Tình hình kinh tế - xã hội tháng Sáu và 6 tháng năm 2008 (00:00 19/08/2008)


Sáu tháng đầu năm 2008, tình hình thị trường có nhiều biến động bất thường: giá nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất tăng nhanh, giá lương thực, thực phẩm có những diễn biến phức tạp, thời tiết khắc nghiệt... đã có nhiều ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố. Các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, mặc dù không bằng các kỳ các năm trước, nhưng vẫn đạt ở mức cao. Dự kiến tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn Hà Nội tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15,7%, tổng mức bán hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 28,7%, kim ngạch xuất khẩu tăng 24,2%, thu ngân sách tăng 44,5%, vốn đầu tư xã hội trên địa bàn tăng 11,9%. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.



1/ Tổng sản phẩm nội địa (GDP)

Sáu tháng đầu năm 2008, GDP Hà nội ước tính tăng 10,9% so cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng trưởng chững lại so với một số năm gần đây (năm 2007 tăng 11,2%, năm 2006 tăng 11,2%, năm 2005 tăng 10,8%, năm 2004 tăng 11,0%), trong đó:

Giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 0,5% (đóng góp 0,01% vào mức tăng chung). Quí I năm nay, việc nuôi trồng thuỷ sản bị ảnh hưởng khá nhiều của đợt rét đậm, rét hại đầu năm, đồng thời nhiều ao hồ bị thiếu nước do chưa có mưa rào, nên nhiều tôm cá bị chết, việc thả giống, nuôi trồng thuỷ sản gặp nhiều khó khăn. Sang Quí II, sản xuất thuỷ sản được khôi phục, thả mùa nuôi mới, sản lượng nuôi trồng, đánh bắt tăng. Về trồng trọt do rét đầu năm kéo dài nên một số diện tích trồng lúa chuyển sang trồng màu vì muộn thời vụ. Ước tính trồng trọt quí II giảm so với cùng kỳ năm trước.

Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp - xây dựng 6 tháng đầu năm tăng 12,3% (đóng góp 5,25% vào mức tăng chung). Hiện nay, đây đang là ngành chủ yếu quyết định đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Nội; so với các năm trước, tốc độ tăng của ngành này 6 tháng năm nay thấp hơn do ảnh hưởng của việc tăng giá nguyên nhiên vật liệu, tình hình cắt điện luân phiên, một số công ty giải thể, kết thúc hợp đồng, tạm ngừng sản xuất để đầu tư hoặc chuyển địa điểm sản xuất ra tỉnh ngoài...

Giá trị tăng thêm các ngành dịch vụ tăng 10,1% so cùng kỳ (đóng góp 5,59% vào mức tăng chung), cao hơn tốc độ tăng của 6 tháng đầu năm 2007 và 2006. Do tiền lương cơ bản tăng 20% so với trước, nên các ngành khối hành chính sự nghiệp như quản lý nhà nước, giáo dục, văn hoá, y tế… có tốc độ tăng khá, cao hơn mức tăng chung của khu vực dịch vụ (từ 10,4-11%). Ngành thương mại, tuy giá cả tăng, ảnh hưởng phần nào đến hoạt động kinh doanh, nhưng do hệ thống bán lẻ phát triển nhanh, một số mặt hàng xuất khẩu có tỷ trọng lớn tăng cao, thị trường được mở rộng sau khi Việt Nam gia nhập WTO nên vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Ngành vận tải kho bãi, bưu điện tiếp tục tăng trưởng và phát triển do Hà Nội là là đầu mối giao thông quan trọng ở phía bắc. Ngành vận tải bên cạnh việc tăng số lượng phương tiện, còn tích cực khai thác các hợp đồng vận chuyển hàng hoá với cự ly vận chuyển ngắn và đường dài. Ngành tài chính tín dụng, tuy thị trường chứng khoán có dấu hiệu chững lại, nhưng vẫn đạt được tốc độ tăng khá cao (15,3%) do hoạt động của các tổ chức tín dụng vẫn giữ được nhịp độ phát triển tốt. Tổng nguồn huy động và dư nợ tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước.

2/ Sản xuất công nghiệp:

Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội tháng Sáu năm 2008 tăng 7,5% so tháng trước và tăng 19,4% so cùng kỳ năm trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 7,3% và 9,4% (tương ứng kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 8,3% và 11%, kinh tế Nhà nước Địa phương tăng 4,3% và 4,9%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 4,8% và 19,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 9,3% và 27,5%.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng 15,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 6% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 4,3%, kinh tế Nhà nước Địa phương tăng 11,2%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 18,1% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 22,1%.

Chia theo ngành kinh tế: công nghiệp chế biến tỷ trọng chiếm 94,8% giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn, có mức tăng trưởng cao nhất 16%, công nghiệp khai thác tỷ trọng 0,68%, tăng 12,5%, công nghiệp điện nước tỷ trọng 4,52%, tăng 11,7%.

Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2008 tuy vẫn đạt được tốc độ tăng cao, nhưng so với các năm trước, tốc độ tăng của 6 tháng năm nay thấp hơn do các nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất,giá nguyên nhiên vật liệu tăng nhanh (đồng, hợp kim, nhôm, kẽm, niken, xăng dầu...) dẫn đến chi phí sản xuất cho 1 sản phẩm tăng, làm cho tiêu thụ hàng chậm lại.

Thứ hai, một số doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất để sửa chữa nhà xưởng, đầu tư, chuyển địa điểm sản xuất ra tỉnh ngoài và kết thúc hợp đồng hoặc giải thể như: Cty SXKD đầu tư và dịch vụ Việt Hà (địa phương) ngừng SX để sửa chữa nhà xưởng, Cty đèn hình Orion - Hanel (VĐTNN) ngừng sản xuất để chờ đầu tư mới, Cty khoá Minh Khai (trung ương), Cty TNHH thương mại và SX bao bì Sông Lam, Cty TNHH Hoà Phong, Cty CP Hoà Phát (ngoài NN), Cty TNHH KTC Hà Nội, Cty TNHH Sam Sung Industrial Việt Nam (nước ngoài)... chuyển sang tỉnh khác; Cty TNHH cáp Vina Daesung (VĐTNN) kết thúc hợp đồng, Cty liên doanh ô tô Daihatsu Vietindo, Cty công nghệ nguồn Postef-Donggah (VĐTNN) giải thể....

Thứ ba,trong 6 tháng đầu năm, việc cắt điện luân phiên làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của các doanh nghiệp.

Thứ tư,một số doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn và tài chính, lãi suất cho vay của ngân hàng cao so với khả năng kinh doanh của doanh nghiệp như: Cty cổ phần khoá Việt Tiệp, Cty TNHH NN 1 thành viên Kim khí Thăng Long, Cty TNHH 1 thành viên Xuân Hoà, Cty TNHH 1 thành viên Điện cơ Thống Nhất, Cty cổ phần May 40 Hà Nội...

2.1. Sản xuất công nghiệp Nhà nước Trung ương: Giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước Trung ương tháng Sáu năm 2008 tăng 8,3% so tháng trước và tăng 11% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2008, tăng 4,3% so cùng kỳ năm trước. Có 11/21 ngành sản xuất tăng, trong đó có một số ngành đạt tốc độ tăng cao như: sản xuất thuốc lá (tăng 15,8%), xuất bản in (tăng 20,3%), sản xuất sản phẩm cao su plastic (tăng 37,9%), sản xuất thiết bị điện (tăng 8,9%), phân phối điện (tăng 11,8%)... Các doanh nghiệp thuộc các ngành này đã chú trọng đầu tư chiều sâu và mở rộng qui mô sản xuất, đổi mới thiết bị và công nghệ, sản phẩm tiêu thụ tốt trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Có 10 ngành sản xuất giảm so cùng kỳ năm trước là: chế biến thực phẩm (giảm 0,5%), dệt (giảm 1,4%), sản xuất đồ da (giảm 30,5%), chế biến hoá chất (giảm 25,7%), sản xuất sản phẩm khoáng phi kim loại (giảm 29,8%), sản xuất dụng cụ chính xác (giảm 56,6%), sản xuất phương tiện vận tải khác (giảm 28,5%)... Sản xuất ở các ngành này giảm so cùng kỳ năm trước ngoài nguyên nhân chung mà các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp gặp phải như: giá vật tư nguyên liệu đầu vào tăng nhanh, khó khăn về vốn, lãi suất, cắt điện... còn có nguyên nhân do một số doanh nghiệp Nhà nước đã thực hiện cổ phần hoá mà vốn Nhà nước chi phối <50% (6 tháng đầu năm có 6 doanh nghiệp mới cổ phần hoá), giá trị sản xuất các doanh nghiệp này được tính chuyển sang khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

2.2. Sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương:Giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương tháng Sáu năm 2008 tăng 4,3% so tháng trước và tăng 4,9% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2008, tăng 11,2% so cùng kỳ năm trước. Có 12/17 ngành sản xuất tăng, trong đó có một số ngành đạt mức tăng cao như: sản xuất các sản phẩm từ kim loại (tăng 27,6%), chế tạo máy móc thiết bị (tăng 15%), sản xuất thiết bị điện (tăng 13,8%), sản xuất phương tiện vận tải khác (tăng 15,9%), khai thác và phân phối nước (tăng 10,7%)...

Trong 6 tháng đầu năm, một số doanh nghiệp công nghiệp địa phương đã chú trọng đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị, công nghệ, bổ sung thêm nhiều dây chuyền sản xuất nhằm nâng cao năng lực, nên sản xuất tăng cao như: các TNHH nhà nước 1 thành viên Kim khí Thăng Long, khoá Việt Tiệp, Điện cơ Thống Nhất, Nhựa Hà Nội, xích líp Đông Anh, Dệt 19/5, Cơ điện Trần Phú...

Trong 6 tháng đầu năm, có 5/17 ngành sản xuất giảm. Nguyên nhân, do nhiều doanh nghiệp Nhà nước địa phương qui mô sản xuất nhỏ, sản xuất thiếu ổn định, một số doanh nghiệp đang chuẩn bị chuyển sang cổ phần hoá trong tương lai gần. Các doanh nghiệp thuộc ngành da, giầy gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, sản xuất giảm do sản phẩm xuất khẩu chủ yếu vào thị trường EU nhưng không được ưu đãi về thuế và hiện nay chưa phải mùa tiêu thụ sản phẩm.

2.3. Sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước:Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài nhà nước tháng Sáu năm 2008 tăng 4,8% so tháng trước và tăng 19,2% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2008, tăng 18,1% so cùng kỳ năm trước, trong đó Công ty TNHH tư nhân tăng 17%, Công ty cổ phần khác tăng 23,6%, doanh nghiệp tư nhân tăng 10,4%, hợp tác xã tăng 3,4%, hộ cá thể tăng 4,2%.

Các doanh nghiệp thuộc khối cổ phần khác (bao gồm công ty cổ phần ngoài Nhà nước và công ty cổ phần có vốn nhà nước <50%) đạt tốc độ tăng cao do mỗi năm có từ 10-15 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hoá chuyển sang, các doanh nghiệp này có qui mô lớn, lao động nhiều, sản xuất tương đối ổn định, sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ tốt trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Khối doanh nghiệp tư nhân và hợp tác xã chỉ có một số doanh nghiệp sản xuất có hiệu quả như DNTN Xuân Kiên, HTX Song Long... còn lại phần lớn đều là doanh nghiệp qui mô không lớn, sản xuất thiếu tính ổn định tốc độ tăng không cao.

Trong 6 tháng đầu năm, có 21/22 ngành sản xuất tăng như: chế biến thực phẩm (tăng 9,6%), da (tăng 30,7%), chế biến gỗ (tăng 17,1%), giấy và sản phẩm từ giấy (tăng 13,6%), hoá chất (tăng 40%), sản xuất dụng cụ chính xác (tăng 68,2%)... Một ngành sản xuất giảm là sản xuất giường tủ, bàn ghế (giảm 1,2%). Nguyên nhân do các doanh nghiệp thuộc ngành này có qui mô nhỏ, sản phẩm làm ra chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Sản xuất công nghiệp ngoài nhà nước tại hầu hết các quận, huyện đều tăng như: Đống Đa (tăng 14,9%), Long Biên (tăng 18,5%), Hai Bà Trưng (tăng 14%), Hoàng Mai (tăng 17,4%)... Riêng quận Hoàn Kiếm, do một số doanh nghiệp chuyển đi tỉnh khác nên sản xuất không tăng so cùng kỳ năm trước.

2.4. Sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài:Giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tháng Sáu năm 2008 tăng 9,3% so tháng trước và tăng 27,5% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2008, tăng 22,1% so cùng kỳ năm trước. Có 15/19 ngành sản xuất tăng, trong đó có một số ngành đạt tốc độ tăng cao như: sx cao su plastic (tăng 64,9%), chế tạo thiết bị máy móc (tăng 104,5%), sản xuất thiết bị văn phòng (tăng 6,6%), sản xuất xe có động cơ (tăng 93,4%), sản xuất phương tiện vận tải khác (22,6%)... Một số công ty lớn, sản xuất ổn định, giá trị xuất khẩu tăng cao như: Công ty Canon Việt nam, Công ty Việt Nam Daewoo Moto Company, Công ty Denso, Công ty chế tạo biến thế ABB...

4/19 ngành sản xuất giảm là: dệt (giảm 32,1%), chế biến gỗ lâm sản (giảm 52,4%), sản xuất thiết bị điện (giảm 16,2%), sản xuất tivi thiết bị thông tin (giảm 7,9%). Sản xuất của các ngành này giảm chủ yếu do có một số doanh nghiệp kết thúc hợp đồng sản xuất, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hạn chế.

Trong 6 tháng đầu năm có thêm 20 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, giá trị sản xuất đạt 100 tỷ, chiếm tỷ trọng 0,7% giá trị sản xuất của khu vực sản xuất công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy vậy, cũng có một vài doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, hiện đang cho công nhân tạm nghỉ việc chờ đầu tư như: Công ty ô tô Hoà Bình, Công ty Orion Hanel...

3. Xây dựng cơ bản:

3.1. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách Nhà nước địa phương: tháng 6 năm 2008, vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách Nhà nước địa phương ước đạt 280,1 tỷ đồng, giảm 3,4% so tháng trước và bằng 54,6% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến 6 tháng đầu năm là 2310,4 tỷ đồng, đạt 35,5% kế hoạch năm.

3.2. Tiến độ thực hiện một số dự án lớn của Thành phố:

- Nút giao thông Kim Liên: Hiện nay nhà thầu đã thực hiện được trên 33% khối lượng công việc, cụ thể như sau: Hầm xe cơ giới đã hoàn thành công tác bê tông đáy (đoạn Đại Cổ Việt - Trung tâm nút), riêng phía Đào Duy Anh đoạn vướng mặt bằng đơn vị thi công đã làm xong đường tránh và rào chắn khu vực các hộ kinh doanh để tổ chức thi công phấn đấu hoàn thành đúng kế hoạch đề ra. Hầm bộ hành hiện vẫn đang được triển khai theo đúng tiến độ đề ra, phấn đấu hầm B (trên đường Giải Phóng) hoàn thành trước ngày 30/8/2008 ; hầm A (trên đường Lê Duẩn) hoàn thành trước ngày 31/12/2008.

- Dự án Cầu Vĩnh Tuy: gồm 4 hạng mục chính đó là :

+ Hạng mục thi công cầu dẫn và nút giao phía Vĩnh Tuy: Cầu dẫn của cầu chính phía Vĩnh Tuy đã hoàn thành 23/32 nhịp. Nhánh CV1A hiện vẫn còn 4/6 nhịp chưa hoàn thành do chưa có nguyên vật liệu để thi công. Mố cầu của cầu chính đã hoàn thành cả phía hạ lưu và phía thương lưu.

+ Hạng mục thi công phần cầu chính vượt sông (gồm 6x135m+2x90m): Đã cơ bản hoàn thành và dự kiến hợp long toàn bộ vào ngày 30/6.

+ Hạng mục thi công phần cầu dẫn phía Bắc (gồm 44 nhịp 40m dầm Supper T; 3 nhịp đúc hẫng 55m+90m+55m và 6 nhịp 35m dầm hộp đúc trên đà giáo): Nhà thầu đã hoàn thành 5/6 nhịp còn 1 nhịp dự kiến hoàn thành vào 25/6.

+ Phần đường dẫn phía Long Biên: Đang tập trung hoàn thiện tuyến 40m tuyến Long Biên - Thạch Bàn, dự kiến hoàn thành tuyến vào 31/12.

- Dự án đường 5 kéo dài:

+ Gói thầu xây lắp phần đường : Gói thầu số 6: đã cơ bản hoàn thành các khối lượng xây lắp chủ yếu trừ phần vỉa hè chờ thi công đường ống cấp nước truyền dẫn D700 và phần bê tông nhựa mặt đường chờ các gói thầu khác để thi công đồng loạt. Gói thầu số 11: Các hạng mục công việc đã hoàn thành như nền đường (trừ Km13+100 - Km13+240) và toàn bộ kết cấu hạ tầng như cống chui dân sinh; Tunen ngang; hào kỹ thuật; cống thoát nước mưa, nước bẩn; tường chắn gạch xây, bê tông. Các hạng mục đang triển khai như hầm đi bộ, mương thoát nước, đất K98. Tuy nhiên, hiện vẫn còn vướng 5 hộ dân nên vẫn chưa thể thi công được hạng mục cầu Ngũ Huyện Khê, cống chui dân sinh và toàn bộ nền đường đầu cầu. Gói thầu số 7, 8 và số 9 hiện đang tiến hành triển khai thi công đào đất không thích hợp, đắp cát nền đường, lắp đặt các hạ tầng kỹ thuật và sản xuất cấu hiện đúc sẵn, nhưng riêng gói thầu số 9 vẫn chưa có mặt bằng để thi công. Gói thầu số 10: Nhà thầu đang tiến hành triển khai thi công. Gói thầu số 15: do điều chỉnh thiết kế nên gói thầu vẫn đang được tạm dừng để xin ý kiến của các bên liên quan. Về công tác GPMB hiện vẫn còn gần 400 hộ dân trên địa bàn quận Long Biên chưa có nhà TĐC nên chưa thể bàn giao mặt bằng.

+ Các gói thầu xây lắp phần cầu (Cầu Đông Trù): Gói thầu số 12: đã cơ bản hoàn thành 01 mố và 5/10 trụ cầu, hiện nhà thầu đang tiến hành thi công phần đường dẫn đầu cầu, đúc các cấu kiện bê tông như cống, đế cống D1500. Về công tác GPMB của gói thầu này hiện vẫn còn vướng 71 hộ thuộc xã Đông Hội nên trụ P2 đến P5 chưa thể thi công. Gói thầu số 13: là gói thầu chính cầu Vòm ống thép nhồi bê tông nhịp 80m+120m+80m, 4 trụ và 216 cọc khoan nhồi đường kính 2m. Hiện đang hoàn thiện thiết kế kỹ thuật theo ý kiến đơn vị tư vấn thẩm tra. Gói thầu số 14: Nhà thầu đang tiến hành chuẩn bị thi công tuy nhiên mặt bằng vẫn chưa có do chưa di chuyển được nhà máy Z133 và 4 hộ dân phía ngoài bãi.

3.3. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài:Dự kiến 6 tháng đầu năm 2008, Hà Nội thu hút được 160 dự án cấp mới và tăng vốn với tổng số vốn đăng ký là 1 200 triệu USD. So cùng kỳ năm trước, số dự án tương đương, nhưng số vốn đầu tư tăng 20%. Có 145 dự án cấp mới với số vốn đầu tư đăng ký là 842 triệu USD, trong đó có một số dự án lớn như: Công ty đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghệ sinh học Hà Nội (250 triệu USD), Công ty TNHH Khách sạn 5 sao Hoa Sen (250 triệu USD), Công TNHH Honda Trading Việt Nam (5 triệu USD). Bổ sung tăng vốn 15 dự án với vốn đầu tư đăng ký 358 triệu USD. Các dự án đã điều chỉnh tăng vốn nhiều nhất là: Công ty cổ phần Vina Power (tăng 15,6 triệu USD), Công ty bảo hiểm nhân thọ Prevoir Việt Nam (tăng 13 triệu USD), Công ty TNHH dịch vụ xây dựng và phát triển phần mềm Okada Harmony (tăng 4 triệu USD).

3.4. Tổng vốn đầu tư xã hội:Dự kiến 6 tháng đầu năm 2008, tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn Hà Nội đạt 28 364 tỷ đồng tăng 11,9% so cùng kỳ năm trước, trong đó vốn trong nước tăng 10,3%, vốn ngoài nước tăng 28,4%. Dự kiến 6 tháng đầu năm, Thành phố cấp đăng ký kinh doanh cho 6800 doanh nghiệp, tăng 32%, với số vốn đăng ký 75 000 tỷ đồng tăng 36% so cùng kỳ.

4. Thương mại dịch vụ:

4.1. Nội thương: Tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn Hà Nội tháng Sáu năm 2008 tăng 1,6% so tháng trước và tăng 30,6% so cùng kỳ năm trước, trong đó bán lẻ tăng 1,7% và 33%.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2008, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn Hà Nội tăng 28,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó bán lẻ tăng 32,3% (tăng 14% nếu loại trừ yếu tố giá). Trong tổng mức bán hàng hoá, kinh tế nhà nước chủ yếu tham gia thị trường bán buôn, kinh tế ngoài nhà nước chủ yếu tham gia thị trường bán lẻ, dịch vụ (chiếm 80% thị trường bán lẻ).

Trong 6 tháng đầu năm, thương mại dịch vụ vẫn phát triển khá và đồng đều ở nhiều lĩnh vực. Nguyên nhân tổng mức bán ra tăng cao do: Thứ nhất, Giá cả năm nay biến động bất thưòng và đang tạo ra một mặt bằng giá mới cao hơn hẳn mặt bằng giá cũ nên doanh thu thương mại, dịch vụ tăng lên nhiều so với năm trước. Thứ hai, hệ thống bán lẻ đã có sự phát triển nhanh chóng và ngày càng nhiều tập đoàn kinh tế bán lẻ lớn mở rộng thị trường tại Hà Nội (VD: Nguyễn Kim). Mạng lưới siêu thị đã trải rộng khắp nơi với qui mô ngày càng lớn, thu hút người dân đến mua sắm rất đông, nhất là các ngày nghỉ, lễ, Tết.

4.2. Ngoại thương:

- Xuất khẩu: So với tháng trước, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Thành phố Hà Nội tăng 2,4%, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 2,7%.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2008, xuất khẩu trên địa bàn đạt 3039 triệu USD, bình quân 1 tháng đạt 506 triệu USD, cao hơn 175 triệu USD so với mức bình quân của cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng tăng 24,2%. Như vậy, qui mô và tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục được duy trì ở mức cao.

Nông sản vẫn là một trong những nhóm hàng có trị giá xuất khẩu lớn đạt 544 triệu USD tăng 21,6% so cùng kỳ. Trong nông sản, gạo chiếm tỷ trọng khoảng 51% (chủ yếu của VP Tổng công ty lương thực miền Bắc), kim ngạch xuất khẩu gạo tăng 82,1%. Các mặt hàng nông sản khác như chè (VP Tổng công ty Chè) tăng 32,1% so cùng kỳ do giá xuất khẩu thế giới tăng khá cao; cà phê (Công ty thực phẩm miền Bắc, Công ty Thanh Hà) giảm 31,4% do thu mua hàng gặp khó khăn (nông dân găm hàng chờ giá cao hơn nữa mới bán).

Hàng dệt may xuất khẩu đạt 344 triệu USD, tăng 2,8% so cùng kỳ. Mỹ và EU vẫn là thị trường chủ yếu của mặt hàng này. Giày dép xuất khẩu ở mức trung bình, đạt 64 triệu USD, tăng 2,4% so cùng kỳ.

Linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi có trị giá xuất khẩu ổn định và đạt kim ngạch xuất khẩu cao, 6 tháng đạt 565 triệu USD, tăng 33,8% so cùng kỳ. Máy in phun đang là lợi thế của các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài và có tốc độ tăng cao so với các nhóm hàng khác. Đây tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Thành phố Hà Nội trong những năm tới.

Than đá, xuất khẩu đạt 145 triệu USD tăng 28,9% so cùng kỳ. Trong 3 năm trở lại đây, than đá là mặt hàng có giá trị xuất khẩu tương đối lớn, đạt trên 100 triệu USD/năm.

Trong 6 tháng đầu năm 2008, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hà Nội đều tăng, trong đó có những mặt hàng tăng rất cao như máy in phun, than đá, xăng dầu tạm nhập tái xuất... Thị trường xuất khẩu có đa dạng hơn nhưng tăng trưởng không đều, vẫn tập trung chủ yếu ở một số thị trường như Mỹ, EU, ASEAN. Hoạt động xuất khẩu của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang phát triển nhanh chóng và đóng vai trò đáng kể trong hoạt động xuất khẩu trên địa bàn. Xuất khẩu của khu vực này đạt 1124 triệu USD, tăng 37,1% so cùng kỳ, chiếm 37% tổng kim ngạch xuất khẩu. Hiện nay, giá cả trên thị trường thế giới đang có lợi cho hàng nông sản xuất khẩu như gạo, cà phê, hạt tiêu, cao su...

- Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tăng 3,7% so tháng trước, trong đó nhập khẩu địa phương tăng 3,9%.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2008, kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn đạt 12563 triệu USD, tăng 49,3% so cùng kỳ, trong đó máy móc thiết bị phụ tùng tăng 46,2%, vật tư nguyên liệu tăng 56,2%, xăng dầu (chiếm tỷ trọng 1/3 tổng trị giá nhập khẩu) tăng 63,5%...

Trị giá nhập khẩu tăng cao do hai nguyên nhân: Thứ nhất, do giá tăng. Giá cả trên thị trường thế giới tăng cao so với trước như giá gạo, cà phê, xăng dầu, sắt thép, hoá chất, sợi, bông... nên đẩy kim ngạch nhập khẩu tăng lên. Thứ hai, do nhu cầu sản xuất, nên lượng nhập khẩu tăng ở các mặt hàng như phân bón các loại, sắt thép và kim loại, hoá chất, xăng dầu, tân dược....

4.3. Du lịch: Dự kiến 6 tháng đầu năm 2008, Hà Nội đón 3,5 triệu lượt khách du lịch, tăng 7,6% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế là 0,7 triệu lượt tăng 7,9%. Khách du lịch từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Thái Lan, Úc, Mỹ, Anh, Đức, Trung Quốc ... vẫn được duy trì ổn định. Doanh thu kinh doanh lữ hành, khách sạn ước tính tăng 27,4% so cùng kỳ, chủ yếu do giá tour tăng cao hơn so năm trước.

Hà Nội hiện nay có gần 450 khách sạn với khoảng 14 ngàn phòng, trong đó có khoảng 180 khách sạn được xếp hạng với công suất buồng phòng luôn đạt 80%, tuy nhiên các khách sạn xếp hạng thấp và bình dân ít khách hơn nhiều. Do phương tiện đi lại thuận tiện, Hạ Long gần đây luôn đứng đầu trong danh sách bình chọn 7 kỳ quan thế giới mới của trang web "New 7 Wonders" nên số khách quốc tế đến Hạ Long, qua Hà Nội tăng cao trong mấy tháng gần đây.

4.4. Vận tải: 6 tháng đầu năm 2008 so cùng kỳ, khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 5,8%, hàng hoá luân chuyển tăng 10,4%, khối lượng hành khách vận chuyển tăng 15,5%, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 11,5%.

Vận tải bằng xe buýt khoảng 200 triệu lượt khách, tăng 10% so cùng kỳ và chiếm 80% hoạt động vận tải hành khách. Những trung tâm vận tải, điểm trung chuyển xe buýt theo tiêu chuẩn và các tuyến xe hiện đang hoạt động rất hiệu quả, nâng cao công suất hoạt động. Trong thời gian tới, số lượng xe buýt của Thành phố sẽ tiếp tục được tăng cường mở rộng cả về số lượng, qui mô và chất lượng. Tiếp tục khai thác thêm một số tuyến kế cận đi Hoà Bình, Thái Nguyên. Mặc dù nhu cầu về vận tải rất lớn, song việc tăng giá xăng dầu đã ảnh hưởng khá nhiều đến các đơn vị vận tải.

4.5. Bưu chính - Viễn thông: Trong 6 tháng đầu năm 2008, số thuê bao điện thoại phát triển mới là hơn 34,4 nghìn thuê bao (trong đó 68% là thuê bao di động). Dịch vụ Internet phát triển mạnh với 56,3 nghìn thuê bao phát triển mới. Doanh thu ước tính tăng 13,6% so cùng kỳ năm trước. Năm nay, các mạng viễn thông do các nhà cung cấp được đầu tư và nâng cấp nhiều hơn nên ít xảy ra tình trạng nghẽn mạch. Việc cạnh tranh thu hút khách giữa các mạng diễn ra khá quyết liệt. Người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều do tiện ích tăng lên mà giá cước lại giảm đi. Trong mạng viễn thông, nhiều đường truyền Internet cũng đã được mở với tính năng vượt trội khiến cho tốc độ truy cập nhanh hơn.

4.6. Giá cả thị trường: So tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 năm 2008 tăng 2,39%. Các nhóm hàng nhìn chung không còn biến động mạnh, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu chững lại, riêng nhóm hàng lương thực vẫn tăng cao, tăng 6,66%, nhóm thực phẩm tăng 2,34%, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng 3,49%. Chỉ số giá vàng tăng 3,29% so tháng trước. Chỉ số giá đôla Mỹ tăng 6,36%.

Tốc độ trượt giá trong 6 tháng đầu năm (giá tiêu dùng tháng 6/2008 so tháng 12/2007) tăng 16,89% (chỉ số này của năm 2007 là 4,91%). Chỉ số giá vàng tăng 16,51%. Chỉ số giá đôla Mỹ tăng 7,3%. Tốc độ tăng bình quân 1 tháng là 2,64% (năm 2007 là 0,8%). Giá bình quân 6 tháng đầu năm so cùng kỳ ước tính tăng 18,4% (năm 2007 là 7,6%).

Nguyên nhân giá 6 tháng đầu năm tăng cao và tăng bất thường là: Thứ nhất, đợt rét đậm rét hại đầu năm đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất vụ đông xuân và làm chết hàng loạt gia súc, gia cầm ở các tỉnh phía Bắc. Hiện nay, nhiều hộ nông dân trữ thóc không bán ra vì dự đoán thiếu lương thực trong vụ tới. Bên cạnh đó, dịch lợn tai xanh và dịch cúm gia cầm vẫn xuất hiện ở một số địa phương. Lượng gia súc, gia cầm xuất chuồng giảm, nên một số loại gia súc, gia cầm trở nên khan hiếm hơn. Thứ hai, giá vật tư, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu tăng cao, dẫn đến giá một loạt hàng sản xuất trong nước cũng tăng cao. Thứ ba, về điều hành kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ chưa kịp thời, nên đã để lượng tiền đồng kẹt lại trong lưu thông quá lớn dẫn đến lạm phát. Thời điểm tăng giá xăng dầu đúng vào lúc giá hàng sau Tết chưa có dấu hiệu giảm, nên đã gây nên phản ứng tăng giá dây chuyền.

5. Sản xuất nông nghiệp:

5.1. Sản xuất vụ đông xuân: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm giảm 0,3% so cùng kỳ năm trước, trong đó: diện tích lúa giảm 5,53%.

Hiện nay, hầu hết các huyện đã tổ chức đi thăm đồng đánh giá năng suất cây trồng, theo nhận định sơ bộ, so với năm trước, năng suất lúa toàn Thành phố tăng 3,31 tạ/ha (+ 7,74%). Nguyên nhân, chủ yếu là do thời tiết thuận lợi, có mưa đều, vào thời điểm lúa trỗ thì có mưa rào làm cây lúa thụ phấn tốt, hạt chắc. Sản lượng lúa toàn Thành phố ước tính tăng 1572 tấn (+1,79%) so với vụ đông xuân năm trước.

5.2. Chăn nuôi, thuỷ sản:

- Kết quả điều tra chăn nuôi 1 tháng 4 năm 2008:

+ Chăn nuôi gia súc: đàn lợn là 342584 con, giảm 8898 con (-2,53%), sản lượng giết mổ 6 tháng là 24976 tấn, tăng 5,26% so cùng kỳ năm trước. Số đầu con giảm chủ yếu ở huyện Gia Lâm (giảm 8851 con), Thanh Trì (giảm 3958 con), Từ Liêm (2719 con), Hoàng Mai (1149 con). Nguyên nhân giảm, chủ yếu do giá lương thực, thức ăn gia súc liên tục tăng và đang ở mức cao, dịch lợn tai xanh ảnh hưởng đến việc tiếp tục đầu tư, mở rộng chăn nuôi của các hộ dân.

Đàn bò là 55895 con; đàn bò cày kéo giảm; đàn bò thịt và bò sữa có xu hướng tăng lên do được giá, dễ bán và giá sữa hiện nay đang ở mức cao có lợi cho người chăn nuôi. Đàn trâu là 7184 con, số lượng đàn trâu ngày càng giảm do cơ giới hoá trong nông nghiệp ngày càng tăng.

+ Chăn nuôi gia cầm: Tổng đàn gia cầm là 3163 ngàn con, tăng nhẹ so cùng kỳ năm trước. Do đầu năm rét đậm, gia cầm chậm lớn, một số nơi gia cầm bị chết rét, dịch cúm gia cầm lại xuất hiện nên sản lượng giết mổ, bán giết thịt giảm 210 tấn so 6 tháng đầu năm ngoái. Công tác tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vẫn được duy trì thưòng xuyên, định kỳ.

- Thuỷ sản: Tính đến nay, toàn Thành phố có 3500 ha nuôi thả cá, tôm. Trong đó, diện tích nuôi cá là 3403 ha, tăng 84 ha so năm trước. Diện tích nuôi cá tăng chủ yếu ở Gia Lâm (tăng 53 ha), Sóc Sơn (tăng 25 ha), Đông Anh (tăng 20 ha), Thanh Trì (tăng 12 ha) chủ yếu do chuyển từ trồng lúa sang nuôi cá ở các chân ruộng trũng. Sản lượng cá, tôm nuôi trồng thu hoạch là 4418 tấn, giảm 13% so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân, do đợt rét đậm, rét hại kéo dài làm chết hầu hết cá rô phi, chim trắng, còn các loại cá, tôm khác sinh trưởng chậm lại.

6. Một số chỉ tiêu xã hội

6.1. Lao động - Việc làm:

Sáu tháng đầu năm 2008, Thành phố Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 45200 người, đạt 50,22% kế hoạch năm; Xét duyệt 260 dự án với số vốn vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm là 30,3 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 4.890 lao động.

Thẩm định hồ sơ và gia hạn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề cho 15 cơ sở dạy nghề, 40 000 người được đào tạo nghề, đạt 49,3%. Cấp 3.718 bằng nghề cho các trường dạy nghề trên địa bàn Thành phố.

6.2. Giáo dục:

- Qui mô giáo dục mầm non phát triển hơn so với các năm trước. Tỷ lệ trẻ ra lớp ở nhà trẻ và mẫu giáo của Hà Nội đều đạt tỷ lệ cao hơn tỷ lệ chung do Bộ Giáo dục - Đào tạo đề ra; cụ thể là: đến giữa năm học 2007-2008 có 1106 nhóm trẻ, 1973 giáo viên và trẻ đi học nhà trẻ là 24777 cháu, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước và đạt tỷ lệ 17% trẻ trong độ tuổi đi học. Trẻ đi học mẫu giáo 128051 cháu, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, đạt 90% trẻ trong độ tuổi. Công tác phổ cập giáo dục đúng độ tuổi được duy trì với hiệu quả cao. Huy động được 99,9% trẻ trong độ tuổi vào lớp 1, trong đó trẻ đúng độ tuổi đạt 99,6% ; Dự kiến tuyển sinh lớp 1 năm học 2008-2009 là 42324 học sinh.

- Việc tổ chức học hai buổi một ngày: được triển khai ở tất cả các quận, huyện. Số học sinh học 2 buổi /ngày là 184866 học sinh đạt tỷ lệ 91%, tăng 0,6% so với năm học trước. Trung học cơ sở có 65100 học sinh học 2 buổi/ngày đạt 35,9%, tăng 8,4% so với năm học trước. Các đơn vị đã quan tâm, chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng buổi học thứ hai. Các trường đã chủ động, sáng tạo trong việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày trong điều kiện còn khó khăn về cơ sở vật chất, số lượng giáo viên chưa đủ.

- Tình hình thi tốt nghiệp năm học 2007-2008:

+ Cấp Tiểu học: toàn quốc áp dụng không thực hiện kỳ thi tốt nghiệp cho bậc Tiểu học mà dùng kết quả học tập cuối năm lớp 5 làm căn cứ để xem xét, công nhận học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học. Toàn thành phố có 39910 học sinh lớp 5 xét tuyển vào lớp 6, giảm 7,4% so với năm học trước. Kết quả 99,9% học sinh được xét tuyển.

+ Cấp Trung học cơ sở: Năm nay Hà Nội vẫn thực hiện hai phương thức xét tuyển và thi tuyển. Hà Nội có 42452 học sinh lớp 9 xét tuyển tốt nghiệp trung học cơ sở. Ngày 18/6/2008, hơn 41.000 học sinh Hà Nội sẽ thi hai môn Toán, Văn để lấy điểm xét tuyển vào lớp 10. Tổng chỉ tiêu của khối công lập là gần 24.000 học sinh.

+ Cấp Trung học phổ thông và Bổ túc văn hoá THPT: Trong 3 ngày từ ngày 28-30/5, tại các địa bàn trên cả nước diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm học 2007-2008. Kết quả sơ bộ ban đầu tổng hợp được: 35 847 học sinh đỗ tốt nghiệp THPT, đạt 91,72%. Số thí sinh bổ túc văn hoá đỗ là 2944 học sinh, đạt 69%.

- Tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng: Chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường đại học trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2008 là 67 149 học sinh, tăng 9,5% so với năm học trước. Chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường cao đẳng là 10 415 học sinh, tăng 4,8% so với năm học trước.

6.3. Y tế:

-Công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, vệ sinh học đường, vệ sinh lao động, kiểm dịch y tế được triển khai đồng bộ, tích cực từ đầu năm. Xử lý triệt để các ổ dịch, đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, thức ăn đường phố. 6 tháng đầu năm 2008, bệnh sốt dịch/sốt xuất huyết dịch tăng 1,88 lần so với cùng kỳ năm trước.

- Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền trên loa truyền thanh về vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng dẫn lựa chọn thực phẩm đảm bảo chất lượng, các địa chỉ tin cậy về mặt hàng rượu, bánh mứt kẹo, thực phẩm, đồ nguội. Tiến hành triển khai đồng bộ thanh tra vệ sinh ngoại cảnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, tập trung thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, đồ uống, các chợ đầu mối phân phối các sản phẩm giò chả, bánh chưng và các trung tâm kinh doanh thực phẩm, nhà ga, bến xe, sân bay quốc tế….

- Hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc phục vụ người bệnh:triển khai đầy đủ và nghiêm túc các quy định, chế độ chuyên môn theo yêu cầu, đảm bảo chăm sóc chu đáo người bệnh điều trị tại bệnh viện, quan tâm đối tượng chính sách, người nghèo đặc biệt trong dịp Tết Nguyên Đán. Công suất sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện đều đạt trên 100%, Trung tâm Vận chuyển cấp cứu Hà Nội đã tiếp nhận 9.276 lượt yêu cầu cấp cứu, trong đó lượt xe đi 9.240 lượt, số bệnh nhân 7.284 người.

- Chương trình phòng chống HIV/AIDS: luỹ tích số người nhiễm HIV/AIDS đến hết ngày 6/6/2008 là 14.462 người, bệnh nhân chuyển sang AIDS là 3.744 người, số người tử vong là 2.353 người.

6.4. Công tác văn hóa thông tin:

Năm 2008, là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng và những ngày kỷ niệm lớn của Thủ đô cũng như của cả nước. 6 tháng đầu năm 2008, ngành văn hoá thông tin đã có những hoạt động tích cực trong các công tác thông tin, tuyên truyền, quản lý nhà nước cũng như việc quản lý di tích, danh thắng: Kỷ niệm 33 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 118 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh... Các quận, huyện duy trì hoạt động của các câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ, sinh hoạt nhân các ngày kỷ niệm lớn. Hệ thống thư viện cơ sở mở thường xuyên phục vụ bạn đọc, có trưng bày sách báo, chuyên đề theo hướng dẫn, chỉ đạo của Thành phố. Tập trung vào các hoạt động thông tin tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ như 30/4, 1/5, 7/5, 19/5, đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc, tuyên truyền công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống tệ nạn xã hội, tháng hành động vì trẻ em...

6.5. Hoạt động thể dục thể thao:ngành thể dục thể thao Thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động thể thao quần chúng thu hút nhiều người tham gia như: hội khoẻ Măng non Thủ đô Hà Nội. tổ chức các lớp đào tạo hướng dẫn hè 2008: Mở lớp tập huấn hướng dẫn viên bơi, cứu đuối; duy trì và tuyển sinh các lớp năng khiếu như Teakwondo, Wusshu, Karatedo, Bóng đá, Cầu lông, Vật, Điền kinh, Judo, Bóng đá… Phối hợp các quận, huyện với các ban ngành tổ chức đóng trên địa bàn TP tổ chức các giải thi đấu thể thao như : Giải bóng bàn, câu lông, bóng chuyền CNVC…

Hoạt động thể thao thành tích cao: Tiếp tục tăng cường công tác tuyển chọn vận động viên năng khiếu, có khả năng thi đấu thành tích cao. Tích cực tham gia các giải thể thao lớn trong và ngoài nước, tổ chức hoặc phối hợp với Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch và các liên đoàn thể thao tổ chức nhiều hoạt động thi đấu thể thao thành tích cao như giải cầu lông cá nhân toàn quốc, giải vô địch Cầu mây đồng đội toàn quốc, Cúp Karatedo vô dịch toàn quốc, Giai Silat Đông Nam á, giải Wushu vô dịch Châu á, Cúp Thể dục thể giới…Tổ chức các giải thi đấu như: Giải Bóng đá U19 Đông Nam á, Giải vô địch bóng bàn toàn quốc, giải vô địch Teakwondo Hà Nội, giải Cầu lông Hà Nội mở rộng,…

6.6. Tình hình trật tư xã hội - an toàn giao thông: Trong 5 tháng đầu năm 2008 trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã phát hiện và xẩy ra 1672 vụ phạm pháp hình sự (giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước). Tổng số vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma tuý là 1016 vụ (tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước) và bắt giữ được 1242 đối tượng (tăng 37,5% so với cùng kỳ năm trước). Số vụ tai nạn giao thông xẩy ra giảm xuống còn 277 vụ (giảm 15,5% so với cùng kỳ năm trước); Tổng số người bị chết do tai nạn giao thông là 149 người (giảm 22% người so với cùng kỳ năm trước); số người bị thương là 177 người (giảm 19,9% người so với cùng kỳ năm trước). Có 77 vụ cháy nổ (giảm 11 vụ so với cùng kỳ năm trước) làm 3 người bị chết và 6 người bị thương; Tổng trị giá tài sản bị thiệt hại khoảng 2,35 tỷ đồng.

7. Tín dụng, ngân hàng:

Dự kiến đến cuối tháng Sáu năm 2008, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội đạt 367 790 tỷ đồng, tăng 2,12% so tháng trước và giảm 0,34% so cuối năm 2007, trong đó tiền gửi dân cư tăng 2% và tăng 4,5%, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 2,2% và giảm 3,64%. Tổng dư nợ cho vay tháng Sáu đạt 235 162 tỷ đồng, tăng 1,32% so tháng trước và tăng 22,96% so cuối năm 2007, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 0,8% và 22,63%, dư nợ trung và dài hạn tăng 1,9% và 23,48%.



Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         Lấy lại mã bảo mật