Tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố Hà Nội tháng 12 năm 2014 (08:05 25/12/2014)


HNP - Năm 2014, kinh tế xã hội Hà Nội gặp nhiều khó khăn: diễn biến phức tạp trên biển Đông kéo dài gần hai tháng đã ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thành phố, doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thị trường bất động sản chưa phục hồi, nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế… Tuy nhiên, với sự quyết tâm và nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành kinh tế Hà Nội năm 2014 duy trì tăng trưởng so của cùng kỳ năm trước: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,8%; vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng 12,1%; tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 12,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 11,7%...


Trong tháng 12, Báo cáo thống kê tập trung vào 7 lĩnh vực chủ yếu: tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố, sản xuất công nghiệp, vốn đầu tư, thương mại dịch vụ, sản xuất nông nghiệp, tín dụng ngân hàng, thị trường chứng khoán và các vấn đề xã hội.

Một là về tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) ước tính năm 2014 tăng 8,8% so cùng kỳ năm trước thể hiện ở giá trị tăng thêm của các ngành nông lâm nghiệp thủy sản, công nghiệp và dịch vụ.

Giá trị tăng thêm ngành nông lâm nghiệp thuỷ sản tăng 2% (đóng góp 0,1% vào mức tăng chung của GRDP). Tình hình sản xuất cây hàng năm trên địa bàn năm nay tương đối thuận lợi. Thành phố tiến hành sản xuất, gieo trồng theo đúng khung thời vụ, đưa một số giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Năm 2014 thời tiết tương đối thuận lợi; mưa, bão lớn ít xảy ra hơn các năm trước thích hợp cho cây trồng phát triển. Mặc dù diện tích gieo trồng giảm nhưng năng suất một số cây trồng chính tăng nên sản xuất cây hàng năm trên địa bàn Thành phố đã thu được kết quả tương đối cao so với kế hoạch và so với năm trước. Tình hình chăn nuôi trên địa bàn Thành phố ổn định, đàn gia súc, gia cầm phát triển tốt. Nhờ việc thường xuyên tổ chức tiêm phòng, nên không có dịch bệnh lớn trên đàn gia súc gia cầm, các bệnh truyền nhiễm thông thường cũng ít xảy ra. Các tháng đầu năm, giá bán sản phẩm đầu ra không có lợi cho người chăn nuôi, nhưng các tháng cuối năm giá bán ra đã tăng trở lại và ổn định hơn, có lợi cho người nông dân nên sản lượng gia súc, gia cầm và các sản phẩm không qua giết mổ tăng so với năm trước.

Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp, xây dựng tăng 8,5% (đóng góp 3,6% vào mức tăng chung). Từ đầu năm, các doanh nghiệp sản xuất doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng, nỗ lực tiết giảm chi phí để giữ và hạ giá thành sản phẩm, chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm... Tuy nhiên, sức tiêu thụ sản phẩm vẫn còn chậm, lượng hàng tồn kho vẫn còn ở mức cao, nên vẫn còn dư đọng vốn, thiếu vốn để duy trì sản xuất. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được Thành phố triển khai thường xuyên. Các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản được triển khai như: chuyển đổi mục đích từ nhà thương mại sang nhà xã hội, điều chỉnh cơ cấu căn hộ nhà ở thương mại... Trong xây dựng, mặc dù còn nhiều khó khăn, song các nhà thầu đang tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm đảm bảo tiến độ.

Giá trị tăng thêm ngành dịch vụ tăng 9,6%, đóng góp 5,1% vào mức tăng chung. Sức mua trong dân chưa cao, do thu nhập chưa mấy được cải thiện nên người dân cắt giảm chi tiêu kể cả đối với những mặt hàng thiết yếu. Thành phố đã chỉ đạo thực hiện các biện pháp tăng cầu tiêu dùng như: tháng khuyến mại, các chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, đưa hàng về nông thôn và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, liên kết với các tỉnh, thành phố để tiêu thụ hàng hóa; tổ chức và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ trong và ngoài nước... Xuất khẩu năm 2014 tăng khá so với năm trước là 11,7%. Tổng nguồn vốn huy động và dư nợ của các tổ chức tín dụng tăng khá so cùng kỳ năm trước. Khối lượng vận chuyển và luân chuyển hàng hoá và hành khách của các doanh nghiệp vận tải Hà Nội tăng đáng kể. Vì vậy, ngành tài chính tín dụng và vận tải giữ được tốc độ phát triển khá. Các ngành khối hành chính sự nghiệp như quản lý nhà nước, giáo dục, văn hoá, y tế… vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng.

Hai là về sản xuất công nghiệp tập trung vào 2 vấn đề nổi cộm là sản xuất kinh doanh và biến động lao động trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.

Về sản xuất kinh doanh thể hiện ở 3 chỉ số cơ bản là sản xuất công nghiệp; chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và  chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 12  năm 2014 (tính theo kỳ gốc năm 2010) tăng 5,2% so với tháng 11 và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 7,4% và giảm 24,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,3% và 9,1%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 0,9% và tăng 11,7%; cung cấp nước, xử lý nước thải và thu gom rác tăng 2,6% và 2,4%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp cộng dồn cả năm 2014 tăng 4,6% so cùng kỳ, trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 152,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,1%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 4,1%; cung cấp nước, xử lý nước thải và thu gom rác tăng 1,9%. Bên cạnh một số ngành sản xuất công nghiệp có tốc độ tăng cao so với tốc độ tăng chung của toàn ngành như: công nghiệp dệt tăng 5,4%, sản xuất trang phục tăng 24%, chế biến gỗ tăng 43,6%, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 50,9%, sản xuất xe có động cơ tăng 30%, sản xuất giường tủ bàn ghế tăng 44,4%... thì một số ngành, chỉ số sản xuất giảm so cùng kỳ như: chế biến thực phẩm giảm 4,4%, sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 3,4%, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 4,2%, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 7,2%, sản xuất kim loại giảm 16%, sản xuất thiết bị điện giảm 5,1%...

Tháng 12, nhiều sản phẩm công nghiệp có lượng sản xuất tăng so với tháng 11, cụ thể: bánh các loại tăng 9,4%, bia đóng chai tăng 13,2%, khăn các loại tăng 5%, các loại chăn màn tăng 16,4%, áo dệt kim tăng 10,8%, áo sơ mi tăng 1%, gỗ ốp lát công nghiệp tăng 11,7%, sổ sách, vở, giấy thếp tăng 11,8%, ống nước nhựa tăng 9,8%...

Cộng dồn cả năm 2014, một số sản phẩm có tốc độ tăng so với năm trước là: bánh các loại tăng 15,2%, bia đóng chai tăng 2,4%, khăn các loại tăng 13,8%, các loại chăn màn tăng 30,3%, áo dệt kim tăng 26,2%, áo sơ mi tăng 12,9%, quần áo thể thao tăng 43,7%, ống nước nhựa tăng 31,7%, sứ vệ sinh tăng 17,9%, phụ tùng xe có động cơ tăng 54,2%...

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cộng dồn 11 tháng năm 2014 tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số tiêu thụ của một số ngành tăng khá cao như: dệt tăng 13,5%; sản phẩm từ kim loại tăng 5,2%, điện tử và máy tính tăng 4%, thiết bị điện tăng 10%, máy móc thiết bị tăng 5,1%, xe có động cơ tăng 32,5%... Tuy nhiên, một số ngành có chỉ số tiêu thụ sản phẩm 11 tháng giảm so cùng kỳ như: chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ mây tre đan (giảm 4,6%), sản xuất thuốc, hóa dược (giảm 4,1%), sản xuất kim loại (giảm 27%), sản xuất phương tiện vận tải khác (giảm 6,2%)...

Chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/12/2014 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,8% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng thời điểm năm trước. Nguyên nhân của việc tồn này là do vào dịp cuối năm, các doanh nghiệp sản xuất tích lũy hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán. Những ngành có chỉ số tồn kho tăng so cùng kỳ là: sản xuất chế biến thực phẩm (tăng 110,5%), dệt (tăng 256,1%), chế biến gỗ (tăng 88,6%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (tăng 155,9%), sản xuất sản phẩm điện tử (tăng 16%), sản xuất phương tiện vận tải khác (tăng 12%)... và một số ngành chỉ số tồn kho giảm so với cùng thời điểm năm trước là: sản xuất đồ uống (giảm 15,4%), sản xuất trang phục (giảm 0,8%), sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (giảm 29,9%), sản xuất thiết bị điện (giảm 3,1%)...

Về tình hình biến động lao động tại thời điểm cuối năm trong các doanh nghiệp là không đáng kể. Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp dự tính tại thời điểm 1/12/2014 tăng 2,3% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó: khu vực kinh tế nhà nước có chỉ số sử dụng lao động tăng 7,1%, khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 2,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 0,2%.

Bên cạnh một số ngành có chỉ số sử dụng lao động tăng cao so với cùng kỳ là: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 25,5%, sản xuất thuốc lá tăng 22,2%, sản xuất trang phục tăng 15%, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 4,8%, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 3,2%, sản xuất xe có động cơ tăng 19%, sản xuất giường tủ bàn ghế tăng 23,1%...thì một số ngành có chỉ số sử dụng lao động giảm so với cùng kỳ là: sản xuất đồ uống (giảm 6%), dệt (giảm 1,5%), chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ (giảm 2,3%), sản xuất kim loại (giảm 2,9%), sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (giảm 4,2%)...

Ba là về vốn đầu tư, Báo cáo thống kê trên 3 mảng gồm vốn đầu tư xã hội, cụ thể là một số dự án đang triển khai; đăng ký thành lập doanh nghiệp và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Về vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố Hà Nội  hay còn gọi là vốn đầu tư xã hội ước tính năm 2014 đạt 313.214 tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm trước. Trong đó, vốn nhà nước trên địa bàn tăng 3,9%; vốn ngoài nhà nước tăng 14,9%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 18,4%.

Năm 2014, tình hình đầu tư phát triển trên địa bàn Hà Nội có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước song tốc độ tăng không đồng đều giữa các khu vực cũng như giữa các nguồn trong từng khu vực. Khu vực đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước có tốc độ tăng chậm lại so với các năm trước. Việc phân bổ kế hoạch đã tập trung cho nhóm các dự án trọng điểm, không để tình trạng thiếu vốn cho các dự án này. Các chủ đầu tư, ban quản lý, đơn vị thi công các công trình trọng điểm của thành phố đều thực hiện đúng tiến độ yêu cầu, đều có nhu cầu bổ sung thêm vốn trong năm 2014 phục vụ giải phóng mặt bằng và thực hiện thi công. Công tác giải ngân kế hoạch vốn năm 2014 kịp thời, bám sát tiến độ thi công.

Cũng trong năm 2014, thành phố Hà Nội đã phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô với khối lượng 3000 tỷ đồng phân bổ cho các dự án, công trình trọng điểm, cụ thể tập trung bố trí vốn cho 11 dự án chuyển tiếp hoàn thành trong năm 2014, 2015 và 3 dự án ODA đang triển khai thực hiện cần phải đối ứng vốn để đảm bảo tiến độ.

Nguồn vốn đầu tư xã hội này hiện đang tập trung vào 4 dự án đang triển khai.

Dự án thứ nhất là dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội hiện đã hoàn thành 5 gói thầu còn 08 gói thầu đang triển khai thi công, như: gói thầu số 3: Cải tạo kênh mương thoát nước lưu vực sông Tô Lịch, Hoàng Liệt, Lừ, Sét, đã thực hiện công tác thi công cống, kè được khoảng 63% khối lượng toàn bộ gói thầu; Gói thầu số 4: Cải tạo kênh mương thoát nước thuộc lưu vực sông Kim Ngưu, các tuyến đã hoàn thành thi công: 02 tuyến; các tuyến đang thi công: 10 tuyến; Gói thầu số 5.1: Thay thế cầu qua sông Tô Lịch, Lừ, Sét và đường công vụ dọc sông Lừ, Sét, phần đường đã thi công trên 7600m, phần cầu: 9 cầu cần được cải tạo mở rộng đảm bảo thoát nước, đã thi công xong 6/9 cầu…

Dự án thứ hai là xây dựng đường 5 kéo dài. Dự án này nằm trên địa bàn quận Long Biên và huyện Đông Anh với tổng chiều dài toàn tuyến hơn 11,8km trải dài trên 3 phường của quận Long Biên và 05 xã của huyện Đông anh gồm 02 hạng mục chính là xây dựng cầu Đông Trù và xây dựng 10,5km đường bê tông nhựa. Dự án đã cơ bản hoàn thành và được tổ chức thông xe kỹ thuật nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô 10/10/2014. Hiện nay, Ban quản lý dự án đang khẩn trương chỉ đạo các nhà thầu thi công hoàn thiện các hạng mục còn lại của dự án, dự kiến sẽ hoàn thành và bàn giao dự án đưa vào khai thác sử dụng vào cuối năm 2014.

Dự án thứ ba là đường vành đai 1 (đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái) hiện đã hoàn thành công tác phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công điều chỉnh các gói thầu xây lắp theo hướng phù hợp và đồng bộ, khớp nối về hạ tầng kỹ thuật với đồ án quy hoạch tuyến phố hai bên đường. Sau khi giải phóng mặt bằng từng phần, sẽ triển khai thi công các gói thầu xây lắp theo hình thức thi công cuốn chiếu, có mặt bằng đến đâu thi công đến đó, dự kiến hoàn thành vào quý II năm 2015.

Dự án thứ tư là trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại Khu Nghiên cứu và Triển khai (R&D), Khu công nghệ cao Hoà Lạc - Thạch Thất do Sở Khoa học và công nghệ Hà Nội làm chủ đầu tư, dự án đang triển khai theo kế hoạch vốn năm 2014 được giao là 179 tỷ đồng. Phần xây lắp cơ bản hoàn thành trước 31/12/2014, phần thiết bị công nghệ đang thực hiện và chuyển giao công nghệ hoàn thành bàn giao năm 2015.

Về việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, 10 tháng đầu năm 2014, có 14.460 doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, tăng 1,47% so với năm trước. Tổng số doanh nghiệp ngừng hoạt động là 10.268, tăng 1,88% so cùng kỳ (trong đó giải thể 646 doanh nghiệp, bỏ kinh doanh 6.911 doanh nghiệp, tạm ngừng kinh doanh 2.711 doanh nghiệp).

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài ước tính năm 2014 có 385 dự án được cấp phép mới và bổ sung vốn, với số vốn đầu tư là 1130 triệu USD. Trong đó, cấp phép mới 295 dự án, 320 triệu USD; tăng vốn 90 dự án, 810 triệu USD.

Bốn là về thương mại dịch vụ, trong tháng 12 thương mại dịch vụ tập trung ở 5 vấn đề là nội thương, ngoại thương, du lịch, vận tải và giá cả thị trường.

Về nội thương, tổng mức và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng Mười hai tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 15,9% so với cùng kỳ, trong đó tổng mức bán lẻ tăng 1,6% và 17,9%.

Ước tính cả năm 2014, tổng mức và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 12,5% so với cùng kỳ, trong đó, bán lẻ tăng 12,2% (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,1%). Năm 2014, kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn so với dự báo; Trong nước, kinh tế cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế có bước phục hồi nhưng môi trường kinh doanh và năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn, thị trường và sức mua phục hồi chậm đã ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ. Thành phố đã liên tục triển khai các biện pháp nhằm hạn chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tác động bước đầu ổn định thị trường hàng hoá, thực hiện các biện pháp nhằm kích thích tiêu dùng như: Thực hiện 7 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chương trình bình ổn giá, chương trình khuyến mại đa dạng của các doanh nghiệp, đẩy mạnh chương trình liên kết kinh tế và cung cầu hàng hóa dịch vụ giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố khác, tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu...

Về ngoại thương, tháng 12  kim ngạch xuất khẩu trên địa bàntăng 5,8% so tháng11 và tăng 10,5% so cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu địa phương tăng 3,8% và 14,9%. Hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu tháng 12 đều tăng và đạt tốc độ tăng khá so tháng trước, chỉ có nhóm hàng linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi giảm (giảm 0,4%). Một số nhóm hàng tăng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu như: hàng nông sản (tăng 6,7%), hàng may dệt (tăng 6,5%), xăng dầu (tăng 16%)...

Cũng trong tháng này, kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tăng 13,7% so tháng trước và giảm 4,3% so cùng kỳ, trong đó, nhập khẩu địa phương tăng 12,5% và giảm 2,4%. Tất cả các nhóm, mặt hàng chủ yếu tháng này đều tăng so tháng trước, trong đó: máy móc thiết bị phụ tùng (tăng 6,3%), sắt thép (tăng 6,5%), xăng dầu (tăng 11,9%)..

Ước tính năm 2014, kim ngạch xuất khẩu tăng 11,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 10,4%. Hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu đều tăng so cùng kỳ, có 2 nhóm hàng giảm là nhóm hàng linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi (giảm 12,6%), dây điện và dây cáp điện (giảm 5,9%); Một số nhóm hàng có tốc độ tăng so cùng kỳ như: hàng nông sản (tăng 17%), hàng may dệt (tăng 20,7%), giầy dép các loại và sản phẩm từ da (tăng 36,5%), hàng điện tử (tăng 56,6%) ... Một số thị trường xuất khẩu lớn của Hà Nội hiện nay là: Mỹ (chiếm 13,2% tổng kim ngạch), Nhật Bản (chiếm 12,8%) tiếp đến là Trung Quốc (chiếm 12,4%) …

Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu ước tăng 4,3% so cùng kỳ, trong đó, nhập khẩu địa phương tăng 5,1%. Trong tổng kim ngạch nhập khẩu, kinh tế nhà nước chiếm 62,1% và tăng 3,5% so cùng kỳ; Kinh tế ngoài nhà nước chiếm 16,8% và tăng 3,1%; Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 21,1% và tăng 7,6%. Một số thị trường nhập khẩu lớn của Hà Nội hiện nay là Trung Quốc chiếm 31,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, Nhật Bản chiếm 9,4%, Hàn Quốc chiếm 8,3%...

Về du lịch, tháng 12/2014,  khách Quốc tế đến lưu trú tại Hà Nội đạt 174,8 nghìn lượt khách, giảm 1,8% so tháng trước và giảm 8,2% so cùng kỳ năm trước; khách nội địa đến Hà Nội là 724,5 nghìn lượt khách, giảm 1,1% và giảm 5,2%; Doanh thu khách sạn lữ hành tăng 2% so tháng trước và tăng 12,8% so cùng kỳ.

Dự kiến cả năm 2014, khách Quốc tế đến Hà Nội đạt trên 2.007 nghìn lượt khách, tăng 9,4% so cùng kỳ; trong đó, khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng 1.603,7 nghìn lượt, tăng 8,6% so cùng kỳ, khách đến vì công việc 342,2 nghìn lượt, tăng 15,1%. Trong năm 2014, khách quốc tế từ một số nước có số lượt khách đến Hà Nội nhiều và tăng cao so cùng kỳ như: khách Mỹ tăng 21,6%, Hàn Quốc tăng 51,3%, Anh tăng 45,9%, Úc tăng 16,8%...

Dự kiến năm 2014, khách nội địa đến Hà Nội đạt 9.250 nghìn lượt khách, giảm 1,2% so cùng kỳ.

Về vận tải, khối lượng hàng hoá vận chuyển tháng 12, tăng 0,4% so tháng trước và tăng 11,5% so cùng kỳ, khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 0,7% và tăng 12,4%, doanh thu tăng 1,3% và 13,1%;  Số lượng hành khách vận chuyển tăng 0,4% và 10%, số lượng hành khách luân chuyển tăng 0,5% và tăng 11,8%, doanh thu tăng 0,4% và 12,4%.

Ước cả năm, khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 10,5% so cùng kỳ, khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 11%, doanh thu tăng 13,7%; Số lượng hành khách vận chuyển tăng 10,9%, số lượng hành khách luân chuyển tăng 9,8%, doanh thu tăng 14,3%.

Về giá cả thị trường, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 giảm 0,23% so với tháng 11. Tháng này có 8/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng, nhóm giáo dục giữ nguyên so tháng trước không tăng và có 2 nhóm hàng giảm là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (giảm 1,38%) và nhóm giao thông (giảm 2,56%)... Nhóm hàng có chỉ số tăng cao nhất là nhóm hàng bưu chính viễn thông (tăng 0,68%), tiếp đến là nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép (tăng 0,54%), hàng hóa và dịch vụ khác (tăng 0,51%), văn hóa giải trí và du lịch (tăng 0,42%)...

Trong tháng 12, chỉ số giá vàng tăng trở lại so cùng kỳ (tăng 0,13%), chỉ số USD tăng nhẹ (tăng 0,43%).

Năm 2014, tình hình giá cả thị trường đã được kiểm soát, so tháng trước, chỉ số giá 2 tháng đầu năm tăng cao nhất (tháng 1 tăng 0,7%, tháng 2 tăng 0,49%), từ tháng Ba đến hết năm giá cả giảm nhiệt, trong đó có 4 tháng chỉ số giảm so với tháng trước (tháng 3 giảm 0,15%, tháng 5 giảm 0,07%, tháng 11 giảm 0,3% và tháng 12 giảm 0,23%). Từ đầu năm đến nay, xăng dầu đã 24 lần điều chỉnh giá, trong đó 5 lần điều chỉnh tăng, 19 lần điều chỉnh giảm khiến nhóm hàng giao thông giảm mạnh, bên cạnh đó giá gas cũng cũng liên tục giảm giá đã làm hàng loạt các mặt hàng và dịch vụ giảm giá theo, như vậy nguyên nhân chính làm chỉ số giá năm 2014 tăng thấp là do ảnh hưởng của giá xăng dầu và giá gas tác động đến nền kinh tế. Dự báo, trong những tháng đầu năm 2015, nhu cầu mua sắm, sử dụng dịch vụ của người dân vào dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng, làm chỉ số giá nhóm hàng thực phẩm, tiêu dùng khả năng sẽ tăng lên.

Năm là về sản xuất nông nghiệp, trong đó cụ thể là trồng trọt có trồng cây lâu năm và cây hàng năm, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản.

Trong trồng trọt, đối với cây hàng năm tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn Thành phố năm 2014  đạt 290.632 ha, giảm 1,8% so với năm 2013. Trong đó: Lúa 202.813 ha, giảm 0,8%; Ngô 20.198 ha, giảm 2,6%; Cây lấy củ có chất bột 6.299 ha, giảm 16%; Mía 50 ha, giảm 23%; Cây có hạt chứa dầu 22.645 ha, giảm 7,9%; Rau, đậu, hoa cây cảnh 35.440 ha, giảm 1,5% (Riêng vụ đông xuân 168.695 ha, giảm 2,2% so với Vụ đông xuân năm 2013. Trong đó: Lúa 101.556 ha, giảm 0,8%; Ngô 15.922 ha, giảm 3,9%; Cây lấy củ có chất bột 3.147 ha, giảm 14,9%; Cây có hạt chứa dầu 20.609 ha, giảm 5,8%; Rau, đậu, hoa cây cảnh 25.676 ha, giảm 2,1%).

Nguyên nhân giảm diện tích gieo trồng cây hàng năm năm 2014 trên địa bàn Thành phố giảm do một số diện tích chuyển đổi từ trồng cây hàng năm sang nuôi trồng thuỷ sản tại một số huyện; chuyển từ đất sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, làng nghề; công tác dồn điền đổi thửa của một số đơn vị chậm, chưa phân định rõ địa giới giữa các hộ nên tạm thời người dân chưa gieo trồng...

Năng suất một số cây trồng chủ yếu năm 2014 cụ thể như sau: Lúa cả năm đạt 57,96 tạ/ha, tăng 2,4% so với năm 2013; Ngô đạt 48,44 tạ/ha, tăng 0,4% so với cùng kỳ; khoai lang đạt 101,29 tạ/ha, tăng 0,2%; sắn đạt 194,4 tạ/ha, tăng 2,3%; dong riềng đạt 210,36 tạ/ha, tăng 8,9%; cây lấy củ có chất bột 180,67 tạ/ha, tăng 6,8%; Đậu tương 14,77ta/ha, giảm 3,6%; Rau các loại 202,43 tạ/ha, tăng 4,5%...

Kết quả đánh giá sơ bộ sản lượng cả năm như sau: Lúa đạt trên 1.175 nghìn tấn, tăng 1,6%; Ngô 97.833 tấn, giảm 2,2%; Khoai lang 34.432 tấn, giảm 14,7%; Đậu tương 27.347 tấn, giảm 9,9%; Lạc 8.478 tấn, giảm 11,9%; Rau các loại 594.288 tấn, tăng 2,1%…

Như vậy, tình hình sản xuất cây hàng năm trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2014 tương đối thuận lợi. Các cấp chính quyền Thành phố quan tâm, chỉ đạo sản xuất, gieo trồng theo đúng kế hoạch khung thời vụ; đưa một số giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, thời tiết các tháng đầu năm có rét đậm, rét hại kéo dài ảnh hưởng tới sản xuất Vụ đông xuân, tuy nhiên, hầu hết các tháng còn lại của năm 2014 thời tiết tương đối thuận lợi; mưa, bão lớn ít sảy ra hơn các năm trước, thích hợp cho cây trồng Vụ mùa phát triển. Mặc dù diện tích gieo trồng giảm nhưng năng suất một số cây trồng chính tăng nên kết quả sản xuất cây hàng năm trên địa bàn Thành phố đã thu được kết quả tương đối cao so với kế hoạch và năm 2013.

Đối với cây lâu năm hiện nay diện tích trên toàn Thành phố có 18.397 ha, tăng 2,6% so với cùng kỳ. Trong đó: Cây ăn quả 14.709 ha, tăng 1,1%.

Do thời tiết đầu năm mưa phùn và rét đầu năm kéo dài đúng lúc một số cây ra hoa đã ảnh hưởng đến năng suất dẫn đến sản lượng giảm, sơ bộ, năng suất, sản lượng năm 2014 một số cây trồng như sau: Chuối 66.163 tấn, tăng 10,4%; Đu đủ 11.828 tấn, tăng 11,8%; Cam 6.463 tấn, tăng 3,1%; bưởi 34.377 tấn, tăng 7,5%; Xoài 3.784 tấn, giảm 8,5%; Dứa 3.574 tấn, giảm 15,5%; Nhãn 21.738 tấn, giảm 4,9%; Vải 12.431 tấn, giảm 15,8%...

Đối với tình hình sản xuất Vụ đông 2014 – 2015 hiện nay đã kết thúc gieo trồng cây Vụ đông, Sơ bộ diện tích gieo trồng cây Vụ đông đạt 50.069 ha, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó: Ngô 10.688 ha, tăng 14,3%; Khoai lang 3.022 ha, tăng 20,1%; Đậu tương 18.139 ha, tăng 10%; Rau các loại 14.679 ha, tăng 6,7%... Hiện cây trồng vụ đông đang sinh trưởng và phát triển tốt, đã phát hiện một số đối tượng sâu bệnh gây hại nhẹ cục bộ trên rau màu nhưng đã được xử lý nên không gây hại nhiều tới các cây.

Về chăn nuôi, năm 2014  tình hình chăn nuôi trên địa bàn Thành phố ổn định, không xẩy ra dịch bệnh lớn trên đàn gia súc, gia cầm.

Cụ thể số lượng và sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm qua kết quả điều tra 1/10/2014 thể hiện trên cả số lượng và sản lượng. Về số lượng: Đàn trâu 24.376 con, tăng 1,9% so cùng kỳ; Đàn bò 140.525 con, tăng 7,3% so cùng kỳ (trong đó, đàn bò sữa 13.332 con, tăng 7,4%); Đàn lợn trên 1.410 nghìn con, tăng 2,2%; Đàn gà 16.712 ngàn con, tăng 3,9%; Đàn vịt 5.301 ngàn con, tăng 7,2%... Về sản lượng xuất chuồng: Thịt trâu hơi 1.459 tấn, tăng 3,5% so cùng kỳ; Thịt bò 9.099 tấn, tăng 0,7%; Thịt lợn 296.977 tấn, giảm 0,7%; Thịt gà 61.298 tấn, tăng 7,1%; thịt vịt 15.704, tăng 9,1%…

Nhìn chung, đàn gia súc, gia cầm trong năm 2014 trên địa bàn Thành phố phát triển tương đối ổn định, nhờ việc thường xuyên tổ chức tiêm phòng, nên không có dịch bệnh lớn trên đàn gia súc gia cầm, các bệnh truyền nhiễm thông thường cũng ít xảy ra.

Về lâm nghiệp, năm 2014 diện tích rừng trồng mới ước đạt 256,6 ha, tăng 2,9% so với cùng kỳ. Trong đó, rừng sản xuất 237 ha, rừng phòng hộ 19,6 ha; Diện tích rừng trồng được chăm sóc 957,2 ha; diện tích được giao khoán bảo vệ 11.059,5 ha. Số cây trồng phân tán 843,8 ngàn cây xanh các loại.

Sản lượng gỗ khai thác cả năm ước đạt 13.269 m3, tăng 3,2% so cùng kỳ; sản lượng củi 51.636 ste, tăng 5,6%; Tre 2.358 nghìn cây, tăng 3,6%; Nứa hàng 124 nghìn cây, giảm 0,8%. Sản lượng gỗ, củi được khai thác chủ yếu ở rừng trồng và cây phân tán đến tuổi khai thác. Hiện nay mô hình trồng măng tre Bát độ trên đất rừng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho một số xã ở hai huyện Quốc Oai và Ba Vì, kỹ thuật trồng tương đối dễ, tốn ít công chăm sóc và ít mắc sâu bệnh, trong năm 2014 đã cho thu hoạch 714 tấn.

Năm 2014, công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng vẫn được các cấp Uỷ đảng, Chính quyền các địa phương trên địa bàn Thành phố thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, tuyên truyền lưu động về bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Tuy nhiên do thời tiết những tháng giữa năm khô hạn đã gây ra 20 vụ cháy rừng tại Sóc Sơn và Quốc Oai, diện tích thiệt hại 25 ha, ước tính giá trị thiệt hại 70 triệu đồng.

Về thủy sản, hiện trên địa bàn Thành phố có 22.441 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản, tăng 21,4% so với cùng kỳ. Số cơ sở nuôi trồng thuỷ sản tăng nhiều ở các huyện Ứng Hoà, Ba Vì, Phúc Thọ, Sơn Tây và cũng là những huyện có sự chuyển đổi mạnh từ đất trồng cây hàng năm chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản.

Về diện tích nuôi trồng thuỷ sản:  Diện tích nuôi thả toàn Thành phố đạt 23.237 ha, tăng 9,9% so với cùng kỳ, diện tích nuôi các loại cá truyền thống như trắm, trôi, mè chép… chiếm 84,4%. Trong năm 2014 nhiểu mô hình nuôi cá chép năng suất cao, nuôi thâm canh cá rô phi, cá lồng theo phương pháp an toàn sinh học đang được nuôi thí điểm với những tín hiệu tích cực, một số địa phương đã triển khai nuôi các loại thuỷ sản khác như: ếch, cá lăng, cá sấu, ốc nhồi… dù diện tích còn nhỏ, chưa được nhân rộng, nhưng cũng góp phần đa dạng hoá các loài vật nuôi, vạch ra hướng đi mới trong ngành sản xuất thuỷ sản của Thủ đô.

Về sản lượng thuỷ sản: Ước tính năm 2014 đạt 83.296 tấn, tăng 8,6% so cùng kỳ. Trong đó, sản lượng cá đạt 82.170 tấn, tăng 8,7%; Tôm 182 tấn, tăng 1,1%; Thuỷ sản khác 945 tấn, tăng 0,7%.

Sáu là về tài chính – tín dụng – thị trường chứng khoán.

Về tài chính, tổng thu ngân sách trên địa bàn dự kiến cả năm đạt 130.100 tỷ đồng, tăng 3,1% so với dự toán năm, trong đó thu nội địa là 112.200 tỷ đồng, tăng 1,8% so với dự toán năm. Tổng chi ngân sách địa phương là 52.509 tỷ đồng, tăng 13% so với dự toán năm, trong đó chi thường xuyên là 30.700 tỷ đồng, chi xây dựng cơ bản là 20.876 tỷ đồng.

Về tín dụng, tổng nguồn vốn huy động đến hết tháng 12 năm 2014 là 1.203,9 nghìn tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm trước, trong đó tiền gửi tiết kiệm tăng 9,5%, phát hành giấy tờ có giá tăng 45,1%. Tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng Mười hai năm 2014 đạt 1.035,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 4,2%, dư nợ trung và dài hạn tăng 21,5%.

Đối với thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 15/12, trên cả hai sàn do Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội quản lý có 533 doanh nghiệp niêm yết (trong đó, trên HNX có 365 doanh nghiệp; trên Upcom có 168 doanh nghiệp), với giá trị niêm yết đạt 116.412 tỷ đồng, tăng 7,9% so với đầu năm (trong đó: trên HNX đạt 93.040 tỷ đồng và trên Upcom đạt 23.372 tỷ đồng, tăng lần lượt là 6,3% và 14,4% so với đầu năm). Giá trị vốn hóa toàn thị trường đạt 174.527 tỷ đồng, tăng 31,6% so với đầu năm (trong đó: trên HNX đạt 138.012 tỷ đồng và trên Upcom đạt 36.515 tỷ đồng, tăng lần lượt là 29,1% và 41,8% so với đầu năm).

Đối với thị trường cổ phiếu niêm yết (HNX), ngày 15/12, HNX chính thức cho ra mắt chỉ số HNX30-TRI (Chỉ số Tổng thu nhập). Với chỉ số này sẽ giúp cho các Nhà đầu tư có thêm công cụ để đánh giá hiệu quả đầu tư đối với các sản phẩm ETF đầu tư trên chỉ số.

Tác động của Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước cùng với việc giá dầu thế giới liên tục giảm trong thời gian vừa qua đã làm cho thị trường chứng khoán trong nước cũng như trên thế giới đồng loạt chứng kiến những phiên giảm điểm mạnh với thanh khoản yếu. Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/12, chỉ số HNX-Index đạt 84,24 điểm, tăng 16,4 điểm tương đương với 24,2% so với đầu năm (chỉ số HNX-30 đạt 166,4 điểm, tăng 39,09 điểm, tương đương với 30,7% so với đầu năm).

Trong 11 phiên giao dịch đầu tháng 12, khối lượng giao dịch đạt 669,4 triệu CP với giá trị chuyển nhượng đạt 9.884,3 tỷ đồng (trong đó: giao dịch khớp lệnh đạt 597,2 triệu CP với giá trị chuyển nhượng đạt 8.888,3 tỷ đồng và giao dịch thỏa thuận đạt 72,2 triệu CP với giá trị chuyển nhượng đạt 996,0 tỷ đồng). Bình quân một phiên giao dịch có 60,9 triệu CP được chuyển nhượng với giá trị bình quân đạt 898,6 tỷ đồng, bằng 90,1% về khối lượng và 92,1% về giá trị so với bình quân chung của tháng trước.

Lũy kế từ đầu năm, khối lượng giao dịch đạt 16.304 triệu CP được chuyển nhượng với giá trị chuyển nhượng đạt 191.261 tỷ đồng, tăng 64,0% về khối lượng và 148,0% về giá trị so với cùng kỳ.

Thị trường giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết (Upcom) kết thúc phiên giao dịch ngày 15/12, chỉ số Upcom-Index đạt 60,21 điểm, tăng 17,75 điểm, tương ứng 41,8% so với đầu năm.

Trong 11 phiên giao dịch đầu tháng 12, khối lượng giao dịch đạt 36,8 triệu CP được chuyển nhượng, với giá trị chuyển nhượng đạt 389,9 tỷ đồng. Bình quân một phiên có 3,3 triệu CP được chuyển nhượng với giá trị chuyển nhượng trung bình đạt 35,4 tỷ đồng, tăng 22,5% về khối lượng và 20,0% về giá trị so với bình quân chung của tháng 11. Lũy kế từ đầu năm, khối lượng giao dịch đạt 522,6 triệu CP được chuyển nhượng với giá trị chuyển nhượng đạt 5.106 tỷ đồng, tăng 441,3% về khối lượng và 736,6% về giá trị so với cùng kỳ.

Về hoạt động cấp mã giao dịch, trong tháng 11, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã cấp 54 mã giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài (trong đó: Cá nhân đạt 32 mã; tổ chức đạt 22 mã), đưa tổng số mã mà VSD đã cấp lên 17.509 mã giao dịch (trong đó: Cá nhân đạt 14.954, chiếm 85,4%; tổ chức đạt 2.555, chiếm 15,6%).

Số tài khoản giao dịch của các nhà đầu tư được cấp mới trong tháng 11 đạt 10.222 tài khoản (trong đó: cá nhân trong nước 10.069; tổ chức trong nước 67; cá nhân nước ngoài 35; tổ chức nước ngoài 51); lũy kế từ đầu năm, số tài khoản giao dịch được cấp mới đạt hơn 114 nghìn tài khoản, đưa tổng số tài khoản giao dịch hiện có của các NĐT lên hơn 1,4 triệu tài khoản.

Bên cạnh các vấn đề kinh tế, trong tháng 12, Báo cáo cũng cho biết thông tin liên quan đến các vấn đề xã hội. Trong đó, tập trung vào 2 vấn đề lớn là dân số, lao động việc làm, đời sống dân cư và trật tự xã hội – an toàn giao thông.

Đối với tình hình dân số, lao động việc làm và đời sống dân cư, ước tính dân số toàn thành phố năm 2014 là 7265,6 nghìn người tăng 1,9% so với năm 2013, trong đó dân số thành thị là 3553,9 nghìn người chiếm 48,9% tổng số dân và tăng 17,5%; dân số nông thôn là 3711,7 nghìn người giảm 9,6%.

Về lao động - việc làm, tính đến trung tuần tháng 11 năm 2014, toàn Thành phố đã giải quyết việc làm cho 133.159 lao động , đạt 95% kế hoạch. Uớc cả năm giải quyết 140.450 lao động, đạt 100,3%.

Về tình hình đời sống dân cư, năm 2014, do giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu không tăng nhiều, đời sống của nhân dân Thủ đô đã giảm bớt được phần nào khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 là 2,08% (năm 2013 là 2,43%). Tuy nhiên, do có sự chênh lệch tương đối nhiều về thu nhập nên sự phân hóa giàu nghèo có xu hướng gia tăng.

Đối với tình hình trật tự xã hội - an toàn giao thông, theo thống kê tháng 11 năm 2014, trên địa bàn Thành phố đã phát hiện và xảy ra 515 vụ phạm pháp hình sự (tăng 17,3% so cùng kỳ năm trước), công an khám phá được 394 vụ (tăng 21,2%), bắt giữ theo luật 184 đối tượng (giảm 60,6%). Cộng dồn 11 tháng, đã  phát hiện và xảy ra 5.281 vụ phạm pháp hình sự (giảm 1,3% so cùng kỳ năm trước), công an khám phá được 4.138 vụ (tăng 2%), bắt giữ theo luật 7.051 đối tượng (giảm 5,6%).

Tổng số vụ buôn bán, tàng trữ và vận chuyển ma tuý trong  tháng  Mười một là 34 vụ với 52 đối tượng bị bắt giữ. Cộng dồn 11 tháng có 2.500 vụ (giảm 20,7%) với 3.174 đối tượng bị bắt giữ (giảm 16,9%).

Theo thống kê, trong tháng 11, toàn Thành phố xảy ra 182 vụ tai nạn giao thông, làm 49 người chết và 179 người bị thương. Cộng dồn 11 tháng, xảy ra 1.835 vụ tai nạn giao thông, làm chết 586 người và làm bị thương 1.708 người.


Như Hoa (Theo Cục Thống kê Hà Nội)


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật