Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 3 năm 2011 (10:04 15/03/2011)



PHẦN THỨ NHẤT

Một số nét chủ yếu về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tháng 2/2011

 

I. Một số nét chủ yếu tình hình phát triển KT – XH tháng 2/2011.

1. Sản xuất công nghiệp.

Sản xuất công nghiệp tháng Hai giảm so tháng trước, chủ yếu do tháng Hai là tháng Tết Nguyên Đán nên thời gian nghỉ sản xuất nhiều. Riêng một số doanh nghiệp sản xuất các hàng tiêu dùng dịp tết như chế biến lương thực, thực phẩm trong những tháng cuối năm 2010 và tháng Một năm 2011 tập trung sản xuất hàng hóa để phục vụ tết Nguyên Đán. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng Hai bằng 77,1% so tháng trước và tăng 12,3% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Kinh tế nhà nước bằng 81,6% và tăng 7,7% (kinh tế nhà nước Trung ương bằng 85,3% và tăng 7,5%, kinh tế nhà nước địa phương bằng 70,1% và tăng 7,4%); Kinh tế ngoài nhà nước bằng 77,7% và tăng 11,1%; Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài bằng 74,5% và tăng 15,8%.

Dự kiến 2 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 12,1% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Kinh tế nhà nước tăng 7,2% (kinh tế nhà nước Trung ương tăng 7,1%, kinh tế nhà nước địa phương tăng 7,4%); Kinh tế ngoài nhà nước tăng 11,6%; Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 14,9%.

2. Xây dựng cơ bản.

Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng Hai đạt 496,3 tỷ đồng, tăng 9,1% cùng kỳ năm trước. Tốc độ thực hiện của tháng Hai giảm so với tháng 01/2011 là do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Có một số các công trình, dự án của ngành giao thông được triển khai ngay trong những ngày đầu xuân, còn hầu hết các công trình, dự án được tiếp tục triển khai sau rằm tháng giêng (âm lịch). Kế hoạch vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách do địa phương quản lý năm 2011 dự tính đạt 20.058,5 tỷ đồng, tăng 26,63% so với năm 2010.

3. Thương mại dịch vụ.

Tết Nguyên đán năm nay vào đầu tháng Hai, nên khách hàng đổ dồn mua sắm vào những ngày trước Tết, những ngày sau Tết, sức mua giảm dần, nên Tổng mức tháng Hai giảm so tháng trước. Tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng Hai dự kiến đạt 78.030 tỷ đồng, bằng 96,4% so tháng trước và tăng 15,5% so cùng kỳ, trong đó, tổng mức bán lẻ đạt 19.206,3 tỷ đồng, bằng 95,6% so tháng trước và tăng 18,8% so cùng kỳ. Dự kiến 2 tháng, tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 158.937,8 tỷ đồng, tăng 23,5% so cùng kỳ, trong đó, tổng mức bán lẻ đạt 39.287,7 tỷ đồng, tăng 26%.

Thị trường giá cả.


Chỉ số giá tiêu dùng tháng Hai tăng 1,98% so tháng trước và tăng 11,72% so với cùng kỳ năm trước; so với tháng Mười hai năm trước, có Hai nhóm hàng tăng cao hơn bình quân chung là hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 4,17%); đồ uống và thuốc lá (tăng 2,25%), còn lại các nhóm hàng đều tăng dưới 1%. Do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh trong dịp tết Nguyên đán, nên giá cả các mặt hàng như thịt gà, thịt bò, cá, rượu bia, nấm hương, rau các loại … tăng cao hơn so ngày thường; riêng thịt bò tăng 20% so với tết năm ngoái. Sau tết giá lương thực, thực phẩm có giảm nhưng mức giảm không mạnh. Dịch vụ ăn uống sau tết khá đắt so ngày thường.

Vận tải.

Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng Hai bằng 99,9% so tháng trước và tăng 18% so cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển bằng 99,8% và tăng 23,4%, doanh thu bằng 99,4% và tăng 21,2%. Ước tính 2 tháng, khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 18,1% so cùng kỳ, khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng 23,5%, doanh thu tăng 21,6%.

Vận tải hành khách liên tỉnh đã đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của khách tại các bến xe khách liên tỉnh, nhu cầu đi lại bằng xe taxi tăng cao trong những ngày tết; Hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được duy trì liên tục trong suốt dịp Tết, trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán, các đơn vị thuộc Transerco đã sử dụng 913 xe, hoạt động trên 50 tuyến, vận chuyển gần 1,8 triệu lượt hành khách mua vé lượt (không tính khách mua vé tháng).

Ước tính khối lượng hành khách vận chuyển tháng Hai tăng 0,6% so tháng trước và tăng 15% so cùng kỳ, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 0,8% và 16,7%, doanh thu tăng 2,2% và 23,6%. 2 tháng, khối lượng hành khách vận chuyển tăng 14,7% so cùng kỳ, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 16,2%, doanh thu tăng 22,3%.

4. Sản xuất nông nghiệp.


Trồng trọt.

Đến nay, toàn thành phố đã cơ bản thu hoạch xong các cây trồng vụ đông và đang tiến hành lấy nước đổ ải gieo cấy vụ xuân. Thành phố đã chỉ đạo các huyện, quận, thị xã và các Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi tập trung các nguồn lực, huy động 190 trạm bơm, với 479 máy, tổng lưu lượng 650.250m3/giờ, bơm nước đổ ải, tưới mạ, đồng thời thực hiện các biện pháp không để thất thoát nước, giữ cho giai đoạn tưới dưỡng lúa sau cấy.

Đến 15/2/2011, diện tích có nước đã đạt 84.596 ha, bằng 84,6% kế hoạch. Có 7/22 quận huyện cơ bản đã lấy đủ nước là: Gia Lâm, Hoài Đức, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thường Tín, Thanh Oai, Chương Mỹ.

Diện tích lúa đã cấy được 12.700 ha, đạt 12,65% kế hoạch, trong đó gieo sạ được 2.768 ha. Do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, mạ sinh trưởng chậm, thêm vào đó một số diện tích mạ bị chết rét phải gieo bổ sung, cho nên sau Tết Nguyên đán, các địa phương mới tập trung cấy, vì thế diện tích cấy đạt thấp hơn cùng kỳ. Có 2 huyện, thị xã cấy sớm là: Thị xã Sơn Tây đã cấy được 980 ha, đạt 63,23% diện tích, Ba Vì cấy được 2.950 ha, đạt 45,38%. Các huyện còn lại diện tích gieo cấy mới đạt trên dưới 10%. Song song với việc cấy xuân, các địa phương cũng đang triển khai trồng màu cho kịp thời vụ. Đến nay, diện tích hoa màu trồng được 14.918 ha, đạt 54,10% kế hoạch. Trong đó: Lạc trồng được 4.174 ha, ngô 5.660 ha, rau các loại 3.931 ha, đậu tương 649 ha… Một số huyện trồng được khá như: Ba Vì 2.150 ha, Sóc Sơn 2.180 ha, Phúc Thọ 1.258 ha, Gia Lâm 1.367 ha, Chương Mỹ 1.120 ha,…

Chăn nuôi.

Từ đầu tháng 1/2011 đến trước Tết Nguyên Đán thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài gây thiệt hại cho gia súc, gia cầm. Tổng số Trâu bò, bê nghé chết rét là 132 con, trong đó trâu bò 40 con, bê nghé 92 con; tổng số lợn chết rét là 459 con; tổng số gia cầm chết rét là 4.125 con. Trong đó tập trung tại các xã vùng đồi núi do chăm sóc nuôi dưỡng kém và chuồng trại không đảm bảo , nhất là các xã có tập quán thả rông trâu bò trên núi như xã Yên Bình, Tiến Xuân, Yên Trung thuộc huyện Thạch Thất, xã Đông Xuân thuộc huyện Quốc Oai, xã Bắc Sơn thuộc huyện Sóc Sơn.

Tình hình dịch bệnh: Do thời tết rét đậm, rét hại kéo dài kết hợp chăm sóc nuôi dưỡng kém đã phát sinh nhiều bệnh trên gia súc, gia cầm nhất là gia súc non như bệnh tiêu chảy, hô hấp, ỉa phân trắng ở lợn con, tụ huyết trùng, phó thương hàn và E.coli… Bệnh đã được phát hiện tại 6 huyện, tổng số 671 con gia súc mắc bệnh, chủ yếu là trâu bò và lợn, số tiêu hủy 218 con. Để đảm bảo an toàn VSTP, ngành Nông nghiệp & PTNT phối hợp với các địa phương đã và đanng triển khai công tác vệ sinh tiêu độc môi trường, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; kiểm dịch động vật được duy trì tại 11 chốt đầu mối. Công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm theo kế hoạch vẫn được tiến hành.

Lâm nghiệp, Thủy sản.

Từ đầu năm đến nay, không có vụ cháy rừng hay phá rừng trái phép nào xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội. Các đơn vị tổ chức trực phòng chống, chữa cháy rừng 24/24 trong đợt cao điểm mùa khô hanh. Các cơ sở ươm giống lâm nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ cây giống. Ngày 9/2 các quận, huyện, thị xã đã tổ chức phát động tết trồng cây tại địa phương. Diện tích rừng đã giao khoán được các hộ, các cơ sở tiếp tục khanh nuôi tái sinh và bảo vệ. Công tác chăm sóc rừng năm thứ 2,3,4 được tăng cường và đầu tư hợp lý.

Thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài tháng 2 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình nuôi trồng thủy sản, một số diện tích nuôi thả các loài cá như Rô phi, cá Chim trắng yếu chịu rét đã bị chết rét. Các đơn vị đang tiếp tục thu hoạch cá thịt, chuẩn bị nguồn thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng, nuôi vỗ béo ần cá bố mẹ giai đoạn 2, đồng thời tranh thủ nguồn nước xả tại các hồ thủy điện qua 2 đợt xả để tích nước, cải tạo và vệ sinh ao, hồ chuẩn bị cho nuôi thả mới.

5. Các vấn đề xã hội.

Trật tự xã hội:. Công an thành phố Hà Nội đã thực hiện đợt cao điểm tấn công các loại tội phạm, bảo vệ tuyệt đối an toàn Tết Nguyên đán Tân Mão. Tháng Một, đã phát hiện xảy ra 440 vụ phạm pháp hình sự, bằng 103,3% so cùng kỳ; số vụ được Công an khám phá là 339 vụ, bằng 105%; số đối tượng bị bắt giữ theo luật là 576 đối tượng, bằng 115,7%. Cũng trong tháng Một, đã xảy ra 285 vụ phạm pháp kinh tế, bằng 100,7% so cùng kỳ; số đối tượng phạm pháp là 299 người, bằng 90,3%. Thu nộp ngân sách gần 13 tỉ đồng. Đã phát hiện 217 vụ cờ bạc, bằng 226% so cùng kỳ; số đối tượng bị bắt giữ 1171 đối tượng, bằng 218,1%. Các cơ quan pháp luật đã thụ lý hồ sơ và đưa ra xét xử, truy tố 111 vụ, bằng 444,4%, số đối tượng bị truy tố là 701 đối tượng, bằng 655,1%. Tổng số vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy bị phát hiện là 386 vụ, bằng 108,1% so cùng kỳ; với số đối tượng bị bắt giữ 443 người, bằng 98%.

Trật tự an toàn giao thông và công tác phòng cháy chữa cháy. Trong tháng Một, toàn Thành phố đã xảy ra 63 vụ tai nạn giao thông, bằng 85,1% so cùng kỳ; với 62 người bị chết, bằng 101,6%; 13 người bị thương, bằng 40,6%. Cũng trong tháng Một, toàn Thành phố xảy ra 38 vụ cháy, nổ, bằng 118,8% so cùng kỳ, làm 2 người chết với tổng thiệt hại trên 9 tỷ đồng.

6. Tín dụng ngân hàng.

Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn dự kiến tháng Hai là 812.296 tỷ đồng, tăng 1,02% so tháng trước và tăng 2,15% so tháng Mười hai năm 2010, trong đó tiền gửi tiết kiệm tăng 1,3% và 2,62%, phát hành giấy tờ có giá tăng 0,8% và 1,4%, tiền gửi thanh toán tăng 0,9% và 2,1%. Tổng dư nợ cho vay dự kiến tháng Hai đạt 520.853 tỷ đồng, tăng 0,78% so tháng trước và tăng 2,14% so tháng Mười hai năm 2010, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 0,9% và 2,41%, dư nợ trung và dài hạn tăng 0,6% và 1,71%.

II. Công tác cải cách hành chính


Thành phố đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2011, yêu cầu các cấp ủy đảng, các sở, ban ngành, MTTQ, Đoàn thể Thành phố tập trung chỉ đạo, quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện việc: “Tiếp tục thực hiện tốt “cơ chế một cửa”, “một cửa liên thông” để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô; đẩy mạnh cải cách hành chính với những bước đi cụ thể, thiết thực, quyết liệt và hiệu quả hơn, đúng với vị trí, vai trò là khâu đột phá tăng cường tính công khai, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa có thể cho doanh nghiệp và nhân dân; tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Tiếp tục chỉ đạo tổ chức rà soat TTHC; xây dựng và hoàn thiện lại Bộ danh mục TTHC thuộc thầm quyền giải quyết của cấp huyện, cấp xã và các sở, ban, ngành thuộc Thành phố; Ban hành Kế hoạch số 22/KH-UBND về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội năm 2011; Kế hoạch số 20/KH-UBND về kiểm tra công tác giải quyết TTHC năm 2011; Quyết định số 544/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2011.

III. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo


Công tác tiếp công dân và xử lý đơn. Trong tháng, các cơ quan hành chính của Thành phố đã tiếp 1.835 lượt công dân đến kiến nghị, phản ánh các khiếu nại, tố cáo. Trong đó có 25 đoàn đông người, điển hình như: đoàn các công dân phường Dương Nội, quận Hà Đông và đoàn các công dân xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm khiếu nại liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ GPMB…

Ngày 27/1/2011, UBND Thành phố có văn bản số 774/UBND-TNMT chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện tập trung rà soát các vụ khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là các vụ đông người, hạn chế tối đa việc công dân khiếu kiện vượt cấp lên Trung Ương và Thành phố. Đồng thời chỉ đạo Công an Thành phố chỉ đạo các đơn vị triển khai các phương án xử lý, giải quyết, giải tỏa nhanh tình trạng công dân khiếu kiện đông người, gây mất trật tự công cộng tại trụ sở các cơ quan Đảng, Nhà nước và nhà riêng của các đồng chí lãnh đạo Trung ương, Thành phố. Hiện nay, Thanh tra Thành phố và các quận, huyện, thị xã đang triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố.

Thành phố đã tiếp nhận và xử lý 1.211 đơn các loại. Gồm: 112 đơn tố cáo; 436 đơn khiếu nại và 663 đơn kiến nghị, phản ánh, dân nguyện. Trong đó, có nhiều đơn trùng, đơn khuyết danh, mạo danh hoặc hết thời hiệu khiếu nại… Nhìn chung, số đơn nói trên đã được phân loại, xử lý theo quy định pháp luật.

Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo. Kết quả giải quyết khiếu nại: Tổng số vụ: 319 vụ. Đã xem xét, giải quyết: 218 vụ; đạt tỷ lệ 68%. Các vụ còn lại đang trong thời hạn xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật. Kết quả giải quyết: khiếu nại đúng 12 vụ; khiếu nại sai 184 vụ; khiếu nại có đúng có sai 20 vụ; rút đơn khiếu nại 02 vụ.

Kết quả giải quyết tố cáo. Tổng số vụ: 73 vụ. Đã xem xét giải quyết 48 vụ; đạt tỷ lệ 65%. Các vụ còn lại đang trong thời hạn xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật. Kết quả giải quyết: Tố cáo đúng 03 vụ; tố cáo sai 41 vụ; tố cáo có đúng có sai 04 vụ.

PHẦN THỨ HAI

Một số nhiệm vụ trọng tâm tháng 3/2011

I. Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ đã được xác định từ đầu năm, chỉ đạo rà soát hoàn thiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XV; hoàn thiện quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và quy hoạch thể thao và du lịch đến năm 2030; Hoàn thiện quy hoạch phát triển sự nghiệp y tế đến năm 2020, tầm nhìn 2030; xây dựng và triển khai có hiệu quả chương trình của Thành ủy khóa XV, kế hoạch của UBND Thành phố về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh.

Trong tháng 3/2011, Thành phố tiếp tục chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện vật chất, kỹ thuật và đảm bảo an ninh, trật tự phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.

Tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2011, trọng tâm là những nội dung sau:

- Thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kiềm chế lạm phát, các chính sách tài chính tiền tệ;

- Rà soát, đánh giá lại các dự án đầu tư; chấm dứt, tạm dừng hoặc điều chỉnh những dự án không còn phù hợp, không hiệu quả; cắt giảm, dãn tiến độ các dự án đầu tư chưa bố trí đủ vốn để hoàn thành trong năm, dừng triển khai các dự án chuẩn bị đầu tư kéo dài hoặc có nhu cầu vốn lớn mà chưa đủ khả năng cân đối, giãn tiến độ các dự án còn vướng mắc trong GPMB; kiểm soát năng lực tài chính của các nhà đầu tư, chỉ đạo các Chi nhánh ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng cho vay đúng nguồn và những nhà đầu tư có năng lực tài chính…

- Đảm bảo cung cầu hàng hóa, không để thiếu các mặt hàng thiết yếu kết hợp tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm soát giá cả; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lưu thông hàng hóa, thường xuyên làm việc với các hiệp hội ngành hàng, các siêu thị lớn để dự báo cung – cầu hàng hóa, kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.

- Tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác quản lý giá, nhất là giá hàng hóa dịch vụ thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng, như: xăng dầu, sắt thép, xi măng, thuốc chữa bệnh, lương thực thực phẩm. Thành lập các lực lượng kiểm tra liên ngành, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm; tập trung kiểm tra các cơ sở đầu mối sản xuất, kinh doanh (các siêu thị, trung tâm thương mại và các cơ sở kinh doanh có quy mô lớn…), các cơ sở kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân, các cơ sở kinh doanh vàng và thu đổi ngoại tệ. Chỉ đạo xử lý nghiêm các vi phạm về niêm yết giá, thanh toán bằng ngoại tệ, phát hiện kịp thời những bất hợp lý của giá cả thị trường, các hành vi đầu cơ tăng giá, ép giá, các vi phạm về giá, chất lượng hàng hóa, các hành vi đầu cơ gây lũng đoạn thị trường.

- Đẩy mạnh tiến độ đầu tư và sản xuất kinh doanh . Tập trung vào các ngành hàng xuất khẩu để thay thế nhập khẩu. Đôn đốc kiểm tra việc cung cấp điện cho sản xuất - kinh doanh. Thực hiện các giải pháp chống hạn, cung cấp nước tưới và chuẩn bị giống, cây trồng cho vụ Xuân đạt kết quả tốt.

- Đẩy mạnh xuất khẩu và chuyển dịch cơ cấu hàng hóa theo hướng tập trung xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng cao, như hàng điện tử, máy in phun, thủ công mỹ nghệ. Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, tháo gỡ các khó khăn, đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu: đảm bảo hoàn thuế kịp thời đối với hàng xuất khẩu, giải quyết thủ tục hải quan nhanh đối với hàng xuất khẩu, mở rộng kê khai hải quan điện tử … Chi nhánh Ngân hàng nhà nước Thành phố chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn bảo đảm đủ vốn cho các doanh nghiệp vay làm hàng xuất khẩu.

- Tăng cường các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội: hỗ trợ các gia đình chính sách, các hộ nghèo, cận nghèo; giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc, việc làm, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp; nâng cao hệ thống đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn… Tuyên truyền, vận động thực hiện tốt Công điện số 162/CĐ-TTg ngày 9/2/2011 của Thủ tướng Chỉnh phủ thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội.

- Thực hành tiết kiệm giảm chi tiêu hành chính trong tất cả các đơn vị thụ hưởng ngân sách của Thành phố… Tập trung chỉ đạo tất cả các ngành, các cấp thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, hạn chế tối đa các khoản chi hội nghị, hội thảo, lễ hội tổng kết, sơ kết, đón nhận huân chương, danh hiệu thi đua, kỷ niệm ngày thành lập… và các đoàn công tác trong nước, ngoài nước. Thực hiện tiết kiệm trong việc sử dụng điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng, dầu. Ngừng các khoản chi cho các nhiệm vụ khác chưa cấp bách, nội dung không thiết thực.

- Tạo đồng thuận của toàn xã hội trong thực hiện các giải pháp của Chính phủ trong kiềm chế lạm phát. Các cơ quan phương tiện thông tin tuyên truyền chính xác, kịp thời, đầy đủ những chính sách, giải pháp của Chính phủ và Thành phố trong việc kiềm chế lạm phát. Kiểm tra xử lý nghiêm các thông tin, tin đồn thất thiệt trên thị trường, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, đến tâm lý nhà đầu tư. Tuyên truyền, phổ biến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tất cả các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và mọi người dân.

II. Công tác cải cách hành chính


Triển khai Kế hoạch về công tác cải cách hành chính năm 2011. Kiện toàn tổ chức và nhân sự đơn vị kiểm soát TTHC trực thuộc Văn phòng UBND Thành phố; triển khai tập huấn đánh giá tác động của các quy định về TTHC và tính toán chi phí tuân thủ TTHC kết hợp với triển khai nội dung chi tiết của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP cho cán bộ, công chức cơ quan hành chính các cấp theo hướng dẫn của Văn phòng chính phủ.

Chỉ đạo đẩy mạnh công tác CCHC để thực hiện khâu đột phá: “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo tính công khai minh bạch, thuận lợi cho người dân; tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp “ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XV của Thành phố Hà Nội.

Tiếp tục triển khai kế hoạch tuyển dụng công chức hành chính năm 2010. Kiểm tra giải quyết thủ tục hành chính năm 2011 theo kế hoạch.

III. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo


Tăng cường công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tập trung xem xét kết luận, giải quyết các vụ khiếu nại tố cáo. Tiếp tục triển khai Đề án “Đổi mới công tác tiếp công dân”; kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân; gắn công tác tiếp công dân, xử lý đơn với giải quyết khiếu nại, tố cáo và cải cách hành chính. Chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, quyết định xử lý tố cáo. Kết thúc các cuộc thanh tra theo chương trình, kế hoạch và triển khai các cuộc thanh tra kinh tế xã hội theo Chương trình công tác thanh tra năm 2011. Chỉ đạo chuẩn bị báo cáo kết quả công tác thanh tra quý 1/2011.

Trên đây là tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 3 năm 2011. UBND Thành phố Hà Nội trân trọng báo cáo.
 


1_1_19345.pdf


TỔNG CỤC THỐNG KÊ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật