Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng Tám năm 2010 (20:21 05/09/2010)


HNP - Năm 2010, kinh tế Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã dần phục hồi sau ảnh hưởng của suy thoái kinh tế Thế giới năm 2009. Dự kiến cả năm 2010, kinh tế xã hội Hà Nội phát triển và tăng trưởng khá so cùng kỳ năm trước. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 10,9%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,1%, vốn đầu tư xã hội tăng 18,5%, tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 31,6%, kim ngạch xuất khẩu tăng 20,8%... An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. 


1. Sản xuất công nghiệp:
 Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tháng Tám năm 2010 tăng 5,4% so tháng trước và tăng 14,6% so cùng kỳ năm trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 3,8% và 11% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 2,6% và 9,9%; kinh tế Nhà nước địa phương tăng 7,7% và 14,3%); kinh tế ngoài Nhà nước tăng 4,9% và 15,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 6,6% và 15,9%.
Dự kiến 8 tháng năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: kinh tế Nhà nước tăng 8,6%. (kinh tế Nhà nước trung ương tăng 7,8%; kinh tế Nhà nước địa phương tăng 10,8%); kinh tế ngoài Nhà nước tăng 14,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,1%. Tất cả các ngành sản xuất đều tăng so cùng kỳ, trong đó có những ngành tăng khá: khai thác đá (tăng 24,2%), sản xuất kim loại (tăng 21%), sản xuất thiết bị văn phòng (tăng 18,8%), sản xuất dụng cụ chính xác (tăng 32,9%), tái chế (tăng 40,4%).
2. Xây dựng  cơ bản:
Vốn đầu tư phát triển thành phố Hà Nội ước tính tháng Tám năm 2010 đạt 2.175,7 tỷ đồng, bằng  84,7% so cùng kỳ năm trước và tăng 6,7% so với thực hiện tháng trước.
Dự kiến 8 tháng đạt 13.534 tỷ đồng, bằng 85,6% so với cùng kỳ; đạt 54,5% kế hoạch năm. Trong đó: vốn ngân sách Nhà nước đạt 8.233,7 tỷ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ, đạt 64,2% kế hoạch năm; vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước 1.104,3 tỷ đồng, bằng 40,0% so với cùng kỳ, đạt 24,5% kế hoạch năm; vốn tự có của doanh nghiệp Nhà nước đạt 1.533,0 tỷ đồng, bằng 61,7% so với cùng kỳ, đạt 62,1% kế hoạch năm.
Một số tình hình đầu tư trên địa bàn thành phố:
- Các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội: Thành phố tập trung quyết liệt hoàn thành các khối lượng công việc còn lại của công trình, trong đó trọng tâm vào nhóm các công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội bao gồm: 21 công trình phải tập trung hoàn thành từ nay đến trước ngày 30/9/2010; 13 công trình cơ bản hoàn thành từ nay đến dịp Đại lễ kỷ niệm; nhóm công trình còn lại ưu tiên đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành bàn giao đưa vào khai thác sử dụng.
- Các dự án thuộc chương trình chỉnh trang đô thị: Việc triển khai các dự án chỉnh trang, nâng cấp và tăng cường trật tự đô thị đã được các quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên, việc thực hiện hạ ngầm, sắp xếp đường dây, cáp đi nổi đồng bộ với chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật các tuyến phố là công việc Thành phố mới bước đầu triển khai, chưa có nhiều kinh nghiệm, công việc phức tạp, khó khăn, nhất là trên các tuyến phố cũ, có nhiều đơn vị quản lý đường dây, cáp đi nổi nên việc phối hợp thực hiện gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án. Nhiều công trình, dự án chỉnh trang triển khai cùng thời điểm, vượt kế hoạch dự kiến nhưng không dự tính được những khó khăn về năng lực thi công của nhà thầu, trình độ, kinh nghiệm quản lý của các chủ đầu tư, tình trạng thiếu công nhân… dẫn đến tiến độ thi công chậm. Một số tuyến đường đang triển khai thi công tập kết VLXD, phế thải, bùn đất chiếm dụng vỉa hè, lòng đường không có hàng rào che chắn gây bụi bẩn, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
- Các dự án phòng chống lụt bão: Thành phố luôn ưu tiên, tập trung vốn cho các dự án phòng chống lụt bão, nhưng vẫn còn nhiều dự án công tác triển khai chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện để khởi công chưa đảm bảo tiến độ, có nhiều dự án nằm trong danh mục trình đã được HĐND Thành phố thông qua nhưng đến nay chưa đủ thủ tục đầu tư theo quy định.
