Tình hình kinh tế - xã hội tháng Ba, ước quý I năm 2016 của Hà Nội (13:45 28/04/2016)


HNP- Báo cáo số 208/BC-CTK ngày 22/3/2016 của Cục Thống kê TP Hà Nội về tình hình kinh tế - xã hội tháng Ba, ước quý I năm 2016.


Trong quý I/2016, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Thành phố đang tập trung chỉ đạo cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ Thành phố và Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng bằng các chương trình, kế hoạch công tác lớn. Mặc dù quý I có thời gian nghỉ Tết dài, nhưng với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, sâu sắc, ngay từ đầu năm, các cấp, các ngành và nhân dân Thủ đô đã triển khai quyết liệt các nhiệm vụ phát triển Kinh tế - Xã hội, một số kết quả chủ yếu trong quí I năm 2016 đạt được như sau:
 
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,95%; vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng 9,5%; tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 9,9%; kim ngạch xuất khẩu tăng 2,3%, chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát là những thuận lợi cơ bản. Bên cạnh đó, Hà Nội có những khó khăn đặc thù về tốc độ đô thị hóa rất nhanh, dân số tăng cao, cơ sở hạ tầng quá tải và chưa đồng bộ, thiên tai, biến đổi khí hậu toàn cầu… tạo áp lực lớn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.
 
1. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)
 
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I năm 2016 tăng 6,95% so cùng kỳ năm trước. Trong đó:
 
Giá trị tăng thêm ngành nông - lâm - thuỷ sản giảm 0,69% so cùng kỳ năm trước (làm giảm 0,02 điểm phần trăm mức tăng chung). Quí I năm 2016, mặc dù, năng suất của hầu hết các loại cây trồng vụ Đông đều tăng nhưng do diện tích gieo trồng giảm 16%, trong đó, cây trồng chính vụ Đông là đậu tương giảm tới 41,6% nên sản lượng vụ Đông giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: đậu tương giảm 37,9%; ngô giảm 3,6%; khoai lang giảm 9,6%, lạc giảm 11,5%... Tình hình chăn nuôi nhìn chung ổn định, không xảy ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm.
 
3 tháng đầu năm 2016, sản xuất công nghiệp tăng khá so cùng kỳ do các doanh nghiệp tập trung nguồn lực sản xuất và tích lũy hàng hóa phục vụ nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp - xây dựng quí I tăng 7,43% so cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,23 điểm phần trăm vào mức tăng chung. riêng khối công nghiệp tăng 7,54%, đóng góp 1,77 điểm phần trăm vào tốc độ tăng chung... Các doanh nghiệp xây dựng vẫn giữ được đà phát triển, nhiều dự án phát triển giao thông đã được khởi công xây dựng và được các cấp các ngành tập trung chỉ đạo, đặc biệt là những dự án phát triển đường cao tốc; Các dự án phát triển hạ tầng, phát triển đô thị đã được chủ đầu tư và các nhà thầu tập trung triển khai thi công ngay từ những ngày đầu năm.
 
Giá trị tăng thêm các ngành dịch vụ tăng 7,05% so cùng kỳ năm trước (đóng góp 4,01% vào mức tăng chung). Một số ngành có mức tăng trưởng cao là: Ngành bán buôn, bán lẻ; sữa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (tăng 7,24%), đây là một dấu hiệu tốt của khu vực dịch vụ, vì ngành thương mại chiếm tỷ trọng khá lớn trong khu vực này; Ngành vận tải kho bãi (tăng 7,19%); thông tin và truyền thông (tăng 7,71%)... Một số ngành có mức tăng trưởng thấp hơn so với toàn ngành như: dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 5,18%), kinh doanh bất động sản (tăng 5,26%), tài chính ngân hàng, bảo hiểm (6,61%)...
 
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quí I năm 2016
 
Tính theo phương pháp giá cơ bản

 

 

Quí I

2015

(tỷ đồng)

Quí I

2016

(Tỷ đồng)

Tốc độ tăng Q1/2016 so cùng kỳ (%)

Đóng góp vào tốc độ tăng (%)

Tổng số

112.036

119.820

6,95

6.95

Chia ra

 

 

 

 

- Nông lâm thuỷ sản

3.741

3.715

-0,69

-0,02

- Công nghiệp xây dựng

33.631

36.129

7,43

2,23

   + Công nghiệp

26.274

28.255

7,54

1,77

   + Xây dựng

7.357

7.874

7,03

0,46

- Dịch vụ

63.729

68.221

7,05

4,01

- Thuế nhập khẩu và thuế sản phẩm

10.935

11.755

7,50

0,73

 

2. Sản xuất công nghiệp
 
2.1. Tình hình sản xuất công nghiệp
 
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Ba tăng 26,5% so tháng trước (đây là mức tăng khá cao do ảnh hưởng của yếu tố thời vụ, tháng Hai sản xuất ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ tết Nguyên đán, tháng Ba sản xuất đã đi vào ổn định nên hầu hết các ngành sản xuất công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng so với tháng trước) và tăng 10,1% so cùng kỳ. Trong đó: Công nghiệp khai khoáng tăng 13,4% và tăng 4,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 27,5% và 10,1%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 9,6% và 11,3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,5% và 7,6%.
 
Ước tính quý I năm 2016, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,6% so cùng kỳ, trong đó: Công nghiệp khai khoáng tăng 0,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,8%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 6,2%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,8%.
 
Nhìn chung, sản xuất công nghiệp trong quý I/2016 có mức tăng trưởng khá cao so cùng kỳ. Những ngành sản xuất chiếm tỷ trọng lớn, có tốc độ tăng cao so với mức tăng bình quân chung như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 21,5%; sản xuất đồ uống tăng 11%; sản xuất trang phục tăng 39,7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 34,3%; sản xuất kim loại tăng 25%;...
 
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của thành phố Hà Nội tháng Ba và 3 tháng so cùng kỳ như sau: Bánh các loại tăng 12% và tăng 5,5%; thức ăn chăn nuôi tăng 33,4% và tăng 34,9%; bia đóng lon tăng 67,5% và tăng 26,9%; áo sơ mi cho người lớn dệt kim hoặc đan móc, sp của xưởng may tăng 89,8% và tăng 88,6%; vác xin dùng làm thuốc thú y tăng 41,7% và tăng 51,5%; cửa ra vào, cửa sổ, khung bằng plastic tăng 251,5% và tăng 111%; tủ lạnh sử dụng trong gia đình tăng 12,5%; tăng 133,4%; bàn gỗ các loại tăng 108,6% và tăng 200,7%;...
 
Chỉ số tiêu thụ sản phẩm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Hai giảm 21,4% so tháng trước (do chu kỳ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ảnh hưởng bởi tháng tết Nguyên đán) và tăng 3,3% so cùng kỳ năm trước. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2016 tăng 4,4% so cùng kỳ. Một số ngành sản xuất có chỉ số tiêu thụ sản phẩm tăng khá so với mức tăng chung như: Chế biến thực phẩm tăng 25%; sản xuất trang phục tăng 51,3%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 12,7%; sản xuất thuốc, hóa dược tăng 72,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại tăng 34%; sản xuất xe có động cơ tăng 31,6%; sản xuất giường tủ bàn ghế tăng 8,8%... Bên cạnh đó cũng có những ngành có chỉ số tiêu thụ sản phẩm giảm so với cùng kỳ như: Sản xuất thuốc lá giảm 4,9%; sản phẩm dệt giảm 18,6%; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ mây tre đan giảm 22,3%; sản xuất kim loại giảm 28,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính giảm 12,6%...
 
Chỉ số tồn kho sản phẩm tháng Hai tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2015. Một số ngành sản xuất có chỉ số tồn kho sản phẩm tương đối cao so với cùng kỳ như: Chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ mây tre đan (tăng 30,3%); sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (tăng 491%); sản xuất thuốc, hóa dược (tăng 219,1%); sản xuất sản phẩm từ cao su plastic (tăng 426,8%); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (tăng 301,5%); sản xuất xe có động cơ (tăng 173,2%)... Bên cạnh đó, nhiều ngành sản xuất có chỉ số tồn kho giảm đáng kể so với cùng kỳ như: Sản xuất chế biến thực phẩm (giảm 22,9%); sản xuất đồ uống (giảm 11,5%); sản xuất thuốc lá (giảm 53,7%); sản xuất trang phục (giảm 15,8%); sản xuất sản phẩm điện tử máy vi tính (giảm 16,9%); sản xuất thiết bị điện (giảm 37,7%); sản xuất phương tiện vận tải khác (giảm 13,5%); sản xuất giường tủ bàn ghế (giảm 13,9%)…
 
2.2. Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp
 
Tình hình sử dụng lao động ở các doanh nghiệp ổn định, chỉ số sử dụng lao động dao động không đáng kể. Ước tính tháng Ba, chỉ số sử dụng lao động tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 1% so với cùng kỳ. Trong đó: Khu vực kinh tế Nhà nước tăng 0,5% và giảm 4,3%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 0,7% và tăng 1,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,5% và tăng 3,3%.
 
Lũy kế 3 tháng đầu năm 2016 chỉ số sử dụng lao động giảm 0,3% so với cùng kỳ. Trong đó: Khu vực kinh tế nhà nước giảm 4,8%; kinh tế ngoài nhà nước tăng 0,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,9%.
 
2.3. Công tác quy hoạch phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp
 
Quy hoạch phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã cơ bản hoàn thành và đang trình phê duyệt. Thành lập CCN Tân Hòa (huyện Quốc Oai). Đang đôn đốc hoàn thiện thủ tục thành lập đối với 66 cụm công nghiệp (CCN) hình thành trước khi Quy chế quản lý cụm công nghiệp có hiệu lực; đã hoàn thiện 25 hồ sơ đề nghị thành lập CCN, trong đó, UBND Thành phố đã phê duyệt quyết định thành lập 01 CCN (Đông Anh). Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa vào vận hành trạm xử lý nước thải tập trung tại 07 CCN trong năm 2016.
 
 
 
 
3. Vốn đầu tư phát triển
 
Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố Hà Nội quý I năm 2016 ước đạt 65.655 tỷ đồng, tăng 9,8% so cùng kỳ. Trong đó, vốn nhà nước trên địa bàn đạt 13.374 tỷ đồng, tăng 5,5% so cùng kỳ; vốn ngoài nhà nước đạt 46.215 tỷ đồng, tăng 13,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 6.066 tỷ đồng, giảm 3,1%. Trong tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn, vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 5.447 tỷ đồng, tăng 33,5% so cùng kỳ.
 
Tình hình thực hiện các dự án của Thành phố.
 
Việc phân bổ kế hoạch và điều hành ngân sách đầu tư XDCB có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, Thành phố đã tập trung nguồn lực quản lý chặt chẽ các dự án đầu tư công đảm bảo hiệu quả, tránh dàn trải, không để phát sinh nợ XDCB; khuyến khích, huy động các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng bằng các hình thức đầu tư hợp tác công tư (PPP), triển khai đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sản phẩm có sức cạnh tranh cao.
 
Nâng cao chất lượng công tác đấu thầu, đảm bảo lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án, gói thầu theo đúng yêu cầu chất lượng, tiến độ và hiệu quả kinh tế.
 
Triển khai thực hiện hiệu quả Luật Đầu tư công. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật về kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công, nhất là các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, ODA, tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.
 
Mặc dù các chủ đầu tư và các nhà thầu đã khẩn trương thi công đảm bảo đúng tiến độ song vì lý do khách quan đã làm một số các công trình, dự án gặp nhiều khó khăn trong công tác triển khai thực hiện dự án như:
 
+ Việc thay đổi cơ chế chính sách và giá cả vật tư tăng liên tục dẫn đến nhà thầu đã trúng thầu gặp khó khăn về khả năng cân đối tài chính trong quá trình thực hiện dự án, công trình; công tác GPMB trên địa bàn Thành phố gặp nhiều khó khăn do công trình trải dài trên nhiều quận; đi qua các Làng cổ, phố cũ, người dân đã sinh sống qua nhiều thế hệ nên việc xác nhận nguồn gốc đất gặp khó khăn, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
 
+ Việc triển khai các dự án trong nội đô chậm còn do vướng hệ thống các công trình ngầm nổi như: di chuyển hệ thống điện, hệ thống cấp, thoát nước, phá dỡ, bảo vệ công trình cũ...phải thỏa thuận với nhiều cơ quan, chủ sở hữu mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
 
+ Công tác triển khai thi công công trình trong khu vực nội đô gặp nhiều khó khăn do vừa phải tổ chức thi công, vừa phải đảm bảo nhu cầu đi lại hàng ngày của nhân dân. Việc này đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải chuyên nghiệp, tận tụy với công việc đồng thời phối hợp tốt với các cơ quan, ban, ngành liên quan cũng như thực hiện tốt công tác tuyên truyền, kịp thời xử lý những tình huống phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.
 
4. Thương mại dịch vụ
 
4.1. Nội thương
 
Tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tháng Ba ước đạt 170.006 tỷ đồng tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ; trong đó bán lẻ đạt 39.767 tỷ đồng, tăng 0,7% so tháng trước và tăng 7,3% so cùng kỳ. Ước tính quý I/2016, tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ đạt 511.030 tỷ đồng, tăng 9,9% so cùng kỳ, trong đó, bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 119.047 tỷ đồng, tăng 9%. Kinh tế nhà nước ước tính đạt 147.429 tỷ đồng tăng 8,3% so cùng kỳ, kinh tế ngoài nhà nước 339.156 tỷ đồng, tăng 10,6% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 24.445 tỷ đồng, tăng 9,7%.
 
Tốc độ tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng và dịch vụ quý I năm 2016 nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,2% so cùng kỳ. Quý I trùng với thời điểm Tết Nguyên đán, tình hình giá cả thị trường tương đối ổn định song sức tiêu thụ của người dân chủ yếu chỉ tập trung vào những ngày giáp Tết, sau Tết mức tiêu thụ chậm. Trong những tháng đầu năm, các doanh nghiệp, các trung tâm thương mại, siêu thị đã đưa ra nhiều đợt khuyến mãi với nhiều hình thức khác nhau như giảm giá, tặng quà, bốc thăm trúng thưởng, tuy nhiên, lượng khách đến mua hàng đến thời điểm này vẫn chưa cao. 
 
Quý I năm 2016, doanh thu dịch vụ tăng 8% so cùng kỳ, trong đó doanh thu dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 8,2%. Hiện nay, thị trường bất động sản đang có xu hướng phục hồi tích cực, giá đã có xu hướng tăng nhẹ ở một số phân khúc, niềm tin của người mua nhà dần khôi phục và được củng cố.
 
4.2. Ngoại thương
 
Ước tính trị giá xuất khẩu tháng Ba đạt 875 triệu USD, tăng 5,7% so tháng trước và giảm 3,2% so cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu địa phương ước đạt 673 triệu USD, tăng 6% so tháng trước, giảm 5,5% so cùng kỳ. Trong tháng này, một số nhóm hàng tăng khá so cùng kỳ là nhóm hàng xăng dầu (tăng 59,4%), giày dép các loại và sản phẩm từ da (tăng 53,5%), hàng may, dệt (tăng 41,7%). Nhóm hàng nông sản vẫn giảm so cùng kỳ (giảm 33,3%).
 
Ước tính kim ngạch xuất khẩu quý I/2016 đạt 2.558 triệu USD tăng 2,3% so cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu địa phương tăng 1,4%. Một số nhóm hàng xuất khẩu tăng cao so cùng kỳ là giầy dép các loại và sản phẩm từ da (tăng 19,1%), do Việt Nam đang tham gia ký kết FTA, TPP nên hàng may, dệt hiện đang gặp nhiều thuận lợi cho việc xuất khẩu và tiếp tục là mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Thành phố (hàng may, dệt tăng 39,2%).
 
Quý I năm 2016, nhóm hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu giảm 22,2% so cùng kỳ do hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chính như gạo, chè, cà phê, hạt tiêu… đều có sự sụt giảm cả về giá và về khối lượng vì chịu tác động nhiều từ biến động của giá cả thị trường thế giới và ảnh hưởng lớn từ các yếu tố về thời tiết. Cụ thể: Gạo (giảm 11,1% so cùng kỳ), cà phê (giảm 16,3%), hạt tiêu (giảm 58,4%). Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi cũng giảm mạnh so cùng kỳ (giảm 17,9%); nhóm hàng máy móc thiết bị phụ tùng (giảm 8%).
 
Trị giá nhập khẩu tháng Ba ước đạt 1.857 triệu USD tăng 0,7% so tháng trước, giảm 2% so cùng kỳ; trong đó, nhập khẩu địa phương đạt 802 triệu USD tăng 1% so tháng trước và giảm 2,7% so cùng kỳ. Ước tính kim ngạch nhập khẩu quý I năm 2016 đạt 5.715 triệu USD giảm 2% so cùng kỳ; trong đó, nhập khẩu địa phương giảm 2,4%. Hầu hết, các mặt hàng đều có kim ngạch nhập khẩu giảm, một số mặt hàng giảm mạnh so cùng kỳ là xăng dầu (giảm 7,5%), phân bón (giảm 3,2%)…
 
4.3. Du lịch
 
Để thu hút khách quốc tế đến Hà Nội, ngành du lịch Hà Nội đã tăng cường hợp tác liên kết phát triển du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch và phát triển thương hiệu du lịch. Khách quốc tế vào Hà Nội tháng Ba ước đạt 256 nghìn lượt khách, giảm 3,7% so tháng trước và tăng 17,1% so cùng kỳ. Khách quốc tế lưu trú tại Hà Nội chia theo phương tiện đến bằng đường hàng không là 210 nghìn lượt người, tăng 9,4% so với cùng kỳ; đến bằng đường biển, đường bộ 45 nghìn lượt người, tăng 74,4%.
 
Khách nội địa, tháng Ba giảm 1,4% so tháng trước và giảm 0,8% so cùng kỳ. Doanh thu khách sạn, lữ hành tăng 0,4% so tháng trước và tăng 9,2% so cùng kỳ.
 
Khách quốc tế lưu trú tại Hà Nội quý I năm 2016 ước tính đạt 761 nghìn lượt người, tăng 28,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó, khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng 620 nghìn lượt tăng 30,7% so cùng kỳ, khách đến vì công việc 111 nghìn lượt người tăng 6,7%. Trong đó, chia theo phương tiện đến bằng đường không là 635 nghìn lượt người, tăng 24,5% so với cùng kỳ; đến bằng đường biển, đường bộ 125 nghìn lượt người, tăng 55,6%. Trong quý I, khách quốc tế lưu trú tại Hà Nội tăng mạnh do khách đến từ một số thị trường lớn tăng cao so cùng kỳ như: Trung Quốc (tăng 85,5%), Hàn Quốc (tăng 47,9%), Thái Lan (tăng 63,9%). Bên cạnh đó khách đến từ Anh (giảm 34,9%) so cùng kỳ.
 
Các tour du lịch nội địa kết hợp với lễ hội đang xu thế chính của các tour du lịch đầu năm. Lượng khách nội địa đi lễ hội, đền chùa vào sau Tết tăng khá.
 
4.4. Giá cả thị trường
 
Công tác ổn định giá cả thị trường được thực hiện tốt, nhất là dịp Tết Bính Thân, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Ba tăng nhẹ so so với tháng trước. Nguyên nhân khiến chỉ số giá tháng này tăng chủ yếu là do nhóm thuốc và dịch vụ y tế (giá dịch vụ y tế từ ngày 1/3/2016) và Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng do nhu cầu mua sắm quà tặng, hoa tươi trong dịp mừng Quốc tế phụ nữ 8-3 tăng lên. Các nhóm khác có chỉ số tăng nhẹ như nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép; nhóm giáo dục... Giảm giá xăng dầu khiến cho nhóm giao thông tiếp tục giảm mạnh và nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm nhẹ.
 
Tháng này, giá vàng trên thị trường Hà Nội tăng trở lại (tăng 7,73%) so tháng trước. Giá vàng 99.99 bán ra trên thị trường tư nhân phổ biến ở mức 3.331 nghìn đồng/chỉ. Trái chiều với giá vàng, giá Đô la Mỹ của các ngân hàng tháng này (giảm 0,1%), giá đô la Mỹ bán ra của ngân hàng ngoại thương có giá bình quân là 22.355 đ/USD.
 
4.5. Vận tải
 
Tháng Ba năm 2016 so tháng trước, khối lượng hàng hóa vận chuyển giảm 0,6%; khối lượng hàng hóa luân chuyển giảm 0,4%; doanh thu giảm 0,4%; số lượt khách vận chuyển giảm 0,8%; số lượt hành khách luân chuyển giảm 0,3%; doanh thu vận chuyển hành khách giảm 1,5%; doanh thu hoạt động hỗ trợ vận tải giảm 0,3%.
 
Ước tính quý I năm 2016, khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 10,4% so cùng kỳ; hàng hoá luân chuyển tăng 9,4%; doanh thu tăng 10,2%; số lượt hành khách vận chuyển tăng 8%; hành khách luân chuyển tăng 8,4%; doanh thu tăng 7,9%. Trong dịp Tết và quý I, vận tải hành khách liên tỉnh đã đáp ứng khá tốt nhu cầu của khách tại các bến xe khách liên tỉnh, số hành khách đi trên các tuyến xe buýt của Hà Nội tăng đáng kể và là phương tiện khá thuận tiện và trở thành phương tiện không thể thiếu được trong giao thông hàng ngày.
 
Hoạt động hỗ trợ vận tải, ước tính quý I/2016 doanh thu tăng 9,4% so cùng kỳ 2015.
 
 
5. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
 
5.1. Trồng trọt
 
Tình hình sản xuất nông nghiệp trong quý Một năm nay trên địa bàn thành phố Hà Nội không có nhiều thuận lợi so với cùng kỳ năm trước. Đợt rét đậm, rét hại kéo dài cuối tháng Một đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng một số cây trồng vụ Đông cũng như tiến độ gieo trồng vụ Xuân 2016. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành nên hoạt động sản xuất nông nghiệp của Thủ đô đạt được một số kết quả sau:
 
Vụ Đông: Diện tích cây vụ Đông đạt 42.074 ha, giảm 16% so cùng kỳ. Trong đó, một số cây giảm mạnh như: Đậu tương giảm 41,6%; ngô giảm 5,5%; khoai lang giảm 7,6%... Về năng suất, nhìn chung nhiều loại cây trồng vụ Đông năm nay đều cho năng suất cao hơn so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, do thời tiết không thuận lợi đã làm ảnh hưởng đến năng suất một số loại rau như: Bắp cải giảm 4,2%; cà chua giảm 3,5%; đậu lấy quả giảm 8,9%. Về sản lượng, do diện tích gieo trồng giảm nên sản lượng cũng giảm theo và giảm chủ yếu ở cây đỗ tương (giảm 37,9%), khoai lang (giảm 9,6%), ngô (giảm 3,6%)…
 
Vụ Xuân: Hiện nay người dân đang tập trung đẩy mạnh gieo trồng cây vụ Xuân cho kịp khung thời vụ tốt nhất. Toàn Thành phố đã cơ bản hoàn thành công tác gieo cấy lúa xuân với diện tích lúa đã cấy 99.757 ha đạt 100,1% kế hoạch và giảm 1,4% so với cùng kỳ. Diện tích gieo trồng các loại hoa màu vụ Xuân ước đạt 19.053 ha tăng 24,3% so cùng kỳ. Trong đó: Ngô 5.430 ha, tăng 33,2%; khoai lang 536 ha, giảm 4,3%; đậu tương 605 ha, tăng 24,7%; rau đậu các loại 8.486 ha, tăng 53%; cây hàng năm khác 3.996 ha, giảm 14,3%.
 
Tính chung vụ Đông Xuân, toàn Thành phố đã gieo trồng được 160.884 ha, giảm 3% so cùng kỳ, do diện tích gieo trồng cây vụ Đông năm nay giảm so cùng kỳ 2015. Trong đó: Lúa 99.757 ha, giảm 1,4%; ngô 15.434 ha, tăng 5,3%; khoai lang 3.329 ha, giảm 7,1%; đậu tương 11.191 ha, giảm 39,9%; rau đậu các loại 25.559 ha, tăng 13,8%; cây hàng năm khác 5.614 ha, giảm 8.3% so cùng kỳ năm 2015.
 
Các loại cây trồng đang trong giai đoạn sinh trưởng tốt: Lúa đang ở giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh, trà sớm đẻ nhánh rộ; cây ngô xuân đang ở giai đoạn 4-5 lá; cây lạc đang ở giai đoạn 4 lá; cây đậu tương đang ở giai đoạn 2-5 lá. Tuy nhiên đã xuất hiện sâu bệnh gây hại nhẹ cục bộ trên một số cây như ốc bưu vàng trên lúa; chuột, sâu xám trên ngô; bọ nhảy, sâu xanh trên rau;...
 
Cây lâu năm: Diện tích cây lâu năm trồng mới toàn Thành phố trong quý Một ước đạt 780 ha, tăng 2% so cùng kỳ, chủ yếu là các loại cây ăn quả. Một số cây ăn quả như cam, bưởi, táo được thu, hái nhiều trong dịp tết Nguyên đán, năm 2015 sản lượng thu hoạch của một số loại cây như: Cam 6.600 tấn, giảm 3,3%; bưởi 37.984 tấn, tăng 6,9%; táo 8.159 tấn, giảm 1,2% so cùng kỳ năm trước.
 
5.2. Chăn nuôi
 
Các địa phương đã tích cực đẩy mạnh công tác chống rét, chăm sóc sức khỏe cho đàn gia súc, gia cầm và chủ động dự trữ thức ăn trong những ngày giá rét, tích cực chuẩn bị nguồn thực phẩm, phục vụ nhu cầu của nhân dân trước và sau tết Bính Thân.
 
Trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua số gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố chết do rét là 117 con. Trong đó: 03 con trâu; 02 con bò; 07 con lợn và 105 con ngan.
 
Nhìn chung, số lượng đàn gia súc, gia cầm ổn định, không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng gia súc, lợn tai xanh, cúm gia cầm. Ước tính số lượng đàn gia súc, gia cầm hiện có như sau: Đàn trâu 24.868 con, tăng 2,3% so cùng kỳ; đàn bò 139.825 con, tăng 3,1% (trong đó bò sữa 14.370 con, tăng 3,9%); đàn lợn 1.423 nghìn con, tăng 2,9%; đàn gia cầm 22,2 triệu con, tăng 4,7% (trong đó đàn gà 13,8 triệu con, tăng 4,6%) so cùng kỳ.
 
5.3. Lâm nghiệp
 
Diện tích trồng rừng trong quý Một ước đạt 35 ha, bằng cùng kỳ năm trước. Diện tích trồng đạt thấp là do thời tiết rét đậm, rét hại nên không thuận lợi cho việc sinh trưởng và phát triển của cây trồng, cùng với đó là ngân sách về trồng và chăm sóc rừng chưa giao cho các địa phương nên cũng ảnh hưởng đến diện tích trồng và chăm sóc rừng của Thành phố.
 
Tình hình khai thác gỗ và lâm sản của thành phố Hà Nội chủ yếu là diện tích rừng trồng đến kỳ cho thu hoạch và cây lâm nghiệp trồng phân tán. Trong tháng Ba, sản lượng gỗ, củi khai thác ước đạt: Gỗ 1.120 m3, tăng 5,7%; củi 2.600 Ste, giảm 13,3% so cùng kỳ. Lũy kế 3 tháng đầu, khai thác gỗ ước đạt 3.360 m3, giảm 3,1%; củi khai thác ước đạt 9.080 Ste, giảm 17,3% so cùng kỳ. Cây trồng phân tán đã trồng được 554 ngàn cây, chủ yếu được trồng trong dịp tết Nguyên đán.
 
Trong quý I/2016 đã xảy ra 05 vụ cháy rừng tại huyện Sóc Sơn gây thiệt hại 1,35 ha nhưng do được dập lửa kịp thời nên đã không gây thiệt hại lớn. Cũng trong quý Một, đã xử lý 25 vụ vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng, tịch thu 2,0 kg động vật hoang dã; tổng gỗ quy tròn 15 m3 (trong đó: 5,7 m3 gỗ quý hiếm), phạt hành chính, bán lâm sản tịch thu được trên 550 triệu đồng.
 
 
5.4. Thủy sản
 
Từ đầu năm đến nay các hộ nuôi thủy sản đã và đang thu hoạch sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong và sau dịp tết Nguyên đán, đồng thời, tranh thủ các đợt xả nước của hồ thủy điện Hoà Bình đã tăng cường tích trữ nước, đầu tư thức ăn và thả các loại cá chịu rét tốt. Các cơ sở sản xuất thủy sản thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Tháng Ba, diện tích nuôi thả trong tháng ước đạt 1.230 ha, giảm 36,6% so cùng kỳ, sản lượng ước đạt 7.792 tấn, tăng 1,8% (trong đó, nuôi trồng thu hoạch đạt 7.672 tấn, tăng 2%). Lũy kế 3 tháng, diện tích nuôi thả toàn Thành phố ước đạt 4.420 ha, giảm 7,1% so cùng kỳ (nguyên nhân là do thời tiết khô hạn từ đầu năm đến nay chưa có đợt mưa lớn nào nên mực nước các ao, hồ rất thấp), sản lượng đạt 22.712 tấn, tăng 0,4% (trong đó, nuôi trồng thu hoạch đạt 22.287 tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ).
 
6. Trật tự an toàn xã hội
 
- Số vụ phạm pháp: Trong tháng Hai đã phát hiện 287 vụ phạm pháp hình sự, giảm 49,9% so cùng kỳ (trong đó, có 224 vụ do công an khám phá, giảm 53,6%), số đối tượng vi phạm bị bắt, giữ theo Luật là 345 người, giảm 65,3%. Lũy kế 2 tháng, toàn Thành phố đã phát hiện 691 vụ phạm pháp hình sự, giảm 38% so cùng kỳ (trong đó 555 vụ được công an khám phá, giảm 38,7%) và bắt, giữ theo Luật là 1.306 người, giảm 22,8%. Cũng trong tháng Hai, đã phát hiện 161 vụ phạm pháp kinh tế, giảm 60,6% so cùng kỳ; số đối tượng phạm pháp là 170 người, giảm 60,9% và thu nộp ngân sách 16,1 tỷ đồng. Lũy kế 2 tháng, toàn Thành phố đã xảy ra 567 vụ phạm pháp về kinh tế, giảm 8,3% so cùng kỳ năm trước; số đối tượng phạm pháp là 609 người, giảm 9% và thu nộp ngân sách 36,5 tỷ đồng.
 
Tệ nạn xã hội: Tháng Hai đã phát hiện 41 vụ cờ bạc, giảm 61% so cùng kỳ; số đối tượng bị bắt giữ 233 người, giảm 51,6%. Lũy kế, đã phát hiện 131 vụ cờ bạc, giảm 12,1% so cùng kỳ năm trước và 618 người bị bắt giữ, giảm 14,9% so cùng kỳ. Cũng trong tháng Hai, phát hiện 208 vụ buôn bán, tàng trữ và vận chuyển ma túy, bắt 255 đối tượng; Lũy kế 2 tháng, đã phát hiện 611 vụ và bắt 784 đối tượng, tăng 46,2% về số vụ và 53,1% về số đối tượng bị bắt so cùng kỳ năm trước.
 
Trật tự an toàn giao thông: Tháng Hai, toàn Thành phố đã xảy ra 113 vụ tai nạn giao thông, làm chết 47 người và bị thương 108 người. Lũy kế, đã xảy ra 238 vụ tai nạn, làm 96 người chết và bị thương 212 người, giảm 19,9% về số vụ tai nạn, 3% về số người chết và 8,2% số người bị thương so cùng kỳ năm trước.
 
 
7. Tài chính, tín dụng, thị trường chứng khoán
 
7.1. Tài chính
 
Ngay từ đầu năm, các giải pháp về thu ngân sách Nhà nước được các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ, khẩn trương. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn quý I đạt 44.921 tỷ đồng; đạt 26,5% dự toán, tăng 14,5% so với cùng kỳ, trong đó:  
 
- Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 3.200 tỷ đồng, đạt 21,3% dự toán năm, tăng 4% so với cùng kỳ
 
- Thu từ dầu thô 364 tỷ đồng, đạt 15,8% dự toán và bằng 27,3% so với cùng kỳ.
 
- Thu nội địa ước thực hiện 41.357 tỷ đồng, đạt 27,2% dự toán năm, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.
 
 Tổng chi ngân sách địa phương quý I ước thực hiện 11.448 tỷ đồng, đạt 15,5% dự toán và tăng 4,1% so với cùng kỳ, trong đó:
 
- Chi đầu tư phát triển là 4.889 tỷ đồng, đạt 15,7% dự toán và tăng 4,3% so với cùng kỳ.
 
- Các khoản chi thường xuyên ước thực hiện 6.559 tỷ đồng, đạt 16% dự toán năm, tăng 3,7% so với cùng kỳ.
 
7.2. Tín dụng
 
Nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tháng Ba tăng 0,5% so với thời điểm cuối tháng 12/2015 và tăng 1,2% so với cùng kỳ, đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh và các nhu cầu đầu tư khác cũng như đảm bảo về thanh khoản của các tổ chức tín dụng. Dư nợ tín dụng được cải thiện, tăng 1,2% so với thời điểm cuối tháng 12/2015 và tăng 1,2% so với cùng kỳ.
 
- Lãi suất huy động bằng VND tương đối ổn định. một vài ngân hàng điều chỉnh tăng, giảm nhẹ lãi suất huy động. Hiện, mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm
 
- Lãi suất cho vay bằng VND ổn định: Lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các NHTM nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.
 
7.3 Thị trường chứng khoán.
 
Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/3, trên cả hai sàn chứng khoán (HNX và Upcom) do Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội quản lý có 651 doanh nghiệp niêm yết (trong đó, HNX có 380 doanh nghiệp, Upcom có 271 doanh nghiệp), với giá trị niêm yết đạt 166.382 tỷ đồng, tăng 6,3% so đầu năm (trong đó, tại HNX đạt 107.336 tỷ đồng, tăng 1,3%; tại Upcom đạt 59.046 tỷ đồng, tăng 17%). Giá trị vốn hóa toàn thị trường đạt 232.444 tỷ đồng, tăng 9,3% so đầu năm (trong đó, tại HNX đạt 151.194 tỷ đồng, giảm 0,3% so đầu năm; tại Upcom đạt 81.250 tỷ đồng, tăng 33,1%).
 
Thị trường cổ phiếu niêm yết (HNX)
 
Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/3, chỉ số HNX-Index đạt 79,63 điểm, giảm 0,4% so đầu năm (chỉ số HNX30 đạt 142,29 điểm, tăng 0,8% so đầu năm).
 
Trong 11 phiên giao dịch đầu tháng Ba, khối lượng giao dịch tại HNX đạt 591 triệu CP được chuyển nhượng (trong đó, giao dịch khớp lệnh đạt 523 triệu CP; giao dịch thỏa thuận đạt 68 triệu CP), với giá trị chuyển nhượng đạt 6.371 tỷ đồng (trong đó, giao dịch khớp lệnh đạt 5.747 tỷ đồng; giao dịch thỏa thuận đạt 624 tỷ đồng). Bình quân một phiên giao dịch có 53,7 triệu CP được chuyển nhượng, với giá trị chuyển nhượng bình quân đạt 579,2 tỷ đồng, tăng 32,6% về khối lượng và 40,2% về giá trị so với bình quân chung tháng 2. Bình quân một phiên giao dịch của tháng Ba cao hơn so với tháng Hai do trong tháng Hai có kỳ nghỉ Tết kéo dài nên tâm lý giao dịch của các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng hơn.
 
Lũy kế từ đầu năm, khối lượng giao dịch đạt 2.121 triệu CP được chuyển nhượng, giá trị chuyển nhượng đạt 21.288 tỷ đồng, bằng 103,8% về khối lượng và 81,5% về giá trị so cùng kỳ năm trước.
 
Thị trường giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết (Upcom)
 
Trong 11 phiên giao dịch đầu tháng Ba, khối lượng giao dịch đạt 85 triệu CP được chuyển nhượng, với giá trị chuyển nhượng đạt 1.384 tỷ đồng. Bình quân một phiên có 7,7 triệu CP được chuyển nhượng, với giá trị chuyển nhượng bình quân đạt 125,8 tỷ đồng, tăng 54,9% về khối lượng và 114,5% về giá trị so bình quân chung tháng trước.
 
Lũy kế từ đầu năm, khối lượng giao dịch đạt 328 triệu CP, với giá trị giao dịch đạt 4.825 tỷ đồng, tăng 174,2% về khối lượng và 143,7% về giá trị so cùng kỳ năm trước.
 
Hoạt động cấp mã giao dịch và tài khoản của các nhà đầu tư
 
Tháng Hai, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã cấp được 82 mã số giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài (trong đó: Tổ chức 24; cá nhân 58). Lũy kế hai tháng đầu năm, VSD đã cấp được 231 mã số giao (trong đó, tổ chức 56; cá nhân 175). Đưa tổng số mã đã cấp đạt 18.752 mã (trong đó, tổ chức 2.864; cá nhân 15.888).

 


HNP


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật