Câu hỏi: Đề nghị Thành phố quan tâm và có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường sông Cầu Bây (15:47 04/12/2017)


Cử tri huyện Gia Lâm đề nghị Thành phố quan tâm và có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường sông Cầu Bây.


Trả lời:
Trong những năm qua, UBND Thành phố Hà Nội đã khẩn trương chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành, UBND quận Long Biên, UBND huyện Gia Lâm tăng cường công tác quản lý nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường sông Cầu Bây, cụ thể:
1. Đối với nước thải sinh hoạt. 
Thực hiện Kế hoạch số 189/KH-UBND ngày 30/12/2013 của UBND Thành phố Hà Nội về việc phát triển hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2020”, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền đã đề xuất dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Phúc Đồng và Nhà máy xử lý nước thải An Lạc và được UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận tại Quyết định số 5015/QĐ-UBND ngày 28/7/2017 phê duyệt đề xuất dự án hệ thống thu gom và xử lý nước thải lưu vực Long Biên – Hà Nội nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường sông Cầu Bây. 
Theo quyết định trên, hệ thống thu gom toàn bộ nước thải trên các lưu vực Long Biên 2, Long Biên 3 thuộc địa bàn các phường Giang Biên, Việt Hưng, Phúc Đồng, Phúc Lợi, Sài Đồng, Đức Giang, Ngọc Lâm, Bồ Đề, Gia Thụy, Long Biên, Thạch Bàn, Cự Khối thuộc quận Long Biên. Nhà máy xử lý nước thải Phúc Đồng dự kiến xây dựng tại phường Phúc Đồng, diện tích xây dựng là 1,68ha, công suất là 31.500m3/ngày đêm. Nhà máy xử lý nước thải An Lạc dự kiến xây dựng tại phường Cự Khối, Thạch Bàn, có diện tích 3,9 ha, công suất 29.600m3/ngày đêm. Thời gian thực hiện dự án từ quý I/2017 đến quý III/2020. Các dự án này khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết cơ bản tổng lượng nước thải phát sinh cần xử lý trên địa bàn quận Long Biên và cải thiện chất lượng môi trường nước sông Cầu Bây. 
2. Đối với nước thải công nghiệp. 
Giám sát việc vận hành hệ thống xử lý nước thải của khu công nghiệp Sài Đồng B, Khu công nghiệp Hà Nội – Đài Tư, cụm công nghiệp thực phẩm Hapro, đảm bảo xử lý nước thải đạt Quy chuẩn kỹ thuật nước thải công nghiệp trên địa bàn thủ đô Hà Nội; Kiểm tra, hướng dẫn, giám sát việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp trên lưu vực sông Cầu Bây, đảm bảo xử lý đạt Quy chuẩn kỹ thuật nước thải công nghiệp trên địa bàn thủ đô Hà Nội.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên nước theo thẩm quyền tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ xả nước thải vào lưu vực sông Cầu Bây, đặc biệt là các cơ sở có lưu lượng xả thải lớn có nguy cơ gây ô nhiễm cao nằm ngoài Khu, cụm công nghiệp tập trung; kiểm soát chặt chẽ việc thẩm định, cấp phép xả nước thải vào nguồn nước sông Cầu Bây, xem xét việc phê duyệt các dự án mới xả thải ra sông Cầu Bây phù hợp với khả năng tiếp nhận nước thải; áp dụng các biện pháp để ngăn chặn các hành vi xả nước thải, chất thải gây ô nhiễm đối với lưu vực sông Cầu Bây. 
3. Quan trắc môi trường nước mặt sông Cầu Bây.
Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 7561/STNMT-CCBVMT ngày 14/9/2017 báo cáo UBND Thành phố Hà Nội xem xét việc thi công lắp đặt 03 trạm quan trắc môi trường nước mặt sông Tô Lịch, sông Nhuệ và sông Cầu Bây do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền tài trợ, trong đó xác định vị trí lắp đặt trạm quan trắc môi trường nước mặt sông Cầu Bây tại ô đất có diện tích khoảng 15 m2 nằm trong khuôn viên Trạm bơm Am, thuộc thôn Ngọc Động, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội, nguồn gốc đất công do Xí nghiệp đầu tư phát triển thủy lợi Gia Lâm quản lý, thuận lợi trong việc bố trí mặt bằng thi công, điều kiện an ninh được đảm bảo, thuận tiện trong việc lắp đặt đường điện và đường truyền viễn thông. 
 
Với việc Thành phố Hà Nội triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp trong thời gian qua và những năm tiếp theo thì vấn đề ô nhiễm môi trường nước sông sông Cầu Bây sẽ được giải quyết một cách triệt để. 
 
Biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường sông Bắc Hưng Hải tại khu công nghiệp Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có văn bản số 125/STNMT-CCBVMT ngày 17/02/2017 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên, trong đó: Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên có biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường sông Bắc Hưng Hải tại khu công nghiệp Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên không gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên đã có văn bản số 237/STNMT-CCBVMT ngày 15/3/2017 về việc phúc đáp công văn số 1125/STNMT-CCBVMT ngày 17/02/2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường, trong đó Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên cho biết: 
 
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên tổ chức khảo sát thực tế dọc theo hệ thống thủy lợi giáp ranh giữa thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên và xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên đề nghị UBND huyện Văn Lâm, UBND thị trấn Như Quỳnh có biện pháp tuyên truyền, vận động, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất trong làng nghề Minh Khai, nhất là các cơ sở sản xuất tái chế nhựa nằm dọc kênh Nam Bắc Ninh; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện nói chung và làng nghề Minh Khai nói riêng thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. 
 
UBND huyện Văn Lâm đã chỉ đạo một số phòng, ngành của huyện và UBND thị trấn Như Quỳnh kiểm tra, rà soát cho thấy kênh Nam Bắc Ninh đoạn thị trấn Như Quỳnh có 19 hộ gia đình hoạt động thu mua, tập kết phế liệu nhựa, nước thải… phát tán xuống lòng kênh. UBND thị trấn Như Quỳnh, Lãnh đạo thôn Minh Khai đã phối hợp với Xí nghiệp Thủy lợi Nam Bắc Ninh tiến hành lập biên bản, yêu cầu các hộ xây dựng lán, xưởng trái phép và khắc phục hậu quả trả lại nguyên hiện trạng ban đầu, đồng thời tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở, hộ gia đình cá nhân sản xuất kinh doanh nói chúng và thu mua tái chế phế liệu nhựa nói riêng trên địa bàn chấp hành nghiêm pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh, không đổ, đốt rác thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sức khỏa và sản xuất nông nghiệp của nhân dân. 
 
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 7907/STNMT-CCBVMT ngày 25/9/2017 báo cáo UBND Thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, UBND các Tỉnh, Thành phố xây dựng đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Bắc Hưng Hải và trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường. 

HNP


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật