Tình hình Kinh tế - Xã hội tháng Hai năm 2006 (00:00 20/04/2006)


1. Sản xuất công nghiệp: Tháng Hai năm 2006 là tháng có Tết Nguyên đán, sản xuất công nghiệp so các tháng trước giảm do nghỉ Tết và sản xuất sau Tết cầm chừng. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội tháng Hai năm 2006 bằng 80,7% so tháng trước trong đó kinh tế Nhà nước bằng 90,5% (kinh tế Nhà nước Trung ương bằng 90,3%, kinh tế Nhà nước địa phương bằng 91,2%), kinh tế ngoài Nhà nước bằng 82,2% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài bằng 69,1%.



1. Sản xuất công nghiệp:

Tháng Hai năm 2006 là tháng có Tết Nguyên đán, sản xuất công nghiệp so các tháng trước giảm do nghỉ Tết và sản xuất sau Tết cầm chừng. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội tháng Hai năm 2006 bằng 80,7% so tháng trước trong đó kinh tế Nhà nước bằng 90,5% (kinh tế Nhà nước Trung ương bằng 90,3%, kinh tế Nhà nước địa phương bằng 91,2%), kinh tế ngoài Nhà nước bằng 82,2% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài bằng 69,1%.

Dự kiến 2 tháng 2006, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 21,3% so cùng kỳ năm trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 7,7% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 5,3%, kinh tế Nhà nước địa phương tăng 16,6%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 19,9% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 45,2%.

a) Sản xuất công nghiệp Trung ương:

Giá trị sản xuất công nghiệp Trung ương tháng Hai năm 2006 bằng 90,3% so tháng trước. So tháng trước, có 17/22 ngành sản xuất giảm, trong đó có nhiều ngành sản xuất chiếm tỷ trọng lớn sản xuất giảm nhiều: chế biến thực phẩm đồ uống tỷ trọng 11,8% giảm 16,6%, sản xuất thuốc lá tỷ trọng 7,5% giảm 15,8%, công nghiệp dệt tỷ trọng 11,6% giảm 5,5%, sản xuất hoá chất tỷ trọng 8,6% giảm 14,2%, sản xuất thiết bị điện tỷ trọng 12,8% giảm 12,3%... Riêng ngành sản xuất cao su plastic sản xuất tăng 26,9% và ngành sản xuất xe có động cơ tăng 19,9% là do nhu cầu sản xuất xe ô tô bus, xe ca và xe khách ổn định, các doanh nghiệp lắp ráp xe tập trung sản xuất và tiêu thụ tốt trên thị trường nên sản xuất tăng; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 7,9% chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp lắp ráp xe máy.

Dự kiến 2 tháng năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp Trung ương tăng 5,3% so cùng kỳ với 15/22 ngành sản xuất tăng, trong đó một số ngành sản xuất tăng khá là: chế biến thực phẩm (tăng 19,1%), sản xuất trang phục (tăng 19,4%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (tăng 60%), sản xuất sản phẩm bằng kim loại (tăng 21,9%), sản xuất dụng cụ chính xác (tăng 27,4%), sản xuất phương tiện vận tải (tăng 24,4%) và sản xuất giường tủ đồ khác (tăng 26,1%)... 7/22 ngành sản xuất giảm là khai thác đá mỏ khác (giảm 81,1%), sản xuất đồ da (giảm 7,2%), sản xuất hoá chất (giảm 3,6%), sản xuất cao su plastic (giảm 14,0%), sản xuất khoáng phi kim loại (giảm 9,9%), sản xuất tivi thiết bị thông tin (giảm 0,1%) và sản xuất xe có động cơ (giảm 17,1%).

b) Sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương:

Giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương tháng Hai năm 2006 bằng 91,2% so tháng trước với 16/19 ngành sản xuất giảm. Ngoài nguyên nhân sản xuất giảm do có Tết Nguyên đán, còn có nguyên nhân tác động không nhỏ đến sản xuất của doanh nghiệp là một số doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hoá có vốn Nhà nước <50% được xếp vào thành phần kinh tế Ngoài Nhà nước, và một số doanh nghiệp Nhà nước có khó khăn trong sản xuất và lúng túng trong tìm kiếm thị trường, chậm chuyển đổi sản phẩm, chưa chú trọng đầu tư chiều sâu nên sản xuất giảm mạnh (Cty giầy Ngọc Hà, giầy Thuỵ Khuê, Cty bánh mứt kẹo Hà Nội...).

Dự kiến 2 tháng năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương tăng 16,6% so cùng kỳ năm trước với 13/19 ngành sản xuất tăng, trong đó một số ngành tăng khá: xuất bản in (tăng 29,4%), sản xuất các sản phẩm từ cao su plastic (tăng 34,8%), sản xuất kim loại (tăng 42,6%), sản xuất các sản phẩm từ kim loại (tăng 28%), sản xuất thiết bị điện (tăng 74,3%), sản xuất phương tiện vận tải khác (tăng 24,8%)... 6 ngành sản xuất giảm là: chế biến thực phẩm (giảm 7,2%), sản xuất trang phục (giảm 3,5%), sản xuất da (giảm 13,4%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (giảm 28,7%), sản xuất hoá chất (giảm 1,6%), chế tạo thiết bị máy móc (giảm 7,3%)...

c) Sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước:

Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tháng Hai năm 2006 bằng 82,2% so tháng trước và tăng 22,9% so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân sản xuất công nghiệp khu vực ngoài Nhà nước tháng Hai năm 2006 so cùng kỳ tăng khá là do một số doanh nghiệp thành lập mới đi vào hoạt động và một số doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá có vốn Nhà nước <50% chuyển sang thành phần kinh tế ngoài Nhà nước và đặc biệt có một số khu công nghiệp vừa và nhỏ của các huyện Từ Liêm, Thanh Trì do Thành phố đầu tư đã đi vào hoạt động, thu hút nhiều doanh nghiệp qui mô lớn hoạt động có hiệu quả cao. Tháng Hai năm 2006 cả 14/14 quận, huyện sản xuất tăng so cùng kỳ năm trước, trong đó một số quận, huyện sản xuất tăng khá: Ba Đình (tăng 30%), Hoàn Kiếm (tăng 42,5%), Cầu Giấy (tăng 63,7%), Sóc Sơn (tăng 43,6%), Từ Liêm (tăng 27,8%)...

Dự kiến 2 tháng năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tăng 19,9% so cùng kỳ năm trước với cả 14/14 quận, huyện sản xuất đều tăng trong đó các quận, huyện sản xuất tăng khá là Ba Đình (tăng 18,8%), Hoàn Kiếm (tăng 21,6%), Cầu Giấy (tăng 25,3%), Hoàng Mai (tăng 24,4%), Sóc Sơn (tăng 28,7%)...

d) Sản xuất khu vực có vốn đầu tư nước ngoài:

Giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tháng Hai năm 2006 bằng 69,1% so tháng trước và tăng 24,9% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 2 tháng năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 45,2% so cùng kỳ năm trước với 16/20 ngành sản xuất tăng, trong đó có nhiều ngành sản xuất chiếm tỷ trọng lớn đạt tốc độ tăng cao: sản xuất thiết bị văn phòng tỷ trọng 18% tăng 65,8%, sản xuất phương tiện vận tải khác tỷ trọng 34% tăng 93,8%... Các ngành sản xuất giảm là xuất bản in, sản xuất thiết bị điện, sản xuất tivi thiết bị thông tin và ngành chế biến gỗ lâm sản.

2. Xây dựng cơ bản

Vốn đầu tư xây dựng cơ bản địa phương thực hiện tháng Hai 2006 đạt 348 tỷ đồng (xây lắp: 217 tỷ) bằng 61,8% so tháng trước và bằng 239,5% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 2 tháng đầu năm 2006, vốn đầu tư xây dựng cơ bản địa phương đạt 911 tỷ đồng (xây lắp: 553 tỷ đồng, thiết bị: 3,2 tỷ), bằng 248,8% so cùng kỳ năm trước và đạt 11,8% kế hoạch năm 2006.

* Tiến độ một số công trình dự án:

- Nút giao thông Ngã Tư Sở: Sau khi thi công xong 8 trụ, 2 mố và 3/9 nhịp cầu vượt, hiện nay các nhà thầu đang khẩn trương ghép ván khuôn, đặt sắt cho 2 nhịp cầu vượt tiếp theo là nhịp P1-P2 và nhịp P6-P7, phấn đấu đổ bê tông xong 2 nhịp này trong tháng Hai 2006. Đối với hạng mục hầm bộ hành đã thi công xong các đốt hầm C1-C2-C4-C5-C6 và A1-A2; đã hoàn thành công tác đất của cửa hầm D, hiện đang thi công đốt hầm C7.

- Đường vành đai I (Kim Liên - Ô Chợ Dừa): Hiện nay các nhà thầu đang thi công đoạn từ đường Phạm Ngọc Thạch đến mương Chẹm, trong đó tập trung vào việc xử lý nền đất yếu 220m đoạn đầu tuyến. Chủ đầu tư và Hội đồng giải phóng mặt bằng quận Đống Đa đang khẩn trương xem xét 132 phương án của các hộ dân thuộc 2 phường Phương Liên và Nam Đồng, phấn đấu chi trả xong trong quý I/2006. Bên cạnh đó, chủ đầu tư đang tiếp nhận thêm 240 căn hộ tái định cư để phục vụ cho di dân đợt 3.

- Dự án cầu Vĩnh Tuy: Đến nay 3 gói thầu 11, 12, 13 thi công các trụ vượt sông đã cơ bản hoàn thành việc khoan cọc nhồi, hiện các nhà thầu đang tiến hành bịt đáy, đổ bê tông móng và tiến hành lắp ván khuôn để chuẩn bị đổ thân trụ. Công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn quận Hai Bà Trưng đã cơ bản hoàn thành, hiện còn khoảng 25 hộ, do chưa đủ hồ sơ nên để lại thời gian tới sẽ xem xét. Trên địa bàn quận Long Biên, hiện đã chi trả tiền đền bù cho 150/350 hộ dân có đất thổ cư. Chủ đầu tư phấn đấu trong quý I/2006 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công cho các nhà thầu.

- Công tác tu bổ đê kè 2006: Mặc dù đã được triển khai từ tháng Mười Hai 2005, nhưng do vướng mặt bằng nên tiến độ đắp đê của năm 2006 nhìn chung chậm, đến nay mới chỉ thực hiện được 15,6% khối lượng kế hoạch. Hiện nay còn hai gói thầu đắp đê và 2 gói thầu làm kè chưa khởi công được, do còn chờ phê duyệt kết quả đấu thầu. Hiện nay, kế hoạch vốn cho giải phóng mặt bằng phục vụ công tác đắp đê, kè còn thiếu, mới đảm bảo được 44% so với yêu cầu.

3. Thương mại dịch vụ:

* Nội thương: Tết Nguyên đán Bính Tuất 2006 vào đúng những ngày cuối tháng Một, đầu tháng Hai năm 2006 (Tết Nguyên đán Ất Dậu vào 12/2/2005) nên tháng Hai năm 2006, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ trên địa bàn Hà Nội giảm 1,6% so tháng trước và tăng 15,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó bán lẻ giảm 1,4% so tháng trước và tăng 16,6% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 2 tháng năm 2006, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ trên địa bàn Hà Nội tăng 18,3% so cùng kỳ năm trước, trong đó bán lẻ tăng 19,3%.

* Ngoại thương: Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội tháng Hai năm 2006 tăng 1,4% so tháng trước, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 1,5%. Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tăng 0,8%, trong đó nhập khẩu địa phương tăng 1,2%.

Dự kiến 2 tháng năm 2006, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội tăng 21,6% so cùng kỳ năm trước (xuất khẩu địa phương tăng 35%) và kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tăng 20,8% (nhập khẩu địa phương tăng 17,6%). Kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2006 so năm trước có nhiều khả quan hơn, nhưng so cuối năm 2005 chỉ ở mức bình thường, do đầu năm số lượng hợp đồng ký kết được chưa nhiều. Xuất khẩu vẫn tập trung ở một số ngành hàng truyền thống: may mặc, giày da, máy in phun, nông sản...

* Du lịch: Tháng Hai năm 2006, khách Quốc tế đến Hà Nội vẫn duy trì ở mức cao với 100 ngàn lượt khách. Khách Quốc tế đến Hà Nội tăng mạnh nhất là khách Hàn Quốc (tăng 2,5 lần so cùng kỳ), Úc và Mỹ (tăng 40-50%). Riêng khách đến từ Trung Quốc giảm nhiều (chỉ bằng 1/4 so cùng kỳ) do khách Trung Quốc vào Việt Nambằng giấy thông hành bị hạn chế qua lại tại các cửa khẩu.

Lượng khách nội địa đi lễ hội sau Tết tăng khá. Các Tuor du lịch nội địa kết hợp với lễ hội rất đông khách và kéo dài đến hết tháng Giêng. Nhằm thu hút khách, nhiều doanh nghiệp hoạt động ngành du lịch lữ hành đã xúc tiến quảng bá tới tận các cơ quan, phường/xã, và có nhiều hình thức khuyến mại, nhiều chương trình du lịch qua nhiều điểm đến hấp dẫn.

Doanh thu lữ hành trong tháng Hai tăng khá, doanh thu khách sạn vẫn giữ mức ổn định.

* Giá cả - thị trường: Chỉ số giá tiêu dùng tháng Hai năm 2006 tăng 2,21% so tháng trước, trong đó hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,5%, đồ uống và thuốc lá tăng 1,45%, văn hoá thể thao giải trí tăng 1,35%. Những nhóm hàng khác tăng chút ít hoặc đứng giá. Tết Nguyên đán Bính Tuất, giá cả tuy có biến động tăng theo qui luật của dịp Tết, song nhìn chung giá cả năm nay không biến động quá lớn như Tết Ất Dậu và sau Tết đã sớm trở lại ổn định hơn.

So tháng trước, giá vàng tăng 5,99% và giá đô la Mỹ tăng 0,67%. Mức giá phổ biến trên thị trường tư nhân vàng 99,99% là 1050 ngàn đồng/chỉ, đôla Mỹ là 15958 đồng/USD.

* Vận tải: So tháng trước, tháng Hai năm 2006 khối lượng hàng hoá vận chuyển giảm 3,6%, khối lượng hàng hoá luân chuyển giảm 3,6%, doanh thu vận chuyển hàng hoá giảm 3,4%, khối lượng hành khách vận chuyển tăng 1%, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 1,2% và doanh thu vận chuyển hành khách tăng 1,4%.

Dự kiến 2 tháng năm 2006 so cùng kỳ năm trước, khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 0,9%, khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 13,3%, doanh thu vận chuyển hàng hoá tăng 13,5%. Khối lượng hành khách vận chuyển tăng 4%, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 15,5%, doanh thu vận chuyển hành khách tăng 15,1%.

Dịp Tết Nguyên đán Bính Tuất, ngành vận tải hành khách Hà Nội đã đáp ứng tốt nhu cầu của khách đi lại dịp Tết. Tổng công ty vận tải Hà Nội có kế hoạch tăng cường 300 xe/ ngày tại các bến chính, tăng thời gian mở cửa các bến xe nên đã giải toả kịp thời hành khách tại các bến xe. Đối với xe bus, dịp tết thực hiện vận chuyển gần 100 ngàn lượt xe, tăng 20% so Tết Ất Dậu.

* Bưu chính viễn thông:

- Bưu chính: Tháng Hai 2006 so tháng trước, doanh thu tem thư, tem máy tăng 2,3%, bưu phẩm chuyển phát nhanh tăng 0,9%, doanh thu bưu chính tăng 10,7%. Hai tháng năm 2006, tem thư tem máy tăng 17,5%, bưu phẩm chuyển phát nhanh tăng 18,9%, doanh thu bưu chính tăng 10,7%.

- Viễn thông: Tháng Hai 2006 so tháng trước, số lượng điện thoại thu cước tăng 0,4%, số thuê bao Internet phát triển mới giảm1,3%, doanh thu viễn thông tăng 0,8%.

2 tháng năm 2006 so cùng kỳ năm trước, doanh thu viễn thông tăng 8,3%, số thuê báo điện thoại thu cước không tăng, số thuê bao internet phát triển mới tăng 4,3 lần.

Dịp Tết Nguyên đán, tình trạng tắc nghẽn mạch là điều khó tránh khỏi, nhất là vào thời điểm giao thừa. Song sau Tết, không còn tình trạng nghẽn mạch cục bộ ở các mạng viễn thông, các mạng đều đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng.

4. Sản xuất nông nghiệp

* Sản xuất vụ xuân 2006:Tháng Mười Hai năm 2005 liên tục có những đợt rét đậm, rét hại kéo dài nên diện tích mạ xuân đã gieo chỉ đảm bảo được 75% kế hoạch, số diện tích còn lại, gieo bổ sung trên sân và trên nền đất cứng vào cuối tháng Một năm 2006. Do chăm sóc tốt nên mạ chết do bị rét năm nay ít (toàn thành phố chỉ có 1ha mạ của Long Biên bị chết). Từ cuối tháng Một đến nay, thời tiết ấm dần lên, các huyện đã chủ động chỉ đạo bà con nông dân khẩn trương gieo mạ bổ sung, các công ty thuỷ nông tranh thủ nguồn nước hồ Hoà Bình xả, bơm nước cho bà con nông dân đổ ải, cấy lúa kịp thời vụ. Tính đến 15/2 toàn Thành phố đã gieo được 1937 ha mạ (bằng 104% so cùng kỳ và đạt 97% dự kiến), đổ ải được 14088 ha (bằng 142% so cùng kỳ đạt 72,1% so kế hoạch cấy), đã cấy được 6699 ha (bằng 227% so cùng kỳ và đạt 34% kế hoạch cấy). Cùng với gieo cấy lúa Xuân, toàn Thành phố đã gieo trồng được 6644 ha rau màu (bằng 123% so cùng kỳ năm trước), trong đó ngô 1790 ha (bằng 147%), khoai lang 370 ha (bằng 106%), lạc 2581 ha (bằng 127%), rau 1325 ha (bằng 92%) và đậu tương 81 ha (bằng 183%).

* Chăn nuôi, thuỷ sản:

- Chăn nuôi: Tình hình chăn nuôi nhìn chung ổn định. Dịch cúm gia cầm đã bị khống chế, không phát sinh, các loại bệnh ở trâu, bò, lợn chưa xuất hiện. Tuy nhiên, do các đợt rét đậm kéo dài từ tháng 12 đến nay, nên các loại gia súc, gia cầm chậm lớn. Hiện nay, các huyện ngoại thành đang tích cực chuẩn bị tiêm phòng cho gia súc. Do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm, nên số lợn giết mổ trong dịp Tết tăng nhiều so các năm trước, số đầu con giết mổ là 48906 con (tăng 9% so năm trước), sản lượng thịt hơi giết mổ 3131 tấn (tăng 4%). Tổng đàn lợn có mặt sau Tết ước tính là 322747 con (giảm 1,5% so cùng kỳ). Hiện nay, giá lợn giống khá cao (21-22 ngàn đồng /kg) nên nông dân chưa bổ sung thêm đầu lợn.

- Nuôi trồng thuỷ sản: Hiện nay chưa có mưa rào, mực nước ở các ao hồ phần lớn cạn nước nên chủ yếu các hộ nuôi thuỷ sản đang tập trung vệ sinh ao hồ chờ điều kiện thuận lợi sẽ nuôi thả cá mới. Các hộ chưa thu hoạch xong tiếp tục thu hoạch và chăm sóc giữ đủ nước cho cá.

* Trồng cây dịp Tết: Thực hiện chỉ thị số 02/2006/CT-UB ngày 3/1/2006 của UBND Thành phố Hà Nội về tổ chức phát động phong trào “trồng cây Xuân Bính Tuất” và tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, Thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch trồng 200 ngàn cây xanh phân tán. Hầu hết các quận, huyện đã phát động Tết trồng cây vào các ngày 4, 5, 6, 8 và đến nay toàn Thành phố đã trồng được 72 ngàn cây lâm nghiệp và cây ăn quả. Các quận, huyện trồng được nhiều là: Đông Anh (40890 cây), Gia Lâm (9450 cây), Thanh Trì (8500 cây).

5. Văn hoá xã hội, an ninh chính trị và an toàn giao thông

* Văn hoá xã hội:

- Dịp Tết Nguyên đán Bính Tuất, Hà Nội tổ chức tốt các hoạt động văn hoá - thể dục thể thao mừng Đảng, mừng Xuân với nhiều hình thức phong phú: trang trí, tuyên truyền, cổ động, triểm lãm, biểu diễn nghệ thuật, thi cờ, tổ chức bắn pháo hoa tại 7 điểm vào đêm giao thừa...

- Công tác thăm hỏi, chúc Tết, tặng quà và hỗ trợ dịp Tết được chú trọng và chuẩn bị chu đáo tới các cán bộ lão thành Cách mạng, các đơn vị, cá nhân, gia đình chính sách, các nhân sĩ - trí thức tiêu biểu.

- Ngành Lao động thương binh xã hội Thành phố phối với Văn phòng Thành uỷ, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND Thành phố, Bộ chỉ huy quân sự Thành phố và các cấp chính quyền tổ chức thăm hỏi, chúc Tết, tặng quà các gia đình liệt sỹ, thương binh, người có công với Cách mạng, các đối tượng chính sach, đối tượng có khó khăn tới 422129 đối tượng với tổng số tiền 31,68 tỷ đồng.

- Thành phố đã chuyển trợ cấp dịp Tết đến các đối tượng là cán bộ công chức, lực lượng vũ trang, cán bộ hưu trí xong trước ngày 24/1/2006.

- Ngành y tế Hà Nội phối hợp với các ngành chức năng (Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thương mại, Công an và chính quyền địa phương các quận, huyện tổ chức các đoàn kiểm tra đảm bảo tốt vệ sinh an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Công tác y tế dự phòng được đề cao: ngành y tế phối hợp với các cơ quan thông tin tuyên truyền (báo, đài Trung ương và Thành phố) tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng bệnh, giữ gìn vệ ăn uống, không để xảy ra ngộ độc thức ăn tập thể, kiểm tra vệ sinh môi trường, phòng chống dịch và dập tắt ngay các ổ dịch, tăng cường công tác kiểm dịch tại cửa khẩu quốc tế Nội Bài...

- Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường Thành phố Hà Nội được coi trọng, Thành phố luôn phong quang, sạch sẽ (đặc biệt trong những ngày Tết Nguyên đán không có tình trạng ứ đọng rác thải, phế thải).

* Trật tự xã hội - an toàn giao thông:Tháng Một 2006 xảy ra 767 vụ phạm pháp hình sự (tăng 44% so cùng kỳ năm trước) với 628 đối tượng bị bắt giữ theo luật (tăng 74%)

Có 100 vụ tai nạn giao thông xảy ra trong tháng Một (tăng 9,8% so cùng kỳ năm trước), làm 37 người chết (tăng 27%) và làm bị thương 66 người (giảm 14%).

Trong tháng Một 2006, xảy ra 27 vụ cháy nổ (tăng 6 vụ) làm thiệt hại 897 triệu đồng và làm bị thương 1 người.

6. Tín dụng Ngân hàng:

Dự kiến đến cuối tháng Hai năm 2006, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội tăng 2,04% so cuối tháng trước và tăng 3,81% so với cuối năm 2005, trong đó tiền gửi dân cư tăng 2,40% và tăng 3,94%, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 1,80% và tăng 3,73%. Dư nợ cho vay tăng 1,49% so tháng trước và tăng 3,05% so với cuối nam 2005, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 1,80% và tăng 3,73%, dư nợ trung và dài hạn tăng 1,10% và tăng 2,21%.



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật