Tình hình kinh tế xã hội tháng sáu và 6 tháng 2007 (00:00 22/06/2007)


Sáu tháng đầu năm 2007, kinh tế xã hội Thủ đô Hà Nội vẫn duy trì được nhịp độ phát triển khá so với cùng kỳ năm trước với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, văn hoá xã hội tiếp tục được cải thiện trên nhiều mặt. Dự kiến 6 tháng năm 2007, tổng sản phẩm nội địa (GDP) Hà Nội tăng 11,2%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 21,3%, tổng mức bán hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 22,6%, kim ngạch xuất khẩu tăng 21,8%, thu ngân sách tăng 38,6%, huy động vốn đầu tư xã hội trên địa bàn tăng 17,6%.... An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.



1. Tổng sản phẩm nội địa (GDP):

Sáu tháng năm 2007, GDP Hà Nội ước tính tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp mở rộng tăng 14,7% (đóng góp 6,1% vào mức tăng chung), các ngành dịch vụ tăng 9,1% (đóng góp 5,1% vào mức tăng chung) và ngành nông, lâm, thuỷ sản tăng 0,3% (đóng góp 0,01% vào mức tăng chung).

2. Sản xuất công nghiệp:

Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội tháng Sáu năm 2007 tăng 5,5% so tháng trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 3,7% (kinh tế Nhà nước trung ương tăng 3,5%, kinh tế Nhà nước địa phương tăng 4,2%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 3,2% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,2%.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội tăng 21,3% so cùng kỳ năm trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 5,9% (kinh tế Nhà nước trung ương tăng 4,9%, kinh tế Nhà nước địa phương tăng 9,1%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 24,9% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 34,6%.

a/ Sản xuất công nghiệp Nhà nước trung ương:Giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước trung ương tháng Sáu năm 2007 tăng 3,5% so tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước trung ương tăng 4,9% so cùng kỳ năm trước, với 11/21 ngành sản xuất tăng. Một số ngành có tỷ trọng lớn có tốc độ tăng khá: chế biến thực phẩm tỷ trọng 14,3% tăng 14,6%, sản xuất thuốc lá tỷ trọng 8,1% tăng 25,2%, sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại tỷ trọng 6,1% tăng 18,7%, sản xuất thiết bị điện tỷ trọng 7,5% tăng 12,3% ...10/21 ngành sản suất giảm là: sản xuất đồ da (giảm 79,7%), sản xuất trang phục (giảm 61,1%), xuất bản in (giảm 0,6%), sản xuất hoá chất (giảm 5,3%), sản xuất sản phẩm bằng kim loại (giảm 12,8%), chế tạo thiết bị máy móc (giảm 35,1%), sản xuất dụng cụ chính xác (giảm 18,6%), sản xuất phương tiện vận tải khác (giảm 37,2%), sản xuất xe có động cơ (giảm 19,6%) và sản xuất giường tủ đồ khác (giảm 5,3%).

Giá trị sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp Nhà nước Trung ương có xu hướng giảm mạnh trong một số năm gần đây là do có nhiều doanh nghiệp được cổ phần hoá có số vốn Nhà nước <50% chuyển sang thành phần kinh tế ngoài Nhà nước.

b/ Sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương:Giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương tháng Sáu năm 2007 tăng 4,2% so tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 6 tháng năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước Địa phương tăng 9,1% so cùng kỳ năm trước, với 13/17 ngành sản xuất tăng. Một số ngành chiếm tỷ trọng cao có mức tăng khá: chế biến thực phẩm tỷ trọng 3,1% tăng 15,9%, ngành cao su tỷ trọng 5,2% tăng 36,7%, chế tạo thiết bị máy móc tỷ trọng 8,8% tăng 23,9%, sản xuất thiết bị điện tử tỷ trọng 22,9% tăng 19,2%... Có 4/17 ngành sản xuất giảm là: khai thác than (giảm 3,8%), sản xuất trang phục (giảm 7,1%), sản xuất khoáng phi kim loại (giảm 79,7%), sản xuất kim loại (giảm 31,1%). Một số doanh nghiệp Nhà nước Địa phương do đã chú trọng đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị, công nghệ và bổ sung thêm nhiều dây chuyền sản xuất nên giá trị sản xuất tăng khá: Công ty Kim khí Thăng Long, Công ty Khoá Việt Tiệp, Công ty Điện cơ Thống Nhất, Công ty Nhựa Hà Nội, Công ty Xích líp Đông Anh, Công ty Dệt 19/5, Công ty Cơ điện Trần Phú...

c/ Sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước:Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tháng Sáu năm 2007 tăng 3,2% so tháng trước và tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 6 tháng năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tăng 24,9% so cùng kỳ năm trước, trong đó Công ty TNHH tư nhân tăng 16,5%, Công ty cổ phần khác tăng 42,9%, doanh nghiệp tư nhân tăng 8,7%, hợp tác xã tăng 3,2% và hộ cá thể tăng 7,8%. Có 20/22 ngành sản xuất tăng, một số ngành có tốc độ tăng khá: chế biến thực phẩm (tăng 29,4%), công nghiệp dệt (tăng 19,9%), chế biến gỗ, lâm sản (tăng 21%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (tăng 21,9%), sản xuất kim loại (tăng 44%), chế tạo thiết bị máy móc (tăng 22,9%), sản xuất dụng cụ chính xác (tăng 32,4%), sản xuất phương tiện vận tải khác (tăng 22,8%)... có 2/22 ngành sản xuất giảm là: khai thác đá, mỏ khác (giảm 6,7%) và sản xuất đồ da (giảm 4,4%).

Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước trong một số năm gần đây tăng khá ngoài lý do về số lượng doanh nghiệp cổ phần hoá có vốn Nhà nước <50% chuyển sang khu vực công ty cổ phần, còn có nguyên nhân các công ty mới thành lập và đi vào hoạt động cũng khá nhiều, các doanh nghiệp có quy mô lớn chú trọng đầu tư mở rộng sản xuất, sản xuất sản phẩm có chất lượng cao hợp nhu cầu tiêu dùng nên tiêu thụ tốt: Công ty TNHH Nhật Linh (sản xuất dây cáp điện và ổn áp Lioa), Công ty KOVA (sản xuất sơn tường), Công ty Tuấn Ngọc (sản xuất các sản phẩm nhựa), Công ty TNHH Hoàng Tử (sản xuất lắp ráp bình nước nóng), Hợp tác xã Song Long (sản xuất đồ nhựa)...

d/ Sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài:Giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tháng Sáu năm 2007 tăng 8,2% so tháng trước và tăng 35,2% so với cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 34,6% so cùng kỳ năm trước với 15/20 ngành sản xuất tăng, một số ngành tỷ trọng lớn có tốc độ tăng khá: sản xuất thiết bị điện tỷ trọng 10% tăng 40,9%, sản xuất các sản phẩm bằng kim loại tỷ trọng 5,7% tăng 96,2%, sản xuất xe có động cơ tỷ trọng 9,1% tăng 83,3%...Một số công ty lớn sản xuất ổn định và chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ sản phẩm ra nước ngoài tăng cao: Công ty Canon Việt Nam, Công ty Việt Nam Daewoo Motor Company, Công ty Điện tử Thiên Sử, Công ty Denso, Công ty Sumi Hanel, Công ty sứ vệ sinh Inax Giảng Võ, liên doanh chế tạo biến thế ABB, Công ty phụ tùng ô tô Gohy Thăng Long, Công ty Hoya Glass disk, Công ty Yamaha Motor Việt Nam... 5/20 ngành sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước là: sản xuất trang phục (giảm 30%), chế biến gỗ, lâm sản (giảm 79,1%), sản xuất kim loại (giảm 22,3%), sản xuất ti vi thiết bị thông tin (giảm 0,7%), sản xuất dụng cụ chính xác (giảm 6,7%).

Sáu tháng đầu năm 2007, có thêm 20 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động sản xuất, tạo ra giá trị sản xuất 200 tỷ đồng (chiếm 1,9% giá trị sản xuất khu vực có vốn đầu tư nước ngoài) trong đó có những công ty lớn như Công ty liên doanh Daiw plastic Thăng Long, Công ty Sato Vietnam, Công ty Asahy Denso, Công ty Credit, Công ty Công nghệ Hồng Minh, Công ty Nissei Electric...

Tuy vậy, trong 6 tháng đầu năm 2007 cũng có một số Công ty sản xuất cầm chừng do sản xuất ra sản phẩm tiêu thụ chậm: Công ty Ô tô Hoà Bình, Công ty Orion Hanel, Công ty TNHH Arkasun, Công ty TNHH thuỷ tinh Bohemia, Công ty TNHH Parks...

3. Xây dựng cơ bản

* Vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách Nhà nước địa phương:Vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách Nhà nước địa phương tháng 6 ước đạt 512,8 tỷ đồng, tăng 3,3% so tháng trước. Dự kiến 6 tháng đầu năm 2007, đạt 2699,1 tỷ đồng bằng 34,3% kế hoạch năm và bằng 74% so với cùng kỳ do tình hình thực hiện dự án của các BQL còn gặp nhiều khó khăn như BQL dự án hạ tầng Tả Ngạn, BQL dự án Thăng Long,...

Tiến độ một số công trình lớn:

- Đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa: UBND quận Đống Đa đã có văn bản tiến hành xử phạt hành chính đối với 01 hộ chưa nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Đã hoàn thành các khối lượng của dự án (trừ khu vực Đàn Xã Tắc và 01 hộ dân) và BQL đang phối hợp với các đơn vị của Sở GTCC để bàn giao quản lý sử dụng.

- Nút giao thông Kim Liên: Nhà thầu đang thi công trong phạm vi rào 200/500m cả hai phía đường Đại Cồ Việt (100m) và phía đường Đào Duy Anh (100 m), phía đường Đại Cồ Việt đang tiến hành làm đường tạm để mở rộng mặt đường nhằm tránh ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.

- Nút giao thông Ngã Tư Sở: Đã hoàn thành phương án đền bù, chuẩn bị nhà tái định cư tại khu đô thị mới Định Công và Kim Giang, tuy nhiên còn chờ văn bản cho phép bổ sung cơ chế hỗ trợ GPMB lần 2 cho các hộ dân. Cầu vượt và cầu mới đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, hầm bộ hành đã hoàn thành được 3/4 cửa hầm và phấn đấu hoàn thành trong tháng 6/2007.

- Dự án Bắc Thăng Long - Vân Trì:

Về công tác GPMB:tại 2 xã Kim Chung và Hải Bối có 137/190 hộ nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng, 53 hộ đang được UBND xã và BQL vận động bàn giao mặt bằng trong tháng 6 và tháng 7/2007.

Hệ thống đường và thoát nước: Đã hoàn thành lắp đặt tuyến dẫn nước thải từ khu công nghiệp Thăng Long đến Nhà máy xử lý nước thải và lắp đặt tuyến dẫn nước sạch cấp nước cho khu nhà ở cho công nhân thuê.

- Dự án Cầu Vĩnh Tuy: Tại gói thầu số 9 nhà thầu đã cơ bản hoàn thành thi công 02 nhành CV1B, CV1C riêng CV1A nhà thầu vẫn chưa triển khai thi công. Đối với cầu chính được thiết kế 2 cầu song song với nhau có kết cấu 12 nhịp 30m, 4 nhịp 50m, nhà thầu mới chỉ thi công được 1 nhịp 35m (nút giao cầu) hiện đang thực hiện thi công các công trình phụ trợ để thi công nhịp 50m vượt đê. Tại gói thầu số 14, 11 và 16: nhà thầu đã hoàn thành công tác thi công khối K0 từ trụ T18TL đến trụ T21TL, trong đó trụ T18 đang triển khai lắp xe đúc để thi công khối K; trụ T19 đã thi công đến khối K3; trụ T20 đang triển khai lắp xe đúc để thi công khối K và trụ T21TL đã thi công được đến khối K7. Tại gói thầu số 12: nhà thầu đã lao lắp được 9/13 nhịp cầu dẫn và hoàn thành được công tác thi công khối K0 từ trụ T23TL đến trụ T24TL. Đối với trụ T22TL và T23TL nhà thầu đã thi công khối K2 riêng trụ T24 nhà thầu đang tiến hành lắp xe đúc để triển khai thi công các khối K (mỗi nhịp gồm 22 khối K). Tại gói thầu số 13: nhà thầu đã lao lắp được 19/31 nhịp cầu dẫn và hoàn thành được trụ T70TL, T71TL.

- Dự án đường 5 kéo dài: nhà thầu đang khẩn trương hoàn thành các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, nền mặt đường, các cấu kiện bê tông và các công trình phụ trợ có liên quan. Riêng gói thầu số 12 đang tập trung thi công cọc khoan nhồi và kết cấu phần dưới.

* Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài:Dự kiến 6 tháng đầu năm 2007 có thêm 125 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp giấy phép thành lập mới và bổ sung vốn đầu tư với tổng số vốn đầu tư là 930 triệu USD. Có 103 dự án cấp mới với vốn đầu tư đăng ký là 820 triệu USD, trong đó có một số dự án lớn như : Công ty TNHH Berjaya - Handico 12 xây dựng và phát triển khu đô thị mới Thạch Bàn (50 triệu USD), Công ty TNHH Aoneprovic đầu tư mua lại khách sạn Asean (15 triệu USD), dự án khách sạn 5 sao Charmvit (80 triệu USD), tổ hợp Khách sạn - Thương mại - Văn phòng - Căn hộ công viên Thiên niên kỷ Keangnam - Hà Nội (500 triệu USD). Bổ sung tăng vốn là 22 dự án với vốn đầu tư đăng ký là 110 triệu USD.

So với cùng kỳ năm trước số dự án tăng 27% (125/98 dự án), số vốn đầu tư tăng 26% (930/738 triệu USD). So với kế hoạch định hướng cả năm 2007 của UBND Thành phố Hà Nội (quyết định số 233/2006/QĐ - UB ngày 12/12/2006) sáu tháng đầu năm 2007 Hà nội đạt 59,5% về số dự án (125/210 dự án) và 71,5% về tổng số vốn đầu tư đăng ký (930/1300 triệu USD). Vốn đầu tư thực hiện 6 tháng năm 2007 dự kiến đạt 200 triệu USD .

* Tổng vốn đầu tư xã hội : Dự kiến 6 tháng năm 2007, tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn Hà Nội đạt 19171 tỷ đồng tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn trong nước tăng 16,5%, vốn ngoài nước tăng 23,5%. Trong 6 tháng năm 2007 có 5200 doanh nghiệp mới đăng ký kinh doanh theo Luật doanh nghiệp (tăng 2% so với cùng kỳ) với tổng số vốn đăng ký trên 40 tỷ đồng (tăng 173% so với cùng kỳ).

4. Thương mại - dịch vụ

* Nội thương:Tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn Hà Nội tháng Sáu năm 2007 tăng 1,2% so tháng trước, trong đó tổng mức bán lẻ tăng 1,4%.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2007, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn Hà Nội tăng 22,6% so cùng kỳ năm trước, trong đó bán lẻ tăng 23,1%.

Hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn Hà Nội diễn ra sôi động, tổng mức bán hàng hoá và dịch vụ đạt tốc độ tăng khá là do số lượng đơn vị kinh doanh thương mại dịch vụ tăng nhanh với mạng lưới rộng khắp (hiện nay Hà Nội có khoảng 16 ngàn doanh nghiệp, 100 ngàn cơ sở kinh doanh cá thể thương mại dịch vụ, 50 siêu thị và trung tâm thương mại, hơn 1000 văn phòng đại diện…)

Hoạt động thương mại cũng có nhiều thay đổi, mang dấu ấn rõ nét của một thời kỳ phát triển nhanh trong quá trình hội nhập: việc xuất hiện và phát triển không ngừng của nhiều hình thức bán lẻ mới có tính hấp dẫn tiện dụng cao, đó là tăng nhanh các siêu thị lớn, chuỗi cửa hàng bán lẻ, các tuyến phố chuyên một loại ngành hàng, tuyến phố ẩm thực, tuyến phố kinh doanh đêm… bên cạnh chợ truyền thống đã làm cho thị trường bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng Hà Nội ngày càng phong phú, sầm uất, bứt phá theo hướng mở cả chiều sâu và chiều rộng.

* Ngoại thương:Tháng Sáu năm 2007, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội tăng 1,8% so với tháng trước, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 1,4%, kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tăng 1,5% trong đó nhập khẩu địa phương tăng 1,6%.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2007, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội tăng 21,8% so cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 24,8%. Trong các mặt hàng xuất khẩu, máy in phun vẫn là mặt hàng đạt tốc độ tăng khá nhất (tăng 42,4% so cùng kỳ) và đây tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hà Nội trong các năm tới. Hàng nông sản là một trong những nhóm hàng đứng đầu về xuất khẩu, trong 6 tháng đầu năm 2007, kim ngạch xuất khẩu tăng 28,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó gạo chiếm tỷ trọng khoảng 60%, sau đó là cà phê, hạt tiêu, hạt điều... Hàng dệt may 6 tháng năm 2007 tăng 9,8% so cùng kỳ với thị trường chủ yếu vẫn là Mỹ, EU. Xuất khẩu giầy chỉ đạt ở mức trung bình vì mẫu mã và chất lượng ít thay đổi do chủ yếu là gia công cho nước ngoài nên hiệu quả và lợi nhuận thu được thấp, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu giầy dép tăng 8,2% so cùng kỳ. Hàng điện tử xuất khẩu 6 tháng năm 2007 giảm 20,2% so cùng kỳ do giá cả có xu hướng giảm nhẹ, thị trường xuất khẩu không được mở rộng. Xăng dầu tạm nhập tái xuất sang Lào vẫn được duy trì đều đặn, đạt tốc độ tăng 14,1% so cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn Hà Nội 6 tháng năm 2007 tăng 11,2% so cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu địa phương tăng 12,5%. Xăng dầu vẫn là mặt hàng được nhập khẩu nhiều, tăng 13,8% so cùng kỳ, vật tư nguyên liệu chủ yếu như dầu thô, sắt thép, phân bón... tăng 14,2%, hàng tiêu dùng tăng 11,4% và máy móc thiết bị tăng 6%.

* Du lịch: Dự kiến tháng Sáu năm 2007, khách quốc tế đến Hà Nội khoảng 100 nghìn lượt khách, giảm 5-7% so tháng trước nhưng tăng lớn so cùng kỳ, trong đó khách từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Thái Lan là khách đến Hà Nội nhiều nhất. Khách nội địa dến Hà Nội giảm 5% so tháng trước và tăng 12% so cùng kỳ.

Dự kiến 6 tháng năm 2007, khách quốc tế đến Hà Nội là 637,7 nghìn lượt, khách nội địa đến Hà Nội là 2572 nghìn lượt, tăng 8-10%. Tổng lượng khách đến Hà Nội tăng khoảng 11-12%. Công suất buồng phòng ở những khách sạn xếp sao hạng cao đạt 80-90%, tuy nhiên các khách sạn xếp hạng thấp và bình dân ít khách hơn nhiều. Doanh thu của các đơn vị kinh doanh lữ hành, khách sạn 6 tháng đầu năm 2007 ước tính tăng 20-22% so cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do giá tour tăng cao hơn so năm trước.

Trong một số năm gần đây, du lịch Hà Nội phát triển khá là do: Hà Nội có số lượng khách sạn lớn (450 khách sạn) với 12700 phòng, trong đó, 187 khách sạn được xếp hạng với công suất buồng phòng luôn đạt 80%. Phương tiện đi lại thuận tiện, khách quốc tế biết đến Việt Nam nhiều hơn. Hàng năm có khoảng hơn 1 triệu lượt khách quốc tế, 5- 6 triệu khách du lịch nội địa đến Hà Nội. Một tồn tại hiện nay của du lịch Hà Nội là: nhiều khách quốc tế đã đến Hà Nội song 70-80% khách này không quay lại Hà Nội do du lịch Hà Nội thiếu điểm tham quan du lịch đặc sắc, điểm vui chơi giải trí ít, khách sạn cao cấp thiếu và luôn bị quá tải trong các dịp tổ chức các sự kiện khiến Hà Nội chỉ là điểm trung chuyển không hấp dẫn khách du lịch quốc tế ở lại lâu ngày và quay lại lần nữa.

* Vận tải: Tháng Sáu năm 2007, so tháng trước, khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 0,1%, khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 0,3%, doanh thu vận chuyển hàng hoá tăng 1,3%. Khối lượng hành khách vận chuyển tăng 0,1%, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 0,4%, doanh thu vận chuyển hành khách tăng 1,7%.

Dự kiến, 6 tháng đầu năm 2007 so cùng kỳ năm trước, khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 11,2%, khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 12,9%, doanh thu vận chuyển hàng hoá tăng 17,5%. Khối lượng hành khách vận chuyển tăng 8,1%, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 18,2% và doanh thu vận chuyển hành khách tăng 19,9%. Trong 6 tháng năm 2007, việc tăng giá xăng dầu ảnh hưởng khá nhiều đến các đơn vị vận tải (doanh thu có tốc độ tăng cao hơn còn do giá xăng dầu tăng phải tăng giá cước vận tải). 6 tháng đầu năm 2007, Hà Nội vận chuyển bằng xe buýt khoảng 175 triệu lượt hành khách, tăng 10% so cùng kỳ và chiếm 80% hoạt động vận tải hành khách. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường mở rộng cả về số lượng, quy mô, chất lượng vận chuyển bằng xe buýt, tiếp tục mở thêm một số tuyến kế cận đi Hoà Bình, Thái Nguyên.

* Bưu chính, viễn thông:

- Bưu chính: tháng Sáu năm 2007, trị giá tem thư, tem máy đạt 2,6 tỷ đồng, giảm 0,2% so tháng trước, bưu phẩm chuyển phát nhanh đạt 2,7 tỷ đồng, giảm 1,1%, doanh thu đạt 41,6 tỷ đồng tăng 1%. Dự kiến 6 tháng năm 2007, trị giá tem thư, tem máy là 15,7 tỷ đồng, giảm 8,2% so cùng kỳ, bưu phẩm phát chuyển nhanh là 16,3 tỷ đồng giảm 10,4%, doanh thu bưu chính đạt 315,9 tỷ đồng tăng 0,2%.

- Viễn thông: Tháng Sáu năm 2007, số lượng thuê bao tăng mới là hơn 14 nghìn thuê bao điện thoại, 3 nghìn thuê bao internet. Doanh thu viễn thông đạt 191,8 tỷ đồng tăng 0,4% so tháng trước. 6 tháng đầu năm 2007, có 75 nghìn thuê bao điện thoại (trong đó 55% là thuê bao di động) và 15 nghìn thuê bao interrnet tăng mới. Doanh thu dự kiến đạt 1068 tỷ đồng, giảm 21% so cùng kỳ năm trước. Năm nay, các mạng viễn thông do 6 nhà cung cấp đã không ngừng đầu tư nâng cấp nên tình trạng nghẽn mạch đã được hạn chế nhiều. Giữa các mạng cung cấp luôn có sự cạnh tranh thu hút khách nên người tiêu dùng được hưởng nhiều lợi ích do tiện ích tăng lên và giá cước giảm đi. Trong mạng viễn thông, nhiều đường truyền internet đã được mở với tính năng vượt trội khiến cho tốc độ truy cập nhanh hơn.

* Giá cả thị trường:Chỉ số giá tiêu dùng tháng Sáu năm 2007 tăng 0,69% so tháng trước, trong đó thực phẩm tăng 1,51%, thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,67%, nhà ở điện nước chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,9%, giao thông bưu chính viễn thông tăng 0,81%, văn hoá giải trí và du lịch tăng 2,48%, các mặt hàng khác tăng một ít so tháng trước, riêng hàng lương thực giảm 0,99% và bưu chính viễn thông giảm 0,9%. Chỉ số giá vàng giảm 2,18% so tháng trước. Chỉ số giá Đô la Mỹ tăng 0,21% so tháng trước.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng Sáu năm 2007 so tháng Mười Hai năm 2006 tăng 4,91%. Chỉ số giá vàng tăng 4,98%, chỉ số giá Đô la Mỹ bằng 100%. Nguyên nhân giá cả 6 tháng đầu năm 2007 tăng cao là do giá nhập khẩu nhiều vật tư nguyên liệu tăng cao, ảnh hưởng tới giá sản xuất và tiêu dùng trong nước. 6 tháng đầu năm 2007, giá vàng tăng cao và biến động thất thường. Tốc độ tăng giá bình quân một tháng trong 6 tháng đầu năm 2007 là 0,8%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng 2007 so cùng kỳ năm trước tăng 7,6%.

5. Sản xuất nông nghiệp

* Sản xuất vụ đông xuân:Dự kiến tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm giảm 3,84% so cùng kỳ năm trước, sản lượng lương thực có hạt giảm 1,15%. Trong đó: diện tích lúa giảm 0,28%, sản lượng lúa đạt 88 ngàn tấn giảm 8,67%; diện tích ngô giảm 1,99%, sản lượng ngô đạt 26 ngàn tấn, giảm 0,45%; diện tích rau các loại giảm 0,18%, sản lượng rau các loại đạt 98,6 ngàn tấn giảm 1,13%. Diện tích đỗ tương giảm 6,23%, sản lượng đỗ tương đạt 1048 tấn giảm 4%; diện tích lạc giảm 2,26%, sản lượng lạc đạt 4,2 ngàn tấn tăng 13%.

* Chăn nuôi, thuỷ sản:

- Chăn nuôi gia cầm: Đầu tháng Ba năm 2007, Hà Nội xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm tại thôn Hậu Dương, xã Kim Chung, Đông Anh làm chết 1150 con gà. Chính quyền địa phương và nhân dân đã khoanh vùng dịch, phun thuốc khử trùng tiêu độc để tránh lây lan sang hộ khác, xã khác. Đầu tháng Sáu năm 2007, lại xảy ra hiện tượng gia cầm chết hàng loạt ở thôn 4 xã Đông Mỹ (huyện Thanh Trì), xã Bắc Sơn, Mai Đình, Việt Long, Thanh Xuân, Kim Lũ (huyện Sóc Sơn). Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã tiêu huỷ 1738 con gia cầm, khoanh vùng khử trùng khu vực xung quanh, mẫu bệnh phẩm đã được gửi đi và đang chờ kết quả xét nghiệm. Tổng đàn gia cầm hiện có trên địa bàn Hà Nội khoảng 3 triệu con, giảm 6,5% so cùng kỳ năm trước và giảm chủ yếu ở huyện Đông Anh, Sóc Sơn. Số gia cầm giết mổ, bán giết thịt trong 6 tháng 2007 ước đạt 2,6 triệu con, sản lượng thịt giết mổ là 4736 tấn tăng 3% (tăng 137 tấn) so cùng kỳ năm trước. Sản lượng trứng gia cầm (không kể trứng chim cút) khoảng 20 triệu quả, giảm 8% so cùng kỳ.

- Chăn nuôi gia súc: Số lợn giết mổ trong dịp Tết Nguyên đán là 50362 con, tăng 3% so Tết năm trước với sản lượng thịt hơi giết mổ 3382 tấn, tăng 8%. Theo kết quả điều tra chăn nuôi 1/4/2007, số đàn lợn hiện có là 351,6 ngàn con, giảm 14,5 ngàn con (giảm 4%) so cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt hơi giết mổ toàn Thành phố là 23,7 ngàn tấn, tăng 606 tấn (tăng 3%). Tổng đàn trâu hiện có 7,8 ngàn con, giảm 3,7 ngàn con (giảm 33,4%) so cùng kỳ năm trước, do trong nông nghiệp được cơ giới hoá sức cày kéo nên đàn trâu giảm. Đàn bò hiện có là 53 ngàn con tăng 4,3 ngàn con (tăng 1,2%) so cùng kỳ năm trước và tăng chủ yếu ở đàn bò nuôi lấy thịt. Sản lượng thịt trâu bò hơi giết mổ đạt 655 tấn, tăng 6% so cùng kỳ năm trước. Trong tổng số đàn bò, số lượng bò sữa ước tính là 3 ngàn con, giảm 0,53% so cùng kỳ và chủ yếu có ở Gia Lâm, Đông Anh. Sản lượng sữa tươi 6 tháng năm 2007 đạt 3 ngàn tấn tăng 0,4% so cùng kỳ.

- Thuỷ sản: Năm nay, thời tiết thuận lợi, có mưa rào lớn nên việc nuôi thả thuỷ sản thuận lợi. Đến nay, toàn Thành phố đã nuôi thả 3338 ha cá tôm (tăng 261 ha tăng 8,5% so cùng kỳ năm trước), sản lượng cá tôm thu hoạch là 5085 tấn (cá 5079 tấn, tôm 6 tấn) tăng 265 tấn (tăng 11%) so cùng kỳ.

6. Một số chỉ tiêu xã hội

* Lao động việc làm: Dự kiến 6 tháng năm 2007, Thành phố Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 42,6 ngàn người, tăng 2,65% so cùng kỳ năm trước và đạt 50,11% kế hoạch năm. Ban chỉ đạo vay vốn quỹ Quốc gia giải quyết việc làm tại các quận, huyện thực hiện xét duyệt cho 265 dự án với tổng số vốn vay là 26,6 tỷ đồng, duy trì và tạo việc làm cho 3,6 ngàn lao động. Tổ chức khai trương sàn giao dịch việc làm và phiên giao dịch lần thứ nhất.

Tính đến hết tháng Năm năm 2007, toàn Thành phố Hà Nội có 241 cơ sở đào tạo nghề, tăng 17 cơ sở so năm 2006. Ước tính 6 tháng đầu năm 2007, Thành phố đào tạo được 40 ngàn người, đạt 53,3% kế hoạch đào tạo năm trong đó hệ dài hạn 10 ngàn người, hệ ngắn hạn 30 ngàn người.

* Giáo dục:

- Quy mô giáo dục tiếp tục được giữ vững và mở rộng một số bậc học, ngành học. Giáo dục mầm non phát triển hơn so các năm trước, tỷ lệ trẻ ra lớp ở nhà trẻ mẫu giáo của Hà Nội vẫn đạt tỷ lệ cao hơn tỷ lệ chung do Bộ giáo dục đào tạo đề ra: số trẻ đi học nhà trẻ đạt 17% trẻ trong độ tuổi, trẻ đi học mẫu giáo đạt 87,7% trẻ trong độ tuổi. Công tác phổ cập giáo dục đúng độ tuổi được duy trì với hiệu quả cao: 99,9% trẻ trong độ tuổi vào lớp 1, trong đó trẻ đúng độ tuổi đạt 99,6%.

- Việc tổ chức học 2 buổi/ ngày: Số học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày đạt 91% tăng 0,6% so năm trước. Số học sinh trung học cơ sở học 2 buổi/ngày đạt 35,9% tăng 8,4% so năm trước. Các đơn vị đã quan tâm, chỉ đạo nâng cao chất lượng buổi học thứ hai.

- Việc thí điểm phân ban trung học phổ thông: Các trường tham gia thực hiện thí điểm được chuẩn bị chu đáo, cử đủ giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng, phân công giáo viên một cách hợp lý, cung cấp đầy đủ sách thí điểm cho học sinh. Việc thực hiện chương trình thí điểm đúng tiến độ, duy trì tốt nền nếp tổ, nhóm chuyên môn, thường xuyên rút kinh nghiệm qua từng bài thực tập, dạy mẫu, phối hợp giữa các nhóm bộ môn đảm bảo dạy thí điểm tốt.

- Tình hình thi tốt nghiệp năm học 2006-2007: Thành phố xét công nhận tốt nghiệp tiểu học cho 43092 học sinh lớp 5 (tăng 3,8% so năm trước), tổ chức xét tuyển cho 43160 học sinh lớp 9, có 41900 học sinh đủ điều kiện tốt nghiệp THCS được tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 với hai môn văn, toán. Cấp THPT và bổ túc THPT được tổ chức thi tốt nghiệp vào 3 ngày (30, 31/5 và 1/6/2007) với 6 môn văn, toán, hoá học, lịch sử, vật lý và ngoại ngữ (3 môn thi trắc nghiệm là vật lý, hoá học, ngoại ngữ). Hà Nội có 33749 thí sinh THPT dự thi (tăng 1% so năm trước) và 5638 thí sinh bổ túc THPT. Kết quả sơ bộ có 29091 học sinh THPT đỗ tốt nghiệp đạt tỷ lệ 86,2%.

- Tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, THCN: Năm học 2007-2008 chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường đại học trên địa bàn là 62280 học sinh. Chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường THCN là 31935 học sinh (tăng 0,1% so năm trước).

* Y tế: Công tác y tế dự phòng được đề cao và thực hiện triệt để thường xuyên, với những kế hoạch cụ thể phòng chống dịch bệnh các mùa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... Từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm đe doạ bùng phát tại miền Bắc, Sở y tế Hà Nội đã chỉ đạo tốt công tác phòng chống dịch cúm A (H5N1) ở người, tiếp tục duy trì công tác kiểm dịch y tế ở sân bay quốc tế Nội bài, tổ chức phun thuốc khử trùng tiêu độc, tẩy uế tại các điểm kinh doanh, chế biến, vận chuyển gia cầm.

Hoạt động khám chữa bệnh và chăm sóc phục vụ người bệnh được tăng cường. 6 tháng đầu năm 2007, chỉ tiêu khám chữa bệnh đạt cao hơn so cùng kỳ 2006, tập trung ở khối bệnh viện trong Thành phố. Các bệnh viện chủ động khắc phục tình trạng quá tải bằng cách kê thêm giường bệnh (tổng số giường thực hiện/số giường kế hoạch là 4340/3880). Chế độ trực khám cấp cứu, khám bệnh kê đơn, hội chẩn được quan tâm kiểm tra giám sát thường xuyên hơn, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chống nhiễm khuẩn và tổ chức hội nghị “tăng cường vệ sinh bàn tay”...

Tính đến 6/6/2007, tổng số bệnh nhân nhiễm HIV trên địa bàn Hà Nội là 12423 người, số bệnh nhân chuyển sang AIDS là 3366 người trong đó có 1986 trường hợp tử vong.

* Công tác văn hóa thông tin: 6 tháng đầu năm 2007, Sở Văn hoá thông tin Hà Nội chỉ đạo tốt các đơn vị trực thuộc triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền, văn hoá nghệ thuật mừng Đảng - mừng Xuân, kỷ niệm 30/4, 1/5, các hoạt động tuyên truyền phục vụ công tác bầu cử Quốc hội khoá 12. Trong tháng Tư năm 2007, Sở Văn hoá thông tin Hà Nội tham gia liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn quốc “Hát về những người con ưu tú của Đảng” do Bộ Văn hoá thông tin tổ chức tại Đông Hà, Quảng Trị, đoàn Hà Nội đã giành giải nhất toàn đoàn, giành 3 huy chương vàng, 3 huy chương bạc và nhiều giấy khen, bằng khen; tham gia chương trình lễ hội du lịch Hạ Long - Quảng Ninh 2007; lễ hội 100 năm du lịch Sầm Sơn; chương trình liên hoan thông tin lưu động “Về với cội nguồn” do Bộ Văn hoá thông tin tổ chức tại Thái Nguyên - Tuyên Quang.

* Hoạt động thể dục thể thao:6 tháng đầu năm 2007, ngành Thể dục thể thao thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động thể thao quần chúng sâu rộng với nội dung phong phú thu hút hàng ngàn người với mọi lứa tuổi tham gia trong các ngày kỷ niệm của Đất nước: Mừng Đảng - Mừng Xuân, kỷ niệm 53 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, kỷ niệm 61 năm truyền thống ngành Thể dục thể thao, chào mừng bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá 12... Ngành Thể dục thể thao thường xuyên quan tâm, chỉ đạo củng cố và duy trì phát triển các mô hình thể thao trên địa bàn như: Câu lạc bộ sức khoẻ ngoài trời, cụm văn hoá thể dục thể thao, câu lạc bộ thể dục thể thao cơ sở, câu lạc bộ dưỡng sinh... với hơn 40 môn và nội dung phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân ở mọi lứa tuổi tham gia rèn luyện thể thao thường xuyên. Trong 6 tháng 2007, Hà Nội tổ chức các giải thể thao phong trào: Hội khoẻ phụ nữ Thủ đô, Hội khoẻ thanh niên Thủ đô lần thứ VII, Giải bóng chuyền CNVC lao động Thủ đô chào mừng bầu cử Đại biểu Quốc hội, Giải cầu lông gia đình thể thao, Hội khoẻ công đoàn viên chức Thành phố, Giải bóng Cửa người cao tuổi... Tổ chức các môn thi đấu thể thao nằm trong chương trình Hội khoẻ Phù đổng học sinh Thành phố để chuẩn bị lực lượng tham gia Hội khoẻ Phù đổng toàn quốc vào năm 2008 tại Phú Thọ. Tham gia các giải thi đấu thể thao phong trào toàn quốc: Giải bóng đá thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt toàn quốc, Giải cầu lông thiếu niên - nhi đồng toàn quốc.

* Tình hình trật tự xã hội - an toàn giao thông: 5 tháng đầu năm 2007, trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã phát hiện và xảy ra 1901 vụ phạm pháp hình sự (giảm 38% so cùng kỳ năm trước), có 1756 đối tượng bị bắt giữ theo luật (giảm 30%). Số vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma tuý là 743 vụ (giảm 20%), bắt giữ 903 đối tượng (giảm 24%). 5 tháng đầu năm 2007 đã xảy ra 328 vụ tai nạn giao thông (giảm 16%) làm chết 191 người (tăng 9%) và bị thương 221 người (giảm 30%); Có 88 vụ cháy nổ xảy ra (tăng 15,7%) làm chết 1 người và bị thương 5 người với tổng trị giá tài sản bị thiệt hại là 3,18 tỷ đồng.

* Công tác thực hiện chính sách với người có công: 6 tháng đầu năm 2007, Thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện 5 chương trình tình nghĩa, xã hội hoá sâu rộng phong trào Đền ơn đáp nghĩa, huy động các nguồn lực chăm lo đời sống người có công. Tiếp nhận hồ sơ, xét duyệt và giải quyết chế độ chính sách cho 10301 đối tượng người có công. 6 tháng đầu năm 2007, tổng kinh phí chi thực hiện chính sách người có công là 163,8 tỷ đồng (trợ cấp hàng tháng 132 tỷ, trợ cấp một lần 22 tỷ, trợ cấp học sinh sinh viên 5 tỷ, điều dưỡng 2 tỷ).

6 tháng 2007, Thành phố chi trợ cấp khó khăn đột xuất cho 491 hộ cựu chiến binh nghèo, khó khăn nhân dịp kỷ niệm 30/4 và 1/5 mức 500 ngàn đồng/hộ với tổng kinh phí 335,5 triệu đồng, trích từ quỹ Đền ơn đáp nghĩa của Thành phố. Tính đến hết tháng Năm năm 2007, Thành phố Hà Nội đã vận động được 10,9 tỷ đồng đóng góp để thực hiện các chương trình tình nghĩa. Thành phố cũng trích từ nguồn đóng góp của các tổ chức kinh tế liên doanh với nước ngoài hỗ trợ cho quỹ đền ơn đáp nghĩa 4,8 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí của ngân sách và huy động, các quận, huyện đã triển khai xây dựng 114 nhà và sửa chữa 322 nhà tình nghĩa với kinh phí 7,9 tỷ đồng. Hiện đang tập trung hoàn thiện 60 căn hộ để phân cho các gia đình chính sách.

6. Tín dụng Ngân hàng

Dự kiến đến cuối tháng Sáu năm 2007, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội đạt 294 181 tỷ đồng, tăng 2,92% so với tháng trước và tăng 21,18% so cuối năm 2006, trong đó tiền gửi dân cư tăng 2,50% và 11,03%, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 3,20% và 29,19%. Tổng dư nợ cho vay tháng Sáu đạt 134 803 tỷ đồng, tăng 2,35% so với tháng trước và tăng 13,08% so cuối năm 2006, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 2,62% và 11,50%, dư nợ trung và dài hạn tăng 1,91% và 15,76%.


thang 6 nam 2007.xls



Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         Lấy lại mã bảo mật