Câu hỏi: Đề nghị UBND Thành phố cho biết nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan nào để xảy ra vi phạm về xây dựng và giải pháp khắc phục trong thời gian tới (15:27 12/12/2016)


Qua báo cáo và khảo sát cho thấy nhiều dự án xây dựng, công trình cao tầng vi phạm về quy hoạch, số tầng, chiều cao, mật độ xây dựng, diện tích sàn, sử dụng sai công năng so với thiết kế được duyệt không được xử lý kịp thời, dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh dẫn đến công trình vi phạm nghiêm trọng…việc xử lý cưỡng chế phá dỡ rất khó khăn, gây thiệt hại cho xã hội và mất ổn định tình hình an ninh trật tự tại khu vực. Đề nghị UBND Thành phố cho biết nguyên nhân? trách nhiệm của cơ quan nào để xảy ra vi phạm? Giải pháp khắc phục trong thời gian tới?     


Trả lời:
1. Nguyên nhân: 
- Một số chủ đầu tư dù biết xây dựng sai phép, sai quy hoạch nhưng vẫn cố tình vi phạm trật tự xây dựng, không chấp hành các Quyết định của các cơ quan chức năng và tìm mọi cách để chống đối gây khó khăn trong quá trình xử lý.
- Một số công trình có vi phạm nhưng lực lượng Thanh tra xây dựng phát hiện chậm, báo cáo chưa kịp thời với cơ quan cấp trên để có biện pháp xử lý. Một số công trình đã vi phạm chỉ đến khi công trình hoàn thiện và đưa vào sử dụng mới kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ xử lý vi phạm dẫn đến gây khó khăn trong việc phải cưỡng chế phá dỡ, hậu quả khó khắc phục (Ví dụ: 93 Lò Đúc; Dự án Đại Thanh; 8B Lê Trực, số 3 ngõ 8 Lý Nam Đế ...). 
- Công tác quản lý trật tự xây dựng của chính quyền địa phương còn thiếu đội ngũ quản lý địa bàn sau khi Thanh tra xây dựng đã bàn giao từ UBND quận, huyện, thị xã và UBND xã, phường, thị trấn về Sở Xây dựng quản lý từ tháng 3/2014 nên chính quyền địa phương thiếu người thực hiện; Các quyết định xử phạt vi phạm hành chính không kịp thời. Khi công trình vi phạm bị phát hiện, lập biên bản, chính quyền địa phương đã ban hành Quyết định đình chỉ, song các chủ đầu tư không thực hiện; Chính quyền địa phương chưa kiên quyết trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn; Chưa kịp thời chỉ đạo Công an phường, chính quyền phường, xã chưa thực hiện đúng quy định là cấm thợ, xe chuyển vật tư, vật liệu, cắt điện, nước vào công trình vi phạm. 
- Một số bộ phận không nhỏ cán bộ thanh tra xây dựng còn cố tình bao che hoặc có phát hiện nhưng không báo cáo, đùn đẩy trách nhiệm; một số còn hạn chế về kinh nghiệm, ý thức trách nhiệm chưa cao; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ hạn chế, đặc biệt trong việc kiểm tra dự án..., chưa đáp ứng được yêu cầu về công việc khi thực hiện nhiệm vụ được giao, chậm tham mưu ban hành các Quyết định hành chính, chậm áp dụng các biện pháp ngăn chặn để chủ đầu tư tiếp tục thi công xây dựng.
- Quy trình xử lý vi phạm về trật tự xây dựng đối với các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp, đất rừng, đất công chưa đồng bộ về trình tự, thời gian và thẩm quyền xử lý như Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007; Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013; Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ. Do vậy, quan điểm chỉ đạo xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng của một số quận, huyện, thị xã áp dụng giải quyết khác nhau không tạo nên sự thống nhất chung. Có nơi áp dụng Nghị định 180/2007/NĐ-CP, có nơi áp dụng Nghị định 102/2014/NĐ-CP trong xử lý vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai; các phòng ban được giao bán chuyên trách giải quyết công việc kéo dài như Phòng Tư pháp…, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn tại chậm được khắc phục, ảnh hưởng đến quá trình xử lý vi phạm về trật tự xây dựng.
 
2. Trách nhiệm:
Để tồn đọng các công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn mà chưa kịp thời xử lý hoặc chậm trễ xử lý trách nhiệm thuộc:
- UBND cấp xã được quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 180/2007/NĐ-CP.  Khoản 1 Điều 4, Quy chế phối hợp trong công tác quản lý trật tự xây dựng ban hành kèm theo Quyết định 09/2014/QĐ-UBND của UBND Thành phố.
- UBND cấp huyện được quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 180/2007/NĐ-CP.  Khoản 2 Điều 4, Quy chế phối hợp trong công tác quản lý trật tự xây dựng ban hành kèm theo Quyết định 09/2014/QĐ-UBND của 
- Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội (trực tiếp là các Đội Thanh tra xây dựng địa bàn) theo quy định tại Điều 11 tại Nghị định 180/2007/NĐ-CP.  Khoản 3, Điều 4, Khoản 4 Điều 4 theo Quy chế phối hợp trong công tác quản lý trật tự xây dựng ban hành kèm theo Quyết định 09/2014/QĐ-UBND của UBND Thành phố.
 
3. Giải pháp khắc phục trong thời gian tới:
- Thực hiện Quyết định số 3973/QĐ-UBND ngày 20/7/2016 của Chủ tịch ủy ban nhân dân Thành phố về việc giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, điều hành trực tiếp Đội Thanh tra Xây dựng địa bàn để thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng từ ngày 01/9/2016.
- Thanh tra xây dựng và chính quyền cấp xã cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý vi phạm ngay từ khi mới phát sinh.
- Kiện toàn tổ chức bộ máy của lực lượng Thanh tra xây dựng theo hướng giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, điều hành trực tiếp Đội Thanh tra Xây dựng địa bàn để thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng. 
- Sửa đổi, bổ sung quyết định số 09/2014/QĐ-UBND ngày 14/2/2014 về quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng và ban hành “Quy định về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố”, trong đó quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng.
- Kiến nghị sửa đổi Nghị định 180/2007/NĐ-CP; Nghị định 121/2013/NĐ-CP; Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, đất đai cho đồng nhất. Đặc biệt cần tăng cường các chế tài xử phạt để đủ sức răn đe đối với các tổ chức, cá nhân có công trình vi phạm trật tự xây dựng.
 

HNP


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật