Tình hình Kinh tế - Xã hội tháng Hai năm 2005 (00:00 21/02/2005)


1. Sản xuất công nghiệp Tháng Hai năm 2005 là tháng có Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp nghỉ sản xuất kinh doanh dịp Tết khá dài (6 ngày) và sau Tết các doanh nghiệp sản xuất hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng chỉ sản xuất cầm chừng do đó sản xuất công nghiệp tháng Hai nhìn chung giảm. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng Hai năm 2005 trên địa bàn Thành phố Hà Nội bằng 81,5 % so tháng trước, trong đó kinh tế Nhà nước bằng 87,9% (kinh tế Nhà nước trung ương bằng 89,6%, kinh tế Nhà nước địa phương bằng 81,9%), kinh tế ngoài Nhà nước bằng 79,5% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài bằng 73,5%.



Tình hình Kinh tế - Xã hội tháng Hai năm 2005

1. Sản xuất công nghiệp

Tháng Hai năm 2005 là tháng có Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp nghỉ sản xuất kinh doanh dịp Tết khá dài (6 ngày) và sau Tết các doanh nghiệp sản xuất hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng chỉ sản xuất cầm chừng do đó sản xuất công nghiệp tháng Hai nhìn chung giảm. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng Hai năm 2005 trên địa bàn Thành phố Hà Nội bằng 81,5 % so tháng trước, trong đó kinh tế Nhà nước bằng 87,9% (kinh tế Nhà nước Trung ương bằng 89,6%, kinh tế Nhà nước địa phương bằng 81,9%), kinh tế ngoài Nhà nước bằng 79,5% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài bằng 73,5%.

Dự kiến 2 tháng năm 2005 giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 14,4% so cùng kỳ năm trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 12,5% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 14,0%, kinh tế Nhà nước địa phương tăng 7,3%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 19,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 14%.

a/ Sản xuất công nghiệp Trung ương: Tháng Hai năm 2005 bằng 89,6% so tháng trước và bằng 101,8% so cùng kỳ. So tháng trước có 21/22 ngành sản xuất giảm trong đó có nhiều ngành sản xuất chiếm tỷ trọng lớn sản xuất giảm nhiều: chế biến thực phẩm tỷ trọng10,7% sản xuất giảm 4,5%, sản xuất thuốc lá tỷ trọng 8,2% giảm 2,1%, công nghiệp dệt tỷ trọng 11,4% giảm 9,6%, hoá chất tỷ trọng 9% giảm 22%, sản xuất khoáng phi kim loại tỷ trọng 8% giảm 11,3%, sản xuất thiết bị điện tỷ trọng 12,1% giảm 8,3%… Riêng ngành sản xuất xe có động cơ sản xuất tăng 2,3% so tháng trước, nguyên nhân do nhu cầu xe ô tô trong dịp Tết tăng cao, các doanh nghiệp lắp ráp xe tập trung sản xuất và tiêu thụ tốt trên thị trường.

Dự kiến 2 tháng năm 2005 giá trị sản xuất công nghiệp Trung ương tăng 14% so cùng kỳ với 21/22 ngành sản xuất tăng. Riêng ngành sản xuất đồ da giảm. Các ngành sản xuất tăng khá là sản xuất xe có động cơ (tăng 39,20%), sản xuất phương tiện vận tải khác (tăng 30,9%), chế biến thực phẩm (tăng 30,4%), sản xuất giường tủ (tăng 22,8%), khai thác than (tăng 19,6%), sản xuất sản phẩm bằng kim loại (tăng 19,4%)…

b/ Sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương: tháng Hai năm 2005 bằng 81,9% so tháng trước với 18/20 ngành sản xuất giảm. Ngoài nguyên nhân sản xuất giảm do tháng Hai là tháng Tết và sau Tết Nguyên đán còn có nguyên nhân tác động không nhỏ đến sản xuất: một số doanh nghiệp do khó khăn trong sản xuất, lúng túng trong tìm kiếm thị trường, chậm chuyển đổi sản phẩm, chưa chú trọng đầu tư chiều sâu nên sản xuất giảm mạnh: công ty dệt kim Thăng Long, Dệt kim Hà Nội, công ty cổ phần Bánh kẹo Hà Nội, công ty Kỹ thuật điện thông…

Dự kiến 2 tháng năm 2005, giá trị sản xuất công nghiệp nhà nước địa phương tăng 7,3% so cùng kỳ năm trước với 16/20 ngành sản xuất tăng trong đó một số ngành tăng khá là sản xuất dụng cụ chính xác (tăng 59,1%), khai thác than (tăng 30,4%), sản xuất thiết bị điện (tăng 25,9%)…, 4 ngành sản xuất giảm: sản xuất trang phục (giảm 17,5%), sản xuất khoáng phi kim loại (giảm 3%), xuất bản in (giảm 2,2%) và ngành sản xuất kim loại 2 tháng nay chưa có sản phẩm.

c/ Sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nướctháng Hai năm 2005 bằng 79,5% so tháng trước và tăng 12,1% so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tháng Hai 2005 tăng so cùng kỳ chủ yếu do số lượng doanh nghiệp mới thành lập đi vào hoạt động tăng thêm nhiều (tuy vậy, những doanh nghiệp này quy mô nhỏ và thiếu tính ổn định) và đặc biệt có một số khu công nghiệp vừa và nhỏ của các huyện Từ Liêm, Thanh Trì đã đi vào hoạt động thu hút nhiều doanh nghiệp quy mô lớn hoạt động có hiệu quả cao. Trong 14 quận huyện có 10 quận, huyện sản xuất tăng so cùng kỳ: Hai Bà Trưng (tăng 11,5%), Đống Đa (tăng 20%), Thanh Xuân (tăng 19%), Long Biên (tăng 21%), Đông Anh (tăng 34%), Gia Lâm (tăng 10,2%) … 4 quận, huyện sản xuất giảm so cùng kỳ là: Ba Đình (giảm 6,6%), Tây Hồ (giảm 5,9), Hoàn Kiếm (giảm 11,7%), và Cầu Giấy (giảm 19,5%).

Dự kiến 2 tháng năm 2005, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài nhà nước tăng 19,2% so cùng kỳ với cả 14 quận huyện đều tăng trong đó những quận, huyện tăng khá là: Gia Lâm (tăng 31,5%), Hoàng Mai (tăng 24,7%), Thanh Xuân (tăng 22,9%)…

d/ Sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tháng Hai năm 2005 bằng 73,5% so với tháng trước và bằng 86,4% so cùng kỳ năm trước. Cả 19/19 ngành sản xuất đều giảm so tháng trước trong đó có nhiều ngành tỷ trọng lớn sản xuất giảm nhiều: chế biến thực phẩm (giảm 19,5%), sản xuất thiết bị văn phòng (giảm 41,4%), sản xuất thiết bị điện (giảm 18,4%), sản xuất tivi (giảm 22,5%), sản xuất phương tiện vận tải khác (giảm 22,1%)…

Dự kiến 2 tháng năm 2005, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 14% so cùng kỳ với 9/19 ngành sản xuất tăng. Các ngành sản xuất tăng khá là: sản xuất thiết bị văn phòng (tăng 128,2%), chế tạo thiết bị máy móc (tăng 22,1%), sản xuất xe có động cơ (tăng 23,4%), sản xuất sản phẩm bằng kim loại (tăng 43,5%)...

2. Xây dựng cơ bản

Vốn đầu tư xây dựng cơ bản địa phương thực hiện tháng Hai năm 2005 đạt 145, 3 tỷ đồng (xây lắp: 82, 8 tỷ; thiết bị: 2 tỷ) bằng 65,9% so tháng Một, bằng 141,1% so cùng kỳ năm trước và bằng 4,4% kế hoạch năm. Thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản địa phương 2 tháng đầu năm 2005 ước đạt 366, 1 tỷ đồng (xây lắp: 190, 5 tỷ; thiết bị: 17, 2 tỷ) bằng 160% so cùng kỳ năm trước và đạt 11,1% kế hoạch năm 2005

* Tiến độ một số dự án:

- Dự án thoát nước giai đoạn 1: Hiện đang thi công một số đoạn còn lại của sông Sét (gói thầu CP 7a), đã thi công xong phần chìm bể điều hoà của hai trạm xử lý nước thải (gói thầu CP 12), hiện đang thi công phần nổi để chuẩn bị lắp đặt thiết bị.

- Giải phóng mặt bằng nút giao thông Ngã Tư Sở: Hiện nay công tác giải phóng mặt bằng của dự án này tương đối thuận lợi. Đến nay đã chi trả tiền đền bù cho 477/1100 hộ dân và cơ quan, thu hồi được 57,9% diện tích đất cần thu hồi.

- Công tác tu bổ đê kè năm 2005: công tác đắp đê kè 2005 đã được triển khai song nhìn chung tiến độ còn chậm so với yêu cầu, đến nay đã có 16 gói thầu đắp đê được triển khai thi công với khối lượng đắp đê thực hiện đạt 15% kế hoạch.

3. Thương mại - Dịch vụ

* Nội thương:tháng Hai năm 2005 tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ trên địa bàn Hà Nội tăng 3,1% so tháng trước và tăng 30,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó bán lẻ tăng 3,3% so tháng trước và tăng 27% so cùng kỳ do tháng này có Tết Nguyên đán Ất Dậu, người tiêu dùng tập trung mua sắm chuẩn bị đón Tết đón Xuân.

Dự kiến 2 tháng năm 2005 tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tăng 26,5% so cùng kỳ trong đó bán lẻ tăng 22,5%.

* Ngoại thương: Dự kiến kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội tháng Hai năm 2005 giảm 6,3% so tháng trước, nhập khẩu giảm 2,8% trong đó xuất khẩu địa phương giảm 12,6% và nhập khẩu địa phương giảm 7,2%.

Dự kiến 2 tháng năm 2005, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội tăng 18,1% so cùng kỳ (xuất khẩu địa phương tăng 25,8%) trong đó ngành hàng xuất khẩu khá là: hàng điện tử tăng 28,6%, máy in phun tăng 62,8%, xăng dầu tạm nhập tái xuất tăng 54,6%, giầy dép và sản phẩm từ da tăng 15,8%...

Kim ngạch nhập khẩu 2 tháng năm 2005 trên địa bàn Hà Nội tăng 25,1% so cùng kỳ (nhập khẩu địa phương tăng 34,6%), trong đó: máy móc thiết bị phụ tùng tăng 35,6%, vật tư nguyên liệu tăng 20,8%, xăng dầu tăng 25,7% và hàng tiêu dùng tăng 14,7%.

* Du lịch: Tết Nguyên đán Ất Dậu, Việt kiều về quê ăn tết đông, lượng khách du lịch Quốc tế đến Hà Nội nhiều, đồng thời lượng khách nội địa đi du lịch nước ngoài và đi lễ hội sau Tết Nguyên đán tăng nhiều so năm trước. Ở các khách sạn được xếp hạng, công suất buồng phòng bình quân đạt từ 90-95%. Lượng khách tăng mạnh khiến một số hãng lữ hành bị bất ngờ phải từ chối nhiều tour dù giá tour năm nay tăng 20-30% do dịch vụ ăn, nghỉ, thuê xe đều tăng giá.

* Giá cả - thị trường: Chỉ số giá tiêu dùng tháng Hai năm 2005 tăng 2,22% so tháng trước trong đó hàng dịch vụ ăn uống tăng 3,69%, đồ uống và thực phẩm tăng 2,48%, phương tiện đi lại tăng 1,61% còn những nhóm hàng khác tăng ít và đứng giá.

Tết Nguyên đán Ất Dậu rơi vào đầu tháng Hai năm 2005, theo quy luật hàng năm vào dịp Tết giá cả thường tăng và biến động mạnh, sau Tết dần trở lại bình thường (có cao hơn trước Tết một ít). Năm nay, giá cả vận động theo đúng quy luật không có sự đột biến như năm Tết Giáp Thân 2004. Riêng các loại gia cầm do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm tái phát nên giá cả ít biến động (thậm chí trước Tết còn giảm), chỉ có ngày 30 Tết giá gà có nhích lên chút ít (gà mái ta 47-53 ngàn đồng /kg).

Giá vàng giảm 2,3% so tháng trước, giá vàng 99, 99 bán ra trên thị trường tư nhân phổ biến ở mức 822.269đ/chỉ. Giá đô la Mỹ tăng nhẹ (tăng 0,2% so tháng trước) và phổ biến ở giá 15.825đ/USD.

* Vận tải - Bưu điện: So với tháng trước, tháng Hai năm 2005 khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 5,9%, khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 8,4%, doanh thu vận tải hàng hoá tăng 6%. Khối lượng hành khách vận chuyển tăng 13%, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 12%, doanh thu vận chuyển hành khách tăng 9%. So với cùng kỳ năm trước khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 14,6%, khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 17,3%, doanh thu vận tải hàng hoá tăng 15,1%. Khối lượng hành khách vận chuyển tăng 26%, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 25%, doanh thu vận chuyển hành khách tăng 20,6%.

Về việc phục vụ khách dịp Tết Nguyên đán: ngay từ tháng Một năm 2005 ngành Giao thông vận tải Hà Nội đã có kế hoạch cụ thể phục vụ hết hành khách đi lại dịp Tết với dự kiến hành khách và đầu xe tăng 1, 5 đến 2 lần so ngày thường và lượng khách sẽ cao vào ngày 4, 5, 6 tháng Hai (tức 26, 27, 28 âm lịch) nên đã đảm bảo vận chuyển hành khách tốt, không để khách phải nằm lại bến xe sau ngày. Hoạt động của xe buýt, taxi trong thành phố dịp Tết cũng được chú trọng và đã phục vụ tốt hành khách đi lại nhất là Tết năm nay rét và mưa nhiều.

- Đường sắt: Do có kế hoạch phục vụ tốt nên hành khách đi lại trên các tuyến đường sắt cũng được tạo mọi điều kiện thuận lợi, không phải chờ đợi, chen lấn, xô đẩy.

* Bưu chính viễn thông: Tháng Hai năm 2005 sản lượng bưu chính tăng không đáng kể nhưng đầu tháng Hai (dịp trước Tết) thư từ, quà tặng, bưu thiếp tăng đột biến nhưng ngành Bưu chính Hà Nội do có kế hoạch phục vụ tốt đã đáp ứng được yêu cầu của mọi người dân.

Ngoài số lượng thuê bao thường xuyên đã rất lớn, cộng thêm thuê bao di động trả trước của một số đông Việt kiều về quê ăn Tết nên hiện tượng nghẽn mạch là khó tránh khỏi nhất là vào thời điểm giao thừa. Tuy nhiên đó là hiện tượng chỉ xảy ra đối với mạng Vinaphone và Mobiphone là hai mạng lớn nhất và chỉ xảy ra trong thời gian ngắn còn nhìn chung các mạng đều đáp ứng tốt nhu cầu về thông tin viễn thông của người tiêu dùng.

4. Sản xuất nông nghiệp:

* Sản xuất vụ xuân 2005: Hai đợt rét đậm rét hại kéo dài của tháng Một năm 2005 đã làm chết 165 ha mạ xuân. Từ cuối tháng Một đến nay thời tiết đã ấm dần, các huyện chủ động chỉ đạo bà con nông dân khẩn trương gieo mạ xuân bổ sung và bơm nước đổ ải đẩy nhanh tiến độ cấy lúa xuân. Tính đến 15/2 toàn Thanh phố đã gieo được 1856 ha mạ (bằng 91,5% so cùng kỳ năm trước và đạt 93% so dự kiến), đổ ải được 9860 ha đất (đạt 54,3% kế hoạch cấy) và cấy được 2950 ha (bằng 51% so cùng kỳ năm trước và bằng 16% dự kiến). Cùng với gieo cấy lúa xuân, toàn Thành phố đã gieo trồng được 5627 ha rau mầu (bằng 78% so cùng kỳ năm trước), trong đó ngô là 1215 ha (bằng 83%), khoai lang 350 ha (bằng 96%), lạc 2039 ha (bằng 79%), rau 1445 ha (bằng 84%) và đậu tương 81 ha (bằng 17%)

* Chăn nuôi: Như toàn quốc, dịch cúm gia cầm tái phát là một vấn đề đáng quan tâm lớn của ngành chăn nuôi gia cầm ở Hà Nội. Tuy có một vài địa phương có nghi vấn xuất hiện dịch tái phát, song do sự chỉ đạo chặt chẽ, công tác phòng chống dịch bệnh được chú trọng nên bệnh chỉ xuất hiện lẻ tẻ ở một vài xã với phạm vi hẹp và đã được khống chế kịp thời.

Do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm tái phát nên số lợn giết mổ trong dịp Tết lên tới 43019 con, sản lượng thịt hơi giết mổ là 2827 tấn (tương đương Tết Giáp Thân 2004 và tăng hơn nhiều so các Tết 2002, 2003). Tổng đàn lợn có mặt sau Tết Nguyên đán là 338 ngàn con (tăng 2% so cùng kỳ 2004).

* Nuôi trồng thuỷ sản: Năm nay do ít mưa, mực nước ở các ao hồ phần lớn cạn nước nên việc thả cá giống ở các hồ nuôi trồng thuỷ sản gặp nhiều khó khăn. Hiện nay các hộ đang tập trung vệ sinh ao hồ, chờ đủ điều kiện tiếp tục nuôi thả cá mới. Một số hộ chưa thu hoạch xong tiếp tục thu hoạch và chăm sóc giữ đủ nước cho cá.

* Trồng cây dịp Tết:Thực hiện chỉ thị số 03/2005/CT-UB ngày 11/1/2005 của UBND Thành phố Hà Nội về việc phát động “Phong trào trồng cây xuân Ất Dậu” và tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng, Thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch trồng 15 ngàn cây xanh phân tán và 8100 gốc tre chắn sóng, 450 ha rừng tập trung. Từ các ngày 2, 4, 5, 6, 8 Tết, các quận, huyện đã phát động Tết trồng cây và đến nay toàn Thành phố đã trồng được 14 ngàn cây (cây lâm nghiệp và cây ăn quả). Huyện Thanh Trì là huyện trồng được nhiều cây nhất (5790 cây) và quận Hoàng Mai đứng thứ hai (3450 cây).

5. Văn hoá xã hội, an ninh trật tự và an toàn giao thông

* Văn hoá xã hội: Tết Nguyễn đán Ât Dậu diễn ra trong không khí vui tươi mừng Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 75 tuổi và mừng Xuân mới với nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật phong phú hấp dẫn. Công tác vệ sinh môi trường được bảo đảm với khối lượng thu dọn và xử lý rác thải dịp Tết lên tới 62 ngàn tấn.

Công tác thăm hỏi, chúc Tết, tặng quà và hỗ trợ trong dịp Tết được chú trọng, chuẩn bị chu đáo để lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Thành phố đi thăm hỏi tặng quà và tổ chức tốt việc chuyển quà tặng của Thành phố (tổng kinh phí 96 triệu đồng) và quà tặng của Chủ tịch nước (tổng kinh phí 1, 1 tỷ đồng) đến các tập thể và gia đình chính sách tiêu biểu. UBND Thành phố có Quyết định và đã tặng quà tới 354909 đối tượng chính sách thương binh xã hội và cán bộ viên chức đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động với tổng số tiền 24, 2 tỷ đồng và quyết định tổ chức thăm hỏi một số đơn vị cá nhân thuộc ngành lao động thương binh xã hội nhân Tết Ất Dậu với tổng số tiền 482, 5 triệu đồng.

Thành phố Hà Nội đã thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn và xử phạt nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm với sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở Y tế, Thương mại, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền các quận, huyện.

Công tác phòng chống dịch bệnh được đề cao, tăng cường phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ viêm phổi do virut cúm A H5N1 để chuyển đến cơ sở điều trị thích hợp đã được Sở y tế và Bộ Y tế phân công. Tăng cường công tác kiểm dịch tại cửa khẩu Quốc tế Nội Bài. Thông báo kịp thời các trường hợp nghi ngờ viêm phổi do virut cho Trung tâm y tế dự phòng để phối hợp theo dõi, giám sát tại cộng đồng và cơ sở điều trị.

* An ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội: Tháng Một năm 2005 đã xẩy ra 532 vụ phạm pháp hình sự (tăng 17% so tháng trước) với 359 đối tượng bị bắt giữ (tăng 6,8%). Số vụ vi phạm kinh tế và xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa là 46 vụ (tăng 12%) với 61 đối tượng bị bắt giữ (tăng 10%). Số vụ tai nạn giao thông xẩy ra 91 vụ (giảm 10%) làm 29 người chết và bị thương 77 người. Trong tháng Một năm 2005 đã xảy ra 21 vụ cháy nổ (giảm 3 vụ so tháng trước) làm thiệt hại 59 triệu đồng, làm chết 1 người và bị thương 1 người.

6. Tài chính - Tín dụng

Dự kiến đến cuối tháng Hai năm 2005 tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội tăng 1,46% so tháng trước, trong đó tiền gửi dân cư tăng 1,45%, tiền gửi các tổ chức kinh tế tăng 1,47%. Dư nợ cho vay của các ngân hàng thương mại tháng Hai tăng 1,65% so tháng trước, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 1,69%, dư nợ trung và dài hạn tăng 1,59%.

Dự kiến tổng thu tiền mặt tháng Hai tăng 6,44% so tháng trước. Tổng chi tiền mặt giảm 4,78%. Bội thu tiền mặt.



Các bài mới đăng

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật