Tình hình Kinh tế - Xã hội tháng Sáu và 6 tháng năm 2009 (00:00 20/06/2009)


Sáu tháng đầu năm 2009, kinh tế Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng chịu ảnh hưởng khá nặng nề của suy thoái kinh tế Thế giới, tình hình sản xuất kinh doanh và đời sống có nhiều biến động bất thường (dịch bệnh, suy giảm nhập khẩu toàn cầu, tiêu thụ và đầu tư giảm sút...). Đến giữa năm, kinh tế đã có những dấu hiệu ổn định hơn, các gói kích cầu của Chính phủ đang phát huy tác dụng, sản xuất bắt đầu hồi phục, thị trường có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Dự kiến 6 tháng đầu năm 2009, tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn Hà Nội tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 3,9%, tổng mức bán hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 19,3%, kim ngạch xuất khẩu giảm 9,9%, thu ngân sách tăng 5,8%, vốn đầu tư xã hội trên địa bàn tăng 14,2%. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.


1/ Tổng sản phẩm nội địa (GDP)

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2009, Tổng sản phẩm nội địa Hà nội tăng 3,6% so cùng kỳ năm trước, là tốc độ tăng thấp nhất trong những năm gần đây (năm 2008 tăng 10,9%, năm 2007 tăng 11,2%, năm 2006 tăng 11,2%, năm 2005 tăng 10,8%), trong đó:

Giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản giảm 5,6% (làm giảm 0,5% mức tăng chung). Quí I năm nay, do ảnh hưởng của mưa ngập lịch sử hồi cuối năm 2008, sản xuất cây vụ đông đều giảm nhiều so năm trước, sang Quý II thời tiết thuận lợi cho vật nuôi, cây trồng, nông nghiệp phát triển tốt, các loại cây trồng đều cho năng suất cao, chăn nuôi cơ bản phát triển, không có dịch bệnh xảy ra.

Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp - xây dựng 6 tháng đầu năm tăng 4,2% (đóng góp 1,84% vào mức tăng chung). So với các năm trước, tốc độ tăng của ngành này thấp hơn, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều mặt hàng xuất khẩu bị thiếu thị trường phải ngưng trệ sản xuất; sản xuất hàng tiêu thụ nội địa cũng giảm sút do giá nguyên vật liệu đầu vào lên cao trong khi sức mua của người dân có nhiều sút giảm để tiết kiệm chi tiêu.

Giá trị tăng thêm các ngành dịch vụ tăng 4,5% so cùng kỳ (đóng góp 2,16% vào mức tăng chung). Do tiền lương cơ bản từ tháng Năm tăng 20% so với trước, nên các ngành khối hành chính sự nghiệp như quản lý nhà nước, giáo dục, văn hoá, y tế… có tốc độ tăng khá. Ngành thương mại, do hệ thống bán lẻ phát triển nhanh, vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng. Ngành vận tải kho bãi, bưu điện tiếp tục tăng trưởng và phát triển do Hà Nội là đầu mối giao thông quan trọng ở phía bắc. Ngành tài chính tín dụng vẫn giữ được nhịp độ phát triển, tổng nguồn huy động và dư nợ của các tổ chức tín dụng vẫn tăng khá so với cùng kỳ năm trước.

2/ Sản xuất công nghiệp:

Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội tháng Sáu năm 2009 tăng 3,9% so tháng trước và tăng 3,8% so cùng kỳ năm trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 2,7% và 5,9% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 3,3% và 5,5%, kinh tế Nhà nước Địa phương tăng 0,5% và 7,3%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 4,3% và 7,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 4,3% và giảm 0,3%.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng 3,9% so cùng kỳ năm trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 4,8% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 5,4%, kinh tế Nhà nước Địa phương tăng 3%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 7,9% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,2%.

2.1. Sản xuất công nghiệp Nhà nước Trung ương: Giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước Trung ương tháng Sáu năm 2009 tăng 3,3% so tháng trước và tăng 5,5% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước Trung ương tăng 5,4% so cùng kỳ năm trước. Có 12/20 ngành sản xuất tăng, trong đó có một số ngành đạt tốc độ tăng khá như: chế biến thực phẩm (tăng 27,2%), sản xuất thuốc lá (tăng 31,6%), sản xuất đồ da (tăng 81,6%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (tăng 23,2%), sản xuất sản phẩm bằng kim loại (tăng 26,3%), sản xuất giường tủ đồ khác (tăng 22,3%)... Các doanh nghiệp thuộc các ngành này đã chú trọng đầu tư chiều sâu và mở rộng qui mô sản xuất, đổi mới thiết bị và công nghệ, sản phẩm tiêu thụ tốt trên thị trường trong nước và xuất khẩu. 8/20 ngành sản xuất giảm so cùng kỳ năm trước là: dệt (giảm 22,3%), hoá chất (giảm 15,8%), sản xuất cao su plastic (giảm 23,4%), sản xuất sản phẩm khoáng phi kim loại (giảm 10%), chế tạo thiết bị máy móc (giảm 11,1%), sản xuất xe có động cơ (giảm 48%), sản xuất phương tiện vận tải khác (giảm 95,5%)... Sản xuất ở các ngành này giảm so cùng kỳ năm trước ngoài nguyên nhân chung mà các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp gặp phải như: giá vật tư nguyên liệu đầu vào tăng nhanh, khó khăn về vốn, lãi suất, cắt điện... còn có nguyên nhân do một số doanh nghiệp Nhà nước đã thực hiện cổ phần hoá mà vốn Nhà nước chi phối <50%, giá trị sản xuất các doanh nghiệp này được tính chuyển sang khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

2.2. Sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương:Giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương tháng Sáu năm 2009 tăng 0,5% so tháng trước và tăng 7,3% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương tăng 3% so cùng kỳ năm trước. Chỉ có 7/17 ngành sản xuất tăng, trong đó một vài ngành đạt mức tăng khá là: chế tạo thiết bị máy móc ( tăng 25,6%), sản xuất các sản phẩm từ cao su (tăng 9,6%), sản xuất phương tiện vận tải khác (tăng 8,7%), dệt (tăng 8,6%)...10/17 ngành sản xuất giảm là:khai thác than, chế biến thực phẩm, sản xuất trang phục, sản xuất đồ da, xuất bản-in, sản xuất khoáng phi kim loại, sản xuất kim loại, SX ti vi thiết bị thông tin, SX dụng cụ chính xác, khai thác phân phối nước. Nguyên nhân, do nhiều doanh nghiệp Nhà nước địa phương đang tạm ngừng sản xuất để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, thay đổi tạo sản phẩm mới và do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế Toàn cầu tình hình xuất khẩu gặp khó khăn.

2.3. Sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước:Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tháng Sáu năm 2009 tăng 4,3% so tháng trước và tăng 7,7% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tăng 7,9% so cùng kỳ năm trước, trong đó Công ty TNHH tư nhân tăng 3,1%, Công ty cổ phần khác tăng 16%, doanh nghiệp tư nhân giảm 2,6%, hợp tác xã giảm 8%, hộ cá thể tăng 5,7%. Sản xuất khu vực này tăng khá, do các công ty cổ phần có vốn nhà nước <50% chuyển sang (các doanh nghiệp này có qui mô lớn, lao động nhiều, sản xuất tương đối ổn định, sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ tốt trên thị trường trong nước và xuất khẩu) và các doanh nghiệp thành lập mới đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh tăng thêm khá nhiều.

Có 16/22 ngành sản xuất tăng, trong đó có một số ngành đạt tốc độ tăng khá như: giấy và sản phẩm từ giấy (tăng 12,68%), cao su-plastic (tăng 15,7%), chế tạo thiết bị máy móc (tăng 12,64%), sản xuất phương tiện vận tải khác (tăng 9,9%), tái chế (tăng 16%)... 6/22 ngành sản xuất giảm là: khai thác than, khai thác đá, SX đồ da, SX kim loại, SX tivi thiết bị thông tin, SX xe có động cơ.

2.4. Sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài:Giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tháng Sáu năm 2009 tăng 4,3% so tháng trước và giảm 0,3% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,2% so cùng kỳ năm trước. Có 14/20 ngành sản xuất tăng, trong đó có một số ngành đạt tốc độ tăng khá là: CN dệt (tăng 46,2%), SX trang phục (tăng 22,5%), chế biến gỗ lâm sản (tăng 363,2%), SX giấy (tăng 56,1%), xuất bản-in (tăng 28,3%), SX kim loại (tăng 82,4%), sản xuất dụng cụ chính xác (tăng 55,2%)... Hoạt động sản xuất của khu vực này bị ảnh hưởng lớn của khủng hoảng kinh tế Toàn cầu, tiêu thụ chậm , đơn hàng từ các công ty mẹ giảm, tăng thuế (xe ôtô)...

3. Xây dựng cơ bản:

3.1. Vốn đầu tư phát triển nguồn vốn Nhà nước do địa phương quản lýThành phố Hà Nội tháng Sáu năm 2009 ước đạt 2.139,1 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,3% so với thực hiện tháng trước.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2009, vốn đầu tư phát triển đạt 11.782,3 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ, đạt 41,8% kế hoạch năm. Trong đó: vốn ngân sách Nhà nước đạt 5.458,3 tỷ đồng, tăng 107,8% so với cùng kỳ, đạt 49,6% kế hoạch năm; vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước đạt 58,7% so với cùng kỳ, đạt 24,9% kế hoạch năm 2009; vốn tự có của doanh nghiệp Nhà nước đạt 1.906 tỷ đồng, giảm 30,7% so với cùng kỳ, đạt 47,1% kế hoạch năm.

3.2. Tiến độ thực hiện một số dự án lớn:

a. Dự án đường 5 kéo dài:

Tổng giá trị khối lượng thực hiện của dự án tháng Năm năm 2009 đạt 18 tỷ đồng với tiến độ: Gói thầu số 7, 9, 18: nhà thầu triển khai thi công các hạng mục dọn dẹp mặt bằng, thoát nước mặt, thoát nước bẩn, hào kỹ thuật và đào đất không thích hợp; sản xuất các cấu kiện đúc sẵn và lắp đạt hạ tầng kỹ thuật. Gói thầu số 8: triển khai thi công hệ thống thoát nước mưa D1500, và sản xuất cấu kiện đúc sẵn. Gói thầu số 6: đang tiến hành thi công lớp đất đồi K98 đường gom phải tuyến Km0+00 đến Km0+180; thi công lớp cấp phối đá dăm loại II. Gói thầu số 11: tiếp tục thi công hầm đi bộ, nền mặt đường, cửa xả, cửa thu và cầu Ngũ Huyện Khê. Gói thầu số 10, mũi thi công Trường Sơn: hiện nhà thầu đang triển khai công tác đào đất không thích hợp, đắp cát nền đường K95, thi công cống hộp, đúc cọc, thử hầm đi bộ và sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn. Mũi thi công UDIC: đào đất không thích hợp và đắp cát nền đường K95.

b. Nút giao thông Kim Liên:

Hầm giao thông cơ giới nút giao Kim Liên (nối đường Đại Cồ Việt với đường Đào Duy Anh) một trong những hầm cơ giới hiện đại nhất cả nước đã chính thức thông xe kỹ thuật vào sáng 16/6. Hầm được kết cấu hầm kín bê tông cốt thép dài 140m và 405m tường chắn bê tông; đường dẫn dài 99,69m; chiều rộng hầm là 18,5m, chiều cao 6,25m, chiều cao thông xe trong hầm 4,75m. Ngoài đường hầm dành cho xe cơ giới còn có hầm dành cho người đi bộ gồm hai nhánh cắt qua đường Lê Duẩn và Giải Phóng, cùng hệ thống thoát nước, chiếu sáng, tuy nen kỹ thuật… Đường hầm nút giao thông Kim Liên là một phần của hạng mục Đường Vành đai 1 trong Thành phố Hà Nội. Công trình này đã bị chậm tiến độ hơn 1 năm so với dự kiến.

3.3. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài:6 tháng đầu năm 2009, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế Thế giới lan rộng ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư nước ngoài Toàn cầu và nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, dự kiến Hà Nội thu hút được 120 dự án cấp mới và tăng vốn (giảm 25% so cùng kỳ năm trước) với tổng số vốn đăng ký là 512 triệu USD (giảm 57,3%). Có 110 dự án cấp mới với số vốn đầu tư đăng ký là 500 triệu USD, trong đó có một số dự án lớn như: Công ty TNHH truyền hình số vệ tinh Việt Nam (Liên doanh của Trung tâm kỹ thuật truyền hình cáp Việt Nam với Pháp) vốn đầu tư 54 triệu USD, Dự án Nhà máy sử lý nước thải của tập đoàn Gamuda Land Malaysia vốn đầu tư dự kiến 382 triệu USD (chưa tính các dự án đô thị đối ứng). 10 dự án điều chỉnh tăng vốn với vốn đăng ký là 12 triệu USD.

3.4. Tổng vốn đầu tư xã hội:Dự kiến 6 tháng đầu năm 2009, tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn Hà Nội đạt 48.507 tỷ đồng tăng 14,2% so cùng kỳ năm trước, trong đó vốn trong nước tăng 16,87%, vốn ngoài nước giảm 8,37%. Dự kiến 6 tháng đầu năm, Thành phố cấp đăng ký kinh doanh cho 9.350 doanh nghiệp, tăng 45% so cùng kỳ năm trước, với số vốn đăng ký 53.896 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ.

4. Thương mại dịch vụ:

4.1. Nội thương: Tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn Hà Nội tháng Sáu năm 2009 tăng 1,1% so tháng trước và tăng 18,6% so cùng kỳ năm trước, trong đó bán lẻ tăng 1,2% và 21,4%.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2009, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn Hà Nội tăng 19,3% so cùng kỳ năm trước, trong đó bán lẻ tăng 19,5% (tăng 4,7% nếu loại trừ yếu tố giá). Trong tổng mức bán lẻ, kinh tế Nhà nước tăng 15,8%, kinh tế ngoài Nhà nước tăng 20%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,6%.

Đánh giá chung về hoạt động của thương mại dịch vụ và ảnh hưởng của nó trong 6 tháng đầu năm như sau: Tốc độ tăng của tổng mức bán lẻ hàng hoá sụt giảm, mức tiêu thụ nhiều chủng loại hàng hoá nhất là hàng hoá cao cấp trên thị trường giảm xuống rõ rệt nhưng vẫn tăng so cùng kỳ. Mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng hệ thống bán lẻ vẫn được đầu tư để có những thay đổi trong tương lai (song song với việc nâng cấp các siêu thị hiện có tại Nội thành, sắp tới Hà Nội sẽ xây dựng mới các đại siêu thị và siêu thị cấp II, III tại những khu vực chợ cũ có diện tích nhỏ; xây dựng 2 trung tâm mua sắm cấp Quốc gia, vùng tại các Huyện; xây dựng 5 trung tâm bán buôn hàng công nghiệp cấp vùng...).

4.2. Ngoại thương:

- Xuất khẩu: So với tháng trước, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Thành phố Hà Nội tăng 8,2%, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 6,1%.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2009, xuất khẩu trên địa bàn đạt 3.120 triệu USD, giảm 9,9% so cùng kỳ năm trước. ( 4 tháng đầu năm xuất khẩu tăng so cùng kỳ nhưng tháng 5 và tháng 6 chỉ xuất bằng 1/2-2/3 so cùng tháng năm trước). Một số mặt hàng xuất khẩu không giảm nhiều về lượng nhưng do giá giảm nhiều (gạo giảm 35%, hạt tiêu giảm 40%, than đá giảm 15%...) nên trị giá bị giảm rất lớn. Trong các mặt hàng xuất khẩu tăng đáng kể, chỉ có hàng điện tử do chuẩn bị nguồn hàng tốt xuất khẩu tốt và tái xuất vàng hàng hoá mang tính chất tạm thời, không bền vững.

- Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tăng 9,1% so tháng trước, trong đó nhập khẩu địa phương tăng 8,7%.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2009, kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn đạt 8.031,7 triệu USD, giảm 38,7% so cùng kỳ, trong đó máy móc thiết bị phụ tùng giảm 5,6%, vật tư nguyên liệu giảm 49,4%, ( sắt thép, hoá chất, xăng dầu đều giảm 50-60%). Những thị trường nhập khẩu lớn như Trung quốc, Singapo, Nhật bản, Thái lan...đều giảm khoảng 40%.

4.3. Du lịch:

Tháng Sáu năm 2009, khách Quốc tế đến Hà Nội khoảng 60 nghìn khách, giảm 14,9% so tháng trước và giảm 26,9% so cùng kỳ năm trước. Khách nội địa đến Hà Nội cũng giảm mạnh do theo quy luật vào mùa hè nắng nóng, du khách thường ra biển hoặc lên núi. Khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài cũng giảm 10-20% so cùng kỳ. Doanh thu khách sạn lữ hành giảm 2,2% so tháng trước và tăng 13% so cùng kỳ (chủ yếu là do tăng giá).

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2009, Hà Nội đón khoảng 518 nghìn khách quốc tế (giảm 20,1% so cùng kỳ), 3.564 nghìn khách nội địa (tăng 4%). Doanh thu khách sạn lữ hành tăng 17% so cùng kỳ do giá tour ( chủ yếu là giá thuê phòng và dịch vụ vận chuyển) tăng nhiều.Năm nay, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, du khách thường lựa chọn những điểm đến gần hoặc những nơi giá rẻ, tỷ lệ khách giảm mạnh ở các khách sạn có thứ hạng cao tại Hà Nội, nhiều hãng hàng không các tháng đầu năm đã giảm các chuyến bay đến Việt Nam...Chương trình “Ấn tượng Việt Nam” đã tạo ra một số hiệu ứng tốt nhưng chưa thực sự gây được ấn tượng mạnh với khách Quốc tế đến Hà Nội. Tuy vậy, sau nhiều tháng thực hiện, chương trình này đã tác động đến lượng khách đi tour nội địa.

4.4. Vận tải:

Tháng Sáu năm 2009 so với tháng trước, khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 0,5%, khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 1,7%, doanh thu vận tải hàng hoá tăng 1,6%; khối lượng hành khách vận chuyển tăng 0,8%, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 1,1%, doanh thu vận chuyển hành khách tăng 1,7%.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2009 so cùng kỳ, khối lượng hàng hoá vận chuyển giảm 9,4%, khối lượng hàng hoá luân chuyển giảm 14,1%, doanh thu vận tải hàng hoá tăng 10,3% ( chủ yếu do tăng giá cước), khối lượng hành khách vận chuyển tăng 12,1%, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 13,6%, doanh thu vận chuyển hành khách tăng 20,5%.

6 tháng đầu năm, dịch vụ vận tải hàng hoá tăng chậm và có nhiều tháng giảm sút, riêng vận tải hành khách liên tỉnh đã đáp ứng khá tốt nhu cầu của khách, số lượng hành khách đi xe buýt của Hà Nội tăng đáng kể, xe buýt đã trở thành phương tiện không thể thiếu trong giao thông hàng ngày và góp phần quan trọng trong giải quyết giao thông đô thị của Hà Nội sau khi mở rộng.

4.5. Bưu chính - Viễn thông:

Tháng Sáu năm 2009, có 16,4 nghìn thuê bao điện thoại thu cước tăng thêm (trong đó 5,1 nghìn thuê bao cố định); 5,8 nghìn thuê bao internet phát triển mới. Doanh thu tăng 0,2% so tháng trước

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2009, số thuê bao điện thoại thu cước tăng thêm là 101,8 nghìn thuê bao (trong đó 29,9 nghìn thuê bao cố định). Dịch vụ Internet với 34,7 nghìn thuê bao phát triển mới. Doanh thu tăng 2,9% so cùng kỳ năm trước. Năm nay, các mạng viễn thông do các nhà cung cấp được đầu tư và nâng cấp nhiều hơn nên ít xảy ra tình trạng nghẽn mạch. Việc cạnh tranh thu hút khách giữa các mạng diễn ra khá quyết liệt. Người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều do tiện ích tăng lên mà giá cước lại giảm đi. Trong mạng viễn thông, nhiều đường truyền Internet cũng đã được mở với tính năng vượt trội khiến cho tốc độ truy cập nhanh hơn.

4.6. Giá cả thị trường:

So tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng tháng Sáu năm 2009 tăng 0,91%. Cả 10/10 nhóm hàng đều tăng, trong đó 6/10 nhóm tăng từ 1,18 đến 2,84%. Chỉ số giá vàng tăng 5,78% so tháng trước. Chỉ số giá đôla Mỹ tăng 0,09%.

Dự kiến 6 tháng đầu năm so cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng tăng 11,86%, trong đó hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 18,52% là nhóm tăng cao nhất, các nhóm hàng khác đều tăng trên dưới 10%, nhóm nhà ở điện nước chất đốt tăng 1,5%; chỉ có nhóm giao thông, bưu chính viễn thông là giảm giá 2,5%. Chỉ số giá vàng tăng 8,55%; chỉ số giá đô la Mỹ tăng 9,94%.

Tốc độ tăng giá trong 6 tháng đầu năm (giá tiêu dùng tháng 6/2009 so tháng 12/2008) tăng 2,51% (chỉ số này của năm 2008 là 16,89%). Chỉ số giá vàng tăng 24,91%. Chỉ số giá đôla Mỹ tăng 5,05%. Tốc độ tăng bình quân 1 tháng là 0,41% (năm 2008 là 2,64%).

Tốc độ tăng giá 6 tháng đầu năm nay có dấu hiệu tăng chậm lại tuy lương thực, thực phẩm vẫn còn khá cao, các hàng khác giảm đáng kể là do nguyên nhân: Thứ nhất là hàng thực phẩm tươi sống vẫn ở mức cao, do giá thức ăn chăn nuôi cao, giá rau xanh bị ảnh hưởng bởi thời tiết và cân đối giữa cung và cầu chưa tốt nên thất thường; thứ hai do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhiều hàng hoá trong nước sản xuất không xuất khẩu được phải bán rẻ tại nội địa, hàng có nguồn gốc nhập khẩu giảm giá rõ rệt làm giá bán lẻ thiết bị, đồ dùng nói chung giảm đáng kể so trước đây. Sau nhiều tháng chỉ số giá tăng thấp, từ tháng Sáu, do tác động của lượng tiền kích cầu, tăng lương, lạm phát đã có dấu hiệu quay trở lại.

5. Sản xuất nông nghiệp:

5.1 Trồng trọt:

Tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân ­ước đạt 156.253 ha, giảm 41.875 ha và bằng 78,86% so cùng kỳ năm trư­ớc. Diện tích cây lư­ơng thực có hạt 118.167 ha, giảm 5.622 ha và bằng 95,46% so với cùng kỳ năm trư­ớc. Trong đó diện tích lúa 103.211 ha, tăng 2.053 ha và bằng 102,03%. Diện tích các loại cây chất bột 3.727 ha, giảm 3.281 ha; cây rau đậu các loại 19.734 ha, giảm 3.336 ha; cây công nghiệp 10.853 ha, giảm 29.215 ha; các loại cây trồng khác 3.773 ha, giảm 422 ha so với vụ đông xuân năm trư­ớc. Nguyên nhân chủ yếu do vụ đông năm nay bị ngập úng bởi trận m­ưa lũ lịch sử cuối năm 2008 làm giảm 38.549 ha so với vụ đông năm tr­ước.

Thời tiết đầu vụ xuân năm nay thuận lợi nên tiến độ gặt lúa nhanh hơn so với cùng kỳ năm trư­ớc. Đến ngày 13 tháng 6 toàn Thành phố đã gặt đư­ợc 101.663 ha, đạt 98,5% diện tích lúa đã cấy, một số huyện gặt chậm là Từ Liêm (60%), Hoàng Mai (75%)..., khoảng 25 tháng 6 các quận, huyện sẽ gặt xong. Một số cây trồng vụ Xuân nh­ư ngô, đậu tư­ơng, đậu đen và các loại rau cũng đã và đang được thu hoạch. Song song với việc thu hoạch các loại cây trồng vụ Xuân bà con nông dân đang tích cực chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa: Diện tích mạ đã gieo 4.682 ha đạt 68% mạ mùa, 4 huyện đã gieo xong 100% diện tích là Th­ường tín, Ứng Hoà, Phú Xuyên, Mỹ Đức. Các huyện, quận đang triển khai lấy nư­ớc và tiến hành làm đất đợt 1 đ­ược 54.293 ha đạt trên 50% kế hoạch gieo cấy lúa vụ mùa.

Năng suất lúa vụ xuân năm nay mặc dù giảm nhẹ so với cùng kỳ như­ng cũng là năm có năng suất cao so với các năm trư­ớc. Nguyên nhân do thời tiết thuận lợi, nguồn n­ước không bị thiếu, diện tích cấy trong khung thời vụ tốt nhất chiếm tỉ trọng lớn. Hơn nữa ngư­ời dân hiện nay sử dụng các giống mới cho năng suất cao ngày càng nhiều: Giống lúa Thuần chiếm 57,6% diện tích, các giống lúa lai chiếm gần 10% diện tích...Đặc biệt năm nay Hà Nội đã sử dụng phư­ơng pháp gieo sạ trên diện tích 3.656 ha, theo đánh giá của ngư­ời dân và của ngành nông nghiệp năng suất khi sử dụng ph­ương pháp này cao hơn từ 5 đến 10% so với phư­ơng pháp truyền thống. Năng suất ngô, rau các loại, lạc đều giảm so với cùng kỳ.

Dự kiến diện tích - năng suất - sản lư­ợng cây trồng vụ Đông xuân 2008-2009 nh­ư sau: Lúa 103.211 ha - 58,11 tạ/ha đạt 59.9771 tấn; ngô 14.956 ha — 39,77 tạ/ha đạt 59.473 tấn; rau các loại 19.049 ha — 164,11 tạ/ha đạt 312.601 tấn; đỗ t­ương 4.422 ha — 14,64 tạ/ha đạt 6.473 tấn; lạc 6.249 ha — 18,04 tạ/ha đạt 11.275 tấn.

* Cây lâu năm: Ước tính trong 6 tháng năm 2009 sản lư­ợng chè thu hoạch khoảng 8.050 tấn bằng 50,1% so với cả năm 2008 và tăng nhẹ so với cùng kỳ năm tr­ước do vụ đông năm nay thời tiết ấm hơn và không bị rét đậm, rét hại, khi lập xuân cây chè nảy lộc, đâm chồi và phát triển ngay. Sản lư­ợng chuối thu hoạch khoảng 24.500 tấn bằng 47,3% so với cả năm 2008 do trận mư­a cuối tháng 10 đầu tháng 11 năm 2008 gây ngập làm chuối bị thối rễ ảnh hư­ởng đến năng suất và sản l­ượng thực thu. Sản lư­ợng b­ởi thu hoạch khoảng 3.000 tấn, bằng 12% so với cả năm 2008.

5.2 Chăn nuôi:

Kết quả sơ bộ "điều tra đàn lợn và gia cầm 1/4/2009": đàn lợn toàn Thành phố trên 1,6 triệu con, trong đó lợn thịt gần 1,4 triệu con; tổng số gia cầm 15 triệu con, trong đó đàn gà 11 triệu con, đàn vịt trên 3 triệu con.

Sản lư­ợng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt trên 150 ngàn tấn và số con xuất chuồng trên 2 triệu con. Sản l­ượng thịt gia cầm bán giết thịt trong kỳ gần 25 ngàn tấn, trong đó đàn gà gần 19 ngàn tấn; sản lư­ợng trứng gia cầm các loại gần 266 triệu quả.

Các loại hình chăn nuôi khác của Hà Nội chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhìn chung các loại hình chăn nuôi này phát triển ổn định, tỷ lệ tăng giảm không nhiều và phần lớn đ­ược nuôi ở các hộ đã có nhiều kinh nghiệm lâu năm.

Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở Hà Nội tư­ơng đối ổn định, không xuất hiện các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nh­ư cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh. Các quận, huyện, thị xã tiếp tục tiêm phòng đại trà cho đàn gia súc, gia cầm, tiếp tục triển khai công tác vệ sinh tiêu độc đợt 2 năm 2009 trên địa bàn thành phố. Đến nay hầu hết các huyện, quận, thị xã đã tổ chức triển khai tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng. Đã sử dụng 8.020 lít thuốc sát trùng, 2.030 lít n­ước javen, 172 tấn vôi bột và tổng diện tích tiêu độc đư­ợc trên 15 triệu m2.

5.3 Thuỷ sản:

Theo báo cáo ­ước tính của các huyện, quận, thị xã diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn Thành phố ­ước đạt 14.119 ha. Trong đó diện tích nuôi thả cá 13.940 ha chiếm 96,47% tổng diện tích; diện tích ư­ơm nuôi giống thuỷ sản ­ước đạt 164 ha chiếm % tổng diện tích. Số hộ nuôi thuỷ sản lồng bè toàn Thành phố 202 hộ với 345 lồng tập trung chủ yếu ở huyện Mê Linh, Mỹ Đức.

Sản lư­ợng nuôi trồng thuỷ sản 6 tháng đầu năm ­ước đạt 22.379 tấn trong đó sản lư­ợng cá 22.311 tấn bằng 99,7% tổng sản lư­ợng. Do mực nư­ớc ở các sông trên địa bàn Thành phố xuống thấp trong các tháng đầu năm, hơn nữa môi tr­ường sống của thuỷ sản ngày càng bị ô nhiễm nặng vì vậy sản l­ượng khai thác tự nhiên không lớn. Tổng sản lư­ợng khai thác thuỷ sản ư­ớc đạt 2.569 tấn, trong đó sản l­ượng cá 2.049 tấn.

5.4. Lâm nghiệp

Ước tính 6 tháng đầu năm diện tích rừng đ­ược trồng mới và trồng bổ sung 102 ha, trong đó rừng trồng mới 60 ha, rừng trồng bổ sung 11 ha (diện tích rừng trồng mới và trồng bổ sung tập trung chủ yếu ở huyện Ba Vì và Thị xã Sơn Tây). Từ đầu năm đến nay các huyện, thị xã đã giao chăm sóc rừng năm thứ 2, 3, 4 đ­ược 2.763 ha, thực hiện khoanh nuôi tái sinh 1.539 ha. Đồng thời, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các địa phư­ơng tiếp tục đầu tư­ nguồn lực đẩy mạnh việc trồng cây để đảm bảo tỷ lệ sống cao, số cây lâm nghiệp phân tán ­đã trồng ư­ớc tính 556 ngàn cây.

Mặc dù công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn đ­ược duy trì và tăng cư­ờng, tuy nhiên 6 tháng đầu năm toàn Thành phố đã xảy ra 27 vụ cháy rừng với diện tích bị cháy là 17,4 ha và giá trị thiệt hại ­ước tính ban đầu trên 17 triệu đồng. Mới phát hiện 4 vụ chặt phá rừng làm n­ương rãy, thiệt hại ư­ớc tính 2 triệu đồng.

Tình hình khai thác gỗ và lâm sản 6 tháng đầu năm nhìn chung giảm nhẹ so với cùng kỳ năm tr­ước. Khu vực khai thác chủ yếu ở khu rừng trồng và loại cây khai thác phần lớn là cây Bạch đàn, Keo làm nguyên liệu giấy và gỗ chống lò, côppha xây dựng. Tổng số gỗ khai thác ư­ớc tính 5.750 m3 ; Củi khai thác được 16.094 Ste; Tre, luồng, vầu khai thác đ­ược trên 1,1 triệu cây. Các mặt hàng lâm sản khác khai thác đ­ược không đáng kể: Nứa hàng 100 ngàn cây; Song mây 75 tấn; Măng t­ươi 109 tấn, Mộc nhĩ 3 tấn.

6. Một số chỉ tiêu xã hội

6.1. Lao động - Việc làm:

Sáu tháng đầu năm 2009, Thành phố Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 63.500 người, đạt 50,4% kế hoạch năm; Xét duyệt 609 dự án vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm với số tiền là 38,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 2.859 lao động.

6.2. Giáo dục:

* Tình hình học sinh bỏ học theo từng cấp học: Năm học 2008-2009 toàn thành phố có 2.411 học sinh bỏ học, tăng 108 cháu. Nguyên nhân bỏ học chủ yếu do việc thắt chặt trong khâu thi cử, học sinh học lực yếu kém có tâm trạng chán nản (1.755 học sinh), hoàn cảnh khó khăn (565), ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như: trường xa nhà, thiên tai...

*Tình hình thi tốt nghiệp năm học 2008-2009:

- Cấp Tiểu học: toàn quốc áp dụng không thực hiện kỳ thi tốt nghiệp cho bậc Tiểu học mà dùng kết quả học tập cuối năm lớp 5 làm căn cứ để xem xét, công nhận học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học. Toàn Thành phố có 77.468 học sinh lớp 5 xét tuyển vào lớp 6.

- Cấp Trung học cơ sở: Năm nay Hà Nội vẫn thực hiện hai phương thức xét tuyển tốt nghiệp THCS và thi tuyển vào lớp 10. Để phương thức xét tuyển công bằng, nghiêm túc, Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội đã trực tiếp quản lý kết quả học tập của học sinh trung học cơ sở toàn thành phố. Theo đó, việc ra đề, cho điểm, đánh giá và quản lý điểm số, xếp loại hạnh kiểm của học sinh được kiểm tra, đối chiếu theo quy trình thống nhất, khoa học, có sự giám sát chặt chẽ của nhiều lực lượng như thanh tra, Cục khảo thí và kiểm định chất lượng. Hà Nội có 84.988 học sinh lớp 9 xét tuyển tốt nghiệp trung học cơ sở.

- Cấp Trung học phổ thông: Đây là kỳ thi qui mô lớn nhất từ trước tới nay của Thành phố và chỉ duy nhất một đợt thi vào ngày 2-4/6/2009. Toàn thành có 90.542 học sinh dự thi cấp PTTH (trong đó 8.787 học sinh dự thi bổ túc), với 182 hội đồng thi, 5.805 phòng thi, khoảng 10.000 giám thị coi thi và thanh tra Bộ giáo dục tăng cường cho Hà Nội hơn 700 người.

* Giáo dục chuyên nghiệp:

- Ước tính 6 tháng năm 2009 thành phố Hà Nội có 65.000 người được đào tạo nghề, đạt 51,5% kế hoạch. (kế hoạch đào tạo nghề năm 2009: 126.000 người).

- Đại học, Cao đẳng:

Thành phố Hà Nội hiện có 50 trường Đại học, 27 trường Cao đẳng và 52 trường Trung học chuyên nghiệp. Năm học này, chỉ tiêu truyển sinh vào các trường đóng trên địa bàn Thành phố Hà Nội là: 83.972 học sinh vào các trường Đại học (tăng 10% so với năm học trước); 45.865 học sinh vào các trường cao đẳng, các trường đại học có hệ cao đẳng (tăng 7% so với năm học trước); 20.430 học sinh trung học chuyên nghiệp.Năm học 2009-2010, Bộ Giáo dục — Đào tạo tiếp tục thực hiện cuộc vận động “hai không” nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục và triển khai phong trào thi đua “ xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

6.3 Tình hình khám chữa bệnh:

* Công tác phòng chống dịch, thực hiện các chương trình y tế:đầu tháng Sáu năm 2009, tại Hà Nội đã xuất hiện trường hợp đầu tiên dương tính với cúm A/H1N1. Trước tình hình hình bùng phát dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, dịch cúm A/H1N1, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã có công điện khẩn về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch với các Sở Y tế, Sở Thông tin - truyền thông, Công an Hà Nội và các quận, huyện. Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong Ngành giám sát chặt chẽ tình hình; tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng dịch tại các đơn vị trong Ngành; duy trì chế độ trực báo cáo 24/24; đã tiếp nhận và phân phối 16.000 viên Tamiflu cho các đơn vị trong Ngành, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các loại thuốc khác cũng như hoá chất khử trùng, trang thiết bị, máy thở nhằm đối phó có hiệu quả nhất khi dịch bùng phát.

* Công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm: ngành y tế Hà Nội phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin về vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng dẫn cách lựa chọn thực phẩm đảm bảo chất lượng, các địa chỉ tin cậy về mặt hàng rượu, bánh mứt, kẹo, thực phẩm đồ nguội…

* Dân số - KHHGĐ và các chương trình y tế: Đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch hoạt động theo từng chương trình cụ thể, chú trọng những hoạt động điểm, các vấn đề trọng tâm trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu: phòng chống bệnh dịch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS. Chỉ đạo các chương trình y tế về tổ chức triển khai, phân công cụ thể các thành viên tham gia thực hiện. Luỹ tích số người nhiễm HIV/AIDS đến 15/5/2009 là 18.755 người, bệnh nhân chuyển sang AIDS là 5.670 người, số người tử vong 3.051 người.

* Hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc phục vụ người bệnh: Công suất sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện đều đạt trên 100% như: BV Thanh Nhàn, Đa khoa Hà Đông, Sơn Tây, Xanh pôn…Trung tâm vận chuyển cấp cứu Hà Nội tính đến 15/5/2009 đã tiếp nhận 10.621 bệnh nhân đạt 37,72% lượt yêu cầu cấp cứu trong đó số lượt xe đi: 10.561 lượt, số bệnh nhân 7.566 người.

6.4 Hoạt động văn hoá thông tin - thể dục thể thao:

* Hoạt động văn hoá - thông tin: Tổ chức đón tết Nguyên đán Kỷ Sửu vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm với các hoạt động văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao mừng Đảng, mừng Xuân được tổ chức bằng nhiều hình thức phong phú. Tổ chức chuyển quà Tết của Thành phố tới các đơn vị, trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng, gia đình người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách, hộ nghèo, gia đình bị nạn do thiên tai, lũ lụt... tổng kinh phí 90 tỷ đồng (trong đó hỗ trợ cho 73.481 hộ nghèo và 261.448 người nghèo, với số tiền là 63,4 tỷ đồng).

Công tác thông tin, tuyên truyền được làm tốt, hỗ trợ hiệu quả cho cuộc ổng điều tra dân số và nhà ở trên địa bàn. Thành phố đã phối hợp với các địa phương và đơn vị văn hoá nghệ thuật tổ chức lễ hội “Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam” với chủ đề “Diên Hồng văn hoá”. Tiếp tục triển khai sâu rộng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

* Hoạt động thể dục Thể thao:

- Tổ chức tốt các hoạt động thể thao quần chúng sâu rộng với nội dung phong phú trên địa bàn Thành phố, thu hút hàng trăm ngàn người với mọi lứa tuổi tham gia, thiết thực chào mừng các ngày lễ lớn. Chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể từ Thành phố đến cơ sở nhằm nâng cao công tác giáo dục thể chất trong học sinh, trong giáo viên công nhân viên của ngành giáo dục. Tổ chức nhiều giải thể thao phong trào nhân dịp các ngày lễ lớn tạo không khí vui tươi, lành mạnh trong cộng đồng.

- Hoạt động thể thao thành tích cao: 6 tháng đầu năm 2009, thể thao thành tích cao Thành phố Hà Nội đã tham gia 18 giải thể thao toàn quốc và khu vực, đạt 111 huy chương vàng, 36 huy chương bạc, 32 huy chương đồng. Trong đó có 3 giải nhất toàn đoàn.

6.5. Tình hình trật tư xã hội - an toàn giao thông: Trong 5 tháng đầu năm 2009 trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã phát hiện và xẩy ra 2.574 vụ phạm pháp hình sự (tăng 30% so với cùng kỳ năm trước) bắt giữ theo luật 2.593 đối tượng (tăng 11%). Tổng số vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma tuý là 1034 vụ (giảm 1% so với cùng kỳ năm trước) và bắt giữ được 1.245 đối tượng (giảm 1% ). Số vụ tai nạn giao thông xẩy ra là 360 vụ (giảm 15% so với cùng kỳ năm trước) làm 354 người bị chết (giảm 16%), làm bị thương 103 người (giảm 69%). Có 104 vụ cháy nổ, đăc biệt trong tháng Năm đã xảy ra 2 vụ cháy nghiêm trọng gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng và 5 người chết ở 2 kho chứa hàng của Quận Thanh Xuân và Ga Giáp Bát.

7. Tài chính, tín dụng:

7.1 Tài chính:

Tổng thu Ngân sách trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2009 dự kiến đạt 38.290 tỷ đồng đạt 54,3% dự toán năm, tăng 5,8% so cùng kỳ năm trước, trong đó thu nội địa là 34.332 tỷ đồng đạt 60,1% dự toán năm, tăng 10,6%. Tổng chi Ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm 2009 là 9.186 tỷ đồng đạt 37,5% dự toán năm, tăng 60% so cùng kỳ năm trước, trong đó chi thường xuyên đạt 43,8% dự toán năm, tăng 50,9%; chi xây dựng cơ bản đạt 33,3% so dự toán năm, tăng 66,7%.

7.2 Tín dụng ngân hàng:Dự kiến đến cuối tháng Sáu năm 2009, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 10,67% so với cuối năm 2008, trong đó tiền gửi tiết kiệm tăng 1,42% và 21,72%; phát hành giấy tờ có giá tăng 2,6% và giảm 6,06%; tiền gửi thanh toán tăng 0,78% và 5,43%. Dư nợ cho vay tăng 2,0% so với tháng trước và tăng 9,28% so với cuối năm 2008, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 1,91% và 8,05%, dư nợ trung và dài hạn tăng 2,13% và 10,99%.



Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         Lấy lại mã bảo mật