Tình hình nội, ngoại thương của Thủ đô quý I (21:26 31/03/2020)


HNP – Cục Thống kê Hà Nội vừa có báo cáo về tình hình nội, ngoại thương quý I của Hà Nội. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 135,7 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 2.744 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 5.832 triệu USD.


Quý I năm nay, đặc biệt là tháng Hai và tháng Ba do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động du lịch, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng đã bị ảnh hưởng và suy giảm mạnh. Cùng với đó, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã làm thay đổi thói quen khi đi ăn uống của người dân khiến doanh thu nhà hàng và ăn uống ngoài gia đình giảm mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả quý chỉ tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng của cùng kỳ năm trước.Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 87,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,6% tổng mức và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 12,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,9% và giảm 20,2%, trong đó dịch vụ lưu trú giảm 19,1%; dịch vụ ăn uống giảm 20,5%. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 2.339 tỷ đồng, chiếm 1,7% và giảm 18,7%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 33,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,8% và giảm 2,1%, trong đó dịch vụ y tế tăng 6,7%; dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm 8,9%; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi giải trí giảm 7,7%; dịch vụ kinh doanh bất động sản giảm 2,8%.

 

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thành phố đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa. Theo báo cáo của Sở Công Thương, Hà Nội đang triển khai bình ổn thị trường với lượng hàng hóa đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong thời gian có dịch bệnh với tổng giá trị hàng hóa khoảng 174 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp bán lẻ, các siêu thị vừa và nhỏ cũng đã sẵn sàng các phương án dự trữ tăng hơn so với bình thường nhằm cung ứng đầy đủ cho người dân Thành phố. Ngoài ra, Hà Nội đã triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông, thủy sản đang/sắp vào vụ thu hoạch trước nguy cơ dư nguồn cung, giải tỏa áp lực cho hoạt động xuất khẩu trước tác động của dịch bệnh. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy thương mại nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu Việt; khơi dậy nội lực trong nước, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam phát triển, khuyến khích hàng hóa do người Việt Nam sản xuất.

 

Quý I/2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 9,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 28,2%. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ là: Giày dép tăng 5,2%; Hàng gốm sứ tăng 6,5%. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh so cùng kỳ như: Hàng nông sản giảm 27,9%; Máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện giảm 32,1%; Xăng dầu giảm 36,7%.

 

Tính chung quý I năm nay, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa giảm 21,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 4.346 triệu USD, giảm 26,6%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1.486 triệu USD, giảm 0,2%. Một số nhóm hàng có giá trị nhập khẩu lớn như: Máy móc thiết bị phụ tùng đạt 971 triệu USD, giảm 34,1% so với cùng kỳ năm trước; Xăng dầu 728 triệu USD, giảm 5%; Máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 396 triệu USD, giảm 36,7%; Phương tiện vận tải và phụ tùng 343 triệu USD, giảm 30,1%; Sắt thép 297 triệu USD, giảm 19,5%; Chất dẻo 290 triệu USD, giảm 5%.
 


Hải Vân


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         Lấy lại mã bảo mật