Tình hình kinh tế - xã hội Chín tháng và tháng Chín năm 2014 (03:07 06/10/2014)


HNP - Cục Thống kê TP Hà Nội vừa có Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội Chín tháng và tháng Chín của Thành phố Hà Nội. Chín tháng đầu năm 2014, kinh tế Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn thách thức: tổng cầu tăng chậm, tăng trưởng tín dụng thấp, khách du lịch giảm... Song, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô, kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2014 đạt kết quả khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,9%; vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng 10,7%; tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 11,6%; kim ngạch xuất khẩu tăng 11,6%...


Một là về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), Chín tháng năm 2014 GRDP tăng 7,9% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị tăng thêm tập trung ở 3 nhóm ngành nghề  là ngành nông - lâm - thuỷ sản tăng 1.8% (đóng góp 0,1% vào mức tăng chung); ngành công nghiệp – xây dựng tăng tăng 8% (đóng góp 3,7% vào mức tăng chung) và ngành dịch vụ tăng 8,4% (đóng góp 4,1% vào mức tăng chung) so với cùng kỳ.

Về ngành nông – lâm – thuỷ sản: Vụ mùa năm 2014 đến thời điểm hiện tại tương đối thuận lợi về thời tiết, tạo điều kiện tốt cho cây trồng phát triển. Hiện nay, lúa mùa hầu hết đã trỗ bông, đang trong giai đoạn vào hạt, chắc xanh. Trà lúa sớm đã chín, chuẩn bị cho thu hoạch. Về tình hình sâu bệnh,  không có phát sinh các dịch bệnh lớn. Tình hình dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng và các bệnh truyền nhiễm thông thường không xảy ra, cơ bản ổn định. Từ đầu năm đến nay, chưa xảy ra úng ngập các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản tập trung chăm sóc cho diện tích nuôi trồng thuỷ sản hiện có, thường xuyên  đánh tỉa và thu hoạch liên tục, nên sản lượng nuôi trồng vẫn tăng khá so với cùng kỳ. Tiếp tục củng cố bờ bao, đê, kè phòng chống bão, úng cho những diện tích đang nuôi, thả do vậy sản lượng thuỷ sản tăng lên khá.

Về ngành công nghiệp – xây dựng: Sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong  9 tháng đầu năm 2014 không có biến động lớn, sản xuất vẫn duy trì đạt mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2013 trong bối cảnh chung các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, nền kinh tế trì trệ, phục hồi chạm chạp. Ngành xây dựng 9 tháng đầu năm 2014 ước tăng 9,0%, cao hơn cùng kỳ của hai năm trước (năm 2012 là 8,31%, và năm 2013 là 8,04%). Tuy nhiên, do cơ cấu ngành này chỉ chiếm khoảng 11% trong GRDP nên đóng góp vào tăng trưởng không nhiều.

Về nhóm các ngành dịch vụ: Thị trường bán buôn và bán lẻ không sôi động như những năm trước. Xuất khẩu có xu hướng phục hồi ở tất cả các khu vực kinh tế. Các ngành y tế, giáo dục, văn hóa tăng trưởng ổn định.

Hai là sản xuất công nghiệp tập trung vào 2 vấn đề là tình hình sản xuất kinh doanh và biến động lao động trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.

Về sản xuất kinh doanh: Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tháng Chín năm 2014 tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 6,9% o với cùng kỳ năm trước. Trong đó: công nghiệp khai khoáng giảm 75,9% và tăng 44,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,6% và tăng 6,9%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 2,6% và tăng 0,2%; cung cấp nước, xử lý nước thải và thu gom rác tăng 0,9% và tăng 3,2%.

Cộng dồn Chín tháng năm 2014, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 4,5% so cùng kỳ, trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 237,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,7%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 3,2%; cung cấp nước, xử lý nước thải và thu gom rác tăng 1,4%.

Bên cạnh một số ngành có tốc độ tăng chỉ số sản xuất cao so với tốc độ tăng chung của toàn ngành như: công nghiệp dệt tăng 8,1%; sản xuất trang phục tăng 28,6%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 63,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại tăng 6,1%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 5,6%; sản xuất xe có động cơ tăng 27,3%... Một số ngành vẫn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, lượng hàng tồn kho nhiều nên chỉ số sản xuất giảm so cùng kỳ năm trước như: chế biến thực phẩm giảm 3,1%; sản xuất đồ uống giảm 1%;sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 3,1%; sản xuất kim loại giảm 13,9%; sản xuất thiết bị điện giảm 7,7%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 6,8%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 6,2%...

Tháng Chín năm 2014 so với tháng trước, một số sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp Hà Nội tăng: thức ăn gia súc (tăng 6,2%), thuốc lá bao (tăng 1,6%), quần áo thể thao (tăng 17,7%), máy in-copy (tăng 4,1%), phụ tùng mô tô, xe máy (tăng 1,4%), phụ tùng của xe có động cơ (tăng 5,3%)...

Tám tháng đầu năm 2014, chỉ số tiêu thụ sản phẩm toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng khá cao là: sản xuất đồ uống tăng 2,2%; dệt tăng 18,7%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 2,6%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 11,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 1,8%; sản xuất xe có động cơ tăng 21,2%; sản xuất giuờng tủ bàn ghế tăng 17,7%... Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm như: sản xuất trang phục giảm 4,7%; sản xuất thuốc, hoá dược giảm 15,5%; sản xuất kim loại giảm 32%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 8,6%...

Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/9/2014 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,2% so với cùng thời điểm năm trước. Những ngành có chỉ số tồn kho giảm so cùng kỳ là: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 14,9%; sản xuất đồ uống giảm 32,7%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 13,1%; sản xuất thiết bị điện giảm 17,1%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 85,3%; sản xuất giường tủ bàn ghế giảm 38,5%... Một số ngành tồn kho vẫn khá cao so cùng thời điểm năm trước như: sản xuất thuốc lá tăng 66%, dệt tăng 52,2%; sản xuất trang phục tăng 13,1%, sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 17,3%, sản xuất cao su và plastic tăng 67,4%, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 32,9%, sản xuất xe có động cơ tăng 55,4%, sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 25,3%.

Về tình hình biến động lao động trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp: Tháng Chín năm 2014, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tăng 0,2% so với tháng trước và giảm 0,5% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước tăng 4,3% so cùng kỳ, khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 2,2% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 4,3%.

Một số ngành kinh tế có chỉ số sử dụng lao động trong tháng tăng so cùng kỳ gồm: chế biến thực phẩm (tăng 10,1%), sản xuất thuốc lá (tăng 21%), sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất (tăng 5,9%), sản xuất thuốc, hoá dược và duợc liệu (tăng 2,8%), sản xuất thiết bị điện (tăng 10,8%), sản xuất kim loại (7,9%), sản xuất thiết bị điện (tăng 5%), sản xuất xe có động cơ (tăng 15,3%), sản xuất giường tủ (tăng 17%)... Tuy nhiên, một số ngành, chỉ số sử dụng lao động giảm là: sản xuất đồ uống (giảm 7,1%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (giảm 3,6%), sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (giảm 13,5%), sản xuất phương tiện vận tải khác (giảm 4,7%)..

Ba là về xây dựng cơ bản, tập trung vào vốn đầu tư phát triển trên địa bàn hay còn gọi là vốn đầu tư xã hội và đầu tư trực tiếp nước ngoài, đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Theo đó, vốn đầu tư xã hội ước tính 9 tháng năm 2014 đạt 208.290 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn nhà nước trên địa bàn, tăng 7,6%; vốn ngoài nhà nước tăng 14,3%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 2% so với cùng kỳ.

Chia theo khoản mục đầu tư: vốn đầu tư xây dựng cơ bản, chiếm tỷ trọng 28,9%, tăng 29% so cùng kỳ năm trước; Vốn đầu tư mua sắm tài sản cố định dùng cho sản xuất, chiếm tỷ trọng 25%, tăng 10,3%; Vốn đầu tư sửa chữa lớn, nâng cấp tài sản, chiếm tỷ trọng 3,4%, tăng 9,4%; Vốn đầu tư bổ sung vốn lưu động, chiếm tỷ trọng 40,3%, tăng 1,3%; Vốn đầu tư khác, chiếm tỷ trọng 2,4%, tăng 2,1%.

Việc sử dụng vốn đầu tư tập trung vào 4 dự án chủ yếu trên địa bàn thành phố  gồm: Dự án thoát nước; Dự án tuyến đường sắt đô thị; Dự án xây dựng đường 5 kéo dài và Dự án đường vành đai 1.

Dự  án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội đã hoàn thành 5 gói thầu, gồm: xây dựng trạm bơm Yên Sở và bãi đổ; thiết bị trạm bơm Yên Sở và phụ tùng thay thế; cải tạo đường công vụ bờ phải sông Tô Lịch đoạn từ Hoàng Quốc Việt đến đường 70B và di chuyển hạ ngầm các công trình điện, nước, thông tin; cải tạo hồ 1; Mua sắm thiết bị, vận hành bảo dưỡng và phụ tùng thay thế. Ngoài ra, dự án này đang triển khai thi công 8 gói thầu gồm: Cải tạo kênh mương thoát nước lưu vực sông Tô Lịch; Cải tạo kênh mương thoát nước lưu vực sông Kim Ngưu; Thay thế cầu qua song Tô Lịch, Lừ, Sét và đường công vụ dọc sông Lừ, Sét; Cải tạo hồ 2, 3, 4; Xây dựng trạm xử lý nước thải hồ Bảy Mẫu; Xây dựng cống.

Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đang triển khai các gói thầu số 1, 2,4,5. Gói thầu số 1: Đã thi công 4/6 cọc, phần xây dựng đường vành đai II thi công cọc nhồi của trụ P345 tại nút giao Cầu Giấy. Triển khai rào để thi công khu gian đoạn từ ga S1 đến ga S2 và xin cấp phép rào các khu gian tiếp theo từ Nhổn – Daewoo. Gói thầu số 2: Các ga trên cao, nhà thầu đang triển khai thi công cọc đại trà trên 4 ga. Chuẩn bị thi công kết cấu bệ trụ ga S2, chuẩn bị thi công cọc nhồi ga S4. Gói thầu số 4: Hạ tầng kỹ thuật đề pô: nhà thầu đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng theo hợp đồng. Gói thầu số 5: các công trình kiến trúc đề pô: đã hoàn thành đúc cọc của tòa nhà số 7, nhà số 4… Đang tiếp tục hoàn thành thiết kế cọc đại trà của một số tòa nhà còn lại phục vụ đúc cọc.

Dự án xây dựng đường 5 kéo dài: các nhà thầu tập trung thiết bị, nhân lực, tài chính để đẩy nhanh tiến độ thi công. Hiện nay, dự án đang triển khai công tác thiết kế chiếu sáng trang trí cầu Đông Trù đảm bảo mỹ quan, hiện đại, phù hợp. Dự kiến thông xe kỹ thuật đường 5 kéo dài từ nút giao thông trung tâm quận Long Biên tới phía Bắc cầu Thăng Long vào 10/10/2014.

Dự án đường vành đai 1(đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái) đã hoàn thành công tác phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công điều chỉnh các gói thầu xây lắp theo hướng phù hợp và đồng bộ, khớp nối về hạ tầng kỹ thuật với đồ án qui hoạch tuyến phố hai bên đường.

Đối với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Chín tháng đầu năm 2014 ước đạt 910 triệu USD, tăng 10,2% so cùng kỳ năm 2013. Vốn giải ngân thực hiện của các doanh nghiệp nước ngoài ước đạt 680 triệu USD (bằng 98,1% so với cùng kỳ).

Về đăng ký thành lập doanh nghiệp: số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới theo luật doanh nghiệp là 10.421 doanh nghiệp. 8 tháng đầu năm có 8.254 doanh nghiệp ngừng hoạt động.

Bốn là về thương mại dịch vụ, trong đó tập trung vào các lĩnh vực: nội thương, ngoại thương, du lịch, giá cả thị trường và vận tải.

Nội thương tháng Chín năm 2014, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 1,4% so tháng trước (bán lẻ tăng 1,8%) và tăng 10,9% so cùng kỳ năm trước (bán lẻ tăng 12,3%). Do tháng Chín là mùa tựu trường nên thị trường các mặt hàng như sách, vở, đồ dùng học tập khá nhộn nhịp. Bên cạnh đó, các mặt hàng như bánh và đồ chơi phục vụ Tết Trung thu cũng bán khá chạy. Các nhãn hiệu bánh tên tuổi và các khách sạn, nhà hàng lớn đã cho ra mắt nhiều sản phẩm bánh Trung thu được khách hàng ưa chuộng. Đồ chơi truyền thống được cải tiến về mẫu mã với màu sắc bắt mắt và đặc biệt không sử dụng hóa chất độc hại đã thu hút nhiều khách hơn các năm trước. Ước tính 9 tháng đầu năm 2014, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 11,6% so cùng kỳ  năm trước, trong đó, bán lẻ tăng 11%.

Ngoại thương tháng Chín năm 2014, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng 0,4% so tháng trước,  trong đó, xuất khẩu địa phương tăng 0,5%. 9 tháng đầu năm 2014, ước tính kim ngạch xuất khẩu đạt 8182 triệu USD tăng 11,6% so cùng kỳ, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 8,8%. Một số nhóm hàng xuất khẩu tăng cao so cùng kỳ là: hàng điện tử (tăng 53,9%), giày dép các loại và sản phẩm từ da (tăng 45,5%), than đá (tăng 41,5%), thuỷ tinh và các sản phẩm từ thuỷ tinh (tăng 22,1%), hàng thủ công mỹ nghệ (tăng 18,8%), hàng nông sản (tăng 11,5%). Bên cạnh xuất khẩu thì kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn giảm 0,3%, trong đó, nhập khẩu địa phương giảm 0,2%. Dự kiến kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đạt 18.221 triệu USD tăng 6,4% so cùng kỳ, trong đó nhập khẩu địa phương ước tăng 7,2%. Trị giá nhập khẩu một số mặt hàng 9 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: hóa chất (tăng 4,6%), chất dẻo (tăng 11,9%), xăng dầu (tăng 7,5%)…

Du lịch tháng Chín năm 2014 nhìn chung khách quốc tế là giảm so với tháng Tám, khách Quốc tế  vào Hà Nội khoảng 136,6 nghìn lượt khách, giảm 2,5% so tháng trước và tăng 4,9% so cùng kỳ. Khách quốc tế lưu trú tại Hà Nội chia theo phương tiện đến như sau: bằng đường hàng không là 123,3 nghìn lượt người, giảm 0,7% so tháng trước; đến bằng đường biển, đường bộ 13,3 nghìn lượt người, giảm 16,5%. Tuy nhiên, khách nội địa đến Hà Nội tăng 1,3% so tháng trước và giảm 9,8% so cùng kỳ, doanh thu khách sạn, lữ hành tăng 0,5% so tháng trước và tăng 10,2% so cùng kỳ. Tổng kết 9 tháng năm 2014, lượng khách quốc tế lưu trú tại Hà Nội gần 1,5 triệu lượt người tăng 17,1% so cùng kỳ. Trong đó, khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng chiếm tỷ trọng 80,4%, tăng 16,4% so cùng kỳ, khách đến vì công việc chiếm tỷ trọng 16,3%, tăng 20,4%. Khách quốc tế lưu trú tại Hà Nội 9 tháng năm 2014 chia theo phương tiện đến như sau: bằng đường hàng không là 1191,9 nghìn lượt người, tăng 10,6% so với cùng kỳ; đến bằng đường biển, đường bộ 302,7 nghìn lượt người, tăng 52,4%. Trong 9 tháng năm 2014, khách quốc tế lưu trú tại Hà Nội đến từ một số thị trường so cùng kỳ tăng cao là: khách Hàn Quốc (tăng 47,9%), khách Anh (tăng 42,3%), khách Mỹ (tăng 23,3%), khách Thái Lan (tăng 20,9%), khách Pháp (tăng 36,9%)...Ước tính 9 tháng đầu năm 2014, khách nội địa đến Hà Nội giảm 0,6% so cùng kỳ năm trước.

Về giá cả thị trường: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm 2014 tăng 0,51% so với tháng trước và tăng 3,26% so cùng kỳ. Trong tháng này, nhóm có chỉ số giá tăng cao nhất là nhóm giáo dục, tăng 8,55%. Nguyên nhân là do tăng học phí các trường đại học, cao đẳng theo lộ trình tăng giá học phí theo Nghị định 49 của Thủ tướng Chính phủ. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,31% cũng góp phần làm cho chỉ số chung tăng (do nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có quyền số cao). Có 2 nhóm hàng có chỉ số giảm là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (giảm 0,91%). Nguyên nhân do giá gas, dầu hỏa giảm. Chỉ số giá nhóm giao thông giảm 1,96%, nguyên nhân do giá xăng dầu được điều chỉnh giảm 3 lần vào các ngày 18/8, 29/8 và 9/9. Trong tháng này, chỉ số giá vàng giảm 1,65% và chỉ số giá USD giảm 0,09% so với tháng trước.

Lĩnh vực vận tải tháng Chín năm 2014 nhìn chung là tăng so tháng trước, khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 0,4%; khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 0,9%; doanh thu vận chuyển hàng hoá, tăng 1,4%. Khối lượng hành khách vận chuyển tăng 1,2%; khối lượng hành khách luân chuyển tăng 1,7%; doanh thu vận chuyển hành khách tăng 1,6%. Dự kiến 9 tháng đầu năm 2014 so cùng kỳ năm trước, khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 9,3%; khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 10,5%; doanh thu vận chuyển hàng hoá tăng 11,4%. Khối lượng hành khách vận chuyển tăng 9,1%; khối lượng hành khách luân chuyển tăng 8,7%; doanh thu vận chuyển hành khách tăng 11,2%.

Năm là sản xuất nông nghiệp gồm 5 nội dung là cây hàng năm, cây lâu năm, lâm nghiệp và chăn nuôi thủy sản.

Đối với cây hàng năm: tổng diện tích gieo trồng vụ này đạt 121.730  ha, giảm 1,5 % so với cùng kỳ năm trước. Chia theo các nhóm cây: Lúa 101.102 ha, giảm 0,9%; ngô  4.271 ha, tăng 2,4 %. Nhóm cây chất bột có củ trồng được 3.156 ha, giảm 16,9%; trong đó: khoai lang 395 ha, giảm 12,8%, sắn 1.947 ha, giảm 8,9%; dong riềng 600 ha, giảm 34,4%. Nhóm cây có hạt chứa dầu 2.062 ha, giảm 23,7%, trong đó: đậu tương 1.459 ha, giảm  27,3%; lạc 589 ha, giảm 14%; vừng 15 ha, tăng 34,8%.  Nhóm rau, đậu, hoa, cây cảnh 9.692 ha, giảm 0,8%; trong đó, rau các loại 7.436 ha, giảm 2,3%; đậu các loại 430 ha, giảm 11,8%; hoa cây cảnh 1.826 ha, tăng 9,4%...

Về năng suất: Tình hình thời tiết khá thuận lợi, mưa, nắng đều tạo điều kiện cho một số diện tích lúa và hoa mầu, nhiều loại cây trồng như lúa, ngô, khoai lang, đậu tương, rau,… cho năng suất khá. Cụ thể: lúa 54,63 tạ/ha, tăng 5% tương đương tăng 2,6 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước; ngô 47,35 tạ/ha, giảm 2,1% tương đương giảm 0,99 tạ/ha; khoai lang 92,77 tạ/ha, giảm 2,2%, tương đương giảm 2,09 tạ/ha; đỗ tương 19,07 tạ/ha, tăng 8,1%, tương đương tăng 1,42 tạ/ha; Lạc 20,04 tạ/ha, tăng 4,8% tương đương tăng 0,91 tạ/ha; Rau 191,52 tạ/ha, giảm 0,4% tương đương giảm 0,72 tạ/ha…

Về sản lượng: lúa 552.271 tấn, tăng 4%; ngô 20.226 tấn, tăng 0,4%; đỗ tương 2.782 tấn, giảm 21,5%; rau các loại 142.414 tấn, giảm 2,7%; khoai lang 3.664 tấn, giảm 14,7%; dong riềng 12.276 tấn, giảm 30,5%; khoai sọ 831 tấn, tăng 25,8%, lạc 1.180 tấn, giảm 10%.

Đối với cây lâu năm: diện tích hiện có một số cây trồng chính: Xoài 422 ha, giảm 0,9%; chuối 2.963 ha, tăng 3,5%; dứa 309 ha, tăng 0,5%; cam  701 ha, tăng 0,9%; bưởi 2.660 tăng 6,8%; táo  660 ha, tăng 1,1%; nhãn 2.018 ha, giảm 0,6%…

Về sản lượng: Nhìn chung do thời tiết năm 2014 tương đối thuận lợi nên nhiều loại cây ăn quả cho sản lượng tăng khá hơn cùng kỳ. Cụ thể: Xoài 4.078 tấn, giảm 1,4%; chuối 51.244 tấn, tăng 2,2%; dứa 4.210 tấn, tăng 0,1%; cam, quýt 4.416 tấn, tăng 5,4%; bưởi 25.560 tấn, tăng 4,9%; táo 8.883 tấn, tăng 3%; Nhãn 23.885 tấn, tăng 4,5%; Vải 15.502 tấn, tăng 5%...

Lĩnh vực Lâm nghiệp: Diện tích rừng trồng mới 9 tháng năm 2014, ước đạt 232 ha, giảm 6,8% so với cả năm 2013, trong đó: rừng sản xuất trồng được 212 ha, rừng phòng hộ 20 ha (ở huyện Sóc Sơn). Diện tích rừng được chăm sóc 953 ha, giảm 0,9%, tại 6 huyện Sóc Sơn 111 ha, Gia Lâm 14 ha, Ba Vì 200 ha, Mê Linh 2 ha, Thạch Thất 411 ha, Chương Mỹ 215 Ha.  Diện tích rừng được giao khoán, bảo vệ  9.599 ha, giảm 4,3%. Số cây trồng phân tán ước đạt 857 ngàn cây, tăng 35,4%. Hiện nay, với tình hình khai thác lâm sản các địa phương đã tích cực khai thác, thu nhặt cây, cành gẫy đổ,  chặt cây đã đến tuổi khai thác, tỉa cành,…do vậy sản lượng gỗ cũng như lâm sản khác đều tăng hơn cùng kỳ. Sản lượng gỗ khai thác 9 tháng ước đạt 9.075 m3, tăng 6,6 % so với năm 2013, trong đó rừng trồng 9.075 m3, tăng 9,5%; Sản lượng củi 41.123 Ste, tăng 6,9%.

Đối với chăn nuôi, tình hình chăn nuôi 9 tháng đầu năm 2014, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng giảm, sản lượng gia cầm tăng, cụ thể:  Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 1.103 tấn, tăng 0,6%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước 7.117 tấn, tăng 1,3%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 225.032 tấn, giảm 0,5%; sản lượng thịt gà 47.000 tấn, tăng 7,7%; vịt 11.783 tấn, tăng 6,2%; ngan, ngỗng 2.132 tấn, giảm  1,6%. Sản lượng trứng gia cầm ước đạt gần 835 triệu quả, trong đó trứng gà  506.736 ngàn quả, tăng 8,9%; trứng vịt 322.667 ngàn quả, tăng 7,8%.

Về thủy sản, tổng sản lượng thuỷ sản 9 tháng 2014 ước đạt 57.906 tấn, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Chia theo loại thuỷ sản: Cá 57.110 tấn, tăng 7,9%; tôm 132 tấn, tăng 4,8%; các loại thuỷ sản khác 664 tấn, tăng 1,1%. Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản 9 tháng ước đạt 55.319 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ; trong đó: cá 55.300 tấn, tăng 8%; tôm nuôi ước đạt 7 tấn, bằng cùng kỳ trước; thuỷ sản khác 11,9 tấn, giảm 2,5%. Tổng sản lượng thuỷ sản khai thác 9 tháng ước đạt 2.588 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ; trong đó: sản lượng cá khai thác 1.810 tấn, tăng 3,4%; tôm 125 tấn, tăng 7,8%; thuỷ sản khác 652 tấn, tăng 5,5%.

Sáu là về tài chính – tín dụng, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực tài chính, tín dụng, thị trường chứng khoán, thị trường cổ phiếu niêm yết,  thị trường giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết và hoạt động cấp mã giao dịch.

Về tài chính: tổng thu ngân sách trên địa bàn ước tính 9 tháng năm 2014 đạt 92.508 tỷ đồng, đạt 73,3% dự toán năm, tăng 5,1% so cùng kỳ năm trước, trong đó: thu nội địa (không bao gồm khoản thu từ cổ tức và lợi nhuận còn lại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước) là 78.682 tỷ đồng, đạt 71,4% dự toán; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu  là 8.608 tỷ đồng, đạt 77,5% dự toán; thu từ dầu thô là 5.218 tỷ đồng, đạt 106,5% dự toán. Tổng chi ngân sách địa phương ước 9 tháng năm 2014 là 33.432 tỷ đồng, đạt 71,9%  dự toán, trong đó: chi ngân sách cấp Thành phố đạt 65,9%, chi ngân sách quận, huyện thị xã đạt 79,1%.

Về tín dụng: Dự kiến đến cuối tháng Chín năm 2014, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 1.124,7 nghìn tỷ đồng, tăng 0,5% so cuối tháng trước và tăng 7,5% so cuối năm 2013, trong đó, tiền gửi tiết kiệm tăng 1,2% và tăng 5,6%, tiền gửi thanh toán giảm 0,1% và tăng 6,8%. Tổng dư nợ cho vay tháng Chín năm 2014 đạt 975,2 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so cuối tháng trước và tăng 3,2% so cuối năm 2013, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 5,9% và tăng 0,2%, dư nợ trung và dài hạn tăng 0,2% và tăng 9,7%.

Về thị trường chứng khoán: Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/9, trên cả hai sàn giao dịch do Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội quản lý có 515 công ty niêm yết (trong đó: có 361 công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán tập trung - HNX và 154 công ty đăng ký giao dịch - Upcom), với giá trị niêm yết đạt 111.748 tỷ đồng, tăng 3,5% so với đầu năm (trong đó: HNX đạt 89.983 tỷ đồng; tăng 2,8% so với đầu năm và Upcom đạt 21.765 tỷ; tăng 6,6% so với đầu năm). Giá trị vốn hóa toàn thị trường có mức tăng đáng kể, so với đầu năm đã tăng 36,1% và đạt 180.485 tỷ đồng (trong đó: HNX tăng 35,2% và đạt 144.448 tỷ đồng; Upcom tăng 40% và đạt 36.037 tỷ đồng).

Đối với thị trường cổ phiếu niêm yết (HNX) do tình hình kinh tế ổn định, tổng cầu của nền kinh tế đã được cải thiện; lạm phát đã được kiểm soát; giá xăng dầu liên tục giảm trong thời gian gần đây; dòng vốn ngoại liên tục được đổ vào các Quỹ đầu tư và đặc biệt là thông tin Fitch dự kiến nâng hạng tín nhiệm Việt Nam lên BB- đã giúp cho thị trường chứng khoán khởi sắc trong suốt thời gian vừa qua. Trong 1 tháng giao dịch trở lại đây, TTCK đã có chuỗi tăng điểm khá ấn tượng khi chỉ có 3/22 phiên giảm điểm, thanh khoản thị trường đạt mức cao nhất trong hơn 1 năm trở lại đây. Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/9, chỉ số HNX-Index đạt 90,16 điểm, tăng 22,32 điểm tương 32,9% so với đầu năm (chỉ số HNX-30 đạt 187,79 điểm, tăng 60,48 điểm tương ứng 47,51% so với đầu năm). Trong 11 phiên giao dịch đầu tháng 9, khối lượng giao dịch đạt 1.068 triệu CP được chuyển nhượng với giá trị chuyển nhượng đạt 14.279 tỷ đồng (trong đó: giao dịch khớp lệnh đạt 1.027 triệu CP, giao dịch thỏa thuận đạt 41 triệu CP với giá trị giao dịch lần lượt là 13.597 tỷ và 682 tỷ đồng). Bình quân một phiên giao dịch, thị trường có 97 triệu CP được chuyển nhượng với giá trị bình quân là 1.298 tỷ đồng, tăng 55,1% về khối lượng và tăng 63,9% về giá trị so với bình quân chung tháng 8. Lũy kế từ đầu năm, khối lượng giao dịch đạt 12.009 tỷ đồng, tăng 59,5% so với cùng kỳ năm trước và giá trị giao dịch đạt 129.586 tỷ đồng, tăng 120,5% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết (Upcom), cùng chung với đà tăng của thị trường niêm yết, thị trường Upcom cũng có mức tăng khá ấn tượng trong thời gian vừa qua. Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/9 chỉ số Upcom-Index đạt 61,72 điểm, tăng 19,26 điểm tương ứng 45,36% so với đầu năm. Trong 11 phiên giao dịch đầu tháng 9 vừa qua, khối lượng giao dịch đạt 50,4 triệu CP được chuyển nhượng với giá trị chuyển nhượng đạt 490 tỷ đồng. Bình quân một phiên khối lượng giao dịch đạt 4,6 triệu CP được chuyển nhượng với giá trị chuyển nhượng bình quân đạt 44,5 tỷ đồng, tăng 48,9% về khối lượng và bằng 97,4% về giá trị so với bình quân chung tháng trước.

Về hoạt động cấp mã giao dịch, trong tháng 8/2014, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã cấp được 54 mã số giao dịch cho NĐT nước ngoài (trong đó: 33 cá nhân và 21 tổ chức). Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 8, VSD đã cấp được 560 mã (trong đó: 349 cá nhân và 211 tổ chức), đưa tổng số mã mà VSD đã cấp được cho các NĐT nước ngoài đạt 17.291 mã số giao dịch (trong đó: 14.810 cá nhân, 2.481 tổ chức). Số tài khoản giao dịch của các nhà đầu tư được cấp mới đạt 7.278 tài khoản (trong đó: cá nhân trong nước 7147; tổ chức trong nước 52; cá nhân nước ngoài 27; tổ chức nước ngoài 52); lũy kế từ đầu năm, số tài khoản được cấp mới đạt 79.596, tăng 66,9% so với cùng kỳ năm trước, đưa tổng số tài khoản giao dịch hiện có của các NĐT lên gần 1,4 triệu tài khoản.

Bên cạnh các vấn đề kinh tế, Báo cáo cũng cho biết thông tin liên quan về trật tự xã hội, an toàn giao thông tháng Chín và Chín tháng đầu năm 2014.

Trong tháng Tám năm 2014, trên địa bàn Thành phố đã phát hiện và xảy ra 520 vụ phạm pháp hình sự, so với cùng kỳ tăng 5,5%; với số đối tượng bị bắt giữ theo luật là 727 người, tăng 34,9%. Tính chung 8 tháng đầu năm 2014, đã phát hiện và xảy ra 3.803 vụ phạm pháp hình sự, giảm 1,7% so với cùng kỳ, với số đối tượng bị bắt giữ theo luật là 5.763 người, tăng 4,6%. Ngoài ra,  36 vụ cờ bạc bị phát hiện, tăng 6% so cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 8 tháng đã phát hiện 877 vụ cờ bạc, tăng 8,5% so cùng kỳ. Tổng  số vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy bị 294 vụ, 389 đối tượng. Cộng dồn 8 tháng có 1993 vụ buôn bán ma túy, giảm 19% so với cùng kỳ, số đối tượng bị bắt 2523 người giảm 15,2% so với cùng kỳ. Về tai nạn giao thông, toàn thành phố xảy ra 164 vụ tai nạn giao thông, làm 48 người chết, 165 người bị thương. Cộng dồn 8 tháng, toàn Thành phố đã xảy ra 1294 vụ tai nạn giao thông, làm 411 người chết, 1201 người bị thương. Trong 8 tháng đầu năm 2014, xảy ra 15 vụ cháy nổ, thiệt hại kinh tế 33,1 tỷ đồng.

 




 


Như Hoa (Theo Cục Thống kê Hà Nội)


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật