá rừng trái phép. Các địa phương đều đã xây dựng xong kế hoạch triển khai Tết trồng cây xuân Ất Mùi 2015.


Về thủy sản, tình hình nuôi trồng thuỷ sản của thành phố Hà Nội nhìn chung đã có nhiều mô hình nuôi thả theo phương thức thâm canh, mô hình nuôi cá chép năng suất cao, cá rô phi đơn tính nên năng suất, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đang từng bước được nâng lên. Tháng 2, đúng vào dịp tết Nguyên đán, vì vậy các hộ sản xuất thuỷ sản tiếp tục  thu hoạch đánh bắt trên các diện tích nuôi thả để phục vụ nhu cầu thực phẩm cho tết cổ truyền. Mặt khác tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống rét cho đàn cá nuôi lưu trong mùa đông, nuôi chăm sóc đặc biệt đàn cá bố mẹ giai đoạn 2, chuẩn bị cho sinh sản nhân tạo; Cải tạo và vệ sinh ao, hồ, đồng thời tranh thủ nguồn nước xả từ các hồ thủy điện để tích nước chuẩn bị cho vụ nuôi năm 2015. Do vậy, diện tích nuôi thả toàn Thành phố trong tháng Hai ước đạt 1.940 ha, tính chung 2 tháng đầu năm, Hà Nội đã nuôi thả được 38.880 ha tăng 6% so với cùng kỳ.


Về sản lượng, trong tháng Hai năm 2015, ước tính thu được 7.852 tấn, tăng 2%; trong đó sản lượng nuôi thả 7.667 tấn tăng 3,1% so với cùng kỳ; sản lượng khai thác không đáng kể, toàn Thành phố thu được 185 tấn, giảm 13,1%. Đến nay, trên địa bàn Thành phố đã tổ chức 02 lớp hướng dẫn về ngăn ngừa, cách kiểm soát thủy sinh vật ngoại lai xâm hại và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; 01 lớp hướng dẫn quản lý chất lượng giống; 01 lớp hướng dẫn hệ thống văn bản quản lý nuôi thủy sản thương phẩm tại xã Sơn Công - Huyện Ứng Hòa.


Năm là về tín dụng ngân hàng, thị trường chứng khoán, thị trường cổ phiếu niêm yết, thị trường giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết vẫn có những mức tăng trưởng cụ thể trong tháng tết này.


Đối với tín dụng ngân hàng, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn dự kiến tháng Hai đạt 1.204 nghìn tỷ đồng, tăng 0,5% so tháng trước và 1,2% so cùng kỳ; trong đó, tiền gửi đạt 1.151 nghìn tỷ đồng tăng 0,5% so tháng trước (tiền gửi tiết kiệm tăng 1,1%, tiền gửi thanh toán tăng 0,1%). Tổng dư nợ cho vay ước tính tháng Hai trên 1.027 nghìn tỷ đồng, tăng 0,2% so tháng trước và tăng 1,6% so tháng 12/2014, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 0,3% so tháng trước, dư nợ trung và dài hạn tăng 0,2%.


Đối với thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 10/2, trên cả hai sàn chứng khoán do Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội quản lý có 540 doanh nghiệp niêm yết (trong đó, trên HNX có 367 doanh nghiệp; trên Upcom có 173 doanh nghiệp), với giá trị niêm yết đạt 118.871 tỷ đồng, tăng 1,3% so với đầu năm (trong đó: giá trị niêm yết trên HNX đạt 94.446 tỷ đồng, và trên Upcom đạt 24.425 tỷ đồng, cả hai sàn đều có mức tăng 1,3% so với đầu năm). Giá trị vốn hóa toàn thị trường đạt 173.500 tỷ đồng, tăng 0,2% so với đầu năm (trong đó: trên HNX đạt 137.253 tỷ đồng, tăng 0,9% ; trên Upcom đạt 36.247 tỷ đồng, giảm 2,5% so với đầu năm).


Thị trường cổ phiếu niêm yết (HNX), kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đang đến gần, các thông tin kinh tế vĩ mô trong nước cũng không có nhiều đột biến và khác biệt so với kỳ vọng của các nhà đầu tư. Chính những yếu tố đó đã khiến tâm lý “nghỉ ngơi” sớm đang hiện hữu trên thị trường, thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh trong những phiên giao dịch gần đây. Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/2, chỉ số HNX-Index đạt 83,4 điểm, tăng 0,4 điểm (tương ứng 0,5%) so với đầu năm (chỉ số HNX30 đạt 161,56 điểm, tăng 0,5% so với đầu năm). Trong 07 phiên giao dịch đầu tháng 2, khối lượng giao dịch đạt 259,9 triệu CP, tương đương với giá trị đạt 3249 tỷ đồng (trong đó: giao dịch khớp lệnh đạt 231 triệu CP, giao dịch thỏa thuận đạt 28,9 triệu CP với giá trị chuyển nhượng lần lượt là 2.914 và 335 tỷ đồng). Bình quân một phiên giao dịch có 37,1 triệu CP được chuyển nhượng, với giá trị chuyển nhượng bình quân đạt 464 tỷ đồng, bằng 69,6% về khối lượng và 68,6% về giá trị so với bình quân chung của tháng Một. Lũy kế từ đầu năm, khối lượng giao dịch đạt 1.328 triệu CP, bằng 90,8% so với cùng kỳ năm trước; giá trị giao dịch đạt 16.781 tỷ đồng, bằng 124,9% so với cùng kỳ năm trước.


Đối với thị trường giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết (Upcom): Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/2, chỉ số Upcom-Index đạt 62,09 điểm, tăng 1,8 điểm, tương ứng với mức tăng 3,0% so với đầu năm. Trong 07 phiên giao dịch đầu tháng 2, khối lượng giao dịch đạt 13,6 triệu CP được chuyển nhượng, với giá trị chuyển nhượng đạt 184 tỷ đồng. Bình quân một phiên, khối lượng giao dịch đạt 1,9 triệu CP với giá trị chuyển nhượng đạt 26,3 tỷ đồng, bằng 69,5% về khối lượng và 59,5% về giá trị so với bình quân chung của tháng trước.


Về hoạt động cấp mã giao dịch, trong tháng 1, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã cấp được 40 mã giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài (trong đó, cá nhân là 27 và tổ chức là 13). Đưa tổng số mã đã được VSD lên 17.610 mã (trong đó: cá nhân là 15.010 và tổ chức là 2.600).


Về trật tự xã hội và an toàn giao thông:


Số vụ phạm pháp trong tháng 1 năm 2015 đã phát hiện 542 vụ phạm pháp hình sự, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó số vụ do công an khám phá được 423 vụ tăng 37,3% so với cùng kỳ; số đối tượng vi phạm bị bắt, giữ theo luật 699 người tăng 53,6 %. Cũng trong tháng Một đã phát hiện 209 vụ phạm pháp kinh tế,  so cùng kỳ giảm 49,4% với số đối tượng phạm pháp là 234 người so cùng kỳ giảm 44,8%. Thu nộp ngân sách 10.571 triệu đồng.


Cũng trong tháng 1, đã phát hiện 44 vụ cờ bạc, giảm 89,5% so cùng kỳ năm trước, số đối tượng bị bắt giữ 245 người, giảm 65,1% so cùng kỳ. Số vụ mại dâm bị phát hiện trong tháng 1 có 22 vụ, số đối tượng bị bắt giữ 27 người. Tổng  số vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy bị phát hiện trong tháng là 229 vụ, bắt 292 đối tượng. Số vụ sử dụng ma túy 5 vụ, 21 đối tượng.


Tình hình trật tự an toàn giao thông tính đến hết tháng Một năm 2015 toàn Thành phố đã xảy ra 169 vụ tai nạn giao thông với 51 người bị chết, có 140 người bị thương do tai nan giao thông.


Như Hoa (Theo Cục Thống kê TP)


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật