Tình hình KT - XH tháng mười hai và dự kiến năm 2006 (00:00 22/12/2006)


Năm 2006 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2006-2010. Hà Nội có đủ điều kiện và khả năng hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu, trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch ở mức cao. Dự kiến GDP tăng 11,5%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,5%, tổng mức hàng hoá và dịch vụ bán ra tăng 20,1%, trong đó bán lẻ tăng 21,3%, kim ngạch xuất khẩu tăng 25,0%, vốn đầu tư xã hội tăng 18,6%, thu ngân sách trên địa bàn tăng 13,5%, xây dựng mới 1,6 triệu m2 nhà ở.



1. Tổng sản phẩm nội địa Dự kiến tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm 2006 tăng 11,5% so với năm 2005, trong đó ngành nông, lâm, thuỷ sản tăng 1,1%, ngành công nghiệp, xây dựng tăng 13,0%, ngành thương mại, dịch vụ tăng 11,0%. Sản xuất nông nghiệp năm 2006 gặp khó khăn do diện tích đất canh tác thu hẹp, dịch bệnh ở đàn gia súc phát triển mạnh, chăn nuôi gia cầm chưa phục hồi. Chí phí sản xuất tiếp tục tăng so với trước. Dự báo trong năm nay và những năm tới, tốc độ tăng giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của ngành này chỉ phụ thuộc chủ yếu vào việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng. Sản xuất công nghiệp bắt đầu chịu sức ép của quá trình hội nhập, với việc cắt giảm thuế suất hàng nhập khẩu, trong khi việc tiêu thụ một số mặt hàng xuất khẩu còn bị áp thuế chống phá giá và các hàng rào kỹ thuật khác. Trong năm có khá nhiều doanh nghiệp chuyển đổi hình thức sở hữu, và mô hình tổ chức mới, vì vậy chưa phát huy được hiệu quả rõ nét trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2006, khu vực thương mại, dịch vụ tiếp tục có những bước phát triển mới với tổng mức bán ra tăng 20,1%, trong đó tổng mức bán lẻ tăng 21,3%, doanh thu du lịch tăng từ 20-22%, xuất khẩu tăng 25,0%, tổng vốn huy động tăng 32,3%. Dự kiến giá trị tăng thêm ngành thương mại tăng 10,2%, khách sạn nhà hàng tăng 10,1%, vận tải, kho bãi, bưu điện tăng 12,0%, tài chính, tín dụng tăng 18,3%. 2. Sản xuất công nghiệp Ước tính giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tháng 12 tăng 21,0% so tháng trước, trong đó kinh tế nhà nước tăng 14,4% (công nghiệp trung ương tăng 15,9%, công nghiệp nhà nước địa phương tăng 9,7%), kinh tế ngoài nhà nước tăng 7,3% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 34,9%. Dự kiến cả năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 16,5% so năm 2005, trong đó kinh tế nhà nước tăng 1,9% (công nghiệp trung ương tăng 0,9%, công nghiệp nhà nước địa phương tăng 5,3%), kinh tế ngoài nhà nước tăng 28,7% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 26,3%. Trong năm nay, sản xuất công nghiệp trên địa bàn có nhiều biến động với một số lượng lớn các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục ổn định mô hình tổ chức quản lý mới; đồng thời môi trường chính sách có nhiều thay đổi (trong đó có chính sách về thuế và xuất nhập khẩu) ảnh hưởng lớn đến sản xuất và tiêu thu sản phẩm công nghiệp. So với các năm trước thì năm 2006 cũng là năm thứ 2 liên tiếp giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng thấp (năm 2003 tăng 20,7%, năm 2004 tăng 20,0%, năm 2005 tăng 14,9%). * Giá trị sản xuất công nghiệp trung ương tháng 12 tăng 15,9% so tháng trước với 20/21 ngành sản xuất tăng, tập trung ở các ngành: sản xuất đồ da (tăng 44,4%), chế biến gỗ (tăng 78,6%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (tăng 42,9%), sản xuất sản phẩm bằng kim loại (tăng 48,6%), chế tạo máy móc thiết bị (tăng 40,5%), sản xuất xe có động cơ (84,5%)... Ngành sản xuất giảm là phân phối điện (giảm 4,0%). Dự kiến cả năm 2006, sản xuất công nghiệp trung ương tăng 0,9% so năm trước (có 7/22 ngành sản xuất giảm). Trong các ngành tăng, đáng chú ý nhất là ngành chế biến thực phẩm (tăng 9,5%), công nghiệp dệt (tăng 29,6%), sản xuất ti vi, thiết bị thông tin (tăng 11,7%). Trong năm 2006 các doanh nghiệp đã đầu tư 1112 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty rượu bia nước giải khát Hà nội đầu tư 462 tỷ đồng, Công ty Rượu Hà Nội 77 tỷ đồng, Nhà máy in tiền quốc gia 170 tỷ đồng, Công ty Thiết bị giao thông vận tải 55 tỷ đồng, công ty Cao su Sao Vàng 60 tỷ đồng. Trong 2 năm gần đây, một số lượng lớn các doanh nghiệp trung ương chuyển đổi hình thức sở hữu, vì vậy hiện nay chỉ còn 63 doanh nghiệp công nghiệp trung ương, chiếm tỷ trọng 37% giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn. * Giá trị sản xuất công nghiệp nhà nước địa phương tháng 12 tăng 9,7% so tháng trước, với 16/17 ngành tăng, trong đó các ngành sản xuất tăng khá là: sản xuất khoáng phi kim loại (tăng 62,6%), sản xuất phương tiện vận tải khác (tăng 31,2%). Dự kiến cả năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp nhà nước địa phương tăng 5,3% so năm trước với 12/19 ngành sản xuất tăng, trong đó chế biến thực phẩm tăng 20,6%, sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 53,0%, sản xuất tivi, thiết bị thông tin tăng 48,1%, sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 13,1%. Trong số 7 ngành giảm, có 2 ngành sản xuất giấy và sản xuất hoá chất do toàn bộ các doanh nghiệp đã chuyển sang hoạt động theo hình thức cổ phần, các ngành may mặc, dệt, da, giày, sản xuất chất khoáng phi kim loại tiếp tục có một số doanh nghiệp được cổ phần hoá trong năm 2006, nên kết quả sản xuất không được tính vào khu vực này. Như vậy, hiên nay chỉ còn 30 doanh nghiệp công nghiệp nhà nước địa phương, chiếm tỷ trọng 8,9% giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Số doanh nghiệp này trong năm 2006 đã đầu tư tổng số 534 tỷ đồng mở rộng sản xuất, và bước đầu đem lại hiệu quả tốt như: công ty Việt Hà đầu tư mới 100 tỷ đồng, ước tính sản xuất năm 2006 tăng 41,2% so cùng kỳ; Công ty Xuân Hoà đầu tư 13 tỷ đồng, sản xuất tăng 21,0%, Công ty xích líp Đông Anh đầu tư 25 tỷ đồng, sản xuất tăng 27,0%. * Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài nhà nước tháng 12 tăng 7,3% so tháng trước, trong đó công ty TNHH tư nhân tăng 8,0%, công ty cổ phần tăng 7,1%, doanh nghiệp tư nhân tăng 8,8%, hợp tác xã tăng 1,8% và hộ sản xuất cá thể tăng 6,4%. Dự kiến cả năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh tăng 28,7% so năm trước. Trong đó công ty TNHH tư nhân tăng 16,0%, công ty cổ phần tăng 62,0%, doanh nghiệp tư nhân tăng 0,4%, hợp tác xã tăng 15,1%, hộ cá thể tăng 7,9%. Trong năm 2006, nhiều doanh nghiệp được cổ phần hoá, nhà nước không còn giữ tỷ lệ chi phối, nên giá trị sản xuất được tính vào công nghiệp ngoài nhà nước. Hiện nay, các doanh nghiệp này chiếm tỷ trọng 25,5% giá trị sản xuất công nghiệp ngoài nhà nước và tăng 92,8% so năm 2005. * Giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tháng 12 tăng 34.9% so tháng trước với 18/20 ngành sản xuất tăng, trong đó một số ngành tăng khá là: công nghiệp dệt (tăng 212%), sản xuất trang phục (tăng 131,7%), chế biến gỗ (tăng 569,9%), sản xuất dụng cụ chính xác (tăng 158,5%), sản xuất xe có động cơ (tăng 292,4%), sản xuất giường tủ đồ khác (tăng 151,4%)... Hai ngành sản xuất giảm là: sản xuất cao su plastic (giảm 62%), sản xuất thiết bị văn phòng (giảm 15,8%). Dự kiến năm 2006 giá trị sản xuất công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 26,3% so năm trước với 15/20 ngành tăng. Hầu hết các ngành có tỷ trọng lớn đều đạt được mức tăng khá cao như sản xuất thiết bị văn phòng (tỷ trọng 19,0%, tăng 77,2%), sản xuất phương tiện vận tải khác (tỷ trọng 30,0%, tăng 20,8%), sản xuất thiết bị điện (tỷ trọng 9,1% tăng 34,3%), sản xuất sản phẩm bằng kim loại (tỷ trọng 4,7%, tăng 29,7%). Trong số các ngành giảm, đáng chú ý nhất là ngành sản xuất ti vi, TB thông tin (chiếm tỷ trọng 12,0% giá trị sản xuất của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài), giảm 5,0% do sản phẩm chủ yếu của ngành này là đèn hình và các linh kiện khác phục vụ xuất khẩu hiện đã lạc hậu về công nghệ và khó tìm được khách hàng tiêu thụ. Công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến nay đã có mặt ở hầu hết các lĩnh vực, tuy nhiên tốc độ tăng giảm chỉ phụ thuộc vào 6 nhóm ngành kể trên (chiếm tỷ trọng 83% giá trị sản xuất công nghiệp). 3. Vốn đầu tư * Vốn đầu tư phát triển ngân sách nhà nước địa phương: Tháng 12 năm 2006, vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách nhà nước địa phương đạt 380 tỷ đồng, tăng 8,5% so tháng trước. Dự kiến cả năm 2006, vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách nhà nước địa phương thực hiện được 6200 tỷ đồng, bằng 80,5% kế hoạch, nhưng tăng 13,8% so năm 2005. Năm nay, do công tác giải phóng mặt bằng tiếp tục chậm so kế hoạch, nên tiến độ các công trình lớn đều bị ảnh hưởng. Ngoài nguyên nhân giải phóng mặt bằng, những khó khăn về vốn của các đơn vị thi công và vấn đề thủ tục trong xây dựng cơ bản cũng là những khâu chính cần có biện pháp khắc phục, nhất là trong những năm về sau, khi yêu cầu về vốn đầu tư ngân sách tăng nhanh và đạt giá trị lớn. Trong tháng trước, do phải hạn chế việc di chuyển phương tiện thiết bị thi công để đảm bảo giao thông phục vụ hội nghị APEC, nên tiến độ thi công các công trình trong nội thành bị chậm lại, đến nay mới được đẩy mạnh. Tiến độ một số công trình lớn: - Đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa: hiện còn 10 chủ đất chưa bàn giao mặt bằng, trong đó có 1 đơn vị quân đội. Dự kiến trước Tết Đinh Hợi sẽ cơ bản hoàn thành phần đường với 6 làn xe, trong đó đưa vào sử dụng toàn bộ các hạng mục 570m đầu tuyến. - Nút giao thông Kim Liên: Nhà thầu đang thi công hệ thống dầm đỡ đường sắt, gia công nền đất phục vụ thi công hầm xe cơ giới và triển khai tuyến thoát nước. - Nút giao thông Ngã Tư Sở: Nhà thầu đang thi công tuyến đường Láng, Trường Chinh, Nguyễn Trãi, Tây Sơn, và dự kiến hoàn thành trước 1/1/2007. Riêng hầm cho người đi bộ dự kiến hoàn thành trong quý I năm 2007. * Huy động vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Dự kiến cả năm 2006 Hà Nội thu hút được 182 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (bao gồm cả thành lập mới và bổ sung vốn), với tổng số vốn đăng ký 1120 triệu USD. Trong năm đã cấp giấy phép đầu tư cho dự án phát triển khu đô thị Tây Hồ Tây với tổng số vốn 314 triệu USD, Công ty TNHH Panasonic Communications với 76 triệu USD, công ty TNHH Panasonics Electronic Devices với 50 triệu USD, cấp giấy phép điều chỉnh tăng vốn cho công ty Panasonic Vietnam (tăng 41 triệu USD), công ty Canon Việt Nam (70 triệu USD), Yamaha motor (43 triệu USD). Như vậy đến cuối năm Hà Nội sẽ có tổng số 832 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực với số vốn đăng ký 10,3 tỷ USD. * Vốn đầu tư xã hội : Dự kiến vốn đầu tư xã hội năm 2006 là 41606 tỷ đồng, tăng 18,6% so năm 2005, trong đó vốn đầu tư nhà nước tăng 14,9%, vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước tăng 12,0%, vốn đầu tư của kinh tế ngoài nhà nước tăng 21,5%, và vốn đầu tư nước ngoài tăng 32,5%. * Xây dựng nhà ở : Năm 2006, Hà Nội hoàn thành 1620 nghìn m2 nhà ở, tăng 15,7% kế hoạch năm và tăng 7,4% so năm 2005, bao gồm 533 nghìn m2 (3472 căn hộ) do các đơn vị trung ương thực hiện, 587 nghìn m2 (4276 căn hộ) do các đơn vị địa phương thực hiện và 500 nghìn m2 nhà dân tự xây. Trong tổng số, có 207 nghìn m2 nhà với 2059 căn hộ chung cư phục cụ cho công tác di dân giải phóng mặt bằng của các dự án trên địa bàn Thành phố. 4. Thương mại - dịch vụ * Nội thương: Tổng mức bán và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn Hà Nội tháng 12 năm 2006 tăng 2,3% so tháng trước và tăng 20,8% so cùng kỳ năm trước trong đó bán lẻ tăng 2,1% so tháng trước và tăng 20,7% so cùng kỳ. Dự kiến cả năm 2006, tổng mức bán ra trên địa bàn Hà Nội tăng 20,1% so cùng kỳ, trong đó bán lẻ tăng 21,3% (nếu loại trừ yếu tố giá thì tổng mức bán lẻ tăng 11,6%). Doanh thu bán buôn và dịch vụ cho sản xuất của Hà Nội vài năm trở lại đây đều đạt mức tăng trên 20% phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế trên địa bàn và các tỉnh, thành phố phía Bắc. Với sự xuất hiện của các hình thức kinh doanh bán lẻ mới, có tính hấp dẫn, tiện dụng cao, và sự hình thành một số khu kinh doanh, tuyến phố ẩm thực, buôn bán phục vụ nhu cầu mua sắm, ăn uống, vui chơi, giải trí hoạt động về đêm, thị trường bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng được phát triển, mở rộng cả về chiều sâu và chiều rộng. Ước tính trong năm nay sẽ có thêm 2000 doanh nghiệp và 3-3,5 nghìn cơ sở cá thể kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. * Ngoại thương: Ước tính kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tháng 12 đạt 333,7 triệu USD, tăng 0,9% so tháng trước, trong đó xuất khẩu địa phương giảm 0,3%, kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn đạt 1081,1 triệu USD, tăng 2,0% so tháng trước, trong đó nhập khẩu địa phương đạt 377,8 triệu USD, tăng 1,2%. Tháng này, hoạt động xuất nhập khẩu khá, do các hàng nông sản đang được xuất khẩu mạnh và có lợi về giá, máy in phun cũng tăng tốc xuất khẩu về cuối năm. Dự kiến cả năm 2006, kim ngạch xuất khẩu đạt 3576 triệu USD, tăng 25,0% so năm trước, trong đó xuất khẩu địa phương đạt 1941,0 triệu USD, tăng 37,3%, kim ngạch nhập khẩu đạt 12334 triệu USD, tăng 17,3%, trong đó nhập khẩu địa phương đạt 4238 triệu USD, tăng 15,1%. Như vậy, năm nay là năm thứ 2 liên tiếp Hà Nội đạt vượt mức mục tiêu kế hoạch đề ra và sau 3 năm cả kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đã tăng gần gấp đôi. Trong tổng số kim ngạch xuất khẩu, kinh tế nhà nước chiếm tỷ trọng 52,8%, đạt tốc độ tăng 14,2%, kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng 9,7%, đạt tốc độ tăng 17,1% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 37,6%, tăng 47,2%. Do đạt được tốc độ tăng cao và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đóng góp đáng kể trong việc hoàn thành vượt mức kế hoạch xuất khẩu năm nay của Thành phố. Cũng trong tổng số kim ngạch xuất khẩu, các nhóm hàng nông sản, may mặc, giầy dép, thủ công mỹ nghệ, điện tử có tốc độ tăng thấp, thậm chí giảm so với năm trước. Đây là những nhóm hàng Hà Nội không có lợi thế xuất khẩu và đang bị các rào cản thương mại quốc tế làm ảnh hưởng. Mặc dù vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn (tổng số 5 nhóm là 46,2% kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn), nhưng dự báo trong những năm tới các nhóm hàng này không còn khả năng duy trì tốc độ xuất khẩu như hiện nay. Ngược lại, các nhóm hàng khác (kim ngạch xuất khẩu 840,1 triệu USD, chiếm tỷ trọng 23,5%) và máy in (701 triệu USD, tỷ trọng 19,6%) đạt tốc độ tăng khá cao (tốc độ tăng tương ứng là 51,9% và 68,7%). * Du lịch: Tháng 12 năm 2006 khách quốc tế đến Hà Nội khoảng 100 ngàn lượt tăng 13-15% so tháng trước, khách nội địa tăng 10% so tháng trước và tăng 12% so cùng kỳ năm trước. Ước tính năm 2006 Hà Nội đón 5850 nghìn lượt khách du lịch, tăng 13,0% so năm trước, trong đó có 1150 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 5,0% và 4700 nghìn lượt khách nội địa, tăng 17,0%. Doanh thu du lịch cả năm ước tính tăng từ 20-22% so năm trước. Du lịch Hà Nội trong những năm qua luôn đạt được tốc độ tăng nhanh cả về lượng khách lẫn doanh thu, do cơ sở vật chất được đầu tư quy mô lớn, hạ tầng về giao thông tốt, môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, đồng thời có nhiều sự kiến văn hoá, chính trị lớn, mang tầm vóc quốc tế được tổ chức. Tuy nhiên, hạn chế lớn của Hà Nội là không có nhiều điểm tham quan du lịch đặc sắc, điểm vui chơi, giải trí được đầu tư quy mô, chương trình du lịch tham quan tại Hà Nội không đặc sắc và ít đổi mới. Đồng thời số lượng khách sạn cao cấp còn ít, tình trạng quá tải về buồng phòng thường xuyên xảy ra, nhất là trong các dịp tổ chức sự kiện lớn, khiến nhiều tour du lịch phải huỷ bỏ. Hà Nội vẫn chỉ được coi là điểm trung chuyển chứ chưa phải là địa chỉ tham quan và nghỉ ngơi hấp dẫn đối với khách du lịch. * Vận tải, bưu chính, viễn thông: Ước tính trong tháng 12, khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 1% so tháng trước, hàng hoá luân chuyển tăng 1,3%, hành khách vận chuyển tăng 1,1%, hành khách luân chuyển tăng 1,3%. Dự kiến cả năm 2006, khối lượng hàng hoá vận chuyển đạt 34,4 triệu tấn, tăng 9,6% so năm 2005, hàng hoá luân chuyển đạt 9054,3 triệu tấn.Km, tăng 15,9%, khối lượng hành khách vận chuyển đạt 406,1 triệu lượt, tăng 7,7%, khối lượng hành khách luân chuyển đạt 4882,6 triệu HK.Km, tăng 13,7%. Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ước tính đạt 370 triệu lượt, doanh thu khoảng 200 tỷ đồng. Đến nay Hà Nội đã có 48 tuyến xe buýt nội tỉnh với chiều dài tuyến 1000 km, 6 tuyến xe buýt kế cận, 9 tuyến xe đã được xã hội hoá với sự tham gia của các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Ước tính doanh thu bưu chính, viễn thông năm 2006 đạt 4813 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm trước. Số thuê bao điện thoại phát triển mới đạt 218,4 nghìn thuê bao, tăng 0,3% so năm 2005, trong đó điện thoại cố định tăng 77,5 nghìn chiếc, tăng 5,3%. Dịch vụ Internet phát triển mạnh với 22,9 nghìn thuê báo phát triển mới, tăng 311,7% so năm 2005. Hiện nay các mạng điện thoại di động đều tìm cách thu hút khách hàng bằng các biện pháp khuyến mại và giảm giá cước quy mô lớn. Tuy nhiên với số lượng 42 máy/100 dân đến cuối năm 2006, có thể nói thị trường viễn thông đã bão hoà. Số thuê bao bị khoá 2 chiều luôn luôn chiếm khoảng 1/3 số thuê bao. * Giá cả - thị trường: Dự báo chỉ số giá tháng 12 tăng 0,78% so tháng trước, trong đó nhóm hàng thực phẩm tăng 0,57%, nhóm hàng lương thực tăng 6,23% do có tin về khả năng mất mùa trên diện rộng ở các tỉnh phía nam vì sâu bệnh làm cho giá các loại gạo tăng đột biến. Dự kiến cả năm 2006, tốc độ tăng giá là 7,36% (bình quân 1 tháng 0,59%). Mức tăng này thấp hơn so với năm 2005 là 9,46%. 5. Sản xuất nông nghiệp * Sản xuất vụ mùa: Từ đầu vụ đến nay nền nhiệt độ cao, ánh sáng tốt, thuận mưa. Tuy vậy, những trận mưa lớn kéo dài vào các ngày 17, 18, 19, 20 tháng 8 đã gây ngập úng làm mất trắng 210 ha lúa, 112 ha hoa, 34 ha rau (của huyện Từ Liêm, quận Tây Hồ và quận Long Biên). Tình hình sâu bệnh và chuột phá phát triển mạnh: chủ yếu là sâu cuốn lá, sâu đục thân và khô vằn, ốc bươu vàng, chuột, rầy nâu... Sơ bộ đánh giá kết quả một số cây trồng chủ yếu vụ mùa 2006 như sau: Lúa đạt năng suất 37,72 tạ/ha (giảm 2,14% so cùng kỳ) trên diện tích 23348 ha (giảm 3,26%); ngô đạt năng suất 31,6 tạ/ha (tăng 9,8%) trên diện tích 596 ha (tăng 156%); rau các loại đạt năng suất 214,5 tạ/ha (tăng 5,8%) trên diện tích 700 ha (tăng 2,8%)... * Chăn nuôi: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã phát hiện dịch lở mồm long móng trên gia súc ở quận Tây Hồ và các huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì. Thành phố đã khoanh vùng bao vây khống chế không cho dịch lan sang các vùng khác và tiêm phòng vacxin lở mồm long móng cho gia súc ở các xã, phường lân cận. Đối với gia súc bị bệnh, tiến hành tiêu huỷ và chữa trị: Toàn Thành phố đã tiêu huỷ 1279 con lợn trên tổng số lợn mắc bệnh là 1305 con và 18 con trâu bò trên tổng số 573 con mắc bệnh. *Dự kiến giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản năm 2006: so với năm 2005 tăng 1,54% trong đó trồng trọt tăng 0,2%, chăn nuôi tăng 2,78%, dịch vụ nông nghiệp tăng 3,98%, thuỷ sản tăng 4,93% và lâm nghiệp giảm 6,31%. Sản lượng thóc đạt 184,5 ngàn tấn (giảm 2,71% so năm trước) trên diện tích 44 ngàn ha (giảm 2,16%); ngô đạt sản lượng 28 ngàn tấn (tăng 7,4%) trên diện tích 8,9 ngàn ha (tăng 0,9%); rau các loại đạt sản lượng 152,9 ngàn tấn (tăng 1,55%) trên diện tích 7,9 ngàn ha (giảm 2,89%) do áp dụng giống mới và thay đổi cơ cấu, trồng những loại rau có năng suất cao. 6. Các vấn đề xã hội. * Dân số: Dự kiến dân số trung bình 2006 toàn Thành phố Hà Nội là 3272 ngàn người, tăng 2,8% so năm trước trong đó tăng chủ yếu là do người các tỉnh chuyển đến làm ăn, sinh sống và học tập. Số trẻ em sinh ra trong năm gần 52 ngàn cháu, tỷ suất sinh là 15,9%O giảm 0,01%O so kế hoạch đề ra. * Đời sống dân cư: Năm 2006 tương đối ổn định và có xu hướng đi lên. Trong năm Thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập để xoá đói giảm nghèo một cách bền vững. Dự kiến năm 2006, toàn Thành phố giảm 7000 hộ nghèo (theo chuẩn mới) đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 4,13% xuống còn 3,1% tổng số hộ toàn Thành phố, đồng thời đảm bảo các đối tượng cứu trợ xã hội như người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ mồ côi không nguồn nuôi dưỡng, người tàn tật trong các gia đình nghèo đều được hưởng chính sách trợ giúp thường xuyên, được hỗ trợ trong học tập, tạo việc làm và hoà nhập cộng đồng. Đối với các đối tượng chính sách xã hội (các gia đình liệt sỹ, thương binh, người có công với cách mạng và các đối tượng chính sách khác) đều được quan tâm chu đáo trong các dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm 59 năm ngày thương binh liệt sỹ 27/7/2006, Quốc khánh 2/9... Đối với công nhân viên chức và người lao động hưởng lương, Nhà nước điều chỉnh tăng lương cơ bản từ tháng 10 năm 2006 từ 350 ngàn đồng lên lên 450 ngàn đồng mức lương tối thiểu, góp phần tạo sự ổn định và cải thiện cho đối tượng làm công hưởng lương trong điều kiện giá cả thị trường biến động tăng lớn trong năm. Đối với nông dân, năm 2006 gặp nhiều khó khăn do dịch lở mồm long móng trong chăn nuôi gia súc và thời tiết có một số bất lợi cho cây trồng phát triển (mưa to gây ngập úng hồi tháng 8, mưa đá gây hại cây trồng tháng 11...), song do có sự đầu tư chuyển dịch cơ cấu cây trồng và áp dụng tiến bộ mới của bà con nông dân ngoại thành nên sản xuất vẫn đạt giá trị khá (tăng 1,54% so năm trước) và đời sống của bà con nông dân vẫn được ổn định và có chiều hướng đi lên rõ rệt nhất là ở những nơi có phát triển thêm ngành nghề mới khả năng sinh lời cao (thủ công mỹ nghệ, mở rộng làng nghề truyền thống...). Dự tính cả năm 2006 Thành phố Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 82 ngàn người lao động * Giáo dục: Năm 2006 - 2007 giáo dục Thủ đô hưởng ứng cuộc vận động “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” của toàn ngành đã đổi mới cơ bản công tác thi đua khen thưởng nâng cao chất lượng và vai trò của công tác thanh tra, kết hợp xây dựng các điển hình tiên tiến và đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trong toàn ngành giáo dục Thủ đô. Đánh giá chung về quy mô giáo dục Hà Nội năm 2006 vẫn tiếp tục giữ vững và mở rộng ở một số bậc, ngành học: giáo dục mầm non phát triển hơn so các năm trước đạt tỷ lệ 17% số trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ; 87,7% trẻ trong độ tuổi đi học mẫu giáo (tăng 5% so năm trước); 99,9% số trẻ 5 tuổi ra lớp mẫu giáo. Giáo dục phổ thông: 99,9% số trẻ đến tuổi vào học lớp 1; 91% học sinh tiểu học được học hai buổi /ngày (tăng 0,6%); 35,9% học sinh trung học cơ sở học hai buổi /ngày (tăng 8,4%); 94% học sinh lớp 9 vào học lớp 10; 98,5% học sinh lớp 12 tốt nghiệp trung học phổ thông. Giáo dục thường xuyên được duy trì và phát triển với 16 trung tâm giáo dục thường xuyên, 12 trường bổ túc văn hoá và 150 trung tâm học tập cộng đồng tại các quận, huyện. Công tác chống mù chữ và tái mù chữ được chỉ đạo tốt trong đó công tác xoá mù chữ triệt để cho thanh niên và người lao động độ tuổi 15-35 được hoàn thành ở 189 xã, phường, thị trấn. Công tác đào tạo từ xa và bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học tiếp tục được chỉ đạo có hiệu quả với 93 trung tâm ngoại ngữ và 82 trung tâm tin học. * Hoạt động văn hoá thông tin: Năm 2006 diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng và nhiều ngày kỷ niệm lớn, do vậy ngành văn hoá thông tin Thành phố tiếp tục tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh đô thị, công tác tổng vệ sinh toàn Thành phố, phòng chống tệ nạn xã hội và các nhiệm vụ kinh tế - chính trị xã hội khác của địa phương: phát hành tập san, thông tin tuyên truyền trên các hình thức phát thanh, truyền hình, cờ, băng rôn, khẩu hiệu, panô..., vận động nhân dân, cơ quan tổ chức treo cờ Tổ quốc; tổ chức biểu diễn văn nghệ tuyên truyền xung kích, diễu hành cổ động trên đường phố; tổ chức sinh hoạt các câu lạc bộ. Đặc biệt trong năm có các hoạt động phục vụ cho các hội nghị của tổ chức APEC: hội nghị Bộ trưởng tài chính APEC, hội nghị các doanh nghiệp thành viên APEC và hội nghị cấp cao APEC... * Hoạt động thể dục thể thao của Thủ đô 2006 có nhiều thành tích: Hoạt động thể thao quần chúng tiếp tục được duy trì và phát triển với tỷ lệ người luyện tập thể thao thường xuyên đạt 28,3%, tỷ lệ gia đình thể thao đạt 20,58%, tỷ lệ trường dậy nội khoá thể dục thể thao tốt đạt 97%. Trong năm 2006 Thành phố thực hiện kiểm tra tiên tiến thể dục thể thao các trường học có 335 trường đạt tiên tiến về thể dục thể thao cấp Thành phố. Các cơ sở, xã phường quận, huyện đều tổ chức các giải thể thao quần chúng với tổng số 3061 cuộc. Đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho vận động viên huấn luyện trong nước và đáp ứng yêu cầu theo đúng hợp đồng giữa Hà Nội với các trung tâm đào tạo các tỉnh, thành phố trong cả nước mà Hà Nội cử vận động viên đi tập huấn lâu dài. Phối hợp với Liên đoàn Lao Động Thành phố tổ chức các giải thi đấu công đoàn viên chức Thủ đô với các môn thi kéo co, cầu lông, bóng chuyền, bóng bàn...góp phần đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao và xây dựng nếp sống, thói quen rèn luyện thân thể trong công nhân viên chức lao động Thủ đô. Phối hợp với Thành đoàn tổ chức hội khoẻ thanh niên cấp Thành phố 2006. Phối hợp với Bộ giáo dục và đào tạo tổ chức đại hội TDTT sinh viên Đông Nam Á tháng 12 năm 2006, đặc trách lễ khai mạc, bế mạc đại hội. Tổ chức lớp tập huấn hè cho 300 hướng dẫn viên của 14 quận, huyện và 12 trường trung học phổ thông, tổ chức thành công các môn thi đấu hè: Taekwondo, đá cầu, bóng chuyền, bơi, thể dục nhịp điệu, bóng đá, wushu... Hoạt động thể thao thành tích cao của Hà Nội năm 2006 được đầu tư khoa học và có chiều sâu về chất lượng vận động viên, tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất tốt nhất để phát huy năng khiếu và khả năng thi đấu giành thành tích cao của các vận động viên: Đã mời 40 chuyên gia và trợ lý chuyên gia huấn luyện các bộ môn nhảy cầu, bơi lội, lặn, điền kinh, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, kiếm, judo, đua thuyền, canoeing, bóng ném, vật..., mời 40 chuyên gia huấn luyện cho vận động viên Việt Nam tại các địa điểm tập huấn ở nước ngoài (Trung Quốc, Thái Lan...) các vận động viên đỉnh cao của Hà Nội ngoài tham gia Đại hội TDTT toàn quốc còn tham gia đội tuyển quốc gia dự ASIAD 15 tại Quatar - Doha và sẽ tham dự SEAGAME 24 tại Thái Lan vào 2007. Tính đến 14/12/2006 thể thao Thành phố Hà Nội đã đạt được 665 huy chương, trong đó 281 huy chương vàng, 193 huy chương bạc, 191 huy chương đồng. Tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ V năm 2006, đoàn Hà Nội vững vàng ở vị trí dẫn đầu với tổng số 341 huy chương (tăng 83 huy chương so Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ IV), trong đó 148 huy chương vàng, 112 huy chương bạc, 81 huy chương đồng. *Công tác y tế: năm 2006, ngành y tế Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực với mạng lưới y tế được củng cố, cơ sở vật chất được tăng cường, các hình thức dịch vụ y tế trong khám chữa bệnh, phòng bệnh và cung ứng thuốc được đa dạng hoá và từng bước được nâng cao trong phạm vi toàn Thành phố. Công tác phòng chống dịch bệnh được chỉ đạo triển khai chủ động và đồng bộ với nhiều chương trình y tế: phòng chống dịch bệnh Đông xuân, phòng chống dịch bệnh mùa hè, kế hoạch hưởng ứng tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm... Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, hoạt động của hệ thống mạng lưới giám sát dịch, phối hợp chặt chẽ giữa hệ dự phòng và điều trị, chuẩn bị sẵn cơ số thuốc, hoá chất, phương tiện và kế hoạch phòng chống dịch, đã phòng và dập được các dịch lớn trong năm: dịch cúm gia cầm và viêm phổi do virus, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ,... Đặc biệt trong tháng 11/2006, khi diễn ra hội nghị Thượng đỉnh APEC, ngành y tế Hà Nội đã chỉ đạo nghiêm túc công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, tiến hành thanh tra kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đồ ăn uống, các chợ đầu mối, các trung tâm kinh doanh thực phẩm, nhà ga, bến xe, sân bay Quốc tế... bảo đảm không để xảy ra vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tính đến 5/12/2006 luỹ tích số người nhiễm HIV là 11501 người, số bệnh nhân AIDS là 3145 người, số tử vong là 1604 người. Đối tượng nhiễm HIV là người trẻ tuổi ngày càng cao. Ngành y tế Hà Nội đã chỉ đạo triển khai công tác quản lý chăm sóc, tư vấn cho người nhiễm HIV tại cộng đồng (năm 2006 có hơn 8700 lượt người được tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ), công tác điều trị bằng thuốc ARV cũng được triển khai ở các Quận, huyện đáp ứng 25% người bệnh có nhu cầu. * Trật tự an toàn xã hội: 11 tháng năm 2006 trên địa bàn Hà Nội phát hiện và xảy ra 5972 vụ phạm pháp hình sự (giảm 0,9% so cùng kỳ năm trước), có 4893 đối tượng bị bắt giữ theo luật (tăng 2%). Tổng số vụ vi phạm kinh tế và xâm phạm tài sản Xã hội chủ nghĩa là 548 vụ (tăng 29% so cùng kỳ năm trước) với 679 đối tượng vi phạm (tăng 28%). Số vụ buôn bán tàng trữ vận chuyển ma tuý trong 11 tháng là 1860 vụ (tăng 8,4%), bắt giữ 2417 đối tượng (tăng 10,7%). Tổng số vụ tai nạn giao thông 11 tháng 2006 là 810 vụ (giảm 16% so cùng kỳ năm trước) làm 396 người chết (giảm 3%) làm bị thương 609 người (giảm 22%).11 tháng xảy ra 139 vụ cháy nổ (giảm 21%) làm chết 8 người và làm bị thương 29 người. 6. Tài chính tín dụng * Tài chính: Ước tính thu ngân sách trên địa bàn năm 2006 đạt 35017 tỷ đồng, đạt dự toán năm và tăng 13,9% so năm 2005. Trong năm nay, trừ khoản thu thuế công thương vượt 11,5% dự toán và tăng 37,1% so năm 2005, thu XN quốc doanh trung ương đạt 100,2% dự toán và tăng 6,5%, các khoản thu khác đều không đạt dự toán, trong đó: thu hải quan đạt 84,6% dự toán do thuế suất nhiều mặt hàng nhập khẩu được cắt giảm, thu thuế của các doanh nghiệp nhà nước trung ương đạt 98,7% và địa phương đạt 79,4% do số lượng lớn các doanh nghiệp này đã chuyển sang công ty cổ phần, thu phí và lệ phí đạt 87,2%, thuế trước bạ đạt 92,2%... Chi ngân sách địa phương đạt 10919 tỷ đồng, bằng 88,1% dự toán, tăng 4,0%, trong đó lớn nhất là chi xây dựng cơ bản đạt 6312 tỷ đồng, bằng 88,2% so dự toán năm 2006 và tăng 37,9% so năm 2005, chi thường xuyên đạt 3750 tỷ đồng, tăng 22,1% so dự toán và tăng 6,2% so năm 2005. * Tín dụng- ngân hàng: Dự kiến đến hết năm nay tổng vốn huy động đạt 231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 32,3% so với tháng 12 năm 2005, trong đó tiền gửi của dân cư tăng 32,84%. Huy động vốn bằng ngoại tệ tăng chậm hơn so với nội tệ do hiện nay lãi suất không cao và đồng ngoại tệ chủ yếu là USD đang mất giá so với các đồng tiền khác. Vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm 31,1% tổng vốn huy động và tăng 27,7%. Tổng dư nợ cho vay đạt 116,2 nghìn tỷ đồng, tăng 26,4% so với cuối năm 2005, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 35,1%, dư nợ trung và dài hạn tăng 14,1%. Do đang có xu hướng thắt chặt hoạt động tín dụng để kiểm soát nợ xuất, đặc biệt với các khoản vay trung và dài hạn, đồng thời khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp còn yếu, tình hình tài chính không lành mạnh, nên tỷ lệ sử dụng vốn huy động cho vay trực tiếp của các ngân hàng thương mại chỉ đạt hơn 50% so với nguồn vốn huy động.


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật