Sản xuất công nghiệp của Hà Nội tháng Ba năm 2023 tăng 5,9% (17:00 07/04/2023)


HNP - Cục Thống kê Hà Nội cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng Ba năm 2023 của Hà Nội tăng 5,9% so với tháng trước và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung quý I/2023, IIP tăng 0,8%, mức tăng thấp trong nhiều năm gần đây.


Trong mức tăng chung của IIP tháng Ba, ngành chế biến, chế tạo tăng 6,1% so với tháng trước và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất và phân phối điện tăng 3,7% và tăng 5,3%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 7% và tăng 10,4%; ngành khai khoáng giảm 25,8% và giảm 33,5%. Ước tính quý I/2023, chỉ số IIP tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 0,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,3%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 7,5%; ngành khai khoáng giảm 17,1%.

 

Trong quý I năm nay, một số ngành chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn có chỉ số IIP đạt mức tăng khá so với cùng kỳ như: Sản xuất đồ uống tăng 28,9%; Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 26%; Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 13,2%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại tăng 12,8%; Sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 5,1%. Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ như: In, sao chụp bản ghi các loại giảm 23%; Sản xuất kim loại giảm 11,5%; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 9,8%; Sản xuất trang phục giảm 7,6%; Sản xuất thiết bị điện giảm 6,8%; Dệt giảm 6,1%.

Nguồn: Cục Thống kê Hà Nội

 

Chỉ số tiêu thụ sản phẩm toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Ba tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung quý I/2023 chỉ số tiêu thụ sản phẩm giảm 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tiêu thụ giảm do sức mua yếu, thị trường đầu ra 3 tháng đầu năm gặp khó khăn, trong đó một số ngành sản xuất có chỉ số tiêu thụ giảm mạnh như: Máy móc, thiết bị giảm 40,9%; Trang phục giảm 32,2%; Kim loại giảm 30,6%; Dệt giảm 27%; Phương tiện vận tải giảm 21%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng khá như: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 21,3%; Thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 17,9%; Sản phẩm từ kim loại tăng đúc sẵn tăng 9,4%; Chế biến thực phẩm tăng 5%; Thuốc lá tăng 3,1%.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính đến cuối tháng Ba tăng 11,1% so với cuối tháng trước và tăng 15,1% so với cuối quý I/2022, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng so với cùng kỳ: Sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 57%; Sản phẩm từ cao su và plastic tăng 40,7%; Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 25,8%; Sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 20,2%; Xe có động cơ tăng 10,7%; Trang phục tăng 10,6%; Sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tăng 10,5%.

Lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp ước đến cuối tháng Ba giảm 0,2% so với cuối tháng trước và giảm 4,1% so với cùng thời điểm năm trước. Ước tính quý I/2023, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp giảm 3% so với quý I/2022, trong đó lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 6,2%; khu vực ngoài Nhà nước tăng 0,8%; khu vực Nhà nước tăng 1%. Chia theo ngành kinh tế, lao động đang làm việc trong ngành chế biến, chế tạo giảm 3,1%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 2,2%; ngành khai khoáng giảm 7,2%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 0,1%.


Ngọc Định


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật