Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 09/4/2010 của UBND thành phố Hà Nội (16:30 13/04/2010)


Về triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2010.


Tháng hành động vì trẻ em (Từ ngày 15/5 đến 30/6) là hoạt động cao điểm trong công tác BVCSTE. Năm 2010 là năm diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện quan trọng: Tổng kết Chỉ thị 55-CT/TW ngày 28/6/2000 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Chuẩn bị kế hoạch 5 năm, 10 năm cho các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và Thành phố; Tổng kết chương trình hành động Vì trẻ em giai đoạn 2001-2010 và xây dựng Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2011-2020; Xây dựng Chương trình quốc gia về bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015; Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và nhiều ngày kỷ niệm lớn của đất nước. Năm 2010, thế giới cũng đặc biệt nhấn mạnh tới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới đời sống của con người, trong đó có sự phát triển của trẻ em.

Căn cứ công văn số 766/LĐTBXH-BVCSTE ngày 17/3/2010 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc “Phối hợp chỉ đạo triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2010” và công văn số 109/BVCSTE-PTTG ngày 17/3/2010 của Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em về việc “Hướng dẫn triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2010”, UBND Thành phố Hà Nội triển khai kế hoạch thực hiện Tháng hành động vì trẻ em trên địa bàn Thành phố như sau:

I. MỤC ĐÍCH.

          - Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động và nâng cao trách nhiệm các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức kinh tế, xã hội về tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đối với sự phát triển của đất nước nói chung, của Thủ đô Hà Nội nói riêng. Từ đó, thúc đẩy phong trào toàn xã hội tham gia bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, giúp mọi trẻ em có cơ hội bình đẳng tiếp cận các dịch vụ xã hội để phát triển.

          - Nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, gia đình và trẻ em đối với việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.

          - Vận động nguồn lực trợ giúp trẻ em, chăm lo phát triển đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho trẻ em tại cộng đồng. Quan tâm xây dựng các công trình và có những sáng kiến vì trẻ em trong Tháng hành động vì trẻ em.

          - Thúc đẩy tính chủ động, tích cực, tự tin của trẻ em, tăng cường sự tham gia, được tiếng nói của mình trong các hoạt động của gia đình, nhà trường và xã hội.

II. YÊU CẦU – CHỈ TIÊU

          1. Yêu cầu:

          - Tổ chức triển khai các hoạt động phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương và cơ sở, đảm bảo thống nhất, an toàn, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm.

          - Tập trung các hoạt động hướng về cơ sở, phát huy tính sáng tạo và chủ động; Từ cơ sở giải quyết và tham mưu giải quyết có hiệu quả, dứt điểm, kịp thời các vụ việc xâm hại trẻ em và các vấn đề trọng điểm về công tác trẻ em tại địa phương.

          - 100% quận/huyện, các sở, ban ngành xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện Tháng hành động vì trẻ em.

          - 100% quận/huyện phát động tháng hành động vì trẻ em và triển khai các hoạt động hè, hoạt động vui Tết thiếu nhi 1/6 cho trẻ; 100% phường/xã tổ chức các hoạt động vui chơi an toàn, bổ ích cho trẻ em trong dịp hè.

          - Tháng hành động vì trẻ em cần quan tâm và ưu tiên đầu tư chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở địa bàn xa, khó khăn nơi có tỷ lệ cao về hộ nghèo và trẻ em đặc biệt khó khăn của Thành phố, của địa phương; Tránh phô trương, hình thức.

2. Một số chỉ tiêu cụ thể:

          - Phấn đấu mỗi quận, huyện tăng ít nhất 5% số điểm vui chơi được đầu tư nâng cấp và trang bị cơ sở vật chất dành cho trẻ em so với năm 2009.

          - 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm, tạo điều kiện và đảm bảo các quyền của trẻ trong việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục và phát triển.

          - Mỗi quận, huyện giảm ít nhất 5% tai nạn thương tích, đặc biệt không để xảy ra trường hợp trẻ bị tử vong trong hè; Trẻ em bị xâm hại/lạm dụng nghiêm trọng trên địa bàn, hỗ trợ kịp thời nhằm giảm tối đa tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (chú ý nhóm trẻ em sống trong các gia đình khó khăn, trẻ bị buôn bán, trẻ bị xâm hại tình dục, trẻ em lang thang, trẻ em phải lao động trong điều kiện độc hại, nguy hiểm, trẻ em làm việc trong các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, trẻ giúp việc gia đình, trẻ bị ảnh hưởng bới Ma túy, HIV …).

III. CHỦ ĐỀ VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG TRỌNG TÂM:

1. Chủ đề Tháng hành động vì trẻ em năm 2010:
“Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em”

2. Nội dung hoạt động:

          2.1. Rà soát các văn bản luật pháp, chính sách Trung ương, thành phố liên quan tới công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em để kịp thời tham mưu chỉnh sửa, bổ sung, kiến nghị các chính sách phù hợp tạo điều kiện cho mọi trẻ em có cơ hội bình đẳng tiếp cận các dịch vụ xã hội.

          2.2. Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 55-CT/TW ngày 28/6/2000 của Bộ chính trị về tăngc ường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đồng thời biểu dương những tấm lòng yêu trẻ.

          2.3. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền:

          - Tăng cường hoạt động truyền thông nhằm nâng cao mọi nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân, cho gia đình và cho trẻ về quyền và bổn phận của trẻ; Các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và chính sách, luật pháp của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

          - Phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng địa phương tuyên truyền về chủ đề, mục đích, khẩu hiệu, thông điệp Tháng hành động vì trẻ em năm 2010 bằng các hình thức đa dạng, phong phú như: băng rôn, áp phích, tờ rơi, tờ gấp, phóng sự … phù hợp với điều kiện của từng địa phương

          2.4. Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và tăng cường sự tham gia tích cực của trẻ em.

          - Tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em cấp Thành phố và quận/huyện với quy mô, hình thức phù hợp với điều kiện của địa phương; Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em cần gắn với triển khai các công trình Vì trẻ em trên địa bàn, tặng quà, trao học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt …

          - Giáo dục cho trẻ em kỹ năng biết tự bảo vệ mình, tránh được các nguy cơ bị lạm dụng sức lao động, bị xâm hại, biết tự phòng tránh tai nạn thương tích. Cung cấp kiến thức, kỹ năng cho trẻ em để thực hiên quyền tham gia, tiếp cận bình đẳng các dịch vụ xã hội, bày tỏ ý kiến và đóng góp xây dựng chương trình, kế hoạch liên quan đến trẻ em phù hợp với lứa tuổi. Đặc biệt, quan tâm tổ chức các hoạt động giao lưu giữa các nhóm trẻ em để giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tự tin và hòa nhập cộng đồng.

          - Tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ trẻ em, tổ chức các diễn đàn trẻ em (khuyến khích tổ chức tại cấp phường/xã) để trẻ được tham gia và bày tỏ ý kiến của mình.

           2.5. Tăng cường công tác rà soát, ngăn ngừa, phát hiện, giải quyết và trợ giúp hiệu quả những trường hợp vi phạm Luật BVCS&GĐ trẻ em, trẻ em bị xâm hại, lạm dụng;

           2.6. Triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe trẻ em: Tiêm phòng đầy đủ các loại Vacxin cho trẻ theo đúng độ tuổi, khám dinh dưỡng và tham gia “Ngày vì chất dinh dưỡng trẻ em”. Phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em và chăm sóc trẻ em tàn tật, khuyết tật.

            2.7. Tổ chức các hoạt động vận động xã hội.

          - Vận động ủng hộ nguồn lực xây dựng các mô hình điểm về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, xây dựng các công trình phúc lợi cho trẻ em, nhất là trẻ em vùng khó khăn, trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (xây dựng các điểm vui chơi giải trí; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học …)

          - Vận động gây quỹ tặng quà, trao học bỗng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ phẫu thuật, chỉnh hình cho trẻ em khuyết tật; vận động tổ chức, cá nhân đỡ đầu, giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

          2.8. Thành lập đội tình nguyện bảo vệ chăm sóc trẻ em tại các xã, phường với thành phần huy động là Đoàn viên Thanh niên và chính bản thân trẻ em tại cộng đồng tham gia. Đội tình nguyện có vai trò quan trọng trong việc phối hợp tổ chức các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em tại địa phương.

          2.9. Chỉ đạo, giám sát việc thực hiện Tháng hành động trẻ em.

          - Chỉ đạo cho các phường/xã, thị trấn xây dựng kế hoạch và triển khai tốt các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2010.

          - Tổ chức đánh giá Tháng hành động vì trẻ em: khen thưởng, tuyên dương những tập thể, cá nhân đã có nhiều thành tích trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

          Ủy ban nhân dân Thành phố giao trách nhiệm tổ chức Tháng hành động vì trẻ em như sau:

          1. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

          - Tổ chức phát động Tháng hành động vì trẻ em cấp Thành phố vào ngày 12/5/2010 và Triển khai thực hiện Tháng hành động Vì trẻ em năm 2010 theo kế hoạch.

          - Phối hợp với các Sở, ngành, đoàn thể liên quan trong việc thực hiện nhiệm vục của “Tháng hành động vì trẻ em” nhất là các hoạt động hè và nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6.

          - Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường chuyển tải các thông tin, sản xuất các sản phẩm truyền thông (tờ rơi, tờ gấp, tài liệu truyền thông …) tuyên truyền về Tháng hành động Vì trẻ em và công tác BVCSTE nói chung.
         

          - Tổ chức các lớp tập huấn đào tạo cho cán bộ cơ sở về công tác Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

          - Tăng cường công tác truyền thông trọng điểm phòng chống xâm hại/lạm dụng trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em tại cơ sở và triển khai các mô hình điểm về Bảo vệ trẻ em.

          - Khai trương hoạt động của Văn phòng tư vấn về BVCSTE Thành phố.

          - Đẩy mạnh công tác vận động Quỹ bảo trợ trẻ em và tổ chức trao tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong Tháng hành động vì trẻ em.

          - Kiểm tra, giám sát và tổng kết đánh giá Tháng hành động vì trẻ em.

          2. Đối với các Sở, ban, ngành Thành phố:

          Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể trong Tháng hành động vì trẻ em và Hè, đồng thời chỉ đạo hệ thống ngành dọc có hoạt động cao điểm thiết thực đóng góp cho hoạt động chung của Thành phố cụ thể:
          2.1. Sở Giáo dục-Đào tạo:

          Phối hợp tổ chức bàn giao và tiếp nhận trẻ em tham gia sinh hoạt hè giữa nhà trường và địa phương, tổ chức các hình thức ôn tập văn hóa phù hợp. Tăng cường tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, kỹ năng sống cho trẻ trước khi nghỉ hè.

          Chỉ đạo các nhà trường mở của nhà thể chất và phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục-thể thao tạo điều kiện cho trẻ em vui chơi an toàn

          2.2 Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch:

          Tập huấn văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho phụ trách thiếu nhi, tổ chức các cuộc thi văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao tại cơ sở.

          Mở các lớp năng khiếu TDTT tại các câu lạc bộ TDTT tạo điều kiện cho trẻ tham gia. Chỉ đạo và phối hợp với các địa phương tổ chức dậy bơi cho trẻ em để phòng tránh đuối nước.

          2.3. Sở Y tế:

          Tăng cường phòng chống dịch bệnh tại cơ sở, tổ chức có hiệu quả chiến dịch ngày vì chất dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em nói chung, trẻ em khuyết tật, tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng

          3. Đề nghị mặt trận tổ quốc Thành phố và các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức đoàn thể phát động và hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em cụ thể:

          - Mặt trận tổ quốc Thành phố chỉ đạo các tổ chức đoàn thể thành viên hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em, xây dựng, củng cố các công trình tại cộng đồng giành cho trẻ em.

          - Đoàn Thanh niên: Triển khai kế hoạch, tập huân hè, huy động đoàn viên tham gia phục trách, tổ chức các hoạt động sinh hoạt vui chơi giải trí cho trẻ em tại các địa phương. Thành lập đội hình Thanh niên tình nguyện bảo vệ chăm sóc trẻ em tại các xã, phường.

          Vận động các doanh nghiệp trẻ và đoàn thanh niên các quận, huyện, các trường học cao đẳng, các đơn vị thuộc khối công nhân viên chức mỗi đơn vị có ít nhất một công trình, một hoạt động cụ thể cho trẻ em nhân Tháng hành động vì trẻ em.

          - Hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh: Tổ chức các hoạt động nhằm tăng cường quản lý trẻ em, các lớp nữ công gia chánh cho trẻ em gái, các Câu lạc bộ theo sở thích, phối kết hợp tổ chức các hoạt động sinh hoạt cho trẻ tại địa bàn dân cư.

          - Hội chữ thập đỏ: Tổ chức các hoạt động tập huấn kiến thức phòng bệnh, sơ cấp cứu tai nạn thương tích và các hoạt động nhân đạo chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

          - Liên đoàn lao động: Vận động cán bộ công nhân viên tổ chức có các hoạt động cụ thể, thiết thực cho trẻ em, xây dựng công trình phúc lợi dành cho trẻ em.         

           4. Cấp quận/huyện:

          Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu UBND các quận/huyện, thị xã căn cứ vào kế hoạch của Thành phố, ban hành kế hoạch và phân công các ban, ngành, đoàn thể thực hiện kế hoạch Tháng hành động vì trẻ em.

          - Giao phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các quận/huyện là thường trực công tác giám sát, đánh giá hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em.

          - Chỉ đạo UBND các xã/phường, thị trấn rà soát lại các điểm vui chơi cộng đồng : kiên quyết tháo dỡ các điểm vui chơi bị hư hỏng, giải tỏa sự lấn chiếm, trả lại cảnh quan cho các điểm vui chơi tại cộng đồng.

          - Chỉ đạo công tác phòng ngừa tai nạn thương tích, rà soát bổ sung các biển báo, biển chỉ dẫn ở những nơi có nguy co xảy ra tai nạn thương tích, có phương án ngăn chặn trẻ em hoạt động không an toàn ở ao hồ, sông ngòi, công trình xây dựng dở dang, lòng đường …

          - Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng địa phương tăng cường chuyển tải thông tin, sản xuất các sản phẩm truyền thông (panô, áp phích, tài liệu truyền thông tin bài …) về các nội dung hoạt động Tháng hành động ví trẻ em.

         V. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN BÁO CÁO:

          UBND Thành phố giao cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan Thường trực Tháng hành động vì trẻ em, tổng hợp báo cáo UBND Thành phố và Bộ Lao động thương binh và Xã hội tình hình triển khai và kết quả thực hiện Tháng hành động vì trẻ em.

          UBND Thành phố yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận/huyện, thị xã thực hiện chế độ thông tin báo cáo như sau:

          - Xây dựng kế hoạch Tháng hành động vì trẻ em trước ngày 20/4/2009

          - Báo cáo kết quả thực hiện Tháng hành động vì trẻ em: chậm nhất là ngày 10/7/2009 (kèm phụ lục)

          (Báo cáo gửi về Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố- Số 75 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa-Điện thoại 37737493).
 


KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH

(Đã ký)
ĐÀO VĂN BÌNH

 
 


KH45.pdf


HNP


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật