Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng Sáu và 6 tháng năm 2010 (14:43 09/07/2010)


HNP - Sáu tháng đầu năm 2010, kinh tế Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa thực sự thoát hẳn ra khỏi khủng hoảng nhưng đang dần dần hồi phục. Hà Nội vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như: giá cả nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng, tình trạng cắt điện luân phiên… Tuy nhiên, với sự phấn đấu nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân lao động Thủ đô chào mừng các ngày lễ lớn trong năm, 6 tháng đầu năm 2010, kinh tế xã hội Hà Nội phát triển và  tăng trưởng khá so cùng kỳ năm trước: Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 10,1%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,9%, vốn đầu tư xã hội tăng 16,5%, tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 27,7%, kim ngạch xuât khẩu tăng 10,4%... An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.


1/ Tổng sản phẩm nội địa (GDP)

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2010, tổng sản phẩm nội địa Hà Nội tăng 10,1% so cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều tốc độ tăng trưởng của 6 tháng đầu năm 2009 (6 tháng năm 2009 so cùng kỳ trước tăng 4,1%), trong đó:

Giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 7,3% (đóng góp 0,5% vào mức tăng chung). Diện tích gieo trồng cây lương thực tăng so với kỳ trước, song do thời tiết không thuận lợi đều nên năng suất kém hơn . Các loại cây trồng còn lại năng suất đạt khá và tăng hơn so với cùng kỳ. Chăn nuôi tiếp tục phát triển, dịch bệnh được khống chế. Hiện nay,các cơ sở nuôi trồng thủy sản đang tăng cường đầu tư, củng cố, vệ sinh ao, hồ, tiếp tục mở rộng diện tích nuôi trồng nhưng diện tích nuôi trồng thủy sản vẫn giảm so với trước do mực nước các sông hồ đang ở mức thấp. Tuy nhiên, các địa phương áp dụng kỹ thuật nuôi trồng thâm canh thủy sản nên mặc dù diện tích có giảm sút, nhưng sản lượng nuôi trồng lại tăng đáng kể.

Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp – xây dựng 6 tháng đầu năm tăng 11,4% (đóng góp 5,3% vào mức tăng chung), cao hơn nhiều tốc độ tăng của 6 tháng đầu năm 2009. Công nghiệp trên địa bàn Hà Nội đang tiếp tục phục hồi. Tuy vậy, nhìn chung tình hình sản xuất công nghiệp hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nguyên liệu đầu vào tăng, nhất là giá điện, một số DN phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài vì vậy giá thành cao hơn, bên cạnh đó sản phẩm sản xuất ra phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại nhập khẩu về nên một số ngành giảm sút so cùng kỳ.

Giá trị tăng thêm các ngành dịch vụ tăng 9,1% so cùng kỳ (đóng góp 4,2% vào mức tăng chung). Do tiền lương cơ bản từ tháng Năm tăng 12% so với trước, nên các ngành khối hành chính sự nghiệp như quản lý nhà nước, giáo dục, văn hóa, y tế… có tốc độ tăng khá. Ngành thương mại, do hệ thống bán lẻ phát triển nhanh, vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng. Ngành vận tải kho bãi, bưu điện tiếp tục tăng trưởng và phát triển do Hà Nội là đầu mối giao thông quan trọng ở phía bắc. Ngành tài chính tín dụng vẫn dữ được nhịp độ phát triển, tổng nguồn huy động và dư nợ của các tổ chức tín dụng vẫn tăng khá so với cùng kỳ năm trước.

2/ Sản xuất công nghiệp:

Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội tháng Sáu năm 2010 tăng 5,5% so tháng trước và tăng 18% so cùng kỳ năm trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 2,9% và 10,8% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 3,5% và 10,1%, kinh tế Nhà nước Địa phương tăng 1,1% và 12,8%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 4,0% và 20,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,1% và 20,2%.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng 13,9% so cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có mức tăng cao nhất 15,9%; tiếp đến là khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 15,5%; kinh tế nhà nước có mức tăng thấp nhất 8,2%.

2.1. Sản xuấ công nghiệp Nhà nước Trung ương: Giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước Trung ương tháng Sáu năm 2010 tăng 3,5% so tháng trước và tăng 10,1% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2010, giá trị sản công nghiệp Nhà nước Trung ương tăng 7,4% so cùng kỳ năm trước. Có 19/20 ngành sản xuất tăng, trong đó có một số ngành đạt tốc độ tăng khá như: sản xuất phân phối điện (tăng 12,3%); sản xuất thuốc lá (tăng 11,6%); sản xuất sản phẩm bằng kim loại (tăng 10,6%), sản xuất khoáng phi kim loại (tăng 9,8%)… Ngành duy nhất sản xuất giảm là ngành sản xuất sản phẩm từ da (giảm 1,8%).

2.2. Sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương: Giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương tháng Sáu năm 2010 tăng 1,1% so tháng trước và tăng 12,8% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương tăng 10,5% so cùng kỳ năm trước. Có 11/17 ngành sản xuất tăng, trong đó một vài ngành đạt mức tăng trưởng khá là: chế biến thực phẩm (tăng 67,5%), sản xuất các sản phẩm từ cao su (tăng 44,3%), sản xuất phương tiện vận tải khác (tăng 39%), dệt (tăng 21,1%)…

2.3. Sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước: Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tháng Sáu năm 2010 tăng 4,0% so tháng trước và tăng 19,5% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tăng 15,5% so cùng kỳ năm trước, trong đó Công ty TNHH tư nhân tăng 16,5%, Công ty cổ phần tăng 16,5%, hộ sản xuất cá thể tăng 13,5%. Theo ngành thì cả 22/22 ngành sản xuất đều tăng so cùng kỳ. Một số ngành chiếm tỷ trọng lớn có tốc độ tăng cao như chế biến thực phẩm, chế biến gỗ, sản xuất thiết bị điện….

2.4. Sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài: Giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tháng Sáu năm 2010 tăng 8,2% so tháng trước và tăng 20,3% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,9% so cùng kỳ năm trước. Có 17/20 ngành sản xuất tăng, trong đó có một số ngành có tỷ trọng lớn đạt tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng của khu vực là: chế biến thực phẩm (tăng 19,4%), sản xuất phương tiện vận tải khác (tăng 19,1%), sản xuất thiết bị văn phòng (tăng 17,5%), sản xuất các sản phẩm bằng kim loại (tăng 17,3%)… 3 ngành sản xuất giảm so với cùng kỳ là: sản xuất sản phẩm bằng da (giảm 23%), chế biến gỗ và lâm sản (giảm 15,2%), sản xuất kim loại (giảm 4,8%).

3. Xây dựng cơ bản:

3.1. Vốn đầu tư phát triển nguồn vốn Nhà nước do địa phương quản lý
Thành phố Hà Nội tháng Sáu đạt 1.959,5 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 9,9% so tháng trước. Dự kiến 6 tháng đạt 9.122 tỷ đồng, giảm 20,1% so với cùng kỳ năm trước; đạt 36,7% kế hoạch năm 2010. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước tăng 6,3% so với cùng kỳ, đạt 43,7% kế hoạch năm 2010; tương ứng, vốn tín dụng đầu tư của nhà nước giảm 65,05 và đạt 11,7%; vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước giảm 41% và đạt 44,5%.

3.2. Một số tình hình đầu tư trên địa bàn thành phố:

- Hà Nội có nhiều dự án giao thông trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đặc biệt là những dự án hướng tới chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, thành phố, tiến độ các dự án đã có tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, một số dự án giao thông trọng điểm tại Hà Nội chậm tiến độ vì thiếu mặt bằng. Điển hình như dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng – Hòa Lạc, đây là công trình đặc biệt, nối Hà Nội cũ với Hà Nội mở rộng, là dự án hướng tới chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, các địa phương có đường đi qua đã cam kết thực hiện đúng tiến độ song đến hết thời hạn cam kết nhưng các huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Thạch Thất vẫn chưa kết thúc công tác giải phóng mặt bằng. Như vậy, nhà thầu rất khó hoàn thành dự án chào mừng Đại lễ. tại một số dự án khác như Văn Cao – Hồ Tây, cầu Nhật Tân, đường 32 (đoạn Cầu Diễn – Nhổn), nhà ga T2 … tình hình cũng không khả quan hơn, bởi khối lượng công việc còn lớn, thời hạn phải bàn giao mặt bằng đã đến gần. Thời hạn chót lại được đặt ra cho dự án Văn Cao

– Hồ Tây, đường 32, cầu Nhật Tân là tháng 6-2010; đường Nhật Tân – Nội Bài là tháng 8-2010; nhà ga T2 là tháng 5-2010….

- Thị xã Sơn Tây: UBND thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng hạ tầng khu tái định cư Đồng Láng, Xuân Khanh (tổng mức đầu tư khoảng 93 tỷ đồng lấy từ ngân sách ủy thác) và dự án xây dựng đường nối từ đường tránh quốc lộ 32 đi tỉnh lộ 413 trên địa bàn xã Thanh Mỹ (tổng mức đầu tư dự án khoảng 136 tỷ đồng). Hai dự án trên đều giao cho UBND thị xã Sơn Tây làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư vào quý III-2010.

- Thành phố Hà Nội khởi động nhiều dự án nhà ở cho công nhân. UBND thành phố giao cho Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội hoàn chỉnh dự thảo chương trình xây dựng nhà ở công nhân trên địa bàn thành phố 5 năm tới. Bổ sung cơ chế đặc thù, khả năng ưu đãi của Thành phố đối với việc phát triển nhà ở của công nhân. Đẩy nhanh tiến độ với các dự án nhà ở công nhân Kim Chung (Đông Anh), nhà ở công nhân khu CN Quang Minh. Dự kiến xây nhà ở công nhân cho 4 nhà máy đang hoạt động trong khu công nghiệp cao Hòa Lạc trên địa bàn 2 huyện Quốc Oai, Thạch Thất; khởi động dự án nhà ở công nhân tại cụm CN Phùng Xá. Các huyện khác sẽ lần lượt có dự án nhà ở công nhân theo từng giai đoạn tại các khu công nghệp.

3.3. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài:  6 tháng đầu năm 2010, thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư cấp mới và tăng vốn cho 140 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư đăng ký ước đạt khoảng 100 triệu USD (bằng 93,3% về số dự án và 58,13% vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ năm 2009).

3.4. Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn (vốn đầu tư xã hội) dự kiến 6 tháng đầu năm 2010 đạt 69.475 tỷ đồng, tăng 16,5% so cùng kỳ năm trước, trong đó vốn Nhà nước tăng 7,8%, vốn ngoài Nhà nước tăng 23,4%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 9,5%.

4. Thương mại dịch vụ:

4.1. Nội thương: Tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn Hà Nội tháng Sáu năm 2010 tăng 2,2% so tháng trước và tăng 38,1% so cùng kỳ năm trước, trong đó bán lẻ tăng 2,2% và 32,3%.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2009, tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn Hà Nội tăng 27,8% so cùng kỳ năm trước, trong đó bán lẻ tăng 28,2% (tăng 16,7% nếu loại trừ yếu tố giá). Trong tổng mức bán lẻ, kinh tế Nhà nước tăng 22,3% kinh tế ngoài Nhà nước tăng 29%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 27,2%.

Đánh giá chung về hoạt động của thương mại dịch vụ và ảnh hưởng của nó trong 6 tháng đầu năm như sau: tốc độ tăng trưởng của tổng mức bán hàng hóa và dịch vụ 6 tháng năm nay tăng khá cao so với cùng kỳ do năm ngoái ngành thương mại dịch vụ bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Cơ cấu bán buôn vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số bán ra (78%). Hà Nội vẫn giữ vị trí trung tâm bán buôn của khu vực phía Bắc. Theo xu thế phát triển, hiện nay số lượng đơn vị kinh doanh thương mại dịch vụ tăng nhanh và có tốc độ tăng về số lượng đơn vị cao hơn nhiều ngành kinh tế khác.

4.2 Ngoại thương:

- Xuất khẩu: So với tháng trước, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Thành phố Hà Nội tháng Sáu tăng 2,5%, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 2,5%. Nhiều mặt hàng xuất khẩu tháng này đã tăng đáng kể so với tháng trước, trong đó riêng gạo tăng 17%.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2010, xuất khẩu trên địa bàn đạt 3.437 triệu USD, tăng 10,4% so cùng kỳ năm trước. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều tăng mạnh: linh kiện máy tính tăng 36,7%, hàng may, dệt tăng 22,6%, hàng điện tử tăng 21,5%, gạo tăng 29%... Chỉ có 2 mặt hàng giảm mạnh là cà phê và vàng hàng hóa. Nhìn chung, tình hình xuất khẩu đang diễn biến theo chiều hướng tích cực. Giá cả một số mặt hàng xuất khẩu đã có sự phục hồi ở mức khá làm cho kim ngạch xuất khẩu tăng so cùng kỳ năm trước. Giá than đá và hầu hết các mặt hàng nông sản đều tăng (chỉ trừ cà phê). Tính sơ bộ, giá cả hàng hóa xuất khẩu 6 tháng tăng bình quân trên 8% so cùng kỳ năm trước. Nhiều mặt hàng công nghiệp xuất khẩu đã có mức tăng mạnh so với cùng kỳ là tín hiệu đáng mừng và là cơ sở để dự báo xuất khẩu năm nay sẽ tăng trưởng khá.

- Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tăng 2,6% so tháng trước, trong đó nhập khẩu địa phương tăng 5,8%.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2009, kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn đạt 10.479 triệu USD, tăng 29,8% so cùng kỳ. Chia theo ngành hàng thì ngoại trừ phân bón giảm 41%, còn lại hầu hết các mặt hàng có tốc độ tăng trên 30% như: máy móc thiết bị phụ tùng tăng 32,6%, vật tư nguyên liệu tăng 37,0% (sắt thép tăng 33,3%, hóa chất tăng 31%, chất dẻo tăng 43,6%, xăng dầu tăng 48%...).

4.3 Du lịch:

Do quy luật, lượng khách đến Hà Nội vào mùa hè thường giảm sút nên tháng Sáu năm 2010, khách Quốc tế đến Hà Nội lưu trú khoảng 90 nghìn khách, giảm 3,2% so tháng trước, nhưng so với cùng kỳ năm 2009 lại tăng 63,1% (do 6 tháng đầu năm 2009 là thời kỳ suy thoái kinh tế thế giới trầm trọng nên lượng khách đi du lịch các nước giảm nhiều). Khách nội địa đến Hà Nội không giảm nhiều so tháng trước. Khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài tăng 10-20%. Doanh thu khách sạn lữ hành giảm 2,4% so tháng trước và tăng 28,3% so cùng kỳ (chủ yếu là do tăng giá).

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2009, Hà Nội đón khoảng 575 nghìn lượt khách quốc tế lưu trú (tăng 12% so cùng kỳ) và gần 4 triệu lượt khách nội địa (tăng 13,5%). Khách quốc tế đến từ một số nước tăng trở lại như: Trung Quốc (tăng 32%), Canada (tăng 11,3%), Nhật (tăng 18,8%), Singapore (tăng 6,6%). Tuy nhiên một số thị trường truyền thống lại giảm là: Mỹ (giảm 59,7%), Úc (giảm 49,7%), Đài Loan (giảm 33,4%), Đức (giảm 28,9%), Pháp (giảm 10,7%),..

Chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và hưởng ứng năm Du lịch quốc gia 2010, Thành phố đã triển khai một số hoạt động xúc tiến du lịch nhằm giới thiệu đến bạn bè quôc tế về một Hà Nội ngàn năm văn hiến như mở các tour du lịch mới, tour du lịch kết hợp thăm làng nghề truyền thống, phòng trào “Người Hà Nội đón bạn thăm nhà”, “Năm du lịch Xanh”,…

4.4 Vận tải:

Tháng Sáu năm 2010 so với tháng trước, khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 1,2%, khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng 0,7%, doanh thu vận tải hàng hóa tăng 1,8%; khối lượng hành khách vận chuyển tăng 1,6%, doanh thu vận chuyển hành khách tăng 2,2%.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2010 so cùng kỳ, khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 19,1%, khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng 22,1%, doanh thu vận tải hàng hóa tăng 23,4%, khối lượng hành khách vận chuyển tăng 21,9%, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 13,6%, doanh thu vận chuyển hành khách tăng 24,1%.

Ngành vận tải 6 tháng đầu năm đã phục hồi do lượng hàng hóa lưu thông và vận chuyển hành khách tăng đáng kể. Tuy nhiên, doanh thu vận tải năm nay tăng một phần do tăng giá cước. Vận tải hành khách liên tỉnh đã đáp ứng khá tốt nhu cầu của khách tại các bến xe. Do xe buýt của Hà Nội là phương tiện vận chuyển khá thuận lợi và đến nay trở thành phương tiện không thể thiếu trong giao thông hàng ngày ở Thủ đô nên số hành khách đi trên các tuyến tăng đáng kể, chiếm 75% khối lượng khách vận chuyển bằng ô tô.

4.5 Bưu chính – viễn thông:

Tháng Sáu năm 2010, có 25,5 nghìn thuê bao điện thoại thu cước tăng thêm; 9,4 nghìn thuê bao internet phát triển mới. Doanh thu tăng 0,9% so tháng trước.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2010, số thuê bao điện thoại thu cước tăng thêm là 176,2 nghìn thuê bao (trong đó 36,6 nghìn thuê bao cố định). Dịch vụ Internet với 67 nghìn thuê bao phát triển mới. Doanh thu tăng 33,2% so cùng kỳ năm trước.

4.6. Giá cả thị trường:

So tháng trước chỉ số giá tiêu dùng tháng Sáu năm 2010 tăng 0,21%. Có 9/11 nhóm hàng có chỉ số giá tiêu dùng tăng. Tuy nhiên, chỉ số giá không tăng cao do có sự đảo chiều của nhóm nhà ở, chất đốt, vật liệu xây dựng và giao thông. Tháng trước cả 2 nhóm này đều tăng hoặc ổn định.

Dự kiến 6 tháng đầu năm so cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng tăng 9,44% (năm 2009 tốc độ này là 11,75%), trong đó giao thông tăng 18,3% là nhóm tăng cao nhất, tiếp đến là nhà ở, nước, VLXD tăng 16,6%, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 10,9%, Bưu chính viễn thông giảm 3,1%; chỉ số giá vàng tăng 39,1%; chỉ số giá đô la Mỹ tăng 8,03%.

Tốc độ tăng giá trong 6 tháng đầu năm (giá tiêu dùng tháng 6/2010 so tháng 12/2009) tăng 5,13% (chỉ số này của năm 2009 là 2,51%). Chỉ số giá vàng giảm 0,2%. Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 2,4%. Tốc độ tăng bình quân 1 tháng là 0,84% (năm 2009 là 0,41%).

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 năm 2010 tuy tăng thấp hơn trong 3 năm liền kề, nhưng vẫn ở mức khá cao do một số nguyên nhân: Thứ nhất, hàng thực phẩm tươi sống vẫn ở mức cao, biến động thất thường do nhiều loại thức ăn chăn nuôi vẫn cao dẫn đến giá thịt gia súc, gia cầm, thủy sản cao, chưa kể nhiều loại dịch bệnh vẫn chưa được khống chế. Rau xanh do thời tiết và cân đối giữa sản xuất và tiêu dùng chưa tốt nên giá vẫn ở mức cao. Do hàng lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hóa tính giá (38%) nên biến động của loại hàng này luôn gây tăng giảm thất thường cho chỉ số giá tiêu dùng nói chung. Thứ hai, độ mở của thị trường trong nước với thế giới ngày càng sâ rộng dẫn đến giá thế giới khi biến động đã ảnh hưởng trực tiếp vào giá hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu và sản xuất kinh doanh trong nước.

5. Sản xuất nông nghiệp:

5.1 Trồng trọt:

* Cây hàng năm: Vụ đông xuân 2010, toàn Thành phố gieo trồng được 193.752 ha, tăng 24% cùng kỳ (+ 37.499,8 ha), trong đó vụ đông trồng được 64.623 ha, vụ xuân trồng được 129.129 ha. Chia theo nhóm cây trồng: cây lương thực trồng được 123.154 ha, chiếm 63,56% diện tích và tăng 4,2% cùng kỳ. Cây có củ trồng được 5.489 ha, tăng 47,3%, trong đó khoai lang trồng được 5.352 ha, tăng 53,6%. Cây có hạt chứa dầu trồng được 39.245 ha, tăng 28.392 ha, trong đó đậu tương 33.166 ha, tăng 28.744 ha (do tăng diện tích vụ đông), lạc trồng được 5.900 ha, giảm 349 ha, bằng 94,4%. Rau, đậu trồng được 21.443 ha, tăng 8,7%.

Theo báo cáo sơ bộ của các quận, huyện, thị xã, năng suất lúa vụ đông xuân 2009 – 2010 đạt 57,91 tạ/ha, giảm 0,36 tạ/ha so với cùng kỳ, một số huyện, thị xã như Sơn Tây Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai cấy sớm và một số quận huyện cấy muộn như Đông Anh, Gia Lâm, Hà Đông gặp thời tiết không thuận đều cho năng suất kém hơn cùng kỳ. Ngược lại một số huyện có truyền thống thâm canh tốt cho năng suất khá hơn cùng kỳ như Ứng Hòa năng suất tăng 2,0%, Mỹ Đức tăng 1,8%... Thanh Oai, Thường Tín năng suất cũng tăng hơn 0,5 đến 0,8%.

Các loại cây khác nhìn chung năng suất đều đạt khá và tăng hơn cùng kỳ. Cây ngô năng suất đạt 44,442 tạ/ha, tăng 11,1% (ngô đông đạt 42,59 tạ/ha tăng 35,9%), khoai lang đạt 85,28 tạ/ha tăng 19,1%), rau các loại 176,9 tạ/ha, tăng 6,4% (vụ đông năng suất 170,99 tạ/ha tăng 10,8%), đậu tương 15,44 tạ/ha, tăng 5,2% (vụ đông 15,43 tạ/ha tăng 14,6%), lạc 18,96 tạ/ha, tăng 2,4% 9 (vụ đông đạt 18,41 tạ/ha tăng 16,0%)…

Vụ đông xuân sản lượng lương thực thu được 684.376 tấn, riêng lúa xuân sản lượng đạt 589.462 tấn, bằng 98,0% cùng kỳ. Sản lượng ngô đạt 94.914 tấn, tăng 58,7% cùng kỳ, riêng ngô đông đạt 57.488 tấn, tăng 151,6%. Khoai lang sản lượng 45.518 tấn, trong đó, khoai lang đông 38.071 tấn, tăng 110,5%. Rau các loại 367.118 tấn, tăng 15,9%, vụ đông 211.650 tấn, tăng 27,4%, Đậu tương 51.214 tấn, tăng 689,4%, vụ đông 48.645 tấn, tăng 1368,3%,…

Đến nay toàn Thành phố đã cơ bản thu hoạch xong lúa và hoa màu, giải phóng đồng ruộng đang tiến hành gieo mạ, làm đất gieo trồng vụ mùa

* Cây lâu năm: Theo báo cáo ước tính của các quận, huyện, thị xã, cây công nghiệp lâu năm, chủ yếu là chè (được trồng ở các huyện miền núi như Ba Vì, Sơn Tây, Chương Mỹ,…) 6 tháng đầu năm 2010, toàn Thành phố trồng được 2.536 ha, tăng 8,6% cùng kỳ nhưng chỉ đạt 99,4% năm 2009, sản lượng thu được 8.050 tấn búp tươi, tăng 30,3% cùng kỳ.

Cây ăn quả lâu năm như cam, quyết, chuối, xoài, nhãn, vải, đều có diện tích thấp hơn cùng kỳ, nhưng do thời tiết thuận lợi nên sản lượng thu hoạch ước tính tăng hơn cùng kỳ. Cụ thể: Cam quýt có diện tích gieo trồng 768,6 ha, bằng 84,7% cùng kỳ, sản lượng thu hoạch ước đạt 2.500 tấn, tăng 5,8%. Chuối diện tích gieo trồng 2.259 ha, sản lượng 25.906 tấn, tăng 7,8%. Vải diện tích gieo trồng 1.712ha, bằng 87,6% cùng kỳ, sản lượng 4.407 tấn, tăng 78% …

5.2 Chăn nuôi:

Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định. Đến 1/4/2010 đàn bò ước tính có 189.467 con, bằng 95,33% cả năm 2009. Đàn trâu có 27.538 con, bằng 97,29% năm 2009. Đàn lợn toàn Thành có trên 1,64 triệu con tăng 2,76% cùng kỳ và bằng 97,76% năm 2009, sản lượng xuất chuồng đạt trên 154 ngàn tấn, bằng 99,58% cùng kỳ và bằng 51,67% năm 2009. Đàn gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) có trên 17 triệu con, tăng 14,47% cùng kỳ, sản lượng xuất chuồng đạt 28.356 tấn, tăng 13,77% cùng kỳ. Riêng đàn gà có 12,64 triệu con, tăng 15,32% cùng kỳ và 5,17% năm 2009 sản lượng xuất chuồng là 18,8 ngàn tấn, tăng 15,08% cùng kỳ và bằng 64,72% năm 2009

Công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được chỉ đạo thường xuyên. Trong 6 tháng đầu năm đã hoàn thành 2 đợt tổng vệ sinh tiêu độc môi trường. Công tác tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm được tiếp tục triển khai, đã tiến hành tiêm phòng cho gần 54 ngàn lượt trâu bò vacxin tụ huyết trùng, lở mồm long móng; 690,8 ngàn lượt con lợn vacxin 4 bệnh đỏ; tiêm vacxin cúm cho 3,5 triệu gia cầm. Kiểm dịch vận chuyển trên 1,83 triệu gia cầm sống, 265 ngàn gia cầm đã giết mổ, 159 ngàn con lợn,… 11,9 ngàn lượt phương tiện vận chuyển, 334 lượt/480 cơ sở chăn nuôi gia súc, 1.784 lượt/235 cơ sở giết mổ,…

Tuy nhiên dịch lợn tai xanh trong tháng 4, đầu tháng 5/2010 đã xuất hiện tại 311 hộ chăn nuôi ở 10 quận, huyện, thị xã với tổng số lợn ốm là 6.532 con, số con chết và tiêu hủy là 2.758 con (126,3 ngàn tấn). Đến nay dịch bệnh cơ bản đã được khống chế.

5.3 Thủy sản:

Từ đầu năm đến nay, mực nước các sông hồ đang ở mức thấp, các cơ sở nuôi trồng thủy sản đã và đang tăng cường đầu tư, củng cố, vệ sinh ao, hồ, tiếp tục mở rộng diện tích nuôi trồng, tuy vậy diện tích nuôi trồng 6 tháng đầu năm toàn Thành phố ước tính mới đạt 12.125 ha, bằng 85,88% cùng kỳ và bằng 62,12% năm 2009, trong đó nuôi cá vẫn là chủ yếu với diện tích 6 tháng ước đạt 12.021 ha, chiếm 99,14% diện tích nuôi trồng. Tình hình nuôi cá lồng cũng tương tự: số lồng nuôi chỉ còn 65 lồng, bằng 18,84% cùng kỳ và bằng 22,41% năm 2009. Các địa phương đã áp dụng kỹ thuật nuôi trồng thâm canh thủy sản nên mặc dù diện tích có giảm sút, nhưng sản lượng nuôi trồng lại tăng đáng kể, ước tính toàn Thành phố thu được 27.616,5 tấn thủy sản, tăng 23,4% cùng kỳ và bằng 66,57% năm 2009. Riêng sản lượng cá thu được 27.591,5 tấn, chiếm 99,9% sản lượng thủy sản nuôi trồng.

Tình hình khai thác cá, tôm và thủy sản nhìn chung ngày càng bị sụt giảm do mưa ít, nguồn nước các sông hồ thiếu hụt. Mặt khác hoạt động khai thác thủy sản cho hiệu quả kinh tế thấp, số hộ khai thác ngày càng giảm, sản lượng thủy sản khai thác không đáng kể ước tính được gần 2.461 tấn, bằng 95,79% cùng kỳ và bằng 85,59% năm 2009. Riêng sản lượng cá thu được gần 2.082 tấn.

5.4. Lâm nghiệp

6 tháng đầu năm 2010 các huyện, thị xã có rừng đã triển khai, trồng mới được 186 ha, trong đó rừng sản xuất trồng mới được 141 ha. Diện tích rừng được chăm sóc là 565 ha, rừng được giao khoanh nuôi đạt 100% kế hoạch. Diện tích rừng được khoán bảo vệ là 5.482 ha, tăng 1,34% cùng kỳ, chủ yếu là giao bảo vệ rừng đặc dụng Hương Sơn thuộc huyện Mỹ Đức (5.158 ha). Trong dịp tết Canh Dần, toàn Thành phố đã đồng loạt tổ chức lễ phát động Tết trồng cây và đã trồng được trên 500 ngàn cây các loại. Ước tính 6 tháng đầu năm, toàn Thành  phố đã trồng được 685,4 ngàn cây, tăng 10,63% cùng kỳ.

Tình hình khai thác gỗ 6 tháng đầu năm 2010 tăng mạnh. Số gỗ khai thác được gần 7.552m3, tăng 41,39%.

Công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn được tăng cường, không để xảy ra các vụ cháy, chặt phá rừng nghiêm trọng và buôn bán vận chuyển lâm sản trái phép, tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm vẫn có 13 vụ cháy tại các huyện Sóc Sơn, Chương Mỹ, Ba Vì với tổng diện tích bị cháy gần 16 ha chủ yếu là thảm thực vật dưới tán rừng thông, keo. Số vụ chặt phá rừng là 4 vụ, diện tích bị phá không đáng kể. Phát hiện và xử lý 49 vụ buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép thu gần 37m3 gỗ quy tròn, 112 cá thể động vật hoang dã, nộp ngân sách trên 440 triệu đồng.

6. Một số chỉ tiêu xã hội

6.1. Lao động – Việc làm;

Trong 6 tháng đầu năm 2010 toàn Thành phố đã giải quyết việc làm được 68000 lượt người đạt 50,37% KH năm, xét duyệt 768 dự án giải quyết việc làm với số lao động là 5500 với số tiền là 75,8 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2010 Thành phố cũng đã đào tạo nghề được 75000 lượt người đạt 53,57 KH năm. Thành phố đang triển khai xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực lao dộng nông thôn của Hà Nội đến năm 2020.

6.2. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe

Trong 6 tháng đầu năm 2010 ngành y tế Thủ đô đã làm tốt công tác phục vụ chăm sóc, điều trị và khám chữa bệnh cho nhân dân trên các địa bàn Thành phố. Tăng cường công tác phòng chống các dịch bệnh như dịch lợn tai xanh, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1 và thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm do đó toàn thành phố không xảy ra dịch lớn và ngộ độc thực phẩm. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số dự án, đề án trọng tâm xây dựng cơ sở của ngành y tế từ Thành phố đến mạng lưới y tế cơ sở với số vốn được duyệt năm 2009: 227 tỷ đồng, triển khai nhanh việc rải ngân giai đoạn 2010-2015 với tổng kinh phí được duyệt là 1740 tỷ đồng; tăng cường đầu tư cho tuyến y tế cơ sở xã, phường phấn đấu năm 2010 xây dựng thêm 40 xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế (đạt 97,2%).

6.3. Công tác văn hóa, thể thao du lịch 6 tháng đầu năm 2010.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa tính đến hết tháng 6 đã cấp 369 giấy phép quảng cáo, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong dịp lễ hội, thanh tra xử lý các vi phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa. Qua kiểm tra, thanh tra đã xử phạt 130 triệu đồng, tháo dỡ 35 biển quảng cáo và 344 phướn, thu 6424 đĩa lậu, đình chỉ kinh doanh 3 điểm karaoke không phép …

Tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ trong dịp Xuân Canh dần, tuyên truyền cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào văn nghệ quần chúng và các hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Đã tổ chức 521 buổi chiếu phim phục vụ chính trị thu hút 158.642 lượt người xem …

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào Thể thao quần chúng, bồi dưỡng nhân tài cho Thể thao thành tích cao, tổ chức thành công nhiều giải thể thao quần chúng. Đại hội thể thao Thành phố đã trao 129 huy chương vàng,110 huy chương bạc và 142 huy chương đồng.

Ngành du lịch đã xây dựng kế hoạch chi tiết của năm du lịch Quốc gia. Chuẩn bị tốt các điều kiện và cơ sở vật chất để đón khách trong và ngoài nước nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

6.4. Công tác Giáo dục – Đào tạo:

Trong 6 tháng đầu năm ngành Giáo dục Thành phố đã đẩy mạnh phong trào “Dạy tốt học tốt”, phong trào nói không với tiêu cực trong thu cử. Tổ chức xét hoàn thành chương trình giáo dục cấp tiểu học, trung học cơ sở theo hướng dẫn của Bộ giáo dục. Kết quả: tiểu học có 75.607 học sinh cuối cấp hoàn thành đạt 99%, cấp trung học cơ sở 83.737 em hoàn thành đạt 98,4%. Tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT có 74.781 học sinh dự thi với 70.862 em tốt nghiệp đạt 94,7% tăng 7% so với kỳ thi trước. hệ bổ túc có 8.949 người dự thi, tốt nghiệp 7.557 học sinh đạt 84,4% tăng 30% so với kỳ thi trước.

6.5. Tình hình trật tự xã hội – an toàn giao thông:

Trong 5 tháng đầu năm 2010 trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã phát hiện và xảy ra 2.222 vụ phạm pháp hình sự (giảm 13,7% so với cùng kỳ năm trước) bắt giữ theo luật 2.382 đối tượng (giảm 8,1%).

Tổng số vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy là 1240 vụ (tăng 20% so với cùng kỳ năm trước) và bắt giữu được 1.537 đối tượng (giảm 23,5%).

Số vụ tai nạn giao thông xẩy ra là 325 vụ (giảm 9,7% so cùng kỳ năm trước) làm 271 người bị chết (giảm 15%), làm bị thương 121 người (tăng 17,5%).

Có 98 vụ cháy nổ, làm chết 6 người và bị thương 6 người.

7. Tài chính – tín dụng:

7.1. Tài chính:

Tổng thu Ngân sách nhà nước trên địa bàn dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2010 là 46.782 tỷ đồng, đạt 52,7% dự toán năm; trong đó: Thu nội địa không kể dầu thô là 40.932 tỷ đồng, đạt 53,8% dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 4.850 tỷ đồng, đạt 63,6% dự toán năm; thu từ dầu thô là 1.000 tỷ đồng, đạt 19,6% dự toán năm.

Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 13.518,4 tỷ đồng, đạt 38,8% dự toán năm. Trong đó: Chi đầu tư phát triển 5.907,9 tỷ đồng, đạt 38,6% dự toán năm; chi thường xuyên 7.015 tỷ đồng, đạt 47,5% dự toán năm.

7.2 Tín dụng, ngân hàng:

Dự kiến đến cuối tháng Sáu năm 2010, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 16,5% so với cuối năm 2009, trong đó tiền gửi tiết kiệm tăng 3,9% và 20,5%; phát hành giấy tờ có giá tăng 10,3% và 34,0%; tiền gửi thanh toán tăng 1,9% và 11,8%. Dư nợ cho vay tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 13,6% so với cuối năm 2009, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 1,9% và 10,9%, dư nợ trung và dài hạn tăng 3,2% và 17,2%.

 

CỤC TRƯỞNG

 

 

 

CÔNG XUÂN MÙI
 


Báo cáo tình hình kinh tế T6.pdf



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật