Câu hỏi: Đề nghị các cấp xem xét thay đổi, cải cách giáo dục nhằm giảm tải chương trình học tập, hiện nay học sinh phải học nhiều thời gian, chương trình học nhiều nội dung (16:43 21/06/2018)


Đề nghị các cấp xem xét thay đổi, cải cách giáo dục nhằm giảm tải chương trình học tập, hiện nay học sinh phải học nhiều thời gian, chương trình học nhiều nội dung (cử tri huyện Hoài Đức)


Trả lời:
1. Đối với cấp Tiểu học, việc thực hiện khung thời gian, chương trình học tập được thực hiện như sau:
- Về việc thực hiện kế hoạch thời gian năm học, căn cứ theo Quyết định số 2071/QĐ-BGDĐT ngày 16/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành khung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; Quyết định số 4766/QĐ-UBND ngày 20/7/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc ban hành kế hoạch thời gian năm học 2017-2018 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố Hà Nội.
+ Đối với trường, lớp dạy học 1 buổi/ngày: thời lượng tối đa 5 tiết/buổi, tối thiểu 5 buổi/tuần. Nội dung hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa (4 tiết/tháng) thực hiện tích hợp các nội dung giáo dục Âm nhạc, Mỹ thuật, Thủ công/Kỹ thuật, …. phù hợp điều kiện thực tế địa phương và nhà trường (truyền thống văn hoá, nghề nghiệp địa phương; năng lực giáo viên và thiết bị dạy học của nhà trường).
+ Đối với trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày: việc tổ chức học 2 buổi/ngày thực hiện theo công văn số 8750/SGDĐT-TH, ngày 3/9/2009 của Sở GDĐT Hà Nội. Sở chỉ đạo các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu sau:
Thời lượng: Không quá 7 tiết/ngày (một tuần không quá 35 tiết). Số tiết học chính khóa theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006. Các tiết học chính khóa phải xếp buổi học thứ nhất (buổi sáng) của các ngày học trong tuần.
Đảm bảo thời lượng tối thiểu có 1 tiết/ngày học sinh tự học có hướng dẫn; các tiết tự học có hướng dẫn cùng các tiết học liên kết và tăng cường bổ trợ được xếp vào các giờ học buổi chiều của các ngày học trong tuần. Nghiêm cấm việc giao bài tập về nhà cho học sinh. Tổ chức cho học sinh tham gia các môn học hoặc hoạt động giáo dục tự chọn, các hoạt động xã hội, câu lạc bộ và hoạt động ngoại khoá.
Dạy học 2 buổi/ngày ở trường tiểu học là tổ chức cho học sinh học tập và vui chơi trong ngày ở trường. Buổi thứ nhất thực hiện chương trình chính khóa, buổi thứ hai là thời gian dành để bổ sung chương trình và tổ chức ôn luyện kiến thức đã học, tăng cường nội dung các môn nghệ thuật, thể dục nhằm phát triển năng khiếu cho học sinh, tổ chức dạy học các môn tự chọn và các hoạt động tập thể. Dạy 2 buổi/ngày giúp giáo viên có thời gian và điều kiện gần gũi, gắn bó với học sinh hơn, thông qua đó để phát hiện năng khiếu cũng như giúp học sinh bổ sung những kiến thức cơ bản cần thiết; giảm áp lực học tập cho học sinh, các em có điều kiện hoàn thành bài ngay tại lớp mà không phải mang bài về nhà; học sinh học đủ môn và có chất lượng đối với các môn học bắt buộc, đồng thời được tiếp xúc với các môn tự chọn (ngoại ngữ, tin học), các môn học được phân bổ hợp lý trong ngày, trong tuần.


Như vậy việc học 2 buổi/ngày, tăng thời gian học tập tại trường thực chất là giảm áp lực học tập cho học sinh.


- Về việc thực hiện chương trình giáo dục: Sở GDĐT Hà Nội đã chỉ đạo 100% các nhà trường trên địa bàn thành phố thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 về việc Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông; Công văn số 9832/BGDĐT-GDTH, ngày 01/9/2006 về việc hướng dẫn thực hiện chương trình các môn học.


Sở GDĐT Hà Nội cũng chỉ đạo sát sao các nhà trường tiểu học thực hiện nghiêm túc Công văn số 5842/BGDĐT-VP, ngày 01/9/2011 về việc hướng dẫn chung về điều chỉnh nội dung dạy học các môn học cấp tiểu học.


- Việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học là một hành động thiết thực trong việc giảm áp lực học tập cho học sinh: Sở GDĐT Hà Nội chỉ đạo các đơn vị giáo dục thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Quy định đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT, ngày 22/9/2016 sửa đổi bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT, ngày 28/8/2014 của Bộ trưởng Bộ GDĐT.
Như phân tích ở trên, chương trình, khung thời gian, mô hình học đối với cấp Tiểu học thực hiện theo đúng sự chỉ đạo của Bộ GDĐT. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Đánh giá học sinh Tiểu học theo Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT, ngày 22/9/2016 sửa đổi bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT là chủ trương thiết thực trong việc giảm áp lực cho học sinh tiểu học. Việc này được cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh và xã hội ủng hộ quan tâm.


- Không tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm đối với cấp tiểu học.


2. Đối với cấp THCS:
- Về khung thời gian và quy định số tiết/tuần: Theo Quyết định số 2071/QĐ –BGD ĐT của Bộ GDĐT ngày 16/6/2018, Quyết định số 4766/QĐ-UBND ngày 20/7/2017 của UBND Thành phố về việc ban hành kế hoạch thời gian năm học 2017-2018 của GDPT áp dụng từ năm học 2017 - 2018: đối với cấp THCS, có ít nhất 37 tuần thực học (học kỳ I có ít nhất 19 tuần, học kỳ II có ít nhất 18 tuần).
Số tiết quy định: Khối 6: có 12 môn, tổng 23 tiết/tuần; khối 7: 12 môn, tổng 24 tiết/tuần (học kì 2: 25 tiết/tuần); khối 8: có 13 môn, tổng 25 tiết/tuần (học kì 2;: 26 tiết/tuần); khối 9: có 13 môn, tổng 27 tiết/tuần (học kì 2: 28 tiết/tuần).


- Về thực hiện giảm tải chương trình: Ngoài thực việc thực hiện theo công văn số 5842/BGDĐT-GDTrH ngày 01/9/2011 của Bộ GD&ĐT (bỏ, giảm một số bài, số tiết, nội dung ở một số bài; chuyển từ chính khóa sang hướng dẫn tự học….), Sở GDĐT chỉ đạo các biện pháp nhằm giảm tải cho học sinh cấp THCS như sau:
+ Xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục: Hàng năm, Sở chỉ đạo 100% các cơ sở rà soát, điều chỉnh theo nguyên tắc đảm bảo mục tiêu của chương trình, sách giáo khoa theo quy định; không phá vỡ cấu trúc của chương trình, sách giáo khoa; đảm bảo tính lôgic của mạch kiến thức và tính thống nhất giữa các môn; không thay đổi thời lượng dạy học đối với mỗi môn học trong một lớp và trong mỗi cấp học; thuận lợi cho việc thực hiện, cho việc giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh.
Thực hiện dạy học theo chủ đề nội môn và các chủ đề dạy học liên môn: Đối với những kiến thức liên môn nhưng có một môn học chiếm ưu thế thì có thể bố trí dạy trong chương trình của môn đó và không dạy lại ở các môn khác.
Chỉ đạo dạy học lồng ghép, nội dung giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống trong các môn học, hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
+ Đổi mới hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học
Chỉ đạo 100% các đơn vị đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh theo công văn số 3535/BGDĐT-GDTrH ngày 27/5/2013; tăng cường thực hành, vận dụng; tập trung dạy cách học, khuyến khích tự học; cân đối giữa trang bị kiến thức, rèn kỹ năng và định hướng thái độ, hành vi.
+ Đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm giảm áp lực cho học sinh.
+ Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày: chỉ đạo dạy học 2 buổi/ngày hoặc trên 6 buổi/tuần theo công văn số 7291/BGDĐT-GDTrH ngày 01/11/2010. Do đặc thù, việc thực hiện dạy 2 buổi/ngày được khuyến khích và triển khai ở nơi có điều kiện. Nội dung dạy học 2 buổi/ngày tập trung vào phụ đạo học sinh yếu, kém; bồi dưỡng học sinh giỏi; giãn thời gian với các nội dung dài; tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp…
+ Quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm: theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ GDĐT; Quyết định 22/2013/QĐ-UBND ngày 25/06/2013 của UBND Thành phố về việc ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn.


3. Chương trình giáo dục và sách giáo khoa hiện hành thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ năm học 2002-2003 đến nay.


4. Các tài liệu chuyên đề không phải bộ môn học riêng, không tăng số tiết học theo quy định, được tích hợp, lồng ghép, cụ thể: Giáo dục nếp sống sống văn minh thanh lịch cho học sinh Hà Nội được lồng ghép vào hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể; Giáo dục lịch sử, địa phương nằm trong phân phối chương trình của môn Lịch sử - Địa lí.


UBND Thành phố sẽ chỉ đạo ngành GDĐT Hà Nội tiếp thu các ý kiến cử tri về chương trình, sách giáo khoa, thời lượng các môn học trong chương trình phổ thông, tiếp tục tham mưu với Bộ GDĐT, UBND Thành phố, Chính phủ về các vấn đề này để trong những năm học tới triển khai thực hiện tốt, hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.


HNP


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật