Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 12 và dự kiến cả năm 2005 (00:00 04/01/2006)


Lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XIV và kết thúc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2001-2005, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2005 với những chỉ tiêu kinh tế đều đạt và vượt kế hoạch: Tổng sản phẩm nội địa (GDP) dự kiến tăng 11,16% (kế hoạch 10,5 - 11,5%), Tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng 19,6% (kế hoạch 11%), Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15,6% (kế hoạch 15-16%), Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 11,97% (kế hoạch 10-11%), Kim ngạch xuất khẩu tăng 23,8% (kế hoạch 15%), Thực hiện vốn đầu tư xã hội tăng 15,4% (kế hoạch tăng 12,1%). An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống nhân dân được ổn định.



1. Tổng sản phẩm nội địa (GDP)

Tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm 2005 tăng 11,16% so với năm 2004 trong đó giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp - xây dựng tăng 12,93% (đóng góp 5,01% vào mức tăng chung), của các ngành dịch vụ tăng 10,43% (đóng góp 6,1% vào mức tăng chung) và của ngành nông - lâm - thuỷ sản tăng 1,65% (đóng góp 0,05% vào mức tăng chung).

Cơ cấu tổng sản phẩm nội địa năm 2005 về cơ bản vẫn duy trì xu hướng của các năm gần đây với tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng là 40,89%, ngành dịch vụ là 57,37% và ngành nông lâm thuỷ sản là 1,74%.

Tốc độ tăng và cơ cấu GDP qua các năm:

2001

2002

2003

2004

2005

Tốc độ tăng GDP (%)

10,02

12,04

11,43

11,58

11,16

- Nông - lâm, thuỷ sản

1,16

7,44

2,09

-1,94

1,65

- Công nghiệp - xây dựng

9,23

13,43

17,19

13,87

12,93

- Dịch vụ

11,07

11,50

8,53

10,82

10,43

Cơ cấu GDP (theo giá hiện hành) (%)

100,00

100,00

100,00

100,00

100,00

- Nông - lâm, thuỷ sản

2,66

2,48

2,25

1,88

1,74

- Công nghiệp - xây dựng

36,81

37,82

40,54

40,56

40,89

- Dịch vụ

60,53

59,70

57,21

57,56

57,37

2. Sản xuất công nghiệp:

Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội tháng Mười Hai năm 2005 tăng 20,5% so với tháng trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 20,2% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 19,6%, kinh tế Nhà nước địa phương tăng 22,5%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 10,1% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 25,3%.

Dự kiến cả năm 2005, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội tăng 15,6% so với năm trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 6,7% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 4,1%, kinh tế Nhà nước địa phương tăng 16,4%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 20,1% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 24,4%.

a) Sản xuất công nghiệp Trung ương:

Giá trị sản xuất công nghiệp Trung ương tháng Mười Hai năm 2005 tăng 19,6% so tháng trước. Với 21/22 ngành sản xuất tăng, trong đó có những ngành sản xuất tăng khá là: khai thác đá, mỏ khác (tăng 90,3%), sản xuất trang phục (tăng 63,3%), chế biến gỗ lâm sản (tăng 62,8), chế tạo thiết bị máy móc (tăng 66,0%), sản xuất xe có động cơ (tăng 26,2%), sản xuất phương tiện vận tải khác (tăng 86,4%)... Ngành sản xuất giảm là: sản xuất thuốc lá (giảm 0,3%).

Dự kiến cả năm 2005 so năm trước, giá trị sản xuất công nghiệp Trung ương tăng 4,1% với 11/22 ngành sản xuất tăng: khai thác than (tăng 14,6%), chế biến thực phẩm (tăng 24,9%), sản xuất thuốc lá (tăng 24,3%), xuất bản in (tăng 8,9%), sản xuất sản phẩm bằng kim loại (tăng 10,8%), chế tạo thiết bị máy móc (tăng 7,5%), sản xuất phương tiện vận tải khác (tăng 28,7%), sản xuất giường tủ đồ khác (tăng 37,3%), sản xuất phân phối điện (tăng 12,6%)... 11/22 ngành sản xuất giảm là: khai thác đá mỏ khác (giảm 18,9%), công nghiệp dệt (giảm 7%), sản xuất trang phục (giảm 1,9%), sản xuất đồ da (giảm 62,8%), chế biến gỗ lâm sản (giảm 44,4%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (giảm 62,2%), sản xuất cao su plastic (giảm 16,4%), sản xuất khoáng phi kim loại (giảm 15,2%), sản xuất tivi thiết bị thông tin (giảm 10,4%), sản xuất dụng cụ chính xác (giảm 9,8%), sản xuất xe có động cơ (giảm 9,9%).

Nguyên nhân của sản xuất công nghiệp Trung ương năm 2005 có tốc độ tăng thấp hoặc giảm so năm 2004 là do giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng đột biến, tình hình điện năng tháng 6, tháng 7 thiếu trầm trọng, sản xuất lệ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên, nhiên liệu nhập khẩu và khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm bị hạn chế. Ngoài ra còn có nguyên nhân là một số doanh nghiệp Nhà nước chuyển sang cổ phần hoá, vốn Nhà nước chi phối <50% và số doanh nghiệp này được tính vào doanh nghiệp ngoài Nhà nước nên so sánh cùng kỳ tăng chậm hoặc giảm sút.

Những doanh nghiệp công nghiệp Nhà nước Trung ương có tốc độ tăng cao trong năm là: Công ty Bánh kẹo Hải Hà (tăng 12,2%), Công ty Rượu Hà Nội (tăng 123,5%), Công ty Thuốc lá Thăng Long (tăng 22,4%), Công ty Dệt vải công nghiệp (tăng 30,3%), Công ty Dệt kim Đông xuân (tăng 22,4%), Công ty May 10 (tăng 36,5%), Công ty May Đức Giang (tăng 21,2%), Công ty In và văn hoá phẩm (tăng 30,9%), Công ty Chế tạo Điện cơ (tăng 29,9%), Công ty Chế tạo biến thế (tăng 21,4%), Công ty cơ khí 19/8 (tăng 49%), Công ty ô tô Hoà Bình (tăng 13,6%), Công ty phân lân Văn Điển (tăng 16,9%), Nhà máy In tiền Quốc gia (tăng 16,7%)... Bên cạnh đó có một số doanh nghhiệp do khó khăn về đầu tư đổi mới thiết bị và giá cả vật tư nguyên liệu tăng cao nên sản xuất giảm so năm trước là: Công ty Dệt 8/3 (giảm 5,4%), Công ty Cao su Sao vàng (giảm 15,1%), Công ty Giày Thăng Long (giảm 46,1%), Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 1 (giảm 1,7%), Công ty cổ phần Hữu Hưng Viglacera (giảm 30,3%), Công ty cổ phần gốm xây dựng Đông Anh (giảm 1,7%), Công ty cổ phần dụng cụ số 1 (giảm 28,3%), Công ty cổ phần cơ khí chính xác số 1 (giảm 1,6%), Công ty sản xuất thiết bị điện (giảm 25,9%)...

b) Sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương:

Giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương tháng Mười Hai năm 2005 tăng 22,5% so tháng trước và tăng 31,1% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến cả năm 2005, giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương tăng 16,4% so năm trước với 16/20 ngành sản xuất tăng trong đó có những ngành sản xuất tăng khá: khai thác than (tăng 38,8%), chế biến thực phẩm (tăng 30,8%), xuất bản in (tăng 23,2%), sản xuất hoá chất (tăng 22,1%), sản xuất các sản phẩm từ kim loại (tăng 22%), sản xuất thiết bị điện (tăng 38,8%), sản xuất giường tủ đồ khác (tăng 20,9%)... Bốn ngành sản xuất giảm là: sản xuất trang phục (giảm 5,6%), sản xuất khoáng phi kim loại (giảm 6%), sản xuất xe có động cơ (giảm 21%) và sản xuất kim loại (giảm 67,2%). Những doanh nghiệp công nghiệp Nhà nước địa phương đạt tốc độ tăng khá là: Công ty Cơ điện Trần Phú (tăng 42,6%), Công ty cổ phần Dệt 10/10 (tăng 50,1%), Công ty Nhựa Hà Nội (tăng 37,2%), Công ty Xích líp Đông Anh (tăng 38,8%), Công ty Bánh kẹo Tràng An (tăng 43,6%), Công ty Xe đạp Xe máy Thống Nhất (tăng 36,6%), Công ty Điện cơ Thống Nhất (tăng 18,3%), Công ty Kim khí Thăng Long (tăng 27,7%)... Những doanh nghiệp sản xuất công nghiệp địa phương có sản xuất giảm so năm 2004 là: Công ty Dệt kim Thăng Long (giảm 18,6%), Công ty Kỹ thuật Điện thông (giảm 21,5%), Công ty Nước giải khát Trường Xuân (giảm 16,8%)...

c) Sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước:

Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tháng Mười Hai năm 2005 tăng 10,1% so tháng trước và tăng 22,6% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến cả năm 2005, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tăng 20,1% so năm trước, trong đó công ty TNHH tư nhân tăng 22%, công ty cổ phần khác tăng 24,1%, doanh nghiệp tư nhân tăng 11%, HTX tăng 13,5%, hộ cá thể tăng 10,3%. Có 17/20 ngành sản xuất tăng, trong đó có một số ngành sản xuất tăng khá: chế biến thực phẩm (tăng 34,9%), xuất bản in (tăng 23,4%), sản xuất hoá chất (tăng 21,9%), sản xuất khoáng phi kim loại (tăng 45,3%), sản xuất sản phẩm bằng kim loại (tăng 28,6%), sản xuất xe có động cơ (tăng 34,4%), sản xuất giường tủ đồ khác (tăng 32,8%)... Năm ngành sản xuất giảm là: công nghiệp dệt (giảm 2,8%), chế tạo thiết bị máy móc (giảm 1,8%), sản xuất dụng cụ chính xác (giảm 21,3%), sản xuất phương tiện vận tải khác (giảm 16,8%), tái chế (giảm 3,6%).

Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước của 14 Quận, Huyện đều tăng so năm 2004 trong đó các Quận, Huyện đạt tốc độ tăng khá là: Ba Đình (tăng 23,7%), Sóc Sơn (tăng 22,7%), Gia Lâm (tăng 21,7%), Long Biên (tăng 22,4%), Cầu Giấy (tăng 21,9%), Từ Liêm (tăng 20,2%), Hoàng Mai (tăng 20,1%)…

d) Sản xuất khu vực có vốn đầu tư nước ngoài:

Giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tháng Mười Hai năm 2005 tăng 25,3% so tháng trước và tăng 33,3% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến cả năm 2005, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 24,4% so năm trước, với 15/19 ngành sản xuất tăng, trong đó có những ngành sản xuất tăng khá: chế biến thực phẩm (tăng 28,7%), chế biến gỗ lâm sản (tăng 19,5%), sản xuất cao su plastic (tăng 68,5%), sản xuất hoá chất (tăng 142,3%), sản xuất khoáng phi kim loại (tăng 28,3%), sản xuất sản phẩm bằng kim loại (tăng 50,3%), sản xuất thiết bị văn phòng (tăng 128,6%), sản xuất xe có động cơ (tăng 26,3%), sản xuất giường tủ đồ khác (tăng 39,6%)... 4/19 ngành sản xuất giảm: công nghiệp dệt (giảm 88,7%), sản xuất trang phục (giảm 1%), xuất bản in (giảm 12,1%), sản xuất dụng cụ chính xác (giảm 1,3%). Các công ty có qui mô sản xuất tăng khá là: Công ty Dược phẩm Braun (tăng 188,4%), Công ty Sứ vệ sinh INAX Giảng Võ (tăng 12%), Công ty Parker Brocessing (tăng 74%), Công ty Canon Việt Nam (tăng 64%), Công ty Sumi Hanel (tăng 27,9%), Công ty Daewoo Motor Company (tăng 60%), Công ty Hino Motor Vietnam (tăng 75%), Công ty Denso (tăng 167,6%)...

3. Xây dựng cơ bản

* Vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách Nhà nước địa phương tháng Mười Hai năm 2005 ước đạt 932 tỷ đồng tăng 39,7% so tháng trước, tăng 101,3% so cùng kỳ năm trước và bằng 14,3% kế hoạch năm 2005. Trong tháng Mười Hai năm 2005 đã khởi công xây dựng các dự án. Mở rộng đường Lạc Long Quân, cống hoá sông Sét, 3 gói thầu đắp đê sông Hồng và sông Đuống.

Dự kiến cả năm 2005, vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách Nhà nước địa phương đạt 6759 tỷ đồng tăng 102,3% so năm trước, tăng 4% so kế hoạch cả năm (theo kế hoạch đã điều chỉnh tháng 12 năm 2005).

* Tiến độ một số công trình dự án:

+ Nút giao thông Ngã Tư Sở: Đã đổ xong bê tông của trụ P2, đang tiến hành lắp dựng cốp pha, cốt thép trụ P5; đã đổ xong bê tông của nhịp đầu tiên nhịp A2 - P8, hiện đang tháo dỡ ván khuôn. Việc thi công hầm bộ hành vẫn đang tiến hành khẩn trương, hiện đang thi công đắp mái dốc cầu thang và xung quanh các đốt hầm C4 -C5-C6, thi công rút cừ cầu thang A1 -A2, đào đất lấp 3 cầu thang C, lớp 2 cầu thang D. Như vậy kết thúc năm 2005, tiến độ thi công cầu vượt và hầm bộ hành đạt mục tiêu đã đề ra. Đến đầu tháng 12/2005 cơ bản hoàn thành việc giải phóng mặt bằng và thu hồi đất của 262 phương án của đợt 3 và đã bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu. Đến nay công tác giải phóng mặt bằng của dự án này đã hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra, góp phần quan trọng vào việc đẩy nhanh tiến độ thi công của dự án.

+ Đường vành đai 1 (Kim Liên - Ô Chợ Dừa): Hiện cơ quan tư vấn đang hoàn thiện thiết kế điều chỉnh sau khi có kết quả đánh giá địa chất để xử lý nền đất yếu. Đến nay hợp đồng giải phóng mặt bằng quận Đống Đa đã phê duyệt được 296/910 phương án đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân của 2 phương Nam Đồng và Phương Liên; đã chi trả tiền đền bù được 479 phương án và bàn giao 427 căn hộ tái định cư cho các hộ dân của 2 phường của cả đợt 1 và đợt 2. Về cơ bản chủ đầu tư đã chuẩn bị đủ nhà tái định cư cho kế hoạch giải phóng mặt bằng năm 2005.

+ Dự án cầu Vĩnh Tuy: Đến nay 9 gói thầu từ gói thầu số 8 đến gói thầu số 16 đều đã được triển khai, trong đó 564 cọc khoan nhồi của 4 gói thầu số 8, 11, 12, 13 đã thi công xong, hiện các nhà thầu đang triển khai công tác siêu âm, thử PDA đồng thời tiến hành đúc bệ, thân trụ dầm Super T. Hiện chủ đầu tư đang tập trung giải phóng mặt bằng trên địa bàn thuộc quận Hai Bà Trưng. Qua 3 đợt đã chi trả tiền đền bù được 290 hộ dân và 15 cơ quan. Hiện đã niêm yết công khai phương án đền bù của 128/196 hộ còn lại, phấn đấu đến hết 2005 sẽ cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc thi công cầu Vĩnh Tuy phần đất thuộc quận Hai Bà Trưng. Phần mặt bằng của dự án thuộc quận Long Biên cũng đang được chủ đầu tư và các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai công tác đền bù và thu hồi đất phục vụ cho việc thi công; Đến nay đã chi trả tiền đền bù cho 475/600 hộ dân có đất nông nghiệp và 150 hộ dân có đất bị trưng dụng, đối với đất ở của 350 hộ dân đã điều tra cơ bản xong, đang tiến hành tập hợp số liệu, lên phương án.

+ Công tác tu bổ đê kè: Trong tháng đã khởi công 3 gói thầu đắp đê của 2 tuyến sông Hồng và sông Đuống để thực hiện kế hoạch tu bổ đê kè năm 2006.

* Tổng vốn đầu tư xã hội: Dự kiến cả năm 2005 đạt 32500 tỷ đồng, tăng 15,4% so năm trước. Trong đó vốn trong nước là 28000 tỷ đồng (chiếm 86,2%), vốn ngoài Nhà nước 4500 tỷ đồng (chiếm 13,8%). Vốn đầu tư của Nhà nước tăng 17,24%, vốn doanh nghiệp Nhà nước tự đầu tư tăng 7,07%, vốn các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư tăng 19,67%, vốn dân tự đầu tư tăng 5,88%.

* Đầu tư trực tiếp nước ngoài: Dự kiến năm 2005 Hà Nội có thêm 152 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp giấy phép và bổ sung vốn tăng 42% so năm 2004, tăng 52% so kế hoạch năm 2005 với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 1, 8 tỷ USD tăng gấp 7 lần so năm 2004 và tăng 94% so với kế hoạch năm 2005. Vốn đầu tư thực hiện đạt 350 triệu USD tăng 30% so năm 2004. Năm 2005, hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài của Hà Nội có nhiều ưu điểm nổi bật và là đơn vị dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đó là do môi trường đầu tư chung của cả nước được cải thiện, thông thoáng hơn với các chính sách ngày càng cởi mở hơn; việc đẩy nhanh quá trình gia nhập WTO cùng với chỉnh sửa toàn bộ hệ thống luật pháp theo thông lệ quốc tế ngày càng làm cho môi trường đầu tư chung hấp dẫn hơn, các nhà đầu tư lớn quan tâm đến Việt Nam, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội hơn. Mặt khác Hà Nội có nhiều lợi thế trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài vì vị trí địa lý thuận lợi, là đầu mối giao thông trong nước và quốc tế, là trung tâm đầu não chính trị, hành chính của cả nước, trung tâm khoa học - giáo dục - y tế - kinh tế của cả nước. Chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh trật tự an toàn xã hội tốt... Thành phố Hà Nội lại có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư trong năm 2005: đẩy mạnh cải cách hành chính theo cơ chế một cửa, tăng cường phối hợp các cơ quan liên quan, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính khoảng 20 - 30%; tăng cường phối hợp, trao đổi với Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp để rà soát, kịp thời giải quyết những vướng mắc tồn đọng cho các dự án đầu tư nước ngoài; tiếp tục xây dựng mở rộng một số khu công nghiệp để tạo mặt bằng kêu gọi đầu tư; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư: Nhật Bản - Hàn Quốc - Trung Quốc - Châu Âu, nghiên cứu thành lập hai văn phòng đại diện tại Pháp và Mỹ, tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ kết hợp các hoạt động xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch.

4. Thương mại dịch vụ:

* Nội thương: Tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn Hà Nội tháng Mười Hai năm 2005 tăng 2,8% so tháng trước, tăng 30% so cùng kỳ năm trước, trong đó bán lẻ tăng 2,6% và tăng 29%.

Dự kiến cả năm 2005, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội Thành phố Hà Nội tăng 24,2% so năm trước, trong đó bán lẻ tăng 21,89% (tăng 13,6% nếu loại trừ yếu tố giá).

* Ngoại thương:Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội tháng Mười Hai năm 2005 tăng 3% so tháng trước, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 3,5%. Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tăng 3,3% so tháng trước trong đó nhập khẩu địa phương tăng 2,8%.

Dự kiến cả năm 2005, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội tăng 23,8%, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 36,8% so năm trước. Chia theo thành phần kinh tế: kinh tế Nhà nước tăng 14,6%, kinh tế ngoài Nhà nước tăng 18,4% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 47,2%. Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn Hà Nội tăng 21% so năm trước, trong đó nhập khẩu địa phương tăng 26,5%. Chia theo thành phần kinh tế: kinh tế Nhà nước tăng 18,4%, kinh tế ngoài Nhà nước tăng 17,5%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 40,3%.

* Du lịch: Tháng Mười Hai năm 2005, khách quốc tế vào Hà Nội khoảng 90 ngàn lượt khách, không tăng nhiều so tháng trước, tăng 23% so cùng kỳ năm trước. Khách nội địa vào Hà Nội vẫn giữ được tốc độ tăng khá và tăng 15-17% so cùng kỳ năm trước (Dịch cúm gia cầm chưa ảnh hưởng nhiều đến số lượng khách du lịch quốc tế và nội địa đến Hà Nội).

Dự kiến cả năm 2005, có 1, 05 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 3, 7 triệu lượt khách nội địa đến Hà Nội. Khách đến tăng khoảng 15%, doanh thu du lịch xã hội tăng từ 20-22%.

* Giá cả - thị trường: Chỉ số giá tiêu dùng tháng Mười Hai năm 2005 so tháng trước tăng 0,84%, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,3%, hàng giáo dục tăng 1,16%, đồ dùng và dịch vụ khác tăng 1,08%, còn đa số các nhóm hàng khác đều dao động tăng lên chút ít. Riêng nhóm hàng phương tiện đi lại và bưu điện giảm một ít do giá xăng dầu có giảm. Chỉ số giá vàng tháng Mười Hai tăng 7,25% so tháng trước do giá vàng trong tháng biến động tăng nhiều (nhất là những ngày giữa tháng 12 giá vàng 9999 lên tới hơn 1 triệu đồng /chỉ). Chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,14%.

Dự kiến cả năm 2005: Chỉ số giá tiêu dùng tháng Mười Hai năm 2005 so tháng Mười Hai năm trước tăng 9,46%; chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm 2005 tăng 7,5% so năm 2004. Nguyên nhân giá cả năm 2005 tăng nhiều so 2004 là: Do đầu năm và cuối năm, bị ảnh hưởng dịch cúm gia cầm làm giá thực phẩm tăng cao; trong năm giá xăng dầu bị điều chỉnh tăng liên tiếp ba đợt ảnh hưởng đến giá thành sản xuất mọi ngành kinh tế; giá vật tư nguyên liệu nhập khẩu cũng tăng cao làm ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm sản xuất trong nước và việc điều chỉnh tăng tiền lương cũng tác động không nhỏ tới sự tăng giá cả thị trường.

* Vận tải: Tháng Mười Hai năm 2005 so tháng trước, khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 1,9%, khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 3,1%, doanh thu vận chuyển hàng hoá tăng 2,7%, khối lượng hành khách vận chuyển tăng 4,5%, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 4,2% và doanh thu vận chuyển hành khách tăng 4,2%.

Dự kiến cả năm 2005 so năm trước, khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 14,9%, khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 19,8%, doanh thu vận chuyển hàng hoá tăng 20,9%, khối lượng hành khách vận chuyển tăng 21,3%, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 20,6%, doanh thu vận chuyển hành khách tăng 27,0%. Hoạt động vận tải năm 2005 nổi lên vẫn là hoạt động giao thông công cộng bằng xe buýt: một số tuyến xe buýt do công ty tư nhân thắng thầu ở các tuyến ngoại thành và liên tỉnh đi vào hoạt động đánh dấu một nhân tố mới trong hoạt động vận tải công cộng. Ước tính cả năm 2005, vận tải xe buýt được 300 triệu lượt hành khách, tăng 20% so năm 2004.

* Bưu chính viễn thông:

- Bưu chính: doanh thu bưu chính tháng Mười Hai đạt 11 tỷ đồng tăng 1,2% so tháng trước và tăng 22,7% so cùng kỳ.

Dự kiến cả năm 2005 doanh thu bưu chính đạt 128D, 9 tỷ đồng tăng 22,4% so năm trước.

- Viễn thông: Uớc tính tháng Mười Hai 2005 có 19, 2 ngàn thuê bao điện thoại và 2300 thuê bao Internet mới tăng. Doanh thu viễn thông đạt 238 tỷ đồng tăng 1,2% so tháng trước và tăng 3% so cùng kỳ .

Dự kiến cả năm 2005 có 227 ngàn thuê bao điện thoại (trong đó 65% thuê bao di động), 14518 thuê bao Internet mới. Doanh thu ước đạt 2570 tỷ đồng tăng 2,9% so năm 2004. Năm 2005 có thêm 2 doanh nghiệp được cấp giấy phép thiết lập mạng di động (Công ty viễn thông Hà Nội và Công ty viễn thông Điện lực) nâng tổng số nhà cung cấp di động ở Việt Nam lên 6 đơn vị. Sự cạnh tranh giữa các hãng kinh doanh mạng điện thoại di động đã theo hướng ngày càng có lợi cho người tiêu dùng.

5. Sản xuất nông nghiệp

* Sản xuất vụ mùa và vụ đông 2005: Đến nay toàn Thành phố đã thu hoạch xong lúa và rau mầu hè thu. Kết thúc gieo trồng cây vụ mùa. Các quận, huyện tiếp tục chăm sóc thu hoạch cây vụ đông và chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân.

* Chăn nuôi: Đàn trâu§, bò, lợn vẫn phát triển ổn định. Đàn gia cầm vẫn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm tái phát. (Thành phố Hà Nội có một số địa bàn như Lĩnh Nam, Trần Phú, Mai Động, Giáp Bát có xuất hiện gà chết nhưng kết quả xét nghiệm là âm tính với virút H5N1). Các quận, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm, có kế hoạch triển khai, tuyên truyền rộng rãi để theo dõi, quản lý chặt chẽ và phát hiện kịp thời khi dịch xuất hiện.

* Dự kiến giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản năm 2005:Giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản cả năm 2005 so với cả năm 2004 tăng 2,22% trong đó trồng trọt giảm 2,7%, chăn nuôi tăng 8,27%, dịch vụ nông nghiệp tăng 27,85%, thuỷ sản tăng 1,24%, lâm nghiệp giảm 5,6%. Sản lượng các loại cây lương thực có hạt giảm 4% (9104 tấn). Do diện tích trồng lúa giảm mạnh (giảm 2430 ha) và cây ngô xuân phát triển trong thời tiết không thuận lợi bị mưa đá lúc trổ cờ nên năng suất thấp. Diện tích rau năm 2005 cũng giảm so năm trước 7,77% (684 ha) nhưng do được đầu tư thâm canh và mở rộng cơ cấu những loại rau trồng có năng suất cao nên năng suất rau năm nay khá hơn (tăng 2%), nhưng sản lượng rau vẫn giảm 9352 tấn (giảm 5,8%) so năm trước.

6. Các vấn đề xã hội

*Dân số: Dự kiến dân số bình quân năm 2005 toàn Thành phố Hà Nội là 3170, 7 ngàn người, tăng 2,65% so năm trước trong đó tăng chủ yếu do người các tỉnh ngoài vào làm ăn, sinh sống và học tập ở Hà Nội. Số trẻ em sinh ra trong năm 2005 gần 51 ngàn cháu, tỷ suất sinh thô là 16,07%o, giảm 0,18%o so kế hoạch năm 2005. Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên của Hà Nội năm 2005 có khả năng đảm bảo kế hoạch được giao.

*Đời sống các tầng lớp dân cư 2005 ở Hà Nộivẫn giữ được sự ổn định và nhìn chung có xu hướng đi lên. Trong năm Thành phố có nhiều giải pháp hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, tạo việc làm góp phần xoá đói giảm nghèo, đưa 1250 hộ từ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo (theo chuẩn cũ: thành thị 170 ngàn đồng /người /tháng, nông thôn 130 ngàn đồng /người /tháng). Đối với công nhân viên chức và người lao động hưởng lương, trong năm 2005 được Nhà nước điều chỉnh tăng lương cơ bản từ tháng 10/2005 mức 290 ngàn đồng lên 350 ngàn đồng cho mức lương tối thiểu do đó đã phần nào tạo sự ổn định cho đối tượng làm công hưởng lương trong điều kiện giá cả thị trường biến động tăng rất lớn trong năm. Đối với khu vực nông thôn của Hà Nội, năm 2005 cũng có một số khó khăn cho các hộ chăn nuôi gia cầm và thuỷ sản do dịch bệnh và hạn hán kéo dài hồi đầu năm song bù lại Nhà nước và Thành phố có nhiều chính sách khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng kỹ thuật nuôi trồng tiến bộ vào sản xuất nên về cơ bản không gặp khó khăn lớn và đời sống nông dân được ổn định với xu hướng đi lên vững chắc. Đối với đối tượng hưởng chính sách: Thành phố thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho 39638 người có công với kinh phí trên 13 tỷ đồng, chi trả trợ cấp 1 lần với kinh phí trên 2 tỷ đồng. Ban chỉ đạo vay vốn Quỹ Quốc gia đã xét duyệt 475 dự án với số vốn vay là 45, 3 tỷ đồng, duy trì và tạo việc làm cho 10710 lao động.

Dự tính cả năm 2005, Thành phố Hà Nội giải quyết việc làm cho trên 80 nghìn người lao động.

*Giáo dục: Năm 2005 quy mô giáo dục của Hà Nội tiếp tục được giữ vững và được mở rộng ở một số bậc, ngành học: Giáo dục mầm non có quy mô phát triển hơn năm học trước với tỷ lệ trẻ đến nhà trẻ đạt 17% số trẻ trong độ tuổi, mẫu giáo đạt 82,3% trẻ trong độ tuổi. Giáo dục phổ thông: 99,9% trẻ đến tuổi vào học lớp 1, 100% học sinh tốt nghiệp tiểu học vào học lớp 6; 92,4% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học lớp 9. Vào năm học 2005 - 2006 có 90,85% học sinh tiểu học và 28,48% học sinh trung học cơ sở học 2 buổi /1 ngày. Giáo dục thường xuyên vẫn được duy trì và giữ vững số lượng học viên, trong năm 2005 thành lập mới được 24 trung tâm học tập cộng đồng, nâng tổng số trung tâm của Thành phố lên là 96 trung tâm ở 14 quận, huyện. Kết quả thi tốt nghiệp năm học 2004 - 2005 Thành phố Hà Nội đạt tỷ lệ: học sinh tốt nghiệp tiểu học đạt 100%, trung học sơ sở đạt 98,2%, trung học phổ thông đạt 98,0%.

*Hoạt động văn hoá thông tin: Năm 2005 là năm có nhiều hoạt động với các ngày lễ trọng đại của đất nước, ngành văn hoá thông tin Hà Nội đã tổ chức tốt các hoạt động phục vụ các nhiệm vụ chính trị với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, chất lượng và có hiệu quả cao: phát hành tập san, thông tin phát thanh truyền hình, tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh xã, phường, băng rôn khẩu hiệu, biểu ngữ, panô, biểu diễn nghệ thuật nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mừng năm mới, kỷ niệm 115 năm sinh nhật Bác, “30 năm thống nhất đất nước”, “60 năm đất nước nở hoa”, chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XIV...

*Hoạt động thể dục thể thao của Thủ đô Hà Nội năm 2005 có nhiều thành tích: Hoạt động thể thao quần chúng được tổ chức sâu rộng khắp các quận, huyện với hàng ngàn người đủ các thành phần và lứa tuổi tham gia như: thi đấu bống đá, bóng bàn, cầu lông, võ thuật thể thao, thể thao người cao tuổi, bóng chày, bóng cửa... Thành phố xây dựng các lớp bóng đá năng khiếu trẻ chuẩn bị lực lượng kế cận cho đội tuyển các tuyến của Thành phố. Thành phố tổ chức nhiều hoạt động thể dục thể thao trong năm: ngày chạy Olympic, tổ chức liên hoan văn hoá thể thao người cao tuổi, giải chạy báo Hà Nội Mới - vì hoà bình lần 32, tổ chức các hoạt động thể thao chào mừng 51 năm Giải phóng Thủ đô và 995 năm Thăng Long - Hà Nội. Tổ chức đại hội thể dục thể thao Thủ đô lần thứ VI, tiến tới chuẩn bị Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ V (vào năm 2006). Tổ chức Hội khoẻ Thanh niên cấp Thành phố. Tổ chức thi đấu thể dục thể thao theo chuyên đề các ngành, các cơ sở với nhiều hình thức và mô hình thể thao phong phú... Hoạt động thể thao thành tích cao của Thành phố Hà Nội năm 2005 được đặc biệt chú trọng để chuẩn bị tham dự Seagmes 23 và Asean Paragames tại Philippine: cử vận động viên đi huấn luyện và thi đấu ở nước ngoài, tổ chức một số giải thể thao quốc tế trong nước, mời chuyên gia nước ngoài và Việt Nam huấn luyện... Đến 15/12/2005, thể thao thành tích cao Hà Nội đạt được 905 huy chương trong đó 376 huy chương vàng, 268 huy chương bạc, 261 huy chương đồng. Số huy chương vận động viên Hà Nội đóng góp cho đoàn thể thao Việt Nam tại Seagames 23 là 97 huy chương (26 vàng, 38 bạc, 33 đồng). Năm 2005, thể thao Hà Nội có số vận động viên được phong đẳng cấp: kiện tướng là 137, vận động viên cấp 1 là 59.

*Công tác y tế năm 2005 của Hà Nội đã đạt được những thành quả đáng kể: Công tác phòng chống dịch bệnh đã được chủ động triển khai đồng bộ ngay từ đầu năm với các kế hoạch cụ thể: Chống dịch bệnh đầu xuân, chống dịch bệnh mùa hè, có kế hoạch hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, vệ sinh học đường, vệ sinh lao động, kiểm dịch y tế... Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, hoạt động của hệ thống mạng lưới giám sát dịch, phối hợp chặt chẽ giữa hệ dự phòng và hệ điều trị, chuẩn bị sẵn cơ số thuốc, hoá chất, phương tiện và kế hoạch chống dịch.

Tính đến 30/11/2005 tổng số người nhiễm HIV toàn Thành phố là 9652 người, số bệnh nhân AIDS là 2343 người, có 1205 trường hợp tử vong.

*Trật tự an toàn xã hội:

11 tháng 2005 trên địa bàn Thành phố phát hiện và xảy ra 6026 vụ phạm pháp hình sự (tăng 6% so cùng kỳ) có 4794 đối tượng bị bắt giữ theo luật (giảm 5,9% so cùng kỳ). Tổng số vụ vi phạm kinh tế và xâm phạm tài chính là 424 vụ (tăng 14,5%), có 529 đối tượng vi phạm (tăng 21,8%). Số vụ buôn bán tàng trữ vận chuyển ma tuý trong 11 tháng là 1715 vụ (tương đương năm trước), 2182 đối tượng bị bắt giữ.

Tổng số vụ tại nạn giao thông 11 tháng 2005 là 968 vụ (giảm 25% so năm trước) làm chết 411 người (tăng 1 người), làm bị thương 782 người (giảm 35%). 11 tháng 2005 xảy ra 178 vụ cháy nổ (giảm 11%) và bị thương 27 người (tăng 4 người).

7. Tài chính - Tín dụng:

* Thu chi ngân sách: Dự kiến thu ngân sách trên địa bàn năm 2005 đạt 30612 tỷ đồng vượt 7,8% so với dự toán, tăng 19,6% so năm 2004, trong đó thu nội địa vượt 4,9%, tăng 21,1%, thu hải quan vượt 33,9%, tăng 9,9%. Một số khoản thu tăng khá như: thu thuế công thương nghiệp tăng 32%, thu từ xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 26,7%... Chi ngân sách địa phương ước đạt 11170 tỷ đồng bằng 136,1% dự toán năm 2005, tăng 60,9% so năm 2004 trong đó chi xây dựng cơ bản chiếm 62,1%, chi thường xuyên chiếm 29,8%. Chi ngân sách đã bảo đảm thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm phục vụ hoạt động của các cấp, các ngành.

* Tín dụng - Ngân hàng: Dự kiến đến 31/12/2005 tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội tăng 19,2% cuối năm 2004, trong đó tiền gửi dân cư tăng 23,8%, tiền gửi các tổ chức kinh tế tăng 15,9%. Dư nợ cho vay của các ngân hàng thương mại đến hết tháng 12/2005 tăng 17,0%, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 21,3%, dư nợ trung và dài hạn tăng 12,2%.



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật