Tình hình kinh tế xã hội Hà Nội năm 2010 (15:51 02/03/2011)



1. Tổng sản phẩm nội địa

Tổng sản phẩm nội địa(GDP) tăng 11% so năm 2009, trong đó ngành công nghiệp mở rộng tăng 11,6% (đóng góp 5% vào mức tăng chung), các ngành dịch vụ tăng 11,1% (đóng góp 5,6% vào mức tăng chung), ngành nông, lâm, thủy sản tăng 7,2% (đóng góp 0,5% vào mức tăng chung).

2. Sản xuất công nghiệp


Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tháng 12 tăng 7,6% so tháng trước. Trong đó, kinh tế nhà nước tăng 12,6%, kinh tế ngoài nhà nước tăng 8,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 4,5%. Cả năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 14,4% so năm 2009. Trong đó, kinh tế nhà nước tăng 9,3%, kinh tế ngoài nhà nước tăng 14,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,8%.

3. Thương mại dịch vụ

Nội thương: tổng mức và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 12 tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước (tổng mức bán lẻ tăng tương ứng là 2,3% và 26,1%). Cả năm 2010, tổng mức và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 30,5% so với năm 2009 (tổng mức bán lẻ tăng 31,2%).

Ngoại thương: tháng 12 năm 2010, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng 4,4% so với tháng trước (xuất khẩu địa phương tăng 4,5%, kim ngạch nhập khẩu tăng 6,3% trong đó nhập khẩu địa phương tăng 7,6%). Cả năm 2010, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng 26,3% so với năm 2009 (xuất khẩu địa phương tăng 30,8%).

Kim ngạch nhập khẩu năm 2010 tăng 12% so với năm 2009 (nhập khẩu địa phương tăng 3,8%).

Du lịch: tháng 12 năm 2010, khách quốc tế đến Hà Nội khoảng 121,6 ngàn lượt khách , giảm 20,2% so tháng trước và tăng 41,3% so cùng kỳ năm trước; khách nội địa đến Hà Nội là 620,5 ngàn lượt khách, tăng 4% và tăng 11,6%. Cả năm 2010, khách quốc tế đến Hà Nội là 1.227,5 ngàn lượt khách, tăng 20,5% so cùng kỳ; khách nội địa là 7.392,4 ngàn lượt khách, tăng 10%.

Vận tải: khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 12 tăng 2,6%; khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng 1,9%; doanh thu vận chuyển hàng hóa tăng 3,7% ; khối lượng hành khách vận chuyển tăng 2,2%; khối lượng hành khách luân chuyển tăng 2,5%; doanh thu vận chuyển hành khách tăng 2,9%. Cả năm 2010, khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 30,3%; khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng 26%; doanh thu vận chuyển hàng hóa tăng 28,9%; khối lượng hành khách vận chuyển tăng 36%; khối lượng hành khách luân chuyển tăng 25,3% ; doanh thu vận chuyển hành khách tăng 21,2%.

4. Sản xuất nông nghiệp

Trồng trọt:  So với cùng kỳ, năm 2010, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn Thành phố là 317.576 ha, tăng 12,8%; vụ Đông Xuân trồng được 193.752 ha, tăng 24%; vụ Mùa toàn Thành phố trồng được 123.823 ha, giảm 1,2%. Theo kết quả sơ bộ, sản lượng lương thực cả năm toàn Thành phố thu được 1.239,6 ngàn tấn, tăng 0,84% so với năm 2009.

Chăn nuôi: Năm 2010, tình hình dịch bệnh nhìn chung ổn định, không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm. Theo kết quả điều tra chăn nuôi thời điểm 1/10/2010 so với cùng kỳ, đàn trâu toàn Thành phố hiện có 26.900 con, giảm 4,97% ; đàn bò 184.642 con, giảm 7,1%; tổng đàn lợn hiện có 1.625.165 con, giảm 3,38%; đàn gà, vịt, ngan, ngỗng hiện có 17.261 ngàn con, tăng 4,56%; sản lượng trứng gia cầm các loại đạt 583.520 ngàn quả, tăng 19,38%.

5. Một số vấn đề xã hội


Về dân số, lao động việc làm: dân số trung bình năm 2010 toàn Thành phố có 6.611,7 ngàn người tăng 2,1% so với năm 2009.

Tỷ lệ thất nghiệp hạ thấp đáng kể. Tại thời điểm 1/4/2009 tỷ lệ thất nghiệp là 3,2% (khu vực thành thị: 4,4%, khu vực nông thôn 2,5%). Tỷ lệ thất nghiệp được tổng hợp nhanh từ 2 kỳ điều tra lao động việc làm năm 2010 là 2,11% giảm so với 1/4/2009 hơn 1% (khu vực thành thị giảm 1,81% và khu vực nông thôn giảm 1,32%).

Giáo dục và đào tạo: Hà Nội hiện có 2.363 trường học (tăng 63 trường so với năm học trước, chủ yếu là các trường ngoài công lập). Trong đó, 546 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 23,1% và tăng 52 trường so với năm học trước.

Trật tự xã hội – an toàn giao thông: tháng 11, trên địa bàn toàn Thành phố đã phát hiện và xảy ra 479 vụ phạm pháp hình sự (tăng 1,7% so cùng kỳ năm trước). Tính chung 11 tháng, đã phát hiện và xảy ra 5.202 vụ phạm pháp hình sự (tăng 16,5% so cùng kỳ năm trước).

Trong tháng 11, toàn Thành phố xảy ra 108 vụ tai nạn giao thông (tăng 1,9% so cùng kỳ). Tính chung 11 tháng, xảy ra 793 vụ tai nạn giao thông (giảm 6%)./.

Kết quả triển khai “ Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2010”

Thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị, Thành phố Hà Nội đã tổ chức thành công “Tháng khuyến  mại Hà Nội năm 2010” (TKM) từ  ngày 1/11 đến 30/11/2010. Sự kiện này đã thu hút 259 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế cùng đông đảo người dân nhiệt tình tham gia.

Về kết quả, TKM đã góp phần thúc đẩy mua sắm, tiêu thụ hàng hóa của nhân dân Thủ đô, khách du lịch trong và ngoài nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 11/2010 đạt 19.811,7 tỷ đồng, tăng 16% so với mức tiêu dùng bình quân các tháng đầu năm 2010 trước khi diễn ra TKM (tương đương 2.734 tỷ đồng) và tăng 32,5% (tương đương 4.860 tỷ đồng) so với “Tháng khuyến mại 2009”. Do nhu cầu mua sắm tăng, các doanh  nghiệp có mức tăng doanh thu cao trong hai ngày Vàng (13 và 14/11/2010) . Điển hình là siêu thị Intimex doanh thu tăng gấp 3 lần, siêu thị Hapromart tăng doanh thu hơn 2 lần, siêu thị  máy tính Trần Anh tăng doanh thu gấp 2 lần …

Hội chợ Vàng khuyến mại tổ chức từ ngày 18/11 – 21/11/210 tại Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam (148 đường Giảng Võ, Ba Đình) đã nhận được sự tham gia của 100 doanh nghiệp đa số là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam với 130 gian hàng thuộc các lĩnh vực  như may mặc, thực phẩm, điện tử và kim khí điện máy, mỹ phẩm, da giày, đồ gỗ. Trong 4 ngày diễn ra Hội chợ, đã có hơn 15.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm, doanh số bán hàng trực tiếp của doanh nghiệp ngay tại hội chợ cũng tăng cao.

Để đảm bảo nâng cao hiệu quả của chương trình, trên cơ sở tuân thủ pháp luật, trước khi diễn ra TKM, Sở Công Thương đã phổ biến quán triệt các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về tháng khuyến mại và các cam kết của doanh nghiệp khi tham gia TKM; đồng thời xử lý và ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật trong TKM. Trong TKM, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 16 vụ, trong đó xử lý 12 vụ, số tiền phạt 102,4 triệu đồng.

Về mặt hạn chế, TKM Hà Nội 2010 đã tạo được dư luận tốt trong nhân dân Thủ đô. Tuy nhiên, hoạt động khuyến mại còn một số hạn chế. Đó là, hiệu quả kinh doanh tại các điểm phân phối hàng hóa, dịch vụ nhỏ còn chưa cao; một số doanh nghiệp do đặc thù của lĩnh vực dịch vụ và mặt hàng, hoặc do thời vụ tiêu dùng của nhóm hàng hóa – dịch vụ tập trung cao điểm vào tháng 10 (dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội) nên doanh thu của TKM thấp hoặc không tăng. Một số đơn vị phân phối bán lẻ chưa có sự kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp sản xuất nên người tiêu dùng chưa thực sự mua sắm được các sản phẩm khuyến mại với mức giá ưu đãi nhất. Các sản phẩm khuyến mại có mức giảm giá sâu mới chỉ tập trung vào một số mặt hàng có giá trị thấp, chưa tập trung nhiều vào các mặt hàng có giá trị lớn như hàng điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng. Công tác vận động các doanh nghiệp tham gia Hội chợ Vàng khuyến mại còn gặp nhiều khó khăn vì trong tháng 10 và tháng 11 có quá nhiều hội chợ diễn ra trên địa bàn. Đặc biệt, Hà Nội vừa tổ chức kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội nên các doanh nghiệp cũng đã thực hiện nhiều chương trình khuyến mại. Việc chấp hành chế độ báo cáo theo quy định của Ban chỉ đạo của một số doanh nghiệp tham gia chưa tốt, mặc dù đã được phổ biến từ trước khi diễn ra chương trình.

Về phương hướng triển khai tháng khuyến mại Hà Nội 2011. Phát huy những thành công và rút kinh nghiệm từ một số hạn chế của TKM Hà Nội 2010. Ban Chỉ đạo Tháng khuyến mại dự định triển khai Tháng khuyến mại 2011 theo hướng sau: thu hút nhiều hơn các nhà sản xuất tham gia TKM; thực hiện sâu rộng hơn công tác tuyên truyền, quảng bá về TKM; phối hợp chặt chẽ hơn giữa các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trong công tác tổ chức, vận động, kiểm tra, cũng như quảng bá sự kiện tháng khuyến mại. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nội dung các văn bản quy phạm pháp luật về khuyến mại tới các doanh nghiệp hoạt động nói chung và tham gia Tháng khuyến mại nói riêng ./.

Những kết quả chủ yếu trong cải cách hành chính của Thành phố giai đoạn 2001-2010


Thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010, 10 năm qua, công tác CCHC được Thành phố triển khai thực hiện toàn diện, có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, thể hiện trên các nội dung chủ yếu sau:

Về cải cách thể chế hành chính, sau khi mở rộng địa giới hành chính, UBND Thành phố đã chỉ đạo tiến hành rà soát 1.482 văn bản quy phạm pháp luật do Thành phố Hà Nội (cũ), tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh đang thực hiện ở địa phương; công bố 121 văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực thi hành , xây dựng và ban hành trên 300 văn bản quy phạm pháp luật mới với các cơ chế, chính sách áp dụng thống nhất trên địa bàn Thành phố.

Thời gian qua, Thành phố đã tiến hành rà soát thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Số thủ tục được sủa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ trên toàn Thành phố là 1.292/1.816 tổng số thủ tục được rà soát, đạt tỷ lệ đơn giản hóa là 71,2%, vượt hơn 2 lần so với chỉ tiêu đơn giản hóa 30% theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Tỷ lệ đơn giản hóa TTHC cấp sở, ban, ngành là 70,5%, cấp huyện là 80,7%, cấp xã là 59%.

Về cải cách bộ máy hành chính, từ năm 2001 đến trước ngày 1/8/2008, Thành phố đã tiến hành 3 lần rà soát chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp lại tổ chức bộ  máy các cơ quan chuyên môn, đã giảm được 6 đầu mối cơ quan chuyên môn thuộc Thành phố; từ 14 phòng cấp huyện sắp xếp lại thành 12 phòng. Từ ngày 1/8/2008, thực hiện Nghị quyết 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội; hợp nhất các sở và cơ quan tương đương của tỉnh Hà Tây và Thành phố Hà Nội, đồng thời thành lập thêm Ban Dân tộc. Đến nay, Thành phố Hà Nội có 20 sở và tương đương.

Thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước với mục tiêu tách chức năng quản lý nhà nước khỏi chức năng, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Từ năm 2001 đến 31/7/2008 đã sắp xếp được 233/246 doanh nghiệp. Đến hết năm 2010, UBND Thành phố sẽ tiếp tục tổ chức sắp xếp lại 44 doanh nghiệp.

Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức,
từ năm 2001 đến tháng 8/2008, Thành phố Hà Nội (gồm Hà Nội cũ và tỉnh Hà Tây) đã tuyển dụng 1.870 công chức và công chức dự bị. Từ tháng 8/2008 đến tháng 5/2010 đã tổ chức 2 đợt tuyển dụng công chức, trong đó 3.024 người dự thi đã tuyển được 851 công chức.

Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức được quan tâm đổi mới cải tiến. Tính đến năm 2010, đã đào tạo sau đại học 925 người, hỗ trợ trên 7,6 tỷ đồng từ nguồn kinh phí quỹ thu hút nhân tài đối với 296 người, đã mở 9.446 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức với 583.670 lượt người tham dự.

Về cải cách hành chính công, thực hiện Nghị định số 130/2005/NĐ-CP của Chính phủ, Thành phố Hà Nội (cũ) và tỉnh Hà Tây đã chỉ đạo thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí đối với cơ quan hành chính trên địa bàn. Đến nay, có 51 cơ quan thực hiện khoán chi thống nhất. Tổng kinh phí khoán tiết kiệm được năm 2009 là 34.939 triệu đồng, đạt 7,24%. 1.905 đơn vị sự nghiệp được giao quyền tự chủ trên địa bàn Thành phố đã phát huy được quyền tự chủ, tổng thu nhập tăng thêm của các đơn vị sự nghiệp toàn Thành phố là 155.162 triệu đồng, đạt tỷ lệ 10,95% so với tổng quỹ tiền lương.

Về hiện đại hóa nền hành chính nhà nước, Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng quy chế hoạt động, nội quy, quy chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị; thực hiện nếp sống văn hóa công sở, quy chế hội họp… Đồng thời, xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước từ năm 2001.

Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ CCHC đạt nhiều kết quả đáng khích lệ: tính đến tháng 5/2010, tỷ lệ bình quân máy tính/ cán bộ công chức Thành phố là 71,7% trong đó khối Sở ngành: 81,7%, khối UBND cấp huyện: 67,63%. Hầu hết các đơn vị được kết nối mạng nội bộ và internet. Phần mềm hỗ trợ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính đã được triển khai đồng bộ tại các quận, huyện, thị xã./.

ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT, BẢO ĐẢM CÂN ĐỐI CUNG CẦU HÀNG HÓA, DỊCH VỤ, BÌNH ỔN GIÁ CẢ

Nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả, thị trường trong dịp tết Nguyên đán Tân Mão; tạo cơ sở cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, ngày 30/11/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 2164/CT-TTg yêu cầu thủ trưởng các bộ, ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung vào một số công việc trọng tâm sau:

- Tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính, vốn, mạng lưới kinh doanh để các doanh nghiệp chủ động đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm cung ứng đủ và ổn định giá cả đối với những mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra mất cân đối cung cầu giữa các vùng miền, địa phương trong cả nước vào trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Mão.

- Quản lý hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước một cách chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm; rà soát, ngừng các khoản chi chưa thực sự cấp bách, nội dung không thiết thực nhằm tiếp tục giảm bội chi ngân sách nhà nước; hướng dẫn sử dụng  ngân sách địa phương thực hiện các biện pháp bình ổn, giá cả, thị trường; giữ ổn định giá bán điện, giá bán than cho các hộ sản xuất điện, xi măng, phân bón, giấy; áp dụng các biện pháp tài chính, tiền tệ, thuế để giữ bình ổn giá xăng dầu; giảm thời gian điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá;…

- Điều hành tốt lượng tiền trong lưu thông nhằm đáp ứng yêu cầu ổn định vĩ mô và phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng thời bảo đảm khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, đi đôi với kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, dư nợ tín dụng; kịp thời áp dụng các giải pháp mạnh, hiệu quả để bảo đảm kiểm soát, ổn định tỷ giá ngoại tệ, giá vàng và lãi suất; phối hợp với UBND cấp tỉnh kiểm tra, xử lý các trường hợp đầu cơ, găm giữ kinh doanh trái pháp luật vàng, ngoại tệ làm lũng đoạn thị trường.

- Rà soát cân đối cung cầu từng loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và thuộc diện bình ổn giá; kịp thời có ngay các giải pháp cân đối và điều hòa cung cầu; chỉ đạo và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tham gia bình ổn giá mở rộng mạng lưới, tăng điểm bán hàng, tích cực đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tổ chức thực hiện các chương trình khuyến mại, giảm giá; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, bảo đảm mức nhập siêu thấp hơn mục tiêu đề ra.

- Tăng cường công tác kiểm tra chống các hành vi đầu cơ, găm hàng, đưa tin thất thiệt về cung cầu, giá cả hàng hóa, dịch vụ; xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật, kể cả thu hồi giấy phép kinh doanh hoặc đề nghị cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự; kiểm tra việc chấp hành pháp luật nhà nước về giá, thực hiện nghiêm các quy định về điều chỉnh giá, đăng ký, kê khai, niêm yết giá, trợ cước, trợ giá, công khai thông tin về giá.

- Tiếp tục thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là chi thường xuyên về xăng, dầu, điện, mua sắm tài sản; tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh và xây dựng cơ bản. Nghiêm cấm sử dụng công quỹ, tài sản công sai mục đích; chi lương, thưởng không đúng quy định. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đảng, tổ chức quần chúng phát động phong trào thực hiện tiết kiệm tiêu dùng ở trong cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước và trong toàn xã hội.

- Các cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ; phản ánh sát thực về cung cầu, giá cả để các doanh nghiệp, nhân dân hiểu rõ, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp sức cùng Chính phủ thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá cả thị trường, tránh tâm lý bất an trong nhân dân ./.

  Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nước năm 2011

Mục tiêu tổng quát: Tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2010, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị; tiếp tục củng cố quốc phòng; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế:

- Tổng sản phẩm trong nước(GDP) tăng 7-7,5% so với năm 2010;

- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10% so với năm 2010. Nhập siêu không vượt quá 18% kim ngạch xuất khẩu.

- Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 40% GDP.

- Chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%.

Các chỉ tiêu chủ yếu về xã hội:

- Tuyển mới đại học, cao đẳng tăng 6,5%; trung cấp chuyên nghiệp tăng 10%; cao đẳng nghề và trung cấp nghề tăng 16,5%.

- Mức giảm tỷ lệ sinh là 2%.

- Tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động, trong đó đưa 8,7 vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài.

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% theo chuẩn nghèo mới; riêng 62 huyện nghèo giảm 4%.

- 4% số xã đạt các tiêu chí nông thôn mới.

- Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống 17,3%.

- Số giường bệnh trên 1 vạn dân: 21 giường (không bao gồm giường bệnh của trạm y tế cấp xã).

- Diện tích sàn nhà ở đô thị bình quân đầu người 19m2.

Các chỉ tiêu chủ yếu về môi trường:

- Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh: 86%.

- Tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch: 78%.

- Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý: 69%.

- Tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý: 82%.

- Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường: 55%.

- Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom: 83%.

- Tỷ lệ che phủ rừng: 40%.
 



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật