Tình hình thương mại dịch vụ của Hà Nội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2015 (14:03 11/08/2015)


HNP- Cục Thống kê vừa có báo cáo về tình hình thương mại – dịch vụ tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2015 của Thủ đô Hà Nội. Trong tháng 7, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán ra và doanh thu dịch vụ ước đạt 152.963 tỷ đồng, tăng 1,2% so tháng trước và tăng 7,7% so cùng kỳ. Trong đó, tổng mức bán lẻ ước đạt 36.747 tỷ đồng, tăng 1,6% so tháng trước và 8,7% so cùng kỳ.


Lũy kế 7 tháng, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ ước đạt 1.041.534 tỷ đồng, tăng 10,2% so cùng kỳ. Trong đó, tổng mức bán lẻ ước đạt 246.732 tỷ đồng, tăng 10,1%. Trong tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ, kinh tế nhà nước chiếm 29,4% và tăng 7,2% so cùng kỳ; kinh tế ngoài nhà nước chiếm 65,6% và tăng 11,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 5% và tăng 5,4%.
 
 
Cũng trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 927 triệu USD, tăng 3,2% so tháng trước và giảm 7,4% so cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu địa phương ước đạt 679 triệu USD, tăng 3,2% so tháng trước và giảm 8% so cùng kỳ. Lũy kế từ đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6.235 triệu USD, giảm 2,1% so cùng kỳ, xuất khẩu địa phương ước đạt 4.427 triệu USD, giảm 1,5% so cùng kỳ.
 
Nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao so cùng kỳ là nhóm hàng thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh tăng 6,6%, máy móc thiết bị phụ tùng tăng 3,9%. Một số nhóm hàng xuất khẩu giảm là xăng dầu giảm 25,9%, phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 5,7%.
 
Kim ngạch nhập khẩu tháng Bảy ước đạt 2.267 triệu USD, giảm 1,7% so tháng trước và tăng 4,4% so cùng kỳ. Trong đó, nhập khẩu địa phương đạt 975 triệu USD, giảm 2% so tháng trước và tăng 5,6% so cùng kỳ. Lũy kế từ đầu năm, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 14.323 triệu USD, tăng 4,2% so cùng kỳ, nhập khẩu địa phương ước đạt 6.169 triệu USD, tăng 4,9% so cùng kỳ.
 
Mặt hàng nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ như phân bón tăng 13%; hóa chất tăng 19,4%; sắt thép tăng 17,2%; máy móc thiết bị và phụ tùng tăng 10,3%. Mặt hàng nhập khẩu giảm mạnh so cùng kỳ là xăng dầu, giảm 31,3%.
 
Về vận tải, khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 7 ước tăng 0,5% so tháng trước và tăng 7,6% so cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng 0,7% và 10,9%; doanh thu tăng 0,7% và 14,4%. Lũy kế từ đầu năm, khối lượng hàng hóa vận chuyển ước tăng 8,8%; khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng 11,6%; doanh thu tăng 13,8%.
 
Ước tính số lượng hành khách vận chuyển tháng Bảy tăng 1,1% so tháng trước và tăng 8,4% so cùng kỳ; số lượng hành khách luân chuyển tăng 1,8% và tăng 11,8%; doanh thu tăng 2,8% và tăng 17,1%. Lũy kế từ đầu năm, số lượng hành khách vận chuyển và luân chuyển ước tăng lần lượt là 10% và 11,8%; doanh thu tăng 14,6%.
 
 
Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng Bảy của Thủ đô tiếp tục tăng nhẹ và tăng ở hầu hết các nhóm hàng với 9/11 nhóm hàng có chỉ số tăng, với mức tăng 0,18% so tháng trước.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng trở lại là 0,13% do giá thịt lợn tại các chợ tăng nhẹ, giá rau củ tăng mạnh. Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,32% so tháng trước do bắt đầu vào mùa nắng nóng nên sản lượng tiêu thụ điện, nước của các hộ gia đình tăng khiến cho giá điện bình quân tăng. Nhóm giao thông, tuy trong kỳ đã có một lần điều chỉnh giảm giá xăng dầu là ngày 4/7 nhưng bình quân chung của nhóm này vẫn tăng 0,11% do giá xăng dầu được tính bình quân từ 16/6 đến 15/7, trong đó ngày 19/6 giá xăng dầu tăng.
 
Đối với chỉ số giá vàng và Đô la Mỹ, tháng 7 giá vàng trên thị trường Hà Nội đã giảm mạnh so với tháng trước, với mức giảm 3,75%. Giá vàng 99.99 bán ra trên thị trường tư nhân phổ biến ở mức 3.081 nghìn đồng/chỉ. Trái với diễn biến của giá vàng, giá Đô la Mỹ của các ngân hàng tháng này tiếp tục tăng nhưng mức tăng không đáng kể là 0,01%, giá đô la Mỹ bán ra của Ngân hàng Ngoại thương bình quân đạt 21.835 đồng/USD.
 

P. Trang


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật