Kết quả thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu năm 2014 (14:52 08/06/2015)


HNP - Theo Báo cáo của Sở Công thương, năm 2014, Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP Hà Nội đã đạt được một số kết quả.


Qua đánh giá cho thấy, năm 2014, kinh tế thế giới phục hồi chậm so với dự báo. Trong nước, kinh tế cơ bản ổn định, làm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế có phục hồi. Tuy nhiên môi trường kinh doanh và năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn, thị trường và sức mua phục hồi chậm đã ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ,… Song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Công thương, UBND TP Hà Nội và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô, kinh tế xã hội năm 2014 đạt kết quả khá: Tổng sản phẩm nội địa (GRDP) tăng 8,8%; giá trị tăng thêm ngành dịch vụ tăng 9,6%; tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 12,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 11,7%, chỉ số sản xuất công nghiệp cộng dồn cả năm 2014 tăng 4,6%; vốn đầu tư phát triển trên địa bàn TP Hà Nội tăng 12,1%.

Tình hình giá cả thị trường năm 2014 tương đối ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng năm 2014 chỉ tăng 4,75% so với năm 2013, trong đó có đến 4 tháng chỉ số giá giảm, tại các tháng cao điểm hàng năm như tháng phục vụ Tết, mùa khai giảng chỉ số giá tăng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, các tháng còn lại tăng dưới 0,2%.

Năm 2014, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ đạt 1.838 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so cùng kỳ, trong đó, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ 428,681 nghìn tỷ đồng, tăng 12,2%.

Kết quả về công tác chỉ đạo điều hành:


Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố tại các công văn số 2815/UBND-CT ngày 22/4/2013 về việc xây dựng chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố năm 2014, Sở Công thương đã chủ động xây dựng dự thảo, lấy ý kiến của các sở, ban, ngành và tham mưu UBND Thành phố phê duyệt Quyết định số 2924/QĐ-UBND ngày 29/5/2014 về việc phê duyệt kế hoạch bình ổn thị trường trên địa bàn Thành phố năm 2014; tạm ứng vốn cho 12 doanh nghiệp để thực hiện dự trữ hàng hóa phục vụ công tác bình ổn giá trên địa bàn TP năm 2014 theo Quyết định số 4740/QĐ-UBND ngày 17/9/2014. Năm 2014, Chương trình bình ổn thị trường được triển khai theo 3 hình thức (tạm ứng vốn lãi suất 0%, kết nối ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi, tham gia thực hiện chương trình không tạm ứng vốn). Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình khoảng 869 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 30-35% nhu cầu các nhóm hàng bình ổn giá trong 1 tháng, đảm bảo thực hiện được nhiệm vụ định hướng ổn định thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP Hà Nội trong năm 2014.

Về công tác giải ngân vốn:


Đối với hình thức 1, sau khi UBND Thành phố ban hành Quyết định tạm ứng vốn cho các doanh nghiệp để thực hiện dự trữ hàng hóa phục vụ công tác bình ổn giá, Liên Sở Tài chính – Công thương đã ký cam kết trách nhiệm và bàn giao giấy tờ, hồ sơ đảm bảo vốn được tạm ứng với các doanh nghiệp. Theo đó, Sở Tài chính chuyển vốn tạm ứng cho các DN làm 2 lần theo quy định. Tuy nhiên, chỉ có 12 doanh nghiệp được UBND Thành phố phê duyệt hoàn thiện đủ giấy tờ, hồ sơ đảm bảo vốn tạm ứng, 1 DN không hoàn thiện đầy đủ hồ sơ là Công ty CP Xuất khẩu thực phẩm.


Đối với hình thức 2 – kết nối ngân hàng vay vốn với lãi suất ưu đãi: Trong năm 2014, Sở Công thương đã nhận đăng ký của các ngân hàng về các gói tín dụng cho vay với lãi suất ưu đãi, đồng thời có văn bản về việc báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh và đăng ký tham gia chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Đã có 4 ngân hàng đăng ký tham gia là Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Cầu Giấy, Ngân hàng TMCP Đông Á, chi nhánh Hà Nội (500 tỷ); Ngân hàng  Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Tràng An (200 tỷ), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – chi nhánh Hoàn Kiếm để triển khai cho các doanh nghiệp vay vốn thực hiện chương trình bình ổn giá và trong cáclĩnh vực sản xuất, khai khoáng, nông lâm nghiệp, xây dựng, cơ khí, phân phối, kho bãi, bán buôn bán lẻ, kinh doanh xuất nhập khẩu,…

Về hàng hóa thiết yếu bình ổn giá:


Căn cứ Quyết định phân bổ vốn tạm ứng của UBND Thành phố, Liên Sở Công thương – Tài chính đã xem xét và phân bổ cơ cấu và số lượng hàng hóa cho 12 doanh nghiệp để luôn đảm bảo tổng lượng hàng hóa theo phương án Thành phố, cụ thể: Gạo trắng thường 68.000 tấn; Thủy hải sản 200 tấn; Thịt lợn 900 tấn; Dầu ăn 1.500.000 lít; Thịt gà, vịt 450 tấn; Trứng gia cầm 5,5 triệu quả; Rau, củ 1.500 tấn.


Các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá trên địa bàn Thành phố bên cạnh việc dự trữ đúng lượng hàng hóa bình ổn đã cam kết tương ứng với số vốn 276,75 tỷ đồng. Bằng các nguồn vốn huy động khác, các doanh nghiệp đã chủ động dự trữ số lượng hàng gấp đôi so với số lượng hàng hóa thiết yếu được giao dự trữ với số tiền lên đến 500 tỷ đồng đối với 7 nhóm hàng (gạo tẻ, thịt lợn, thịt bò, thịt gà, trứng gia cầm, thủy hải sản tươi, đông lạnh, rau củ tươi) và chủ động bình ổn giá thêm đối với 02 nhóm hàng đường, thực phẩm chế biến để đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân (Tổng Công ty Thương mại Hà Nội).

Ngoài ra, Sở Công thương và Sở Tài chính đã xem xét và chấp thuận cho 01 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá nhưng không tạm ứng vốn: Công ty TNHH 1 TV Coop Hoàng Mai. Công ty đã thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Thành phố về đăng ký giá và bán đúng giá được Sở Tài chính chấp thuận.

Tại các điểm bán hàng, các doanh nghiệp tổ chức bán đúng các mặt hàng thiết yếu đã cam kết. Hàng hóa tại các điểm bán nhìn chung phong phú, đa dạng, có bao bì, nhãn mác ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng. Đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau, củ, thịt lợn, thịt gà đều có nguồn gốc xuấ xứ rõ ràng, có bao gói, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Doanh nghiệp tổ chức bán ra thường xuyên, liên tục tại các điểm bán hàng bình ổn giá, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá bán, đặc biệt các thời điểm xảy ra thiên tai, mưa bão, những ngày lễ, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán.

Các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá cũng đã chủ động khai thác nguồn hàng từ các tỉnh, thành phố khác nhằm bù đắp lượng hàng hóa Hà Nội không tự chủ động được hoặc trong các thời điểm nguồn cung khó khăn như mặt hàng thịt lợn, thịt gà, rau củ, trứng gia cầm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn Thành phố như Tổng Công ty thương mại Hà Nội, Công ty TNHH Hải Anh, Công ty CP sản xuất và thương mại An Việt…

Về giá cả hàng hóa:


Các doanh nghiệp đã nghiêm chỉnh thực hiện đăng ký giá bán với Sở Tài chính. Tại các điểm bán hàng, các doanh nghiệp đã thực hiện niêm yết giá và bán theo đúng giá được Sở Tài chính chấp thuận. Đối với các điểm bán hàng là siêu thị, cửa hàng tiện ích giá hàng hóa được niệm yết ngay trên sản phẩm và có bảng niêm yết chung, còn đối với các điểm bán cửa hàng, quầy hàng thì đều đã có bảng niêm yết giá chung để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết. Giá tương đối ổn định, không có tình trạng tăng giá bất thường, đặc biệt trong những dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán.


Sở Công thương và Sở Tài chính thường xuyên có thông tin, trao đổi để nắm bắt tình hình giá cả thị trường từ đó kịp thời có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp điều chỉnh giá sát với giá thị trường. Cụ thể, chương trình năm 2014, Liên Sở đã 02 lần có văn bản đề nghị doanh nghiệp điều chỉnh giảm giá đối với mặt hàng bình ổn: Lần 1: giảm 5% đối với một số mặt hàng rau củ; lần 2 giảm 20% đối với một số mặt hàng rau củ.

Về điểm bán hàng bình ổn giá:


Năm 2014, các doanh nghiệp đăng ký bán hàng bình ổn tại 600 điểm bán, trong đó 393 điểm tại các quận nội thành, 207 điểm bán tại các huyện ngoại thành, 235 bếp ăn tập thể và khoảng 1.600 điểm bán hàng liên doanh liên kết và điểm bán cùng hưởng lợi trong chính sách bình ổn giá trên địa bàn với giá bán ổn định và chất lượng đảm bảo.

Ngay từ những ngày đầu thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường, Sở Công thương Hà Nội tham mưu UBND Thành phố thông qua và thống nhất logo riêng của chương trình bình ổn thị trường của TP Hà Nội.


Việc các doanh nghiệp tham gia chương trình đã nghiêm túc thực hiện việc treo biển nhận diện tại các điểm bán hàng, vị trí các khu vực bày bán hàng hóa thuộc danh mục bình ổn, bảng niêm yết giá chi tiết các mặt hàng này đã khiến cho người dân dễ dàng nhận biết và mua được các sản phẩm này.


Các doanh nghiệp cũng chủ động mở rộng mạng lưới điểm bán hàng bình ổn giá, đặc biệt điểm bán hàng ở các huyện ngoại thành thông qua nhiều hình thức: Tổ chức phiên chợ Việt, bán hàng lưu động, đưa hàng bình ổn giá về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất: trong năm 2014, các doanh nghiệp tổ chức được 720 chuyến đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất, kết hợp với thực hiện chương trình bình ổn giá của UBND Thành phố với tổng doanh thu thực hiện đạt hơn 12,4 tỷ đồng, bao gồm: Tổ chức 34 phiên chợ Việt do Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cùng các đơn vị thành viên thực hiện, tổng doanh số thực hiện 2,98 tỷ đồng.


Tổ chức 526 chuyến bán hàng lưu động với tổng doanh thu đạt 9,425 tỷ đồng, cụ thể: Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cùng các đơn vị thành viên thực hiện 160 chuyến bán hàng lưu động, tập trung vào các huyện khu vực ngoại thành; tổng doanh số đạt trên 1,2 tỷ đồng.


Công ty TNHH NN MTV Đầu tư và Phát triển NN Hà Nội thực hiện 95 chuyến bán hàng tại quận Bắc Từ Liêm; KCN Bắc Thăng Long – Đông Anh, KCN vừa và nhỏ Minh Khai, tổng doanh số đạt 870 triệu đồng. Công ty CP Intimex thực hiện 14 chuyến bán hàng tại các xã của huyện Thanh Trì, tổng doanh số đạt 350 triệu đồng. Công ty TNHH TM Quốc tế và DV Siêu thị BigC Thăng Long thực hiện 11 chuyến bán hàng tại huyện: Ứng Hòa, Đan Phượng, Hoài Đức, Thạch Thất, Thanh Oai, Thị trấn Đại Nghĩa – Mỹ Đức và Thị trấn Quốc Oai; tổng doanh số đạt 2,1 tỷ đồng. Công ty TNHH Sài Gòn Co.op Hà Nội thực hiện 6 chuyến bán hàng tại các quận Hà Đông (phường  Phúc La, Phú Lương, Yên nghĩa và Bắc Từ Liêm (Phường Đại Mỗ); tổng doanh số đạt 342 triệu đồng (trung bình 57 triệu đồng/chuyến). Công ty TNHH 1 TV Coopmart Hoàng Mai thực hiện 11 chuyến bán hàng tại các khu đô thị: Định Công, Pháp Vân, Hoàng Mai; tổng doanh số đạt 230 triệu đồng (trung bình 20,9 triệu đồng/chuyến). Công ty TNHH 1 TV Lan Chi Business thực hiện 73 chuyến bán hàng tại các huyện: Ba Vì (xã Vạn Thắng, Ba Trại…), Phúc Thọ (xã Vân Phúc, Vân Hà, An Phú, Ngọc Tảo), Thạch Thất (xã Yên Bình, yên Trung, Tiến Xuân); tổng doanh số đạt 1,43 tỷ đồng ( trung bình 19,5 triệu đồng/chuyến). Tổng công ty lương thực miền Bắc thực hiện 50 chuyến tại một số quận, huyện, khu công nghiệp: Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Hoài Đức, Đông Anh, KCN Hapro- Gia Lâm, KCN Bắc Thăng Long…; tổng doanh số 403 triệu đồng (trung bình 8 triệu đồng/chuyến). Công ty cổ phần sản xuất và thương mại An Việt thực hiện 106 chuyến bán hàng tại các huyện Thạch Thất, Hoài Đức, Đan Phượng và khu công nghiệp Bắc Thăng Long - Đông Anh, Quang Minh - Mê Linh, Nội Bài - Sóc Sơn, Văn Điển, Minh Khai - Vĩnh Tuy…); tổng doanh số đạt 2,5 tỷ đồng (trung bình khoảng 23,5 triệu đồng/chuyến). Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, các doanh nghiệp như Tổng công ty thương mại Hà Nội; Tổng công ty lương thực miền Bắc; Công ty TNHH 1 TV Lan Chi Business; Công ty cổ phần sản xuất và thương mại An Việt; Công ty cổ phần Intimex Việt Nam; Công ty TNHH Sài Gòn Co.op Hà Nội; Công ty  TNHH 1 TV Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức 150 chuyến bán hàng lưu động về các huyện, thị xã, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố phục vụ nhu cầu mua sắm tết của nhân dân.


Sở Công thương chỉ đạo Tổng công ty thương mại Hà Nội tổ chức 3 Chợ Tết trên địa bàn các huyện Ưng Hòa, Quốc Oai, Thường Tín trong thời điểm giáp tết (thời gian dự kiến tổ chức từ ngày 22 tháng Chạp đến 27 tháng Chạp), tổ chức gian bán hàng ngoài trời theo mô hình quầy hàng tết theo tiêu chí đảm bảo an ninh trật tự, mĩ quan đô thị và vệ sinh môi trường. Tổng doanh thu 3 Chợ Tết ước đạt 1 tỷ đồng.

Trong dịp tết Nguyên Đán Ất Mùi 2015, tổng số hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố duy trì phục vụ tết Nguyên Đán đạt khoảng 16.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Sở Công Thương phối hợp với UBND các huyện, các doanh nghiệp bình ổn giá và doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức 07 trung tâm thương mại bán hàng tại 7 quận, huyện, chia làm 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 07/02 đến 11/02/2015 (tức ngày 19 đến 23 /12 Âm lịch) tại các huyện Ứng Hòa, Ba Vì, Phúc Thọ; Đợt 2 từ ngày 10/2 đến 15/2/2015( tức ngày 22-27/12 âm lịch) tại các huyện Hoài Đức, Mê  Linh, Sóc Sơn và quận Hoàng Mai để phục vụ nhu cầu mua sắm tết của nhân dân với qui mô từ 40-60 gian hàng tiêu chuẩn /điểm. Phối hợp với UBND các huyện vừa tổ chức bán hàng bình ổn giá vừa kết hợp tổ chức hội chợ để đẩy mạnh quy mô lớn hơn, các mặt hàng phục vụ đa dạng phong phú hơn. Giá cả các mặt hàng thấp hơn giá thị trường từ 5-20%. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng đông đảo của người dân và tạo ra không khí mua sắm nhộn nhịp trên địa bàn các huyện.


Về nhận diện điểm bán hàng bình ổn:


Tại thời điểm kiểm tra, nhìn chung các đơn vị đều đã thực hiện nghiêm túc việc treo biển nhận diện phía trong và phía ngoài điểm bán hàng theo đúng mẫu quy định của Thành Phố. Các biển nhận diện phía bên ngoài được làm bằng biển cứng và treo ngay ngắn, cố định ở vị trí dễ nhìn.


Phía bên trong điểm bán hàng, các doanh nghiệp cũng đã treo thêm biển nhận diện để người mua đến mua hàng biết về chương trình bình ổn. Tại từng khu vực bày bán các mặt hàng bình ổn đều có biển niêm yết giá cũng như biển niêm yết các mặt hàng được bình ổn.


Về công tác tuyên truyền


Các doanh nghiệp đã chủ động tăng cường công tác tuyên truyền tại chỗ qua hệ thống loa, đài phát thanh của đơn vị. Công ty TNHH MTV Lan Chi Business, Công ty CP Intimex Việt Nam, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, Công ty Cp Nhất Nam, Công ty TNHH Sài Gòn Co.op Hà Nội đã chủ động tuyên truyền thông qua hệ thống loa phát thanh của doanh nghiệp về chương trình bình ổn, về nhóm hàng bình ổn và về các điểm bán hàng của doanh nghiệp để người đến mua hàng được biết.


Sở Công thương phối hợp với các báo đài Trung ương và Hà Nội đưa tin về công tác đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên Đán Ất Mùi; tuyên truyền và giới thiệu quảng bá các sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh công tác bán hàng trong dịp Tết. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức sản xuất và thực hiện tuyên truyền 8 phóng sự trên đài về đảm bảo hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015 trên địa bàn Thành phố của ngành Công thương.
Sở Công Thương đã ban hành văn bản số 315/SCT-QLTM ngày 2/2/2015 cung cấp thông tin 100 điểm bán hàng (34 điểm bán hàng hóa thiết yếu và 66 địa điểm bán lẻ xăng dầu) phục vụ nhân dân từ mùng 1 Tết đến mùng 5 Tết gửi UBND các quận, huyện,thị xã; Sở Thông tin và Truyền thông, Công An Thành phố, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Chi cục quản lí Thị trường để phối hợp theo dõi, quản lí và thông báo tới người dân.


Về công tác kiểm tra kiểm soát:


Tổ công tác liên ngành của Thành phố, lực lượng quản lí thị trường, đoàn kiểm tra liên ngành và các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng vốn tạm ứng, công tác tạo nguồn hàng, tình hình dự trữ hàng hóa, treo biển nhận diện, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết tại các điểm bán hàng, công tác thực hiện chế độ báo cáo theo quy định…và kịp thời xử lý đối với các hành vi vi phạm doanh nghiệp.


Về công tác hoàn trả vốn tạm ứng:


Từ giữa tháng 4/2014, Sở Công thương và Sở Tài chính đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp nghiêm chỉnh thực hiện hoàn trả vốn tạm ứng theo đúng thời gian quy định. Kết quả đến ngày 30/4/2015, tất cả các doanh nghiệp đã hoàn trả 100% vốn tạm ứng.

Như vậy, việc Thành phố Hà Nội triển khai đồng bộ các chương trình bình ổn thị trường đã phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả cao, góp phần bình ổn giá thị trường, đảm bảo cung cầu hàng hóa, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, khan hàng, đặc biệt trong dịp lễ, Tết Nguyên Đán Ất Mùi 2015, thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa, kiềm chế được tốc độ tăng giá và đảm bảo an sinh xã hội: mức tăng CPI của Hà Nội qua các năm đã có sự giảm tốc, ổn định hơn. Hạn chế các đối tượng đầu tư thu gom hàng và ổn định tâm lí định hướng người tiêu dùng khi xảy ra thiên tai, bão lũ không mua tích trữ gây sốt hàng, tăng giá ảo làm mất ổn định thị trường. Nguyên nhân là nhờ việc kiểm soát chặt chẽ được giá bán đối với nhóm hàng bình ổn giá. Các mặt hàng bình ổn giá đều được Sở Tài chính thẩm định, doanh nghiệp phải thực hiện đúng các qui định về giá bán, không được tự ý tăng giá tại các điểm bán. Mặt khác, trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp đã thực hiện dữ trữ đầy đủ nguồn hàng, khi xảy ra biến động về giá bán, về lượng hàng, các doanh nghiệp sẵn sàng đưa hàng đến khu vực biến động giúp định hướng thị trường và ổn định tâm lí người dân.


Thành phố đã chỉ đạo sử dụng kinh phí từ quỹ dự trữ tài chính Thành phố vào công tác bình ổn giá đạt hiểu quả cao do Thành phố đã xác định rõ việc ứng tiền từ quỹ dữ trữ tài chính cho một số doanh nghiệp thực hiện chương trình bình ổn thị trường không phải là sử dụng tiền ngân sách mà đây là hình thức dữ trữ chuyển từ tiền thành hàng hóa để kịp thời phục vụ nhân dân thành phố khi có thiên tai, dịch bệnh, biến động về hàng hóa, giá cả. Đây là một hình thức rất hiệu quả góp phần ổn định tâm lí người tiêu dùng, bình ổn giá cả, đảm bảo an sinh xã hội. Công tác phối hợp giữa các cấp các ngành, các doanh nghiệp trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước được tăng cường và có hiệu quả. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được tăng cường thực hiện thường xuyên và kịp thời, đồng thời đã chuấn chỉnh kịp thời các doanh nghiệp vi phạm quy định của Chương trình về niêm yết giá, cơ cấu hàng hóa…; Công tác tổ chức đưa hàng bình ổn giá về các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất đã được tăng cường, tạo điều kiện cho đại đa số nhân dân đặc biệt là người lao động khu vực ngoại thành, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất, các đối tượng là học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng – những người có thu nhập thu nhập trung bình và thấp được tiếp cận và hướng chính sách của Thành phố, góp phần an sinh xã hội và bình ổn giá. Các doanh nghiệp đã nghiêm chỉnh chấp hành việc treo biển nhận diện phù hợp với quy mô, diện tích từng địa điểm bán hàng để người tiêu dùng biết: một số doanh nghiệp đã quan tâm đến công tác tuyên truyền tại chỗ để chương trình bình ổn giá ngày càng đi vào tâm trí của khách hàng. Các doanh nghiệp đã chủ động trong việc dữ trữ hàng hóa cũng như bố trí các phương tiện vận chuyển để có thể cung ứng kịp thời hàng hóa khi xảy ra biến động. Đồng thời, cũng chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, chất lượng hàng hóa cũng như đa dạng hóa chủng loại hàng hóa nhằm thu hút và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. UBND Thành phố tạo điều kiện cho 101 xe tải trọng lượng nhỏ của các doanh nghiệp được hoạt động 24/24h trên địa bàn Thành phố để chở hàng hóa phục vụ công tác bình ổn giá và cứu trợ lụt bảo, đảm bảo đời sống nhân dân khi xảy ra thiên tai.

Để Chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố được tiếp tục thực hiện tạo được hiệu quả, Sở Công Thương đã kiến nghị UBND Thành phố xem xét, banh hành “ Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2015”.


T.H


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật