Tình hình Kinh tế - Xã hội tháng Bảy năm 2006 (00:00 12/10/2006)


1. Sản xuất công nghiệp: Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội tháng Bảy năm 2006 tăng 7,4% so tháng trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 5,2% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 6%, kinh tế Nhà nước địa phương tăng 3%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 3,1% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,1%.



1. Sản xuất công nghiệp:

Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội tháng Bảy năm 2006 tăng 7,4% so tháng trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 5,2% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 6%, kinh tế Nhà nước địa phương tăng 3%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 3,1% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,1%.

Dự kiến 7 tháng năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội tăng 17,7% so cùng kỳ năm trước trong đó kinh tế Nhà nước tăng 3,8% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 0,9%, kinh tế Nhà nước địa phương tăng 13,4%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 23,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 31,9%.

a) Sản xuất công nghiệp Nhà nước Trung ương:

Giá trị sản xuất công nghiệp Trung ương tháng Bảy năm 2006 tăng 6% so tháng trước với 18/21 ngành sản xuất tăng trong đó có một số ngành sản xuất tăng khá: sản xuất thuốc lá (tăng 31,5%), chế biến gỗ lâm sản (tăng 17,9%), chế tạo thiết bị máy móc (tăng 19,3%), sản xuất dụng cụ chính xác (tăng 19,2%)... 3/21 ngành sản xuất giảm là: sản xuất trang phục (giảm 3,4%), sản xuất đồ da (giảm 6,3%), sản xuất khoáng phi kim loại (giảm 0,8%).

Dự kiến 7 tháng năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp Trung ương tăng 0,9% so cùng kỳ năm trước với 11/21 ngành sản xuất tăng trong đó một số ngành sản xuất tăng khá: chế biến gỗ lâm sản (tăng 32,7%), công nghiệp dệt (tăng 32,8%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (tăng 25,8%), sản xuất phương tiện vận tải khác (tăng 28%), sản xuất giường tủ đồ khác (tăng 39,3%)... Có 10/21 ngành sản xuất giảm: sản xuất thuốc lá (giảm 6,1%), sản xuất trang phục (giảm 3,7%), sản xuất đồ da (giảm 6,8%), sản xuất cao su plastic (giảm 3,6%), sản xuất khoáng phi kim loại (giảm 18,9%), sản xuất sản phẩm bằng kim loại (giảm 0,1%), chế tạo thiết bị máy móc (giảm 11,7%), sản xuất thiết bị điện (giảm 37,3%), sản xuất tivi thiết bị thông tin (giảm 4,6%) và sản xuất xe có động cơ (giảm 22,8%. Giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước Trung ương có tốc độ tăng giảm mạnh nguyên nhân chủ yếu do nhiều doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hoá có số vốn Nhà nước <50% chuyển sang thành phần kinh tế ngoài Nhà nước; một số doanh nghiệp sản phẩm không tiêu thụ được sản xuất giảm.

b) Sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương:

Giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương tháng Bảy năm 2006 tăng 3% so tháng trước với 16/19 ngành sản xuất tăng trong đó có một số ngành sản xuất tăng khá: sản xuất trang phục (tăng 27,8%), sản xuất dụng cụ chính xác (tăng 30%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (tăng 14,5%), sản xuất khoáng phi kim loại (tăng 13,1%)... Có 3/19 ngành sản xuất giảm là: khai thác than (giảm 13,3%), công nghiệp dệt (giảm 6,3%) và sản xuất giường tủ đồ khác (giảm 6,1%).

Dự kiến 7 tháng năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương tăng 13,4% so cùng kỳ năm trước với 14/19 ngành sản xuất tăng, trong đó một số ngành sản xuất tăng khá: sản xuất các sản phẩm từ cao su (tăng 38,2%), sản xuất tivi thiết bị thông tin (tăng 28,5%), sản xuất giường tủ đồ khác (tăng 25,9%), sản xuất phương tiện vận tải khác (tăng 24%)... Có 5/19 ngành sản xuất giảm: sản xuất trang phục (giảm 15,5%), sản xuất và sơ chế da (giảm 8,8%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (giảm 32,2%), sản xuất khoáng phi kim loại (giảm 9%) và sản xuất kim loại (giảm 7,5%).

c) Sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước:

Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tháng Bảy năm 2006 tăng 3,1% so tháng trước, trong đó công ty TNHH tư nhân tăng 2,3%, công ty cổ phần tăng 3,8%, doanh nghiệp tư nhân tăng 6%, hợp tác xã tăng 12% và hộ cá thể tăng 0,5%.

Dự kiến 7 tháng năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tăng 23,6% so cùng kỳ năm trước, trong đó công ty TNHH tư nhân tăng 15,5%, công ty cổ phần khác tăng 46,7%, HTX tăng 14,6%, hộ cá thể tăng 11%, còn doanh nghiệp tư nhân giảm 12,1%.

Sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước trong một số năm gần đây có tốc độ tăng lớn so cùng kỳ năm trước nguyên nhân do hàng năm có nhiều doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá với số vốn Nhà nước <50% chuyển sang khu vực công ty cổ phần (trong đó có nhiều doanh nghiệp có qui mô lớn, sản xuất ổn định, sản phẩm tiêu thụ tốt cả trong nước và xuất khẩu), mặt khác hàng năm có khá nhiều doanh nghiệp ngoài Nhà nước mới đi vào hoạt động làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp của các công ty cổ phần, công ty TNHH. Riêng DNTN do qui mô nhỏ và sản xuất không ổn định nên có xu hướng sản xuất giảm. Trong 7 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước của cả 14/14 quận, huyện đều tăng so cùng kỳ năm trước trong đó có một số quận, huyện đạt tốc độ tăng khá: Cầu Giấy (tăng 33,3%), Thanh Trì (tăng 24,4%)...

d) Sản xuất khu vực có vốn đầu tư nước ngoài:

Giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tháng Bảy năm 2006 tăng 12,1% so tháng trước và tăng 21,3% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 7 tháng năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 31,9% so cùng kỳ năm trước với 13/19 ngành sản xuất tăng trong đó có một số ngành sản xuất tăng khá: sản xuất sản phẩm bằng da (tăng 712,7%), công nghiệp dệt (tăng 128,1%), sản xuất hoá chất (tăng 157,9%), sản xuất thiết bị văn phòng (tăng 109,6%), sản xuất giường tủ đồ khác (tăng 109,1%), sản xuất trang phục (tăng 65,6%)... Có 6/19 ngành sản xuất giảm là: xuất bản in (giảm 98%), sản xuất hoá chất (giảm 36,6%), sản xuất tivi thiết bị thông tin (giảm 12,9%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (giảm 4,5%), sản xuất xe có động cơ (giảm 8,3%).

2. Xây dựng cơ bản

Ước thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách Nhà nước địa phương tháng Bảy năm 2006 đạt 577 tỷ đồng (trong đó xây lắp đạt 362 tỷ đồng, thiết bị đạt 4,3 tỷ đồng), bằng 83,5% so tháng trước và bằng 7,5% kế hoạch năm. Trong tháng khởi công nút giao thông Kim Liên.

Dự kiến 7 tháng đầu năm 2006, vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách Nhà nước địa phương đạt 4241 tỷ đồng, bằng 55,2% kế hoạch năm. Tiến độ thực hiện vốn đầu tư chậm lại do đã bắt đầu bước vào đợt lũ tiểu mãn. Thực hiện vốn xây dựng cầu Vĩnh Tuy bị ảnh hưởng; đồng thời công tác giải phóng mặt bằng các công trình lớn như nút giao thông Kim Liên; nút giao thông Ngã Tư Sở và dự án đường vành đai I còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Tiến độ thực hiện một số công trình:

+ Đường Kim Liên- Ô Chợ Dừa: Hiện chủ đầu tư, hội đồng giải phóng mặt bằng đang tích cực vận động các hộ dân trong diện giải toả tại hai phường Nam Đồng và Phương Liên bàn giao mặt bằng; đồng thời nhận bàn giao mặt bằng phần đất do Quân khu Thủ đô quản lý.

+ Cầu Vĩnh Tuy: Đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng quận Hai Bà Trưng và đang chuẩn bị nhận bàn giao mặt bằng thi công đoạn từ mố cầu đến giáp đường 5. Do hiện nay đã xuất hiện lũ tiểu mãn, nước sông lên cao, các gói thầu ở lòng sông phải tạm dừng thi công. Chủ đầu tư và nhà thầu đã có kế hoạch bố trí lực lượng và phương tiện thi công tiếp ngay sau lũ để đảm bảo tiến độ công trình.

3. Thương mại dịch vụ:

a) Nội thương: Tháng Bảy năm 2006 tổng mức và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 1,1% so tháng trước và tăng 24,3% so cùng kỳ năm trước, trong đó tổng mức bán lẻ tăng 1,3% và 24,1%.

Dự kiến 7 tháng năm 2006, tổng mức và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội Hà Nội tăng 22,4% so cùng kỳ năm trước trong đó tổng mức bán lẻ tăng 23,2%.

b) Ngoại thương: Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Thành phố Hà Nội tháng Bảy năm 2006 tăng 1,2% so tháng trước, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 1,1%. Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tăng 1%, trong đó nhập khẩu địa phương tăng 1,5%.

Dự kiến 7 tháng năm 2006, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Thành phố Hà Nội tăng 23,9%, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 39,2% so cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tăng 17% trong đó nhập khẩu địa phương tăng 15,4%.

c) Vận tải: Tháng Bảy năm 2006 so tháng trước, khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 2,7%, khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 3%, doanh thu vận chuyển hàng hoá tăng 3%. Khối lượng hành khách vận chuyển tăng 1,5%, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 1,9%, doanh thu vận chuyển hành khách tăng 2,4%. Là tháng cao điểm trong giao thông nội thành phục vụ mùa thi, với chương trình “tiếp sức mùa thi” của hè 2006, Tổng công ty vận tải Hà Nội cùng với đội ngũ 300 tình nguyện viên của Thành đoàn Hà Nội đã cung cấp thông tin, sơ đồ đi lại, hướng dẫn từ các bến xe, có phương án kéo dài lộ trình xe khi cần thiết đã hạn chế tình trạng ách tắc giao thông trong những ngày giờ cao điểm và tạo điều kiện tối đa phục vụ các thí sinh và phụ huynh đưa con em đi thi trong các đợt thi tuyển sinh tháng Bảy.

Dự kiến 7 tháng 2006 so cùng kỳ năm trước, khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 9%, khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 15,3%, doanh thu vận chuyển hàng hoá tăng 17,8%; khối lượng hành khách vận chuyển tăng 9,7%, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 16,5%, doanh thu vận chuyển hành khách tăng 17,1%.

d) Giá cả - thị trường: Chỉ số giá tiêu dùng tháng Bảy năm 2006 tăng 0,46% so tháng trước. Nhóm hàng tăng cao nhất là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (tăng 1,89%) do lượng tiêu thụ điện nước trong mùa hè theo giá luỹ tiến tăng. Nhóm hàng văn hoá, giải trí và du lịch giảm (giảm 0,2%) do giá hoa tươi mùa hè giảm. Giá vàng và đôla tháng này cũng giảm so tháng trước (vàng giảm 5,48% với mức giá phổ biến là 1192 ngàn đồng/chỉ vàng 99,99, đôla Mỹ giảm 0,34% với mức giá phổ biến là 16014 đồng/USD).

4. Sản xuất nông nghiệp

a) Trồng trọt:

- Vụ đông xuân năm 2005-2006 có thời tiết tương đối thuận lợi cho bà con thu hoạch vụ đông xuân, đến đầu tháng Bảy về cơ bản các quận, huyện đã hoàn thành khâu thu hoạch ngoài đồn, Theo đánh giá sơ bộ, năng suất thu hoạch bình quân của nhóm cây lương thực thực phẩm đều tăng so cùng kỳ năm trước.

- Vụ mùa và hè thu: do vụ đông xuân thu hoạch đúng thời vụ nên việc gieo cấy lúa mùa và các loại rau màu vụ hè thu năm nay nhanh hơn so cùng kỳ năm trước. Đến nay toàn Thành phố đã cấy được trên 16 ngàn ha lúa mùa, đạt 71,5% kế hoạch và tăng 52,4% so cùng kỳ năm trước. Hầu hết các quận, huyện đã cấy, trong đó cấy nhanh nhất là các huyện Thanh Trì (đạt 97,8% kế hoạch), Sóc Sơn (đạt 85,9%) và Đông Anh (đạt 69,2%). Toàn Thành phố đã làm cỏ đợt 1 cho 2712 ha lúa, đạt 16,3% diện tích đã cấy (chủ yếu diện tích này ở 2 huyện Đông Anh và Sóc Sơn). tổng diện tích rau màu hè thu đã trồng là 2834 ha (tăng 12,7% so cùng kỳ năm trước) trong đó: rau các loại 1659 ha (tăng 10,9%), ngô 77 ha (giảm 14,6%), đậu tương 414 ha (giảm 21,4%), hoa các loại 626,2 ha (tăng 101,2%).

Tình hình sâu bệnh: hiện nay ở một số xã thuộc huyện Sóc Sơn và Đông Anh đã xuất hiện sâu cuốn lá và sâu đục thân hại lúa ở mức độ nhẹ.

b) Chăn nuôi: Hiện nay do giá thịt lợn hơi vẫn ổn định ở mức cao và giá lương thực giảm nhẹ nên đầu lợn tiếp tục được bổ sung ở các huyện Đông Anh, Gia Lâm. Riêng huyện Từ Liêm và các quận Tây Hồ, Hoàng Mai, Long Biên chăn nuôi đang có xu hướng giảm mạnh nên khả năng đàn lợn toàn Thành phố ước tính chỉ tăng 1% so cùng kỳ năm trước.

Đàn gia cầm có xu hướng tăng nhanh ở một số huyện vì sản phẩm thịt và trứng gia cầm đang có giá tiêu thụ cao. Tuy vậy do chủ trương không chăn nuôi gia cầm ở các quận nội thành nên toàn Thành phố ước tính tăng 18% so cùng kỳ năm trước.

Đàn trâu giảm dần, đàn bò thịt và bò sữa tăng nhẹ: dự tính đến 1/8/2006 so cùng kỳ năm trước đàn trâu giảm 4%, đàn bò tăng 6%, đàn bò sữa tăng 3,7%.

c) Thuỷ sản: Thời tiết hiện nay đang thuận lợi cho nuôi trồng thuỷ sản nên các hộ nuôi trồng thuỷ sản đang tích cực chăm sóc đàn cá, tôm đã thả, phấn đấu để sản lượng cá thu hoạch tăng cao. Riêng diện tích nuôi thả tôm năm nay giảm so cùng kỳ năm trước nên khả năng sản lượng tôm thu hoạch giảm so cùng kỳ năm trước.

5. Trật tự an toàn xã hội:

- 6 tháng đầu năm 2006, trên địa bàn Hà Nội đã phát hiện và xảy ra 3578 vụ phạm pháp hình sự (tăng 13% so cùng kỳ năm trước) với 2853 đối tượng bị bắt giữ theo luật (tăng 13% so cùng kỳ năm trước). Số vụ buôn bán tàng trữ vận chuyển ma tuý trong 6 tháng năm 2006 là 1105 vụ (tăng 10% so cùng kỳ năm trước), với 1434 đối tượng (tăng 7% so cùng kỳ).

Trật tự an toàn giao thông có nhiều chuyển biến tốt, 6 tháng xảy ra 464 vụ tai nạn giao thông (giảm 6,6% so cùng kỳ năm trước) làm 210 người chết, làm bị thương 370 người (giảm 7% so cùng kỳ năm trước).

Số vụ cháy nổ xảy ra trong 6 tháng là 88 vụ (giảm 19% so cùng kỳ năm trước) làm thiệt hại tài sản trị giá 3,8 tỷ đồng, làm chết 7 người và bị thương 15 người.

6. Tín dụng Ngân hàng:

Dự kiến đến cuối tháng Bảy năm 2006, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội tăng 2,06% so cuối tháng trước và tăng 18,58% so với cuối năm 2005, trong đó tiền gửi dân cư tăng 1,30% và 19,46%, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 2,70% và 17,87%. Dư nợ cho vay tăng 2,40% so tháng trước và tăng 15,09% so với cuối năm 2005, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 2,60% và 18,78%, dư nợ trung và dài hạn tăng 2,10% và 9,84%.



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật