Tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố Hà Nội tháng 4 năm 2015 (15:40 11/05/2015)


HNP – Cục Thống kê Thành phố Hà Nội vừa tổng kết tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 của Thành phố Hà Nội tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu: sản xuất công nghiệp; vốn đầu tư; thương mại dịch vụ; sản xuất nông nghiệp; tín dụng ngân hàng, thị trường chứng khoán và các vấn đề trật tự xã hội, an toàn giao thông.


Một là sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 4 trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng 4,6% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.


Các ngành công nghiệp có chỉ số tăng gồm: khai khoáng tăng 7% so với tháng trước và tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,3% và tăng 6,1%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước,… tăng 5,5% và tăng 14,1%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 16,7% so với tháng trước và bằng 98,4% so với cùng kỳ năm trước (do mực nước hạ lưu sông Hồng và dòng chảy thấp hơn trung bình nhiều năm nên đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và sản xuất nước sạch).


Nhìn chung trong 4 tháng đầu năm, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố đã có những chuyển biến và đạt được kết quả tích cực. Tính chung 4 tháng, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó: Khai khoáng tăng 7,8%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,4%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng …tăng 15,4%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải bằng 96,5% so với cùng kỳ năm trước.


Một số ngành công nghiệp chủ yếu vẫn giữ và đạt mức tăng khá cao so với mức tăng chung của ngành như: Sản xuất thuốc lá tăng 8,6%, sản xuất trang phục tăng 28,8%, chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, mây, tre tăng 49,4%, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 23,2%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 9,7%, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim tăng 21,3%, sản xuất xe có động cơ tăng 28,8%,…


Bên cạnh mức tăng trưởng khá ấn tượng đó thì vẫn còn một số ngành có chỉ số sản xuất giảm sút so với cùng kỳ do vẫn chưa thoát khỏi khó khăn về vốn và tiêu thụ sản phẩm như: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 10,7%, dệt giảm 12,4%, sản xuất sản phẩm cao su và plastic giảm 17,1%, sản xuất kim loại giảm 21,2%, ...

 

Hai là vốn đầu tư, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 4 ước đạt 1.723 tỷ đồng, tăng 13,1% so với tháng trước và bằng 96,9% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2015, vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước ước đạt 5.803 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước và bằng 28,8% so với kế hoạch vốn được giao năm 2015.


Trong tháng 4, nguồn vỗn tập trung thực hiện một số công trình, dự án trên địa bàn thành phố gồm dự án xây dựng đường Vành đai I và II, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3.


Đối với dự án xây dựng đường Vành đai I, đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái, hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đang được các đơn vị triển khai quyết liệt, đến nay UBND Quận đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 467 hộ với tổng số tiền là 629,2 tỷ đồng và phê duyệt chính sách bán nhà cho 339 căn hộ tái định cư. Dự kiến công tác giải phóng mặt bằng sẽ được hoàn thành trong quý 2 năm 2015.


Đối với dự án xây dựng đường Vành đai II, đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng, công tác giải phóng mặt bằng đang được các quận Đống Đa, Thanh Xuân triển khai quyết liệt. Mục tiêu đề ra đến ngày 30/6 giải phóng mặt bằng xong trên địa bàn quận Thanh Xuân và sẽ cơ bản hoàn thành đoạn Tôn Thất Tùng đến Ngã Tư Sở thuộc địa bàn quận Đống Đa.


Công tác thi công: Đoạn Tôn Thất Tùng - Sông Lừ, đã cơ bản hoàn thành đồng bộ toàn tuyến như thảm mịn, cây xanh, chiếu sáng,…; đoạn Sông Lừ - Ngã Tư Vọng, đã được mở thầu ngày 31/3 để thi công từ tháng 4 trên mặt bằng đã có và dự kiến hoàn thành trong năm nay; đoạn Tôn Thất Tùng - Ngã Tư Sở, sẽ lựa chọn nhà thầu trong tháng 4 và dự kiến hoàn thành trong quý 1/2016.


Đối với dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nộ đang triển khai thi công 4 gói thầu xây lắp (gói thầu số 1, 2, 4 và 5), 3 gói thầu tư vấn độc lập (gói 2.1b2, 2.1b3 và 2.2).


Bà là về thương mại dịch vụ với các ngành nội ngoại thương, vận tải, thị trường giá cả.


Về nội thương, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán ra và doanh thu dịch vụ tháng 4 ước đạt 147.611 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ ước đạt 34.543 tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước và 8,9% so cùng kỳ.


Lũy kế 4 tháng, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ ước đạt 589.398 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ (trong đó, tổng mức bán lẻ ước đạt 137.645 tỷ đồng, tăng 10,1%). Trong đó: Khu vực kinh tế Nhà nước ước đạt 171.750 tỷ đồng, chiếm 29,1% và tăng 7% so với cùng kỳ; Khu vực kinh tế ngoài Nhà nước đạt 388.609 tỷ đồng, chiếm 65,9% và tăng 14%; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 29.039 tỷ đồng, chiếm 5% và tăng 5,7% so với cùng kỳ.


Về ngoại thương thể hiện ở kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu.


Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tháng 4 ước đạt 883 triệu USD, bằng 99,1% so với tháng trước và 93,6% so với cùng kỳ năm trước (trong đó: Xuất khẩu địa phương ước đạt 622 triệu USD, bằng 99% so với tháng trước và 93,9% so với cùng kỳ). Lũy kế từ đầu năm, ước tính kim ngạch xuất khẩu đạt 3.542 triệu USD, tăng 1,2% so cùng kỳ (trong đó, xuất khẩu địa phương ước đạt 2.489 triệu USD, tăng 1,6%).


Trong 4 tháng đầu năm nay, đóng góp nhiều nhất vào tăng kim ngạch xuất khẩu là nhóm hàng máy móc, thiết bị phụ tùng tăng 16,2%; linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi tăng 13,1%; giày dép các loại và sản phẩm từ da tăng 25,4%.  Tuy nhiên, vẫn còn một số nhóm hàng xuất khẩu giảm so cùng kỳ như: xăng, dầu (tạm nhập, tái xuất) giảm 33,4% (do thị trường xuất khẩu sang Campuchia  và Lào đang dần bị thu hẹp vì phía đối tác có xu hướng nhập khẩu trực tiếp); hàng thủ công mỹ nghệ giảm 2,9%; hàng điện tử giảm 1,4%.


Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tháng 4 ước đạt 1.933 triệu USD, tăng 2,8% so với tháng trước và bằng 94,5% so với cùng kỳ (trong đó: Nhập khẩu địa phương tăng 2,1% và bằng 95,6% so cùng kỳ). Ước tính 4 tháng, kim ngạch nhập khẩu đạt 7.658 triệu USD, tăng 3% so cùng kỳ (trong đó, nhập khẩu địa phương tăng 3,2%).


Về vận tải gồm vận tải hàng hóa và hành khách, ước tính khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 4 tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 8,9% so cùng kỳ; Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước tăng 1,4% so tháng trước và tăng 11,3% so cùng kỳ; Doanh thu hoạt động vận tải hàng hóa ước tăng so với tháng trước và cùng kỳ lần lượt là 1,9% và 14,7%. Ước tính 4 tháng, khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 9,1% so cùng kỳ, khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng 12,1% và doanh thu tăng 13,1%.


Ước tính số lượng hành khách vận chuyển tháng 4 tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 11,5% so cùng kỳ; Số lượng hành khách luân chuyển tăng 3,5% và tăng 13,7%; Doanh thu vận tải hành khách tăng 4,8% và 16,3%. Lũy kế từ đầu năm, số lượng hành khách vận chuyển ước tăng 10,9% so cùng kỳ, số lượng hành khách luân chuyển tăng 12,1% và doanh thu vận tải hành khách tăng 13,8%.


Trong 4 tháng đầu năm, tổng doanh thu hoạt động vận tải ước đạt 21.968 tỷ đồng. Trong đó: Kinh tế Nhà nước chiếm 39,9%, kinh tế ngoài Nhà nước chiếm 44,5% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 15,6%.


Do dịp giỗ tổ Hùng Vương và nghỉ lễ 30/4 - 1/5 diễn ra trong tháng 4 kéo dài nên nhu cầu đi lại vui chơi giải trí, thăm quan du lịch, nghỉ mát, về quê thăm người thân của người dân tăng cao đột biến. Để phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp lễ, Công ty CP Bến xe Hà Nội tăng cường 700 lượt xe cho cả đợt nghỉ lễ. Tổng công ty vận tải Hà Nội dự kiến tăng cường 400 lượt xe buýt, trong đó tại bến xe phía Nam là 150 lượt, bến xe Gia Lâm 100 lượt, bến xe Mỹ Đình 150 lượt xe.


Về thị trường giá cả, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 0,74% so cùng kỳ, đây là tháng thứ hai liên tiếp chỉ số giá tiêu dùng tăng (tháng 3 tăng 0,38%) do trong thời gian vừa qua giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng từ 11/3 (ngày 26/3 giá dầu hỏa có giảm nhưng mức giảm không đáng kể so với mức tăng) đã làm cho hai nhóm hàng giao thông và nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng lần lượt là 2,5% và 1,84%.


Tháng này, chỉ số giá vàng và chỉ số USD có diễn biến trái chiều. Trong khi giá vàng 99,99 bán ra trên thị trường tư nhân phổ biến ở mức 3.183 nghìn đồng/chỉ, giảm 1% so với tháng trước thì giá Đô la Mỹ bán ra do Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam niêm yết bình quân ở mức 21.571 đồng/USD, tăng 0,87% so với tháng trước.


Giá một số mặt hàng trên địa bàn như sau: Lương thực: giá các mặt hàng gạo tẻ thường giảm từ 300-500 đồng/kg do nguồn cung hiện nay khá dồi dào, lượng gạo xuất khẩu giảm, tồn kho tại các tỉnh phía Nam đang khá lớn. Giá gạo tẻ thường Khang Dân giao động trong khoảng từ 10.500 -11.000 đồng/kg; gạo Xi dẻo từ 12.000-12.500 đồng/kg;... Thực phẩm: tháng này nhóm thực phẩm giảm 0,72% so với tháng trước do nguồn cung dồi dào, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu của người dân không tăng đã làm cho giá thịt lợn và giá các loại rau đang có xu hướng giảm như: thịt lợn mông sấn có giá từ 90.000 - 95.000 đồng/kg; thịt nạc thăn có giá từ 95.000-100.000 đồng/kg; bắp cải có giá từ 7.000 - 9.000 đồng/kg; su hào từ 3.000-4.000 đồng/củ. Nhóm giao thông: Sau một thời gian dài liên tục giảm giá thì ngày 11/3 giá xăng dầu được điều chỉnh tăng mạnh đã làm cho chỉ số nhóm này tăng 2,5% so với tháng trước. Hiện giá xăng A92 có giá 17.280 đồng/lít, xăng A95 là 17.880 đồng/lít, dầu diezen 0.05S là 15.880 đồng/lít.


Bốn là về sản xuất nông nghiệp với các ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản.


Ngành trồng trọt, vụ Đông xuân 2015, toàn Thành phố gieo trồng được 173.279 ha, tăng 2,7% so cùng kỳ. Trong đó: Lúa Đông xuân đã cấy được 100.789 ha, giảm 0,7%; các loại cây hàng năm khác 72.490 ha, tăng 8% so cùng kỳ (Ngô tăng 5,3%; khoai lang tăng 19,6%; đậu tương tăng 9,7%; rau, đậu tăng 7,8%,...). Diện tích gieo trồng tăng cao trong vụ Đông xuân này do thời tiết đầu năm nay tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, cùng với đó là sự quan tâm chỉ đạo của các cấp cũng như sự hỗ trợ về giống và kỹ thuật gieo trồng đã làm cho diện tích vụ Đông tăng mạnh (tăng 10,5%) so với cùng kỳ.


Hiện nay trên địa bàn Thành phố, lúa đang trong thời kỳ phát triển, những trà lúa sớm và trà trung đang giai đoạn làm đòng, trà muộn đang đẻ nhánh rộ. Các Công ty Thủy lợi tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện bơm nước, điều tiết nước để đảm bảo đủ nước tưới dưỡng cho lúa sinh trưởng và phát triển. Các cây màu được gieo trồng đúng thời vụ, cùng với thời tiết thuận lợi nên đang sinh trưởng và phát triển tốt. Tình hình sâu bệnh hại cây trồng không đáng kể, các quận huyện và thị xã đang tập trung chỉ đạo chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa và hoa màu vụ Xuân 2015.


Về chăn nuôi, số lượng gia súc gia cầm nhìn chung ổn định, tính đến nay số trâu hiện có khoảng 23.700 con, giảm 0,4% so cùng kỳ; đàn bò 135.200 con, tăng 3,2% (trong đó: Bò sữa 13.820 con, tăng 2,4%); đàn lợn 1,38 triệu con, tăng 0,9%; đàn gia cầm 23 triệu con, tăng 1,3% (trong đó: Gà 14,7 triệu con, tăng 1,4%).


Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản ổn định, không xảy ra các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh tai xanh ở lợn, cúm gia cầm. Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y được tăng cường, tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các cơ sở, đặc biệt chú ý tới nơi có nguy cơ cao. Các quận, huyện và thị xã tổ chức tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm đạt tỷ lệ như sau: Vắc xin lở mồn long móng ở trâu, bò đạt 32,3% và ở lợn đạt 39,7% kế hoạch 6 tháng đầu năm, vắc xin dịch tả đạt 10,9%, vắc xin tai xanh đạt 66%; vắc xin cúm gia cầm A/H5N1 đạt 6,1% kế hoạch 6 tháng đầu năm.


Về lâm nghiệp có 2 vấn đề cốt lõi là tình hình trồng, chăm sóc rừng và tình hình khai thác gỗ, lâm sản.


Diện tích trồng mới không nhiều, tháng 4 ước đạt 50 ha, tăng 19% so cùng kỳ. Lũy kế, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 88 ha, giảm 31,8% so cùng kỳ.


Sản lượng gỗ khai thác từ đầu năm đến nay ước đạt 4.433 m3, tăng 12,1% so cùng kỳ (tháng 4 ước đạt 965 m3, tăng 0,8% so cùng kỳ); củi 16.350 Ste, tăng 7,3% so cùng kỳ (tháng 4 đạt 5.370 Ste, bằng 90,3%). Nguyên nhân chủ yếu do đầu năm 2015 lượng mưa ít, diện tích rừng trồng trước đây đã đến tuổi cho khai thác. Mặt khác, các địa phương đã hoàn thành gieo cấy lúa và hoa màu vụ Xuân nên tập trung trồng và chăm sóc diện tích rừng được giao, tranh thủ khai thác và thu nhặt các sản phẩm lâm sản, cắt tỉa, đốn cành tránh mùa mưa bão sắp tới.


Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Thành phố không xảy ra cháy rừng và chặt phá rừng trách phép. Thành phố tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền lưu động về quản lý bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng tại các địa phương có rừng.


Về thủy sản, do thời tiết từ đầu năm đến nay mưa ít, lượng nước các sông, hồ đang ở mức thấp nên diện tích nuôi thả cũng chưa nhiều. Diện tích nuôi thả trong tháng ước đạt 825 ha, tăng 12,4% so cùng kỳ. Lũy kế từ đầu năm, diện tích đã thả ước đạt 19.569 ha, tăng 2,2%.


Năm là về tín dụng ngân hàng thể hiện ở 2 hoạt động là huy động vốn, tín dụng và  thị trường chứng khoán với các thị trường: cổ phiếu, giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết, hoạt động cấp mã giao dịch.


Đối với hoạt động huy động vốn: Nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục có mức tăng trưởng khả quan,  tháng Tư ước đạt 1.257 nghìn tỷ đồng (trong đó, vốn huy động từ 12 tháng trở lên chiếm 30,5%), tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 5,5% so với tháng 12 năm trước. Trong đó: Tiền gửi chiếm 95,6% trong tổng nguồn vốn huy động, tăng lần lượt là 0,9% và 5,6% so với tháng trước và tháng 12 năm trước (tiền gửi tiết kiệm tăng 1% và tăng 7,2%; tiền gửi thanh toán tăng 0,8% và 4,4%); phát hành giấy tờ có giá tăng 0,04% và tăng 5%. Trong tổng nguồn vốn huy động, nguồn vốn huy động bằng tiền Việt Nam chiếm 80,9%.


Đối với hoạt động tín dụng: Tín dụng ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá từ cuối năm 2014. Tổng dư nợ trên địa bàn Thành phố tháng Tư ước đạt 1.077 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và 6,6% so tháng 12. Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đã có sự cải thiện. Trong đó: Dư nợ ngắn hạn tăng 0,7% và 6%; dư nợ trung và dài hạn tăng 0,8% và 3,4%.
Về thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 15/4, trên cả hai sàn chứng khoán (HNX và Upcom) do Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội quản lý có 554 doanh nghiệp niêm yết, tăng 21 doanh nghiệp so với đầu năm do Quyết định 51/2014/QĐ-TTg quy định về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước đã có hiệu lực nên số lượng doanh nghiệp niêm yết có xu hướng tăng mạnh trong thời gian vừa qua cũng như trong thời gian tới (trong đó: HNX có 371 doanh nghiệp, tăng 7 doanh nghiệp và Upcom có 183 doanh nghiệp, tăng 14 doanh nghiệp). Giá trị vốn hóa toàn thị trường đạt 178.425 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm (trong đó: HNX đạt 139.583 tỷ đồng, tăng 2,6% so với đầu năm; Upcom đạt 38.842 tỷ đồng, tăng 3,1% so với đầu năm).


Về thị trường cổ phiếu niêm yết (HNX), sự thờ ơ của các nhà đầu tư nội trên thị trường vẫn còn hiện hữu và chưa chấm dứt khi mà đà bán ròng của khối ngoại vẫn đang tiếp diễn, đã làm cho thanh khoản của thị trường sụt giảm và chỉ số biến động trong biên độ hẹp.


Kết thúc 11 phiên giao dịch đầu tháng 4, chỉ số HNX-Index đạt 83,03 điểm, chỉ tăng được 0,05 điểm tương ứng 0,1% so với đầu năm (chỉ số HNX30 đạt 157,36 điểm, giảm 3,47 điểm, bằng 97,8% so với đầu năm).


Trong 11 phiên giao dịch đầu tháng 4, khối lượng giao dịch đạt 420 triệu CP, với giá trị chuyển nhượng đạt 5.199 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch khớp lệnh đạt 383 triệu CP, giao dịch thỏa thuận đạt 37 triệu CP với giá trị chuyển nhượng lần lượt là 4.766 tỷ đồng và 433 tỷ đồng. Bình quân một phiên, khối lượng giao dịch đạt 38,1 triệu CP được chuyển nhượng với giá trị chuyển nhượng đạt 472,6 tỷ đồng, bằng 88,8% về khối lượng và 84,8% về giá trị so với bình quân chung của tháng trước.


Lũy kế, khối lượng giao dịch đạt 2.949 triệu CP được chuyển nhượng với giá trị chuyển nhượng đạt 37.503 tỷ đồng, bằng 53% về khối lượng và 65,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết (Upcom), kết thúc phiên giao dịch ngày 15/4, chỉ số Upcom-Index đạt 63,84 điểm, tăng 3,54 điểm, tương ứng với mức tăng 5,9% so với đầu năm.


Trong 11 phiên giao dịch đầu tháng 4, khối lượng giao dịch đạt 24,4 triệu CP được chuyển nhượng với giá trị chuyển nhượng đạt 351 tỷ đồng. Bình quân một phiên giao dịch có 2,2 triệu CP được chuyển nhượng, với giá trị bình quân đạt 32 tỷ đồng.


Lũy kế từ đầu năm, khối lượng giao dịch đạt 170 triệu CP được chuyển nhượng với giá trị đạt 2.824 tỷ đồng, tăng 71,2% về khối lượng và 319,8% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.


Về hoạt động cấp mã giao dịch, trong tháng 3, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã cấp được 73 mã số giao dịch cho các nhà đầu tư nước ngoài (trong đó, cá nhân được cấp 43 mã và tổ chức được cấp 30 mã) đưa tổng số mã đã cấp cho nhà đầu tư nước ngoài từ đầu năm đến nay đạt 154 mã. Lũy kế, VSD đã cấp được 17.724 mã số giao dịch, trong đó cá nhân là 15.082 và tổ chức là 2.642.


Số tài khoản giao dịch của các nhà đầu tư được cấp mới trong tháng 3 đạt 13.861 (trong đó, cá nhân trong nước đạt 13.653, tổ chức trong nước đạt 118; cá nhân nước ngoài đạt 57 và tổ chức nước ngoài 33). Lũy kế từ đầu năm, số tài khoản được cấp mới 28.286 (trong đó: cá nhân trong nước đạt 27.703; tổ chức trong nước đạt 322; cá nhân nước ngoài đạt 118; tổ chức nước ngoài đạt 143).


Ngoài các vấn đề kinh tế được đề cập một cách chi tiết, cụ thể, báo cáo cũng tổng hợp về các vấn đề xã hội then chốt của tháng 4 gồm tình hình trật tự xã hội và an toàn giao thông.


Về số vụ phạm pháp, theo số liệu của Công an thành phố Hà Nội, trong tháng 3 đã phát hiện được 405 vụ phạm pháp hình sự, tăng 4,1% so cùng kỳ năm trước (trong đó: có 323 vụ do công an khám phá được, tăng 9,5%); số đối tượng vi phạm bị bắt, giữ theo Luật 724 người, tăng 5,2% so với cùng kỳ. Lũy kế từ đầu năm, đã phát hiện 1.520 vụ phạm pháp hình sự, tăng 20,3% so cùng kỳ năm trước (trong đó có 1.229 vụ công an khám phá được, tăng 27,4% so với cùng kỳ), số đối tượng bị bắt, giữ theo Luật là 2.416 người, tăng 23,1% so với cùng kỳ.


Cũng trong tháng 3, đã phát hiện 92 vụ phạm pháp kinh tế, giảm 4,2% so cùng kỳ; số đối tượng bị phát hiện là 88 người, so cùng kỳ giảm 20,7%; thu nộp ngân sách được hơn 14,8 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm, số vụ phạm pháp kinh tế  là 710 vụ, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước; số đối tượng bị phát hiện là 757 người, tăng 7,4% so với cùng kỳ và đã thu nộp ngân sách hơn 45 tỷ đồng.


Đối với các tệ nạn xã hội, tháng 3 đã phát hiện 32 vụ cờ bạc, bắt giữ 342 người, giảm 22% về số vụ, tăng 16,3% về số người bị bắt giữ so cùng kỳ. Lũy kế từ đầu năm, đã phát hiện 181 vụ cờ bạc, bắt giữ 1.068 người, giảm lần lượt là 65,9% và 21,6% so với cùng kỳ năm trước.


Số vụ mại dâm bị phát hiện 5 vụ, bắt giữ 9 đối tượng. Tính chung 3 đầu năm, đã có 80 vụ mại dâm bị phát hiện tăng 11,1% so với cùng kỳ, số đối tượng bị bắt 95 người, tăng 15,9% so với cùng kỳ.


Số vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy bị phát hiện trong tháng 3 là 131 vụ, bắt giữ 164 đối tượng. Tính chung 3 tháng đầu năm đã có 549 vụ buôn bán ma túy bị phát hiện, giảm 24,4% so cùng kỳ, số đối tượng bị bắt 676 người giảm 21,4 % so với cùng kỳ.


Về tình hình trật tự an toàn giao thông, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 132 vụ tai nạn giao thông, làm chết 53 người và bị thương 121 người. Lũy kế từ đầu năm, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 429 vụ tai nạn giao thông, làm chết 152 người và bị thương 352 người.


Như Hoa (Theo Viện NCPT KTXH)


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         Lấy lại mã bảo mật