- Để đảm bảo kế hoạch vốn đã giao được sử dụng có hiệu quả, cuối tháng Chín, đầu tháng Mười năm 2010 Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính và Kho bạc nhà nước Hà Nội sẽ rà soát toàn bộ các dự án đã được giao kế hoạch vốn năm 2010 và báo cáo với Thành phố, kiên quyết cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án đến thời điểm 30/9/2010 có giá trị giải ngân dưới 60% kế hoạch đã giao để điều chuyển cho các dự án thực hiện và giải ngân tốt theo hướng tập trung cho các dự án quan trọng, cấp bách phải hoàn thành trong năm 2010. Tích cực triển khai các dự án đã giao của kế hoạch năm 2010 (đối với tất cả các nguồn vốn) trên cơ sở khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, công tác lựa chọn nhà thầu… để tháng Tám năm 2010 các dự án mới phải được khởi công . Chủ động phối hợp với các chủ đầu tư để có phương án, kế hoạch cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng.
3. Thương mại dịch vụ:
3.1. Nội thương: Tháng Tám năm 2010, tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 2,3% so tháng trước và tăng 36,3% so cùng kỳ năm trước; trong đó tổng mức bán lẻ tăng 2,4% và tăng 32,2%.
Dự kiến 8 tháng năm 2010, tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 29,3% so cùng kỳ năm trước trong đó tổng mức bán lẻ tăng 31,3%.
3.2. Ngoại thương:
3.2.1 Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tháng Tám năm 2010 giảm 0,1% so với tháng trước, trong đó xuất khẩu địa phương giảm 0,1%.
Dự kiến 8 tháng 2010, kim ngạch xuất khẩu tăng 18,4% so cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 28,5%. Đa số các mặt hàng xuất khẩu 8 tháng đều tăng: gạo tăng 35,1%, chè tăng 13,7%, hàng dệt may tăng 25%, giày dép và sản phẩm từ da tăng 7,7%, hàng điện tử tăng 31,6%, linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi tăng 32,1%, hàng thủ công mỹ nghệ tăng 8,6%, xăng dầu tăng 8,8%, than đá tăng 17,8%, hàng khác tăng 23%. Chỉ có 2 mặt hàng xuất khẩu giảm là: cà phê giảm 52,5% và hạt tiêu giảm 4,1%.
3.2.2 Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tháng Tám năm 2010 giảm 0,5% so tháng trước, trong đó nhập khẩu địa phương giảm 0,3%.
Dự kiến 8 tháng 2010, kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tăng 20,7% so cùng kỳ, trong đó nhập khẩu địa phương tăng 8,9%. Các mặt hàng nhập khẩu đều tăng: máy móc thiết bị phụ tùng tăng 29,3%, sắt thép tăng 10%, hóa chất tăng 17,7% , chất dẻo tăng 25,5%, xăng dầu tăng 23%, hàng hóa khác tăng 16%. Riêng mặt hàng phân bón giảm 36,9%.
3.3. Giá cả thị trường: Chỉ số giá tiêu dùng tháng Tám năm 2010 so tháng trước tăng 0,15% với hầu hết các nhóm hàng đều tăng nhẹ, riêng nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt giảm 0,005% và nhóm bưu chính viễn thông giảm 4,71%. So tháng trước, chỉ số giá vàng giảm 1,34%, chỉ số giá Đô la Mỹ tăng  0,73%. Trong tháng tám giá vàng phổ biến ở mức 2,8 triệu đồng/chỉ, giá đô la Mỹ phổ biến là 19.241 đồng/USD.
Dự kiến 8 tháng 2010 so cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng tăng 9,15%, chỉ số giá vàng tăng 37,96%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 7,02%.
3.4. Vận tải: Tháng Tám năm 2010 so tháng trước, khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 1,1%, khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng 1,3%, doanh thu vận tải hàng hóa tăng 2,6%. Khối lượng hành khách vận chuyển tăng 2,1%, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 2,1%, doanh thu vận chuyển hành khách tăng 1,9%.
Dự kiến 8 tháng 2010 so cùng kỳ năm trước, khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 21,8%, khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng 21,7%, doanh thu vận chuyển hàng hóa tăng 24,4%. Khối lượng hành khách vận chuyển tăng 24,8%, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 15,1%, doanh thu vận chuyển hành khách tăng 25,5%.
4. Sản xuất Nông, Lâm, Thủy sản:
4.1 Trồng trọt:
Các quận, huyện, thị xã đã cơ bản hoàn thành công tác gieo cấy lúa và hoa màu vụ mùa 2010 và đang chuyển trọng yâm sang công việc chăm sóc, bảo vệ cây trồng. Tổng diện tích gieo trồng vụ này đạt 123.502 ha, bằng 98,57% cùng kỳ. Trong đó diện tích lúa mùa toàn Thành phố đã cấy là 102.825 ha, bằng 98,18% so cùng kỳ năm trước. Lúa mùa hiện đang ở giai đoạn đẻ nhánh, đẻ nhánh rộ, một số diện tích cấy sớm đang thời kỳ phân hóa đòng.
Cùng với gieo cấy lúa mùa, toàn Thành phố đã gieo trồng được: cây chất bột có củ 3.485 ha, bằng 85,97% cùng kỳ (trong đó: khoai lang 571 ha, bằng 78,91%, sắn 2.121 ha, bằng 84,31%,…), rau, đậu các loại 7.000 ha, bằng 97,19% so với cùng kỳ (trong đó, rau 6.620 ha, bằng 98,15%), cây công nghiệp hàng năm 3851 ha, bằng 98,71%, (trong đó đậu tương 2.697 ha, bằng 94,42%), các loại cây khác 2.712 ha, bằng 90,24% so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình sâu bệnh trên lúa và hoa màu không đáng kể, chưa phát sinh các ổ dịch lớn. Các quận, huyện đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ Thực vật tiến hành kiểm tra định kỳ, tổ chức diệt chuột và ốc bươu vàng bảo vệ sản xuất.
4.2. Chăn nuôi
Tình hình sản xuất chăn nuôi của toàn Thành phố vẫn phát triển ổn định. Hiện nay, trên địa bàn Thành phố không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng. Dịch lợn tai xanh đã được khống chế hoàn toàn.
Công tác tiêm phòng cũng như tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm trên phạm vi toàn Thành phố tiếp tục được triển khai theo kế hoạch. Trong tháng đã tiêm vacxin lở mồm long móng, phó thương hàn, dịch tả, đóng dấu, tụ huyết trùng cho 230.935 lượt con lợn. Tiêm vacxin cúm, dịch tả, newcastle cho trên 1.187 ngàn gia cầm. Thực hiện tiêu độc khử trùng đại tràng và tiêu diệt mầm bệnh tại các hố chôn hủy gia súc, gia cầm để ngăn chặn dịch bệnh lây lan,…
4.3. Thủy sản:
Hiện nay các hộ, cơ sở chăn nuôi thủy sản đang tập trung chăm sóc, đánh tỉa, thả bù, chống úng, ngập tràn bờ đối với các diện tích ao hồ đang nuôi. Chăn nuôi thủy sản chủ yếu tập trung vào các trang trại, các hộ khẩu có thầu những vùng trũng do đó mức độ thâm canh tăng lên. Theo nhận định nếu không có đột biến bất thường do thời tiết, khả năng sản lượng thủy sản năm nay sẽ tăng khá so với năm trước.
Chi cục Thủy sản đang triển khai mô hình nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGap tại huyện Đông Anh, tiếp tục theo dõi, chỉ đạo thực hiện mô hình nuôi cá trắm tại huyện Mỹ Đức, Phú Xuyên, nuôi cá rô đồng tại huyện Phú Xuyên, Ba Vì, nuôi Ốc nhồi thương phẩm và mô hình nuôi thủy sản an toàn tại huyện Thanh Trì,…
4.4. Lâm nghiệp
Trong tháng trên địa bàn Thành phố không xảy ra vụ cháy rừng. Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã phát hiện và xử lý 27 vụ vi phạm, tịch thu 18,4m3 gỗ quy tròn, thu nộp Ngân sách trên 250 triệu đồng.
Công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng vẫn được tăng cường. Các địa phương tiếp tục chăm sóc diện tích rừng và số cây phân tán đã trồng, đốn tỉa cành các cây trồng phòng ngữa mưa bão gây gẫy, đổ.
5. Trật tự xã hội – an toàn giao thông:
Trong tháng Bảy băn 2010, đã phát hiện và xảy ra 480 vụ phạm pháp hình sự (tăng 0,6% so với cùng kỳ), số vụ phạm pháp hình sự Công an khám phá được là 360 vụ (tăng 0,8%), đã bắt giữ 541 đối tượng (tăng 2,7%). Cộng dồn cả 7 tháng năm 2010, đã phát hiện và xảy ra 3.156 vụ phạm pháp hình sự (tăng 20,7% so cùng kỳ năm trước), số vụ được Công an khám phá là 2.276 vụ (tăng 20,6%), số đối tượng bị bắt giữ theo luật là 3.380 người (tăng 21,3%).
Cũng trong tháng Bảy, xảy ra 54 vụ phạm pháp kinh tế, bằng cùng kỳ năm trước với số đối tượng phạm pháp là 59 người (tăng 7,3%). Cộng dồn 7 tháng, số vụ phạm pháp kinh tế là 993 vụ (tăng 32,8% so cùng kỳ năm trước) với số đối tượng phạm pháp là 1.078 người (tăng 17,8%).
Tháng Bảy năm 2010, đã phát hiện 38 vụ cờ bạc (giảm 49,3% so cùng kỳ năm trước) với số đối tượng bị bắt giữ là 172 người (giảm 54,5%). Cộng dồn 7 tháng có 602 vụ cờ bạc bị phát hiện (giảm 16% so cùng kỳ năm trước) với 3.448 đối tượng bị bắt giữ (giảm 2,4%).
Số vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy bị phát hiện trong tháng Bảy là 155 vụ (giảm 18,8% so cùng kỳ) với 184 đối tượng bị bắt giữ (giảm 15,2%). Cộng dồn 7 tháng năm 2010, có 1.556 vụ buôn bán tàng trữ vận chuyển ma túy bị phát hiện (tăng 2% so cùng kỳ năm trước), với 1.858 đối tượng bị bắt giữ (tăng 2,4%).
Toàn Thành phố xảy ra 56 vụ tai nạn giao thông trong tháng Bảy (giảm 1,8% so cùng kỳ năm trước) làm 59 người chết (tăng 25,5%) và 7 người bị thương (giảm 74,1%). Cộng dồn 7 tháng năm 2010, toàn Thành phố xảy ra 497 vụ tai nạn giao thông (giảm 3,7% so cùng kỳ) làm 439 người chết (giảm 0,9%) và bị thương 151 người (giảm 12,7%).
Tháng Bảy năm 2009, toàn Thành phố xảy ra 28 vụ cháy, nổ làm bị thương 3 người. Cộng dồn cả 7 tháng, toàn Thành phố có 150 vụ cháy, nổ làm 8 người chết và 4 người bị thương với tổng thiệt hại là 46.300 triệu đồng. Số vụ cháy nổ 7 tháng năm 2010 so cùng kỳ tuy có giảm, song mức độ thiệt hại về tài sản tăng lên đáng kể và phòng chống cháy nổ là vấn đề cấp bách đặt cho các cơ quan đơn vị, để hạn chế thấp nhất các vụ cháy nổ có thể xảy ra.
6. Tín dụng, ngân hàng:
Dự kiến đến cuối tháng Tám năm 2010, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức Tín dụng trên địa bàn đạt 708.823 tỷ đồng tăng 1,21% so với tháng trước và tăng 21,06% so với cuối năm 2009, trong đó tiền gửi tiết kiệm tăng 1,35% và tăng 22,55%; phát hành giấy tờ có giá tăng 1,30% và tăng 36,74%; tiền gửi thanh toán tăng 1,1% và tăng 18,25%. Tổng dư nợ cho vay đạt 444.833 tỷ đồng tăng 1,32% so tháng trước và tăng 18,02% so với cuối năm 2009, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 1,4% và tăng 19,6% dư nợ trung và dài hạn tăng 1,2% và tăng 15,94%.
7. Đánh giá sơ bộ về tình hình kinh tế xã hội cả năm 2010:
Năm 2010, kinh tế Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã dần phục hồi sau ảnh hưởng của suy thoái kinh tế Thế giới năm 2009. Dự kiến cả năm 2010, kinh tế xã hội Hà Nội phát triển và tăng trưởng khá so cùng kỳ năm trước. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 10,9%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,1%, vốn đầu tư xã hội tăng 18,5%, tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 31,6%, kim ngạch xuất khẩu tăng 20,8%... An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
 


BC Cuc thong ke T8.pdf



Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         Lấy lại mã bảo mật