Tình hình kinh tế - xã hội tháng Một năm 2008 (00:00 12/03/2008)


1. Sản xuất công nghiệp: Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội tháng Một năm 2008 tăng 17,4% so cùng kỳ năm trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 6,5% (Kinh tế Nhà nước trung ương tăng 6%, Kinh tế Nhà nước địa phương tăng 8,2%), Kinh tế ngoài Nhà nước tăng 16,2%, Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 28,4%.



a) Sản xuất công nghiệp Nhà nước Trung ương:

Giá trị sản xuất công nghiệp Trung ương tháng Một năm 2008 tăng 6% so cùng kỳ năm trước với 12/21 ngành sản xuất tăng, trong đó một số ngành sản xuất tăng khá: sản xuất thuốc lá (tăng 31,4%), sản xuất cao su plastic (tăng 31,9%), sản xuất tivi thiết bị thông tin (tăng 35,3%), sản xuất xe có động cơ (tăng 96,6%), sản xuất thiết bị điện (tăng 21,8%)… 9/21 ngành sản xuất giảm là: chế biến gỗ lâm sản (tháng Một không có sản phẩm sản xuất), sản xuất trang phục (giảm 2,6%), sản xuất đồ da (giảm 39,4%), sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy (giảm 13,9%), sản xuất hoá chất (giảm 39,3%), sản xuất sản phẩm bằng kim loại (giảm 2,8%), chế tạo thiết bị máy móc (giảm 22,4%), sản xuất dụng cụ chính xác (giảm 49,5%), sản xuất phương tiện vận tải khác (giảm 50,8%).

b) Sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương:

Giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương tháng Một năm 2008 so cùng kỳ năm trước tăng 8,2% với 12/17 ngành sản xuất tăng trong đó có một số ngành sản xuất tăng khá: xuất bản, in (tăng 99,2%), sản xuất các sản phẩm từ cao su (tăng 39,4%), sản xuất kim loại (tăng 120%), sản xuất các sản phẩm từ kim loại (tăng 21%), sản xuất dụng cụ chính xác (tăng 77,5%)… 5/17 ngành sản xuất giảm là: sản xuất trang phục (giảm 3%), sản xuất khoáng phi kim loại (giảm 39,7%), sản xuất tivi thiết bị thông tin (giảm 42,2%), sản xuất giường tủ bàn ghế (giảm 1,5%).

c) Sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước:

Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tháng Một năm 2008 tăng 16,2% so cùng kỳ năm trước, trong đó Công ty TNHH tư nhân tăng 21,8%, Công ty cổ phần khác tăng 13,6%, doanh nghiệp tư nhân tăng 20,7%, hộ cá thể tăng 8,3% và hợp tác xã giảm 2,2%. Cả 22/22 ngành sản xuất đều tăng so cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành sản xuất tăng khá: khai thác đá, mỏ khác (tăng 53,8%), sản xuất hoá chất (tăng 41,8%), sản xuất kim loại (tăng 33,6%), sản xuất dụng cụ chính xác (tăng 43,8%), sản xuất khoáng phi kim loại (tăng 29,3%)…

d) Sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài:

Giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tháng Một năm 2008 tăng 28,4% so cùng kỳ năm trước với 16/19 ngành sản xuất tăng, trong đó một số ngành sản xuất tăng khá: sản xuất trang phục (tăng 221,8%), sản xuất giầy dép da và sản phẩm bằng da (tăng 108,2%), sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy (tăng 246,1%), sản xuất hoá chất (tăng 97,2%), sản xuất cao su plastic (tăng 228,3%), sản xuất khoáng phi kim loại (tăng 71,3%), sản xuất sản phẩm bằng kim loại (tăng 175,6%), chế tạo thiết bị máy móc (tăng 362,9%), sản xuất giường tủ đồ khác (tăng 97,1%)… 3/19 ngành sản xuất giảm là chế biến thực phẩm (giảm 13,9%), chế biến gỗ lâm sản (giảm 7,2%), sản xuất tivi thiết bị thông tin (giảm 8,7%).

2. Xây dựng cơ bản:

Vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách Nhà nước địa phương tháng Một năm 2008 ước đạt 640 tỷ đồng, tăng 0,57% so tháng trước

Tiến độ thực hiện một số dự án:

2.1. Nút giao thông Kim Liên: Hiện nay nhà thầu đã thi công hoàn thành khoảng 30% khối lượng,đang thi công hầm xe cơ giới, hầm bộ hành trên đường Lê Duẩn và Giải Phóng, hệ thống thoát nước và nhà trạm bơm...Kế hoạch hoàn thành dự án trong quý IV/2008.

2.2. Đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa: đã cơ bản hoàn thành, hiện còn lại 88/1088 m (khu vực bảo tồn đàn Xã Tắc) đang được nhà thầu tiếp tục thi công, dự kiến thông xe bên phải tuyến trước Tết Nguyên đán 2008 và kết thúc dự án trong tháng 4/2008 (sau khi GPMB xong khu vực đất kẹt ngõ Xã Đàn 2).

2.3. Dự án Bắc Thăng Long - Vân Trì: Đã thu hồi được khoảng 202 ha/205ha, còn phải GPMB thu hồi khoảng 3 ha đất, trong đó: GPMB thu hồi đất ở (còn 16 hộ dân với 2.500m2 thuộc 2 xã Kim Chung và Hải Bối), và đất nông nghiệp do Xã quản lý (còn khoảng 22.300m2 của 5 hộ nhận khoán thầu thuộc xã Vĩnh Ngọc, phương án đền bù hỗ trợ đã được Huyện Đông Anh phê duyệt từ năm 2003, Huyện Đông Anh đã thống nhất, phê duyệt kế hoạch cưỡng chế giải toả mặt bằng hoàn thành trước 20/1/2008).

2.4. Dự án Cầu Vĩnh Tuy:

* Hạng mục thi công cầu dẫn và nút giao phía Vĩnh Tuy: đến nay đã hoàn thành được một số phần công việc chính của các nhánh cầu CV1A, CV1B, CV1C và phần cầu chính. Dự kiến ngày 30/4/2008 sẽ hoàn thiện toàn bộ nút giao thông Nguyễn Khoái phục vụ thông xe kỹ thuật.

* Hạng mục thi công phần cầu chính vượt sông (gồm 6x135m+2x90m): Do nhà thầu CIENCO1 và nhà thầu Thăng Long đảm nhận, đến nay đã tiến hành thử tải xong đà giáo khối đúc tại chỗ. Công tác hợp long đảm bảo yêu cầu kỹ thuật thi công nghiệm thu của dự án. Trước Tết Mậu Tý sẽ tiến hành hợp long được 4/8 mối hợp long; dự kiến kết thúc hợp long toàn bộ 8/8 mối hợp long vào giữa tháng 02/2008.

* Hạng mục thi công phần cầu dẫn phía Bắc (gồm 44 nhịp 40m dầm Supper T; 3 nhịp đúc hẫng 55m+90m+55m và 6 nhịp 35m dầm hộp đúc trên đà giáo):

- Phần dầm Supper T do nhà thầu Thăng Long, CIENCO 8 thi công đã tiến hành lao lắp xong toàn bộ 44/44 nhịp dầm Supper T và đã tiến hành thi công bản mặt cầu được 38/44 nhịp.

- Đối với phần nhịp đúc hẫng (55m+90m+55m) vượt đê Tả Hồng nhà thầu CIENCO 8 đã thực hiện công tác hợp long được 02/3 nhịp, mối hợp long còn lại sẽ thi công kết thúc trước Tết Mậu Tý (07/02/2008).

- Riêng phần dầm hộp đúc trên đà giáo do nhà thầu CIENCO1 thi công đã hoàn thành được 4/6 nhịp.

Dự kiến ngày 30/4/2008 sẽ hoàn thành toàn bộ phần cầu dẫn phía Gia Lâm để phục vụ cho công tác thông xe ký thuật.

* Phần đường dẫn phía Long Biên:

- Đối với công tác thi công xử lý nền đất yếu nhà thầu đang chất tải khử lún các đoạn có thi công cọc cát xử lý nền đất yếu đối với đoạn đường 40m (Long Biên - Thạch Bàn).

- Đối với tuyến chính đang tiến hành xử lý nền đất yếu đoạn từ đầu cầu đến ngã ba đi Long Biên - Thạch Bàn. Ban QLDA vẫn chưa thể thực hiện di chuyển tuyến cấp nước thô D600 ra khỏi phạm vi dự án để bàn giao cho đơn vị thi công do vẫn chưa nhận được mặt bằng đoạn qua Công ty X20và X26 (Bộ Quốc phòng).

- Công tác triển khai thi công hệ thống tuynen, hào ga và công tác thoát nước đã cơ bản hoàn thành và đang triển khai công tác thi công lớp đất đắp K98.

Dự kiến ngày 30/4/2008 sẽ hoàn thiện phục vụ thông xe kỹ thuật.

2.5. Dự án đường 5 kéo dài:

a) Gói thầu xây lắp phần đường: Tiếp tục thực hiện một số hạng mục theo từng gói thầu 6, 7, 8, 9, 10, 11, 15.

b) Các gói thầu xây lắp phần cầu:

* Gói thầu số 12: Xây dựng cầu dẫn phía Đông Anh và đường gom phía đê Bắc Đuống - Km14+200 ¸Km14+796. Hiện có một số vướng mắc: Chưa có mặt bằng thi công đoạn cầu dẫn từ trụ P2 đến P5 do vướng 74 hộ dân phải chờ khu tái định cư, vì vậy sẽ ảnh hướng đến tiến độ thi công dầm cầu và tiến độ chung của gói thầu.

* Gói thầu số 13: Xây dựng cầu chính Đông Trù: Đã xong phần chuyển giao công nghệ thiết kế, hiện tại đang thẩm tra Hồ sơ TKKT.

* Gói thầu số 14: Xây dựng cầu dẫn phía Long Biên và đường gom phía đê Nam Đuống từ Km15+076 đến Km15+600: Đang hoàn thiện công tác chấm thầu chuẩn bị trình Thành phố kết quả chấm thầu.

3. Thương mại - dịch vụ:

* Nội thương: Dự kiến tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn Hà Nội tháng Một năm 2008 tăng 7% so tháng trước và tăng 25,3% so cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ tăng 7,5% và 31,7%.

Nắm bắt nhu cầu phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tý, ngành thương nghiệp Hà Nội đã xây dựng kế hoạch dự trữ nguồn hàng bảo đảm cung ứng hàng hoá có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt, chủ động ổn định thị trường với khối lượng hàng hoá dự kiến là 177 tấn lương thực, 600 tấn thịt lợn, 260 tấn gia cầm, 1 triệu quả trứng, 100 tấn rau, 200 tấn bánh mứt kẹo, 1,1 triệu chai - lon rượu - bia - nước ngọt, 600 tấn dầu ăn, 65 tấn mỳ chính, 160 tấn đường và nhiều hàng hoá tiêu dùng dịp Tết… Thành phố đẩy mạnh phong cách phục vụ văn minh, an toàn vệ sinh thực phẩm, tổ chức tốt các hội chợ mở rộng giao lưu văn hoá với các vùng, miền và phục vụ Tết Nguyên đán.

* Ngoại thương: Tháng Một năm 2008 so cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội tăng 26,5%, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 38,1%, kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn Hà Nội tăng 34,3% trong đó nhập khẩu địa phương tăng 27,2%.

* Giá cả thị trường: Chỉ số giá tiêu dùng tháng Một năm 2008 so tháng trước tăng 3,25%, trong đó nhóm hàng ăn uống tăng 6,36%. Theo đánh giá chung, giá cả thực phẩm, giải khát có xu hướng tăng nhanh cho đến 30 Tết (ngày 06/02/2008) và sẽ dừng lại ở mức cao những ngày sau Tết Nguyên đán. Giá cả tăng nhiều nhất là ở một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt lợn, thịt gà, thịt bò, cá, rượu bia… Nhóm hàng đồ uống và thuốc lá tăng 3,65%, nhóm hàng nhà ở điện nước chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,09%, trong đó giá vật liệu xây dựng nhất là sắt thép liên tục tăng, giá gas những ngày đầu tháng cũng tăng nhiều xong hiện nay đã chững lại ở mức giá 250 - 260 ngàn đồng/bình loại 12 kg. Giá các mặt hàng khác đều có xu hướng tăng (trừ nhóm hàng bưu chính viễn thông giảm 9,25% so tháng trước). Giá vàng tăng 3,98% so tháng trước và đang ở mức giá cao kỷ lục từ trước tới nay (giá vàng 99,99% bán ra ngày cao nhất lên tới 1770 ngàn đồng/chỉ), giá đô la Mỹ giảm 0,28% so tháng trước với mức giá phổ biến bán ra là 16042 đồng/USD.

* Vận tải: Tháng Một năm 2008 so cùng kỳ năm trước khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 8,5%, khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 13,6%, doanh thu vận chuyển hàng hoá tăng 36,8%; khối lượng hành khách vận chuyển tăng 23,8%, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 19,1% và doanh thu vận chuyển hành khách tăng 26,8%.

Dự kiến dịp Tết Nguyên đán, lượng khách đi lại tại các bến xe tăng khoảng 20% so năm trước và tăng gấp hai lần so ngày thường, nên Công ty quản lý bến xe đã có kế hoạch phục vụ những ngày giáp Tết, tăng cường xe, thêm chuyến không để tình trạng khách bị tồn đọng sang ngày hôm sau (Bến xe Giáp Bát phục vụ 35 ngàn hành khách/ngày với 850 xe/ngày, bến xe Gia Lâm phục vụ 11 ngàn hành khách/ngày với 419 xe/ngày, bến xe Mỹ Đình phục vụ 16,5 ngàn hành khách/ngày với 600 xe/ngày).

* Bưu chính viễn thông:

- Bưu chính: doanh thu tem thư, tem máy tăng 41% so tháng trước và tăng 8,5% so cùng kỳ. Thu cước bưu phẩm chuyển phát nhanh tăng 19% so tháng trước và giảm 24,6% so cùng kỳ.

- Viễn thông: Tháng Một năm 2008 so tháng trước số lượng điện thoại phát triển mới giảm 10,4%, số thuê bao Internet phát triển mới giảm 8,5% vì tháng này giáp Tết, nhu cầu lắp đặt mới điện thoại, Internet không phải là nhu cầu cấp thiết của người tiêu dùng.

4. Sản xuất nông nghiệp

* Vụ Đông năm 2007 - 2008: Tổng diện tích gieo trồng vụ đông ước đạt 11757 ha tăng 4,5% so cùng kỳ năm trước. Diện tích tăng chủ yếu ở cây ngô (tăng 565 ha), khoai lang (tăng 182 ha), lạc (tăng 116 ha). Tuy vậy diện tích bỏ hoang vụ đông còn khá lớn đặc biệt là vùng ven đô do ảnh hưởng của quá trình đô thị hoá, có nhiều ngành nghề mới có thu nhập cao thu hút người lao động chuyển hướng làm nghề mới có thu nhập cao hơn. Hiện nay, các huyện đang tập trung thu hoạch cây vụ đông, diện tích đã thu hoạch so với diện tích trồng: ngô 62%, lạc 91%, đậu tương 70%, khoai lang 30% …. Dự kiến năng suất một số cây trồng vụ đông như sau: ngô 29,27 tạ/ha (tăng 1,53% so cùng kỳ năm trước), khoai lang 66,4 tạ/ha (giảm 0,88%), đỗ tương 9,34 tạ/ha (giảm 12,22%), lạc 9,4 tạ/ha (giảm 6,56%), rau các loại 172,2 tạ/ha (tăng 4,81%).

* Vụ Xuân 2008: toàn thành phố đã gieo được 1133 ha mạ xuân, đạt 59% so dự kiến. Từ đầu vụ Đông đến nay, chưa có đợt rét đậm, rét hại nào nên diện tích mạ đã gieo cấy phát triển tốt, không có diện tích mạ bị chết rét. Diện tích đã cày ải để cấy lúa 10110 ha đạt 52% kế hoạch, bằng 90% so cùng kỳ năm trước và đang có xu hướng giảm đi vì hiện nay bà con chủ yếu thuê cầy máy làm đất rồi cấy luôn để tiết kiệm chi phí. Cùng với việc gieo mạ và làm đất, các huyện quận cùng các xí nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi đang tập trung nạo vét kênh mương để đưa nước về đổ ải, chuẩn bị cấy lúa vụ Xuân, đồng thời đang tích cực chăm sóc hoa, cây cảnh phục vụ Tết nguyên đán, thu hoạch các loại bưởi, cam và bón phân chăm sóc cây lâu năm. Đến nay, toàn thành phố đã gieo trồng 456ha cây vụ Xuân trong đó lúa 232 ha, rau 45ha, khoai sọ 86ha, hoa 93ha.

* Chăn nuôi, thuỷ sản: Tình hình chăn nuôi diễn biến không có gì đặc biệt nghiêm trọng tuy nhiên đã xảy ra dịch tả trên đàn vịt tại 2 xã Mai Đình và Minh Phú của huyện Sóc Sơn. Chính quyền và các ban ngành có liên quan đã ngăn chặn và thực hiện các biện pháp nhằm chống dịch bệnh lây lan. Trong tháng chưa phát hiện có trường hợp cúm gia cầm nào xảy ra. Các trạm thú y đã kết hợp với các ban, ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền, phát động công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm qua đài truyền thanh xã, phường và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Đồng thời tổ chức tiêm phòng bổ sung cho các đàn gia súc, gia cầm mới. Hiện nay, giá bán sản phẩm chăn nuôi đang tăng mạnh, tuy nhiên giá cả hàng hoá đầu vào của ngành chăn nuôi cũng tăng không kém do đó người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Để chuẩn bị phục vụ Tết nguyên đán, các hộ chăn nuôi đang tập trung chăm sóc gia súc, gia cầm. Các hộ, trang trại chăn nuôi thuỷ sản đang tiếp tục chăm sóc, thu hoạch sản phẩm và cải tạo ao, hồ chuẩn bị cho nuôi trồng thuỷ sản mới.

5. Văn hoá xã hội:

* Trật tự xã hội, an toàn giao thông: Năm 2007, trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã phát hiện và xảy ra 5154 vụ phạm pháp hình sự (giảm 19% so cùng kỳ năm trước), có 4411 đối tượng bị bắt giữ theo luật (giảm 16%). Tổng số vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma tuý năm 2007 là 1774 vụ (giảm 7% so cùng kỳ năm trước) với 2132 đối tượng bị bắt giữ (giảm 14%).

Cả năm 2007, xảy ra 809 vụ tai nạn giao thông (giảm 11% so năm 2006) làm chết 465 người (tăng 2,9%), bị thương 523 người (giảm 22%).

Số vụ cháy nổ xảy ra năm 2007 là 165 vụ (tăng 3% so năm trước) làm 6 người chết và 14 người bị thương, làm thiệt hại tài sản trị giá khoảng 13 tỷ đồng.

* Lao động, việc làm: Năm 2007, Hà Nội đào tạo nghề cho 77500 người, đạt 110,7% kế hoạch năm, trong đó dài hạn là 33000 người, ngắn hạn 44500 người, tăng 16,5% so với năm trước. Dự kiến cả năm 2007, Hà Nội giải quyết việc làm cho 87990 người đạt 103,5% kế hoạch năm, tăng 5,2% so năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm, dự kiến năm 2007 là 5,8% (năm 2006 là 6,06%)

* Chính sách xã hội: Năm 2007, Hà Nội đã cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho 70027 người nghèo, tàn tật, bệnh tật; trợ cấp cho 5519 người nghèo, người tàn tật già yếu không có khả năng thoát nghèo; cho 39649 lượt hộ nghèo vay vốn với tổng kinh phí 297 tỷ đồng. Tổng số hộ thoát nghèo năm 2007 của Hà Nội là 6800 hộ đạt 114% kế hoạch. Vận động quỹ đền ơn đáp nghĩa được 25,3 tỷ đồng (trong đó cấp Thành phố 7 tỷ đồng, cấp quận huyện xã phường là 18,3 tỷ đồng). Bằng nguồn ngân sách và vận động, năm 2007 Hà Nội đã xây dựng 182 nhà tình nghĩa với kinh phí trên 7 tỷ đồng, sửa chữa 450 nhà với kinh phí 6,6 tỷ đồng đạt 146% kế hoạch. Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội quyết định dành 60 căn hộ chung cư cho các gia đình chính sách trong nội thành có khó khăn về nhà ở thuê; trích 1,3 tỷ đồng từ ngân sách để sửa 35 nhà, trích 660 triệu đồng từ quỹ đền ơn đáp nghĩa Thành phố để hỗ trợ cho 5 huyện xây dựng và sửa chữa 33 nhà. Tặng 9349 sổ tiết kiệm với kinh phí 5,1 tỷ đồng cho người có công. Tu sửa, nâng cấp 178 công trình tưởng niệm liệt sỹ với kinh phí 19,2 tỷ đồng.

6. Tín dụng, ngân hàng:

Dự kiến đến cuối tháng Một năm 2008, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội đạt 357,6 ngàn tỷ đồng, tăng 1,93% so với cuối năm 2007, trong đó tiền gửi dân cư tăng 1,68%, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 2,1%. Tổng dư nợ cho vay tháng 1 đạt 187 ngàn tỷ đồng, tăng 2,2% so cuối năm 2007, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 2,2%, dư nợ trung và dài hạn tăng 2,2%.


thang 1 nam 2008.xls



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật