Tình hình kinh tế - xã hội tháng chín và 9 tháng năm 2006 (00:00 12/10/2006)


Chín tháng đầu năm 2006, Hà Nội phải đối mặt với một số diễn biến không thuận lợi như: xuất hiện dịch lở mồm, long móng ở đàn gia súc, nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm; tình trạng tăng giá ở một số hàng hoá, vật tư, nguyên liệu quan trọng như xăng, dầu, vật liệu xây dựng.... Song, kinh tế - xã hội trên địa bàn vẫn có nhiều chuyển biến tích cực. Tốc độ phát triển kinh tế duy trì ở mức cao so với cùng kỳ: Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 11,16%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 18,3% tổng mức bán lẻ tăng 22,0%, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng 23,0%, tổng vốn đầu tư xã hội tăng 14,2%. Các mặt văn hoá, xã hội, trật tự, an toàn xã hội được duy trì.



1. Tổng sản phẩm nội địa

Dự kiến 9 tháng đầu năm tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 11,16% so cùng kỳ. Do đạt tốc độ tăng lớn ở một số ngành như dệt, sản xuất thiết bị văn phòng, sản xuất máy móc thiết bị, sản xuất thiết bị điện và sản xuất phương tiện vận tải khác, ước tính giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp và xây dựng tăng 14,25% (trong đó riêng công nghiệp tăng 15,15%). Tổng mức bán ra tăng 21,0% so cùng kỳ, trong đó bán lẻ tăng 22%, kim ngạch xuất khẩu tăng 23,0%, doanh thu du lịch xã hội ước tính tăng 18-20%. Vì vậy, giá trị tăng thêm ngành dịch vụ ước tính tăng 9,35%, trong đó ngành thương nghiệp đạt 10,44%, khách sạn nhà hàng đạt 9,76%, hoạt động vận tải, bưu điện tăng 9,77% và tài chính tín dụng tăng 9,53%. Riêng sản xuất nông nghiệp, do diện tích đất canh tác tiếp tục thu hẹp, hoạt động chăn nuôi bị ảnh hưởng của dịch lở mồm, long móng ở đàn gia súc và nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm, nên dự kiến chỉ đạt mức tăng giá trị tăng thêm là 0,67%.

2. Sản xuất công nghiệp

Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tháng Chín ước tính tăng 10,6% so tháng trước, trong đó công nghiệp nhà nước tăng 5,4% (trung ương tăng 4,7%, địa phương tăng 7,9%), công nghiệp ngoài nhà nước tăng 4,7% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,8%.

Dự kiến 9 tháng đầu năm giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 18,3% so cùng kỳ, trong đó kinh tế nhà nước tăng 3,1% (trung ương tăng 1,3%, địa phương tăng 9,2%), công nghiệp ngoài nhà nước tăng 27,3% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 31,8%. Trong 9 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn lớn. Từ đầu năm đến nay giá xăng, dầu đã tăng 3 lần, giá nguyên vật liệu nhập khẩu như kim loại màu, hạt nhựa, và các chế phẩm khác từ dầu mỏ khác cũng liên tục tăng cao. Việc cung cấp điện tiếp tục bị hạn chế (giá trị sản xuất truyền dẫn điện chỉ tăng 10,1% so cùng kỳ), chưa theo kịp nhu cầu và tốc độ phát triển kinh tế, cản trở đến hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn, trong đó có các ngành công nghiệp. Trong khi đó, việc tiêu thụ một số sản phẩm chủ chốt của công nghiệp Hà Nội lại kém thuận lợi do cạnh tranh từ hàng nhập khẩu (đối với các nhóm hàng dệt, may, vật liệu xây dựng, ô tô), một số sản phẩm thị trường trong nước đã bão hoà (xe máy, đồ điện tử gia dụng) và thiếu đơn hàng xuất khẩu (da, giày, linh kiện điện tử).

* Sản xuất công nghiệp trung ươngtháng Chín ước tăng 4,7% so tháng trước. Dự kiến 9 tháng tăng 1,3% so cùng kỳ năm trước, với 13/22 ngành sản xuất tăng, trong đó: chế biến thực phẩm tăng 6,0%, xuất bản, in tăng 6,1%, hoá chất tăng 9,7%. Tuy nhiên, mức tăng 9 tháng không cao, là do các doanh nghiệp nhà nước đang được chuyển đổi thành công ty cổ phần (nhiều nhất là trong 2 ngành dệt may và chế tạo máy móc thiết bị), trong đó phần vốn nhà nước chiếm ít hơn 50%. Ngành da giày sản xuất giảm mạnh so cùng kỳ do nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang bị áp thuế chống bán phá giá của EU. Các ngành sản xuất giấy, sản xuất sản phẩm khoáng phi kim loại, sản xuất thiết bị điện và sản xuất xe có động cơ sản xuất giảm do sản phẩm tiêu thụ chậm.

* Công nghiệp nhà nước địa phươngtháng Chín tăng 7,9% so tháng trước. Dự kiến 9 tháng giá trị sản xuất công nghiệp nhà nước địa phương tăng 9,2%, với 12/19 ngành sản xuất tăng: chế biến thực phẩm tăng 25,8%, sản xuất cao su, plastic tăng 34,5%, sản xuất ti vi tăng 42,6%...

9 tháng đầu năm có 16 doanh nghiệp công nghiệp nhà nước địa phương chuyển hình thức sở hữu doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước nhỏ hơn 50%.

* Công nghiệp ngoài nhà nướctháng Chín tăng 4,7% so tháng trước. Ước tính 9 tháng giá trị sản xuất công nghiệp ngoài nhà nước tăng 27,3% so cùng kỳ. Đóng góp vào mức tăng cao của kinh tế ngoài nhà nước, ngoài nguyên nhân tăng số lượng doanh nghiệp thành lập mới và mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp lớn, còn có nguyên nhân số lượng doanh nghiệp nhà nước trung ương và địa phương cổ phần hoá mà vốn Nhà nước ít hơn 50% chuyển sang khu vực này từ đầu năm đến nay rất lớn.

* Giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoàitháng Chín tăng 18,8% so tháng trước. Dự kiến 9 tháng giá trị sản xuất công nghiệp tăng 31,8% so cùng kỳ, trong đó có một số ngành như sản xuất chất khoảng phi kim loại tăng 31,6%, sản xuất thiết bị văn phòng tăng 78,9%, sản xuất thiết bị điện tăng 48,7%, sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 45,4%. Trong 9 tháng đầu năm đã có thêm 25 doanh nghiệp kết thúc giai đoạn xây dựng và bắt đầu đi vào sản xuất, bước đầu tạo ra thêm 4,7% giá trị sản xuất của toàn khu vực. Trong khi các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn trong việc tiêu thụ các sản phẩm như cáp điện, thiết bị điện, dệt, may, sản xuất phụ tùng và lắp ráp xe máy... doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất lại tăng mạnh nhờ xuất khẩu được chính các sản phẩm này ra thị trường nước ngoài. Riêng sản xuất xe có động cơ, do thị trường tiêu thụ giảm mạnh trước thông tin được nhập xe ô tô cũ và thay đổi trong chính sách thuế làm giá xe nhập khẩu có khả năng giảm mạnh, nên mức tiêu thụ xe lắp ráp trong nước giảm mạnh, giá trị sản xuất chỉ bằng 81,4% so cùng kỳ.

3. Xây dựng cơ bản

* Ước tính vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn vốn ngân sách địa phương tháng chín đạt 325 tỷ đồng. Trong tháng, đã tiến hành khởi công công trình Cầu Đông Trù sử dụng công nghệ cầu vòng ống thép nhồi bê tông thuộc dự án đường 5 kéo dài. Tiến độ một số công trình lớn như sau:

- Dự án xây dựng Cầu Vĩnh Tuy: Hiện đã hoàn thành được 40% kế hoạch công việc của năm 2006. Theo dự kiến của chủ đầu tư, công trình cầu Vĩnh Tuy có thể được hợp long và thông xe kỹ thuật vào tháng 9/2007, chậm so với tiến độ ban đầu đề ra 9 tháng. Đến nay các đơn vị đã tiến hành chi trả 232,5 tỷ đồng đền bù cho các đối tượng bị thu hồi đất. Hiện còn 38 hộ dân và 2 đơn vị ở quận Long Biên đang được khảo sát lên phương án bồi thường. Dự kiến công tác giải phóng mặt bằng sẽ hoàn thành trong tháng Chín để các đơn vị có thể thi công tiếp phần đường dẫn.

- Dự án đường 5 kéo dài: đã tiến hành thi công được 2/10 gói thầu xây lắp, chuẩn bị các thủ tục triển khai thi công 3 gói thầu đã có quyết dịnh phê duyệt kết quả đấu thầu. Hiện nay khó khăn chính của dự án này là giải phóng mặt bằng và chuẩn bị đất tái định cư ở phía quận Long Biên, dự kiến phải lùi lại đến năm 2007.

- Đường Kim Liên- Ô chợ Dừa: hoàn thành khối lượng công việc trên 580 m đầu tuyến và đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn tuyến trong tháng Chín. Dự kiến đến 22/12/2006hoàn thành cơ bản toàn tuyến.

Ước tính 9 tháng, vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách địa phương thực hiện được 5150 tỷ đồng, bằng 67,2% kế hoạch năm. Tiến độ thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm nay đạt thấp là do khâu giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, cả về kinh phí và nhà tái định cư. Ở một số công trình trọng điểm, giá trị mỗi hạng mục rất lớn, nhưng không có tiền ứng trước cho phần chưa được nghiệm thu và nguyên vật liệu đầu vào, trong khi nhà thầu cũng gặp khó khăn về tài chính, nên tiến độ không đảm bảo. Ngoài ra, do thị trường bất động sản đang gặp khó khăn, các công trình sử dụng vốn để lại từ đấu giá quyền sử dụng đất cũng bị chậm tiến độ.

* Dự kiến tổng vốn đầu tư xã hộitrên địa bàn 9 tháng đạt 25 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2% so cùng kỳ. Vốn đầu tư ngân sách nhà nước và phần vốn do các doanh nghiệp nhà nước thực hiện đạt thấp, song các nguồn vốn khác tăng khá. 9 tháng đầu năm có thêm 6500 doanh nghiệp được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, tăng 5,9% so cùng kỳ; tổng số vốn đăng ký là 19300 tỷ đồng, tăng 18,2% so cùng kỳ năm trước.

Đồng thời, từ đầu năm đến nay cũng có thêm 84 dự án có vốn đầu tư nước ngoài được cấp giấy phép đầu tư, với tổng số vốn 562 triệu USD, trong đó có 3 dự án lớn là Khu đô thị Tây Hồ Tây (314 triệu USD), Công ty TNHH Panasonic CommunicationsViệt Nam (76 triệu USD), Panasonic Electronic Devices (50 triệu USD). Có 29 dự án đăng ký bổ sung vốn đầu tư, trong đó các dự án tăng vốn lớn đều là các công ty Nhật Bản trong ngành công nghiệp (công ty Canon tăng vốn 70 triệu USD, TNHH Yamaha Motor tăng vốn 43 triệu USD, Notel Việt nam 30 triệu USD...). Như vậy, với số dự án và số vốn đăng ký 9 tháng đầu năm đạt mức khả quan so với cùng kỳ, dự kiến năm nay là năm thứ 2 liên tiếp Hà Nội tiếp tục giữ vị trí là một trong những địa phương đi đầu trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

4. Thương mại- dịch vụ

* Nội thương:Dự kiến trong tháng Chín, tổng mức bán ra tăng 2,1% so tháng trước, trong đó bán lẻ tăng 1,8%. Chỉ số giá tiêu dùng tháng Chín tăng 0,54% so tháng trước, tập trung vào các nhóm thực phẩm (0,38%), nhà ở, chất đốt và vật liệu xây dựng (2,06%), giao thông (tăng 1,28%). Trong tháng Chín, các mặt hàng như gas đun, đồ gỗ nội thất, và cước phí vận tải tăng mạnh. Giá vàng giảm mạnh (giảm 2,43% so tháng trước), giá USD trên thị trường tự do tăng nhẹ sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá chính thức giữa đồng USD và đồng nội tệ.

9 tháng đầu năm, hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn Hà Nội phát triển mạnh, hỗ trợ đắc lực cho phát triển kinh tế trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Ước tính 9 tháng, tổng mức bán ra tăng 21,0% so cùng kỳ, trong đó, tổng mức bán lẻ tăng 22,0%. Từ đầu năm đến nay, giá nhiều mặt hàng đồng loạt tăng, do có những ảnh hưởng của dịch bệnh ở đàn gia súc, đồng thời giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao, ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm sản xuất. So với tháng 12 năm 2005, chỉ số giá đã tăng 6,17%, bình quân tăng 0,67% tháng.

* Ngoại thương:Tháng Chín, kim ngạch xuất khẩu đạt 303,3 triệu USD, tăng 2,2% so tháng trước, kim ngạch nhập khẩu đạt 1061,7 triệu USD, tăng 1,1%. Trong tháng, hoạt động xuất, nhập khẩu diễn ra thuận lợi. Hàng nông sản đang được lợi về giá, hàng dệt may kim ngạch xuất khẩu tăng chút ít ở các loại hàng phi hạn ngạch, các mặt hàng khác vẫn duy trì được tốc độ tăng ổn định so với các tháng đầu năm.

Dự kiến 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội đạt mức tăng khá so cùng kỳ (2575,5 triệu USD, tăng 23,0%). Máy in phun đang là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của thành phố, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 435 triệu USD, tăng 65,4% so cùng kỳ. Năm nay, các mặt hàng giầy dép và sản phẩm từ da do bị áp thuế chống bán phá giá của EU, nên sản lượng sản xuất và kim ngạch xuất khẩu đều không tăng. Đồ thủ công mỹ nghệ, hàng nông sản xuất khẩu cũng gặp khó khăn về chi phí đầu vào và nguồn hàng so với các địa phương khác, nên kim ngạch tăng chậm, có mặt hàng giảm so với cùng kỳ. Xuất khẩu hàng điện tử và sản phẩm dệt, may gia công mặc dù đạt tốc độ tăng khá hơn, song do đơn đặt hàng ít, thị trường bó hẹp, chí phí mặt bằng và nhân công cao, nên có xu hướng chững lại và chuyển dần sang các tỉnh lân cận.

9 tháng đầu năm, trị giá hàng nhập khẩu ước tính đạt 9194 triệu USD, tăng 17,0% so cùng kỳ năm trước. Mặt hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng 9 tháng nhập khẩu ước đạt 2572 triệu USD, tăng 11,9% so cùng kỳ.

* Du lịch:Bắt đầu từ tháng Chín là mùa cao điểm khách du lịch quốc tế vào Hà Nội. Ước tính trong tháng có khoảng 85-90 nghìn khách quốc tế, tăng 10% so tháng trước. Lượng khách nội địa cũng tăng khoảng 5% so tháng trước. Vào dịp 2-9, tại một số điểm di tích và văn hoá lượng khách tham quan đông gấp hàng chục lần ngày thường.

Ước tính khách quốc tế đến Hà nội 9 tháng đầu năm là 880 nghìn lượt, tăng 8-10% so cùng kỳ, khách nội địa đạt 3320 nghìn lượt, tăng 13-14%. Công suất buồng phòng của các khách sạn lớn đạt từ 80-90%. Đồng thời, do giá dịch vụ tour du lịch tăng so với trước, nên doanh thu du lịch xã hội ước 9 tháng tăng 18-20% so cùng kỳ.

Du lịch Hà Nội trong 3 năm qua luôn đạt được tốc độ tăng nhanh cả về lượng khách lẫn doanh thu do cơ sở vật chất được đầu tư quy mô lớn, hạ tầng về giao thông tốt, môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, đồng thời có nhiều sự kiện văn hoá, chính trị lớn, mang tầm vóc quốc tế được tổ chức. Tuy nhiên, hạn chế đối với ngành du lịch trong năm 2006 và các năm sau là không có nhiều điểm tham quan du lịch đặc sắc, điểm vui chơi, giải trí được đầu tư quy mô, đồng thời số lượng khách sạn cao cấp còn ít, tình trạng quá tải về buồng phòng thường xuyên xảy ra. Mặc dù là nơi chiếm tới 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam, song Hà Nội vẫn chỉ được coi là điểm trung chuyển khách du lịch là chính, việc khai thác nguồn lợi do du lịch đem lại chưa đạt kết quả cao.

* Vận tải, bưu chính viễn thông:Ước tính trong tháng Chín sản lượng hàng hoá vận chuyển đạt 2,9 triệu tấn, tăng 0,5% so tháng trước (762,8 triệu tấn.Km, tăng 0,7%), sản lượng hành khách vận chuyển đạt 33,4 triệu lượt khách, tăng 0,8% (385,1 triệu HK.Km, tăng 1,0%). Trong dịp lễ 2-9 năm nay, Hà Nội đã tăng thêm 70 chuyến xe buýt mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu của khách đi du lịch, thăm viếng. Đồng thời do đã bước vào năm học mới, lượng học sinh, sinh viên sử dụng các phương tiện vận tải công cộng cũng tăng đột biến so tháng trước.

Dự kiến 9 tháng đầu năm, sản lượng hàng hoá vận chuyển đạt 25,3 triệu tấn, tăng 8,8% so cùng kỳ (6682,2 triệu tấn.Km, tăng 16,0%), hành khách vận chuyển đạt 303,4 triệu lượt, tăng 8,0% (3625,2 triệu HK.Km, tăng 14,4%). Doanh thu vận tải tăng cao so cùng kỳ (18,0%), chủ yếu do việc tăng cự ly vận chuyển và điều chỉnh giá cước vận tải để bù đắp chi phí do tăng giá xăng, dầu từ đầu năm. Vận tải hành khách bằng xe buýt đạt sản lượng 230 triệu lượt hành khách, chiếm 75,9% khối lượng hành khách vận chuyển. Hà Nội hiện có 48 tuyến xe buýt nội tỉnh với tổng chiều dài tuyến 1000km, sử dụng trên 500 đầu xe và 6 tuyến xe buýt kế cận tới các tỉnh xung quanh.

Doanh thu, bưu chính viễn thông tháng Chín đạt 408,5 tỷ đồng, tăng 1,1% tháng trước, trong đó doanh thu bưu chính đạt 80,5 tỷ đồng, tăng 1,8%, doanh thu viễn thông đạt 328,0 tỷ đồng, tăng 0,9%.

Dự kiến 9 tháng đầu năm 2006, doanh thu bưu chính viễn thông đạt 3634,4 tỷ đồng, tăng 7,2%, trong đó doanh thu bưu chính đạt 545,3 tỷ đồng, tăng 8,8%, doanh thu viễn thông đạt 3089 tỷ đồng, tăng 6,9%. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp ngành viễn thông tiếp tục tiến hành nhiều đợt giảm giá và khuyến mại lớn, song số thuê bao đã đạt mức bão hoà. 9 tháng phát triển được 182,1 nghìn thuê bao điện thoại mới, giảm 2,2% so cùng kỳ, trong đó có 57,2 nghìn thuê bao điện thoại cố định, tăng 1,3%. Do chất lượng được cải thiện, giá dịch vụ thấp, phù hợp với thu nhập của hộ gia đình, nên trong 9 tháng đã phát triển được 17,7 nghìn thuê bao internet, bằng 4,3 lần so cùng kỳ.

5. Sản xuất nông nghiệp

* Sản xuất vụ mùa 2006:So với các năm trước, vụ mùa năm nay tương đối thuận lợi về thời tiết. Nạn sâu bệnh, chuột phá, úng lụt tuy xảy ra ở hầu hết các huyện, nhưng mức độ thiệt hại không lớn. Đáng chú ý nhất là vào cuối tháng Tám, các trận mưa lớn đã gây úng ngập làm mất trắng khoảng 169ha lúa, 73 ha hoa và 27 ha rau của huyện Từ Liêm, đồng thời ốc bươu vàng phát triển trên một số diện tích ở quận Long Biên, Huyện Đông Anh và Gia Lâm. Ước tính ban đầu, sản lượng lúa vụ mùa năm 2006 có thể đạt 91,2 nghìn tấn, năng suất đạt xấp xỉ 39 tạ/ha, sản lượng rau các loại đạt 48,9 nghìn tấn, năng suất đạt 203 tạ/ha, ngô đạt 1787 tấn, năng suất 30,5 tạ/ha, đậu tương đạt 1015 tấn, năng suất đạt 14 tạ/ha. Diện tích các loại cây trồng chủ yếu tiếp tục giảm, trong đó nhiều nhất là cây lúa (giảm 729 ha, giảm 3,1% so vụ mùa 2005).

6. Tài chính- tín dụng

* Tài chính: Tổng thu ngân sách trên địa bàn 9 tháng đầu năm ước đạt 24055 tỷ đồng, bằng 69,1% dự toán năm và tăng 10,4% so cùng kỳ. Trong đó thu hải quan đạt 2450 tỷ đồng, đạt 60,6%, dự toán và giảm 15,0% so năm trước do thuế suất nhập khẩu nhiều mặt hàng giảm. Thu nội địa đạt 21605 tỷ đồng, đạt 70,3% dự toán và tăng 14,3% so cùng kỳ. Các khoản thu nội địa tăng khá là thu thuế công thương (đạt 87,0% dự toán và tăng 44,9% so cùng kỳ), thu lệ phí trước bạ (đạt 63,8% dự toán năm và tăng 27,1% so cùng kỳ). Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thấp so với dự toán năm và so cùng kỳ, do sản xuất và tiêu thụ của các đơn vị lắp ráp ô tô 9 tháng đầu năm giảm mạnh.

Tổng chi ngân sách địa phương là 5590 tỷ đồng, bằng 45,1% dự toán năm và tăng 22,0% so cùng kỳ. Chi thường xuyên đạt 2250 tỷ đồng, bằng 73,3% dự toán năm và tăng 15,4% so cùng kỳ (bao gồm cả điều chỉnh tiền lương khối hành chính sự nghiệp năm 2006), riêng chi xây dựng cơ bản đạt thấp so dự toán (34,5% dự toán năm), nhưng tăng cao so cùng kỳ (39,7%) do nhiệm vụ xây dựng cơ bản vốn ngân sách địa phương năm nay khá nặng nề. Từ nay đến cuối năm, thành phố dự kiến sẽ phát hành 1000 tỷ đồng công trái Thủ đô, đồng thời đẩy mạnh công tác đấu thầu quyền sử dụng đất, đảm bảo thu ngân sách hoàn thành kế hoạch và đáp ứng nhiệm vụ chi xây dựng cơ bản.

* Tín dụng: Tổng nguồn vốn huy động đến tháng Chín năm 2006 tăng 25,5% so tháng 12/2005, tổng dư nợ cho vay tăng 22,6%. Vào thời điểm quý III, IV, do nhu cầu ngoại tệ tăng cao, các ngân hàng thương mại đang tích cực huy động vốn ngoại tệ. Tổng dư nợ cho vay ngoại tệ tăng 26,5% so cuối năm trước. Tốc độ tăng vốn huy động và cho vay hiện đang tăng mạnh, vì vậy khả năng các ngân hàng thương mại sẽ đạt tốc độ tăng lợi nhuận lớn so với cùng kỳ.

7. Một số vấn đề xã hội

* Giáo dục đầu năm học:Năm học 2006-2007 giáo dục mầm non có quy mô phát triển cao hơn: số trẻ đi học nhà trẻ là 26,2 nghìn cháu (trong đó 6,5 nghìn cháu vào nhà trẻ công lập), đạt 18% trẻ trong độ tuổi, tăng 40,8% so năm trước; trẻ đi học mẫu giáo là 110,6 nghìn cháu (33,2 nghìn cháu vào trường công lập), đạt 88% trẻ trong độ tuổi và tăng 17,1% so năm học trước.

Khai giảng năm học 2006-2007, Hà Nội có 279 trường tiểu học (254 trường công lập, 25 trường bán công và dân lập), tăng 4 trường so với năm học trước. Đã huy động được 39,7 nghìn trẻ trong độ tuổi vào lớp 1, tăng 3,5% và đạt 99,9% số trẻ trong độ tuổi.

Năm học này, Hà Nội cũng có 281 trường THCS với 181,3 nghìn học sinh, tăng 0,6% so năm trước; trong đó tuyển sinh vào lớp 6 là 46, 4 nghìn học sinh. Ở bậc PTTH có 99 trường (43 trường công lập và 56 trường ngoài công lập), với 110,6 nghìn học sinh, tăng 2,3% so năm trước, trong đó tuyển vào lớp 10 là 44,0 nghìn học sinh. Với trọng tâm là năm “thầy cô giỏi, kỷ cương nghiêm, chất lượng thật”, ngành giáo dục Thủ đô đã chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, sách giáo khoa, tài liệu chuyên môn phục vụ giảng dạy và học tập. 100% giáo viên dạy lớp 5 đã được bồi dưỡng về chương trình và sách giáo khoa mới; 100% giáo viên dạy lớp 10 và cán bộ quản lý các trường đã được bồi dưỡng về chương trình phân ban lớp 10 đại trà.

* Y tế:Tình trạng lây nhiễm HIV vẫn tiếp tục ở mức cao. 8 tháng đầu năm có thêm 1245 người nhiễm HIV và 477 bệnh nhân AIDS được phát hiện. Đã có 186 ca tử vong do HIV /AIDS. Như vậy, cộng dồn đến 31/8/2006, tổng số người nhiễm HIV trên địa bàn Hà Nội là 11018 người, bệnh nhân AIDS là 2881 người, và đã có 1458 trường hợp tử vong do HIV /AIDS.

* Trật tự, an toàn xã hội: Tám tháng đầu năm 2006, trên địa bàn đã xảy ra 4632 vụ phạm pháp hình sự, tăng 9,0% so cùng kỳ, với 3606 đối tượng bị bắt giữ, tăng 6,9%. Số vụ phạm pháp hình sự tăng cao, với mức độ nghiêm trọng hơn và liên quan đến nhiều nhóm, độ tuổi khác nhau, đòi hỏi các ngành, các cấp phải có sự quan tâm, theo dõi sát sao và ngăn chặn kịp thời. Đồng thời số vụ vi phạm kinh tế cũng tăng cao so với năm trước, với tổng số 393 vụ, liên can tới 487 đối tượng, tăng 14,2% về số vụ và 14,3% về số đối tượng. Số vụ buôn bán, tàng trữ vận chuyển ma tuý là 1321 vụ, với 1721 đối tượng, giảm 1,5% so với cùng kỳ về số vụ và 1,2% về số đối tượng. Tuy có giảm so với năm trước, song số lượng vụ án và đối tượng bị bắt giữ vẫn còn ở mức khá cao, cho thấy công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý tội phạm ma tuý trên địa bàn Hà Nội tiếp tục cần có những cố gắng nhiều hơn nữa.

Tai nạn giao thông từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn gây thiệt hại nghiệm trọng. Trong 8 tháng, trên địa bàn đã xảy ra 593 vụ tai nạn giao thông, giảm 12,7% so cùng kỳ, làm chết 280 người (tăng 3%) và làm bị thương 457 người (giảm 17%). Như vậy trung bình cứ mỗi tuần xảy ra 18 vụ tai nạn giao thông, làm chết 9 người và bị thường 14 người.

8 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 106 vụ cháy nổ, gây thiệt hại 4, 3 tỷ đồng và làm chết 7 người, bị thương 28 người.

8. Đánh giá sơ bộ về tình hình kinh tế xã hội cả năm 2006

Với dự kiến tỷ suất sinh năm 2006 là 15,9%0, nhập cư thuần đạt 35,3 nghìn người, năm nay Hà Nội sẽ có dân số trung bình là 3272,4 nghìn người, tăng 2,8% so với năm 2005.

Dự kiến trong 3 tháng còn lại của năm 2006, tình hình kinh tế xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực trước những thông tin và dự báo thuận lợi về môi trường kinh doanh được cải thiện, khả năng Việt Nam gia nhập WTO trong tháng 10 và được hưởng Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn của Hoa Kỳ. Hà Nội là thành phố đăng cai hội nghị thượng đỉnh APEC 2006 với nhiều hoạt động chính trị, kinh tế, đầu tư và thương mại được tổ chức. Đây là cơ hội quảng bá, thu hút vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp, xúc tiến thương mại và du lịch đối với Hà Nội.

Với những đánh giá trên, dự kiến tốc độ tăng GDP trong quý IV có khả năng cao hơn mức tăng 9 tháng đầu năm và cả năm Hà Nội sẽ đạt mức tăng 11,57% so năm 2005, trong đó ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 1,06%, ngành công nghiệp, xây dựng tăng 14,22%, các ngành dịch vụ tăng 10,29%.

Sản xuất công nghiệp vẫn có những yếu tố thiếu ổn định, tuy nhiên nếu vẫn duy trì được khả năng tiêu thụ sản phẩm trong nước và mở rộng được thị trường xuất khẩu như thời gian qua, thì dự kiến giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng 18,4%. Trong đó công nghiệp nhà nước tăng 3,6%, ngoài nhà nước tăng 29,9% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 28,8%.

Do các ngành sản xuất tiếp tục phát triển, đồng thời mức tiêu dùng của người dân có thể tăng mạnh vào cuối năm, sau đợt điều chỉnh mức lương tối thiểu, dự kiến tổng mức bán ra cả năm 2006 tăng 21,4% so với năm trước, trong đó, tổng mức bán lẻ tăng 22,2%. Thị trường trong nước tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn hơn từ những biến động của thị trường quốc tế. Dự kiến mức tăng giá bình quân năm 2006 là 8,87%, (năm 2005 là 7,5%), tốc độ trượt giá 1 tháng trong năm là 0,62%/tháng.

Dự kiến cả năm 2006, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt trên 3,5 tỷ USD, tăng 23,5%, trong đó xuất khẩu địa phương đạt gần 1,9 tỷ USD, tăng 32,2%. Các ngành hàng kim ngạch xuất khẩu có khả năng tăng mạnh là máy in phun, chi tiết, phụ tùng máy móc thiết bị và hàng tiêu dùng khác.

Năm nay, Hà Nội có thể thu hút được 5,78 triệu lượt khách du lịch, tăng 15,1% so với năm 2005, trong đó có 1,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 14,3%. Trong các tháng 10,11, lượng khách quốc tế đến Hà Nội có khả năng tăng đột biến do sự kiện Hội nghị thượng đỉnh APEC 2006.

Từ nay đến cuối năm, nếu không có diễn biến đột xuất về thời tiết và dịch bệnh, giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thuỷ sản tăng 1,52% so năm 2005, trong đó, giá trị sản xuất trồng trọt tăng 0,24%, ngành chăn nuôi tăng 2,78% và thuỷ sản tăng 4,93%.

Hà Nội đang tăng cường công tác quản lý thu chi ngân sách, tích cực chuẩn bị cho đợt phát hành 1000 tỷ đồng trái phiếu xây dựng Thủ đô vào cuối năm. Hoạt động tín dụng ngân hàng năm 2006 khá thuận lợi, với dự kiến cả huy động vốn và dư nợ cho vay có thể tăng 30% so với cuối năm 2005. Với khả năng huy động và cân đối ngân sách phục vụ đầu tư phát triển của nhà nước cũng như của các thành phần kinh tế, dự kiến tổng vốn đầu tư phát triển năm 2006 đạt 37500 tỷ đồng, tăng 14,2% so năm 2005.



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật