Tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và Năm 2007 (00:00 21/12/2007)


Năm 2007 là năm thứ hai thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010, Hà Nội phải đối mặt với nhiều diễn biến không thuận lợi: giá cả thị trường biến động tăng cao, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm rình rập ở địa bàn Hà Nội và các địa phương lân cận... Song, kinh tế xã hội Hà Nội vẫn đạt được kết quả khả quan với hầu hết các chỉ tiêu kinh tế xã hội đều hoàn thành và vượt kế hoạch năm 2007. So với năm trước, dự kiến GDP tăng 12,07%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 21,4%, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng 21,9% (trong đó bán lẻ tăng 22,9%), kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng 22%, vốn đầu tư xã hội tăng 20,7%, thu ngân sách trên địa bàn tăng 19,2%, xây dựng mới 1,56 triệu m2 nhà ở. Các mặt văn hoá xã hội, trật tự an toàn xã hội vẫn được duy trì ổn định, đời sống nhân dân tiếp tục được chăm lo cải thiện.



1. Tổng sản phẩm nội địa (GDP)

Dự kiến tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm 2007 tăng 12,07% so với năm 2006, trong đó nông lâm thuỷ sản tăng 1,47% (đóng góp 0,03% vào mức tăng chung), công nghiệp mở rộng tăng 15,61% (đóng góp 6,19% vào mức tăng chung) và các ngành dịch vụ tăng 10,06% (đóng góp 5,85% vào mức tăng chung).

2. Sản xuất công nghiệp:

Ước tính giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội tháng Mười Hai năm 2007 tăng 27,6% so tháng trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 27,7% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 28,6%, kinh tế Nhà nước địa phương tăng 25,7%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 14,2% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 33,4%.

Dự kiến năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 21,4% so năm trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 5% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 4%, kinh tế Nhà nước địa phương tăng 7,9%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 29,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 32,0%.

a) Sản xuất công nghiệp Nhà nước Trung ương:

Giá trị sản xuất công nghiệp Trung ương tháng Mười Hai năm 2007 tăng 28,6% so tháng trước với 18/21 ngành sản xuất tăng, trong đó một số ngành sản xuất tăng cao là: xuất bản tăng 78,8%, sản xuất hoá chất tăng 49,2%, sản xuất thiết bị điện tăng 31,3%, chế biến thực phẩm tăng 32,3%, sản xuất khoáng phi kim loại tăng 37,5%, sản xuất sản phẩm bằng kim loại tăng 63,5%, sản xuất thiết bị điện tăng 31,3%... Có 3 ngành sản xuất giảm là: sản xuất đồ da giảm 39,4%, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 12,2%, sản xuất phân phối điện giảm 3,8%.

Dự kiến cả năm 2007, giá trị sản xuất CNTW tăng 4% so với năm 2006, với 12/21 ngành sản xuất tăng, trong đó sản xuất tăng khá: chế biến thực phẩm tăng 12,9%, sản xuất thuốc lá tăng 17,5%, công nghiệp dệt tăng 13%, sản xuất thiết bị điện tăng 17,2%... 9/21 ngành sản xuất giảm là: sản xuất đồ da (giảm 67,3%), chế biến gỗ, lâm sản (giảm 52,6%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (giảm 14,5%), sản xuất hoá chất (giảm 17,4%), sản xuất sản phẩm bằng kim loại (giảm 4,7%), chế tạo thiết bị máy móc (giảm 29,1%), sản xuất tivi thiết bị thông tin (giảm 2%), sản xuất dụng cụ chính xác (giảm 23%), sản xuất phương tiện vận tải khác (giảm 74,3%).

Trong năm 2007, có khá nhiều doanh nghiệp tư nhân đầu tư chiều sâu đổi mới quy trình công nghệ để phát triển sản xuất: Công ty cổ phần cồn rượu Hà Nội (175 tỷ), Công ty mỏ Việt Bắc TKV (133 tỷ), Tổng công ty thiết bị điện VN (70 tỷ), Công ty cổ phần Từ Liêm (56 tỷ), Công ty In hàng không (44 tỷ)… Các doanh nghiệp sản xuất tăng khá cao trong năm 2007 là: Công ty cổ phần xà phòng HN (tăng 39,2%), Công ty cao su sao vàng (tăng 31,2%), Công ty cơ khí Quang Trung (tăng 37,6%), Nhà máy sản xuất Ôtô 3/2 (tăng 40,9%)… Một số sản phẩm chủ lực có thị trường tiêu thụ tốt, sản xuất tăng khá cao so với cùng kỳ là: bia (tăng 15,9%), thuốc lá (tăng 20,7%), máy công cụ các loại (tăng 68,6%), máy biến thế điện (tăng 35,1%)…

b) Sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương:

Giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương tháng Mười Hai năm 2007 tăng 25,7% so tháng trước với 16/17 ngành sản xuất tăng, trong đó có 1 số ngành tỷ trọng lớn tăng khá: chế tạo thiết bị máy móc tỷ trọng 6,8% tăng 75,7%, chế biến thực phẩm tỷ trọng 4,9% tăng 83,4%, công nghiệp dệt tỷ trọng 5,3% tăng 77,7%. Ngành sản xuất giảm là sản xuất sản phẩm từ kim loại (giảm 1% ).

Dự kiến năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp nhà nước địa phương tăng 7,9% so năm 2006 với 12/17 ngành sản xuất tăng, trong đó 1 số ngành tăng khá: chế biến thực phẩm (tăng 23,5%), chế tạo thiết bị máy móc (tăng 37,3%), sản xuất các sản phẩm từ cao su (tăng 37,4%)... Có 5/17 ngành sản xuất giảm là: công nghiệp dệt (giảm 0,3%), sản xuất trang phục (giảm 5,9%), công nghiệp da, sơ chế da (giảm 3%), sản xuất khoáng phi kim loại (giảm 79,6%), sản xuất tivi thiết bị thông tin (giảm 9,9%).

Trong năm 2007 có 38 doanh nghiệp đầu tư với tổng số vốn đầu tư 400 tỷ đồng, trong đó một số doanh nghiệp đầu tư khá: Công ty kinh doanh nước sạch HN (137 tỷ), Công ty TNHH 1 thành viên kim khí Thăng Long (50 t ỷ), Công ty dệt 10/10 (35 tỷ), Công ty TNHH 1 thành viên 18/4 (26 t ỷ)… Các công ty sản xuất tăng khá so năm trước là: Công ty điện cơ Thống Nhất (tăng 54%), Công ty cổ phần dệt 10/10 (tăng 65%), Công ty 1 thành viên kim khí Thăng Long (tăng 49%), Công ty dệt 19/5 (tăng 47%)…

c) Sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước:

Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tháng Mười Hai năm 2007 tăng 14,2% so tháng trước, trong đó công ty TNHH tư nhân tăng 7,3%, công ty cổ phần khác tăng 22,4%, doanh nghiệp tư nhân tăng 13,8%, hộ cá thể tăng 8,7% v à hợp tác xã giảm 3,9%.

Dự kiến cả năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tăng 29,2% so năm 2006, trong đó công ty TNHH tư nhân tăng 18,4%, công ty cổ phần khác tăng 51,3%, doanh nghiệp tư nhân tăng 14,7%, hợp tác xã tăng 5,9%, hộ sản xuất cá thể tăng 6,8%. Có 20/22 ngành sản xuất tăng, trong đó một số ngành tăng khá: công nghiệp dệt (tăng 38,78%), sản xuất đồ da (tăng 43,72%), sản xuất hoá chất (tăng 45,92%), sản xuất kim loại (tăng 38,7%), sản xuất phương tiện vận tải khác (tăng 51,09%), tái chế (tăng 64,18%)… 2/22 ngành sản xuất giảm là: khai thác đá mỏ khác (giảm 15,66%), sản xuất xe có động cơ (giảm 2,2%). Một số doanh nghiệp có quy mô lớn đã và đang chú trọng đầu tư thêm thiết bị, mở rộng sản xuất và khai thác được thị trường trong nước: XN tư doanh Xuân Kiên, HTX Song Long, Công ty may thêu Hiệp Hưng, Công ty dây cáp điện Yên Viên, Công ty Nhật Linh, Công ty sơn Kova…

d) Sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài:

Giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tháng Mười Hai năm 2007 tăng 33,4% so tháng trước với 17/19 ngành sản xuất tăng, trong đó một số ngành sản xuất tăng khá: sản xuất thiết bị văn phòng (tăng 160,9%), sản xuất khoáng phi kim loại (tăng 45,8%), chế tạo thiết bị máy móc (tăng 48,5%), sản xuất thiết bị điện (tăng 43,7%), … 2 ngành sản xuất giảm là chế biến gỗ lâm sản (giảm 1,1%) và sản xuất tivi thiết bị thông tin (giảm 5,8%).

Dự kiến cả năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 32% so năm 2006, với 15/19 ngành sản xuất tăng trong đó một số ngành sản xuất tăng khá: sản xuất sản phẩm bằng da (tăng 89,3%), sản xuất sản phẩm bằng kim loại (tăng 37%), chế tạo thiết bị máy móc (tăng 76,7%), sản xuất thiết bị điện (tăng 33,8%), sản xuất xe có động cơ (tăng 199,2%), sản xuất giường tủ đồ khác (tăng 147,1%). 4/19 ngành sản xuất giảm là: công nghiệp dệt (giảm 50,3%), chế biến gỗ lâm sản (giảm 63,3%), sản xuất giấy và SP từ giấy (giảm 24,9%), sản xuất dụng cụ chính xác (giảm 1,7%). Nguyên nhân sản xuất giảm do một số doanh nghiệp đã kết thúc hợp đồng sản xuất, một số doanh nghiệp khác đang gặp khó khăn trong sản xuất, sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hạn chế.

Trong năm 2007, có 19 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động sản xuất và nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn, sản xuất ổn định đã mở rộng sản xuất: Công ty liên doanh Daiw Plastic Thăng Long, Công ty Ashahy Denso, Công ty Credit, Công ty Nissei Electric... Một số doanh nghiệp có qui mô lớn, sản xuất ổn định chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ sản phẩm ra nước ngoài khá lớn: Công ty Canon Vietnam, Công ty Vietnam Daewoo Motor, Công ty Denso, Công ty sứ vệ sinh Inax Giảng Võ, Công ty Yamaha Motor... Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực do có thị trường tiêu thụ tốt sản xuất tăng khá so năm trước: bia (tăng 14%), sứ vệ sinh các loại (tăng 26,8%), xe máy các loại (tăng 26,8%), tivi các loại (tăng 89,4%, ô tô các loại (tăng 107,9%)...

3. Vốn đầu tư

* Vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách Nhà nước địa phươngtháng 12 ước đạt 636,4 tỷ đồng, tăng 6,7% so tháng trước. Dự kiến cả năm 2007 đạt 6189 tỷ đồng bằng 78,7% kế hoạch năm và bằng 96,7% so với năm 2006 do tình hình thực hiện dự án của một số ban có vốn giao lớn còn gặp nhiều khó khăn, tiến độ triển khai dự án chậm như: Ban QL dự án Thăng Long, BQL dự án Hạ tầng Tả Ngạn và các dự án khảo sát quy hoạch - Chuẩn bị đầu tư….

Tiến độ một số công trình lớn:

a) Nút giao thông Kim Liên: Hiện nay nhà thầu đang triển khai thi công các công việc đào đất, xử lý nền đất và làm hệ thống dầm đỡ, cọc cừ (phía đường Đào Duy Anh); chuẩn bị thi công hầm bộ hành trên đường Lê Duẩn - Giải Phóng.Kế hoạch hoàn thành dự án trong quý IV/2008.

b) Đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa:

- Sở Tài nguyên Môi trường & Nhà đất đã trình UBND Thành phố xem xét Quyết định giao đất để Ban QL dự án các công trình Trọng điểm tiến hành công tác thu hồi bổ sung các diện tích đất kẹt tại khu vực ngõ Xã Đàn 2 để hoàn chỉnh tuyến đường đồng thời bảo tồn di tích Đàn Xã Tắc.

- Dự án đã cơ bản hoàn thành 1000/1090m. Tuy nhiên, Ban quản lý các dự án Trọng điểm đang phối hợp với bên tư vấn đang điều chỉnh thiết kế để tiếp tục thi công từ 20/12/2007, dự kiến thông xe trước tết Nguyên đán năm 2008.

c) Dự án Bắc Thăng Long - Vân Trì:

- Về công tác giải phóng mặt bằng:Hiện còn khoảng 2,9/205 ha đất chưa thu hồi, trong đó:

Đất ở: còn 22 hộ dân (4100 m2) thuộc 2 xã Kim Chung, Hải Bối. Có 2 hộ phát sinh trong tháng này là do tháng trước đã đồng ý bàn giao mặt bằng nhưng tháng này lại không thực hiện và tiếp tục có khiếu kiện.

Đất Nông nghiệp, đất khoán, đất nghĩa trang:khoảng 26.000m2 thuộc 2 xã Kim Nỗ và Vĩnh Ngọc. Trong đó, còn khoảng 3000 m2 đất nghĩa trang của xã Kim Nỗ đang được tiến hành di dời, khoảng 22000 m2 đất của 5 hộ thuộc xã Vĩnh Ngọc Ban Trọng điểm đang phối hợp với chính quyền xã để thống nhất ngày tổ chức cưỡng chế thu hồi đất.

Công tác chuẩn bị nhà tái định cư:

+ Khu Hải Bối 1 (2,4ha): đang hoàn chỉnh thủ tục lựa chọn nhà thầu trong tháng 12/2007 để triển khai xây dựng trong quý 1/2008.

+ Khu Hải Bối 2 (2ha): đang hoàn chỉnh báo cáo dự án để trình duyệt trong tháng 12/2007.

- Hệ thống đường và thoát nước: Hiện tại dự án vẫn đang được các bên thi công tiến hành khẩn trương, đảm bảo đúng tiến độ đề ra, dự kiến kết thúc dự án trongquý III/2008.

d) Dự án Cầu Vĩnh Tuy: Hiện nay, các gói thầu (số 9; 11; 12; 13; 14; 15 và 16) vẫn đang được các nhà thầu tích cực triển khai theo đúng tiến độ đề ra.

- Gói thầu số 9: Nhà thầu Cienco4 đã hoàn thiện công tác thi công 2 nhánh CV1B, CV1C, riêng nhánh CV1A nhà thầu đã thi công xong 3/7 nhịp cầu 30m. Đối với cầu chính nhà thầu đang triển khai thi công các nút giao.

- Gói thầu số 11; 12 và 13: Các gói thầu này đang được các nhà thầu Cienco1, Cienco8 và Thăng Long tiến hành thi công các nhịp đúc hẫng, riêng phần dầm SuperT do 2 nhà thầu Thăng Long và Cienco8 đã hoàn thành công tác lao lắp 44/44 nhịp 40m. Dự kiến hạng mục cầu chính vượt sông này sẽ hoàn thành hợp long vào 10/1/2008.

- Gói thầu số 15: là gói thầu thi công phần đường dẫn phía bắc dự án do nhà nhà thầu Cienco1 và UDIC thi công đã cơ bản hoàn thành phần hệ thống thoát nước, hiện đã triển khai công tác thi công lớp đất đắp K98.

- Gói thầu số 16: là gói thầu thi công nút giao vượt quốc lộ 5 hiện nhà thầu đã nhận được mặt bằng thi công qua Công ty X20 và X26. Tuy nhiên, đơn vị thi công vẫn đang vướng mắc trạm điện của Công ty X26, hiện đã có phương án di dời nhưng UBND quận Long Biên vẫn chưa phê duyệt.

e) Dự án đường 5 kéo dài: gồm có 7 gói thầu xây lắp chính trong đó:

- Gói thầu số 6, 7, 8, 9 và 11: hiện các gói thầu này đang được các đơn vị tập trung triển khai đồng loạt.

- Gói thầu số 10: đã tiến hành đấu thầu xong, hiện đơn vị thi công đang tập kết máy móc, trang thiết bị để triển khai.

* Phần cầu (cầu Đông Trù) được chia thành 3 gói thầu xây lắp chính (gói thầu số 12, 13 và 14): Tại gói thầu số 12 đơn vị thi công vẫn đang tiến hành thi công trụ cầu, bệ móng và cọc khoan nhồi. Tuy nhiên, đơn vị thi công đang gặp phải vướng mắc phía đầu cầu vẫn còn 71 hộ chưa giải phóng được nên đơn vị thi công không thể tiếp tục khoan cọc nhồi. Phía Đông Anh (đất bãi) đơn vị đã thi công xong cọc khoan nhồi và đang tiến hành thi công phần trụ cầu.

* Huy động vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài:Dự kiến cả năm, Hà Nội thu hút được 290 dự án tăng 93,3% so cùng kỳ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,2 tỷ USD tăng 171% so cùng kỳ (255 dự án cấp mới với vốn đăng ký 2 tỷ USD và 35 dự án bổ sung vốn với vốn đăng ký 0,2 tỷ USD). Các dự án lớn được cấp phép đầu tư trong năm 2007 là: cty TNHH Berjaya - Handico 12 xây dựng phát triển khu đô thị mới Thạch Bàn (50 triệu USD), dự án khách sạn 5 sao Charmvit (80 triệu USD), tổ hợp khách sạn - thương mại - văn phòng - căn hộ - công viên Thiên niên kỷ Keangnam Hà Nội (500 triệu USD), dự án Cổng Tây Hà Nội - LD của Viglacera với Singapore (233 triệu USD)… So với kế hoạch định hướng cả năm 2007 của UBND thành phố Hà Nội thì số dự án vượt kế hoạch là 38,1% và tổng số vốn đầu tư vượt 69,2%.

* Vốn đầu tư xã hội:Dự kiến vốn đầu tư xã hội năm 2007 là 47227 tỷ đồng tăng 20,7% so năm 2006, trong đó vốn đầu tư Nhà nước tăng 21,8%, vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước tăng 9%, vốn đầu tư của kinh tế ngoài Nhà nước tăng 28,4% và vốn đầu tư nước ngoài tăng 27,9%.

4. Thương mại dịch vụ:

a) Nội thương: Tháng Mười Hai năm 2007, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 21,3% so cùng kỳ năm trước, trong đó tổng mức bán lẻ tăng 22,1%.

Dự kiến cả năm 2007, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 21,9% so năm trước, trong đó tổng mức bán lẻ tăng 22,9%. Nội thương Hà Nội năm 2007 đạt tốc độ tăng cao là do số lượng đơn vị kinh doanh thương mại dịch vụ lớn (Khoảng 16 ngàn doanh nghiệp, 100 ngàn cơ sở kinh tế cá thể kinh doanh thương mại dịch vụ, 1.200 văn phòng đại diện, 60 siêu thị và trung tâm thương mại), hoạt động thương mại Hà Nội cũng có nhiều thay đổi mang dấu ấn rõ nét của thời kỳ phát triển nhanh trong quá trình hội nhập. Việc xuất hiện và phát triển không ngừng của hình thức bán lẻ, tuyến phố chuyên doanh 1 loại hàng, tuyến phố ẩm thực, tuyến phố kinh doanh đêm… bên cạnh chợ truyền thống làm cho thị trường bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng Hà Nội ngày càng phong phú, sầm uất, bứt phá theo hướng mở cả chiều sâu lẫn chiều rộng.

b)Ngoại thương: Tháng 12 so tháng trước, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Thành phố Hà Nội tăng 1,5%, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 1,3%, kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tăng 2,4%, trong đó nhập khẩu địa phương tăng 2,7%.

Dự kiến cả năm 2007, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Thành phố Hà Nội tăng 22% so cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu địa phương tăng 26,4% (chiếm khoảng 56% tổng kim ngạch xuất khẩu). Mặt hàng máy in phun là nhóm đứng đầu về trị giá, tăng 40,5% so năm trước, là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của địa phương Hà Nội trong một số năm gần đây và những năm tới. Hàng nông sản cũng là một trong những nhóm hàng xuất khẩu đứng đầu về trị giá, tăng 14,7% so cùng kỳ với mặt hàng chủ yếu là gạo (chiếm tỷ trọng 60%), cà phê, hạt tiêu, hạt điều…

Mặt hàng dệt may cũng là hàng xuất khẩu đạt trị giá cao trong năm, tăng 14% so năm trước, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ và EU. Các nhóm hàng khác xuất khẩu trong năm cũng tăng so năm trước: giầy dép và sản phẩm da tăng 11,3%, hàng thủ công mỹ nghệ tăng 6,6%, xăng dầu (tạm nhập tái xuất) tăng 22%, hàng khác tăng 31,5%. Riêng hàng điện tử giảm 13,5% so cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu do giá cả hàng này có xu hướng giảm nhẹ và thị trường xuất khẩu không được mở rộng.

Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn Hà Nội dự kiến cả năm 2007 tăng 21% so cùng kỳ, trong đó kim ngạch nhập khẩu địa phương tăng 20,2% (chiếm 34% tổng kim ngạch nhập khẩu). Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu như dầu thô, sắt thép… tăng 23,4% so năm trước (trong đó có nguyên nhân giá cả thị trường thế giới tăng mạnh, làm tăng kim ngạch nhập khẩu); Xăng dầu vẫn là mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất và có tốc độ tăng là 20,6% tăng cả về lượng và giá nhập khẩu; hàng tiêu dùng tăng 16,2%; máy móc phụ tùng nhập khẩu tăng 22,1%.

c) Du lịch: Tháng 12 năm 2007, khách quốc tế đến Hà nội tăng 2,2% so tháng trước và tăng 30,5% so cùng kỳ năm trước, thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Thái Lan vẫn luôn đứng đầu; khách nội địa tăng 0,3% so tháng trước và tăng 1,4% so cùng kỳ năm trước (đây là tháng cuối năm nên khách nội địa đi du lịch đến Hà Nội không nhiều).

Dự kiến cả năm 2007, khách quốc tế đến Hà Nội tăng 28,4% so năm trước, khách nội địa đi du lịch đến Hà Nội tăng 6,8%, tổng số khách đến trong năm tăng 10,5%. Trong một số năm gần đây lượng khách quốc tế đến Hà Nội tăng khá cao do phương tiện đi lại thuận lợi, khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn và Hà Nội thường chiếm được 30% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam hàng năm. Hà Nội có số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khá phát triển với 500 khách sạn, 12700 phòng, trong đó có 187 khách sạn được xếp hạng với công suất buồng phòng luôn đạt 80%. Song một hạn chế đối với du lịch Hà Nội là khách quốc tế đến Hà Nội thường không quay lại do Hà Nội không có nhiều điểm tham quan du lịch đặc sắc, điểm vui chơi giải trí ít, khách sạn cao cấp thiếu và luôn bị quá tải trong các dịp tổ chức sự kiện, khiến Hà Nội phải nhường chỗ cho các điểm du lịch khác hoặc chỉ là điểm trung chuyển, không hấp dẫn được du khách ở lại lâu ngày và quay lại lần nữa.

d) Vận tải:Tháng Mười Hai năm 2007 so tháng trước, khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 0,9%, khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 1,2%, doanh thu vận chuyển hàng hoá tăng 2,6%. Khối lượng hành khách vận chuyển tăng 0,3%, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 0,3%, doanh thu vận chuyển hành khách tăng 0,9%.

Dự kiến cả năm 2007, khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 8,4%, khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 9,3%, doanh thu vận chuyển hàng hoá tăng 19,4%. Trong năm, nhiều doanh nghiệp đã thay mới phương tiện với mức trọng tải xe lớn hơn, khai thác vận chuyển đường dài hơn để tận dụng năng lực của xe. Vận tải hành khách năm 2007 tăng 17% về khối lượng hành khách vận chuyển, tăng 18,2% về khối lượng hành khách luân chuyển và tăng 19,3% về doanh thu vận chuyển hành khách. Cả năm 2007, Hà Nội vận chuyển 365 triệu lượt khách bằng xe bus với 58 tuyến (trong đó có 14 tuyến xã hội hoá) 912 phương tiện hoạt động và chiếm 83% hoạt động vận tải hành khách.

e) Bưu chính, viễn thông:

- Bưu chính: Tháng 12 năm 2007, trị giá tem thư, tem máy đạt 2,7 tỷ đồng, giảm 1,2% so tháng trước. Bưu phẩm chuyển phát nhanh đạt 1,6 tỷ đồng, tăng 46,4%, doanh thu đạt 74,6 tỷ đồng tăng 35% (do trong tháng thực hiện được một số hợp đồng chuyển phát nhanh lớn)

Dự kiến cả năm 2007, trị giá tem thư, tem máy đạt 28,9 tỷ đồng, giảm 1,4% so năm trước; bưu phẩm chuyển phát nhanh đạt 25 tỷ đồng, giảm 12,4%; doanh thu bưu chính đạt 493,9 tỷ đồng tăng 3,2%.

- Viễn thông: Tháng 12 năm 2007 so tháng trước, số điện thoại thu cước tăng thêm tăng 20,1%, số thuê bao internet phát triển mới tăng 34%. Doanh thu viễn thông tăng 3,1%.

Dự kiến cả năm 2007, số lượng thuê bao mới tăng: 162 ngàn thuê bao điện thoại (trong đó 57,9% điện thoại di động), tăng 8,3% so năm trước; 38,1 ngàn thuê bao internet, tăng 85,6%; doanh thu viễn thông năm 2007 đạt 2321,9 tỷ đồng, giảm 11,5% so năm trước. Hoạt động viễn thông năm 2007, do các mạng viễn thông được các nhà cung cấp đầu tư nâng cấp nhiều, đã hạn chế bớt tình trạng nghẽn mạch. Việc cạnh tranh thu hút khách giữa các mạng diễn ra quyết liệt theo hướng có lợi cho người tiêu dùng với tiện ích tăng lên mà giá cước giảm đi. Nhiều đường truyền internet cũng được mở với tính năng vượt trội khiến cho tốc độ truy cập nhanh hơn.

f) Giá cả - thị trường: Chỉ số giá tiêu dùng tháng Mười Hai năm 2007 tăng 1,78% so tháng trước, trong đó lương thực tăng 3,93%, thực phẩm tăng 1,35%, giao thông bưu chính tăng 5,04%, các ngành hàng khác đều tăng so tháng trước trừ ngành hàng văn hoá, giải trí và du lịch giảm 0,24%. Chỉ số giá vàng tăng 2,06%; chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,2%. Tháng 12 năm 2007 là tháng có giá cả hàng hoá tăng cao nhất trong năm.

Trong tháng 12, giá cả một số mặt hàng biến động lớn là: giá lương thực (do bão lũ triền miên, nông dân còn gạo dự trữ không bán ra, dự kiến trong thời gian tới giá lương thực vẫn tiếp tục tăng); giá thực phẩm tươi sống, đặc biệt là thịt lợn (nguyên nhân cũng có phần do giá lương thực tăng cao bất thường); giá vật liệu xây dựng, nhất là sắt thép tăng hàng ngày; giá gas tăng mạnh (do ảnh hưởng biến động tăng giá gas của thế giới)…

Dự kiến cả năm 2007, tốc độ trượt giá (chỉ số giá tháng 12 năm 2007 so tháng 12 năm 2006) là 10,68%, tăng 0,85% bình quân một tháng. Tốc độ tăng giá bình quân năm 2007 so năm 2006 là 8,3%. Thực ra sự biến động giá tăng của năm 2007 không phải là bất thường mà là tiếp tục của xu hướng tăng giá trong 3, 4 năm gần đây (tốc độ tăng giá bình quân năm 2006 so năm 2005 là 8,7%; năm 2005 so năm 2004 là 7,4%).

5. Sản xuất nông nghiệp

* Sản xuất vụ mùa:Vụ mùa năm nay thời tiết thuận mưa, không có nhiều trận mưa lớn kéo dài nên tình trạng ngập úng chỉ xảy ra ở những vùng trũng, những vùng đất kẹt do hệ thống thoát nước chưa đồng bộ, thiệt hại chủ yếu chỉ xảy ra tại quận Long Biên với 110 ha lúa (trong đó 30 ha mất trắng). Tình hình sâu bệnh, chuột phá năm nay cũng ít hơn nhiều so các năm trước, mức độ thiệt hại không đáng kể. Mặt khác, người nông dân hầu như canh tác giống mới nên năng suất lúa được đánh giá tăng khá cao so với năm trước. Sơ bộ đánh giá kết quả một số cây trồng chủ yếu vụ mùa 2007 như sau: lúa đạt năng suất 42,06 tạ/ha (tăng 12,24%) trên diện tích 22 714 ha (giảm 2,19%); ngô đạt năng suất 32,58 tạ/ha (tăng 6,59%) trên diện tích 650 ha (tăng 20,67%); rau các loại đạt năng suất 221,16 tạ/ha (tăng 2,12%) trên diện tích 2604 ha (tăng 3,27%); đỗ tương đạt năng suất 16,37 tạ/ha (tăng 17,46%) trên diện tích 642 ha (giảm 9,54%).

* Chăn nuôi:nhìn chung năm 2007, chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội ổn định và có chiều hướng tăng so với năm 2006 do trong năm không xảy ra dịch bệnh lớn trên đàn gia súc, gia cầm (tuy lẻ tẻ có một vài nơi xảy ra dịch nhưng đã được dập tắt nhanh và không để bị lây lan), mặt khác, do giá cả gia súc, gia cầm trên thị trường liên tục tăng, người chăn nuôi có lãi nên duy trì, phát triển số đầu con và không ngừng bổ sung tổng đàn. Số lượng đàn gia súc, gia cầm thời điểm 1 tháng 8 năm 2007 là 7,3 ngàn con trâu; 56 ngàn con bò; 349,7 ngàn con lợn; 3436 ngàn con gà. Sản lượng thịt gia súc, gia cầm giết mổ là 1464 tấn thịt bò hơi (tăng 183 tấn, tăng 14,2%), 48252 tấn thịt lợn hơi (tăng 2480 tấn, tăng 5,4%), 7107 tấn thịt gia cầm (tăng 246 tấn, tăng 3,6% so cùng kỳ), sản lượng sữa tươi 5214 tấn (tăng 432 tấn, tăng 9%), sản lượng trứng gia cầm các loại 84 triệu quả (tăng 8%).

* Lâm nghiệp:Năm 2007, không có diện tích rừng trồng mới và trồng bổ sung, diện tích rừng được chăm sóc là 311 ha, giảm 51,15% so cùng kỳ năm trước. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán là 50 ngàn cây (giảm 10 ngàn cây, giảm 16,81% so cùng kỳ năm trước). Sản phẩm lâm nghiệp thu hoạch trong năm 2007 là 1267 m3 gỗ (giảm 63,65% so cùng kỳ), 3245 ster củi (giảm 44,62%), 136 ngàn cây tre, luồng, vầu (giảm 12,13%).

Về thiệt hại rừng: năm 2007 mặc dù công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng được chú trọng, tăng cường, nhưng do thời tiết hanh khô và ý thức của người dân chưa cao nên vẫn để xảy ra 20 vụ cháy rừng với diện tích bị thiệt hại khoảng 15 ha.

* Thuỷ sản:Năm nay, thời tiết thuận mưa nên việc nuôi thả thuỷ sản cũng thuận lợi. Toàn thành phố có 3422 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản, trong đó 3351 ha nuôi thả cá, tăng 20 ha so năm trước. Sản lượng cá, tôm nuôi trồng thu hoạch là 10720 tấn (10689 tấn cá, 31 tấn tôm) tăng 511 tấn (tăng 5%) so cùng kỳ năm trước.

* Dự kiến giá trị sản xuất nông lâm thuỷ sản năm 2007:So năm 2006, giá trị sản xuất nông lâm thuỷ sản tăng 2,44%, trong đó trồng trọt tăng 2,12%, chăn nuôi tăng 3,49%, thuỷ sản tăng 4,61%, dịch vụ nông nghiệp giảm 4,21% và lâm nghiệp giảm 31,62%. Sản lượng thóc đạt 183,5% ngàn tấn (giảm 0,23%) trên diện tích 43,3 ngàn ha (giảm 1,57%), ngô đạt sản lượng 28,5 ngàn tấn (tăng 2,39%) trên diện tích 8,8 ngàn ha (giảm 0,62%), rau các loại đạt sản lượng 156,4 ngàn tấn (tăng 1,6%) trên diện tích 8 ngàn ha (tăng 2,1%), đỗ tương đạt sản lượng 2,1 ngàn tấn (tăng 2,48%) trên diện tích 1,6 ngàn ha (giảm 7,6%), lạc đạt sản lượng 4,4 ngàn tấn (tăng 14,74%) trên diện tích 3,3 ngàn ha (giảm 2,39%).

6. Các vấn đề xã hội:

* Dân số:Dự kiến năm 2007, dân số trung bình toàn Thành phố Hà Nội là 3388,3 ngàn người, tăng 3,12% so năm 2006, trong đó tăng chủ yếu là do người từ các tỉnh đến làm ăn, sinh sống và học tập. Số trẻ em sinh ra trong năm là 56,7 ngàn cháu, tỷ suất sinh là 16,71‰ tăng 0,9‰ so kế hoạch (năm Đinh Hợi được nhiều người chọn là năm tốt để sinh con).

* Đời sống dân cư:9 tháng đầu năm 2007, đời sống dân cư vẫn giữ được ổn định và có xu hướng đi lên. Sang quý 4, giá cả các mặt hàng tiêu dùng nhất là lương thực, thực phẩm và một số hàng hoá thiết yếu (xăng, gas, than, điện…) biến động tăng liên tục làm ảnh hưởng đến đời sống các tầng lớp nhân dân, nhất là những người làm công, ăn lương khi thu nhập của họ hầu như không tăng lên. Để giữ ổn định và góp phần nâng cao đời sống nhân dân, UBND Thành phố Hà Nội đã có những giải pháp hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm để xoá đói giảm nghèo bền vững, đồng thời đảm bảo các đối tượng cứu trợ xã hội như người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ mồ côi không người nuôi dưỡng, người tàn tật trong các gia đình nghèo đều được hưởng chính sách trợ giúp thường xuyên, được hỗ trợ trong học tập, tạo việc làm để hoà nhập cộng đồng…

Dịp Tết nguyên đán Đinh Hợi, Thành phố đã thăm hỏi chúc Tết, tặng quà các gia đình liệt sỹ, thương binh, người có công với cách mạng với tổng số tiền là 32,1 tỷ đồng. Nhân dịp 30 tháng 4 và 1 tháng 5, trợ cấp đột xuất cho 491 hộ cựu chiến binh nghèo, khó khăn với kinh phí 355,5 triệu đồng trích từ quỹ đền ơn đáp nghĩa. Kỷ niệm 60 năm ngày thương binh liệt sĩ 27 tháng 7, tổ chức chuẩn bị việc thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách với 49234 suất quà trị giá 8,5 tỷ đồng; các quận huyện tặng 13742 suất quà trị giá 1,6 tỷ đồng; xã phường tặng 10405 suất quà trị giá 1,1 tỷ đồng; tổ chức xét duyệt hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng tiêu biểu thành phố Hà Nội, sửa chữa nhà với số tiền 5,9 tỷ đồng; tổ chức hội nghị biểu dương tập thể, cá nhân người có công với cách mạng tiêu biểu của thành phố, tặng một số sổ tiết kiệm với số tiền là 5,1 tỷ đồng. Cũng dịp này Chủ tịch nước đã chuyển tặng 1230 suất quà trị giá 218 triệu đồng cho các gia đình chính sách có công với cách mạng. Nhân dịp Quốc khánh 2 tháng 9, UBND Thành phố đã tặng quà cho 7144 người có công, lão thành cách mạng, tù đày với tổng số tiền trị giá 2,1 tỷ đồng.

* Giáo dục:Phát huy thành tích đã đạt được, năm học 2007-2008, ngành giáo dục thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo giữ vững chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn. Thực hiện chương trình đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông, thực hiện tốt công bằng trong giáo dục đào tạo, tích cực chuẩn bị các điều kiện cho việc hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

- Giáo dục mầm non năm học 2007-2008 có 366 trường (tăng 10 trường so năm học trước), số trẻ đi học nhà trẻ là 21,9 ngàn cháu (tăng 4,6% so năm học trước), đạt 17% số trẻ trong độ tuổi; 114,9 ngàn cháu đi mẫu giáo (tăng 5,7%) đạt 87% số trẻ trong độ tuổi.

- Giáo dục tiểu học năm học 2007-2008 có 280 trường tiểu học (tăng 3 trrường so năm học trước) với 6352 lớp học và 201,6 ngàn học sinh (giảm 0,16% so năm học trước), công tác phổ cập giáo dục đúng độ tuổi được duy trì với hiệu quả cao. Số học sinh tuyển vào học lớp 1 là 46,8 ngàn học sinh, đạt 99,9% trẻ trong độ tuổi, huy động được tối đa số trẻ tàn tật có sức khoẻ tới các lớp học hoà nhập hoặc chuyên biệt với số lượng 1,7 ngàn học sinh. Tổ chức học 2 buổi/ngày được triển khai ở tất cả các quận huyện đạt tỷ lệ 91% tăng 6% so năm học trước.

- Giáo dục phổ thông trung học cơ sở năm học 2007-2008 có 219 trường (tăng 5 trường so năm học trước) với 4514 lớp học và 174,9 ngàn học sinh. Tuyển mới được 43,4 ngàn học sinh hoàn thành tiểu học vào học lớp 6, huy động được 405 học sinh khuyết tật đến lớp học tập trung và hoà nhập, tổ chức học 2 buổi/ngày cho 65,1 ngàn học sinh, đạt tỷ lệ 35,9% và tăng 8,4% so năm học trước.

- Giáo dục trung học phổ thông năm học 2007-2008 có 103 trường (tăng 3 trường so năm học trước) với 2677 lớp học và 119,9 ngàn học sinh (tăng 2,4%) trong đó tuyển mới vào lớp 10 là 42,3 ngàn học sinh đạt tỷ lệ 94%. Huy động được 16 học sinh khuyết tật đến lớp học tập trung và hoà nhập.

- Giáo dục thường xuyên: hiện nay Thành phố Hà Nội có 16 trung tâm giáo dục thường xuyên, 12 trường bổ túc văn hoá và 231 trung tâm học tập cộng đồng với 17,5 ngàn học sinh. Năm học 2007-2008 có 5000 học viên vào lớp 10 và 6,3 ngàn học viên hoàn thành trương chình bổ túc dự thi tốt nghiệp.

- Công tác chống mù chữ và tái mù chữ được chỉ đạo tốt, hiện có 792 học viên theo học trong đó xóa mù chữ được 20 học viên và bổ túc tiểu học được 772 học viên.

- Công tác đào tạo từ xa và bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học tiếp tục được chỉ đạo có hiệu quả hiện có 93 trung tâm ngoại ngữ, 82 trung tâm tin học được Sở GDĐT Hà Nội quản lý với 23 ngàn học viên ngoại ngữ và 15 ngàn học viên tin học, đào tạo từ xa 1,5 ngàn người.

* Hoạt động văn hoá thông tin:Năm 2007, ngành văn hoá thông tin Hà Nội triển khai tốt các hoạt động thông tin tuyên truyền, văn hoá nghệ thuật mừng Đảng, mừng xuân, kỷ niệm các ngày lễ lớn, bầu cử Quốc hội khoá XII, 60 năm kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27 tháng 7… Hoàn thành xuất sắc các chương trình tham gia liên hoan nghệ thuật “Hát về những người con ưu tú của Đảng”, “Lễ hội du lịch Hạ Long - Quảng Ninh 2007”, “Lễ hội 100 năm du lịch Sầm Sơn”, “Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng bí thư Lê Duẩn”, phục vụ chiến sỹ đảo Trường Sa, liên hoan thông tin lưu động “Về với cội nguồn”… Công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở được chú trọng và triển khai dưới nhiều hình thức: xây dựng gia đình văn hoá, xây dựng làng văn hoá, tổ dân phố văn hoá… Thực hiện tốt nếp sống văn minh trong cưới, tang, lễ hội… Toàn thành phố vẫn duy trì tốt công tác tổng vệ sinh và chiều thứ 6 sáng thứ 7 tại các cơ quan và khối phường…

* Thể dục thể thao: năm 2007, ngành thể dục thể thao Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động thể thao quần chúng sâu rộng với nhiều nội dung phong phú thu hút mọi người, mọi lứa tuổi tham gia ở các CLB sức khoẻ ngoài trời, cụm văn hoá TDTT, CLB TDTT cơ sở, CLB dưỡng sinh, xây dựng các điển hình tiên tiến về thể thao… Tỷ lệ người tham gia rèn luyện thể thao thường xuyên dự kiến đạt 28,9%, tỷ lệ gia đình thể thao đạt 20,9%. Trong năm 2007, Hà Nội đã tổ chức các giải thể thao phong trào: hội khoẻ phụ nữ Thủ đô, hội khoẻ thanh niên Thủ đô lần thứ VII, giải bóng chuyền CNVC LĐ Thủ đô chào mừng bầu cử đại biểu Quốc hội, giải cầu lông gia đình thể thao, hội khoẻ công đoàn viên chức Thành phố Hà Nội, hội khoẻ các cụm VHTT thủ đô, giải bóng cửa người cao tuổi… Đặc biệt trong năm 2007, tổ chức các môn thi đấu thể thao nằm trong chương trình hội khoẻ Phù Đổng học sinh thành phố năm học 2006-2007 đạt kết quả cao để chuẩn bị tham gia hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc dự kiến tổ chức vào năm 2008... Công tác giáo dục thể chất trong các trường học được coi trọng, triển khai tốt kế hoạch phổ cập kiến thức bơi và phòng chống tai nạn sông nước cho trẻ em… Hoạt động thể thao thành tích cao của Hà Nội năm 2007 được đầu tư chiều sâu, đưa vận động viên đi nước ngoài tham gia các cuộc thi đấu trong nước và quốc tế nhiều môn thể thao mũi nhọn và đạt được thành tích cao trong thi đấu với 770 huy chương (tính đến 10 tháng 12 năm 2007), trong đó giải thế giới 35 huy chương (12 huy chương vàng, 13 nguy chương bạc, 10 huy chương đồng), giải châu Á 50 huy chương (7 huy chương vàng, 26 huy chương bạc, 17 huy chương đồng), giải Đông Nam Á 95 huy chương (47 huy chương vàng, 28 huy chương bạc, 20 huy chương đồng), trong nước là 588 huy chương (256 huy chương vàng, 175 huy chương bạc, 157 huy chương đồng), giải khuyết tật 172 huy chương (94 huy chương vàng, 44 huy chương bạc, 34 huy chương đồng). Tại Seagames 24 tổ chức tại Thái Lan đoàn thể thao Hà Nội đoạt 28 huy chương vàng.

* Y tế:năm 2007, ngành y tế Hà Nội chủ động chỉ đạo triển khai đồng bộ công tác phòng chống dịch bệnh, kết hợp chặt chẽ giữa y tế dự phòng và y tế điều trị, chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hoá chất phương tiện và kế hoạch phòng chống dịch, đảm bảo không để xảy ra dịch lớn nhất là trong mấy tháng cuối năm có dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm bùng phát ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc (thành phố Hà Nội có 677 ca mắc bệnh tiêu chảy cấp). Hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc phục vụ người bệnh được tăng cường, chỉ tiêu khám chữa bệnh năm 2007 nhìn chung đạt cao hơn so năm 2006 tập trung ở khối bệnh viện thành phố.

Sở y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch hoạt động theo từng chương trình y tế cụ thể, chú trọng những hoạt động trọng điểm trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS.

Tính đến 6 tháng 12 năm 2007, luỹ tính người nhiễm HIV là 13512 người, số người chuyển sang AIDS là 3550 người, số người tử vong là 2174 người.

* Trật tự xã hội - an toàn giao thông:11 tháng đầu năm 2007, trên địa bàn Thành phố đã phát hiện và xẩy ra 4799 vụ phạm pháp hình sự (giảm 20% so cùng kỳ năm trước) với 4110 đối tượng bị bắt giữ theo luật (giảm 16%). Tổng số vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma tuý là 1656 vụ (giảm 11%) với 1996 đối tượng bị bắt giữ (giảm 17%).

Số vụ tai nạn giao thông xẩy ra trong 11 tháng năm 2007 là 733 vụ (giảm 9,5% so cùng kỳ năm trước) làm bị thương 485 người (giảm 20,3%) và làm chết 416 người (tăng 5%).

Số vụ cháy nổ trong 11 tháng năm 2007 là 159 vụ (tăng 14% so cùng kỳ năm trước) làm 6 người chết và 14 người bị thương, làm thiệt hại tài sản trị giá khoảng 13 tỷ đồng.

7. Tài chính - Tín dụng:

* Tài chính:Ước tính thu ngân sách trên địa bàn năm 2007 đạt 45798 tỷ đồng, vượt 2% dự toán năm và tăng 19,2% so năm 2006, trong đó thu từ XNQDTW vượt 5,3% dự toán, tăng 25% so năm trước, thu thuế công thương vượt 3,3% dự toán, tăng 40,3%, thu phí và lệ phí vượt 20,6% dự toán, tăng 21,3%, thu lệ phí trước bạ vượt 36,7% dự toán, tăng 43,2%, thu từ XNQDĐF so cùng kỳ tăng 25,6% nhưng chỉ đạt 96% dự toán và thu từ XN có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13,3% so năm trước nhưng chỉ đạt 77,6% dự toán.

Tổng chi ngân sách địa phương năm 2007 đạt 12239 tỷ đồng, đạt 91,7% dự toán và tăng 18,5% so năm trước, trong đó chi xây dựng cơ bản đạt 82% dự toán, tăng 8,4% so cùng kỳ và chi thường xuyên vượt 8,8% dự toán, tăng 14,8% so cùng kỳ.

* Tín dụng ngân hàng:Dự kiến đến hết năm 2007, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội đạt 341,7 ngàn tỷ đồng tăng 2,35% so cuối tháng trước và tăng 36,06% so với cuối năm 2006, trong đó tiền gửi dân cư tăng 2,11% và 29,3%, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 2,53% và 41,6%. Dư nợ cho vay là 170,3 ngàn tỷ đồng tăng 1,98% so tháng trước và tăng 38,56% so với cuối năm 2006, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 2,01% và 34,88%, dư nợ trung và dài hạn tăng 1,94% và 44,76%.



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật