Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 năm 2008 (00:00 19/08/2008)


Quý I năm 2008, thời tiết rét đậm rét hại kéo dài hiếm có trong 40 năm trở lại đây, cùng sự biến động phức tạp của giá cả - thị trường đã ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế xã hội của cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng. Song, với sự quyết tâm chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, phát huy những thành tích và kết quả đã đạt được trong xây dựng và phát triển kinh tế xã hội Thủ đô năm 2007; sự phấn đấu nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân lao động Thủ đô, kinh tế xã hội của Hà Nội quý I năm 2008 tiếp tục phát triển và tăng trưởng so cùng kỳ năm trước : Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 10,7%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15,2%, vốn đầu tư xã hội tăng 15,2%, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 27,5%, kim ngạch xuất khẩu tăng 24,9%... tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được ổn định, đời sống của nhân dân được đảm bảo.



1. Tổng sản phẩm nội địa (GDP):

Tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn thành phố Hà Nội quý I năm 2008 tăng 10,7% so cùng kỳ năm trước (là mức tăng khá nhất trong 5 năm gần đây). Ngành công nghiệp - xây dựng vẫn duy trì mức tăng khá với giá trị tăng thêm tăng 11,9% (đóng góp 5,7% vào mức tăng chung), các ngành dịch vụ có giá trị tăng thêm tăng 9,9% (đóng góp 5,0% vào mức tăng chung), ngành nông-lâm-thuỷ sản có giá trị tăng thêm tăng 0,4% (đóng góp 0,01% vào mức tăng chung).

Tốc độ tăng GDP quý I so cùng kỳ của một số năm như sau :

2004

2005

2006

2007

2008

Tốc độ tăng GDP (%)

10,0

10,4

10,0

10,6

10,7

- Nông - lâm - thuỷ sản

-0,2

3,9

-3,1

-1,0

0,4

- Công nghiệp - xây dựng

13,6

11,7

12,2

12,8

11,9

- Dịch vụ

7,9

9,7

8,9

9,3

9,9

2. Sản xuất công nghiệp:

Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội tháng Ba năm 2008 tăng 18,5% so tháng trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 15,7% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 15%, kinh tế Nhà nước Địa phương tăng 17,6%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 11,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 25%.

Dự kiến quý I năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng 15,2% so cùng kỳ năm trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 5,8% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 4%, kinh tế Nhà nước Địa phương tăng 11,2%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 15,1% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 23,3%.

a/ Sản xuất công nghiệp Nhà nước Trung ương:

Giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước Trung ương tháng Ba năm 2008 tăng 15% so tháng trước và tăng 2,3% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến Quý I năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước Trung ương tăng 4% so cùng kỳ năm trước với 15/20 ngành sản xuất tăng, trong đó một số ngành sản xuất tăng khá: khai thác than (tăng 21,8%), sản xuất đồ da (tăng 26,4%), xuất bản - in (tăng 23,4%), sản xuất tivi, thiết bị thông tin (tăng 21,4%), sản xuất xe có động cơ (tăng 32,3%), sản xuất giường tủ đồ khác (tăng 45,5%)… Một số doanh nghiệp đã và đang đầu tư chiều sâu mở rộng sản xuất, có thị trường tiêu thụ tốt nên sản xuất tăng khá là : Công ty In và văn hoá phẩm, Công ty Chế tạo động cơ Việt Hưng, Công ty Thiết bị đo điện, Công ty Bóng đèn Rạng Đông, Công ty May 10, Công ty cổ phần Cồn Rượu Hà Nội…

b/ Sản xuất công nghiệp Nhà nước Địa phương:

Giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước Địa phương tháng Ba năm 2008 tăng 17,6% so tháng trước và tăng 15,5% so cùng kỳ năm trước. Có 13/17 ngành sản xuất tăng so cùng kỳ năm trước trong đó có một số ngành sản xuất tăng khá : sản xuất khoáng phi kim loại (tăng 65,2%), sản xuất thiết bị điện (tăng 41,7%), sản xuất dụng cụ chính xác (tăng 63,6%), xuất bản, in (tăng 23,6%)…

Dự kiến quý I năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước Địa phương tăng 11,2% so cùng kỳ năm trước với 13/17 ngành sản xuất tăng, trong đó một số ngành sản xuất tăng khá: xuất bản, in (tăng 31,2%), sản xuất khoáng phi kim loại (tăng 35,1%), sản xuất dụng cụ chính xác (tăng 27,3%)… 4/17 ngành sản xuất giảm là: công nghiệp dệt (giảm 0,5%), sản xuất trang phục (giảm 15,4%), sản xuất kim loại (giảm 3,2%) và sản xuất tivi thiết bị thông tin (giảm 40,2%).

c/ Sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước:

Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tháng Ba năm 2008 tăng 11,1% so tháng trước và tăng 11% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến quý I năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tăng 15,1% so cùng kỳ năm trước, trong đó Công ty TNHH tư nhân tăng 15,2%, Công ty cổ phần khác tăng 18,9%, doanh nghiệp tư nhân tăng 15,4%, hợp tác xã tăng 0,8% và hộ sản xuất cá thể tăng 2,4%. Sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước quý I năm 2008 có tốc độ tăng khá là do nhiều doanh nghiệp mới thành lập đi vào hoạt động sản xuất và một số doanh nghiệp lớn sản xuất khá ổn định và tăng cao : hợp tác xã nhựa Song Long, doanh nghiệp tư nhân Xuân Kiên, Công ty TNHH Hiệp Hưng, Công ty Nam Hoà, Công ty Hoà Phong, Công ty sơn KOVA, Công ty Ngọc Dần, Công ty VIFO, Công ty Thái Hoà...

d/ Sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài:

Giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tháng Ba năm 2008 tăng 25% so tháng trước và tăng 10,9% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến quý I năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 23,3% so cùng kỳ năm trước với 16/19 ngành sản xuất tăng, trong đó có một số ngành sản xuất tăng khá: sản xuất trang phục (tăng 185,1%), sản xuất đồ da (tăng 161,8%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (tăng 122,3%), chế tạo thiết bị máy móc (tăng 117,9%), sản xuất cao su plastic (tăng 60,9%), sản xuất dụng cụ chính xác (tăng 60,8%) … 3/19 ngành sản xuất giảm là: chế biến thực phẩm (giảm 21,6%), chế biến gỗ lâm sản (giảm 37,4%) và sản xuất khoáng phi kim loại (giảm 13,7%).

3. Xây dựng cơ bản:

a/ Thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách Nhà nước địa phương: tháng Ba năm 2008 ước đạt 450 tỷ đồng tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến 3 tháng đầu năm đạt 1480,3 tỷ đồng đạt 22,8% kế hoạch năm.

Tiến độ thực hiện một số dự án lớn của Thành phố:

- Nút giao thông Kim Liên: Hiện nhà thầu đã tiến hành mở rộng rào chắn về phía đường Đại Cổ Việt để tiến hành đào đất, xử lý nền đất yếu, làm dầm đỡ… ; Dự án đã thi công đạt 40% khối lượng; Ban QLDA đang chỉ đạo Nhà thầu tập trung nhân lực thiết bị để hoàn thành dự án đáp ứng thời hạn Hiệp định vay vốn hết tháng 3/2009.

- Dự án Cầu Vĩnh Tuy:

+ Hạng mục thi công cầu dẫn và nút giao phía Vĩnh Tuy :Hạng mục này do nhà thầu Cienco4 đảm nhiệm gồm CV1A, CV1B, CV1C và phần cầu dẫn từ trụ mố M1 (TL+HL) đến trụ T16 (TL+HL). Hiện nhà thầu đã hoàn thành được 13/16 mố cầu và 2 nhánh CV1B, CV1C. Riêng nhánh CV1A hiện nhà thầu vẫn đang tiến hành khẩn trương công việc và bám sát tiến độ đã đề ra.

+ Hạng mục thi công phần cầu chính vượt sông (gồm 6x135m+2x90m): Hạng mục này do 2 nhà thầu thi công đó là Cienco1 và Tổng công ty xây dựng Thăng Long đảm nhiệm. Hiện nay, do giá nguyên vật liệu đầu vào như sắt thép, xi măng tăng cao nên việc thi công hai khối KT17 và KT25 chưa thể hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Dự kiến, đến cuối tháng 3 sẽ tiến hành hợp long 5/8 mối và hợp long toàn bộ 8/8 mối vào khoảng từ 30/4 đến 15/5.

+ Hạng mục thi công phần cầu dẫn phía Bắc (gồm 44 nhịp 40m dầm Supper T; 3 nhịp đúc hẫng 55m+90m+55m và 6 nhịp 35m dầm hộp đúc trên đà giáo): Hạng mục này do 3 nhà thầu thi công (Cienco 1; Cienco 6; Tổng công ty xây dựng Thăng Long) đã hoàn thành được 44/44 nhịp dầm SuperT. Cầu vượt đê Tả sông Hồng (55m+90m+55m) đã hoàn thành. Riêng phần dầm hộp đúc trên đà giáo do nhà thầu Cienco1 đảm nhiệm đã hoàn thành được 5/6 nhịp, phấn đấu sẽ hoàn thành nốt nhịp còn lại vào 30/4.

+ Phần đường dẫn phía Long Biên: Do hai nhà thầu CIENCO 1 và UDIC thi công hiện công tác thi công xử lý nền đất yếu đã hoàn thành và đang thi công cấp phối đá răm loại 2. Hệ thống cống Tuynen kỹ thuật cũng đã cơ bản hoàn thành. Hiện bên phía trái đường 5 đang tiến hành thi công để phân luồng giao thông, bên phải vẫn chưa thể tiến hành do mặt bằng của Công ty X20 và X26 chưa được bàn giao.

- Dự án đường 5 kéo dài:

+ Gói thầu xây lắp phần đường:Gồm 7 gói thầu chính (6 gói thuộc huyện Đông Anh và 1 gói thuộc quận Long Biên). Riêng gói thầu thuộc quận Long Biên hiện đang bị vướng nút giao thông đường sắt nên phải thay đổi thiết kế. Sáu gói thuộc huyện Đông Anh vẫn đang được các nhà thầu thi công, đảm bảo tiến độ đã đề ra.

+ Các gói thầu xây lắp phần cầu (Cầu Đông Trù): được chia làm 03 gói thầu xây lắp chính (gói thầu số 12; 13; 14). Gói thầu số 12: Hiện đang vướng mắc do GPMB thôn Đông Trù xã Đông Hội. Về công tác thi công, hiện đang thi công kết cấu phần dưới như cọc khoan nhồi (hoàn thành 168/288 cọc), thân và bệ trụ (hoàn thành mố A0, trụ P1, P6, P7, P8, P9) còn trụ P2, P3, P4, P5 hiện do vướng mắc mặt bằng nên chưa tiến hành thi công. Gói số 13: Hiện đã hoàn thành việc kiểm tra thiết kế kỹ thuật và đang tiến hành lập hồ sơ mời thầu. Dự kiến tháng 8 sẽ tiến hành đấu thầu. Gói số 14: đã ký xong hợp đồng xây dựng và dự kiến sẽ khởi công vào tháng 4/2008 do nhà thầu Cienco4 thi công.

b/Đầu tư trực tiếp nước ngoài: Dự kiến quý I năm 2008, Hà Nội thu hút được 72 dự án (cả cấp mới và tăng vốn) với tổng số vốn đăng ký là 584,8 triệu đô la Mỹ, trong đó cấp mới là 67 dự án với vốn đầu tư đăng ký 542 triệu đô la Mỹ. So với cùng kỳ năm trước, số dự án thu hút bằng nhau, số vốn đầu tư tăng 162%.

c/Tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn Hà Nội quý I năm 2008 dự kiến đạt 8.340 tỷ đồng tăng 15,2% so cùng kỳ năm trước, trong đó vốn trong nước đạt 6.440 tỷ đồng tăng 12,2%, chiếm 77,2% tổng vốn đầu tư. Trong tổng số vốn trong nước vốn đầu tư của Nhà nước tăng 22,2%, doanh nghiệp Nhà nước tự đầu tư tăng 5,6%, các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư tăng 14%, vốn của dân tự đầu tư tăng 7,9%. Vốn nước ngoài là 1.900 tỷ đồng tăng 26,7%, chiếm 22,8% tổng vốn đầu tư.

4. Thương mại dịch vụ:

a/ Nội thương: Tháng Ba năm 2008 tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn Hà Nội tăng 26,8% so cùng kỳ năm trước (bán lẻ tăng 28,3%) và giảm 3,6% so tháng trước (bán lẻ giảm 4,1%) .

Dự kiến quý I năm 2008, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn Hà Nội tăng 27,5% so cùng kỳ năm trước, trong đó bán lẻ tăng 29,6%. Nội thương Hà Nội đạt được tốc độ tăng khá cao do có hệ thống bán lẻ phát triển nhanh chóng với mạng lưới cửa hàng và siêu thị trải rộng khắp nơi, có quy mô ngày càng phát triển, thu hút người tiêu dùng; mặt khác yếu tố tăng giá quý I năm 2008 cao hơn hẳn tốc độ tăng giá các năm trước cũng là một nguyên nhân đẩy doanh thu thương mại dịch vụ tăng lên nhiều so cùng kỳ năm trước.

b/ Ngoại thương:Tháng Ba năm 2008 so tháng trước, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Thành phố Hà Nội tăng 3,4% trong đó xuất khẩu địa phương tăng 3,2%, kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tăng 3% trong đó nhập khẩu địa phương tăng 3,6%.

Dự kiến quý I năm 2008, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt 1226,3 triệu USD tăng 24,9% so cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu địa phương 711,5 triệu USD tăng 37,3%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu đều tăng: hàng nông sản tăng 5,6%, hàng dệt may tăng 17,4%, giầy dép tăng 2,7%, hàng điện tử tăng 13%, máy in phun tăng 51,7%, hàng thủ công mỹ nghệ tăng 3,1%, xăng dầu tạm nhập tái xuất tăng 19,1% và hàng khác tăng 35,3%. Xuất khẩu của Hà Nội tăng khá là do: Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có những đợt hàng xuất khẩu khá lớn so năm trước; sau khi Việt Nam gia nhập WTO, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã khai thông được thị trường; đặc biệt do sản phẩm máy in phun là mặt hàng có tỷ trọng lớn xuất khẩu tăng 51,7% so cùng kỳ.

Kim ngạch nhập khẩu quý I năm 2008 trên địa bàn Hà Nội đạt 4368,5 triệu USD tăng 33,3% so cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu địa phương 1479,9 triệu USD tăng 30,6%. Mặt hàng chủ yếu nhập khẩu là máy móc thiết bị phụ tùng (tăng 35,9%), vật tư nguyên liệu (tăng 32,2%), xăng dầu (tăng 39,9%), hàng tiêu dùng (tăng 17,8%). Nguyên nhân làm kim ngạch nhập khẩu tăng nhiều là do giá cả thị trường thế giới tăng cao và nhu cầu về các hàng hoá nhập khẩu vẫn cao hơn so năm trước.

c/ Du lịch: Tháng Ba năm 2008, khách quốc tế đến Hà Nội khoảng 110 ngàn khách, tăng 11,1% so tháng trước, giảm 2,1 % so cùng kỳ năm trước; khách nội địa đến Hà Nội là 473 ngàn khách, giảm 2,3% so tháng trước và tăng 10,5% so cùng kỳ năm trước; khách Hà Nội đi du lịch mạnh nhất là dịp đầu Xuân và lễ mùng 8 tháng 3. Doanh thu du lịch tăng 2,2% so tháng trước và tăng 21,3% so cùng kỳ.

Dự kiến quý I năm 2008, khách quốc tế đến Hà Nội khoảng 326 ngàn khách, không tăng so cùng kỳ; khách nội địa đến Hà Nội khoảng 1.438 ngàn khách, tăng 12,7%; doanh thu khách sạn lữ hành tăng khá. Doanh thu du lịch quý I năm 2008 tăng 23,2% so cùng kỳ năm trước (Do giá tour tăng lên vì giá dịch vụ cho thuê phòng và dịch vụ vận chuyển tăng nhiều so năm trước).

d/ Giá cả thị trường: Chỉ số giá tiêu dùng tháng Ba năm 2008 tăng 1,9% so tháng trước với hầu hết các ngành hàng đều tăng, trong đó hàng lương thực tăng 17,85% là tốc độ tăng lớn nhất của hàng lương thực trong nhiều năm gần đây. Nguyên nhân, do thời tiết rét đậm rét hại kéo dài đầu năm nay, thời vụ nông nghiệp bị ảnh hưởng, nông dân dự đoán thiếu lương thực trong vụ tới nên trữ thóc không bán ra, làm giá lương thực thị trường tăng lớn. Các ngành hàng khác tăng nhẹ. Riêng hàng thực phẩm giảm 0,88% so tháng trước, do tháng này các thực phẩm tươi sống (thịt, gà, cá, trứng...) đứng giá ở mức cao, rau xanh do thời tiết ấm đã phát triển tốt, giá giảm mạnh. Giá vàng tháng Ba tăng 2,55% so tháng trước với mức giá phổ biến là 1.900 ngàn đồng /1 chỉ vàng 99,99. Giá đô la Mỹ giảm 4,95% so tháng trước.

Chỉ số giá tiêu dùng quý I năm 2008 tăng 15,3% so cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 năm 2008 so tháng 12 năm 2007 tăng 9,33%, tốc độ tăng giá bình quân 1 tháng trong quý là 3,02%/ tháng. Chỉ số giá vàng quý I năm 2008 so cùng kỳ tăng 38,37%, chỉ số giá vàng tháng 3 năm 2008 so tháng 12 năm 2007 tăng 14,28%. Chỉ số giá đô la Mỹ quý I năm 2008 giảm 1,71% so cùng kỳ năm trước, chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3 năm 2008 giảm 5,17% so tháng 12 năm 2007.

e/ Vận tải:Tháng Ba năm 2008 so tháng trước, khối lượng hàng hoá vận chuyển giảm 1,4%, khối lượng hàng hoá luân chuyển giảm 1,1%, khối lượng hành khách vận chuyển giảm 0,7%, khối lượng hành khách luân chuyển giảm 0,7%, doanh thu vận chuyển hàng hoá tăng 13,5% và doanh thu vận chuyển hành khách tăng 5,2% do giá cước vận tải tăng vì giá xăng dầu tăng (riêng giá cước xe buýt nội đô chưa tăng).

Dự kiến quý I năm 2008 so cùng kỳ năm trước, khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 6,2%, khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 10,8%, doanh thu vận chuyển hàng hoá tăng 28,4%, khối lượng hành khách vận chuyển tăng 15%, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 15,5%, doanh thu vận chuyển hành khách tăng 18,6%.

f/ Bưu chính, viễn thông:

- Bưu chính: Tháng Ba năm 2008, doanh thu bưu chính tăng 3,2% so tháng trước do số lượng bưu thiếp, quà mừng nhân dịp mùng 8 tháng 3 tăng lên chút ít.

Dự kiến quý I năm 2008, doanh thu bưu chính đạt 223,9 tỷ đồng, tăng 12,3% so cùng kỳ năm trước.

- Viễn thông: tháng Ba năm 2008 số thuê bao tăng thêm là 20.000 thuê bao điện thoại, 10.240 thuê bao Internet, doanh thu viễn thông đạt 216 tỷ đồng tăng 3,3% so tháng trước.

Dự kiến quý I năm 2008, số thuê bao tăng thêm là 58.740 thuê bao điện thoại và 31.220 thuê bao Internet. Doanh thu viễn thông đạt 643,4 tỷ đồng, tăng 13,8% so cùng kỳ năm trước.

5. Sản xuất nông nghiệp:

a/ Kết quả sản xuất vụ đông 2008: Đến nay, toàn Thành phố đã thu hoạch xong cây trồng vụ Đông và đang tiến hành gieo trồng cây vụ Xuân. Tổng diện tích gieo trồng vụ Đông đạt 11.980 ha, tăng 6,55% so cùng kỳ năm trước (tăng 738 ha). Diện tính, năng suất một số cây vụ Đông năm nay so cùng kỳ như sau: Ngô diện tích 6.617 ha (tăng 10,4%), năng suất 30,4 tạ/ ha (tăng 5,5%); Khoai lang diện tích 1.308 ha (tăng 16,4%), năng suất 66,93 tạ/ ha (giảm 0,1%); Rau các loại diện tích 2.962 ha (giảm 1,4%), năng suất 176 tạ/ ha (tăng 7,1%); Đậu tương diện tích 314 ha (giảm 21,8%), năng suất 10,9 tạ/ ha (tăng 2,4%).

b/ Sản xuất vụ xuân 2008:Từ cuối tháng 1 năm 2008, thời tiết rét đậm rét hại kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, làm chết 1.136 ha mạ, 1.210 ha lúa, 1.578 ha rau màu, 44 con trâu bò, 10.680 con gia cầm. Được sự quan tâm hỗ trợ khó khăn của Thành phố, hiện nay nông dân các huyện đã khẩn trương gieo đủ các loại mạ ngắn ngày, mạ sân và khẩn trương cấy để kịp khung thời vụ gieo trồng. Tổng diện tích lúa đã cấy là 14.529 ha, đạt 84% so kế hoạch và bằng 73% so cùng kỳ năm trước.Dự kiến đến cuối tháng Ba năm 2008 mới cấy xong, so với khung thời vụ sẽ muộn khoảng 5 - 10 ngày. Cùng với gieo cấy lúa Xuân, toàn Thành phố đã gieo trồng được 8.769 ha rau, màu các loại (bằng 94% so cùng kỳ) trong đó: ngô 1.974 ha (bằng 90%); khoai lang 240 ha (bằng 49,5%); rau đậu các loại 2.036 ha (bằng 93%); đỗ tương 410 ha (bằng 97%); lạc 3.324 ha (bằng 115%); hoa các loại 674 ha (bằng 91%). Hiện nay một số diện tích rau ở Đông Anh xuất hiện bọ trĩ, sâu tơ, sâu xanh, bọ nhảy... ở mức độ nhẹ với diện tích khoảng 37 ha. Thời tiết hiện nay có mưa xuân, thuận lợi cho cây trồng phát triển.

c/ Chăn nuôi, thuỷ sản:

- Chăn nuôi gia súc nhìn chung ổn định, không có dịch bệnh xảy ra. Hiện nay, các huyện ngoại thành đang tích cực tiêm phòng cho đàn gia súc. Số lợn giết mổ trong dịp Tết nguyên đán Mậu Tý là 49.720 con (giảm 1,27% so cùng kỳ năm trước) với sản lượng thịt hơi 3.368 tấn (giảm 0,4%). Ước tính đàn lợn có mặt sau Tết là 315,6 ngàn con (giảm 4,7% so cùng kỳ năm trước) do sau Tết thời tiết vẫn rét đậm rét hại kéo dài, người chăn nuôi chưa bổ sung đầu lợn sau khi giết mổ phục vụ Tết.

- Chăn nuôi gia cầm: Đầu tháng 3 năm 2008, xuất hiện cúm gia cầm ở thôn Phú Điền, xã Hồng Kỳ, Huyện Sóc Sơn làm chết 3.661 con gia cầm. Chính quyền địa phương đã cho tiêu huỷ toàn bộ số gia cầm, thuỷ cầm và 20.000 quả trứng, đồng thời khoanh vùng dịch, phun thuốc khử độc 7 - 10 ngày liên tục tại nơi có dịch và 7 ngày liên tục xung quanh ổ dịch bắt đầu từ 5 tháng 3 năm 2008 để tránh lây lan. Công tác tiêm phòng đại trà đợt 1 năm 2008 cho toàn bộ đàn gia cầm, thuỷ cầm được đẩy mạnh trên địa bàn huyện. Hiện nay, dịch bệnh đã được khống chế và chưa phát hiện thêm trường hợp nào. Tuy có dịch xảy ra, nhưng do giá gia cầm ở mức cao nên người chăn nuôi có xu hướng đầu tư tăng thêm đầu con, dự kiến đàn gia cầm toàn Thành phố quý I năm 2008 tăng nhẹ so cùng kỳ năm trước.

- Thuỷ sản: sản lượng cá thu hoạch năm 2007 đạt 10.774 tấn, tăng (5,85% so năm trước), sản lượng tôm 28 tấn (giảm 9,68%). Năm nay, do ảnh hưởng của đợt rét đậm rét hại kéo dài, nhiều ao hồ nuôi thả cá tôm bị chết gây ô nhiễm môi trường nước, mặt khác do chưa có mưa rào nên mực nước ở các ao hồ phần lớn bị thiếu vì vậy việc thả giống và nuôi trồng thuỷ sản gặp nhiều khó khăn. Hiện nay các hộ, trang trại đang tập trung vệ sinh ao hồ, chờ điều kiện thuận lợi tiếp tục nuôi thả mới, đồng thời tiếp tục thu hoạch và chăm sóc giữ đủ nước cho đàn thuỷ sản đang nuôi thả.

d/ Lâm nghiệp:Thực hiện phong trào “Tết trồng cây” Xuân Mậu Tý 2008, toàn Thành phố đã trồng được 89 ngàn cây lâm nghiệp và cây ăn quả. Đơn vị trồng được nhiều nhất là Đông Anh (44.286 cây), Gia Lâm (14.985 cây), Thanh Trì (11.554 cây)... Số cây trồng mới chủ yếu ở các trục đường mới mở, các khu đô thị, khu dân cư mới thành lập, trường học.

6. Các vấn đề xã hội:

a/ Văn hoá xã hội:

- Hoạt động văn hoá thông tin - thể dục thể thao và lễ hội dịp Tết nguyên đán Mậu Tý 2008 được tổ chức tốt với nhiều hình thức phong phú: trang trí, tuyên truyền, cổ động, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, bắn pháo hoa… tạo không khí vui tươi, phấn khởi đón mừng năm mới cho nhân dân Thủ đô.

- Thành phố tổ chức thăm hỏi, chúc Tết, tặng quà và trợ cấp cho các đối tượng chính sách và các đối tượng khác chu đáo, đảm bảo mọi nhà, mọi người đều có Tết. Ngành Lao động thương binh xã hội thành phố chuyển đầy đủ quà của Chủ tịch nước, UBND Thành phố cho người có công, chăm lo Tết cho người nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội. UBND Thành phố quyết định trích từ ngân sách Thành phố 41,3 tỷ đồng tặng quà Tết cho người có công, cán bộ công nhân viên chức nghỉ hưu, mất sức, các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh, người tàn tật, đối tượng xã hội đang chữa trị và nuôi dưỡng và trích 2,41 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố tặng cho 16.083 hộ nghèo của Thành phố với mức 150 ngàn đồng/ hộ

- Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm được chú trọng trong dịp Tết nguyên đán: các ngành chức năng của Thành phố cùng các cấp chính quyền địa phương tăng cường công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch cúm gia cầm, dập tắt ngay các ổ bệnh, tăng cường công tác kiểm dịch tại cửa khẩu Quốc tế Nội Bài... Công tác vệ sinh môi trường Thành phố được quan tâm, đảm bảo Thành phố phong quang, sạch sẽ, không tồn đọng rác thải trong dịp Tết nguyên đán.

b/ Trật tự an toàn xã hội:

Hai tháng đầu năm 2008, trên địa bàn Thành phố Hà Nội phát hiện và xảy ra 582 vụ phạm pháp hình sự (giảm 24% so cùng kỳ năm trước) với 461 đối tượng bị bắt giữ theo luật (giảm 13%). Tổng số vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma tuý trong 2 tháng năm 2008 là 375 vụ (tăng 50% so cùng kỳ năm trước) bắt giữ 450 đối tượng (tăng 60%)

Hai tháng đầu năm 2008, toàn thành phố Hà Nội xảy ra 88 vụ tai nạn giao thông (giảm 29% so cùng kỳ năm trước) làm bị thương 41 người (giảm 43%) và làm chết 57 người (giảm 23%). Số vụ cháy nổ xảy ra trong 2 tháng là 35 vụ (giảm 5 vụ so cùng kỳ) làm 1 người chết, 2 người bị thương (bằng số người chết và bị thương cùng kỳ năm trước) và làm thiệt hại tài sản khoảng 381 triệu đồng (giảm 1,5 tỷ đồng).

7. Tín dụng, ngân hàng:

Dự kiến đến cuối tháng Ba năm 2008, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội đạt 369.092 tỷ đồng, tăng 1,61% so tháng trước và tăng 0,01% so cuối năm 2007, trong đó tiền gửi dân cư tăng 1,55% và tăng 3,27%, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 1,65% và giảm 0,17%. Tổng dư nợ cho vay tháng Ba đạt 211.360 tỷ đồng, tăng 1,06% so tháng trước và tăng 10,52% so cuối năm 2007, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 0,81% và tăng 17,18%, dư nợ trung và dài hạn tăng 1,52% và tăng 0,31%.



Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         Lấy lại mã bảo mật