Tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố Hà Nội tháng 7 năm 2014 (06:55 17/09/2014)


HNP – Cục Thống kê TP Hà Nội vừa có Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 của Thành phố Hà Nội tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu: sản xuất công nghiệp, vốn đầu tư, thương mại dịch vụ, sản xuất nông nghiệp, tín dụng ngân hàng, thị trường chứng khoán và các vấn đề xã hội.


Thứ nhất là về sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng Bảy tăng 6% so với tháng 6 và tăng 10,5% so cùng kỳ năm 2013, trong đó: Công nghiệp khai khoáng giảm 5,6% và tăng hơn 5 lần; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,3% và 9,4%; Sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 0,2% và 1,4%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,5% và giảm 5,7%. Bên cạnh một số sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp Hà Nội có mức tăng so với tháng 6 như thức ăn gia súc tăng 19,6%, bia đóng chai tăng 3%, thuốc lá tăng 1,4%, dung dịch đạm huyết thanh tăng 0,4%, bàn gỗ các loại tăng 18,3%, ghế khung kim loại tăng 4,8%, gạch xây dựng tăng 3,5%, quần áo thể thao tăng 8,5%, máy in-copy tăng 20% thì cũng có một số sản phẩm công nghiệp giảm đi như quạt các loại giảm 2,8%, bê tông tươi giảm 2%...

Tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 4,3% so với cùng kỳ, trong đó: Công nghiệp khai khoáng tăng gấp hơn 3 lần; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,6%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt... tăng 3,7% và Cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 1%. Trong khi một số ngành có chỉ số sản xuất tăng cao so với tốc độ tăng chung của toàn ngành thì một số ngành vẫn còn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, lượng tồn kho nhiều nên chỉ số sản xuất 7 tháng giảm so với cùng kỳ. Các ngành có chỉ số tăng cao gồm: công nghiệp dệt tăng 13,8%; sản xuất trang phục tăng 26,3%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 83%; sản xuất xe có động cơ tăng 26,1%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 44,4%...Các ngành còn khó khăn là: Chế biến thực phẩm giảm 4,1%, sản xuất đồ uống giảm 1,4%, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 5,4%, sản xuất kim loại giảm 11,9%, sản xuất thuốc, hoá dược liệu giảm 7,8%...

Thứ 2 là vốn đầu tư,  nguồn vốn đầu tư thuộc nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng Bảy đạt 2.612 tỷ đồng, tăng 15,9% so tháng 6 và tăng 5,8% cùng kỳ năm trước. Ước tính 7 tháng đạt 12.691 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cùng kỳ và bằng 54,2% kế hoạch năm.

Tiến độ thực hiện dự án thoát nước, cải tạo sông, kênh mương hiện đang tiếp tục thi công. Các gói thầu đang thực hiện: Gói thầu số 3: Cải tạo kênh mương thoát nước lưu vực sông Tô Lịch, Hoàng Liệt, Lừ, Sét; Gói thầu số 4: Cải tạo kênh mương thoát nước thuộc lưu vực sông Kim Ngưu; Gói thầu số 5.1: Thay thế cầu qua sông Tô Lịch, Lừ, Sét và đường công vụ dọc sông Lừ, Sét; Gói thầu số 6.2: Cải tạo hồ 2 (Hồ Phương Liệt, Tân Mai, Khương Trung1 & 2; Gói thầu số 6.3: Cải tạo hồ 4 (Hồ Hạ Đình, Đầm Chuối; Gói thầu số 7: Cải tạo hồ 3 (Hồ Linh Đàm và Định Công); Gói thầu số 8: Xây dựng trạm xử lý nước thải hồ Bẩy Mẫu; Gói thầu số 9: Xây dựng cống.

Về các dự án đường sắt đô thị, tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội hiện nhà thầu đang tiến hành sửa chữa và hoàn thiện toàn bộ các hạng mục đã thi công trong gói thầu số 4: Hạ tầng kỹ thuật Đề Pô. Đối với gói thầu số 5 nhà thầu đã phê duyệt tiến độ thi công và thiết kế cọc đại trà các tòa nhà: số 7; 4; 21B; 22; 24 và tổ hợp nhà OCC, đúc xong cọc nhà số 7. Với các gói thầu số 1, gói thầu số 2 nhà thầu mới chỉ có thông báo khởi công và hiện đang tiến hành xin thủ tục rào công trường, bàn giao mặt bằng phần giữa đường và đưa thiết bị vào công trường các ga S1, S2, S3, S5. Hạng mục các ga trên cao đã hoàn thành khoan xong 02 cọc thử phá hủy và thi công được 45 cọc tại ga S2.  Các gói thầu còn lại đang trong quá trình mở thầu và đánh giá hồ sơ dự tuyển của các nhà thầu.

Đối với tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, về công tác đấu thầu, đã hoàn thành sơ tuyển 4 gói thầu xây lắp, được JICA chấp thuận và gửi Hồ sơ mời sơ tuyển gói thầu cơ điện CPA004 để JICA xem xét, chấp thuận; đã hoàn thành Hồ sơ mời thầu các gói thầu xây lắp gửi JICA xem xét. Việc giải phóng mặt bằng tại khu GPMB Depot - xã Xuân Đỉnh đã hoàn thành chi trả 3 đợt với diện tích khoảng 3,5/15ha đất nông nghiệp, hiện đang niêm yết dự thảo phương án BTHT đợt 4 (31 Phương án); GPMB đoạn trên cao, đã thực hiện GPMB được 1,21km/2,63km.

Riêng dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức BOT đã được khởi công. Dự án có tổng chiều dài khoảng 29 km, điểm đầu tại Km 182+300 tại vị trí nút giao giữa đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 Hà Nội, điểm cuối tại Km 211+256, tuyến đường được nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cao tốc, tổng mức đầu tư dự án trên 6.700 tỷ đồng. Trong đó, mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án gần 2.000 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành trong năm 2015, giai đoạn 2 mức đầu tư trên 4.700 tỷ đồng, sẽ mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc thành 6 làn xe, bề rộng nền đường 33,5m, đồng thời, xây dựng đường gom song hành hai bên với quy mô đường cấp VI đồng bằng, bề rộng nền đường gom là 6,5m và dự kiến hoàn thành vào quý II/2018.

Thứ 3 về thương mại dịch vụ, riêng nội thương tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán ra và doanh thu dịch vụ tháng 7 ước tính đạt 154.833 tỷ đồng, tăng 2,7% so tháng 6 và tăng 13,5% so cùng kỳ, trong đó, tổng mức bán lẻ đạt 36.287 tỷ đồng, tăng 2,9% so tháng trước và tăng 13,4% so cùng kỳ. Ước tính 7 tháng, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán ra và doanh thu dịch vụ đạt gần 1.024 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6% so cùng kỳ, trong đó, tổng mức bán lẻ tăng 10,9%. Trong đó, ngành thương nghiệp chiếm 84,2% và tăng 11,7% so cùng kỳ; Ngành khách sạn nhà hàng, chiếm 1,8% và tăng 13,5%; Ngành du lịch lữ hành, chiếm 0,4% và tăng 8,1%; Còn lại là ngành dịch vụ, chiếm 13,6% và tăng 11%.

Về ngoại thương ước tính kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tháng Bảy đạt 938 triệu USD, tăng 1,4% so tháng trước và giảm 5% so cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu địa phương tăng 1,2% và giảm 5,8%. Ước tính 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 6.307 triệu USD, tăng 11,1% so cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu địa phương tăng 8,7%.  Ước tính kim ngạch nhập khẩu tháng7 đạt 2.067 triệu USD, giảm 2,6% so tháng trước và tăng 16,3% so cùng kỳ, trong đó, nhập khẩu địa phương giảm 2% và tăng 18,4%. Ước tính 7 tháng, kim ngạch nhập khẩu đạt 13.706 triệu USD, tăng 3,8% so cùng kỳ, trong đó, nhập khẩu địa phương tăng 4,7%.

Trong thương mại dịch vụ, ngành vận tải ước tính khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng Bảy tăng 0,4% so tháng trước và tăng 9,4% so cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng 0,5% và tăng 9,7%, doanh thu tăng 0,6% và tăng 10,5%. Ước tính 7 tháng, khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 8,7% so cùng kỳ, khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng 8,8%, doanh thu tăng 9,6%. Ngoài hàng hóa, ước tính số lượng hành khách vận chuyển tháng 7 tăng 1,4% so tháng trước và tăng 9,4% so cùng kỳ, số lượng hành khách luân chuyển tăng 2,1% và 10,1%, doanh thu tăng 1,5% và 11,9%. Ước tính 7 tháng, số lượng hành khách vận chuyển tăng 8,7% so cùng kỳ, số lượng hành khách luân chuyển tăng 8,3%, doanh thu tăng 9,6%.

Đối với trường giá cả, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 0,18% so tháng 6, chỉ số giá tháng này có 10 nhóm hàng tăng và 01 nhóm hàng giữ nguyên bằng tháng trước. Trong đó, 03 nhóm hàng chính làm chỉ số giá tháng này tăng là nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,55%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt, VLXD tăng 0,53%; nhóm giao thông tăng 0,51%. Nguyên nhân chính, do giá xăng dầu điều chỉnh tăng 2 lần vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7, giá xăng tăng đã làm chi phí vận tải tăng, ngoài ra, việc siết chặt xe trở quá tải khiến các chủ xe đẩy giá vận chuyển vật liệu lên cao và đã kéo theo một số mặt hàng tăng theo do chi phí vận chuyển tăng. Bên cạnh đó, lượng người tăng đột biến vào kỳ thi Đại học, cao đẳng nên nhu cầu chỗ ở và ăn uống tăng, giá phòng cho thuê và một số dịch vụ khác cũng tăng trong thời điểm này. Chỉ số giá vàng tăng 1,97% so tháng trước và giảm 2,51% so cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá Đô la Mỹ tăng 0,56% so tháng trước và tăng 0,76% so cùng kỳ.

Thứ 4 về sản xuất nông nghiệp, trước hết là ngành trồng trọt, tình hình sản xuất vụ đông xuân 2013 – 2014 đến nay công tác thu hoạch vụ đông xuân trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã xong.

Kết quả điều tra năng suất, sản lượng cây trồng đã được các quận, huyện, thị xã báo cáo cụ thể. Trong đó, diện tích gieo trồng các loại cây đều giảm là do công tác dồn điền đổi thửa một số huyện chưa hoàn thành đã ảnh hưởng đến việc gieo trồng vụ đông; Một số huyện, nông dân chuyển mục đích sử dụng sang nuôi trồng thuỷ sản, trồng cây lâu năm. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 168.696 ha, giảm 2,2%, so với cùng kỳ, cụ thể: Lúa 101.556 ha, giảm 0,8%; Ngô 15.922 ha, giảm 3,9%; Khoai lang 3.008 ha, giảm 15%; Đậu tương 17.080 ha, giảm 4,1. Năng suất một số cây trồng chính vụ đông xuân 2013 – 2014 như sau: Lúa 61,12 tạ/ha, giảm 0,03% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, một số huyện như Thạch Thất, Phúc thọ, Sơn Tây, Quốc Oai, Mỹ Đức, năng suất vẫn đạt cao hơn năm trước do có sự chỉ đạo trong việc áp dụng, thay đổi cơ cấu giống luá mới có năng suất, chất lượng và sức kháng bệnh cao; cụ thể: Ngô 48,40 tạ/ha, tăng 0,37%; Khoai lang 103,16 tạ/ha, tăng 1,3%;  Đậu tương 14,42 tạ/ha, giảm 4,3%...Về sản lượng, một số loại cây, mặc dù năng suất không giảm, nhưng do diện tích giảm nên sản lượng giảm, tuy nhiên, sản lượng của các loại cây trồng vụ này giảm không nhiều. Cụ thể: Lúa 620.729 tấn, giảm 0,88%; Ngô 77.063 tấn, giảm 3,5%; Khoai lang 31.034 tấn, giảm 13,9%; Đậu tương 24.627 tấn, giảm 8,2%…Hiện nay, tình hình sản xuất vụ mùa ở các quận, huyện, thị xã đang được tập trung chỉ đạo, tính đến ngày 15/7/2014, toàn Thành phố đã trồng được 113.584 ha lúa và hoa màu, bằng 91,8% cùng kỳ. Diện tích một số cây trồng chính như sau: Lúa đã cấy xong 102.112 ha lúa, bằng 99,96% cùng kỳ và đạt 100% kế hoạch về diện tích cũng như thời vụ. Hoa màu các loại đã gieo trồng được 11.472 ha, bằng 53,2%, đạt 65% kế hoạch. Tình hình sâu bệnh không đáng kể, các ngành tiếp tục tổ chức kiểm tra tình hình sâu bệnh trên đồng ruộng, phát hiện và thông báo kịp thời để có biện pháp phòng trừ.

Về chăn nuôi, trong tháng 7/2014, ước tính số lượng gia súc tăng, giảm không nhiều so với cùng kỳ, trong khi đó, số lượng gà, vịt, ngan, ngỗng lại có xu hướng tăng, nhất là đàn gà, vịt nuôi đẻ. Cụ thể: Đàn trâu tăng 0,3% (74 con); Đàn bò giảm 2,9%, tuy nhiên số lượng bò sữa vẫn giữ ổn định so với tháng trước và tăng 25,2% cùng kỳ; Đàn lợn tăng 0,04% (tăng 491 con); Đàn gia cầm 25,4 triệu con, tăng 7,4%; trong đó đàn gà 15,4 triệu con, tăng 8,3%.  Về tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, trên địa bàn Thành phố đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Cúm gia cầm, Tai xanh, Lở mồm long móng và các bệnh truyền nhiễm thông thường không xảy ra. Các địa phương tiếp tục triển khai công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm.

Về lâm nghiệp, thủy sản, tình hình trồng và chăm sóc rừng cho thấy diện tích trồng mới trong tháng không đáng kể (khoảng 21 ha). Ước tính, đến 15/7/2014, toàn Thành phố trồng được 149 ha, giảm 31% cùng kỳ. Sản lượng gỗ khai thác trong tháng ước tính 550 m³, giảm 42,5%; Cộng dồn từ đầu năm đến nay, ước tính khai thác được 8.587 m³, tăng 12,1%. Củi khai thác trong tháng  6.120 Ste, tăng  2,9%; Cộng dồn từ đầu năm 18.618 Ste, tăng 0,3%. Về thủy sản, các hộ sản xuất thuỷ sản đã thu hoạch xong cá thương phẩm đợt 1, tiếp tục nuôi cá thịt đợt 2, đồng thời củng cố ao hồ, phòng chống lụt bão, phòng bệnh và xử lý môi trường nuôi cá, trong tháng 7, ước tính thả được 734 ha, giảm 4,4% so cùng kỳ, sản lượng thuỷ sản ước tính 5.150 tấn, tăng 2,8%. Tính chung, từ đầu năm đến nay, toàn Thành phố nuôi thả được 16.788 ha, tăng 6,2% cùng kỳ, sản lượng thuỷ sản thu được 41.627 tấn, tăng 6,4%.

Thứ 5 là về tín dụng ngân hàng, thị trường chứng khoán: Theo báo cáo, Tín dụng ngân hàng tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước tính tháng 7 đạt gần 1.140 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so tháng trước và tăng 8,9% so tháng 12/2013; trong đó, tiền gửi tăng 3,1% và 7,6% (tiền gửi tiết kiệm tăng 0,7% và 2,2%, tiền gửi thanh toán tăng 4,9% và 11,6%), phát hành giấy tờ có giá giảm 5,5% và tăng 48,2%. Tổng dư nợ cho vay ước tính tháng Bảy gần 927 nghìn tỷ đồng, tăng 0,5% so tháng trước và giảm 2% so tháng 12/2013, trong đó dư nợ ngắn hạn giảm 1,3% và giảm 8,3%, dư nợ trung và dài hạn tăng 4,1% và 12,1%.

Về thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 15/7, số lượng chứng khoán niêm yết được phép giao dịch trên hai sàn giao dịch do Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội quản lý đạt 510 mã chứng khoán (trong đó: 359 mã chứng khoán niêm yết và 151 mã chứng khoán đăng ký giao dịch), với giá trị niêm yết đạt 110.111 tỷ đồng tăng 2% so với đầu năm (trong đó, CP niêm yết đạt 88.805 tỷ đồng, tăng 1,5%; CP đăng ký giao dịch đạt 21.306 tỷ đồng, tăng 4,3%). Giá trị vốn hóa toàn thị trường đạt 154.588 tỷ đồng, tăng 16,6% so với đầu năm (trong đó, CP niêm yết đạt 127.073 tỷ đồng, tăng 18,9%; CP đăng ký giao dịch đạt 27.515 tỷ đồng, tăng 6,8%).

Thị trường cổ phiếu niêm yết (HNX), kết thúc phiên giao dịch ngày 15/7, chỉ số HNX-Index đạt 80,6 điểm, tăng 12,8 điểm tương ứng 18,8% so với đầu năm (Chỉ số HNX30 đạt 164 điểm, tăng 36,7 điểm tương ứng 28,8%).

Trong 11 phiên giao dịch đầu tháng 7, khối lượng giao dịch đạt trên 724 triệu CP được chuyển nhượng với giá trị chuyển nhượng đạt 7.906 tỷ đồng (trong đó: giao dịch khớp lệnh đạt 555 triệu CP, giao dịch thỏa thuận đạt 169 triệu CP với giá trị chuyển nhượng lần lượt đạt 6.100 tỷ đồng và 1.806 tỷ đồng). Bình quân một phiên có 65,8 triệu CP được chuyển nhượng, với giá trị đạt gần 719 tỷ đồng, tăng 34,8% về khối lượng và 43% về giá trị so với bình quân chung của tháng trước. Lũy kế, khối lượng giao dịch đạt 9.633 triệu CP với giá trị chuyển nhượng 97.326 tỷ đồng tăng 43,6% về khối lượng và 86,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Đối với thị trường giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết (Upcom), kết thúc phiên giao dịch ngày 15/7 chỉ số Upcom-Index đạt 47,2 điểm, tăng 4,7 điểm, tương ứng 11,1% so với đầu năm. Trong 11 phiên giao dịch đầu tháng Bảy, khối lượng giao dịch đạt 22,4 triệu CP với giá trị chuyển nhượng gần 170 tỷ đồng, bình quân một phiên đạt trên 2 triệu CP được chuyển nhượng với giá trị chuyển nhượng đạt trên 15 tỷ đồng, tăng 14,9% về khối lượng và 21,7% về giá trị so với bình quân chung tháng trước.

Về hoạt động cấp mã giao dịch, trong tháng 6, trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã cấp 67 mã số giao dịch cho NĐT nước ngoài, trong đó: 31 cá nhân và 36 tổ chức. 6 tháng đầu năm, VSD đã cấp 438 mã, trong đó: 285 cá nhân và 153 tổ chức. Luỹ kế, VSD đã cấp được 17.169 mã số giao dịch cho NĐT nước ngoài (trong đó: 14.746 cá nhân, 2.423 tổ chức). Bên cạnh đó, số tài khoản giao dịch của các nhà đầu tư được cấp mới đạt 7.404 tài khoản, trong đó: cá nhân trong nước 7.250; tổ chức trong nước 55; cá nhân nước ngoài 42; tổ chức nước ngoài 57, đưa tổng số tài khoản giao dịch hiện có của các nhà đầu tư lên trên 1.356 nghìn tài khoản.

Bên cạnh các vấn đề kinh tế, trong tháng 7, Báo cáo cũng cho biết thông tin liên quan đến các vấn đề xã hội như: trật tự xã hội, an toàn giao thông và tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông.

Về trật tự xã hội, an toàn giao thông, trong thời gian “World Cup 2014”, Công an Hà Nội đã tăng cường hoạt động của các tổ công tác 141, 142; phòng ngừa tội phạm cố ý gây thương tích xảy ra từ các hàng quán hoạt động sau 0 giờ; tập trung đấu tranh với các loại tội phạm mới và tội phạm cờ bạc, cá độ bóng đá, góp phần kiềm chế hoạt động của tội phạm hình sự, chặn đứng các hoạt động tội phạm mới, đảm bảo tốt an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô. Theo số liệu tổng hợp từ công an Thành phố trong tháng 6 đã xảy ra 174 vụ tai nạn giao thông, giảm 11,2% so cùng kỳ; làm 49 người bị chết, 175 người bị thương, số người chết và bị thương bằng cùng kỳ năm trước. Cũng trong tháng này, công an thành phố đã phát hiện 558 vụ phạm pháp hình sự, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó số vụ do công an khám phá được 471 vụ, với số đối tượng vi phạm bị bắt, giữ theo luật 895 người (tăng 7,5% và 8,6%); phát hiện 143 vụ phạm pháp kinh tế, giảm 17,3% so cùng kỳ, số đối tượng phạm pháp là 154 người, giảm 17,2% và 90 vụ cờ bạc, giảm 1,1% so cùng kỳ, với số đối tượng bị bắt giữ là 401 người, giảm 8,2%.

Tính từ đầu năm đến tháng 6, toàn Thành phố đã xảy ra 965 vụ tai nạn giao thông, giảm 1,7% so cùng kỳ năm trước, làm 300 người bị chết, 871 người bị thương (tăng 0,3% và 4,6% so cùng kỳ), phát hiện 2.708 vụ phạm pháp hình sự, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó số vụ do công an khám phá được 2.145 vụ, với số đối tượng vi phạm bị bắt, giữ theo luật 4.048 người (giảm 3% và 9,4% so cùng kỳ) và 1.078 vụ phạm pháp kinh tế, giảm 18,8% so cùng kỳ, số đối tượng phạm pháp là 1.156 người, giảm 22,4%; 727 vụ cờ bạc, tăng 2% so cùng kỳ, với số đối tượng bị bắt giữ là 2.285 người, giảm 37%.

Về tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2014-2015, kỳ thi tuyển sinh vào trung học phổ thông thành phố Hà Nội có trên 70 nghìn học sinh đăng ký dự thi, vào hơn 200 trường trung học phổ thông công lập và ngoài công lập. Để phục vụ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, thành phố Hà Nội đã chuẩn bị 3.543 phòng thi tại 169 hội đồng coi thi với đầy đủ điều kiện cần thiết để bảo đảm cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế; với số lượng thí sinh dự thi đông, thành phố đã huy động khoảng 13 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên… làm nhiệm vụ tại các hội đồng coi thi. Đến thời điểm này, các trường THPT trên địa bàn Thành phố đã công bố điểm chuẩn và nhận hồ sơ của học sinh theo kế hoạch tuyển sinh.


Như Hoa (Theo Cục Thống kê Hà Nội)


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật