Tình hình Kinh tế - Xã hội tháng Tư năm 2006 (00:00 20/04/2006)


1. Sản xuất công nghiệp: Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội tháng Tư năm 2006 tăng 7,0% so tháng trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 4,2% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 3,7%, kinh tế Nhà nước địa phương tăng 5,6%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 6,2% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 10,3%.



1. Sản xuất công nghiệp:

Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội tháng Tư năm 2006 tăng 7,0% so tháng trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 4,2% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 3,7%, kinh tế Nhà nước địa phương tăng 5,6%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 6,2% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 10,3%.

Dự kiến 4 tháng năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội tăng 17,0% so cùng kỳ năm trước trong đó kinh tế Nhà nước tăng 7,4% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 4,8%, kinh tế Nhà nước địa phương tăng 16,2%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 18%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 28,9%.

a) Sản xuất công nghiệp Nhà nước Trung ương:

Giá trị sản xuất công nghiệp Trung ương tháng Tư năm 2006 tăng 3,7% so tháng trước trong đó có 17/22 ngành sản xuất tăng và 5/22 ngành sản xuất giảm với mức độ tăng giảm nhìn chung không đáng kể.

Dự kiến 4 tháng đầu năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp Trung ương tăng 4,8% so cùng kỳ năm trước với 14/22 ngành sản xuất tăng trong đó có những ngành sản xuất chiếm tỷ trọng lớn đạt mức tăng khá: chế biến thực phẩm đồ uống tỷ trọng 13% tăng 19,7%, sản xuất sản phẩm bằng kim loại tỷ trọng 3% tăng 23%, sản xuất thiết bị điện tỷ trọng 13,1% tăng 17,1%... 8/22 ngành sản xuất giảm so cùng kỳ năm trước là: khai thác đá, mỏ khác (giảm 70%), sản xuất thuốc lá (giảm 4,3%), sản xuất đồ da (giảm 6,7%), sản xuất khoáng phi kim loại (giảm 20,2%), sản xuất xe có động cơ (giảm 12,1%), sản xuất tivi thiết bị thông tin (giảm 4,4%), sản xuất dụng cụ chính xác (giảm 2,3%) và sản xuất hoá chất (giảm 0,6%). Các doanh nghiệp sản xuất đạt tốc độ khá là: Công ty cơ khí Ngô Gia Tự (tăng 25,5%), Công ty cơ khí may Gia Lâm (tăng 34,9%), Công ty thiết bị đo điện (tăng 23,1%), Công ty chế tạo điện cơ Việt Hung (tăng 67,5%), Công ty chế tạo biến thế (tăng 82,2%), Công ty cơ khí Cổ Loa (tăng 36,9%), Công ty cơ khí cầu đường (tăng 23,2%), Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông (tăng 19,8%), Công ty vật liệu bưu điện (tăng 24,7%)... Các doanh nghiệp sản xuất giảm chủ yếu là nhóm doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô và sản xuất vật liệu xây dựng (Ô tô 3/2 giảm 5,2%, Ô tô 1/5 giảm 14,1%, Ô tô Hoà Bình giảm 47,2%, gạch ốp lát Hà Nội giảm 67,3%, cổ phần Hữu Hưng Vigracela giảm 11,1%, vật liệu xây dựng bưu điện giảm 21,7%, gạch Từ Liêm giảm 7,4%...) do thị trường tiêu thụ sản phẩm hiện đang gặp khó khăn.

b) Sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương:

Giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương tháng Tư năm 2006 tăng 5,6% so tháng trước với 14/19 ngành sản xuất tăng, trong đó các ngành sản xuất tăng khá là chế tạo thiết bị máy móc (tăng 43,6%), sản xuất đồ da (tăng 10,3%), sản xuất kim loại (tăng 24,3%). 5/19 ngành sản xuất giảm là: khai thác than (giảm 40,5%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (giảm 1,5%), sản xuất các sản phẩm từ kim loại (giảm 0,6%), sản xuất phương tiện vận tải khác (giảm 1,8%) và sản xuất phân phối nước (giảm 2,8%).

Dự kiến 4 tháng năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương tăng 16,2% so cùng kỳ năm trước với 14/19 ngành sản xuất tăng trong đó có những ngành chiếm tỷ trọng lớn đạt mức tăng khá: sản xuất sản phẩm từ kim loại tỷ trọng 14,4% tăng 40,2%, sản xuất thiết bị điện tỷ trọng 20,2% tăng 32,4%, sản xuất phương tiện vận tải khác tỷ trọng 9,6% tăng 29,3%... Các doanh nghiệp sản xuất tăng khá do chú trọng đầu tư chiều sâu đổi mới thiết bị, bổ sung thêm dây chuyền sản xuất là Công ty cơ điện Trần Phú (tăng 33,4%), Công ty kim khí Thăng Long (tăng 63,8%), Công ty điện cơ Thống Nhất (tăng 28,2%), Công ty nhựa Hà Nội (tăng 34,8%), Công ty dệt 19/5 (tăng 53,4%), Công ty bao bì 27/7 (tăng 45,2%)... 5/19 ngành sản xuất giảm là chế biến thực phẩm (giảm 0,8%), sản xuất trang phục (giảm 19,9%), sản xuất da (giảm 10,7%), sản xuất giấy (giảm 32,1%) và sản xuất hoá chất (giảm 4,6%). Các doanh nghiệp có qui mô lớn sản xuất giảm so cùng kỳ do sản xuất gặp khó khăn là: Công ty giầy Thuỵ Khuê (giảm 24,7%), Công ty khoá Việt Tiệp (giảm 0,9%).

c) Sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước:

Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tháng Tư năm 2006 tăng 6,2% so tháng trước trong đó Công ty TNHH tư nhân tăng 8,3%, Công ty cổ phần tăng 5,2%, DNTN tăng 0,9%, kinh tế HTX tăng 4,7% và kinh tế cá thể tăng 3,9%.

Dự kiến 4 tháng năm 2006, sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tăng 18% so cùng kỳ năm trước trong đó cty TNHH tư nhân tăng 15,8%, cty cổ phần tăng 28,7%, kinh tế HTX tăng 10,4%, kinh tế cá thể tăng 11,8% và DNTN giảm 8,4%. Cả 14/14 quận, huyện sản xuất đều tăng, trong đó Cầu Giây tăng 23.3%, Sóc Sơn tăng 18,6%, Hoàng Mai tăng 18,6%, Từ liêm tăng 18,4%... Sản xuất công nghiệp của khu vực ngoài Nhà nước tăng khá chủ yếu do số lượng các doanh nghiệp mới thành lập tăng thêm hàng năm tương đối nhiều và sự đóng góp của các doanh nghiệp có qui mô lớn sản xuất ổn định và có tốc độ tăng cao: HTX nhựa Song Long, DNTN Xuân Kiên, Công ty TNHH Hiệp Hưng, Công ty Nam Hoà, Công ty Hoà Phong, Công ty Nhật Linh, Công ty TNHH Hoàng Sơn, Công ty Kova, Công ty Vifo...

d) Sản xuất khu vực có vốn đầu tư nước ngoài:

Giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tháng Tư năm 2006 tăng 10,3% so tháng trước và tăng 29,6% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 4 tháng năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 28,9% so cùng kỳ năm trước với 17/20 ngành sản xuất tăng trong đó một số ngành tỷ trọng lớn đạt tốc độ tăng cao: khoáng phi kim loại tỷ trọng 3,3% tăng 27,7%, sản xuất thiết bị văn phòng tỷ trọng 19,6% tăng 99,4%. Các doanh nghiệp có qui mô lớn sản xuất đạt tốc độ tăng khá: Công ty bia Đông Nam Á (tăng 34,1%), Công ty phụ tùng Gohy Thăng Long (tăng 31,9%), Công ty điện Stanley (tăng 138,8%), Công ty Canon Việt Nam (tăng 94,2%), Công ty Dono (tăng 82%)... Các doanh nghiệp sản xuất giảm do gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm: cty liên doanh ô tô Hoà Bình (giảm 29,4%), Công ty ô tô Vietnam Daewoo (giảm 73,9%), Công ty ô tô Daihatsu (giảm 9,7%), Công ty New Hope (giảm 2,9%), Công ty Sumimoto Bakelite (giảm 20,1%), Công ty thép tiền chế (giảm 26,8%), Công ty Daewoo Hanel (giảm 15,8%), Công ty Orion Hanel (giảm 17,6%)...

Hiện có 16 công ty mới thành lập đã đi vào hoạt động, trong đó có một số công ty có qui mô lớn như: Công ty TNHH Total Building (giá trị sản xuất 11,6 tỷ đồng), Công ty TNHH Hoyaglass (25 tỷ), Công ty giải pháp công nghệ nguồn (10,7 tỷ), Công ty Otec (4,6 tỷ), Công ty kỹ thuật Yamazaki (2,4 tỷ), Công ty Broad Bright Sakura Vietnam (25,5 tỷ)... sản phẩm của các công ty này chủ yếu phục vụ xuất khẩu ra nước ngoài.

2. Xây dựng cơ bản

* Vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách Nhà nước địa phương tháng Tư năm 2006 dự kiến đạt 692 tỷ đồng (trong đó xây lắp 428 tỷ đồng, thiết bị 2,5 tỷ đồng) bằng 100,1% so tháng trước .

Dự kiến 4 tháng năm 2006, vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách Nhà nước địa phương đạt 2288 tỷ đồng tăng 137,8% so cùng kỳ năm trước và bằng 29,7% kế hoạch năm 2006.

* Tiến độ một số công trình dự án:

+ Nút giao thông Ngã Tư Sở: Trong tháng nhà thầu sẽ hoàn thành 2 nhịp cầu còn lại và hoàn thiện các hạng mục để có thể thông xe trước ngày 19/5/2006. Mặt bằng nút phía đường Tây Sơn cũng sẽ được hoàn thành trước 19/5. Gói thầu cải tạo Cầu Mới đang được thi công hoàn thiện mặt đường nối với cầu vượt, dự kiến hoàn thiện trong tháng 4/2006.

+ Đường vành đai I (Kim Liên - Ô Chợ Dừa): đã tổ chức bốc thăm 280 căn hộ tái định cư đợt 3 và trả tiền đền bù cho 240 hộ dân (chủ yếu tại phường Nam Đồng) từ ngày 12 đến 18/4; giao nhà tái định cư cho các hộ đợt 3 từ 18/4 đến 25/4. Như vậy tổng số phương án đền bù giải phóng mặt bằng đã đủ điều kiện trả tiền là 750/923 phương án. Hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật cho 480 căn hộ lô đất B11 tại khu tái định cư Nam Trung Yên trước 17/4/2006 để giao nhà di dân đợt 3 dự án Kim Liên - Ô Chợ Dừa. Hiện nay đang tiến hành hoàn thiện thủ tục di chuyển các công trình kỹ thuật để nhà thầu có thể đẩy mạnh tiến độ thi công đoạn từ phố Phạm Ngọc Thạch đến mương Chẹm.

+ Công tác tu bổ đê kè 2006: Hiện nay đã cơ bản hoàn thành khối lượng đắp đê. Công tác làm kè đến nay đã đạt 50% kế hoạch, dự kiến đến 30/4 sẽ hoàn thành toàn bộ. Khối lượng công việc các dự án tu bổ đê điều năm nay hầu hết có qui mô nhỏ, ít hơn nhiều so với các năm trước, vì vậy sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc triển khai và hoàn thành đúng tiến độ được giao.

3. Thương mại dịch vụ:

* Nội thương: Tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng Tư năm 2006 tăng 1,2% so tháng trước, trong đó tổng mức bán lẻ tăng 1,1%. Dự kiến 4 tháng năm 2006, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng 20,8% so cùng kỳ năm trước trong đó tổng mức bán lẻ tăng 22%.

* Ngoại thương: So tháng trước kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội tháng Tư năm 2006 tăng 2,2%, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 2,7%. Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tăng 1,9%, trong đó nhập khẩu địa phương tăng 2,5%. Trong tháng Tư năm 2006 mặt hàng máy in phun xuất khẩu rất khá (tăng 4,5%) và mặt hàng gạo tuy xuất khẩu được ít song hứa hẹn sẽ xuất lớn vào các tháng tới.

Dự kiến 4 tháng năm 2006, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội tăng 23,5% so cùng kỳ, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 35,6%, kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn Hà Nội tăng 14,7% so cùng kỳ trong đó nhập khẩu địa phương tăng 15,5%. Mặt hàng xuất khẩu tăng chủ yếu là: hàng dệt may (tăng 18,1%), máy in phun (tăng 85,8%), xăng dầu tạm nhập tái xuất (tăng 64,4%), hàng điện tử (tăng 13,7%)... Mặt hàng nhập khẩu tăng chủ yếu ở các ngành hàng: máy móc thiết bị phụ tùng (tăng 17,6%), xăng dầu (tăng 18,6%), vật tư nguyên liệu (tăng 10,2%) và hàng tiêu dùng khác (tăng 9,9%).

* Giá cả - thị trường: Chỉ số giá tiêu dùng tháng Tư năm 2006 tăng 0,24% so tháng trước trong đó đa số các nhóm hàng đều tăng nhẹ. (chỉ có nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,1%). Chỉ số giá tháng 4/2006 so tháng 12/2005 tăng 3,24%. Riêng giá vàng trong tháng Tư liên tục tăng, chỉ số giá tháng 4/2006 tăng 4,19% so tháng trước. Giá Đôla Mỹ tăng nhẹ so tháng trước, chỉ số giá USD tháng 4/2006 tăng 0,13% so tháng trước.

4. Sản xuất nông nghiệp

* Trồng trọt:

Đến 15/4 diện tích lúa đã cấy là 19989 ha đang được bà con nông dân tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh (đã làm cỏ đợt 1 được 100%, đợt 2 được 73%). Diện tích rau mầu vụ xuân đã gieo trồng được trên 11 ngàn ha, bằng 96% so cùng kỳ năm trước. Tổng diện tích gieo trồng vụ xuân ước đạt 31060 ha giảm 4% so cùng kỳ năm trước. Diện tích gieo trồng lúa đạt kế hoạch Thành phố đề ra, song diện tích gieo trồng các loại rau mầu đều thấp hơn (do một số diện tích đất trồng cây hàng năm chuyển sang đất chuyên dùng để xây dựng các dự án, một số diện tích chuyển sang đất trồng cây lâu năm và một số diện tích khác bị kẹt giữa các công trình xây dựng không gieo trồng được bị bỏ hoang). Từ đầu vụ xuân đến nay do hạn nên tiến độ cấy lúa bị chậm, cây lúa và mầu phát triển chậm. Sâu bệnh và chuột đã xuất hiện rải rác gây thiệt hại nhẹ (72 ha lúa bị bọ trĩ và bệnh đạo ôn, 89 ha lúa bị chuột cắn, 22 ha rau mầu bị sâu xanh và sâu tơ phá hoại).

* Chăn nuôi, thuỷ sản:

- Sơ bộ đánh giá, đàn lợn năm nay không tăng nhiều so cùng kỳ năm trước. Đàn gia cầm tăng chậm do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm. Đến nay, Thành phố đã tổ chức tiêm phòng cho gần 80 ngàn con trâu, bò, lợn, 10 ngàn con chó, mèo và 170 ngàn con gia cầm.

- Thuỷ sản: Hiện nay công tác vệ sinh ao hồ chuẩn bị nuôi thả cá mới về cơ bản đã xong, song do hạn hán có khó khăn về nước nên việc nuôi thả mới còn chưa triển khai rộng được.

5. Trật tự xã hội và an toàn giao thông

Ba tháng đầu năm 2006 đã phát hiện và xảy ra 2025 vụ phạm pháp hình sự (tăng 38% so cùng kỳ năm trước), có 1746 đối tượng bị bắt giữ theo luật (tăng 57%). Tình hình buôn bán, tàng trữ vận chuyển ma tuý trái phép vẫn có chiều hướng tăng mạnh: Quý I/2006 Thành phố phát hiện 581 vụ (tăng 35% so cùng kỳ năm trước) với 746 đối tượng (tăng 20% so cùng kỳ)

Quý I/2006 xẩy ra 233 vụ tai nạn giao thông (giảm 4,9% so cùng kỳ năm trước) làm 103 người chết (tăng 9,6%) và làm bị thương 183 người (giảm 9,4%). Số vụ cháy nổ trong quý là 58 vụ (tăng 2 vụ so cùng kỳ năm trước) làm thiệt hại tài sản trị giá 2,5 tỷ đồng, làm chết 5 người (tăng 1 người so cùng kỳ) và làm bị thương 8 người.

* Lao động việc làm:

- Quý I/2006 Thành phố đã giải quyết việc làm cho 13500 người (đạt 16,46% kế hoạch năm 2006) tăng 0,74% so cùng kỳ năm trước.

- Tính đến 20/3/2006, toàn Thành phố đã huy động được 229156 ngày công nghĩa vụ lao động công ích (trong đó công trực tiếp 27770 ngày công và bằng tiền được 1,121 tỷ đồng) đạt 9,3% kế hoạch năm 2006.

- Quý I/2006 đã cấp được 3775 bằng và 5007 chứng chỉ nghề cho học viên theo học ở các trường và trung tâm dạy nghề trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

6. Tín dụng Ngân hàng:

Dự kiến đến cuối tháng Tư năm 2006, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội tăng 1,62% so cuối tháng trước và tăng 7,14% so với cuối năm 2005, trong đó tiền gửi dân cư tăng 1,80% và tăng 7,58%, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 1,50% và tăng 6,85%. Dư nợ cho vay tăng 1,38% so tháng trước và tăng 5,83% so với cuối năm 2005, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 1,60% và tăng 6,96%, dư nợ trung và dài hạn tăng 1,10% và tăng 4,45%.



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật