Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng Một năm 2011 (15:51 02/03/2011)



1. Sản xuất công nghiệp

Giá trị sản xuất công nghiệp tháng Một năm 2011 (giá 1994) ước đạt 10.370,8 tỷ đồng, tăng 12,1% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Kinh tế nhà nước ước đạt 2391,9 tỷ đồng, tăng 9,4% (kinh tế nhà nước Trung ương tăng 9,4%, kinh tế nhà nước địa phương tăng 9,7%); Kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 3480,1 tỷ đồng, tăng 13,5%; Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 4498,9 tỷ đồng, tăng 12,4%.

2. Vốn đầu tư:

Trong tháng Một năm 2011, các công trình, dự án tiếp tục triển khai, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành kế hoạch vốn năm 2010, Ước tính tháng Một, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 987,8 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước và giảm 5,8% so với thực hiện tháng Mười Hai năm 2010.

* Một số tình hình đầu tư trên địa bàn Thành phố:

- Năm 2010, Tổng công ty điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) đã đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng; hoàn thành xây dựng 11 công trình 110kV cấp bách đảm bảo cung cấp điện cho thủ đô Hà Nội, gồm nâng công suất 7 trạm biến áp 11kV (Thượng Đình, Tía, Vân Đình, Gia Lâm, Nghĩa Đô, Văn Điển, Nội Bài) với tổng công suất tăng thêm là 240MVA; 3 công trình cải tạo đường dây 110kV (Mai Động – Phương Liệt, Chèm – Hà Đông và Hà Đông – Thượng Đình). Cũng trong năm 2010, EVN HANOI đã thi công 629 công trình lưới điện trung thế, trong đó hoàn thành 528 công trình. Năm 2011, EVN HANOI sẽ thi công công trình trạm biến áp và đường dây 220kV, 9 công trình cải tạo trạm biến áp 110kV; xây dựng mới 1 công trình đường dây 110kV.

- Thành phố Hà Nội đã chấp thuận bố trí kế hoạch chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư tại xã Ngũ Hiệp (huyện Thanh Trì) phục vụ giải phóng mặt bằng dự án cải tạo quốc lộ 1A đoạn Văn Điển – Ngọc Hồi và dự án cầu Ngọc Hồi. Đồng thời, Thành phố chấp thuận điều kiện bố trí kế hoạch chuẩn bị đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp mở rộng quốc lộ 6 đoạn Hà Đông – Xuân Mai. Quy mô dự án sẽ được xác định sau khi có sự phối hợp với các dự án liên quan như: Dự án xây dựng đường Quang Trung kéo dài từ Ba La đến bến xe Yên Nghĩa, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn từ km34+00 đến thành phố Hòa Bình nhằm hoàn thiện hạ tầng giao thông theo quy hoạch, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội thủ đô cũng như một số tỉnh Tây Bắc.

- Dự án đầu tư xây dựng công trình khu tái định cư và nhà ở thấp tầng tại ô đất thuộc phường Yên Sở (quận Hoàng Mai) đã được phê duyệt. Dự án do UBND quận Hoàng Mai làm chủ đầu tư, nhằm xây dựng quỹ nhà ở cao tầng phục vụ tái định cư của thành phố và quận Hoàng Mai. Đồng thời, xây  dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất thấp tầng phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất tạo ngân sách cho thành phố. Dự án xây dựng một tòa nhà cao 15 tầng với khoảng 224 căn hộ tái định cư và xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất thấp tầng. Tổng mức đầu tư dự án trên 168 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay từ quỹ đầu tư phát triển TP Hà Nội. Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2010-2012.

3. Thương mại dịch vụ.

3.1. Nội thương

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ tháng Một dự kiến đạt 79712 tỷ đồng, tăng 3,1% so tháng trước và tăng 30,5% so cùng kỳ. Trong đó tổng mức bán lẻ đạt 20168 tỷ đồng, tăng 4,4% so tháng trước và tăng 34,4% so cùng kỳ.

* Tình hình chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết Nguyên đán

 Thực hiện Chỉ thị số 2164/CT-TTG ngày 30/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá thị trường Tết Tân Mão và quý I năm 2011, Thành phố Hà Nội đã ứng vốn, hỗ trợ cho 14 doanh nghiệp 400 tỷ đồng với lãi suất 0% để dự trữ hàng hóa thiết yếu, bán tại 398 điểm bán hàng để không sốt giá, khan hàng trong dịp Tết. Lượng hàng hóa dự trữ bao gồm: 6487 tấn gạo; 2080 tấn thịt gia súc, gia cầm; 12000 quả trứng gia cầm, 800 tấn thủy hải sản; 1280 tấn thực phẩm chế biến; 242 nghìn lít dầu ăn; 242 tấn đường và 4000 tấn rau, củ, quả. Ngoài số vốn được hỗ trợ, 14 doanh nghiệp trên cũng chủ động huy động các nguồn vốn tự có để dự trữ, đưa ra thị trường các mặt hàng phục vụ tết với số lượng mặt hàng chiếm khoảng 15% tổng mức tiêu thụ trên thị trường.

Tại một số công ty của Hà Nội như: Tổng công ty lương thực miền bắc; Công ty Xăng dầu khu vực I, Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình; Tổng công ty thương mại Happro và các đơn vị thành viên; Tổng công ty rượu bia nước giải khát; công ty Cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội; công ty cổ phần Sữa Hà Nội, công ty cổ phần Sữa quốc tế; Công ty cổ phần XNK thực phẩm, Công ty TNHH nhà nước 1 thành viên đầu tư & PTNT Hà Nội, Công ty thực phẩm Vinh Anh, Công ty TNHH Minh Hiền, Công ty TNHH chăn nuôi Việt Hưng… và các trung tâm thương mại, siêu thị như Big C, Metro, Fivimart, Co.op mart… đã tổ chức dự trữ, thu mua và cung ứng hàng hóa với số lượng gấp nhiều lần so với các tháng bình thường để phục vụ Tết Nguyên đán;

Ngoài ra, Thành phố Hà Nội đã và đang triển khai tổ chức 38 phiên chợ hàng Việt, 23 chuyến hàng nông thôn tại 19 huyện, thị xã, Tổng công ty Thương mại Hà Nội tổ chức 9 phiên chợ tết tại một số huyện và 2 điểm bán hàng tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Đồng thời, Thành phố cũng dự kiến tổ chức 56 điểm chợ hoa xuân, chợ nông sản thực phẩm trong đó 13 điểm nội thành và 43 điểm ngoại thành.

3.2. Ngoại thương


Dự kiến kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tháng Một tăng 37,6% so cùng kỳ, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 40,5%.

Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng dệt may tăng 54,5%; điện tử tăng 72,6%; linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi tăng 42,2%; thủ công mỹ nghệ tăng 9,1%.

Dự kiến kim ngạch nhập khẩu tháng Một đạt 1847 triệu USD, tăng 9,5% so cùng kỳ, trong đó nhập khẩu địa phương tăng 18%. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị phụ tùng tăng 0,6%, vật tư nguyên liệu tăng 12,2%...

3.3. Vận tải

+ Tình hình vận tải hàng hóa tháng Một tăng do các phương tiện vận tải hoạt động nhiều hơn để phục vụ vận chuyển hàng Tết. Khối lượng hàng hóa vận chuyển so tháng trước tăng 4,2%, khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng 2,8%, doanh thu tăng 5,5% so tháng trước.

+ Vận tải hành khách: so với tháng trước số lượng khách vận chuyển tăng 1,7%, số lượng hành khách luân chuyển tăng 2,9%, doanh thu tăng 2,2%. Trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, số lượng khách sử dụng phương tiện taxi tăng đột biến, các hãng taxi mặc dù đã hoạt động hết công suất song vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân.

* Tình hình chuẩn bị phục vụ tết Nguyên đán:

Dự kiến tình hình lưu lượng khách sẽ tăng đột biến trên một số tuyến trọng điểm vào những ngày trước và sau tết Nguyên đán, vì vậy, ngành vận tải Hà Nội đã lên kế hoạch tăng thêm phương tiện, nhất là các tuyến buýt có điểm đầu, điểm cuối hoặc lộ trình chạy qua khu vực các nhà ga, bến xe, nơi tập trung các khu vui chơi, giải trí, các trường đại học, cao đẳng… Cùng với việc bố trí thêm phương tiện phục vụ các tuyến từ ngày 24/1 đến ngày 1/2/2011 (tức ngày 21-29 tháng Chạp) và từ ngày 6-13/2 (tức ngày 4-11/1 âm lịch), ngành vận tải Hà Nội cũng bố trí dự phòng xe mỗi ngày để sẵn sàng tăng cường giải tỏa khi lượng hành khách tăng đột biến. Bên cạnh đó, các đơn vị phân công, bố trí lực lượng điều hành, giám sát trực cơ động theo dõi trên tuyến, kịp thời xử lý các sự cố phát sinh trên các tuyến do đơn vị quản lý, đảm bảo an toàn tuyệt đối trên các tuyến xe buýt về công tác an ninh, trật tự an toàn xã hội, làm tốt công tác chỉnh trang, vệ sinh hệ thống hạ tầng xe buýt.

3.4. Thị trường giá cả

Chỉ số giá tiêu dùng tháng Một năm 2011 tăng 1,68% so tháng trước và tăng 12,36% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng trước, có 10/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng (chỉ có nhóm bưu chính viễn thông chỉ số giá không tăng), trong đó có 2/11 nhóm tăng khá cao là: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,8%, đồ uống và thuốc lá tăng 2,5%.

Trong tháng, giá lương thực tương đối ổn định, giá thực phẩm tươi sống, thủy sản và rau củ quả tăng cao do ảnh hưởng của đợt rét hại, rét đậm vừa qua đã làm cho lượng lớn trâu, bò bị chết, rau sinh trưởng chậm. Các mặt hàng mứt, ô mai phục vụ Tết năm nay giá tăng khoảng 30% so với năm trước do giá nguyên vật liệu đầu vào, giá nhân công lao động, chi phí vận chuyển tăng hơn so với năm ngoái. Do thời tiết Hà Nội rét đậm, rét hại kéo dài nên giá một số mặt hàng may mặc như quần áo rét, quần áo thể thao… tăng lên đáng kể.

Tháng này, chỉ số giá vàng giảm 0,008% so tháng trước. Giá vàng 99.99 bán ra trên thị trường tư nhân phổ biến ở mức 3.591.000 đồng/chỉ. Cùng xu hướng với giá vàng, chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,71% so với tháng trước. Giá đô la Mỹ bán ra trên thị trường tư nhân phổ biến ở mức 21.076đ/USD.

* Về công tác bình ổn giá

Thực hiện Chỉ thị số 1875/CT-TTg ngày 11/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 22/CT-BCT ngày 26/10/2010 của Bộ Công Thương và UBND Thành phố về công tác bình ổn giá cả, thị trường những tháng cuối năm 2010 và phục vụ Tết Nguyên đán Tâm Mão 2011, Thành phố Hà Nội đã ứng vốn, hỗ trợ cho 14 doanh nghiệp 400 tỷ đồng với lãi suất 0% để dự trữ hàng hóa thiết yếu, bán tại nhiều điểm bán hàng được phân bố rộng khắp trên địa bàn Thành phố, tăng gấp 2 lần so với năm 2009. Các doanh nghiệp đã thực hiện dự trữ đầy đủ lượng hàng và tổ chức bán đúng các mặt hàng thiết yếu đã cam kết khi tham gia chương trình. Hàng hóa tại các điểm bán hàng bình ổn tương đối phong phú, đa dạng, đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đều được niêm yết giá rõ ràng, bán theo đúng giá niêm yết. Giá cả tương đối ổn định, không có tình trạng tăng giá bất thường tại các điểm bán. Các doanh nghiệp cam kết đảm bảo thực hiện mức giá bán ổn định theo đúng cam kết với Thành phố. Việc Thành phố triển khai đồng bộ các chương trình nhằm bình ổn thị trường đã góp phần đáp ứng đủ lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân nhất là đối với hàng lương thực, thực phẩm… góp phần kìm hãm tốc độ tăng giá, lạm phát trên địa bàn Thành phố.

Tuy nhiên, giá cả hàng hóa, dịch vụ trên thị trường nhìn chung có xu hướng tăng. Nguyên nhân là theo quy luật những tháng giáp Tết nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng lên tác động đến xu hướng tăng giá. Một nguyên nhân nữa là do tỷ giá USD tăng cao dẫn đến sự tăng giá của các mặt hàng nhập khẩu. Ngoài ra, không thể không kể đến một số bộ phận kinh doanh cá thể đã tự ý nâng giá tùy tiện

4. Sản xuất nông nghiệp

4.1. Trồng trọt

Đến nay, toàn thành phố đã và đang tiến hành thu hoạch các cây trồng vụ đông, giải phóng đất để làm vụ xuân 2011. Các cây đậu tương, lạc, khoai lang đã cơ bản thu hoạch xong, ngô, rau các loại đang tiếp tục thu hoạch.

Hiện tại, mực nước các sông, suối tiếp tục giảm. Thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và các Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi tập trung nạo vét kênh mương, nâng cấp, sửa chữa hệ thống bơm tưới đảm bảo hoạt động có hiệu quả. Chuẩn bị nhân lực, máy móc, thiết bị lấy nước đổ ải khi các hồ thủy điện xả nước đợt 1 (từ 27/1 đến 2/2/2011), các địa phương sẽ chủ động lấy nước vào các hệ thống thủy lợi qua cống tự chảy và trữ đầy vào hồ, ao, đầm, vùng trũng để có nước làm đất gieo trồng.

Bên cạnh những giải pháp trên, các địa phương đã chủ động lập kế hoạch tưới cho những vùng khó khăn, có tính đặc thù riêng, đồng thời tăng cường tích trữ nước đảm bảo cho việc đổ ải tưới dưỡng lúa và các cây trồng sau gieo cấy.

Đến giữa tháng Một, diện tích đã lấy nước đổ ải là 7 827 ha, đạt 7,8% kế hoạch gieo cấy, trong đó Ứng hòa: 4 094 ha, Chương Mỹ: 1 395 ha, Thường Tín: 1 100, Thanh Oai: 852 ha,… Diện tích mạ đã gieo là 327 ha, tập trung ở 5 huyện (Ba Vì, Thạch Thất, Phúc Thọ, Sơn Tây, Sóc Sơn). Hiện nay các địa phương đang tiến hành các biện pháp kỹ thuật chống rét cho mạ
 


1_1_19119.pdf



Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         Lấy lại mã bảo mật