Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 năm 2008 (00:00 20/08/2008)


1. Sản xuất công nghiệp: Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội tháng Bảy năm 2008 tăng 3,6% so tháng trước và tăng 15,6% so cùng kỳ năm trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 3,7% và 6,7% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 4,7% và 9%, kinh tế Nhà nước Địa phương tăng 0,8% và 0,2%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 2,9% và 17,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 4% và 21,6%.



Dự kiến 7 tháng đầu năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng 14,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 5,4% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 4,2%, kinh tế Nhà nước Địa phương tăng 8,9%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 17,8% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 20,2%.

Chia theo ngành kinh tế, trong 7 tháng đầu năm ngành công nghiệp chế biến có tỷ trọng chiếm 94,6% giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn có mức tăng trưởng cao nhất tăng 14,8%, ngành công nghiệp khai thác tỷ trọng 0,62% tăng 9,8% và ngành công nghiệp điện nước tỷ trọng 4,78% tăng 12,1%.

Nhìn chung 7 tháng đầu năm 2008, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn: giá nguyên vật liệu (xăng dầu, sắt thép …) tăng nhanh làm cho chi phí sản xuất cho 1 sản phẩm lớn, sản phẩm tiêu thụ chậm; một số doanh nghiệp ngừng sản xuất để sửa chữa nhà xưởng hoặc đầu tư chuyển địa điểm sản xuất ra tỉnh ngoài; tình trạng cắt điện luân phiên; lãi suất cho vay của ngân hàng cao so với khả năng sản xuất kinh doanh của doannh nghiệp…

2. Xây dựng cơ bản:

Vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách Nhà nước địa phương tháng 7 năm 2008 ước đạt 281 tỷ đồng, tăng 0,32% so tháng trước và bằng 52,7% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến 7 tháng đầu năm đạt 2591,4 tỷ đồng, bằng 39,9% kế hoạch năm.

Tiến độ thực hiện một số dự án lớn của Thành phố:

* Nút giao thông Kim Liên:

Hiện nay các nhà thầu đang tiến hành khẩn trương thi công dự án, ước thực hiện được trên 40% khối lượng công việc. Hạng mục hầm xe cơ giới đã hoàn thành xong việc thi công lớp bê tông đáy, đơn vị thi công đang tiến hành thi công thành vách. Hầm bộ hành: Hầm A (trên đường Lê Duẩn) đã đào xong 2/3 khối lượng đất. Hầm B (trên đường Giải Phóng) đã hoàn thành công tác đào đất, hiện đang tiến hành đổ bê tông mặt đáy và thành vách.

*Dự án Cầu Vĩnh Tuy: gồm 4 hạng mục chính đó là :

- Hạng mục thi công cầu dẫn và nút giao phía Vĩnh Tuy do nhà thầu Cienco 4 đảm nhiệm gồm 3 nhánh CV1A, CV1B và CV1C. Hiện nhà thầu đã hoàn thành xong hai nhánh CV1B và CV1C, công tác thi công nhánh CV1A vẫn đang được nhà thầu triển khai theo đúng tiến độ đề ra.

- Hạng mục thi công phần cầu chính vượt sông (gồm 6x135m+2x90m): Do 2 nhà thầu Cienco1 và Tổng Công ty xây dựng Thăng Long đảm nhiệm đến nay đã hoàn thành hợp long toàn bộ 8/8 mối cầu chính (30/6). Hiện các đơn vị đang tiến hành thi công mặt cầu, phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

- Hạng mục thi công phần cầu dẫn phía Bắc (gồm 44 nhịp 40m dầm Supper T; 3 nhịp đúc hẫng 55m+90m+55m và 6 nhịp 35m dầm hộp đúc trên đà giáo) gồm 3 nhà thầu thi công (Cienco1, Cienco6 và Tổng công ty xây dựng Thăng Long) đến nay đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính, phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ đã đề ra.

- Phần đường dẫn phía Long Biên do hai nhà thầu Cienco1 và UDIC thi công. Hiện nhà thầu đang tập trung hoàn thiện 40m tuyến Long Biên - Thạch Bàn, dự kiến hoàn thành tuyến vào 31/12. Mặt bằng qua 2 công ty X20 và X26 đã được bàn giao hiện nhà thầu đang tiến hành thi công xử lý nền đất yếu. Hạng mục bên phía quốc lộ 5 (bên phải quốc lộ 5) Ban quản lý hạ tầng Tả Ngạn vẫn đang xin ý kiến ngành đường sắt để mở đường ngang công vụ tao điều kiện cho đơn vị thi công.

* Dự án đường 5 kéo dài: Trong thời gian vừa qua, do biến động của giá nguyên vật liệu đầu vào cũng như năng lực của nhà thầu nên công tác thực hiện dự án diễn ra chậm và phát sinh ở một vài gói thầu. Cụ thể như sau :

- Gói thầu xây lắp phần đường: Gói thầu số 7 và 8 nhà thầu vẫn đang tiến hành đào lớp đất không thích hợp, đắp cát nền đường, lắp đặt các hạ tầng kỹ thuật và sản xuất cấu kiện đúc sẵn. Gói thầu số 10, nhà thầu đang tiến hành dọn dẹp mặt bằng, đào đất nền đường. Gói thầu số 11, nhà thầu vẫn đang triển khai thi công hầm đi bộ, đất K98, mương thoát nước.

- Các gói thầu xây lắp phần cầu (Cầu Đông Trù): Do mặt bằng để thi công các hạng mục vẫn chưa được giải phóng nên các gói thầu 13 và 14 vẫn chưa thể thi công. Riêng gói thầu số 12 cũng mới chỉ hoàn thành 1 mố cầu và 5/10 trụ cầu.

3. Thương mại dịch vụ:

3.1. Nội thương: Tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn Hà Nội tháng 7 năm 2008 tăng 1,8% so tháng trước và tăng 33,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó bán lẻ tăng 2% và 35,1%.

Dự kiến 7 tháng đầu năm 2008, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn Hà Nội tăng 28,8% so cùng kỳ năm trước, trong đó bán lẻ tăng 33,6%.

3.2. Ngoại thương:So tháng trước, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Thành phố Hà Nội giảm 8,4%, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 0,9% (xuất khẩu nông sản chỉ đạt 47,6% so tháng trước)

Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tăng 2,1% so tháng trước, trong đó nhập khẩu địa phương tăng 2,1%.

Dự kiến 7 tháng đầu năm 2008, kim ngạch xuất khẩu tăng 35,2% so cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 23,7%. Trong các ngành hàng xuất khẩu, nông sản và linh kiện máy tính & thiết bị ngoại vi là 2 ngành đứng đầu về giá trị xuất khẩu và tốc độ tăng (nông sản tăng 24,9%, linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi tăng 24,3%), tiếp đó (không kể xăng dầu tạm nhập tái xuất), hàng điện tử tăng 21,2%; giầy dép và sản phẩm từ da tăng 12,8%...

Kim ngạch nhập khẩu 7 tháng đầu năm trên địa bàn Hà Nội tăng 47,2% so cùng kỳ, trong đó nhập khẩu địa phương tăng 34,2%. Nhập khẩu vật tư, nguyên liệu (sắt thép, phân bón, xăng dầu ...) tăng 55,1%, máy móc thiết bị phụ tùng tăng 41,1%, hàng hoá tiêu dùng tăng 27,7% nguyên nhân chủ yếu do giá cả thế giới biến động tăng mạnh.

3.3. Giá cả thị trường: Chỉ số giá tiêu dùng tháng Bảy năm 2008 so tháng trước tăng 1,65% với hầu hết các nhóm hàng đều tăng, riêng giá lương thực giảm nhẹ (giảm 0,61%) do vào vụ thu hoạch giá gạo trên thị trường giảm chút ít. Các hàng biến động tăng nhiều nhất trong tháng 7 là giá gas, thuốc y tế, giá dịch vụ giải trí và du lịch.... Giá vàng và đô la Mỹ trong tháng 7 biến động tăng khá (vàng tăng 3,54%, đô la Mỹ tăng 3,07% so tháng trước) chủ yếu là do giá vàng và đô la Mỹ trên thị trường thế giới biến động tăng theo giá dầu tăng.

Dự kiến 7 tháng đầu năm 2008 so với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng tăng 19,29%, chỉ số giá vàng tăng 39,98% và chỉ số giá đô la Mỹ tăng 1,82%.

4. Sản xuất nông nghiệp:

4.1. Trồng trọt:

- Vụ Đông Xuân 2007 - 2008: do thời tiết rét đậm rét hại đầu vụ, hầu hết các quận, huyện đều cấy muộn so khung thời vụ 10 — 15 ngày và thu hoạch muộn so cùng kỳ năm trước. Tuy đầu vụ thời tiết không thuận lợi nhưng sau khi cấy xong thời tiết ấm lên, mưa nắng thuận hoà, thuận lợi cho lúa và các cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Theo đánh giá sơ bộ, năng suất lúa đạt 48,16 tạ/ha (tăng 5,5 tạ/ha so cùng kỳ), năng suất các loại cây trồng khác nhìn chung đều tăng so cùng kỳ năm trước.

- Vụ Hè thu: việc gieo cấy lúa mùa năm nay chậm hơn so cùng kỳ năm trước. Đến nay toàn Thành phố đã cấy được trên 13 ngàn ha lúa, đạt 58,7% kế hoạch, bằng 85,2% so cùng kỳ năm trước. Diện tích đã cấy tập trung chủ yếu ở Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm và dự kiến đến cuối tháng 7 sẽ cấy xong. Toàn Thành phố đã làm cỏ đợt 1 cho 2912 ha lúa đạt 22% diện tích lúa đã cấy. Tổng diện tích rau màu vụ hè thu và vụ mùa đã trồng là 3787,5 ha, bằng 99% cùng kỳ năm trước trong đó ngô 649 ha (tăng 76,4%), rau các loại 1585 ha (giảm 9,2%), đậu tương 390 ha (tăng 4%), hoa các loại 791.5ha (tăng 0,1%)...

Tình hình sâu bệnh: hiện nay ở 1 số xã thuộc Sóc Sơn, Đông Anh đã xuất hiện sâu cuốn lá, ốc bươu vàng hại lúa ở mức độ nhẹ, trên diện tích khoảng 35 ha.

4.2. Chăn nuôi:

Hiện nay trên địa bàn Hà Nội không xảy ra dịch bệnh, giá lương thực - thực phẩm đang giảm nhẹ, giá thịt lợn đang ổn định ở mức cao đã thúc đẩy người chăn nuôi tăng cường đầu con gia súc ở hầu hết các huyện ngoại thành. Tuy vậy do chủ trương của Thành phố từ 1/ 1/ 2008 không cho chăn nuôi gia súc tại các Quận nên số lượng đàn lợn toàn Thành giảm nhẹ so cùng kỳ năm trước. Đàn gia cầm vẫn có xu hướng tăng ở 1 số huyện vì sản phẩm trứng, thịt gia cầm đang được giá và tiêu thụ mạnh. Đàn trâu đang giảm dần, đàn bò thịt và bò sữa tăng nhẹ so cùng kỳ năm trước.

Công tác tuyên truyền đối với người dân để tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên toàn thành phố được duy trì thường xuyên, định kỳ để ngăn ngừa dịch bệnh tái phát.

4.3. Thuỷ sản:Hiện nay các hộ, cơ sở chăn nuôi thuỷ sản đang tập trung chăm sóc cho đàn thuỷ sản đã thả. Do giá sản phẩm thuỷ sản trên thị trường đang ổn định ở mức cao nên các hộ, các cơ sở chăn nuôi không ngừng đánh tỉa, thả bù nhằm thu lợi nhuận cao. Năm nay có mưa đều từ đầu năm nên một số cơ sở đã được thu hoạch lứa cá đầu vào tháng 6 năm 2008. Theo nhận định, khả năng sản lượng thuỷ sản năm nay sẽ tăng đáng kể so với năm trước.

5. Trật tự xã hội - An toàn giao thông:

6 tháng đầu năm 2008, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã phát hiện và xảy ra 2.044 vụ phạm pháp hình sự (giảm 25,4% so cùng kỳ năm trước), bắt giữ theo luật 2.205 đối tượng (tăng 2,7%).

Tổng số vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma tuý trong 6 tháng đầu năm 2008 là 1.249 vụ (tăng 34,6% ), bắt giữ được 1.532 đối tượng (tăng 37%).

Tình hình trật tự an toàn giao thông trong nhiều tháng gần đây trên địa bàn Thành phố Hà Nội diễn biến theo chiều hướng tốt: số vụ tai nạn giao thông xảy ra 6 tháng năm 2008 là 319 vụ (giảm 21,8% so cùng kỳ năm trước), làm chết 175 người (giảm 23,9%) và làm bị thương 202 người (giảm 27,6%)

Trong 6 tháng đầu năm 2008 xảy ra 89 vụ cháy nổ (giảm 6 vụ so cùng kỳ năm trước) làm 3 người chết và 8 người bị thương, làm thiệt hại tài sản tổng trị giá khoảng 2,38 tỷ đồng.

6. Tín dụng, ngân hàng:

Dự kiến đến cuối tháng Bảy năm 2008, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội đạt 374.923 tỷ đồng, tăng 2,06% so tháng trước và tăng 1,59%so cuối năm 2007, trong đó tiền gửi dân cư tăng 2% và 6,41%, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 2,1% và giảm 1,69%. Tổng dư nợ cho vay tháng Bảy đạt 228.111 tỷ đồng, tăng 0,38% so tháng trước và tăng 19,28% so cuối năm 2007, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 0,2% và 17,03%, dư nợ trung và dài hạn tăng 0,65% và 22,72%.



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật