Tình hình xuất nhập khẩu của Thành phố Hà Nội 3 tháng đầu năm 2015 (14:53 09/04/2015)


HNP - Sở Công Thương Hà Nội vừa có báo cáo về tình hình xuất nhập khẩu của thành phố Hà Nội 3 tháng đầu năm 2015.  Theo đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2014 và kim ngạch nhập khẩu tăng 7,1% so với cùng kỳ.


Đối với tình hình xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu 3 tháng năm 2015 ước đạt 901 triệu USD, tăng 2,9% so với tháng 2 năm 2015. Trong đó, các doanh nghiệp do địa phương quản lý ước đạt 633 triệu USD, tăng 2,7% so với tháng 2 năm 2015.


Kim ngạch xuất khẩu tháng 3 chia theo phần trăm kinh tế của của đô Hà Nội gồm khu vực kinh tế nhà nước: ước đạt 292 triệu USD, tăng 3,3% so với tháng 2; Khu vực kinh tế ngoài nhà nước: ước đạt 197 triệu USD, tăng 3,3% so với tháng 2; Khu vực FDI: ước đạt 412 triệu USD, tăng 2,6% so với tháng 2.


Tổng kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2015 ước đạt 2668 triệu USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, các doanh nghiệp do địa phương quản lý ước đạt 1871 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2014.  Chia theo thành phần kinh tế kết quả đạt được như sau: Khu vực kinh tế nhà nước: ước đạt 867 triệu USD, chiếm tỷ trọng 32,5%, tăng 3,8% so với cùng kỳ; Khu vực kinh tế ngoài nhà nước: ước đạt 567 triệu USD, chiếm tỷ trọng 21,3%, tăng 5% so với cùng kỳ; Khu vực FDI: ước đạt 1234 triệu USD, chiếm tỷ trọng 46,3%, tăng 4,4% so với cùng kỳ.


Kim ngạch xuất khẩu rơi vào một số nhóm hàng chủ yếu gồm dệt may, linh kiện máy tính, hàng thủ công mỹ nghệ, thủy tinh,…


Các nhóm mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm 2014: có 8 nhóm mặt hàng, trong đó chỉ  có 3 nhóm mặt hàng đạt mức tăng trên 8% theo chỉ tiêu kế hoạch năm 2015. Các nhóm hàng này gồm: Hàng may, dệt: ước đạt 349 triệu USD, chiếm tỷ trọng 13,1%, tăng 13,9% so với cùng kỳ; Giầy dép và các sản phẩm từ da: ước đạt 65 triệu USD, chiếm tỷ trọng 2,4%, tăng 32,1%;  Linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi: ước đạt 365 triệu USD, chiếm tỷ trọng 13,7%, tăng 3,1% ; Hàng thủ công mỹ nghệ: ước đạt 43 triệu USD, chiếm tỷ trọng 1,6%, tăng 2,6%; Thủy tinh và các mặt hàng từ thủy tinh: ước đạt 81 triệu USD, chiểm tỷ trọng 3,1%, tăng 10,8%; Máy móc thiết bị phụ tùng: ước đạt 277 triệu USD, chiếm tỷ trọng 10,4%, tăng 5,4%; Phương tiện vận tải và phụ tùng: ước đạt 151 triệu USD, chiếm tỷ trọng 5,7%, tăng 2,6%; Hàng điện tử: ước đạt 147 triệu USD, chiếm tỷ trọng 5,5%, tăng 3,6%.


Tuy nhiên, có 2 nhóm mặt hàng giảm so với cùng kỳ gồm: Hàng nông sản: ước đạt 274 triệu USD, chiếm tỷ trọng 10,3%, giảm 5,5%; Xăng dầu tạm nhập, tái xuất: ước đạt 173 triệu USD, chiếm tỷ trọng 5,7%, giảm 32,9%.


Nhìn chung, xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2015 tăng thấp so với cùng kỳ năm 2014, dưới mức chỉ tiêu kế hoạch 8-9%. Việc tăng thấp này do 4  nguyên nhân. Một là giá trị kim ngạch 3 tháng đầu năm 2014 đạt cao, tăng 9,8% so với cùng kỳ 2013. Hai là khối doanh nghiệp ngoài nhà nước và khối đầu tư nước ngoài đều có mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ , cụ thể khối ngoài nhà nước tăng 2,1%, khối đầu tư nước ngoài tăng 4,6%.  Ba là tỷ giá đồng USD có xu hướng mạnh lên so với một số đồng tiền khác như Euro làm giảm nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường. Và nguyên nhân cuối cùng là trong khi phần lớn các nhóm hàng xuất khẩu tăng thấp, chỉ có 3/8 nhóm hàng tăng cao hơn mức 8% kế hoạch được giao, thì một số nhóm hàng giảm sút: xăng dầu chiếm tỷ trọng 6,5% và giảm 32,9%, nông sản chiếm tỷ trọng 10,3% và giảm 5,5%. Nguyên nhân giảm sút của xăng dầu, nông sản chủ yếu do các tác động: Giá dầu thô suy giảm rất lớn từ cuối năm 2014, đầu năm 2015 nên mặc dù lượng xuất khẩu tăng nhưng không bù được phần giá suy giảm; Xuất khẩu cà phê và hạt tiêu giảm do gặp hạn hán và mất mùa lớn, sản lượng giảm; Nguồn cung trong quý I/2015 trên thị trường thế giới của gạo và cà phê có gia tăng dẫn đến áp lực cho các mặt hàng của Việt Nam cạnh tranh với các nước khác; Mặt hàng gạo bị cạnh tranh mạnh mẽ từ Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan nên đang mất dần các thị trường đầu ra chủ yếu là Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia vào tay 3 nước đối thủ này. Đặc biệt, Thái Lan với kho dự trữ gạo rất lớn đang tìm cách tiêu thụ và đẩy ra thị trường thế giới làm giá trên thị trường thế giới giảm sâu và nguyên  nhân từ phía các nhà nhập khẩu gạo: Việc xuất khẩu gạo vào Trung Quốc có những diễn biến bất thường do thay đổi chính sách vĩ mô của chính phủ Trung Quốc như cấp hạn ngạch cho nhập khẩu gạo diễn ra rất nhỏ và rất chậm. Một số thị trường nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam ở ASEAN như Philippines, Indonesia, Malaysia không có những hợp đồng lớn cho quý I/2015. Điều này khác với những năm trước khi có những hợp đồng lớn của năm trước chuyển sang quý I của năm tiếp theo.


Về  tình hình nhập khẩu, xét riêng tháng 3 kim ngạch nhập khẩu tháng 3 năm 2015 ước đạt 1928 triệu USD, tăng 2,9% so với tháng 2. Trong đó, các doanh nghiệp do địa phương quản lý đạt 829 triệu USD, tăng 2,2%. Chia theo thành phần kinh tế tỷ lệ nhập khẩu như sau: Khu vực kinh tế Nhà nước: ước đạt 1186 triệu USD, tăng 3,4% so với tháng 2;  Khu vực kinh tế ngoài Nhà nước: ước đạt 337 triệu USD, tăng 2,3%; Khu vực FDI: ước đạt 405 triệu USD, tăng 1,9%.


Tính chung, kim ngạch nhập khẩu 3 tháng đầu năm 2015 ước đạt 5772 triệu USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ 2014. Trong đó doanh nghiệp do địa phương quản lý đạt 2473 triệu USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Cụ thể:  Khu vực kinh tế nhà nước: ước đạt 3559 triệu USD, chiếm tỷ trọng 61,7%, tăng 6,5% so với cùng kỳ; Khu vực kinh tế ngoài nhà nước: ước đạt 1022 triệu USD, chiếm 17,7%, tăng 11,5%; Khu vực FDI: ước đạt 1191 triệu USD, chiếm 20,6%, tăng 5,2%.


Có 2 nhóm hàng nhập khẩu chủ yếu là vật tư, nguyên liệu và máy móc thiết bị phụ tùng.

 

Vật tư nguyên liệu ước đạt 2680 triệu USD, chiếm tỷ trọng 46,4%, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2014 (trong đó, chất dẻo tăng 21,5%, hóa chất tăng 11,3%, sắt thép tăng 15,1%, phân bón giảm 11,3%, xăng dầu giảm 26,7%) và máy móc thiết bị, phụ tùng: ước đạt 983 triệu USD, chiếm tỷ trọng 17%, tăng 1,1% so với cùng kỳ. Trong đó, các doanh nghiệp nhà nước vẫn là những nhà nhập khẩu chủ yếu, chiếm 61,7% kim ngạch nhập khẩu và có tác động lớn nhất tới nhập khẩu của thành phố. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là của các doanh nghiệp này cũng là vật tư nguyên liệu và máy móc thiết bị phụ tùng phục vụ sản xuất chiếm 63,5%.


Mặt khác, nhập khẩu của tất cả các thành phần kinh tế đều tăng so với cùng kỳ. Trong các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu, xăng dầu giảm do giá thế giới giảm; phần lớn các nhóm hàng còn lại tăng do nhiều ngành sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ: sản xuất trang phục tăng 39,8%; chế biến gỗ tăng 72,7%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 10,6%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 22,2%; sản xuất xe có động cơ tăng 31,7%, sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 19,3%. 

 

Về cán cân thương mại, mức nhập siêu của thành phố Hà Nội 3 tháng đầu năm 2015 là 3104 triệu USD, bằng 116,3% kim ngạch xuất khẩu, giảm so với cùng kỳ năm 2014 (121,5%). Trong các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp FDI  là khối duy nhất tiếp tục xuất siêu với giá trị 43 triệu USD, bằng 3,6% kim ngạch nhập khẩu của khối này.

 

 


Như Hoa (Theo Sở Công Thương)


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật