Tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố Hà Nội tháng 1 năm 2015 (09:56 07/02/2015)


HNP – Cục Thống kê Thành phố Hà Nội vừa tổng kết tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 của Thành phố; Báo cáo tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu: sản xuất công nghiệp; vốn đầu tư; thương mại dịch vụ; sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; tín dụng ngân hàng, thị trường chứng khoán và các vấn đề xã hội.


Thứ nhất là về sản xuất công nghiệp, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tháng 1 giảm 2,6% so với tháng trước. Nguyên nhân do tháng 12/2014 là tháng cao điểm tập trung hoàn thành kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp, tích lũy phục vụ tết nguyên đán. Tuy nhiên, chỉ số này tăng 15,3% so với cùng kỳ, đây là mức tăng khá cao so với cùng kỳ do năm trước tết nguyên đán vào cuối tháng Một. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 0,2% so với tháng trước, giảm 20,1% so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,7%, tăng 15,6%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 0,5% và tăng 21,3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải giảm 3,6% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước.


Sản phẩm công nghiệp chủ yếu của thành phố Hà Nội ước tính tháng 1 tăng so với cùng kỳ như: Bánh các loại tăng 81,9%, bia đóng lon tăng 8,4%, thuốc lá tăng 14,2%, khăn các loại tăng 52,9%, áo dệt kim tăng 9%, quần áo thể thao tăng 62,3%, phân lân nung chảy tăng 12,6%, thuốc trừ sâu và hóa chất sử dụng trong nông nghiệp tăng 53,8%, sơn tường tăng 31%, vỉ mạch điện tử tích hợp tăng 31,2%; phụ tùng khác của xe có động cơ tăng 103,1%, xe máy tăng 9,9%,...


Thứ 2 vốn đầu tư, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 1 được thực hiện chủ yếu từ các dự án, công trình chuyển tiếp năm 2014 sang, ước đạt giá trị 1.837 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2014 và bằng 75,6% so với thực hiện Mười hai năm trước. Trong tháng 1, vống đầu tư tập trung  vào kế hoạch vốn ngân sách Thành phố Năm 2015 và tiến độ một số dự án trên địa bàn Thành phố.


Đối với kế hoạch vốn ngân sách Thành phố năm 2015 dự kiến đạt 19.342 tỷ đồng, giảm 17,5% so với năm trước do nguồn thu ngân sách của Thành phố tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2014, việc phân bổ kế hoạch và điều hành ngân sách xây dựng cơ bản đã có nhiều chuyển biến. Thành phố đã tập trung nguồn lực giải quyết các dự án cấp bách, bức xúc, các công trình trọng điểm, giảm đáng kể tình trạng đầu tư dàn trải. Bên cạnh những dự án được triển khai tích cực thì vẫn còn một số dự án tiến độ giải ngân vẫn còn chậm, không đảm bảo kế hoạch giao như án cầu Vĩnh Tuy.


Đối với tiến độ một số dự án trên địa bàn Thành phố tập trung vào 02 tuyến đường sắt đô thị số 2 và số 3.


Tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội): hiện nay đang triển khai thi công 4 gói thầu xây lắp (gói thầu số 01; 02; 04 và 05) và 03 gói thầu tư vấn độc lập (gói thầu số 2.1b2; 2.1b3 và 2.2). Tiếp tục triển khai hợp đồng trọn gói và hợp đồng thời gian; gói thầu số 03, hiện Ban quản lý đang thẩm định kết quả đánh giá kỹ thuật.


Tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo): tư vấn đã hoàn thành thẩm tra thiết kế kỹ thuật, dự toán đoạn trên cao và đề pô; hoàn thành công tác sơ tuyển và lập hồ sơ mời thầu các gói thầu.


Thứ 3 về thương mại dịch vụ, đây là tháng cao điểm tập trung các mặt hàng tết vì vậy các mảng chủ yếu của tháng này là nội thương, ngoại thương, vận tải và thị trường giá cả.


Về nội thương, ước tính tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 1 đạt 150.510 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 35.149 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước.


Trong tháng này, tình hình chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết nguyên đán là vấn đề chủ yếu. Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố về việc tổ chức phục vụ tết Nguyên đán trên địa bàn Thành phố; để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch dự trữ và sản xuất hàng hóa phục vụ tết. Ước tính tổng lượng hàng hóa dự trữ tăng thêm của hệ thống phân phối, bán lẻ trên địa bàn toàn Thành phố phục vụ thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán trị giá khoảng 16.000 tỷ đồng.


Trong đó, một số Công ty trên địa bàn Hà Nội tham gia chương trình bình ổn giá: Tập trung khai thác, dự trữ và tổ chức bán ra trên thị trường 7 nhóm hàng thiết yếu như: gạo trắng thường 4.000 tấn, thịt lợn 900 tấn, thịt gà 450 tấn, trứng gia cầm 5,5 triệu quả, thủy hải sản đông lạnh 200 tấn, dầu ăn 1,5 triệu lít, rau củ 1.500 tấn, với tổng tiền hàng khoảng 276,8 tỷ đồng. Tập trung bán hàng thiết yếu tại 600 điểm bán hàng bình ổn, khoảng 1.600 điểm bán hàng là đại lý, cửa hàng, các bếp ăn khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học, công ty trên địa bàn. Tổ chức 200 chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng bình ổn giá kết hợp với các hàng hóa khác về khu vực nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ nhu cầu mua sắm của người nông dân, công nhân có thu nhập thấp trong dịp Tết.


Tháng 1, Tổng Công ty CP rượu, bia và nước giải khát Hà Nội sản xuất và đưa ra thị trường khoảng 145 triệu lít bia, khoảng 3 triệu lít rượu các loại. Công ty CP vang Thăng Long dự kiến sản xuất đưa ra thị trường trong dịp Tết khoảng 3 triệu chai rượu các loại. Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, tổng lượng dự trữ hàng hóa, dịch vụ phục vụ Tết khoảng 1.207 tỷ đồng, tập trung vào các sản phẩm chính là lương thực, thực phẩm, thủy hải sản, bánh kẹo, quà tặng, đồ gia dụng, may mặc và điện máy. Công ty CP sữa Quốc tế dự kiến sản lượng phục vụ Tết khoảng 10,5 triệu lít sản phẩm. Công ty CP sữa Hà Nội dự kiến sản xuất khoảng 4 triệu lít. Một số doanh nghiệp khác trên địa bàn huyện Ba Vì dự trữ khoảng 2 triệu lít (gồm 2 loại sản phẩm chính là sữa tươi thanh trùng, tiệt trùng và sữa chua).


Ngoài ra, các trung tâm thương mại, siêu thị như Metro, Big C, Coop mart, Fivimart, Intimex, Hapro, Citimart,... dự trữ bán ra các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng khoảng 10-15% so với các tháng trong năm, với tổng số tiền hàng trên 2.500 tỷ đồng, trong đó hàng Việt Nam giữ vai trò chủ đạo chiếm khoảng 75-80%. Các trung tâm thương mại lớn mới đưa vào khai thác như Lotte mart, Time city, Royal city,... có kế hoạch để thu hút và đón nhân dân đến vui chơi, mua sắm trong dịp tết.
Mặt khác, Hà Nội cũng dự kiến tổ chức 7 điểm bán hàng Việt tại các huyện ngoại thành; tổ chức các Hội chợ Xuân, các chợ Hoa xuân, chợ Nông sản thực phẩm trên địa bàn Thành phố phục vụ nhân dân thăm quan, mua sắm phục vụ Tết.


Về ngoại thương, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội tháng Một ước đạt 904 triệu USD, giảm 1,7% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu địa phương ước đạt 676 triệu USD, giảm 1,9% so với tháng trước và tăng 3,6% so với cùng kỳ. Trong tháng này, hầu hết nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu đều giảm so với tháng trước và giảm mạnh nhất là nhóm hàng thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh (giảm 3,5%), một nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với tháng trước là giày dép các loại và sản phẩm từ da (tăng 0,8%).


Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tháng Một ước đạt 2.011 triệu USD, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 11,4% so với cùng kỳ. Trong đó, nhập khẩu địa phương đạt 852 triệu USD, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ.


Đối với ngành vận tải với các hoạt động vận tải hàng hóa, vận tải hành khách và hoạt động bốc xếp.


Về hàng hóa, tháng 1 khối lượng hàng hóa vận chuyển so với tháng trước tăng 2,5%, khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng 3,8% và doanh thu tăng 4,2% so với tháng trước. Bên cạnh đó, so với tháng trước số lượng hành khách vận chuyển tăng 1,4%, số lượng hành khách luân chuyển tăng 2,5%, doanh thu tăng 3,1%. Ước tính doanh thu tháng 1 hoạt động bốc xếp tăng 4,0% so với tháng trước.


Ngành vận tải Thành phố cũng có nhiều hoạt động phục vụ Tết Nguyên đán. Để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết, hiện nay các bến xe, nhà ga đã có kế hoạch tăng cường tàu xe, phương tiện vận tải.


Đối với ngành vận tải đường bộ, Công ty CP bến xe Hà Nội đã lên kế hoạch tăng cường số lượng xe trong những ngày cao điểm. Cụ thể, tại bến xe Giáp Bát dự kiến có 1.150 lượt xe/ngày (tăng 1,3 lần so với ngày thường) chủ yếu là các tuyến xe đi Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa. Tại bến xe Mỹ Đình, lượt xe dự kiến là 1.550 lượt xe/ngày (tăng 1,2 lần so với ngày thường) tập trung chủ yếu ở các tuyến đường đi Vinh, Thanh Hóa, Sơn La, Quảng Ninh, Phú Thọ,... Tại bến xe Gia Lâm, số lượt xe dự kiến là 700 lượt xe/ngày (tăng 1,3 lần so với ngày thường) chủ yếu tập trung ở các tuyến đi Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Cẩm Phả,...


Đối với ngành đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong dịp cao điểm, mỗi ngày tổ chức chạy 14 đôi tàu khách Thống Nhất với tổng số 12.000 chỗ các loại/ngày. Các ngày Tết (ngày 30, mùng 1, 2 và 3 tết) vẫn duy trì 5 đôi tàu Thống Nhất để phục vụ khách về ăn tết muộn, đi du lịch hoặc đi chúc tết,...


Về thị trường giá cả, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Một giảm 0,17% so với tháng trước và tăng 0,67% so với cùng kỳ. Nguyên nhân khiến CPI tháng này giảm một phần là do ảnh hưởng của việc giảm giá xăng dầu liên tiếp trong thời gian gần đây, kéo theo giá cước vận tải như xe taxi và một số tuyến xe khách giảm, đã làm cho nhóm giao thông giảm mạnh (giảm 3,78% so với tháng trước). Mặt khác, cùng với việc giảm giá xăng dầu thì từ ngày 1/1 giá gas cũng giảm 2.750 đồng/kg, tương đương với mức giảm 33.000 đồng/bình 12kg khiến cho nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng cũng giảm theo (giảm 1,18% so với tháng trước).


Chỉ số giá vàng tăng trở lại (tăng 1,23% so với tháng trước) và chỉ số giá USD tăng nhẹ, tăng 0,09% so với tháng trước.


Nhiều nhóm hàng như lương thực, thực phẩm, tiêu dùng, xăng dầu... có dấu hiệu tăng nhẹ so với tháng 12 năm 2014.


Nhóm hàng lương thực, hiện nay, nguồn cung gạo khá dồi dào nên giá các mặt hàng gạo tiếp tục được ổn định. Giá một số loại gạo trên thị trường Hà Nội như sau: gạo tẻ thường Khang Dân giữ ở mức 11.000-11.500 đồng/kg, gạo Xi dẻo có giá từ 12.000-13.000 đồng/kg, gạo tám Hải Hậu có giá từ 19.000-20.000 đồng/kg, gạo nếp cái hoa vàng có giá từ 30.000-31.000 đồng/kg. Dự báo, các mặt hàng gạo vẫn sẽ giữ giá ổn định trong thời gian tới.


Nhóm thực phẩm tháng 1 tăng trở lại (tăng 0,45% so với tháng trước) chủ yếu do nhóm gia cầm và thủy hải sản tăng. Trong tháng, do đang vào chính vụ Đông nên nguồn cung rau khá dồi dào khiến giá các loại rau củ giảm mạnh như bắp cải, su hào,.. riêng cà chua lại tăng mạnh từ 1.000-2.000 đồng/kg. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống khác như thịt lợn, thịt bò hiện giá vẫn đang ổn định như thịt lợn mông sấn có giá từ 92.000-98.000 đồng/kg, thịt nạc thăn có giá từ 100.000-105.000 đồng/kg, thịt bò thăn có giá từ 270.000-280.000 đồng/kg.
Về giá tiêu dùng, giá một số mặt hàng trong nhóm may mặc tăng như vải, quần áo may sẵn phục vụ cho mùa Đông tăng do thời tiết miền Bắc chuyển lạnh.


Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng có chỉ số giảm mạnh do giá xăng dầu trong nước giảm mạnh đã làm cho giá gas giảm theo. Các mặt hàng khác trong nhóm như sắt thép, xi măng,.. vẫn giữ ổn định dù hiện nay đang là mùa xây dựng nhưng lượng hàng tồn kho quá nhiều nên các công ty có xu hướng giảm giá để thu hồi vốn.
Về giá xăng dầu: Giá xăng dầu được điều chỉnh giảm 2 lần (vào ngày 22/12/2014 và 6/1/2015), hiện giá xăng A92 có giá là 17.570 đồng/lít, xăng A95 có giá là 18.170 đồng/lít, dầu diezen 0.05S có giá là 16.630 đồng/lít.


Thứ 4 về sản xuất nông nghiệp, trước hết là ngành trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng cây vụ Đông trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt 50.069 ha, tăng 10,4% so với vụ Đông năm trước (do chủ động cho sản xuất vụ Đông, các cấp, các ngành, các đơn vị chuyên môn của Thành phố đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp sản xuất vụ Mùa, nên ngay từ khi gieo cấy vụ Mùa, những diện tích nằm trong kế hoạch trồng đậu tương vụ Đông đã được cấy lúa Mùa sớm và kịp thu hoạch để trồng cây đậu tương trong khung thời vụ tốt nhất). Các đơn vị chuyên môn đã chủ động nguồn giống từ sớm, đảm bảo đủ giống tốt có chất lượng cao cho sản xuất. Một số huyện đã có chủ trương và thực hiện hỗ trợ giống cho sản xuất cây vụ Đông trên địa bàn như: đậu tương, ngô, khoai tây, ... nên đã góp phần động viên người dân tích cực gieo trồng cây vụ Đông. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết thuận lợi, công tác dồn điền đổi thửa tại một số huyện cơ bản đã xong nên người dân có điều kiện thuận lợi hơn để triển khai sản xuất, từ đó góp phần vào tăng diện tích cây vụ Đông trên địa bàn Thành phố.
Diện tích một số cây trồng chủ yếu: Ngô đạt 10.688 ha, tăng 14,3% so với cùng kỳ, cây lấy củ có chất bột đạt 3.099 ha, tăng 21,2% so với cùng kỳ (trong đó, diện tích gieo trồng khoai lang đạt 3.022 ha, tăng 20,1%; diện tích khoai sọ đạt 71 ha, tăng 87,1%; cây lấy củ có chất bột khác đạt 6 ha, tăng 60,4% so với cùng kỳ). Nhóm cây có hạt chứa dầu, diện tích gieo trồng đạt 18.601 ha, tăng 9,2% so với cùng kỳ (trong đó, diện tích cây đậu tương đạt 18.139 ha, tăng 10%; cây lạc đạt 462 ha, bằng 85,3% so với cùng kỳ). Diện tích gieo trồng rau, đậu, hoa cây cảnh đạt 16.810 ha, tăng 6,9% so cùng kỳ (trong đó, diện tích rau các loại đạt 14.679 ha, tăng 6,7%; đậu các loại đạt 118 ha, bằng 99%; hoa cây cảnh đạt 2.013 ha, tăng 9,2% so cùng kỳ). Diện tích gieo trồng cây gia vị, dược liệu hàng năm đạt 134 ha, tăng 59,6%; diện tích cây hàng năm khác đạt 738 ha, tăng 22,6% so với cùng kỳ.


Hiện nay, các quận, huyện, thị xã đang hướng dẫn các địa phương công tác bảo vệ, chăm sóc, thu hoạch cây vụ Đông. Đồng thời, tập trung chỉ đạo việc làm đất chuẩn bị cho gieo mạ Xuân năm 2015. Đến nay, tổng diện tích làm đất đạt 40.750 ha, đạt 41% kế hoạch, diện tích gieo mạ đạt hơn 40 ha, bằng 0,8% so với kế hoạch.


Diện tích cây vụ Đông đã thu hoạch: Ngô đã thu hoạch 6.400 ha, đạt 59,9%; lạc 310 ha, đạt 67%; khoai lang 2.238 ha, đạt 74,1%; đậu tương 16.791 ha, đạt 92,6%; rau các loại 10.633 ha, đạt 72,4% tổng diện tích;...


Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung chỉ đạo các Công ty Thủy lợi và các địa phương tiến hành tu bổ, sửa chữa máy móc, thiết bị sẵn sàng phục vụ đổ ải sản xuất vụ Xuân 2015. Sở đã phối hợp với các Hạt quản lý đê và chính quyền các  địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các dự án chống sạt lở bờ sông đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn Thành phố.


Tình hình chăn nuôi trên địa bàn Thành phố tương đối ổn định. Đàn trâu ước tính hiện có trên 24 nghìn con; đàn bò 140 nghìn con; đàn lợn có 1.334 nghìn con; đàn gia cầm 25 triệu con (trong đó: đàn gà 16,7 triệu con). Các cơ sở chăn nuôi đang tích cực chăm sóc đàn gia súc, gia cầm nhằm bảo đảm cung ứng đủ nguồn thực phẩm phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết cổ truyền Ất Mùi.


Đối với ngành chăn nuôi, tình hình dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng và các bệnh truyền nhiễm thông thường không xảy ra, cơ bản ổn định. Các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm.


Hoạt động của các chốt kiểm dịch tiếp tục được duy trì. Kết quả kiểm dịch được 18.972 con lợn chưa giết mổ và 17.552 con đã giết mổ; 250.824 con gia cầm chưa giết mổ, gia cầm đã giết mổ 720 con; sản phẩm thịt các loại 43.415 kg; trứng 206.300 quả; động vật khác 239 con;...


Về lâm nghiệp, trong tháng chưa phát sinh diện tích rừng trồng mới tập trung trên địa bàn Thành phố. Tình hình khai thác gỗ ước đạt 1.128 m3, tăng 1,9% so với cùng kỳ, chủ yếu từ rừng sản xuất. Sản lượng củi khai thác ước đạt 4.453 Ste, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Không có vụ cháy rừng gây thiệt hại nào xảy ra trên địa bàn. Công tác chăm sóc rừng trong độ tuổi và công tác bảo vệ rừng tiếp tục được thực hiện.


Các ngành chức năng của Thành phố đã làm tốt công tác tuyên truyền bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn Thành phố không xảy ra cháy rừng và chặt phá rừng trái phép. Phát hiện 01 vụ vi phạm mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Xử lý vi phạm và nộp ngân sách Nhà nước 4 triệu đồng.


Đối với ngành thủy sản, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Thành phố hiện có trên 20 nghìn ha chủ yếu là diện tích nuôi cá. Diện tích nuôi thủy sản khác và ươm nuôi giống thủy sản chỉ có hơn 90 ha, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng diện tích nuôi trồng thủy sản. Sản lượng thủy sản thu hoạch trong tháng ước đạt 7.075 tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ (trong đó: sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 7.000 tấn, tăng 6,1% so với cùng kỳ). Một số cơ sở trên địa bàn tiếp tục triển khai nuôi các loại thủy sản khác như cá sấu, ốc nhồi, ếch,.. dù diện tích nhỏ, chưa được nhân rộng, nhưng cũng góp phần đa dạng hóa các loài vật nuôi.


Hiện nay, các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn vẫn đang luân phiên thu hoạch đối với những diện tích nuôi các loại cá chịu rét kém, đồng thời tiếp tục chăm sóc các diện tích nuôi cá thịt chưa đến kỳ thu hoạch nhằm đảm bảo chuẩn bị sẵn nguồn thực phẩm phục vụ nhu cầu thị trường.


Các cơ quan chức năng tiếp tục hướng dẫn các địa phương, các cơ sở nuôi trồng thủy sản công tác phòng chống rét, phòng chống dịch bệnh cho các loại thủy sản nuôi trồng. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị cho mùa nuôi thả mới như cải tạo, vệ sinh ao, hồ đã và đang được các cơ sở tiến hành trên những diện tích vừa thu hoạch.


Thứ 5 là về tín dụng ngân hàng, tổng nguồn vốn huy động dự kiến tháng 1 năm 2015 đạt trên 1.204 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước, trong đó, tiền gửi tăng 1,2% (tiền gửi tiết kiệm tăng 1,1%, tiền gửi thanh toán tăng 1,2% so với tháng trước), phát hành giấy tờ có giá tăng 0,1%. Tổng dư nợ cho vay ước tính tháng Một đạt trên 1.017 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 0,4%, dư nợ trung và dài hạn tăng 1,1%.


Về thị trường chứng khoán, tết thúc phiên giao dịch ngày 19/1, trên cả hai sàn chứng khoán do Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội quản lý có 535 doanh nghiệp niêm yết (trong đó, trên HNX có 365 doanh nghiệp; trên Upcom có 170 doanh nghiệp), với giá trị niêm yết đạt 117.913 tỷ đồng, tăng 0,4% so với đầu năm (trong đó: giá trị niêm yết trên HNX đạt 93.711 tỷ đồng và trên Upcom đạt 24.202 tỷ đồng, tăng lần lượt là 0,5% và 0,3% so với đầu năm). Giá trị vốn hóa toàn thị trường đạt 177.228 tỷ đồng, tăng 2,3% so với đầu năm (trong đó: trên HNX đạt 138.715 tỷ đồng, tăng 2,0% ; trên Upcom đạt 38.513 tỷ đồng, tăng 3,6% so với đầu năm).


Thị trường cổ phiếu niêm yết (HNX), Ngày 5/1, Sở GDCK Hà Nội đã công bố chính thức việc ra mắt bộ chỉ số trái phiếu và thay đổi phương pháp tính chỉ số HNX - Index.
Chỉ số HNX - Index được tính toán trên nguyên tắc giá trị vốn hóa thị trường có điều chỉnh tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng của tất cả các cổ phiếu niêm yết và giao dịch trên HNX có tỷ lệ tự do chuyển nhượng lớn hơn hoặc bằng 5%. Với cách tính mới này, chỉ số HNX Index sẽ phản ánh chính xác hơn diễn biến giao dịch trên thị trường cổ phiếu niêm yết, loại bỏ ảnh hưởng của những cổ phiếu có khối lượng niêm yết lớn nhưng tỷ lệ tự do chuyển nhượng thấp.


Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/1, chỉ số HNX-Index đạt 85,26 điểm, tăng 2,3 điểm (tương ứng 2,7%) so với chốt phiên giao dịch ngày cuối cùng của năm 2014 (chỉ số HNX30 đạt 166,38 điểm, tăng 3,5% so với đầu năm).


Trong 11 phiên giao dịch đầu tháng Một, khối lượng giao dịch đạt 575 triệu CP được chuyển nhượng, với giá trị chuyển nhượng đạt 7.662 tỷ đồng (trong đó: giao dịch khớp lệnh đạt 535,4 triệu CP, giao dịch thỏa thuận đạt 39,6 triệu CP; với giá trị chuyển nhượng lần lượt là 6.878 tỷ đồng và 784 tỷ đồng). Bình quân một phiên giao dịch có 52,3 triệu CP được chuyển nhượng, với giá trị bình quân đạt 716 tỷ đồng, bằng 100,1% về khối lượng và 97,3% về giá trị so với bình quân chung của tháng 12 năm trước.


Đối với thị trường giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết (Upcom Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/1, chỉ số Upcom-Index đạt 62,19 điểm, tăng 3,1% so với đầu năm.


Trong 11 phiên giao dịch đầu tháng Một, khối lượng giao dịch đạt 31,4 triệu CP, với giá trị giao dịch đạt 487,9 tỷ đồng. Bình quân một phiên có 2,9 triệu CP được chuyển nhượng, với giá trị chuyển nhượng bình quân đạt trên 44 tỷ đồng, tăng 30% về khối lượng và 80% về giá trị so với bình quân chung của tháng trước.
Về hoạt động cấp mã giao dịch, Trong tháng 12, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã cấp được 61 mã giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài (trong đó, cá nhân và tổ chức lần lượt là 29 và 32 mã). Lũy kế từ đầu năm, VSD đã cấp được 839 mã số giao dịch, tăng 52% so với cùng kỳ (trong đó: cá nhân đạt 522 mã, tăng 51,7%; tổ chức đạt 317 mã, tăng 52,4%) và đưa tổng số mã đã cấp lên 17.570 mã (trong đó: cá nhân đạt 14.983 mã; tổ chức đạt 2.587 mã).


Số tài khoản giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài được cấp mới trong tháng 12 đạt 10.055 tài khoản (trong đó: cá nhân trong nước 9.893; tổ chức trong nước 73; cá nhân nước ngoài 37; tổ chức nước ngoài 52). Lũy kế từ đầu năm, số tài khoản giao dịch của các nhà đầu tư được cấp mới đạt hơn 124 nghìn tài khoản, đưa tổng số tài khoản giao dịch hiện có của các nhà đầu tư lên hơn 1.413 nghìn tài khoản.


Bên cạnh các vấn đề kinh tế, trong tháng 1/2015 các vấn đề xã hội tập trung 2 vấn đề nổi cộm là trật tự xã hội, an toàn giao thông và công tác thực hiện chính sách thăm hỏi nhân dịp Tết Nguyên đán.


Về tình hình trật tự xã hội, an toàn giao thông, theo số liệu tổng hợp của Công an Thành phố, trong tháng 12/2014 đã phát hiện 522 vụ phạm pháp hình sự, tăng 12,3% so với cùng kỳ (trong đó: số vụ do công an khám phá được 400 vụ, tăng 14%; số đối tượng vi phạm bị bắt, giữ theo Luật là 587 người, giảm 13% so với cùng kỳ). Tính chung cả năm, đã phát hiện 5.803 vụ phạm pháp hình sự, giảm 0,7% so với cùng kỳ (trong đó: số vụ công an khám phá được 4.538 vụ, tăng 2,4%; số đối tượng bị bắt giữ theo Luật là 7.638 người, giảm 6,8% so với cùng kỳ).


Riêng tháng 12/2014, đã phát hiện 82 vụ phạm pháp kinh tế, giảm 18,8% so với cùng kỳ, số đối tượng phạm pháp là 86 người, giảm 17,3% so với cùng kỳ, thu nộp ngân sách 8.766 triệu đồng. Lũy kế từ đầu năm, số vụ phạm pháp kinh tế là 2.124 vụ, tăng 8,8%, số đối tượng phạm pháp là 2.302 người, tăng 4,2%, thu nộp ngân sách trên 251 tỷ đồng.


Về tệ nạn xã hội, trong tháng 12/2014 đã phát hiện 14 vụ cờ bạc, giảm 62,2% so cùng kỳ, bắt giữ 76 người, giảm 56,1% so cùng kỳ. Lũy kế từ đầu năm, toàn Thành phố có 974 vụ cờ bạc bị phát hiện, giảm 4,9% so cùng kỳ; số đối tượng bị bắt giữ 3.473 người, giảm 32,4% so với cùng kỳ. Số vụ mại dâm bị phát hiện có 3 vụ, số đối tượng bị bắt giữ 4 người; cộng dồn cả năm, đã có 207 vụ mại dâm bị phát hiện, giảm 27,1% so với cùng kỳ, số đối tượng bị bắt 442 người, giảm 46,7% so với cùng kỳ. Tổng  số vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy bị phát hiện trong tháng 151 vụ, với 192 đối tượng. Tính chung 12 tháng năm 2014 đã có 2.561 vụ buôn bán ma túy, giảm 20,4% so với cùng kỳ, số đối tượng bị bắt 3.366 người giảm 16,8 % so với cùng kỳ.


Về tình hình trật tự an toàn giao thông, trong tháng 12/2014 toàn Thành phố đã xảy ra 158 vụ tai nạn giao thông làm 53 người bị chết, 148 người bị thương. Lũy kế từ đầu năm, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 1.993 vụ tai nạn giao thông, làm 639 người chết và 1.856 người bị thương. Cùng trong tháng 12/2014 xảy ra 02 vụ cháy nổ gây thiệt hại về kinh tế khoảng 500 triệu đồng.


Trong tháng này, để chuẩn bị cho tết Nguyên đán Ất Mùi - 2015, UBND thành phố Hà Nội đã ra Quyết định số 181/QĐ-UBND ngày 15 tháng 01 năm 2015 về kinh phí tặng quà tới các đối tượng hưởng chính sách, cán bộ công nhân viên đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức, người cao tuổi và hỗ trợ các gia đình thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn Thành phố, thăm hỏi và tặng quà các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, chi bồi dưỡng cho các cán bộ và bổ sung tiền ăn cho các đối tượng nuôi dưỡng, chữa trị tập trung, với tổng số suất quà là 837.961 suất (trong đó, đối tượng người có công là 141.196 suất; cán bộ hưu trí mất sức là 531.454 suất), tổng kinh phí dự kiến là 229 tỷ đồng (trong đó, nguồn kinh phí dự kiến của Thành phố là 181,9 tỷ; quận huyện, thị xã là 47,1 tỷ).


Như Hoa (Theo Viện NCPT KTXH)


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         Lấy lại mã bảo mật