Tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố Hà Nội tháng 5 và 5 tháng năm 2015 (11:33 03/06/2015)


HNP – Cục Thống kê Thành phố Hà Nội vừa tổng kết tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng năm 2015 của Thành phố Hà Nội. Theo báo cáo, kinh tế - xã hội Thủ đô tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu: sản xuất công nghiệp; vốn đầu tư; thương mại dịch vụ; sản xuất nông nghiệp; tín dụng ngân hàng, thị trường chứng khoán và các vấn đề trật tự xã hội, an toàn giao thông.


Thứ nhất là về sản xuất công nghiệp, thể hiện ở chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 5,3% so với tháng 4 và tăng 7,2% so cùng kỳ. Các ngành công nghiệp có chỉ số tăng gồm: Công nghiệp khai khoáng tăng 0,3% so với tháng 4 và giảm 34,7%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,3% và tăng 7,5%; Sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước… tăng 2,6% và tăng 6,2%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,4% và tăng 3,6%.


Cộng dồn 5 tháng, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 6,8% so với cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số tăng như: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,9%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt... tăng 12,8%. Tuy nhiên, một số ngành có chỉ số giảm: Công nghiệp khai khoáng giảm 6,4%; Cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải giảm 2,9%  do mực nước hạ lưu sông Hồng và dòng chảy thấp hơn trung bình nhiều năm đã ảnh hưởngđến hoạt động khai thác và xử lý nước sạch.


Nhìn chung, chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng vẫn giữ và đạt mức tăng khá cao so với mức tăng chung, một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng cao như: Sản xuất đồ uống (tăng 7,6%); Sản xuất trang phục (tăng 21,9%); Chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, mây tre giang (tăng 41,2%); Sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy (tăng 24,8%); Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (tăng 19%); Sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim (tăng 18,8%); Sản xuất xe có động cơ (tăng 38,5%) ...


Bên cạch đó, một số ngành vẫn còn gặp khó khăn về vốn và thị trường tiêu thụ sản phẩm khiến chỉ số sản xuất trì trệ, giảm sút so với cùng kỳ như chế biến thực phẩm (giảm 8,1%), công nghiệp dệt (giảm 16,4%), sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (giảm 16,4%), sản xuất kim loại (giảm 19,9%)...


Thứ hai là về vốn đầu tư, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 5 ước đạt 1.855 tỷ đồng bằng 89,8 % so với cùng kỳ năm 2014 và tăng 4,2% so với thực hiện tháng Tư năm 2015. Ước tính 5 tháng đầu năm 2015 thực hiện vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách đạt 7.715 tỷ đồng, bằng 98,6% so với cùng kỳ năm 2014, và bằng 38,3% kế hoạch năm 2015.


Trong tháng 5, nguồn vốn tập trung thực hiện 3 dự án lớn của thành phố gồm: Dự án xây dựng nút giao thông trung tâm quận Long Biên, Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn – Ga Hà Nội và Dự án đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục.


Đối với dự án xây dựng nút giao thông Trung tâm quận Long Biên, nguồn vốn đầu tư tập trung vào 2 công đoạn là giải phóng mặt bằng và thi công dự án.


- Về công tác GPMB: Dự án có diện tích đất thu hồi khoảng 16,1ha, trong đó có khoảng 6,8 ha diện tích đất đã nằm trong quyết định thu hồi số 2419/QĐ-UB ngày 28/4/2005 của UBND thành phố, phần diện tích đất Ban QLDA hạ tầng Tả Ngạn đã cơ bản hoàn thành công tác GPMB trong năm 2013 với nguồn vốn lấy nguồn vốn ngân sách thực hiện Dự án đường 5 kéo dài. Diện tích khoảng 9,3ha đất còn lại phải tiếp tục thu hồi trong phạm vi dự án BT. UBND thành phố đã có Quyết định số 2967/QĐ-UBND về việc giao UBND quận Long Biên thực hiện công tác GPMB cho dự án.


- Về công tác thi công dự án: Dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao, do Công ty CP Him Lam làm chủ đầu tư. Hiện nay, hạng mục đường tạm kết nối đường 5 kéo dài với nút cầu chui hiện tại đã được Nhà đầu tư thực hiện xong, các hạng mục cầu chính đang được chủ đầu tư triển khai thiết kế và lựa chọn nhà thầu thi công.


Đối với dự án Tuyến Đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, ngày 12/5/2015, tại vị trí trụ P286 thuộc khu vực công trường thi công gói thầu CP-01 (đoạn trên cao) do nhà thầu Daelim thi công đã xảy ra sự cố nghiêm trọng đối với cần cẩu phục vụ thi công . Liên quan đến sự cố này, chủ đầu tư là Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã thông báo cho các nhà thầu tạm dừng thi công trên các công trường của toàn dự án. Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã yêu cầu nhà thầu Dealim khẩn trương lập báo cáo sự cố theo quy trình, quy định gửi chủ đầu tư, tư vấn và họp xác định nguyên nhân.


Đối với dự án đường vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, hiện đã hoàn thành báo cáo dự án đầu tư toàn tuyến vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục và phân kỳ đầu tư từ Hoàng Cầu đến nút giao Láng Hạ được Sở Kế hoach - Đầu tư tổ chức thẩm định xong theo quy định. Chủ đầu tư cũng đã tiếp thu, lấy ý kiến các Sở Ngành về nghiên cứu phương án tuyến theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy tại Thông báo 807-TB/TU ngày 29/8/2014. Trên cơ sở đó ngày 24/3/2015 Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo đề xuất Thành phố tổ chức cuộc họp xem xét quyết định phê duyệt dự án vành đai 1 từ Hoàng Cầu đến nút giao Láng Hạ - Giảng Võ.


Thứ ba là về thương mại dịch vụ với 4 lĩnh vực chủ chốt là  nội thương, ngoại thương, vận tải và thị trường giá cả.


Về nội thương, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán ra và doanh thu dịch vụ tháng Năm ước tính đạt 146.364 tỷ đồng tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 7,5% so với cùng kỳ, trong đó bán lẻ đạt 34.387 tỷ đồng, tăng 0,6 % so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ.


Ước tính 5 tháng, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ  đạt 733.696 tỷ đồng, tăng 10,3% so cùng kỳ, trong đó bán lẻ đạt 171.687 tỷ đồng, tăng 9,1% so cùng kỳ năm 2014. Trong tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ Kinh tế nhà nước ước tính đạt 214.144 tỷ đồng, tăng 6,2% so cùng kỳ, kinh tế ngoài nhà nước 483.464 tỷ đồng, tăng 12,7% so cùng kỳ, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 36.088 tỷ đồng, tăng 4,4%.


Về ngoại thương, ước tính kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tháng Năm đạt 873 triệu USD giảm 0,5% so tháng trước và giảm 4,8% so cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu địa phương ước đạt 611 triệu USD giảm 0,5% so tháng trước, giảm 5,2% so cùng kỳ. Trong tháng này, một số nhóm hàng xuất khẩu tăng khá so cùng kỳ là hàng điện tử tăng 16,8%, máy móc, thiết bị phụ tùng tăng 15,4%. Ước tính 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 4.409 triệu USD, giảm 0,2% so cùng kỳ, trong đó xuất khẩu địa phương giảm 0,1%. Đóng góp vào tăng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng năm nay là nhóm hàng máy móc, thiết bị phụ tùng tăng 14,7%, linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi tăng 3,8%. Một số nhóm hàng xuất khẩu giảm so cùng kỳ là: xăng dầu giảm 28,5%, phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 10,9%.


Ước tính kim ngạch nhập khẩu tháng Năm đạt 2.041 triệu USD tăng 2,5% so tháng trước, giảm 0,3% so cùng kỳ. Trong đó, nhập khẩu địa phương đạt 878 triệu USD tăng 1,8% so tháng trước và tăng 0,4% so cùng kỳ. Trong tháng Năm nhiều mặt hàng trong nhóm vật tư nguyên liệu giảm so cùng kỳ như: Sắt thép (giảm 20,1%), phân bón (giảm 35%)... Ước tính 5 tháng, kim ngạch nhập khẩu đạt 9.756 triệu USD tăng 2,9% so cùng kỳ trong đó nhập khẩu địa phương ước đạt 4.198 triệu USD tăng 3,4% so cùng kỳ. Mặt hàng nhập khẩu tăng cao so cùng kỳ là máy móc, thiết bị phụ tùng tăng 6,6%, hoá chất tăng 16,3%. Mặt hàng nhập khẩu giảm mạnh so cùng kỳ là xăng dầu giảm 28,4%.


Về vận tải gồm hoạt động vận tải hàng hóa, vận tải hành khách và hoạt động hỗ trợ vận tải.


Trong tháng 5 ước tính khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 1,4% so với tháng 4; khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng 0,7% và doanh thu tăng 1,3. Ước tính 5 tháng, khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 9,3% so cùng kỳ, hàng hoá luân chuyển tăng 11,7%, doanh thu tăng 13,5%.


Tuy nhiên, về vận tải hành khách, ước tính số lượng hành khách vận chuyển tháng 5 giảm 0,9%, số lượng hành khách luân chuyển giảm 0,8%, doanh thu vận chuyển hành khách giảm 1,2%. Ước tính 5 tháng, số lượng hành khách vận chuyển tăng 10,8% so cùng kỳ, hành khách luân chuyển tăng 12,1%, doanh thu tăng 14% so cùng kỳ.
Hoạt động hỗ trợ vận tải, ước tính doanh thu tháng Năm tăng 0,4% so tháng trước. Ước tính 5 tháng, tăng 11,7% so cùng kỳ.


Về thị trường giá cả, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 vẫn tiếp tục tăng tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 0,93% so cùng kỳ. Nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tháng này tăng là do giá xăng dầu được điều chỉnh tăng từ ngày 05 tháng 5 kéo theo một số nhóm hàng tăng theo, đặc biệt là nhóm giao thông tăng 1,06% so với tháng trước. Bên cạnh nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,44% so với tháng trước thì chỉ số giá vàng tiếp tục giảm 0,13% và chỉ số giá USD tăng 0,44%.


Giá một số mặt hàng cụ thể như sau:


- Một là lương thực, giá các mặt hàng gạo tẻ thường trên địa bàn Hà Nội giảm từ 300-500đ/kg. Nguyên nhân khiến giá gạo giảm là do nguồn cung khá dồi dào,  lượng gạo xuất khẩu giảm, lượng gạo tồn kho tại các tỉnh phía Nam khá lớn. Dự báo các mặt hàng gạo vẫn sẽ giữ giá ổn định trong thời gian tới.


- Hai là thực phẩm giảm 0,5% so tháng trước. Nguyên nhân khiến nhóm thực phẩm giảm là do giá thịt lợn tại các chợ tiếp tục giảm so với cuối tháng Tư. Giá thịt lợn giảm do nguồn cung dồi dào, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu của người dân không tăng lên. Thời tiết hiện nay thuận lợi cho các loại rau củ vụ xuân hè phát triển khiến nguồn cung dồi dào. Dự báo nhóm hàng này sẽ tiếp tục giảm trong tháng tới.  


- Ba là giá hàng tiêu dùng, một số mặt hàng trong nhóm may mặc như vải, quần áo, giấy dép của mùa hè có xu hướng tăng nhẹ. Các mặt hàng khác ổn định.


- Bốn là nhóm nhà ở , điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,44% so tháng trước. Nguyên nhân khiến nhóm này tăng là do bắt đầu vào mùa nắng nóng nên sản lượng tiêu thụ điện, nước của các hộ gia đình tăng khiến cho giá điện bình quân tăng. Do giá gas thế giới bình quân tháng Năm vừa công bố ở mức 470 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với tháng trước, nên ngay từ đầu tháng Năm giá gas trong nước đã được điều chỉnh tăng. Các mặt hàng khác trong nhóm như sắt thép…giảm nhẹ, đá cát, sỏi tăng nhẹ. Nguyên nhân khiến cho đá, cát, sỏi tăng là do khó khai thác, thêm vào đó xăng dầu tăng chi phí vận chuyển tăng nên tác động đến giá của những mặt hàng này tăng.


- Năm là nhóm giao thông, vào ngày 5 tháng 5 giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh tăng. Việc tăng giá xăng dầu khiến cho nhóm giao thông tăng 1,06% so với tháng trước.  Hiện giá xăng A92 có giá là 19.230đ/lít, xăng A95 có giá là 19.830 đ/lít. Giá dầu diezen 0.05S vẫn giữ mức giá cũ là 15.880đ/lít.


- Sáu là giá vàng và đô la Mỹ,  giá vàng trên thị trường Hà Nội tiếp tục giảm 0,13% so tháng trước. Giá vàng 99.99 bán ra trên thị trường tư nhân phổ biến ở mức 3.179 nghìn đồng/chỉ. Trái chiều với giá vàng, giá Đô la Mỹ của các ngân hàng tháng này tiếp tăng 0,44%. Giá đô la Mỹ bán ra của Ngân hàng Ngoại thương có giá bình quân là 21.663 đ/USD.


Ước tính chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng tăng 0,62% so cùng kỳ năm trước.


Thứ tư là về sản xuất nông nghiệp với các ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản.


Đối với ngành trồng trọt, tình hình gieo trồng vụ xuân toàn Thành phố trồng được 123.135 ha, giảm 0,2% cùng kỳ. Cụ thể diện tích một số loại cây chính: Lúa 100.913 ha, giảm 0,6%; Ngô 6.213 ha, giảm 5,5%; Khoai lang 582 ha, tăng 18%; Đậu tương 594 ha tăng 0,6%; Lạc 2.685 ha, giảm 10%; Rau các loại 8.579 ha, tăng 6%;…


Tính chung vụ đông xuân 2015, toàn Thành phố  trồng được 173.253 ha, tăng 2,7% so với cùng kỳ. Trong đó: Lúa đông xuân 100.913 ha, giảm 0,6%; Ngô 16.794 ha, tăng 5,5%; Khoai lang 3.605 ha, tăng 19,8%; Đậu tương 18.730 ha, tăng 9,7%; Lạc 3146 ha, giảm 10,7%; Rau, đậu các loại 27.497 ha, tăng 7,1%.


- Về năng suất: Năng suất lúa vụ xuân ước đạt 60 tạ/ha, giảm 1,8% cùng kỳ. Ngô xuân ước đạt 51,5 tạ/ha, tăng 2%; tính chung vụ đông xuân 48,2 tạ/ha, giảm 0,5%. Khoai lang xuân 98,8 tạ/ha, tính chung vụ đông xuân 98,5 tạ/ha, giảm 4,5%. Rau các loại vụ xuân 207,4 tạ/ha tăng 1,8%; tính chung vụ đông xuân 207,1 tạ/ha, tăng 2,4%; Đậu tương xuân 18,9 tạ/ha, tăng 4,6%; tính chung vụ đông xuân 14,6 tạ/ha, tăng 1,2%; Lạc xuân 20 tạ/ha, giảm 3,5%; vụ đông xuân 20,3 tạ/ha, giảm 1,7%;…


- Ước tính sản lượng một số loại cây trồng: Lúa ước đạt 605.772 tấn, giảm 2,4%. Ngô xuân 31.978 tấn, giảm 3,6%; vụ đông xuân 80.918 tấn, tăng 5%. Khoai lang đông xuân 35.501 tấn, tăng 14,4% (vụ xuân 5.751 tấn). Đậu tương 27.349 tấn, tăng 11,1% (Vụ xuân 1.122 tấn). Lạc 6.383 tấn, giảm 12,3% (lạc xuân 5.380 tấn); Rau các loại 483.204 tấn, tăng 9,3% (Vụ xuân 177.930 tấn).


Tính  đến ngày 14/5/2015, ngành đã phát hiện một số đối tượng sâu bệnh gây hại nhẹ cục bộ trên rau màu trên cây lúa, cây ngô và trên rau họ hoa thập tự.


Về sâu gây hại trên lúa là chuột với diện tích nhiễm  435 ha tại các huyện Phú Xuyên 167 ha, Thường Tín 62 ha, Thạch Thất 48,9 ha, Ứng Hòa 41,6 ha;…); Bệnh đạo ôn lá diện tích nhiễm: 1.631 ha tại các huyện: Thạch Thất 362,1 ha, Ứng Hòa 284,7ha, Gia lâm 257,7 ha, Quốc Oai 165,5 ha;...


Trên cây ngô, chuột gây hại với diện tích nhiễm 43 ha tại các huyện: Phú Xuyên 27 ha, Thanh Oai 11 ha, Gia Lâm 5 ha; Bệnh đốm lá diện tích nhiễm: 62,8 ha tại các huyện: Phú Xuyên 22,5 ha, Hà Đông 10 ha, Thanh Oai 13 ha,...; Bệnh khô vằn diện tích nhiễm: 36,8 ha tại các huyện: Phú Xuyên 10,6 ha, Ba Vì 9,5 ha, Sơn Tây 6,8 ha,...
 Trên rau họ hoa thập tự, bọ nhảy diện tích nhiễm: 60,9 ha tại các huyện: Gia Lâm 18 ha, Mê Linh 14 ha, Đông Anh 10 ha, Hoài Đức 4,5 ha,…; Sâu xanh diện tích nhiễm: 29 ha tại các quận, huyện: Hà Đông 8 ha, Gia Lâm 4,5 ha, Chương Mỹ 2,5 ha,...; Sâu tơ diện tích nhiễm: 9,5 ha tại các huyện: Gia Lâm 9 ha, Thạch Thất 0,5 ha,....


Đối với ngành chăn nuôi, tính đến 15/5/2015, số lượng gia súc, gia cầm đều tăng. Trong đó, đàn trâu hiện có 24.810 con, tăng  1,8% so với cùng kỳ; Đàn bò 141.661 con, tăng 0,8% ( cụ thể: Đàn bò sữa hiện có 14.848 con, tăng 11,4% cùng kỳ); Số lượng lợn 1.420.679 con, tăng 3%. Số lượng đàn gia cầm hiện có 24.888 ngàn con; Trong đó, đàn gà 16.158 ngàn con, tăng 4,9%.


Đối với tình hình dịch bệnh, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ổn định, không xảy ra các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Kết quả tiêm phòng từng loại vắc xin tính đến ngày 14/5/2015 như sau: Vắc xin 4 bệnh đỏ 34.303 lượt con ( Dịch tả lợn: 17.965 lượt con); Vắc xin Tai Xanh: 256 lượt con; Vắc xin LMLM lợn: 72 lượt con; Vắc xin LMLM trâu bò: 15 lượt con;  Vắc xin tụ huyết trùng trâu bò: 15 lượt con;  Vắc xin Cúm gia cầm:  483.436 lượt con;  Vắc xin Dại: 15.956 lượt con


Đối với ngành lâm nghiệp, tính đến 15/5/2015 toàn Thành phố ước tính trồng được 138 ha, bằng  86,25% cùng kỳ. Về tình hình khai thác gỗ và lâm sản: Sản lượng gỗ khai thác từ đầu năm đến nay, ước tính 6.365 m³, tăng 0,7% cùng kỳ; trong đó ước tính tháng Năm khai thác được 1.195 m³, tăng 0,9%. Củi khai thác trong tháng  6.540 Ste, tăng  6,4%; Cộng dồn từ đầu năm  28.350 Ste, tăng 0,8%;… Hiện nay, các địa phương đang tập trung trồng, chăm sóc và bảo vệ diện tích rừng được giao theo kế hoạch, tranh thủ khai thác gỗ và thu nhặt các sản phẩm lâm sản, cắt tỉa, đốn cành tránh mùa mưa bão.  


Đối với ngành thủy sản, đến nay hầu hết diện tích nuôi thả đã được các hộ triển khai thả trong tháng, chỉ còn lại một số diện tích dự kiến nuôi cá ruộng. Cụ thể: Diện tích nuôi thả trong tháng ước đạt 570 ha, tăng 0,7% cùng kỳ. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, diện tích đã thả ước đạt 20.139 ha, tăng 5,1%. Tiếp tục thu hoạch cá thịt thương phẩm, khôi phục nguồn lợi thủy sản nội đồng như các loại cá, cua đồng, xử lý ô nhiễm môi trường để tăng nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Sản lượng thuỷ sản trong tháng ước tính 6.392 tấn, tăng 5,1% cùng kỳ; Tính chung, từ đầu năm đến nay, sản lượng đạt 30.768 tấn, tăng 4,2%, trong đó, sản lượng nuôi trồng thu trong tháng: 6.120 tấn, tăng 5,5%; Cộng dồn 29.633 tấn, tăng 4,3%


Thứ năm là về tín dụng ngân hàng và thị trường chứng khoán.


Về tín dụng ngân hàng, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước tính tháng Năm đạt 1.276 nghìn tỷ đồng, tăng 0,3% so tháng trước và tăng 7,1% so tháng 12/2014; trong đó, tiền gửi tăng 0,3% so tháng trước và tăng 7,4% (tiền gửi tiết kiệm tăng 0,5% và 13,1%, tiền gửi thanh toán tăng 0,1% và tăng 3,5%), phát hành giấy tờ có giá tăng 0,5% và tăng 1,1%.


Tổng dư nợ cho vay ước tính tháng 5 gần 1.099 nghìn tỷ đồng, tăng 1% so tháng trước và tăng 8,7% so tháng 12/2014, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 0,1% và tăng 8,5%, dư nợ trung và dài hạn tăng 0,9% và 9%.


Về thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 18/5, trên cả hai sàn HNX và Upcom do Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội quản lý có 551 doanh nghiệp niêm yết (trong đó, HNX có 364 doanh nghiệp và Upcom có 187), với giá trị niêm yết đạt 123.742 tỷ đồng, tăng 5,4% so với đầu năm (trong đó: HNX đạt 95.714 tỷ đồng, tăng 2,6%; Upcom đạt 28.028 tỷ đồng, tăng 16,2%). Vốn hóa toàn thị trường đạt 171.159 tỷ đồng, bằng 98,8% so với đầu năm (trong đó, HNX đạt 130.777 tỷ đồng, bằng 96,1%; Upcom đạt 40.382 tỷ đồng, tăng 8,6% so với đầu năm). Trong hoạt động của thị trường chứng khoán thể hiện  rõ nhất là thị trường cổ phiếu niêm yết và hoạt động cấp mã giao tịch


Đối với thị trường cổ phiếu niêm yết (HNX),  tâm lý giao dịch cầm chừng, động thái bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài ngày một rõ nét hơn, không có thông tin hỗ trợ thị trường,... đã làm cho chỉ số chứng khoán và thanh khoản của thị trường liên tục sụt giảm.


Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/5, chỉ số HNX - Index đạt 76,51 điểm, giảm 6,47 điểm, tương đương với mức giảm 7,8% so với đầu năm (chỉ số HNX30 đạt 142,04 điểm, giảm 18,79 điểm, giảm 11,7% so đầu năm).


Trong 11 phiên giao dịch đầu tháng Năm, khối lượng giao dịch đạt 447 triệu CP, với giá trị đạt 5.005 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch khớp lệnh đạt 427 triệu CP, với giá trị chuyển nhượng đạt 4.787 tỷ đồng và giao dịch thỏa thuận đạt 20 triệu CP, với giá trị chuyển nhượng 218 tỷ đồng. Bình quân một phiên, khối lượng giao dịch đạt 40,6 triệu CP với giá trị bình quân đạt 455 tỷ đồng, giảm 1,8% về khối lượng và 11,9% về giá trị so với bình quân chung của tháng trước.


Lũy kế từ đầu năm, khối lượng giao dịch đạt 3.763 triệu CP được chuyển nhượng với giá trị đạt 47.120 tỷ đồng, giảm 44,1% về khối lượng và 31,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.


Thị trường giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết (Upcom): Kết thúc phiên giao dịch 18/5, chỉ số Upcom-Index đạt 59,25 điểm, giảm 1,05 điểm, tương ứng với mức giảm 1,7% so với đầu năm. Trong 11 phiên giao dịch đầu tháng 5, khối lượng giao dịch đạt 25 triệu CP được chuyển nhượng với giá trị chuyển nhượng đạt 439 tỷ đồng. Bình quân một phiên giao dịch có 2,3 triệu CP được chuyển nhượng với giá trị bình quân đạt 39,9 tỷ đồng, bằng 72,5% về khối lượng và 98,1% về giá trị so với bình quân chung của tháng Tư. Lũy kế từ đầu năm, khối lượng giao dịch đạt 230 triệu CP được chuyển nhượng với giá trị đạt 3.686 tỷ đồng, tăng 88,3% về khối lượng và 338,6% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.


Đối với hoạt động cấp mã giao dịch, trong tháng Tư, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã cấp được 52 mã số giao dịch cho các nhà đầu tư nước ngoài (trong đó: cá nhân được cấp 40 mã và tổ chức được cấp 12 mã) đưa tổng số mã đã cấp cho nhà đầu tư nước ngoài từ đầu năm đến nay đạt 206 mã. Lũy kế, VSD đã cấp được 17.776 mã số giao dịch, trong đó cá nhân là 15.122 và tổ chức là 2.654. Số tài khoản giao dịch của các nhà đầu tư được cấp mới trong tháng Tư  đạt 9.641 (trong đó, cá nhân trong nước 9.529; tổ chức trong nước 62; cá nhân nước ngoài đạt 36 và tổ chức nước ngoài 14). Lũy kế từ đầu năm, số tài khoản được cấp mới 37.927 (trong đó: cá nhân trong nước 37.232; tổ chức trong nước 384; cá nhân nước ngoài 154; tổ chức nước ngoài 157).


Bên cạnh 5 vấn đề kinh tế được đề cập trong báo cáo một cách chi tiết, cụ thể thì báo cáo cũng đề cập đến 3 vấn đề xã hội lớn trong tháng là số vụ phạm pháp trong tháng, tình hình tệ nạn xã hội và tình hình trật tự an toàn giao thông.


Về số vụ phạm pháp có 587 vụ  gồm cả phạm pháp hình sự và phạm pháp kinh tế.


Riêng về phạm pháp hình sự, trong tháng Tư đã phát hiện 471 vụ, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó số vụ do công an khám phá được 364 vụ, giảm 0,3%; số đối tượng vi phạm bị bắt, giữ theo luật 675 người, giảm 2,6% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng  năm 2015 đã phát hiện 1991 vụ phạm pháp hình sự so với cùng kỳ năm trước tăng 17,9%, trong đó số vụ công an khám phá được 1593 vụ, tăng 19,8% so với cùng kỳ, số đối tượng bị bắt, giữ theo luật là 3091 người, tăng 16,4% so với cùng kỳ.


Cũng trong tháng Tư đã phát hiện 116 vụ phạm pháp kinh tế, so cùng kỳ tăng 28,9%; số đối tượng phạm pháp là 120 người so cùng kỳ tăng 15,4%. Cộng dồn 4 tháng số vụ phạm pháp kinh tế là 826 vụ, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, số đối tượng phạm pháp là 877 người, tăng 8,4% so với cùng kỳ.


Về tệ nạn xã hội với các vấn nạn về cờ bạc, mại dâm, ma túy.  Trong tháng Tư đã phát hiện 33 vụ cờ bạc, giảm 36,5% so cùng kỳ năm trước, số đối tượng bị bắt giữ 237 người, tăng 13,4% so cùng kỳ. Cộng dồn 4 tháng năm 2015 có 214 vụ cờ bạc bị phát hiện, giảm 63,3% so cùng kỳ; số đối tượng bị bắt giữ 1.305 người giảm 16,9% so với cùng kỳ.


Số vụ mại dâm bị phát hiện trong tháng Tư có 5 vụ, số đối tượng bị bắt giữ 5 người; Tính hết tháng Tư năm 2015 đã có 85 vụ mại dâm bị phát hiện giảm 3,4% so với cùng kỳ, số đối tượng bị bắt 100 người, giảm 34,2% so với cùng kỳ.


Tổng số vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy bị phát hiện trong tháng Tư là 84 vụ bắt giữ 112 đối tượng. Tính chung 4 tháng năm 2015 đã phát hiện 633 vụ buôn bán ma túy, giảm 33,7% so với cùng kỳ, số đối tượng bị bắt 788 người giảm 31,7 % so với cùng kỳ.


Về tình hình trật tự an toàn giao thông, trong tháng Tư toàn Thành phố đã xảy ra 148 vụ tai nạn giao thông làm 53 người bị chết, 126 người bị thương do tai nạn giao thông. Cộng dồn đến hết tháng Tư, xảy ra 577 vụ tai nạn giao thông, làm 205 người chết, 478 người bị thương.
 


Như Hoa (Theo Viện NCPT KTXH)


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         Lấy lại mã bảo mật