Tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố Hà Nội tháng 6 năm 2015 (10:04 03/07/2015)


HNP – Cục Thống kê Thành phố Hà Nội vừa tổng kết tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 của Thành phố Hà Nội. Trong tháng 6, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,8%; vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng 10,4%; tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 10,5%; kim ngạch xuất khẩu giảm 1,2%...


Tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn 6 tháng năm 2015 tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, chỉ số này biểu hiện cụ thể ở giá trị tăng thêm của các ngành công nghiệp – xây dựng, nông – lâm – thủy sản và dịch vụ.


Tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng năm 2015
                  (Giá so sánh năm 2010)

 

6 tháng 2014

6 tháng 2015

Tốc độ tăng 6 tháng 2015 so cùng kỳ (%)

Đóng góp vào tốc độ tăng (%)

Tổng số

174363

187879

7,8

7,8

Chia theo khu vực kinh tế

 

 

 

- Nông lâm thuỷ sản

8613

8857

2,8

0,1

- Công nghiệp xây dựng

71819

77300

7,6

3,2

   + Công nghiệp

53618

57196

6,7

2,1

   + Xây dựng

18201

20104

10,5

1,1

- Dịch vụ

93931

101722

8,3

4,5

 

- Giá trị tăng thêm ngành nông - lâm - thuỷ sản tăng 2,8% so cùng kỳ năm trước (đóng góp 0,1% vào mức tăng chung). Vụ đông năm nay, thời tiết đầu năm có một số đợt rét đậm nhưng không kéo dài nên vẫn tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Vụ xuân, năng suất lúa và hoa màu không cao, nguyên nhân do thời tiết đầu vụ gieo cấy nắng ấm, nhiệt độ trung bình cao nên khi cấy xong cây lúa phát triển nhanh. Đến thời kỳ lúa đẻ nhánh, làm đòng lượng mưa ít, kèm theo sâu bệnh gây hại cục bộ ở một số diện tích lúa và hoa màu nên đã ảnh hưởng tới năng suất. Cây lâu năm có sự biến động về cơ cấu các loại cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác của từng địa phương nên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ổn định, không xảy ra các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Giá cả đầu vào, đầu ra như giống, thức ăn chăn nuôi ổn định, đã tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn Thành phố phát triển chăn nuôi. Thủy sản phát triển tốt do thay đổi hình thức nuôi ở trình độ kỹ thuật cao, tuân thủ theo các qui tắc kỹ thuật tác động đến quá trình phát triển và sinh trưởng của con giống, nên cho năng suất cao hơn so với phương pháp nuôi truyền thống. Mô hình chuyển đổi mục đích sản xuất, từ trồng cây hàng năm sang nuôi trồng thuỷ sản, đã tạo điều kiện để ngành nuôi trồng thuỷ sản phát triển.


- Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp - xây dựng tăng 7,6% so cùng kỳ năm trước (đóng góp 3,2% vào mức tăng chung).


Nhìn chung sản xuất công nghiệp sau một thời gian dài với nhiều khó khăn và giữ nhịp độ tăng trưởng chậm đã có những tín hiệu tốt, tuy chưa thực sự đột phá nhưng đã cho thấy sự phục hồi khả quan của sản xuất công nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung trong thời gian tới. So với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2014, nhiều ngành chiếm tỷ trọng lớn có tốc độ tăng khá. Tuy chỉ số tồn kho sản phẩm nhìn chung vẫn ở mức cao nhưng xét theo chỉ số sản xuất và chỉ số tiêu thụ sản phẩm thì kết quả chung đã phản ảnh sản xuất phục hồi và đã được đẩy mạnh, sức tiêu thụ sản phẩm đã có những chuyển biến tích cực hơn so với năm trước. Dự báo trong những tháng tới, sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ ổn định và đạt mức tăng trưởng khả quan hơn so với năm 2014.


Ngành xây dựng có mức tăng trưởng khá. Ước 6 tháng đầu năm, giá trị gia tăng ngành này tăng 10,5% (cùng kỳ 2014 tăng 8,9%). Ngay từ cuối năm 2014 và đầu năm 2015, nhiều dự án phát triển giao thông đã được khởi công xây dựng và được ngành giao thông tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào sử dụng, đặc biệt là những dự án phát triển đường cao tốc. Các dự án phát triển hạ tầng, phát triển đô thị đã được chủ đầu tư quan tâm giải ngân bám sát theo khối lượng thi công. Các nhà thầu tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm đảm bảo đúng cam kết với chủ đầu tư, khách hàng.

 


- Giá trị tăng thêm các ngành dịch vụ tăng 8,3% so cùng kỳ năm trước (đóng góp 4,5% vào mức tăng chung).


Khối lượng vận chuyển và luân chuyển hàng hoá và hành khách của các doanh nghiệp vận tải Hà Nội tăng đáng kể. Ngành vận tải, bưu chính viễn thông có mức tăng khá. Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển. Khách tham quan, du lịch Hà Nội tăng khá, nhất là dịp Tết. Tổng nguồn vốn huy động và dư nợ của các tổ chức tín dụng tăng khá so cùng kỳ năm trước. Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu ấm dần lên. Các giao dịch bất động sản thành công đạt tỷ lệ cao so với cùng kỳ năm trước. Thành phố đã thực hiện một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản như: điều chỉnh cơ cấu căn hộ nhà thương mại, chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội… Các ngành khối hành chính sự nghiệp như quản lý nhà nước, giáo dục, văn hoá, y tế… vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá.

 

Tình hình sản xuất kinh doanh và biến động lao động trong các doanh nghiệp


Đối với sản xuất kinh doanh, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tháng Sáu năm 2015 tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành khai khoáng giảm 10,3% và 37,4%; Công nghiệp chế biến chế tạo tăng 0,9% và 7,6%; Sản xuất và phân phối điện ổn định so với tháng trước và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước; Cung cấp nước và hoạt động thu gom xử lý rác, nước thải tăng không đáng kể so với tháng trước và tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.

Cộng dồn 6 tháng năm 2015, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp  tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành khai khoáng giảm 13,1%; Công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7%; Sản xuất và phân phối điện tăng 11,1%; Cung cấp nước và hoạt động thu gom xử lý rác, nước thải giảm 1,3% (do năm nay mực nước hạ lưu sông và mực nước ngầm giảm thấp so với vài năm gần đây đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác sản xuất nước sạch).

Nhìn chung sản xuất công nghiệp sau một thời gian dài với nhiều khó khăn và giữ nhịp độ tăng trưởng chậm đã có những tín hiệu tốt, tuy chưa thực sự đột phá nhưng đã cho thấy sự phục hồi khả quan của sản xuất công nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung trong thời gian tới.

Một số ngành có tốc độ tăng chỉ số sản xuất  cao so với tốc độ tăng chung của toàn ngành như: Sản xuất trang phục (tăng 19%); Chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, mây tre giang (tăng 39%); Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (tăng 21,3%); Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (tăng 9%); Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (tăng 23,5%); Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (tăng 16,5%); Sản xuất xe có động cơ (tăng 39,3%); Sản xuất và phân phối điện (tăng 11,1%)… Một số ngành, do vẫn chưa thoát ra được khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, hoặc thiếu vốn lưu động cho sản xuất… có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ  năm trước như: Sản xuất chế biến thực phẩm (giảm 7,8%); công nghiệp dệt (giảm 9,6%); sản xuất sản phẩm cao su, plastic (giảm 14%); sản xuất kim loại (giảm 18,4%)…

Tháng Sáu năm 2015 so với tháng trước, một số sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp Hà Nội tăng như: Bia lon tăng 7,2%; Sợi tơ bông tổng hợp tăng 5,1%; áo sơ mi cho người lớn dệt kim tăng 3,4%; Quần áo thể thao tăng 3,4%; Bê tông thương phẩm tăng 6,5%; Vỉ mạch điện tử tích hợp tăng 22,2%; Tủ lạnh tăng 5,8%; Máy giặt tăng 2,1%;  Ô tô trên 10 chỗ tăng 1,9%; Ô tô tải tăng 2,6%…

Năm tháng đầu năm 2015, chỉ số tiêu thụ sản phẩm toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo  tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, những ngành có chỉ số tiêu thụ sản phẩm tăng khá so với bình quân chung toàn ngành như: Sản xuất trang phục (tăng 12,1%); Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (tăng 66,8%); Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (tăng 60,1%); Sản phẩm từ cao su plastic (tăng 22,7%); Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại (tăng 30,7%); Xe có động cơ (tăng 88,6%); Giường tủ bàn ghế (tăng 17,7%)... Một số ngành sản xuất có chỉ số tiêu thụ sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất chế biến thực phẩm (giảm 21,4%); Công nghiệp dệt (giảm 16%); Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (giảm 13,8%); Sản xuất kim loại (giảm 28,2%)…

Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/6/2015 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 46,4% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành sản phẩm sức tiêu thụ sản phẩm còn chậm, nhiều khó khăn, lượng tồn kho ứ đọng kéo dài, mức tồn kho cộng dồn tương đối cao so với cùng kỳ như: Sản xuất chế biến thực phẩm (tăng 30,5%); Chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, mây tre giang đan (tăng 106%); Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (tăng 117,1%)…

Tuy chỉ số tồn kho sản phẩm, nhìn chung vẫn ở mức cao, nhưng xét theo chỉ số sản xuất và chỉ số tiêu thụ sản phẩm thì kết quả chung đã phản ảnh sản xuất phục hồi và đã được đẩy mạnh, sức tiêu thụ sản phẩm đã có những chuyển biến tích cực và khả quan hơn so với năm 2014.

 


Về tình hình biến động lao động trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, Tháng Sáu năm 2015, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tăng 0,23% so với tháng trước và tăng 0,22% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: khu vực kinh tế nhà nước giảm 1,7% so cùng kỳ, khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 0,2% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,2%.

Một số ngành kinh tế có chỉ số sử dụng lao động trong tháng tăng so cùng kỳ là: sản xuất trang phục (tăng 9,2%), sản xuất thuốc lá (tăng 8,6%), sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (tăng 3,5%), sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (tăng 2,7%), sản xuất kim loại (tăng 6,4%) , sản xuất xe có động cơ (tăng 15,5%), sản xuất giường tủ (tăng 11,8%)... Một số ngành, chỉ số sử dụng lao động giảm là: sản xuất đồ uống (giảm 15,2%), dệt (giảm 10,2%), chế biến gỗ (giảm 22,8%), sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (giảm 1,4%), sản xuất thiết bị điện (giảm 4,1%), sản xuất phương tiện vận tải khác (giảm 0,9%)...

Về xây dựng cơ bản với nguồn vốn đầu tư xã hội, cụ thể là các dự án trên địa bàn thành phố và đầu tư trực tiếp nước ngoài, đăng ký thành lập doanh nghiệp.


Với nguồn vốn đầu tư phát triển trên địa bàn hay còn gọi là vốn đầu tư xã hội, ước tính 6 tháng năm 2015 đạt 136.956 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: vốn nhà nước trên địa bàn, tăng 1,4%; vốn ngoài nhà nước tăng 15,4%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 0,9% so với cùng kỳ.


Chia theo khoản mục đầu tư: Vốn đầu tư xây dựng cơ bản, chiếm tỷ trọng 32,2%, tăng 26% so cùng kỳ năm trước; Vốn đầu tư mua sắm tài sản cố định dùng cho sản xuất, chiếm tỷ trọng 23,6%, tăng 3,4%; Vốn đầu tư sửa chữa lớn, nâng cấp tài sản, chiếm tỷ trọng 3,1%, tăng 5,8%; Vốn đầu tư bổ sung vốn lưu động, chiếm tỷ trọng 38,8%, tăng 4,9%; Vốn đầu tư khác, chiếm tỷ trọng 2,3%, tăng 1,3%.


Thành phố cơ cấu lại đầu tư công theo hướng bố trí vốn tập trung, khắc phục cơ bản tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản và công tác quản lý đầu tư từ ngân sách nhà nước được tăng cường, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo các công trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện đạt yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng và tiến độ đề ra.  Cuối tháng Năm, UBND Thành phố Hà Nội đã ra Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn đầu tư công. Theo đó Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Lãnh đạo các Tổng công ty, Công ty nhà nước và các chủ đầu tư có sử dụng nguồn vốn đầu tư công khẩn trương triển khai thực hiện, tăng cường trách nhiệm, kiểm soát chặt chẽ công tác lập, trình, thẩm định, phê duyệt mới, phê duyệt điều chỉnh và triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định, đảm bảo đầu tư tập trung, hiệu quả và chấn chỉnh công tác quản lý để đảm bảo không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công.


Nhìn chung, các chủ đầu tư, ban quản lý, đơn vị thi công các công trình trọng điểm của thành phố đều thực hiện đúng tiến độ yêu cầu, 6 tháng đầu năm đã thực hiện được trên 50% kế hoạch năm và đều có nhu cầu bổ sung thêm vốn trong năm 2015 phục vụ công tác giải phóng mặt bằng và thực hiện thi công. Công tác giải ngân kế hoạch vốn 6 tháng đầu năm 2015 kịp thời, bám sát tiến độ thi công.


Hiện nay, tiến độ một số công trình, dự án trên địa bàn thành phố cụ thể như sau:


- Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội, tổng số 14 gói thầu đã hoàn thành và bàn giao 05 gói; đang triển khai thi công 09 gói theo tiến độ, trong các gói thầu đang triển khai thi công đã có một số hạng mục đã hoàn thành thi công, bàn giao tạm thời và đưa vào vận hành, sử dụng gồm: Gói thầu số 9 (xây dựng cống) với 45/46 tuyến cống, gói thầu số 3 (cải tạo kênh mương thoát nước lưu vực sông Tô Lịch, Hoàng Liệt, Lừ Sét), gói thầu số 4 (cải tạo kênh mương thoát nước lưu vực sông Kim Ngưu).


- Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội: Dự án gồm 9 gói thầu chính (5 gói thầu xây lắp và 4 gói thầu thiết bị). Hiện Ban quản lý dự án đã ký hợp đồng 4 gói xây lắp (CP01, CP02,CP04, CP05) đang triển khai đấu thầu các gói thầu còn lại (CP03, CP06, CP07, CP08, CP09) đến nay đã đáp ứng được tiến độ điều chỉnh dự án.


- Dự án đường vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng: Đoạn Tôn Thất Tùng - Sông Lừ (gồm cầu L5 qua sông lừ) đã cơ bản hoàn thành đồng bộ toàn tuyến thảm mịn, hè cây xanh, chiếu sáng… (cầu L5 đã hoàn thành đơn nguyên trái tuyến, dự kiến thi công cầu L5 hoàn thành trong quý 3/2015); Đoạn Sông Lừ - Ngã Tư Vọng: đã thi công trên mặt bằng đã có, dự kiến hoàn thành trong năm 2015; Đoạn Tôn Thất Tùng - Ngã Tư Sở: Đã tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công để trong năm 2015 thông xe trước làn đường phía Thanh Xuân, tổ chức thi công làn đường phía Đống Đa để hoàn thành toàn bộ công trình trong quý 1/2016.


Đối với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và đăng ký thành lập doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài 6 tháng ước đạt 501 triệu USD, bằng 86% so với cùng kỳ năm 2014. Một số dự án đang đẩy nhanh thủ tục cấp phép: Tổ hợp Metropolis Hà Nội (222,4 triệu USD), Công ty TNHH Lotte Coralis (tăng 30 triệu USD), Bách hóa tổng hợp và siêu thị Aeon-Long Biên (15 triệu USD), Siêu thị Lotte (tăng 14 triệu USD). Ước 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện đạt 460 triệu USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2014. Thành phố đã tổ chức hội nghị gặp gỡ đối thoại với 37 dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư; sau hội nghị đã chỉ đạo các sở, ngành giải quyết cụ thể các vướng mắc liên quan với từng dự án để đẩy nhanh tiến độ.


Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng, số doanh nghiệp ngừng hoạt động giảm. Tính đến 15/5, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 6.717, tăng 22,1%; vốn đăng ký đạt 42.498 tỷ đồng, tăng 49,1% so với cùng kỳ năm 2014; Trong 4 tháng đầu năm có 4.211 doanh nghiệp ngừng hoạt động (giảm 17% so cùng kỳ), trong đó, 401 doanh nghiệp giải thể, 2.098 bỏ địa chỉ kinh doanh, 1.712 tạm ngừng kinh doanh.


Về thương mại dịch vụ với các ngành nội thương, ngoại thương, du lịch, vận tải và giá cả thị trường


Nội thương tháng Sáu năm 2015, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 150.403 tỷ đồng tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 8,7% so với cùng kỳ, trong đó bán lẻ 36047 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ.


Đang là tháng cao điểm của mùa hè nên doanh thu một số mặt hàng như: quạt điện, điều hoà, quạt tích điện, thiết bị lưu điện, đèn sạc, máy phát điện và các dịch vụ giải khát,... tăng.


Ước tính 6 tháng đầu năm 2015, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 887.770 tỷ đồng, tăng 10,5% so cùng kỳ, trong đó bán lẻ đạt 209.876 tỷ đồng tăng 10,3%. Tốc độ tăng của tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ 6 tháng năm nay nếu loại trừ yếu giá tăng 9,6% so cùng kỳ.


Tổng mức bán ra chia theo thành phần kinh tế: Kinh tế nhà nước 260.502 tỷ đồng tăng 7,1% so cùng kỳ, kinh tế ngoài nhà nước 583.162 tỷ đồng tăng 12,5%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 44.106 tỷ đồng tăng 5,6%.

Ngoại thương tháng Sáu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu đạt 897 triệu USD tăng 2,7% so với tháng trước và giảm 5,6% so cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu địa phương ước đạt 627 triệu USD tăng 2,6% so tháng trước, giảm 5,7% so cùng kỳ. Trong tháng Sáu, một số mặt hàng có tốc độ tăng khá so tháng trước là: hàng dệt may tăng 3,7%, thủ công mỹ nghệ tăng 6,7%...


Uớc tính 6 tháng năm 2015, kim ngạch xuất khẩu đạt 5.306 triệu USD giảm 1,2% so cùng kỳ, trong đó xuất khẩu địa phương giảm 1,1%. Một số nhóm hàng xuất khẩu tăng khá so cùng kỳ là: giày dép các loại và sản phẩm từ da (tăng 4,4%), linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi (tăng 3,8%). Nhóm hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu giảm nhẹ so cùng kỳ (giảm 0,1%). Ngoài mặt hàng hạt tiêu có tốc độ tăng khá, còn lại các mặt hàng như gạo, chè, cà phê, sắn …đều giảm mạnh. Từ đầu năm đến nay, nhiều thị trường xuất khẩu gạo chủ lực của Hà Nội như Cu Ba, Trung Quốc, châu Phi đều giảm lượng nhập khẩu. Bên cạnh đó, gạo của nước ta còn chịu sự cạnh tranh rất lớn từ một số nước khác như Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan.


Một số thị trường xuất khẩu lớn của Hà Nội là: Mỹ (chiếm 14,6%), Nhật Bản (chiếm 12,9%), Trung Quốc (chiếm 13,2%)…


Tháng Sáu năm 2015, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2.061 triệu USD, tăng 1,1% so tháng trước, giảm 1,5% so cùng kỳ. Trong đó, nhập khẩu địa phương đạt 882 triệu USD tăng 0,2% so tháng trước và giảm 1,9% so cùng kỳ.


Ước tính 6 tháng năm 2015, kim ngạch nhập khẩu đạt 11.814 triệu USD tăng 2,1% so cùng kỳ, trong đó nhập khẩu địa phương ước tăng 2,5%. Trị giá nhập khẩu một số mặt hàng 6 tháng tăng so với cùng kỳ là: máy móc thiết bị phụ tùng (tăng 7,2%), hoá chất (tăng 10,2%). Mặt hàng nhập khẩu giảm mạnh so cùng kỳ là xăng dầu (giảm 28,2%).


Thị trường nhập khẩu chủ yếu của Hà Nội là Trung Quốc chiếm 33,5% tổng kim ngạch nhập khẩu, Nhật Bản chiếm 9,9%, Singapore 8,2%.


Du lịch tháng Sáu năm 2015, khách Quốc tế vào Hà Nội khoảng 162 nghìn lượt khách, giảm 6,1% so tháng trước và tăng 67,9% so cùng kỳ. Khách quốc tế lưu trú tại Hà Nội chia theo phương tiện đến như sau: Bằng đường hàng không là 136,5 nghìn lượt người, giảm 6% so tháng trước; đến bằng đường biển, đường bộ 25,7 nghìn lượt người, giảm 6,9%. Doanh thu khách sạn, lữ hành tăng 0,2% so tháng trước và tăng 3% so cùng kỳ.


Uớc tính 6 tháng năm 2015, lượng khách quốc tế lưu trú tại Hà Nội là 1129 nghìn lượt người tăng 8,8% so cùng kỳ. Trong đó, khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng 901 nghìn lượt tăng 7,7%  so cùng kỳ, khách đến vì công việc 200 nghìn lượt tăng 12,6%.


Khách quốc tế lưu trú tại Hà Nội 6 tháng năm 2015 chia theo phương tiện đến như sau: Bằng đường hàng không là 961,3 nghìn lượt người, tăng 20,7% so với cùng kỳ; đến bằng đường biển, đường bộ 167,8 nghìn lượt người, giảm 30,5%. Trong 6 tháng năm 2015, khách quốc tế lưu trú tại Hà Nội đến từ một số thị trường so cùng kỳ tăng cao là: Hàn Quốc (tăng 61,1%), Thái Lan (tăng 25,8%), Mỹ (tăng 21,2%)...


Ước tính 6 tháng đầu năm 2014, khách nội địa đến Hà Nội tăng 5,8% so cùng kỳ năm trước.


Nhằm thu hút khách, đồng loạt nhiều công ty đã xúc tiến các tour giảm giá với nhiều hình thức khuyến mãi. Các tour du lịch nước ngoài có giá ưu đãi cũng đang là lựa chọn của nhiều gia đình và cá nhân trong mùa du lịch này.


Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tăng 3,2% so cùng kỳ.

 


Về giá cả thị trường, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Sáu năm 2015 tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 0,98% so cùng kỳ. Nguyên nhân khiến chỉ số giá tháng này tăng là do giá xăng dầu được điều chỉnh tăng từ 20/5 khiến cho nhóm giao thông tăng (tăng 3,58% so với tháng trước). Ngoài nhóm giao thông có chỉ số tăng cao các nhóm còn lại đều tăng nhưng mức tăng không đáng kể.


Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,43%, trong đó, lương thực giảm 0,55%, thực phẩm giảm 0,72%. Nguyên nhân khiến giá gạo giảm là do nguồn cung dồi dào, miền Bắc được mùa với năng suất cao khiến  nguồn cung khá dồi dào, bên cạnh đó lượng gạo xuất khẩu giảm, lượng gạo tồn kho tại các tỉnh phía Nam khá lớn. Các mặt hàng khác trong nhóm lương thực như mì tôm, bánh đa, khoai lang... giữ giá ổn định. Hầu hết các mặt hàng trong nhóm thực phẩm giảm. Nguyên nhân khiến nhóm thực phẩm giảm là do giá thịt lợn tại các chợ tiếp tục giảm so với cuối tháng Năm. Giá thịt lợn giảm do nguồn cung dồi dào, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu của người dân không cao. Dự báo nhóm hàng này sẽ tiếp tục giảm trong tháng tới. Rau xanh giảm do thời tiết thuận lợi nên một số loại rau chính vụ tăng trưởng tốt. Ăn uống ngoài gia đình tăng nhẹ (tăng 0,3%) so tháng trước.


Giá một số mặt hàng trong nhóm may mặc như vải, quần áo, giày dép mùa hè có xu hướng tăng nhẹ.


Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,06% so tháng trước. Nguyên nhân do nắng nóng nên sản lượng điện, nước tiêu thụ tăng khiến cho giá điện bình quân tăng lên. Giá dầu hỏa giữ nguyên. Giá gas bán lẻ giảm do giá gas thế giới giảm. Các mặt hàng khác trong nhóm như sắt, thép… giảm nhẹ; đá, cát, sỏi… tăng nhẹ do giá xăng tăng nên chi phí vận chuyển tăng.


Trong tháng, chỉ số giá vàng tăng trở lại (tăng 0,69% so tháng trước) và chỉ số giá USD cũng tăng 0,78%.


Về vận tải, tháng Sáu năm 2015 so tháng trước khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 0,4%; khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 2,5%; doanh thu vận chuyển hàng hoá tăng 0,8%. Khối lượng hành khách vận chuyển tăng 0,5%; khối lượng hành khách luân chuyển tăng 0,6%; doanh thu vận chuyển hành khách tăng 1,5%.


Dự kiến 6 tháng đầu năm 2015 so cùng kỳ năm trước, khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 9,5%; khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 11,9%; doanh thu vận chuyển hàng hoá tăng 13,7%. Khối lượng hành khách vận chuyển tăng 10,7%; khối lượng hành khách luân chuyển tăng 12%; doanh thu vận chuyển hành khách tăng 14,2%.

Về sản xuất nông nghiệp với các ngành chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản.


Ngành trồng trọt với việc trồng các cây hàng năm và cây lâu năm.


Đối với cây hàng năm, hiện nay, trên địa bàn các quận huyện đang thu hoạch lúa xuân, đến nay đã cơ bản thu hoạch xong, chỉ còn một số diện tích cấy muộn thuộc các huyện Sóc Sơn, Đông Anh và Gia Lâm đang thu hoạch, đồng thời chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho sản xuất vụ Mùa.


- Diện tích: Diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân năm 2015 đạt 173.442 ha, tăng 2,8% so cùng kỳ năm trước (chủ yếu do diện tích vụ Đông tăng). Diện tích một số cây trồng chủ yếu: lúa 100.942 ha, giảm 0,6%; ngô 16.816 ha, tăng 5,6%; khoai lang 3.600 ha, tăng 19,7%; đậu tương 18.735 ha, tăng 9,7%; rau, đậu 27.558 ha, tăng 7,3%,...


Công tác dồn điền đổi thửa tại một số xã đã cơ bản hoàn thành nên nhân dân có điều kiện thuận lợi gieo trồng cây vụ Đông như: Sóc Sơn, tổng diện tích gieo trồng tăng 645 ha (trong đó, tập trung ở cây ngô tăng 375 ha); Ba Vì, tổng diện tích tăng 623 ha (trong đó, ngô tăng 375 ha, khoai lang tăng 119 ha,...).


- Năng suất: do thời tiết đầu vụ gieo cấy nắng ấm, nhiệt độ trung bình cao nên khi cây xong cây lúa phát triển nhanh. Đến thời kỳ lúa đẻ nhánh, làm đòng lượng mưa ít, kèm theo sâu bệnh gây hại cục bộ ở một số diện tích lúa và hoa màu nên đã ảnh hưởng tới năng suất. Cụ thể, năng suất lúa vụ Xuân 2015 ước đạt đạt 60,9 tạ/ha, giảm 0,4% so cùng kỳ; ngô ước đạt 48,5 tạ/ha, tăng 0,2%; khoai lang 98,6 tạ/ha, giảm 4,4%; rau các loại 208,1 tạ/ha; tăng 2,9%; đậu tương 14,6 tạ/ha, tăng 1,2%;...


- Ước tính sản lượng một số loại cây trồng: Lúa ước đạt 614.386 tấn, giảm 1,0%;  Ngô đông xuân 81.575 tấn, tăng 5,9%; khoai lang đông xuân 35.846 tấn, tăng 14,4%; Đậu tương 27.328 tấn, tăng 11%; Lạc 6.540 tấn, giảm 10,2%; Rau các loại 486.693 tấn, tăng 10,1%,....


Đối với cây lâu năm, ước tính 6 tháng đầu năm, diện tích cây lâu năm hiện có là 18.800 ha, tăng 7,3% so cùng kỳ (trong đó, cây ăn quả 14.898 ha, tăng 6,9%). Cụ thể như sau: Nhóm cây ăn quả nhiệt đới, cận nhiệt đới hiện có 6.601 ha, tăng 4,8%  (trong đó: xoài 420 ha, tăng 1,5%; Chuối 31.53 ha, tăng 5,2%; thanh long 46 ha, tăng 41,6%; dứa 303 ha, giảm 2,8%; Na 139 ha, giảm 1,3%; đu đủ 668 ha, giảm 8,5% so với cùng kỳ); nhóm cây ăn quả có múi khác 3.749 ha, tăng 4,1%; cây ăn quả chứa dầu có 13,4 ha, tăng 2,8%; cây chè 3.304 ha, tăng 15,4 so cùng kỳ.


Về sản lượng, nhóm cây ăn quả như xoài, chuối, thanh long tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước. Cụ thể, sản lượng thu hoạch cây xoài 2.828 tấn, tăng 44,5%; Chuối 38.800 tấn, tăng 29%;  thanh long 22 tấn, tăng 9,5%; Cây dứa 3.683 tấn, giảm 5%; đu đủ 4.911 tấn, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2014.


Nhìn chung, ước tính 6 tháng đầu năm của các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội thì tổng diện tích gieo trồng cây lâu năm biến động không nhiều so với cùng kỳ năm trước nhưng cơ cấu các loại cây trồng có sự biến động phù hợp với điều kiện canh tác của từng địa phương để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 


Ngành chăn nuôi, ước tính đàn trâu hiện có 24.180 con, đàn bò 141.661 con (trong đó, đàn bò sữa có 14.848 con); lợn 1,4 triệu con, tăng 3% (trong đó đàn lợn thịt 1,3 triệu con, tăng 6,6% so cùng kỳ).


Đàn gia cầm hiện có 25,6 triệu con (trong đó, đàn gà 16,1 triệu con, tăng 4,9%; đàn vịt, ngang, ngỗng 6,2 triệu con, giảm 0,9% so cùng kỳ). Nguyên nhân đàn gia súc, gia cầm năm nay tăng so với cùng kỳ do từ đầu năm đến nay các dịch bệnh được kiểm soát, không có ổ dịch bệnh nào xảy ra trên địa bàn Thành phố. Các địa phương thường xuyên tổ chức các đợt tiêm phòng dịch, giá cả thức ăn chăn nuôi vẫn giữ ổn định, giá thực phẩm trên thị trường cũng được giữ vững, nên bà con nông dân đã đầu tư chăn nuôi khá ổn định.


Về sản lượng sản phẩm chăn nuôi, số trâu, bò xuất chuồng và sản lượng thịt hơi ước tính như sau: Số trâu xuất chuồng 2.904 con, tăng 1,4%; sản lượng 748 tấn, tăng 2,6%. Số bò xuất chuồng 25.777 con, tăng 12,5%; sản lượng đạt 5.009 tấn, tăng 10,1%; sản lượng sữa tươi đạt 16.926 tấn, tăng 8,5%.


Số đầu lợn xuất chuồng giảm nhẹ so với cùng kỳ: Số lợn xuất chuồng 1,7 triệu con, giảm 0,1%, sản lượng thịt hơi 150.933 tấn, giảm 0,6%. Đàn gia cầm số lượng xuất chuồng 20,4 triệu con, tăng 4,1%; sản lượng thịt hơi 41.721 tấn, tăng 3,5%; sản lượng trứng trong kỳ 657,8 triệu quả, tăng 6,2%.


Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ổn định, không xảy ra các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Giá cả đầu vào, đầu ra như giống, thức ăn chăn nuôi ổn định, đã tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn Thành phố phát triển chăn nuôi.


Ngành lâm nghiệp, ước tính 6 tháng đầu năm diện tích rừng được trồng mới 124 ha, giảm 1,6% so với cùng kỳ, trong đó rừng sản xuất trồng mới 113 ha, giảm 0,9%, rừng phòng hộ trồng được 11 ha, giảm 8,3% so với cùng kỳ 2014. Diện tích rừng trồng mới tập trung ở 3 huyện là; Quốc Oai 20 ha, Thạch Thất 64 ha, Ba vì 29 ha. Diện tích rừng trồng được giao chăm sóc là 766 ha, tăng 1,4%. Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ 11.384 ha, tăng 2,1% và được tập trung tại 4 huyện: Sóc Sơn, Ba Vì, Thạch Thất và Mỹ Đức. Rừng được khoanh nuôi tái sinh là 32 ha. Số cây lâm nghiệp phân tán đã trồng gần 735,8 ngàn cây, tăng 44,4% so với cùng kỳ.


Tình hình khai thác gỗ và lâm sản 6 tháng đầu năm nhìn chung tăng hơn  cùng kỳ năm trước, tập trung ở khu vực rừng trồng; Các loại cây khai thác phần lớn là cây Bạch đàn, Keo làm nguyên liệu giấy và gỗ chống lò, côppha xây dựng. Tổng số gỗ khai thác ước tính 8.151 m3 , tăng 1,4%; Củi khai thác được  13.256 Ste, tăng 6,1%; Nứa hàng 45 ngàn cây, tre, luồng 936 ngàn cây, song mây 21 tấn,…


Thiệt hại rừng: Tính từ đầu năm đến hết tháng 5, trên địa bàn Thành phố đã không xảy ra vụ cháy rừng nào. Từ đầu tháng 6 đến nay do thời tiết nắng, nóng nên trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 1 vụ cháy rừng với diện tích bị cháy là 0,2 ha diện tích rừng trồng, giá trị thiệt hại ước tính khoảng 0,4 triệu đồng; chưa phát hiện vụ chặt phá rừng làm nương rãy nào.


Nhìn chung công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng vẫn được các cấp Uỷ Đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sát sao. Chi cục Kiểm Lâm phối hợp với các địa phương có rừng thực hiện tốt công tác tuyên truyền lưu động về bảo vệ và phòng chống cháy rừng, nên tuy có xảy ra 1 vụ cháy rừng nhưng thiệt hại không đáng kể.


Ngành thủy sản thể hiện ở diện tích và sản lượng nuôi trồng, ước tính 6 tháng đầu năm 2015, toàn Thành phố có 22.361 cơ sở nuôi trồng thủy sản, tăng 21,8% so với cùng kỳ, trong đó nuôi cá 22.000 cơ sở; nuôi lồng, bè 75 cơ sở; sản xuất giống 286 cơ sở. Chia theo hình thức nuôi thì nuôi thâm canh có 8.270 cơ sở, tăng 2,1% cùng kỳ; bán thâm canh 11.861 cơ sở; nuôi quảng canh còn 2.114 cơ sở, chiếm 9,5% số cơ sở nuôi trồng thủy sản. Cho đến nay, kỹ thuật nuôi thâm canh và bán thâm canh gắn với bảo vệ môi trường đã được định hình rõ. Tỷ lệ hộ nuôi trồng với kỹ thuật đơn giản truyền thống đã giảm so với cùng kỳ năm trước. Thay vào đó là hình thức nuôi ở trình độ kỹ thuật cao, tuân thủ theo các qui tắc kỹ thuật tác động đến quá trình phát triển và sinh trưởng của con giống, cho năng suất cao hơn so với phương pháp nuôi truyền thống.


Về diện tích nuôi trồng thuỷ sản: Toàn Thành phố ước đạt 17.855 ha, tăng 11,2% so với cùng kỳ. Trong đó diện tích nuôi cá 17.767 ha tăng 11,4%; Diện tích ươm nuôi giống thuỷ sản là 79 ha giảm 9,9%. Số lồng bè  là 175 lồng, giảm 4,9% so với cùng kỳ.


Về sản lượng: Ước tổng sản lượng thuỷ sản 6 tháng toàn Thành phố đạt 38.199 tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ. Trong đó sản lượng thuỷ sản khai thác 1.552 tấn, tăng 1% so với cùng kỳ.


Sản lượng nuôi trồng ước đạt 36.647 tấn, tăng 5,3%, trong đó nuôi cá 36.640 tấn, tăng 5,3%; thuỷ sản khác 6,7 tấn;….


Nhìn chung, với mô hình chuyển đổi mục đích sản xuất, từ trồng cây hàng năm sang nuôi trồng thuỷ sản, đã tạo điều kiện để ngành nuôi trồng thuỷ sản phát triển. Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu, kiểm soát dịch bệnh, tăng cường đầu tư cho thuỷ sản cũng như chủ động, tích cực trong công tác qui hoạch. Bên cạnh đó cần nắm vững qui luật thời tiết, hướng dẫn kỹ thuật, chủ động sản xuất con giống hướng đến một ngành nuôi trồng thuỷ sản phát triển bền vững.

Tình hình tài chính - tín dụng


Về tài chính, tổng thu NSNN trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước thực hiện 72.436 tỷ đồng (không bao gồm thu từ cổ tức và lợi nhuận còn lại của các DNNN), đạt 51,1% dự toán, tăng 13,3% so với cùng kỳ (nếu tính cả thu cổ tức và lợi nhuận còn lại của các DNNN thì đạt 60,9% dự toán), trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 6.197 tỷ đồng, đạt 48,9% dự toán, tăng 12%; thu từ dầu thô 2.142 tỷ đồng, đạt 53,6% dự toán và bằng 55,5% so với cùng kỳ; thu nội địa ước thực hiện 64.097 tỷ đồng, đạt 51,3% dự toán, tăng 17,5% so với cùng kỳ.


Tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm ước thực hiện 26.965 tỷ đồng, đạt 45,6% dự toán, tăng 13,2% so với cùng kỳ; trong đó, chi ngân sách cấp Thành phố đạt 44,3%, chi ngân sách quận, huyện, thị xã đạt 47,4% dự toán. Chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Thành phố là 11.687 tỷ đồng, đạt 48,1% dự toán, tăng 13,1% so với cùng kỳ. Các khoản chi thường xuyên ước thực hiện 15.180 tỷ đồng, đạt 46,2% dự toán, tăng 12,6% so với cùng kỳ, trong đó, chi thường xuyên ngân sách Thành phố đạt 44,9% dự toán, quận, huyện, thị xã đạt 47,5%. Nhìn chung ngân sách đã chủ động, đảm bảo, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các khoản chi cho các cấp, các ngành thực hiện nhiệm vụ phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh theo đúng dự toán được giao và phù hợp với tiến độ triển khai thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị.


Về tín dụng, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước tính tháng Sáu đạt 1.288 nghìn tỷ đồng, tăng 1% so tháng trước và tăng 8,2% so tháng 12/2014; trong đó, tiền gửi tăng 1% so tháng trước và tăng 8,5% (tiền gửi tiết kiệm tăng 0,8% và 13,9%, tiền gửi thanh toán tăng 1,1% và tăng 4,7%), phát hành giấy tờ có giá tăng 1,7% và tăng 2,8%.


Tổng dư nợ cho vay ước tính tháng Sáu gần 1.102 nghìn tỷ đồng, tăng 0,3% so tháng trước và tăng 9% so tháng 12/2014, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 0,2% và tăng 8,7%, dư nợ trung và dài hạn tăng 0,4% và 9,5%.


Về thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 15/6, trên hai sàn chúng khoán do Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội quản lý có 560 doanh nghiệp niêm yết (trong đó, HNX có 361 doanh nghiệp và Upcom có 199 doanh nghiệp), với giá trị niêm yết đạt 126.302 tỷ đồng, tăng 7,6% so với đầu năm (trong đó: HNX đạt 96.669 tỷ đồng, tăng 3,6%; Upcom đạt 29.633 tỷ đồng, tăng 22,9%). Vốn hóa toàn thị trường đạt 185.954 tỷ đồng, tăng 7,4% so với đầu năm (trong đó: HNX đạt 146.100 tỷ đồng, tăng 7,4%; Upcom đạt 39.854 tỷ đồng, tăng 7,2%).


Thị trường cổ phiếu niêm yết (HNX) tiếp tục đà tăng của những phiên cuối tháng trước, cùng với đó những thông tin hỗ trợ thị trường liên tục được đưa ra như: Tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tăng; UBCK lấy ý kiến các thành viên thị trường về quy trình rút ngắn thời gian thanh toán từ T+3 xuống T+2; sửa đổi thông tư số 74/2011/TT-BTC,... đã làm cho thanh khoản của thị trường được cải thiện.


Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/6, chỉ số HNX-Index đạt 88,36 điểm, tăng 5,38 điểm tương đương 6,5% so với đầu năm (chỉ số HNX30 đạt 171,02 điểm, tăng 10,19 điểm, tương đương 6,3% so với đầu năm).


Trong 11 phiên giao dịch đầu tháng Sáu, khối lượng giao dịch đạt 734 triệu CP, với giá trị giao dịch đạt 9.036 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch khớp lệnh đạt 707 triệu CP, với giá trị giao dịch đạt 8.657 tỷ đồng và giao dịch thỏa thuận đạt 27 triệu CP, với giá trị đạt 379 tỷ đồng. Bình quân một phiên giao dịch, có 66,7 triệu được chuyển nhượng, với giá trị chuyển nhượng đạt 821,4 tỷ đồng, tăng 41,6% về khối lượng và 57,7% về giá trị so với bình quân chung của tháng Năm.


Lũy kế, khối lượng giao dịch đạt 4.992 triệu CP được chuyển nhượng, với giá trị chuyển nhượng đạt 61.567 tỷ đồng, bằng 63,3% về khối lượng và 78,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.


Về thị trường giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết (Upcom), kết thúc phiên giao dịch 15/6, chỉ số Upcom-Index đạt 59,07 điểm, giảm 1,23 điểm, tương ứng với mức giảm 2% so với đầu năm.


Trong 11 phiên giao dịch đầu tháng Sáu, khối lượng giao dịch đạt 34 triệu CP, với giá trị giao dịch đạt 314 tỷ đồng. Bình quân một phiên giao dịch có 3,1 triệu CP được chuyển nhượng với giá trị bình quân đạt 28,5 tỷ đồng, bằng 130,4% về khối lượng và 79,8% về giá trị so với bình quân chung của tháng Năm.
Lũy kế từ đầu năm, khối lượng giao dịch đạt 287 triệu CP được chuyển nhượng với giá trị đạt 4.274 tỷ đồng, tăng 70,4% về khối lượng và 273,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.


Đối với hoạt động cấp mã giao dịch, trong tháng Năm, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã cấp được 99 mã số giao dịch cho các nhà đầu tư nước ngoài (trong đó: cá nhân được cấp 81 mã và tổ chức được cấp 18 mã) đưa tổng số mã đã cấp cho nhà đầu tư nước ngoài từ đầu năm đến nay đạt 305 mã. Lũy kế, VSD đã cấp được 17.873 mã số giao dịch, trong đó cá nhân là 15.201 và tổ chức là 2.672.


Số tài khoản giao dịch của các nhà đầu tư được cấp mới trong tháng 5 đạt 11.772 (trong đó, cá nhân trong nước 11.623, tổ chức trong nước 73; cá nhân nước ngoài đạt 63 và tổ chức nước ngoài 13). Lũy kế từ đầu năm, số tài khoản được cấp mới 49.699 (trong đó: cá nhân trong nước 48.855; tổ chức trong nước 457; cá nhân nước ngoài 217; tổ chức nước ngoài 170).


Bên cạnh các vấn đề kinh tế, báo cáo cũng đề cập đến các vấn đề xã hội:

Tháng Năm năm 2015, trên địa bàn Thành phố đã phát hiện 468 vụ phạm pháp hình sự, tăng 1,5% so cùng kỳ năm trước, trong đó có 366 vụ do công an khám phá, tăng 6,4%; số đối tượng bị bắt, giữ theo Luật 680 người, tăng 36,5%. Lũy kế từ đầu năm, đã phát hiện ra 2.459 vụ phạm pháp hình sự, tăng 14,4% so cùng kỳ năm trước (trong đó, có 1.959 vụ do công an khám phá, tăng 17%), số đối tượng bị bắt, giữ theo Luật là 3.771 người, tăng 19,6% so cùng kỳ.


Toàn thành phố đã phát hiện 137 vụ phạm pháp kinh tế, giảm 19,4% so cùng kỳ; số đối tượng phạm pháp là 139 người, giảm 28%; thu nộp ngân sách hơn 31 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm, trên địa bàn Thành phố có 963 vụ phạm pháp kinh tế với 1.016 đối tượng vi phạm, tăng 3% về số vụ và 1,4% về đối tượng vi phạm, thu nộp vào ngân sách gần 87 tỷ đồng.


Thành phố cũng phát hiện 37 vụ cờ bạc, bắt giữ 241 người, giảm 31,5% về số vụ và 23% về số đối tượng bị bắt giữ so cùng kỳ. Lũy kế từ đầu năm, trên địa bàn Thành phố có 251 vụ cờ bạc bị phát hiện, giảm 60,6%; số đối tượng bị bắt giữ 1.546 người, giảm 17,9% so cùng kỳ.


Tháng 5 toàn thành phố có 296 vụ với 370 đối tượng buôn bán, tàng trữ và vận chuyển ma túy. Lũy kế, đã có 929 vụ buôn bán ma túy, giảm 26,5%, số đối tượng bị bắt 1.158 người, giảm 27,1% so cùng kỳ.


Về tình hình trật tự, an toàn giao thông: Trong tháng Năm, toàn Thành phố đã xảy ra 149 vụ tai nạn giao thông làm 56 người chết và 116 người bị thương. Lũy kế từ đầu năm, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 726 vụ tai nạn giao thông, làm chết 261 người và bị thương 594 người.


Như Hoa (Theo Cục Thống kê)


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         Lấy lại mã bảo mật