Tình hình Kinh tế - Xã hội tháng Ba năm 2009 (00:00 09/04/2009)


Năm 2009 được xác định là năm nước rút để thực hiện thắng lợi kế hoạch KTXH 5 năm 2006 - 2010 và các chỉ tiêu KTXH của Nghị quyết đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XIV đã đề ra. Quý I năm 2009, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến phát triển KTXH: trận mưa lớn cuối tháng 10 năm 2008, tình hình thời tiết trong các tháng đầu năm 2009 không thuận lợi ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất cây vụ Đông 2009; giá cả thị trường biến động phức tạp; khủng hoảng tài chính thế giới đã ít nhiều tác động xấu đến sản xuất kinh doanh; … Song, phát huy những thành tích và kết quả đã đạt được trong xây dựng và phát triển KTXH Thủ đô năm 2008; với quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố, sự phấn đấu nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân lao động Thủ đô, quý I năm 2009 KTXH Hà Nội tiếp tục phát triển và tăng trưởng so cùng kỳ năm trước: Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 3,1%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 5,7%, vốn đầu tư xã hội tăng 10,34%, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 19,5%, kim ngạch xuất khẩu tăng 8,4%..., an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được ổn định, đời sống nhân dân lao động được bảo đảm.


1. Tổng sản phẩm nội địa (GDP):

Tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn quý I năm 2009 tăng 3,1% so cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp xây dựng đạt mức tăng khá nhất với giá trị tăng thêm tăng 5,5% (đóng góp 2,47% vào mức tăng chung), các ngành dịch vụ có giá trị tăng thêm tăng 4% (đóng góp 1,88% vào mức tăng chung), ngành nông - lâm - thuỷ sản có giá trị tăng thêm giảm 18,4% (làm giảm 1,25% vào mức tăng chung)

Tốc độ tăng GDP quý I so với cùng kỳ của 3 năm gần đây ở Hà Nội như sau:

2007

2008

2009

Tốc độ tăng GDP (%)

11,2

10,9

3,1

- Nông - lâm - thuỷ sản

1,8

3,5

-18,4

- Công nghiệp, xây dựng

14,1

10,1

5,5

- Dịch vụ

10,1

12,8

4,0

Tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn quý I năm 2009 đạt tốc độ tăng thấp nhất so tốc độ tăng cùng quý của nhiều năm trước đây do kinh tế của Hà Nội quý I năm 2009 ít nhiều bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng suy thoái kinh tế toàn cầu: sản xuất công nghiệp giảm sút, giá trị sản xuất công nghiêp quý I năm 2009 chỉ tăng 5,7% so cùng kỳ, sản xuất chủ yếu cầm chừng do lượng hàng tồn kho lớn, nhất là các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; các chỉ tiêu ngành thương mại - dịch vụ của quý I năm 2009 so với cùng kỳ đều có tốc độ tăng thấp: tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng 19,3%, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng 8,4%, kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn giảm 48,1%, khách Quốc tế du lịch đến Hà Nội giảm 18,1%; so với cùng kỳ năm trước số dự án đầu tư nước ngoài vào Hà Nội chỉ bằng 83% với vốn đầu tư đăng ký chỉ bằng 7%...

2. Sản xuất công nghiệp:

Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tháng Ba năm 2009 tăng 28,2% so tháng trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 3,9% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 4,6%, kinh tế Nhà nước Địa phương tăng 1,8%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 6,7% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 72%.

Dự kiến quý I năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 5,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 2,2% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 2,6%, kinh tế Nhà nước Địa phương tăng 0,9%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 9,7% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 4,8%.

2.1 Sản xuất công nghiệp Nhà nước Trung ương:

Giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước Trung ương tháng Ba năm 2009 tăng 4,6% so tháng trước và tăng 1,9% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến quý I năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước Trung ương tăng 2,6% so cùng kỳ năm trước. Có 13/20 ngành sản xuất tăng, trong đó có một số ngành tăng khá: chế biến thực phẩm (tăng 23%), sản xuất thuốc lá (tăng 30,1%), sản xuất đồ da (tăng 37,4%), sản xuất sản phẩm bằng kim loại (tăng 23,9%)… 7/13 ngành sản xuất giảm là: khai thác quặng (giảm 96,8%), sản xuất hoá chất (giảm 17,9%), sản xuất cao su plastic (giảm 42,1%), sản xuất khoáng phi kim loại (giảm 5,9%), chế tạo thiết bị máy móc (giảm 8%), sản xuất xe có động cơ (giảm 49,1%) và sản xuất phương tiện vận tải khác (giảm 78,6%).

2.2 Sản xuất công nghiệp Nhà nước Địa phương:

Giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước Địa phương tháng Ba năm 2009 tăng 1,8% so tháng trước và tăng 3,7% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến quý I năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước Địa phương tăng 0,9% so cùng kỳ năm trước. Có 9/17 ngành sản xuất tăng, trong đó một số ngành tăng khá: sản xuất các sản phẩm từ kim loại (tăng 21,8%), chế tạo thiết bị máy móc (tăng 24,1%)…8/17 ngành sản xuất giảm, trong đó một số ngành giảm nhiều: sản xuất trang phục (giảm 30,9%), sản xuất khoáng phi kim loại (giảm 45,3%), sản xuất kim loại (giảm 34,3%), sản xuất ti vi thiết bị thông tin (giảm 45,8%)…Sản xuất công nghiệp Nhà nước Địa phương quý I năm 2009 đạt tốc độ tăng thấp hơn nhiều so quý I các năm trước là do một số đơn doanh nghiệp đang tạm dừng sản xuất để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, thay đổi sản phẩm mới và ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình xuất khẩu gặp khó khăn.

2.3 Sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước:

Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tháng Ba năm 2009 tăng 6,7% so tháng trước và tăng 14,3% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến quý I năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tăng 9,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó công ty TNHH tư nhân tăng 2,8%, công ty cổ phần khác tăng 21,4%, hộ cá thể tăng 6,4%, doanh nghiệp tư nhân giảm 3,2% và hợp tác xã giảm 12,9%.

2.4 Sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài:

Giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tháng Ba năm 2009 tăng 72% so tháng trước và tăng 19,8% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến quý I năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 4,8% so cùng kỳ năm trước với 13/20 ngành sản xuất tăng, trong đó một số ngành tăng khá: chế biến thực phẩm (tăng 42,4%), công nghiệp dệt (tăng 27,1%), sản xuất trang phục (tăng 26,6%), chế biến gỗ (tăng 449%), sản xuất kim loại (tăng 36,4%), sản xuất dụng cụ chính xác (tăng 37,3%)… 7/20 ngành sản xuất giảm là: sản xuất cao su plastic (giảm 18,1%), sản xuất khoáng phi kim loại (giảm 4%), chế tạo thiết bị máy móc (giảm 10,3%), sản xuất thiết bị văn phòng (giảm 4,5%), sản xuất tivi thiết bị thông tin (giảm 1,8%), sản xuất phương tiện vận tải khác (giảm 2,5%) và sản xuất giường tủ đồ khác (giảm 0,2%)

3. Xây dựng cơ bản:

3.1. Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn Nhà nước do địa phương quản lýthực hiện tháng Ba năm 2009 đạt 2.176,1 tỷ đồng, tăng 18,7% so tháng trước, tăng 33,9% so cùng kỳ năm trước . Dự kiến quí I năm 2009, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn Nhà nước do Địa phương quản lý đạt 5.581,0 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2008; bằng 19,8% so với kế hoạch năm 2009. Trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước đạt 2.629,8 tỷ đồng, tăng 75,5% so với cùng kỳ, đạt 22,6% so với kế hoạch năm 2009, vốn tín dụng đầu tư của nhà nước đạt 648,5tỷ đồng, giảm 50,6% so với cùng kỳ và đạt 10% so với kế hoạch năm, vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước đạt 952,1 tỷ đồng, giảm 24,6% so với cùng kỳ, đạt 23,5% so với kế hoạch năm.

a. Một số tình hình đầu tư trên địa bàn: Đầu tháng Ba năm 2009, đã triển khai một số dự án lớn như sau:

- Tập đoàn Nam Cường đã tiến hành khởi công 2 đơn nguyên đầu tiên của dự án tổ hợp khu chung cư 25 tầng NCG Residentials tầng CT7, CT8 trên đường Lê Văn Lương kéo dài. Tổ hợp chung cư cao cấp CT8 với 4 đơn nguyên 25 tầng, được bố trí trong khuôn viên rộng 16,484m2 là sự kết hợp hài hoà với hạ tầng đồng bộ đi kèm như khu chăm sóc sức khoẻ, khu tập thể thao, nhà trẻ, khu vui chơi giải trí.. có thiết kế hài hoà với các hạ tầng khác làm nên diện mạo mới của tuyến đường cửa ngõ phía Tây Thủ đô

- Đã khởi công xây dựng dự án cầu dây văng (dự án cầu Nhật Tân) lớn nhất Việt Nam. Dự án này nằm trên đường vành đai II thành phố, bắt đầu từ Phú Thượng (Tây Hồ) chạy song song, cách đường Lạc Long Quân khoảng 420m, vượt qua sông Hồng cắt với quốc lộ 5 kéo dài tại nút giao Vĩnh Ngọc và kết thúc tại đường Nam Hồng (Đông Anh). Dự án này được xác định là một trong những công trình giao thông trọng điểm của Thủ đô. Tổng mức đầu tư của Dự án hơn 13,6 nghìn tỷ đồng, sử dụng vốn vay từ Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JIBIC) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

- Công ty CP Đầu tư xây dựng Hạ Tầng và giao thông (Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội) khởi công Dự án Khu văn phòng, dịch vụ công cộng và nhà ở bán tại xã Trung Văn, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Dự án có tổng mức đầu tư 523 tỷ đồng, xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 23.829m2. Dự kiến đến cuối năm 2009 sẽ hoàn thành và giao cho khách hàng khu nhà ở thấp tầng, năm 2010 sẽ hoàn thành và bàn giao khu nhà chung cư cao tầng, giữa năm 2011 hoàn thành toàn bộ dự án.

- Thực hiện nghị quyết của Chính phủ nhằm từng bước khắc phục ùn tắc giao thông, Hà Nội đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công một số công trình giao thông trọng yếu. Trong đó, dự án mở rộng, nâng cấp đường Láng - Hoà Lạc (dài 29,3km với 6 làn xe, tổng mức đầu tư 7.257 tỷ đồng) dự kiến hoàn thành trong năm 2010; dự án nâng cấp quốc lộ 32, chia thành 3 đoạn: Đoạn Nhổn - Sơn Tây có tổng mức đầu tư 635 tỷ đồng đến nay đã cơ bản hoàn thành. Đoạn Nam Thăng Long - Cầu Diễn (72 tỷ đồng) và đoạn Cầu Diễn - Nhổn (829 tỷ đồng) phấn đấu hoàn thành trong năm 2010. Dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 1A cũ (đoạn cầu Chui - cầu Đuống, dài 4 km, tổng mức đầu tư 650 tỷ đồng) theo kế hoạch sẽ thực hiện từ năm 2009 và hoàn thành vào năm 2010. Cùng với các tuyến đường hướng tâm nói trên, Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh một số dự án đường vành đai, đường trục như: Vành đai 3, vành đai 2 (gồm cầu Vĩnh Tuy và tuyến đường 2 bên; đoạn Nhật Tân - Bưởi và 2 nút giao thông Bưởi, Cầu Giấy), đường trục Đông Tây chạy qua 9 quận… Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh công tác cải tạo, nâng cấp các tuyến đường nội đô, Thành phố đã duyệt kinh phí để cải tạo 12 tuyến đường giao thông ngoại thành ngay trong năm 2009 với vốn đầu tư khoảng 48,780 tỷ đồng.

b. Tiến độ thực hiện một số dự án lớn:

* Dự án đường 5 kéo dài:

Tổng giá trị khối lượng thực hiện của dự án tháng Hai năm 2009 đạt khoảng 11 tỷ đồng, cụ thể như sau: Gói thầu số 7, 9, 10, 18 nhà thầu triển khai thi công các hạng mục dọn dẹp mặt bằng, thoát nước mặt, thoát nước bẩn, hào kỹ thuật và đào đất không thích hợp; sản xuất cấu kiện đúc sẵn và lắp đặt hạ tầng kỹ thuật. Gói thầu số 8 triển khai thi công hệ thống thoát nước mưa D1500, đúc bó vỉa loại A, B và dọn dẹp mặt bằng. Gói thầu số 6 đang tiến hành thi công và nghiệm thu chuyển giai đoạn lớp cấp phối đá dăm loại II, chuyển giai đoạn ga thoát nước mưa, hào kỹ thuật và ga thoát nước bẩn. Gói thầu số 11 tiếp tục thi công hầm đi bộ, nền mặt đường, cửa xả, cửa thu và cầu Ngũ Huyện Khê.

* Nút giao thông Kim Liên:

Dự án nút giao thông Kim Liên đã hoàn thành 70% khối lượng, cụ thể: Hầm xe cơ giới sẽ hoàn thành toàn bộ các đoạn hầm phía Đại Cồ Việt từ U1 - U9, trung tâm nút từ B1 - B7, phía Đào Duy Anh từ U10 - U18 cơ bản hoàn thành, còn lại một phần tường chắn và lan can thành từ U10 - U14; hoàn thành 2/2 hầm bộ hành ngang đường Lê Duẩn, Giải Phóng, đang lắp đặt hệ thống chiếu sáng để đưa vào sử dụng; tổ chức thi công 4 hầm kỹ thuật. Dự kiến nút giao thông Kim Liên thông xe kỹ thuật hầm cơ giới trong tháng 6 để hoàn thành toàn bộ dự án trước 10/10/2009.

* Dự án xây dựng đường vành đai I đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu:

Chiều dài toàn tuyến là 547m, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường phố chính đô thị, với 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ và hè hai bên. Diện tích đất thu hồi phục vụ dự án khoảng 30.315m2, với 550 hộ thuộc diện GPMB (khoảng 500 hộ phải tái định cư, dự kiến bố trí tại toà nhà A6 Khu đô thị Nam Trung Yên - Cầu Giấy). Tổng vốn đầu tư theo tính toán là 642,3 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 48,9 tỷ đồng; chi phí bồi thường GPMB, tái định cư là 527,2 tỷ đồng… Công tác GPMB dự án đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu được tiến hành trong 3 đợt, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong năm 2009.

3.2. Tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn quý I năm 2009 dự kiến đạt 22.419 tỷ đồng, tăng 10,34% so cùng kỳ năm trước, trong đó vốn trong nước đạt 20.476 tỷ đồng tăng 12,98%, vốn ngoài nước đạt 1.943 tỷ đồng, giảm 11,48%. Trong tổng số vốn trong nước, vốn đầu tư của Nhà nước tăng 17,48%, doanh nghiệp Nhà nước tự đầu tư giảm 24,62%, các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư tăng 20,76%, dân tự đầu tư tăng 8,79%, vốn khác giảm 72,41%.

3.3 Đầu tư trực tiếp nước ngoài:

Tính đến trung tuần tháng Ba năm 2009, Hà Nội thu hút được 49 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 40 triệu USD, trong đó cấp mới 43 dự án - vốn đầu tư đăng ký 31 triệu USD, tăng vốn 6 dự án - vốn đăng ký 9 triệu USD.

Dự kiến Quí I năm 2009, Hà Nội thu hút được 60 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 42 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước số dự án chỉ bằng 83% (60/72), vốn đầu tư đăng ký chỉ bằng 7% (42 triệu USD/575 triệu USD)

4. Thương mại dịch vụ:

4.1. Nội thương:

Tháng Ba năm 2009, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 19,3% so cùng kỳ năm trước (bán lẻ tăng 20,6%) và tăng 1,1% so tháng trước (bán lẻ tăng 1,4%).

Dự kiến quý I năm 2009, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 19,5% so cùng kỳ năm trước, trong đó bán lẻ tăng 19,9%. Tốc độ tăng của tổng mức bán hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội quý I năm 2009 so các năm trước giảm, mức tiêu thụ nhiều chủng loại hàng, nhất là hàng cao cấp trên thị trường giảm xuống rõ rệt do đời sống dân cư hiện nay gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng giảm hơn.

4.2. Ngoại thương:Tháng Ba năm 2009, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn giảm 4,8%, trong đó xuất khẩu địa phương giảm 2,3%. Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tăng 1,5%, trong đó nhập khẩu địa phương tăng 1,5%.

Dự kiến quý I năm 2009, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng 8,4% so cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu địa phương giảm 4,4%. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều giảm từ 5% đến 15%, trong đó một số mặt hàng giảm mạnh: linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi (giảm 20,1%), hàng thủ công mỹ nghệ (giảm 23,5%), xăng dầu tạm nhập tái xuất (giảm 34,5%)... Riêng mặt hàng gạo xuất khẩu quý I năm 2009 tăng 4,3% so cùng kỳ, than đá tăng 10,8%, hàng khác tăng 72,9%.

Kim ngạch nhập khẩu quý I năm 2009 trên địa bàn giảm 48,1% so cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu địa phương giảm 36,2%. Giá trị nhập khẩu các mặt hàng chủ yếu đều giảm mạnh: máy móc thiết bị phụ tùng (giảm 16,5%), sắt thép (giảm 81,4%), phân bón (giảm 27,6%), hoá chất (giảm 57,8%), chất dẻo (giảm 54,6%), xăng dầu (giảm 59,4%), hàng hoá khác (giảm 55,2%). Nhập khẩu giảm ở hầu hết các thị trường lớn: Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Thái Lan đều giảm khoảng 40%. Nhập khẩu giảm (với cơ cấu ¾ hàng nhập khẩu là vật tư nguyên liệu, máy móc) tức là đầu tư cho sản xuất, gia công, xây dựng giảm và xét về năng lực của nền kinh tế thì đây là một nguy cơ vì nền kinh tế đang trong tình trạng không đủ khả năng để đầu tư và duy trì sản xuất liên tục.

4.3. Du lịch: Tháng Ba năm 2009, khách Quốc tế vào Hà Nội khoảng 100 ngàn khách, tăng 4,8% so tháng trước, giảm 27,6% so cùng kỳ. Khách nội địa đi du lịch giảm so tháng trước (tháng Hai nhiều người đi lễ hội, đền chùa). Khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài giảm 20% đến 30% so cùng kỳ. Doanh thu khách sạn, lữ hành tháng Ba tăng 18,3% so cùng kỳ.

Dự kiến quý I năm 2009, lượng khách Quốc tế đến Hà Nội khoảng 289 ngàn khách, giảm 18,1% so cùng kỳ, khách nội địa khoảng 2.173 ngàn khách, tăng 9,7%. Doanh thu khách sạn, lữ hành tăng 20% (chủ yếu là giá tour tăng do dịch vụ thuê phòng và dịch vụ vận chuyển tăng hơn nhiều so năm trước). Đánh giá chung hoạt động du lịch quý I năm 2009 của Hà Nội: khách Quốc tế đến giảm lớn so cùng kỳ do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu khiến khách du lịch lựa chọn những điểm đến gần, hoặc những nơi giá rẻ. Mặt khác, hoạt động xúc tiến du lịch yếu nên hiệu quả thu hút khách ngày càng giảm, việc đơn giản hoá thủ tục cho khách du lịch đến Việt Nam vẫn tiến triển chậm.

4.4. Giá cả thị trường: Chỉ số giá tiêu dùng tháng Ba năm 2009 giảm 0,07% so tháng trước. Giá cả thị trường trong tháng có dấu hiệu chững lại nhưng chỉ là tạm thời. Các ngành hàng giảm giá đôi chút là: hàng thực phẩm giảm 0,71% (chủ yếu do giá rau xanh đầu tháng giảm nhiều, giá một số gia cầm, thuỷ sản cũng giảm chút ít so tháng trước), nhà ở, điện nước chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,01%. Ngoài ra, các ngành hàng khác đều có giá ổn định hoặc tăng chút ít so tháng trước. Chỉ số giá vàng tháng Ba năm 2009 tăng 6,13% so tháng trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,03%.

Dự kiến quý I năm 2009 so cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng tăng 15,18%, chỉ số giá vàng tăng 5,82%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 10,48%. Chỉ số giá tháng Ba năm 2009 so tháng Mười hai năm 2008 tăng 1,22% (tốc độ tăng giá bình quân 1 tháng là 0,4%).

4.5. Vận tải:Tháng Ba năm 2009 so tháng trước, khối lượng hàng hoá vận chuyển giảm 1,6%, khối lượng hàng hoá luân chuyển giảm 2,6%, doanh thu vận chuyểnhµng ho¸giảm 0,2%; khối lượng hµnh kh¸chvận chuyển giảm 1,3%, khối lượng hµnh kh¸chluân chuyển giảm 0,2%, doanh thu vận chuyển hành khách giảm 0,2%.

Dự kiến quý I năm 2009 so cùng kỳ năm trước, khối lượng hàng hoá vận chuyển giảm 10,2%, khối lượng hàng hoá luân chuyển giảm 16,3%, doanh thu vận chuyển hàng hoá tăng 10,2%, khối lượng hành khách vận chuyển tăng 9,7%, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 10,4%, doanh thu vận chuyển hành khách tăng 18,3%. Hoạt động vận tải hàng hoá quý I năm 2009 có nhiều giảm sút do lưu thông hàng hoá kém, tuy vậy doanh thu vận tải hàng hoá vẫn tăng so cùng kỳ là do giá cước tăng do giá xăng dầu tăng. Hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt, taxi ở Hà Nội ngày càng đóng vai trò quan trọng trong giao thông ở Thủ đô, đặc biệt xe buýt trong giai đoạn Hà Nội mở rộng đã góp phần quan trọng trong giải quyết vấn đề giao thông đô thị.

4.6. Bưu chính viễn thông:

- Bưu chính: tháng Ba năm 2009, doanh thu bưu chính tăng 0,9% so tháng trước do số lượng bưu thiếp, quà mừng nhân dịp 8/3 tăng.

Dự kiến quý I năm 2009, doanh thu bưu chính tăng 2,1% so cùng kỳ năm trước.

- Viễn thông: tháng Ba năm 2009 số thuê bao tăng thêm là 16.500 thuê bao điện thoại, 5.000 thuê bao Internet, doanh thu viễn thông đạt 216,8 tỷ đồng tăng 0,8% so tháng trước.

Dư kiến quý I năm 2009, số thuê bao tăng thêm là 52.848 thuê bao điện thoại, 16.927 thuê bao Internet. Doanh thu viễn thông đạt 657,5 tỷ đồng, tăng 1,3% so cùng kỳ năm trước.

5. Sản xuất nông nghiệp:

5.1. Vụ đông 2008-2009:

Tổng diện tích gieo trồng cây vụ Đông đạt 24.791 ha, bằng 39,14% (giảm 38.549 ha) so với vụ đông năm trước. Diện tích giảm ở hầu hết các huyện, trong đó huyện có diện tích giảm lớn như: Phú Xuyên (giảm 8.519 ha), Ứng Hoà (giảm 5.383 ha), Mỹ Đức (giảm 4.349 ha)… Nguyên nhân giảm chủ yếu do trận mưa lịch sử cuối tháng 10 đầu tháng 11 năm 2008. Trong tổng diện tích gieo trồng, cây lương thực 7.290 ha, cây chất bột có củ 2.581 ha, cây rau đậu các loại 10.770 ha, cây công nghiệp 3.006 ha, cây hàng năm khác 3.006 ha.

Dự kiến năng suất hầu hết các loại cây trồng vụ đông năm nay đều giảm mạnh so với vụ đông năm trước: cây ngô 31,34 tạ/ha, giảm 8,33 tạ/ha (giảm 20,99%); khoai lang 71,2 tạ/ha, giảm 9,23 tạ/ha (giảm 11,48%); cây rau các loại 154,36 tạ/ha, giảm 8,63 tạ/ha (giảm 5,29%);

Dự kiến sản lượng các loại cây trồng giảm đáng kể so với vụ đông năm trước: ngô 22.850 tấn, giảm 36.208 tấn (giảm 61,31%); cây khoai lang 18.087 tấn, giảm 25.623 tấn (giảm 58,62%); cây rau 166.139 tấn, giảm 50.400 tấn(giảm 23,28%); cây đỗ tương 3.314 tấn, giảm 31.782 tấn(giảm 90,56%); cây lạc 865 tấn, giảm 737 tấn (giảm 46,03%).

5.2. Sản xuất vụ Xuân 2009:

Vụ Xuân năm nay, mặc dù lượng mưa ít, song công tác thuỷ lợi được các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo nên hầu như không không có huyện nào có khó khăn lớn về nguồn nước. Đến ngày 13/3/2009, toàn Thành phố đã cơ bản cấy xong diện tích lúa xuân. Theo báo cáo sơ bộ diện tích lúa đã cấy 102.678 ha (trong đó gieo sạ 3.656 ha ), bằng 101,5% so với cùng kỳ và vượt 2,9% so với kế hoạch. Cùng với gieo cấy lúa xuân toàn Thành phố đã gieo trồng được 24.844 ha rau, màu các loại, trong đó: Ngô 7.327 ha, rau đậu các loại 8.032 ha, lạc 5104 ha, đỗ tương 1.788 ha... Lúa xuân hiện đang ở giai đoạn đẻ nhánh, các cây trồng đều sinh trưởng và phát triển tốt.

Hiện nay và trong thời gian tới các huyện tranh thủ thời gian tiếp tục lấy nước tưới dưỡng cho lúa, bón phân thúc tập trung và cân đối ngay khi lúa bắt đầu đẻ nhánh, kết hợp làm cỏ sục bùn để vùi phân sâu vào đất tránh bị rửa trôi; Tập trung chăm sóc cây màu đã trồng và tiếp tục trồng các cây màu vụ xuân; Tổ chức chiến dịch diệt chuột, ốc bươu vàng phòng trừ bệnh nghẹt rễ, bọ trĩ, ròi đục nõn hại lúa và các loại sâu bệnh trên cây hoa màu khác.

Đối với cây lâu năm, người dân bắt đầu thu hái chè búp vụ xuân, bón phân nuôi quả và chống rụng quả cho bưởi, chuẩn bị các điều kiện vườn ươm chiết ghép nhãn, vải, cam Canh, bưởi Diễn…

5.3. Trồng cây dịp tết, lâm nghiệp:

Thực hiện phong trào “Tết trồng cây” xuân Kỷ Sửu — 2009, toàn Thành phố đã trồng được 505.885 cây các loại, những huyện có số cây trồng lớn như: Chương Mỹ (198.923 cây), Đông Anh (40.979 cây), Thạch Thất (36.500 cây), Phú Xuyên (30.577 cây) …

Cùng với phong trào “Tết trồng cây”, người dân cũng tăng cường trồng mới, bổ sung những diện tích cây lâm nghiệp đã khai thác, đặc biệt ở những vùng núi như Ba Vì, Sơn Tây. Do thời tiết ẩm thấp trên diện rộng, nên trong tháng không có vụ cháy rừng nào xảy ra. Công tác tuyên truyền Luật quản lý và bảo vệ rừng được tiến hành thường xuyên thông qua nhiều hình thức khác nhau. Trong tháng đã phát hiện 3 vụ buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép, thu giữ trên 4m3 gỗ, thu nộp ngân sách trên 13 triệu đồng. Tiếp tục khoanh nuôi tái sinh và bảo vệ diện tích rừng đã được giao khoán. Công tác chăm sóc rừng năm thứ 2, 3, 4 vẫn được tăng cường và đầu tư hợp lý.

5.4. Chăn nuôi, thuỷ sản:

Đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở Hà Nội tương đối ổn định, không xuất hiện các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh. Tuy nhiên, để phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đến nay lực lượng thú y đã tiêm văcxin 4 bệnh cho đàn lợn với gần 200 nghìn con; tiêm văcxin cúm cho đàn gia cầm trên 200 nghìn lượt con, dịch tả vịt và Newcastle trên 170 nghìn lượt con. Công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng đợt 1 năm 2009 đã hoàn thành, tổng số hoá chất sử dụng 10 ngàn lít, diện tích được phun trên 15 triệu m2 và sử dụng hết 3.120 tấn vôi bột. Từ nay đến 10 tháng 4 tiếp tục tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm.

Công tác kiểm dịch động vật tiếp tục được duy trì và tăng cường tại 7 chốt kiểm dịch ra - vào Thành phố. Trong tuần đầu tháng Ba đã kiểm tra được 111.825 con gia cầm sống, 30.342 con gia cầm đã giết mổ, 1.283 con lợn, 60 con trâu bò, 39.100 quả trứng các loại, vệ sinh tiêu độc cho gần 1.800 phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm.

Sau Tết Nguyên đán, giá bán các sản phẩm thức ăn chăn nuôi tăng gây khó khăn không nhỏ cho người chăn nuôi, đặc biệt là những người chăn nuôi nhỏ lẻ. Hơn nữa, đã bắt đầu vào mùa chăn nuôi mới, giá cả các con giống cũng tăng mạnh, nên dự kiến đàn gia súc, gia cầm không biến động nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay các cơ sở nuôi trồng thủy sản đã và đang tăng cường đầu tư, củng cố, vệ sinh ao, hồ cho vụ thả mới. Tiếp tục vỗ đàn cá bố mẹ cho cá sinh sản, thu hoạch cá giống, nuôi cá thịt đợt 1 và các loại cá thương phẩm như cá điêu hồng, cá chim trắng, cá rô phi.... đồng thời xây dựng các mô hình thâm canh thủy sản an toàn, nhân rộng mô hình khôi phục nguồn lợi thủy sản nội đồng như các loại cá, cua đồng, xử lý ô nhiễm môi trường để tăng nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

5.5. Ước tính một số chỉ tiêu quí I và cả năm 2009:

Ước tính trong quí I năm 2009, sản lượng chè thu hoạch khoảng 1.920 tấn bằng 11,95% so với cả năm 2008 và tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do vụ đông năm nay thời tiết ấm hơn và không bị rét đậm, rét hại như vụ đông năm trước do đó khi lập xuân cây chè nảy lộc, đâm chồi và phát triển ngay. Sản lượng chuối thu hoạch khoảng 13.500 tấn bằng 26% so với cả năm 2008 và bằng 85% so với cùng kỳ năm trước (nguyên nhân do trận mưa cuối tháng 10 đầu tháng 11 năm 2008 gây ngập làm chuối bị thối rễ do đó ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng thực thu). Sản lượng bưởi thu hoạch khoảng 7.526 tấn, bằng 30% so với cả năm 2008 và bằng 60% so với cùng kỳ năm trước (nguyên nhân do ảnh hưởng bởi trận mưa lịch sử vào cuối năm 2008 gây thiệt hại không nhỏ cho người dân, đa số sản phẩm đã phải thu hoạch sớm, chỉ còn lại một phần cho thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán năm 2009).

Cuối quý I năm 2009, so với cùng kỳ năm trước ước tính tổng số trâu khoảng 27.030 con, bằng 96,9%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 450 tấn, tăng 5,9%. Tổng số bò ước đạt 206.965 con, bằng 92,2%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 2.248 tấn bằng 101,5%. Tổng số lợn có mặt ước đạt 1,68 triệu con bằng 100,8%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 97.823 tấn bằng 103%. Tổng số gia cầm có mặt ước đạt 14 triệu con bằng 101,2%; sản lượng thịt gia cầm giết bán ước đạt 13.308 tấn bằng 103,5%.

Dự báo sản lượng cả năm và so với cùng kỳ một số cây trồng như sau: lúa đạt 1,17 triệu tấn bằng 99,3%, ngô đạt 76 ngàn tấn bằng 69%, chè đạt 15,8 ngàn tấn bằng 98,4%.

6. Các vấn đề xã hội:

6.1. Văn hoá xã hội:

- Dịp Tết nguyên đán Kỷ Sửu, đã tổ chức tốt các hoạt động văn hoá thể thao mừng Đảng, mừng Xuân với công tác tuyên truyền rộng rãi trên địa bàn Thành phố với nhiều hình thức phong phú: phát hành tập san văn hoá thông tin chuyên đề, tuyên truyền cổ động trực quan, treo băng rôn, biểu ngữ, cờ phướn, biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, với chủ đề ngày Xuân đất nước, ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ và truyền thống nghìn năm văn hiến của đất nước và Thủ đô Hà Nội, bắn pháo hoa tại 18 điểm trên toàn Thành phố vào lúc Giao thừa...

- Thành phố tổ chức thăm hỏi, chúc Tết, tặng quà và trợ cấp cho các đối tượng chính sách và các đối tượng khác chu đáo, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có Tết. Chuẩn bị và tổ chức cho các đoàn lãnh đạo Đảng, chính quyền, MTTQ Thành phố thăm và tặng quà cho 35 gia đình chính sách tiêu biểu ở 29 quận, huyện, thành phố trực thuộc, 19 đơn vị SXKD của thương, bệnh binh và người tàn tật. Chuyển quà của Thành phố tới 3 cơ sở cách mạng, 11 đơn vị nuôi và điều dưỡng người có công với cách mạng, 10 đơn vị nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội, 8 trung tâm giáo dục lao động và quản lý dạy nghề. Chuyển quà của Chủ tịch nước và UBND Thành phố đến các đối tượng xong trước ngày 30 tết. Toàn Thành phố tặng trên 1 triệu xuất quà cho các gia đình chính sách, đối tượng xã hội, các hộ nghèo và người nghỉ hưu với tổng kinh phí 184,6 tỷ đồng (trong đó ngân sách Nhà nước 181 tỷ đồng còn lại từ nguồn vận động quyên góp).

- Quý I, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 7.000 người trên 21.000 lao động đăng ký (kế hoạch 2009 là giải quyết việc làm cho 126.000 người). Ngoài ra, Thành phố còn chỉ đạo các quận huyện, thành phố trực thuộc thực hiện các giải pháp trợ giúp người nghèo: hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, hướng dẫn cách làm ăn, giảm học phí cho con hộ nghèo, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, triển khai dự án đào tạo nghề cho người tàn tật, thực hiện trợ cấp cho người cao tuổi từ 90 tuổi trở lên, giải quyết tình trạng người lang thang...

- Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng trong dịp Tết Kỷ Sửu, ngành y tế kết hợp cùng các ngành có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm và công tác thanh kiểm tra, tổ chức các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, phát hành nhiều băn rôn, tờ rơi về vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời tăng thời lượng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng , thành lập 42 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành cấp Thành phố và quận huyện, kiểm tra 70 cơ sở sản xuất và buôn bán thực phẩm, chợ, siêu thị, cửa hàng ăn... huỷ nhiều thực phẩm, gia vị, bánh mứt kẹo, gia cầm, gia súc không rõ nguồn gốc... Trong dịp Tết Kỷ Sửu, toàn Thành phố không xảy ra dịch bệnh lớn và các vụ ngộ độc thức ăn tập thể.

6.2 Trật tự an toàn xã hội:Hai tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố đã phát hiện và xảy ra 882 vụ phạm pháp hình sự so với cùng kỳ tăng 121 vụ và tăng 16% với số đối tượng bị bắt giữ theo luật là 1.039 (giảm 58 đối tượng, giảm 5,3%).

Số vụ phạm pháp kinh tế xảy ra trong hai tháng đầu năm là 117 vụ ( giảm 59 vụ và giảm 34% so cùng kỳ năm trước) với số đối tượng phạm pháp là 162 đối tượng ( giảm 28 đối tượng và giảm 14,7%.)

Có 447 vụ cờ bạc bị phát hiện trong hai tháng đầu năm (giảm 111 vụ so cùng kỳ năm trước) với số đối tượng bị bắt giữ là 1.611 người (giảm 99 người).

Tổng số vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma tuý trong hai tháng đầu năm 2009 là 332 vụ (giảm 56 vụ so cùng kỳ, giảm 16,9%) với 398 đối tượng bị bắt giữ (giảm 75 đối tượng, giảm 18,8%).

Hai tháng đầu năm, toàn Thành phố xảy ra 231 vụ tai nạn giao thông ( tăng 82 vụ so cùng kỳ, tăng 49%), làm 186 người chết và 81 người bị thương. Đã xảy ra 46 vụ cháy nổ (tăng 11 vụ so cùng kỳ, tăng 31,4%) làm thiệt hại tài sản trị giá trên 2 tỷ đồng, làm bị thương 6 người, đặc biệt có khá nhiều vụ do đốt đèn trời gây ra làm cho công tác phòng cháy càng trở nên phức tạp và bị động.

7. Tài chính - tín dụng:

7.1 Tài chính:

Tổng thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn là 19.199 tỷ đồng, đạt 27,2% dự toán năm; Trong đó: Thu nội địa là 17.266 tỷ đồng, đạt 30,2% dự toán năm (thu từ khu vực DNNN Trung ương đạt 41,6%, thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17,5%, thu từ khu vực ngoài quốc doanh đạt 35,4% ); thuế xuất nhập khẩu, thuế TTĐB, thuế VAT hàng nhập khẩu là 1.650 tỷ đồng, đạt 23,1% dự toán năm; thu từ dầu thô là 283 tỷ đồng, đạt 4,5% dự toán năm.

Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 3.500 tỷ đồng, đạt 14,3% dự toán HĐND Thành phố thông qua. Trong đó: Chi đầu tư XDCB trong nước ước thực hiện 800 tỷ đồng, đạt 7,1% dự toán năm, chi thường xuyên ước thực hiện 2.590 tỷ đồng, đạt 23% dự toán năm.

7.2 Tín dụng, ngân hàng:

Dự kiến đến cuối tháng Ba năm 2009, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 460.251 tỷ đồng, tăng 1,35% so cuối tháng trước và giảm 0,36% so cuối năm 2008, trong đó tiền gửi tiết kiệm tăng 1,35% và tăng 10,1%,phát hành giấy tờ có giá tăng 1,94% và giảm 4,71%. Tổng dư nợ cho vay tháng Ba năm 2009 đạt 276.156 tỷ đồng, tăng 1,43% so tháng trước và tăng 4,04% so cuối năm 2008, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 1,65% và tăng 4,52%, dư nợ trung và dài hạn tăng 1,13% và tăng 3,37%.

Ghi chú: Do yêu cầu làm số liệu sớm hơn thời gian quy định, nên một số số liệu được thu thập ở các ngành chưa đầy đủ, Cục Thống kê Hà Nội sẽ có bổ sung sau.



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật